Thursday, April 23, 2009

CÁI KHÓ CỦA OBAMA VÀ CỦA VIỆT NAM

Cái khó của Obama và của Việt Nam
Lê Diễn Đức

24/04/2009 4:00 sáng
http://www.talawas.org/?p=3287
Chỉ còn mấy hôm nữa là tới ngày thứ 100 trên ghế tổng thống của ông Barack Obama, tính từ ngày nhậm chức chính thức 20/01/2009.
Tổng kết 100 ngày đầu tiên hầu như đã thành thông lệ, thường được bình luận nhiều nhất với nguyên thủ các cường quốc. Từ nay đến tuần sau, chắc chắn chúng ta sẽ đón nhận thêm nhiều bài bình luận thú vị của báo chí thế giới.

Hôm nay xin giới thiệu với bạn đọc một số vấn đề đang cộm nhất, ngoài vấn đề kinh tế, đang đặt tổng thống Obama vào thế tiến thoái lưỡng nan, do các tờ báo lớn và có uy tín hàng đầu trên thế giới đưa ra cùng đôi lời nhận định của người viết về Việt Nam trong bối cảnh chung:

1. The New York Times : Xung khắc với Israel
Chính phủ Hoa Kỳ và các nước châu Âu sẽ nhượng bộ các điều kiện mở đàm phán với Iran, đó là đòi Iran phải ngừng chương trình làm giàu chất uranium. Sự nhượng bộ mang tính cơ bản vì chính phủ của cựu tổng thống W. Bush trước đây coi điều kiện này là tiên quyết. Lập trường của chính phủ Barack Obama gây nên bực bội đối với chính phủ Israel, một đồng minh thân cận và chiến lược quan trọng của Hoa Kỳ, đang được lãnh đạo bởi thủ tướng mới tái đắc cử Beniamin Netanjah, người có chủ trương cứng rắn.

2. The Daily Telegraph : Một châu Âu vô ơn
Tổng thống Barack Obama đã từng thuyết phục công chúng Hoa Kỳ rằng, không có sự bỡ đợ và khiêm nhường nào từ phía Washintong sẽ mang lại thay đổi đáng kể trong quan hệ với các nước Tây Âu, chính yếu là Pháp và Đức. Đúng vậy! Chuyến đi thăm châu Âu đầu tháng 4 của tổng thống Obama vừa qua cho thấy, dù hôm nay có một tổng thống Hoa Kỳ theo đúng mong muốn của mình, châu Âu chẳng để cho Obama có cơ hội thay đổi nào đáng kể qua những tuyên bố khiêm nhường, tự chế và thiện chí bình đẳng đối thoại của ông. Những người trong nội các của Obama giờ đây suy nghĩ rằng, phải chăng cựu bộ trưởng quốc phòng (của thời tổng thống W. Bush) Donald Rumsfeld có lý khi nói về Tây Âu rằng, lẩn tránh việc tham chiến quân sự để bảo vệ các giá trị phương Tây, Tây Âu đã tự gạt mình ra ngoài lề.

3. Herald Tribune : Thách thức trước Trung Quốc
Cũng như tất cả các tổng thống Hoa kỳ từ sau Thế chiến II, Barack Obama muốn và thậm chí cố gắng củng cố vai trò của Hoa Kỳ như một nhà lãnh đạo thế giới. Trong con mắt của những nhà lãnh đạo của Trung Nam Hải, điều này xung đột với các quyền lợi chiến lược của họ. Tuy nhiên, Bắc Kinh cũng cho rằng, khác với W. Bush, Barack Obama có cách nhìn khác hơn về sức mạnh và ảnh hưởng của Hoa Kỳ, như “hard power” (bạo lực/can thiệp quân sự) đối trọng với “soft” (mềm mỏng) và “mart power” (trí lực/ngoại giao), thuyết phục, đối thoại thay vì áp đặt bằng sức mạnh. Từ rất lâu, Trung Quốc đã cố gắng theo dõi và theo đuổi một tiềm lực mạnh để hiểu rằng, Hoa Kỳ luôn luôn giành được tiềm lực đó dưới thời những vị tổng thống có sức lôi cuốn như John Kennedy hay Ronald Reagan. Hôm nay họ có Barack Obama.

4. The Guardian : Xung khắc với Vatican
Trong thực tế, Vatican đã bác bỏ ba ứng viên vào chức đại sứ Hoa Kỳ tại Vatican. Trong số đó có Caroline Kennedy, người làm Giáo Hoàng không thể chấp nhận do có những phát biểu ngược lại với quan điểm của Giáo hội công giáo về nạo thai. Đây cũng là màn tiếp theo trong chuỗi sự kiện xung khắc giữa chính phủ Hoa Kỳ của tổng thống Barack Obama, nhất là sau khi ông huỷ bỏ hai bộ luật của người tiền nhiệm W. Bush cấm ngân sách của nhà nước bảo trợ các chương trình phá thai và cấm nghiên cứu nhân bản tế bào gốc của con người.

5. Wall Street Journal : Tấn công mạnh hơn quân cướp biển
Nếu như chính phủ của Obama không nhanh chóng chứng tỏ rằng, bọn hải tặc và những quốc gia du đãng sẽ phải trả giá cao cho việc bắt cóc công dân Hoa Kỳ làm con tin, thì bi kịch như tàu “Maersk Alabama” có thể lặp lại rất nhanh trong thời gian gần. Tất nhiên, chúng ta không phản ứng lại bằng các phương pháp của thời Ý Trung Cổ, đó là đóng đinh bọn thủ phạm lên cây thập tự, nhưng hoàn toàn có thể cho đánh bom thành phố Eyl của Somalia, hang ổ của quân hải tặc. Luật pháp của Hoa Kỳ xác định rõ ràng rằng, hải tặc tấn công tàu biển của Hoa Kỳ sẽ bị kết án tù chung thân.

Lời bàn của người viết:

Vấn đề đặt ra của Wall Street Journal hoàn toàn chính xác. Cách đây vài ngày, tổng thống Barack Obama đã tuyên chiến quyết liệt với hải tặc để bảo vệ tàu và công dân Hoa Kỳ.
Thế nhưng, nếu hải tặc khôn ngoan, “tránh voi chẳng hổ mặt nào”, chuyển hướng tấn công chỉ vào tàu chở hàng của các quốc gia không có phương tiện phòng vệ trên các đại dương xa xôi, thế giới sẽ phải tính sao? Hợp tác với Hoa Kỳ, Pháp, Đức? Bằng phương thức nào?

Việt Nam đang muốn “vươn ra biển lớn” nhưng với chiếc thuyền buồm đơn sơ, vừa nhỏ bé về kinh tế, vừa yếu kém về quân sự (mặc dù rất tự hào rằng, cách đây mấy chục năm đã từng đánh thắng ba đế quốc lớn!) lại chẳng có người bạn lớn tin cậy nào. Trong trường hợp công dân mình lâm nạn trên biển, Hà Nội sẽ trông cậy vào ai? Nơi duy nhất có thể nhờ vả là Bắc Kinh. Thế nhưng, anh Hai Tàu khi có biến cố xảy ra cách bờ biển mình hàng vạn dặm, ốc chưa lo nổi mình ốc làm sao giúp sên? Vả lại, cam tâm làm kiếp chư hầu rồi mà Hà Nội vẫn cứ bị anh Hai Tàu đá đít, bóp mũi, bạt tai liên tục ngoài đảo Hoàng Sa, Trường Sa, thầy tớ ở Ba Đình vẫn ôm nhau im thin thít chịu trận cơ mà! Cái kiếp ô nhục, chỉ vì muốn giữ quyền lực, quyền lợi của mình, của đảng, bán rẻ lương tâm, danh dự, hồn thiêng sông núi của cha ông và chà đạp nhân quyền, dân chủ thì người tử tế ai dám chơi thiệt tình, cứu mình trong lúc lâm nguy?

Tôi nhớ lại Guy Sorman, giáo sư chính trị xã hội Pháp đã có lần viết rằng, nếu không có lực lượng hải quân hùng hậu của Hoa Kỳ trên các đại dương, hàng triệu container hàng hoá lưu thông bằng đường biển sẽ bị hải tặc làm mưa làm gió.

Người ta thích con cái được vào các trường đại học danh tiếng của Mỹ, kể cả tầng lớp trung lưu và giàu có người Việt hiện nay, chuộng xài hàng Mỹ, nhưng lại (ra bộ?) chống Mỹ hay ít ra thì tỏ thái độ không thích. Vì ganh tỵ, vì mặc cảm thua kém, hay chạy theo thời trang chính trị? Một tờ báo Đức vào thời của tổng thống Pháp không ưa Mỹ là Jacques Chirac, có ví nước Pháp như anh lùn mà lại thích chơi bóng rổ.
Phải chăng nhiều người đã đồng nghĩa đất nước Mỹ 300 triệu người của mọi sắc tộc với hình ảnh của vị tổng thống “cao bồi” hung hăng George W. Bush?

Nếu không có sự hy sinh lớn lao về người và vật chất của người Mỹ, cùng quân đồng minh đánh bại phát xít Đức, giải phóng châu Âu và chương trình tái thiết Marshall, liệu có được Pháp, Đức và cả Tây Âu thịnh vượng ngày nay? Nếu không có phong trào phản chiến của nhân dân Mỹ yêu chuộng hoà bình, buộc quốc hội Mỹ phải đình chỉ viện trợ quân sự cho chính phủ Sài Gòn, liệu cuộc chiến tranh Việt Nam kết thúc vào năm 1975?

Trong cuốn sách gần đây với tựa đề “Made in USA“, Guy Sorman viết: “Trong thời buổi có xu hướng chống lại Mỹ hiện nay, không đòi hỏi chúng ta yêu Mỹ, chỉ cần đừng nhìn Mỹ với con mắt căm thù”.

Dù sao thế giới vẫn rất cần đến Mỹ, chính xác hơn là không thể không có Mỹ. Nếu không có nước Mỹ, nhân loại phải tạo ra một nước Mỹ khác - Guy Sorman đã nhận định như thế.

© ledienduc.wordpress.com
© Talawas Blog


Nguồn: Tin của các báo nước ngoài được dịch và biên soạn theo Tuần báo WPROST, một trong 4 Tuần báo hàng đầu tại Ba Lan, số 17, ngày 26/04/2009.

No comments: