Sunday, April 26, 2009

CHIẾN LƯỢC THÂU TÓM TÀI NGUYÊN THẾ GIỚI CỦA TRUNG QUỐC

Chiến lược thâu tóm của Trung Quốc gặp trở ngại
Huỳnh Hoa

Chủ Nhật, 26/4/2009, 11:18 (GMT+7)
http://www.thesaigontimes.vn/Home/thegioi/ghinhan/17967/
(TBKTSG) - Trong lúc Mỹ cố gắng xây dựng lại mối quan hệ đã rạn nứt với các nước châu Mỹ Latin - mà nổi bật là chuyến công du kết hợp dự hội nghị cấp cao Tổ chức các nước châu Mỹ của ông Barack Obama cuối tuần qua - thì Trung Quốc đang hăng hái bước vào khu vực này, cung cấp cho các quốc gia trong vùng những khoản tiền khổng lồ đúng vào lúc họ đang chật vật vì kinh tế suy thoái, giá nguyên liệu giảm và tín dụng cạn kiệt.

Từ “ngoại giao ngân phiếu” ở châu Mỹ Latin…

Theo báo New York Times, chỉ trong vài tuần gần đây Trung Quốc đã tăng gấp đôi viện trợ phát triển cho Venezuela, từ 6 tỉ lên 12 tỉ đô la Mỹ, cho Ecuador vay ít nhất 1 tỉ đô la để xây dựng nhà máy thủy điện, ký hợp đồng hoán đổi tiền tệ với Argentina để nước này có quyền tiếp cận một số tiền nhân dân tệ Trung Quốc trị giá 10 tỉ đô la Mỹ, cho công ty dầu mỏ quốc gia Brazil Petroleo Brasileiro vay 10 tỉ đô la Mỹ nữa. Những hợp đồng cho vay hào phóng này nhằm giúp Trung Quốc chiếm giữ nguồn tài nguyên dầu mỏ khổng lồ của khu vực trong những năm sắp tới.
Khoản cho vay ở Brazil chẳng hạn, sẽ giúp công ty dầu khí quốc gia Brazil đầu tư khai thác mỏ dầu mới phát hiện ngoài khơi, đổi lại công ty này phải bán cho Trung Quốc mỗi ngày 300.000 thùng dầu thô khai thác được.
Khoản cho vay ở Venezuela cũng vậy, buộc chính phủ của ông Hugo Chavez phải nâng lượng dầu bán cho Trung Quốc từ 380.000 thùng/ngày hiện nay lên 1 triệu thùng/ngày.
Ở Ecuador, dự án nhà máy thủy điện vay vốn từ Trung Quốc phải do các công ty và công nhân Trung Quốc thực hiện; còn ở Argentina, hợp đồng hoán đổi tiền tệ là nhằm buộc nước này tăng nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc mà không phải thanh toán bằng đô la Mỹ.
Lãnh đạo của một số quốc gia trong khu vực, chẳng hạn như Tổng thống Hugo Chavez của Venezuela, tỏ ra hài lòng vì tài trợ của Trung Quốc khác hẳn tiền vay của các định chế tài chính đa phương ở chỗ không có sự ràng buộc nào về quản lý, điều hành.
Tuy vậy, đầu tư của Trung Quốc gây ra sự phản đối mạnh mẽ trong công chúng Venezuela vì nước này phải thanh toán bằng dầu mỏ giá rẻ. Luis Diaz, một nhà lập pháp của Venezuela nhận xét: “Sự tài trợ này là một cái ách quàng lên cổ nhân dân”.
Còn đối với giới quan sát, việc Trung Quốc hào phóng với các nước châu Mỹ Latin không chỉ nhằm bảo đảm nguồn cung cấp trong tương lai các sản phẩm của khu vực này như dầu mỏ, đậu nành và quặng sắt, mà còn là cách để Trung Quốc đầu tư nguồn dự trữ ngoại tệ khổng lồ của mình, thay vì chỉ tập trung vào trái phiếu Chính phủ Mỹ. Bên cạnh đó, Trung Quốc còn tỏ ra hào phóng để gia tăng ảnh hưởng chính trị tại khu vực từ lâu vẫn được coi là “sân sau” của Mỹ. Dante Sica, nhà kinh tế hàng đầu của Công ty Tư vấn Abeceb tại thủ đô Buenos Aires, nhận xét sở dĩ Trung Quốc có thể tiến mạnh vào khu vực này là nhờ “sự thiếu quan tâm của Mỹ đối với châu Mỹ Latin trong những năm cầm quyền của Tổng thống George Bush”.
Có lẽ nhận ra được sự bất bình của dân chúng, và cũng không muốn chọc tức người Mỹ ở Washington, Trung Quốc đã gia tăng sự hiện diện của mình ở châu Mỹ Latin một cách lặng lẽ. Nhưng sự im lặng đó có lẽ không kéo dài được lâu. Giáo sư Gregory Chin, khoa chính trị, Đại học York ở Toronto, Canada nhận xét: “Trung Quốc đang chơi trò chơi trường kỳ. Nếu cuối cùng những hoạt động này biến thành ảnh hưởng chính trị thì khi ấy luật chơi mới thể hiện ra”.
Sự đan kết giữa chính trị và kinh doanh trong các dự án đầu tư và cho vay của Trung Quốc ở nước ngoài - hầu hết do những ngân hàng và công ty quốc doanh thực hiện - không phải là điều gì mới. Bốn năm trước, lo ngại vì mối liên quan giữa Chính phủ Trung Quốc với doanh nghiệp nhà nước, các nhà lập pháp Mỹ đã chặn đứng vụ Công ty Dầu mỏ quốc doanh Cnooc của Trung Quốc mua lại tập đoàn Unocal Corp. của Mỹ.
Tại châu Phi, Chính phủ Trung Quốc có hẳn một chính sách ứng xử mà cốt lõi là tăng cường viện trợ cho các chính phủ bản địa để kiểm soát tài nguyên thiên nhiên. Theo báo Wall Street Journal, năm ngoái Trung Quốc đã bỏ ra 52 tỉ đô la để đầu tư hoặc mua lại các công ty nước ngoài, hai phần ba trong số đó là công ty khai khoáng; ba tháng đầu năm nay Trung Quốc đã ký kết 65 hợp đồng trị giá 23,2 tỉ đô la Mỹ, hầu như tất cả đều trong lĩnh vực khoáng sản và năng lượng.

…Đến chiến lược thâu tóm tài nguyên ở Úc


Nhưng đang sôi nổi trên báo chí quốc tế là kế hoạch của công ty nhôm Trung Quốc Chinalco đầu tư 19,5 tỉ đô la Mỹ vào tập đoàn khoáng sản lớn thứ ba thế giới Rio Tinto, liên doanh giữa Anh và Úc có trụ sở chính tại Sydney và nắm trong tay nhiều mỏ sắt, mỏ đồng quý giá của Úc và nhiều nước khác. Giới phân tích cho rằng trong kế hoạch này, Chinalco vừa theo đuổi lợi nhuận, vừa thực hiện chiến lược của Chính phủ Trung Quốc; và vì thế kế hoạch đã gây nên sự phản đối rộng khắp cả trong giới chính trị Úc lẫn trong cổ đông của Rio Tinto.
Thứ tư tuần trước, tại hội nghị thường niên của Rio Tinto, thỏa thuận ký với Chinalco đã được cổ đông đem ra phân tích và tổng giám đốc của tập đoàn, ông Tom Albanese, ra sức ủng hộ thương vụ đó. Tuy nhiên đầu tuần này, chủ tịch mới của Rio Tinto, ông Jan du Plessis, nói với hãng tin Reuters rằng, ông sẽ gặp các cổ đông chính của Rio tại London trong tháng tới và sẵn sàng hủy bỏ giao kèo với Chinalco nếu cổ đông phản đối.
Theo hợp đồng sơ bộ ký kết giữa Rio Tinto và Chinalco, công ty Trung Quốc sẽ mua một số trái phiếu chuyển đổi của Rio Tinto trị giá 7,2 tỉ đô la Mỹ và mua thêm một số cổ phần trong các mỏ sắt, mỏ đồng của tập đoàn này với giá 12,3 tỉ đô la - toàn bộ thương vụ này sẽ đưa số cổ phần của Chinalco trong Rio Tinto lên 18%.
Đề nghị của Chinalco đưa ra vào lúc Rio Tinto đang ngập sâu trong nợ nần do giá nguyên liệu giảm mạnh vì khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Năm 2007, tập đoàn này vay nợ 38 tỉ đô la Mỹ để mua lại tập đoàn nhôm Alcan của Canada và nay phải thanh toán một nửa số nợ đó, khoảng 20 tỉ đô la, trong vòng hai năm tới. Chấp nhận bán cổ phần cho Chinalco, Rio Tinto sẽ có tiền trả nợ và có thêm cơ hội tiếp cận tín dụng từ các ngân hàng quốc doanh Trung Quốc giữa lúc dòng vốn ở các nước phương Tây gần như đóng băng. Các cổ đông chính của Rio Tinto thì lo ngại rằng, thỏa thuận này ưu ái Chinalco hơn những cổ đông khác.
Tân chủ tịch Rio Tinto, ông Jan du Plessis, tâm sự: “Nếu cổ đông bỏ phiếu phản đối thỏa thuận, chắc chắn chúng tôi sẽ gặp khó khăn, và cũng chắc chắn là chúng tôi sẽ có hành động khác”. Cuối tuần qua, giới kinh doanh đã đồn đoán về những cuộc thương thảo bí mật giữa hai đối thủ Rio Tinto và BHP Billiton, có thể nhằm tìm giải pháp cho Rio Tinto nếu thương vụ với Chinalco sụp đổ.
Chính phủ Úc sẽ đưa ra phán quyết về thương vụ Rio Tinto-Chinalco vào giữa tháng 6-2009 sau khi xem xét kỹ mối quan hệ giữa Chinalco và Chính phủ Trung Quốc. Nhưng hiện nay ở Úc đang dấy lên một cuộc phản đối rầm rộ chung quanh mối quan hệ “mật thiết” với Trung Quốc. Những chính trị gia đối lập thậm chí còn lên án Thủ tướng Kevin Rudd - nguyên là một nhà ngoại giao tại Trung Quốc và thông thạo tiếng Quan thoại - là “đại sứ lưu động của Bắc Kinh”. Ông Bộ trưởng Quốc phòng Úc cũng bị phê phán vì đã không khai báo về hai chuyến du lịch Trung Quốc do một công ty Trung Quốc đài thọ khi ông còn là một nghị sĩ đối lập. Cả ông Thủ tướng và ông Bộ trưởng đều bảo vệ mối quan hệ của họ với Trung Quốc.
Trong một chương trình truyền hình phản đối thương vụ này, Thượng nghị sĩ Barnaby Joyce hỏi thẳng: “Chính phủ Úc sẽ không bao giờ được phép mua một mỏ quặng Trung Quốc. Thế thì tại sao chúng ta lại cho phép Chính phủ Trung Quốc mua và kiểm soát một tài sản chiến lược của đất nước chúng ta?”.
Cũng trong chiều hướng chống đối kế hoạch thâu tóm các mỏ quặng lớn của Úc, Chính phủ Úc mới đây đã ngăn chặn vụ Công ty Minmetals của Trung Quốc mua lại Công ty Oz Minerals - nhà sản xuất thiếc lớn thứ hai thế giới - với giá 1,9 tỉ đô la Mỹ vì mỏ thiếc Prominent Hill của công ty này nằm cạnh một căn cứ thử nghiệm vũ khí nhạy cảm của quân đội Úc. Tại một thương vụ khác, Công ty sắt thép Valin tỉnh Hồ Nam - được sự tài trợ của tập đoàn đầu tư nhà nước Trung Quốc CIC - quyết định mua lại Công ty khai thác mỏ sắt Fontescue Metals; nhưng cơ quan thẩm định đầu tư nước ngoài của Úc chỉ cho phép Valin được mua tối đa 17,5% cổ phần của Fontescue mà thôi.
Chiến lược thâu tóm các nguồn tài nguyên dầu mỏ và khoáng sản ở nước ngoài của Trung Quốc diễn ra vào một thời điểm rất thuận lợi khi giá nguyên liệu giảm, giá cổ phiếu rơi gần chạm đáy và tín dụng cạn kiệt do các nền kinh tế lớn bị khủng hoảng, nhưng những ý đồ chính trị đằng sau những thương vụ này đã gây nên những làn sóng phản đối ở khắp nơi mà người Trung Quốc, có thể chưa hình dung hết.
(Tổng hợp)

---------------------------------

NDRC - Ủy ban Phát triển và Cải cách quốc gia, một cơ quan trực thuộc Chính phủ Trung Quốc có tiếng nói gần như quyết định trong các thương vụ đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp nước này. Khi có hai hay nhiều doanh nghiệp Trung Quốc cùng muốn mua một tài sản nào đó ở nước ngoài nhưng phù hợp với lợi ích chiến lược của Trung Quốc thì NDRC sẽ đứng ra chọn một doanh nghiệp đại diện cho Trung Quốc và tạo điều kiện để doanh nghiệp đó hoàn thành thương vụ.
Tháng 10-2007, tập đoàn khoáng sản BHP Billiton của Úc - công ty khoáng sản lớn nhất thế giới - quyết định “thôn tính” đối thủ cạnh tranh là Rio Tinto. Nếu thành công, thương vụ này sẽ sáp nhập hai nhà sản xuất quặng sắt lớn thứ hai và thứ ba thế giới thành một đại công ty có đủ khả năng áp đặt giá sắt thép cho thị trường thế giới và điều đó làm Trung Quốc - đất nước đang cần nhiều sắt thép để xây dựng nhà máy, sản xuất xe hơi và xây cao ốc - hết sức lo ngại.
Báo Wall Street Journal dẫn các nguồn tin am hiểu vấn đề cho biết, Chính phủ Trung Quốc đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp một số tập đoàn nhà nước cỡ lớn dưới sự chủ trì của NDRC để tìm cách ngăn chặn vụ sáp nhập này. Các tập đoàn dự họp có tập đoàn nhôm Chinalco, tập đoàn thép lớn nhất Baosteel Group, tập đoàn than lớn nhất Shenhua Group và Ngân hàng Phát triển Trung Quốc.
Lúc ấy Rio Tinto đang cần một vị cứu tinh. Ông Xiao Yaqing - Chủ tịch Chinalco và là người đã từng có nhiều cuộc thảo luận với Rio Tinto về các mỏ bauxite của Úc - quyết định mua thật nhiều cổ phần của Rio Tinto. Một sự đầu tư như vậy có hy vọng thực hiện được ý đồ của Chính phủ Trung Quốc là ngăn cản thương vụ của BHP và thúc đẩy những nỗ lực của Chinalco nhằm đa dạng hóa hoạt động ra ngoài Trung Quốc và ra ngoài ngành nhôm. Ông Xiao đã tìm tới sự tài trợ của Ngân hàng Phát triển Trung Quốc do con trai của một vị từng là phó của lãnh tụ Đặng Tiểu Bình điều hành và Công ty tài chính Quốc tế Trung Quốc do con trai của cựu Thủ tướng Chu Dung Cơ điều hành. Ông ta cũng thuê Ngân hàng đầu tư Lehman Brothers lập kế hoạch mua cổ phần của tập đoàn Rio Tinto.
Baosteel và các tập đoàn khác cũng nhắm tới vụ này nhưng NDRC chọn kế hoạch của Chinalco và Chinalco cũng hợp tác với tập đoàn nhôm Alcoa, Mỹ. Kế hoạch của họ là mua đủ số lượng cổ phần để chi phối thương vụ BHP-Rio Tinto, trong đó Alcoa chỉ giữ một phần nhỏ.
Sau khi thị trường chứng khoán đóng cửa ngày 31-1-2008, các nhà môi giới của Lehman Brothers phải làm việc thâu đêm để thu gom cổ phiếu của Rio Tinto trong lúc ông Xiao ngồi trước bảng điện tử, không ăn uống nổi vì quá lo lắng - sau này ông nói với phóng viên như vậy. Khi ấy, họ đã bỏ ra 14 tỉ đô la Mỹ để nắm giữ 9% tổng số cổ phiếu của Rio Tinto và trở thành cổ đông có nhiều cổ phần nhất. Đó cũng là vụ đầu tư cổ phiếu ở nước ngoài lớn nhất của một công ty Trung Quốc cho tới thời điểm ấy.
Tuy vậy, cổ phần của Chinalco trong Rio Tinto vẫn còn quá nhỏ, không đủ sức ngăn cản thương vụ của BHP; Chinalco phải thuê công ty vận động hành lang (lobby) Hawker Britton tiếp cận Thủ tướng Úc Kevin Rudd; đồng thời vận động Chủ tịch của Rio Tinto lúc ấy là Paul Skinner tìm cách từ chối đề nghị sáp nhập mà BHP đưa ra: đổi 3,4 cổ phiếu của BHP để lấy 1 cổ phiếu của Rio Tinto.
Dịp may đã đến vào tháng 11 năm ngoái, tập đoàn BHP quyết định từ bỏ việc thôn tính Rio Tinto. Nhưng rồi sự xuống dốc không phanh giá cổ phiếu của Rio Tinto khiến cho ông Xiao như ngồi trên đống lửa, có lúc số tiền đầu tư 14 tỉ đô la Mỹ chỉ còn chưa tới 10 tỉ đô la.
Tháng 12-2008, Rio Tinto hết sức lo lắng về khoản nợ 38 tỉ đô la mà Rio đã vay để mua lại tập đoàn nhôm Alcan tháng 7-2007; đến tháng 10-2009 phải thanh toán 8,9 tỉ đô la của món nợ đó. Lúc này, cuộc khủng hoảng tài chính đang hoành hành dữ dội trên thị trường Wall Street, Ngân hàng Lehman Brothers đã sụp đổ, tập đoàn AIG ngấp nghé bờ vực phá sản và những đại gia tài chính khác phải nhờ vào sự cứu nguy của Chính phủ Mỹ để tồn tại.
Trong tình hình đó, theo một nguồn tin của báo WSJ, giám đốc điều hành mảng chiến lược của Rio Tinto, Douglas Ritchie, đã thảo luận với Wang Wenfu, trưởng chi nhánh của Chinalco tại Úc, tìm cách tiếp cận nguồn tín dụng của các ngân hàng Trung Quốc. Cuộc gặp gỡ giữa hai người này đã mở màn cho việc thương lượng và tiến tới hợp đồng sơ bộ hồi tháng 2-2009, theo đó Chinalco sẽ bỏ ra 19,5 tỉ đô la để nắm giữ 18% cổ phần của Rio Tinto.
Phó chủ tịch của Chinalco, ông Lu Youqing, cho biết: “NDRC rất lo lắng về khoản đầu tư thứ hai này. Chúng tôi cần chứng minh cho họ thấy rằng nó có thể mang lại lợi nhuận”. Vài ngày sau vụ ký kết hợp đồng sơ bộ với Rio Tinto, ông Xiao Yaqing, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc, kiêm Bí thư đảng bộ Đảng Cộng sản của tập đoàn Chinalco được đề bạt lên chức Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trung Quốc; ông đã thôi giữ chức Chủ tịch Chinalco và sẽ thôi giữ chức Tổng giám đốc tại đại hội thường niên của Công ty Chinalco vào ngày 26-5 sắp tới.
Tại thời điểm này chưa ai biết thương vụ Chinalco-Rio Tinto có hoàn thành được hay không nhưng giới quản trị tập đoàn Rio Tinto không loại trừ khả năng sự dính líu của Chinalco sẽ ngày càng tăng. Được hỏi liệu Chinalco có kế hoạch một ngày nào đó sẽ mua trọn Rio Tinto hay không, Phó chủ tịch Lu chỉ cười: “Có thể không bao giờ chúng tôi làm chuyện đó, nhưng ai biết được điều gì sẽ xảy ra sau 10 năm nữa”.
(Theo Wall Street Journal)


No comments: