Saturday, April 18, 2009

BA ANH EM NHÀ BÁC SĨ

Ba anh em nhà bác sĩ
Trung Ðỗ/Người Việt
Thursday, April 16, 2009
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=93564&z=3

Từ đức nghiệpcủa người cha đếnthành côngcủa ba người con

Kỳ tích về khả năng giải phẫu độc đáo của ba anh em bác sĩ họ Nguyễn ở San Jose, mà giới y khoa Hoa Kỳ và thế giới thán phục, chỉ mới nổi lên chưa đầy một năm nay. Nhưng người Việt Nam nào biết chuyện thì hẳn sẽ nói rằng đức nghiệp của gia đình này đã bắt đầu từ lâu, lúc người bố của họ lập mưu cứu đồng đội khỏi nanh vuốt Cộng quân tại cánh rừng cao su Lộc Ninh hồi thập niên 1970.
Tạp chí y khoa M.D. News của vùng vịnh San Francisco có bài tường thuật trang đầu trong số ra Tháng Ba, 2009 về ba anh em bác sĩ cùng làm việc tại một bệnh viện ở San Jose. Ðó là Nguyễn Thế Triều Huy, Nguyễn Thế Thiên Năng, và Nguyễn Thế Long Richard, là những người tiên phong trong ngành giải phẫu chỉ xẻ một lỗ nhỏ trên cơ thể bệnh nhân để thực hiện một ca mổ lớn, mà nếu là các bác sĩ khác thì phải rạch một đường dài hoặc mổ banh ổ bụng.

Bố của họ, Bác Sĩ Nguyễn Thế Thứ, cựu trung tá nhảy dù QLVNCH, từng đi nhận tù binh sau Hiệp Ðịnh Paris. Bấy giờ Cộng quân cố ý không giao trả hết tù binh, bí mật giữ lại sĩ quan ngoài danh sách trao đổi. Việc gặp bộ đội Bắc Việt để đem đồng đội về, đáng lý cũng bình thường như những công tác khác trong thời chiến của một sĩ quan yêu nước và có trách nhiệm với quân đội. Ðiều đáng khâm phục nơi Trung Tá Thứ là cách ông lập mưu, cương quyết đối đầu và giằng co với các sĩ quan Bắc Việt gian xảo trí trá trên phần đất Cộng Sản chiếm đóng, để cứu cho bằng hết số binh sĩ bị địch quân giam giữ.
Vụ sĩ quan trưởng phái đoàn Nguyễn Thế Thứ lập kế để Việt Cộng lộ ra trường hợp Ðại Tá Vĩnh còn bị mật giam, liền đó dùng “Ủy Ban Bốn Bên” lập biên bản áp lực, lấy được ông Vĩnh khỏi tay Cộng quân, đem về tổng y viện Cộng Hòa, là một trong những câu chuyện còn lưu lại của QLVNCH mà nhiều người gốc Việt tại Hoa Kỳ biết rõ.

Phóng viên nhật báo Người Việt đến gặp người sĩ quan cứu người ngày xưa, nay về hưu đã được hai năm, thì ông không còn nhớ rõ họ tên người thọ ơn mình. Trung Tá Nguyễn Thế Thứ không cho đó là việc cần nhắc tới nhiều, nhưng hẳn là Ðại Tá Vĩnh và nhiều nhân chứng khác không quên câu chuyện trên.
Trở lại câu chuyện hôm nay, phòng khám Advanced Surgical Associates sát cạnh bệnh viện Regional Medical Center ở San Jose, là nơi Bác Sĩ Nguyễn Thế Triều Huy gầy dựng cho ba người một nhà, cùng tiên phong phát triển ngành giải phẫu “một lỗ” tại vùng vịnh.

Ba anh em nhà bác sĩ này đề ra và áp dụng kỹ thuật nội soi tân tiến mới nhất trong ngành y khoa. Họ dùng dụng cụ vi phẫu thuật, kỹ thuật quang học, và thiết bị quan sát qua màn hình, để có thể rạch một đường rất nhỏ mà vẫn có thể soi khám, mổ xẻ bóc tách bên trong cơ thể bệnh nhân.
Bác Sĩ Huy cho hay, “Thay vì phải mổ một đường dài, hoặc đục nhiều lỗ trên bụng, nay chỉ cần tạo một lỗ nhỏ.”
Anh giải thích, “Với cách này, vết xẻ chỉ khoảng 1cm ở vùng rốn, khi khâu lại thì đường mổ thụt vào trong, không để lại sẹo và vết thương lớn trên cơ thể.”
“Hiện nay 80% các ca mổ chúng tôi thực hiện qua đường nội soi. Thay vì là một ca mổ lớn, chịu chấn thương nặng, đau đớn, và lâu hồi phục thì nay chỉ cần qua đêm hoặc ngày hôm sau là bệnh nhân có thể xuất viện, về nhà khỏe mạnh.”
Bác Sĩ Nguyễn Thế Long Richard, em của Bác Sĩ Nguyễn Thế Triều Huy, nhận xét về phương pháp giải phẫu nội soi:
“Kỹ thuật mới cho phép thực hiện ca mổ lớn mà bệnh nhân không phải âu sầu lo lắng,” và anh nói thêm, “Sẽ tốt hơn cho tâm lý người bệnh. Thêm vào đó, mổ xong không bị sẹo xấu.” Bác Sĩ Long nói rằng hiện giờ chưa có nhiều bác sĩ đủ khả năng theo kỹ thuật này.

Trong khi Nguyễn Thế Triều Huy thường xuyên đứng phòng mổ tại Regional Medical Center, bài viết của M.D. News xác nhận rằng anh là bác sĩ giải phẫu đầu tiên vùng bờ biển phía Tây nước Mỹ có khả năng đặc biệt, chỉ dùng một vết rạch nhỏ duy nhất, không để lại sẹo thấy bằng mắt thường.
Bác Sĩ Huy cho rằng mổ theo cách “chỉ dùng một đường rạch nhỏ” sẽ là xu hướng giải phẫu của tương lai. Anh nhận định, “Hiện giờ kỹ thuật này còn mới mẻ. Chúng tôi rất hứng thú đi tiên phong và hy vọng rằng trong vòng năm năm nữa thôi, tiến bộ này sẽ áp dụng rộng rãi trong y khoa.”
Ngoài kỹ thuật đặc biệt gọi nôm na là giải phẫu “một lỗ,” Bác Sĩ Huy còn có một tiến bộ khác: Xạ trị ngực từng phần.
“Với kỹ thuật này, bệnh nhân ung thư vú trước nay bị chiếu tia phóng xạ từ ngoài vào toàn bộ ngực trong sáu tuần, nay tôi sẽ đặt một ống thông chế tạo riêng vào vùng ung thư trong thời gian mổ, rồi cho tia xạ trị đi từ trong ra ngoài,” Bác Sĩ Huy giải thích. Dù có nói rõ phương pháp này khá kén người, không phải trường hợp nào cũng áp dụng được, nhưng Bác Sĩ Huy công nhận cách mới chỉ cần năm ngày là đủ, và tổng cộng hai tuần là xong đợt trị liệu ung thư.

Tiên phong, thành công, và không giữ riêng cho mình

Tháng Mười năm 2008, Bác Sĩ Nguyễn Thế Triều Huy tiến hành ca mổ đầu tiên cho một bệnh nhân Việt Nam, 67 tuổi bằng phương pháp nội soi. Ðến ca thứ ba thì đài truyền hình ABC-7 và báo chí trong vùng bắt đầu đổ xô vào loan tin.
Người ta có thể vào trang mạng YouTube đánh chữ “Dr. Huy Nguyen” để xem ca giải phẫu của Bác Sĩ Huy, do đài truyền hình ABC-7 vùng San Francisco quay lại, cũng như các cuộc phỏng vấn của đài truyền hình Việt Ngữ SBTN thực hiện tại phòng khám ở San Jose.
Dù phương pháp mổ mới đã mau chóng mang lại thành công cho mình, tuy nhiên Bác Sĩ Huy vẫn không nghĩ rằng mình có thể kiếm được lợi lộc gì nhờ phương pháp này.
Anh nói:
“Ðơn thuần chỉ là vì yêu chuộng sự tiến bộ mới mẻ trong y khoa, nhằm đem đến điều tốt đẹp cho bệnh nhân.”
“Ðây là vinh dự đến bất ngờ vì bấy giờ tôi chỉ nghĩ đến ích lợi cho bệnh nhân,” bác sĩ nhớ lại. Không kể nhiều về các vinh dự, ông nhấn mạnh rằng sự cạnh tranh trong tiến bộ y khoa làm các bác sĩ thêm mệt nhưng rất tốt cho người bệnh.

Không có bệnh nhân nào gặp nguy hiểm với cách giải phẫu mới. Các ca mổ đều rõ ràng là hoàn tất mỹ mãn. Trong các tháng qua ba bác sĩ cũng không bị đồng nghiệp cùng giới chỉ trích được điểm nào. Vì thế cộng đồng y khoa Hoa Kỳ càng nhanh chóng để ý đến, cho đây là sự tiến bộ và khác biệt đáng kể trong ngành giải phẫu.
Hiện nay, Nguyễn Thế Triều Huy là bác sĩ giải phẫu bận rộn nhất Santa Clara County, với khoảng 750 ca một năm. Nếu cộng chung, ba anh em nhà bác sĩ này đã mổ khoảng 1,500 bệnh nhân theo phương pháp nội soi mới.
Ðồng hương gốc Việt có thể đoán sự thành công đem đến cho các anh em bác sĩ họ Nguyễn nhiều danh dự lẫn tiền bạc. Nhưng Nguyễn Thế Triều Huy không giữ bí quyết riêng hay khả năng độc quyền trong nghề nghiệp cho mình và nội bộ gia đình.

Trong Tháng Tư năm nay, Bác Sĩ Nguyễn Thế Triều Huy sẽ đến dự cuộc hội thảo của Hội Giải Phẫu Nội Soi Thế Giới tại Phoenix, Arizona, và dạy kỹ thuật mới cho 100 bác sĩ ưu tú của Nhật. Cũng trong dịp này, anh sẽ cùng ba bác sĩ Mỹ khác thuyết trình đề tài này với toàn bộ y giới Hoa Kỳ.
Hiện nay, ngoài việc mổ trung bình hai ca mỗi ngày, Bác Sĩ Huy còn phải dành thì giờ đóng vai chuyên gia cho hai công ty dụng cụ y tế, làm việc thường xuyên với hơn 70 kỹ sư chế tạo, và thử nghiệm cũng như điều chỉnh các thiết bị sản xuất thử. Do đó, lịch làm việc của Bác Sĩ Huy khá bận rộn.
“Có khoảng 10-20% số bác sĩ thật sự khéo tay theo nổi cách giải phẫu mới, cho nên tôi muốn mau chóng làm ra các y cụ phổ thông dễ sử dụng cho ngay cả các bác sĩ giải phẫu bình thường,” bác sĩ trẻ này nói.
Ngoài ra, theo tiết lộ riêng, các dụng cụ đó khá tốn kém cho bác sĩ và bệnh viện, nhưng nếu so với trường hợp mổ thường như trước đây thì toàn bộ chi phí - từ mổ xẻ, đến săn sóc hậu phẫu, rồi tiến trình hồi phục - vẫn rẻ hơn cho bệnh nhân. Và đó là một trong các lý do để Bác Sĩ Nguyễn Thế Triều Huy làm việc hết mình hầu quảng bá và chuyển giao nhanh chóng phương pháp mới cho y khoa.

Ba anh em bác sĩ, từ trái, Nguyễn Thế Triều Huy, Nguyễn Thế Thiên Năng và Nguyễn Thế Long Richard. (Hình: Gia đình cung cấp)
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/articlefiles/93564-medium_NVHN-090415-BaBacSi%201.jpg

Nguyễn Thế Triều Huy, Nguyễn Thế Thiên Năng, và Nguyễn Thế Long Richard, ba anh em đều là bác sĩ giải phẫu nội soi tiên phong, như đã nói. Cô chị cả Nguyễn Xuân Thuyên, cũng là một bác sĩ, đang làm việc ở Westminster, Orange County. Người em út Nguyễn Thế Phan Daniel đang là một sinh viên y khoa.
Tất cả đều lây đam mê y khoa từ bố, ông Nguyễn Thế Thứ, thuộc khóa 4 phụ 110 trường sĩ quan Ðà Lạt. Một người bạn đồng khóa của ông Thứ là nhà văn Giao Chỉ Vũ Văn Lộc, nói rằng chính ông trung tá đã làm gương cho các con.

Bác Sĩ Nguyễn Thế Thứ và vợ, bà Ngô Xuân Phương. (Hình: Trung Ðỗ/Người Việt)
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/articlefiles/93622-medium_NVHN-090415-BaBacSi%202.JPG

Năm 1975, sau khi miền Nam bị Cộng Sản Bắc Việt tiến chiếm, ông Thứ cùng vợ là bà Ngô Xuân Phương đem ba người con di tản lúc đang mang thai đứa thứ tư. Qua Mỹ sinh con xong khoảng một năm thì ông Nguyễn Thế Thứ đi học lại, lấy bằng trung học ở Mỹ và học tiếp, tốt nghiệp cử nhân. Sau đó ông trở thành một trong các bác sĩ chỉnh xương gốc Việt đầu tiên tại Mỹ, và tiếp đó lấy thêm bằng tiến sĩ dinh dưỡng học.
Nguyễn Thế Triều Huy, 13 tuổi lúc di tản, nói đến hoàn cảnh gia đình và tâm tình: “Tôi hơn Nguyễn Thế Thiên Năng là người em kế 8 tuổi, và hơn Nguyễn Thế Long Richard 12 tuổi. Là anh lớn, tôi chứng kiến bố siêng năng, tận tụy và quyết tâm, và rồi thấm thía cách suy nghĩ của bố.”
Anh kể với nhật báo Người Việt, “Chứng kiến bố làm lại từ đầu khi di tản sang Mỹ, học lại trung học, đại học, rồi theo y khoa, tôi tâm niệm con trai lớn phải làm đầu tàu lo mọi sự trong gia đình.” Thế nên bấy giờ, “tôi muốn có một nghề vững chắc để sinh nhai mà lại có cơ hội giúp người.”
Ðến khi trưởng thành, “tôi quyết định chọn ngành y, vì nhận ra thân phận con người mỏng manh nên càng muốn theo con đường phò sự sống,” Nguyễn Thế Triều Huy chia sẻ.
Sau đó các em trong nhà cũng theo gương bố và anh, quyết chí theo y khoa.
Hiện giờ, cả ba bác sĩ này đều làm chung tại cơ sở phòng khám Advanced Surgical Associates, là thành viên của bệnh viện Regional Medical Center ở San Jose, cũng như nhiều bệnh viện khác.
Về lý do theo ngành nội soi, Bác Sĩ Huy kể rằng ban đầu anh giải phẫu tổng quát, mổ các nội tạng vùng bụng. Nhưng càng về sau càng nghĩ đến những phiền toái và chấn thương mà bệnh nhân phải chịu khi giải phẫu cơ thể với vết mổ lớn, thời gian nằm bệnh viện và hồi phục lâu, “cho nên mới quyết tâm chế ra phương pháp mới,” theo lời bác sĩ.
“Tôi khám phá ra giải phẫu là thiên hướng của mình. Trước đây tôi luôn giỏi thể thao, thế nên khả năng phối hợp giữa tay và mắt giúp tôi vượt trội so với các bạn đồng khóa cùng là bác sĩ nội trú bệnh viện ở New York,” anh nhớ lại.
Người em kế của Bác Sĩ Huy, Nguyễn Thế Thiên Năng, nói anh yêu thích y khoa giống anh mình, và cũng học chung trường y giống anh. Tốt nghiệp bác sĩ năm 1998, ngoài việc học thêm giải phẫu ở nhiều bệnh viện lừng danh và đông bệnh nhân nhất nước Mỹ, kể cả Westchester Medical Center, Bác Sĩ Năng còn được huấn luyện nội soi ở Pascak Valley Hospital và săn sóc đặc biệt tại St. Joseph Hospital ở Patterson, New Jersey.
Bác Sĩ Năng chuyên về giải phẫu gan, dùng kỹ thuật cắt lọc tiên tiến nhất để chữa các ca ung thư gan.

Năm 2004, Nguyễn Thế Thiên Năng cùng về Advanced Surgical Associates với anh mình. Bác Sĩ Năng nói rằng anh rất vui, vì “anh Huy đã lập cơ sở sẵn rồi, và tôi có thể về gần nhà, gần gia đình.”
Khi phòng khám đang lên, người em áp út Nguyễn Thế Long Richard còn đang bận bịu đèn sách theo y nghiệp như các anh. Hoàn tất kỳ nội trú bác sĩ giải phẫu tổng quát tại Henry Ford Hospital ở Detroit, Michigan, anh được học bổng để đến năm 2007 tốt nghiệp chuyên khoa tại Vanderbilt University Medical Center ở Nashville, Tennessee. Kế đó, Bác Sĩ Long gia nhập y viện chỗ hai anh đang làm.
Nguyễn Thế Long Richard cũng là một bác sĩ có khả năng đặc biệt khi áp dụng kỹ thuật nội soi giống hai người anh.
Dĩ nhiên, làm việc với anh em một nhà không phải lúc nào cũng tốt. “Cùng làm với các anh lớn có cái hay mà cũng có điều bất tiện,” Bác Sĩ Huy cho biết. “Nhưng đối với tôi, chủ yếu là sự tín cẩn. Tôi tin tưởng các em. Tôi muốn thấy thấy hai em làm việc tốt và thành công.”
“Tình anh em có thể gây khó khăn cho loại công việc ở mức chuyên nghiệp cao. Có lúc chúng tôi bất đồng, nhưng kinh nghiệm học từ các anh là vô giá,” Nguyễn Thế Long Richard nói thêm.
“Mỗi người trong chúng tôi có một cá tính riêng,” theo Bác Sĩ Huy. “Long thuộc loại cởi mở, Năng thì nghiêm túc, còn tôi thì đứng giữa. Nhưng cả ba anh em khá hòa hợp.”
“Vì hành nghề tư nhân, chứ không phải như các y viện quy mô, thế nên chúng tôi theo sát bệnh nhân từ lần khám đầu tiên cho đến khi mọi chuyện xong, chứ không phải mổ theo hợp đồng rồi phủi tay,” là lời kết luận của Bác Sĩ Huy. “Ðây là y nghiệp, và chúng tôi sống cũng như làm việc với nghề liên tục không nghỉ. Cả nhóm bác sĩ chúng tôi thành đạt nhờ luôn sẵn sàng đón bệnh nhân từ các bác sĩ gia đình giới thiệu qua. Dịch vụ chữa trị của chúng tôi hướng đến các gia đình, theo đó bác sĩ cư xử với người bệnh giống như coi sóc người nhà, bên cạnh sự giúp sức của các chương trình điều trị đi trước thời đại.”
Bác Sĩ Huy nói rằng, trong khi nỗ lực làm việc và hành nghề, anh còn mong muốn người bản xứ biết người Việt mình rất giỏi.
Vị bác sĩ trẻ tuổi dày công với những thành công nổi tiếng này có lời khuyên với giới trẻ gốc Việt: “Quá trình học ngành y rất lâu dài và gian nan nên dễ vấp hoặc bỏ cuộc. Hãy vì lòng yêu nghề, đừng nghĩ đến chuyện mình sẽ giàu có hay có danh vị.” (T.Ð.)

No comments: