Thursday, April 23, 2009

ẤMTI ĐỊNH CƯ DUNG QUẤT : 10 NĂM ĐEM CON BỎ CHỢ

Ngổn ngang “hậu” Dung Quất
Thứ Năm, 23/04/2009, 11:58 (GMT+7)
http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=312499&ChannelID=89
TT - Dòng dầu đầu tiên - và sắp tới đây là xăng cùng nhiều sản phẩm khác nữa - ở Dung Quất bắt đầu xuất ra thị trường. Ai cũng mừng vui. Nhưng vẫn còn đó những người ra đi nhường đất cho công trình lớn này chịu nhiều cơ cực.
Họ chịu cơ cực không phải ngày một ngày hai, mà đã mười năm qua khi dự án bắt đầu khởi động trên vùng đất của huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi.

Tiền tỉ thành hoang phế

Dân ở khu tái định cư (TĐC) Đồng Lớn, thôn Vĩnh Sơn, xã Tịnh Hòa nguyên là dân các xã Bình Đông, Bình Thuận di dời để xây dựng nhà máy lọc dầu đầu tiên năm 1997. Khu TĐC Đồng Lớn được san ủi từ đất núi. Đường vào nơi đây không ra đường, ngoằn ngoèo, lởm chởm đá. Khu TĐC thưa thớt dân, hoang vu.
Nổi lên trên nền cát khô khốc của khu TĐC là các công trình hoành tráng, trơ trọi bóng người. Trường cấp I-II Vĩnh Sơn với hai phòng hiệu bộ nhìn ra ba dãy phòng hình chữ U với 14 phòng học im ỉm, tịnh không bóng người. Các phòng bị nạy hết cửa lớn, cửa sổ, vứt tung tóe trên nền sân. Trần bằng cót ép rơi rụng, mái tôn lủng lỗ chỗ, gió thổi tốc lên. Quanh trường cỏ dại vây kín.
Lách qua đám cỏ dày, qua trạm xá gần đó cũng tình trạng tương tự, hoang phế. Anh Trịnh Văn Sơn, nhà trước trường, nói: “Họ xây dựng 5-6 năm nay rồi. Không có người sử dụng, không ai đoái hoài đến nên xuống cấp hết. Đất bỏ hoang nên tôi tranh thủ làm mấy luống đậu”. Chung số phận là Trường mẫu giáo Vĩnh Sơn ngay cạnh đó. Trường có ba phòng học lớn trống trước hở sau, gạch bị bóc lên nham nhở. Sau trường là trạm phát thanh ba phòng đìu hiu, bị phá phách tan tành từ cửa, tường, nền nhà, trần nhà.
Theo điều tra của chúng tôi, dân làm nông được bố trí vào khu TĐC Đồng Lớn không sống nổi nên một số quay về quê cũ làm ăn, những người khác nương theo sông Kinh ở thôn Đông Thuận tìm kế sinh nhai. Anh Nguyễn Văn Hai, nhà ở gần khu TĐC, nói: “Ai đời bố trí dân TĐC vào gần núi hoang vu, khô cằn sỏi đá, lấy gì làm ăn? Dân không có, các công trình bỏ hoang, lãng phí quá”.
Ông Võ Tiến Dũng - phó trưởng ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất - thừa nhận cụm công trình ở khu TĐC Đồng Lớn và Đông Thuận đầu tư khoảng 17 tỉ đồng nhưng không khai thác được, đành bỏ hoang.

Lời hứa gió bay


Tiền nhà nước, tiền dân đổ vào nhiều công trình các khu TĐC khác ở Dung Quất đang bị lãng phí đến đau lòng.
Tại khu TĐC thôn Đông Thuận - nơi có hơn 150 hộ dân sinh sống, các công trình thiết yếu dân sinh được xây dựng kiên cố cũng bỏ phí. Đó là Trạm y tế Đông Thuận với 10 phòng bệnh và một phòng làm việc trống trơn đang ngày càng xuống cấp. Trường cấp I thôn Đông Thuận sáu phòng; chợ cá Tịnh Hòa chỉ có mặt bằng trống trơn, không người buôn bán, dùng để phơi lúa.
Những ngày đi thực tế các khu TĐC Dung Quất, chúng tôi thấy một nghịch lý: trong khi nhiều công trình đầu tư bạc tỉ thừa tiền thì những khu TĐC khác thiếu tiền xây dựng hạ tầng, dân sống như ở chỗ tạm cư.
Ở Bình Thanh Tây - nơi có 346 hộ dân, lối vào khu TĐC từ đó đến nay vẫn là con đường độc đạo đất đỏ.
Ông Ngô Quốc - một người dân - than thở: “Mùa nắng đi làm bụi mù trời. Ngày mưa phải lội bộ, bùn đất ngập lút bánh. Xã chia đất làm ruộng nhưng đất khô cằn, không mương dẫn nước nên năng suất lúa, hoa màu ít ỏi. Gia đình chạy gạo từng bữa”.
Ông Nguyễn Dũng, ở khu TĐC này, nói thẳng thắn: “Lúc mới vào, lãnh đạo tỉnh hứa ở đây không hơn thì ít nhất bằng nơi ở cũ. Vậy mà giờ đây “đem con bỏ chợ”, sống khó nghèo hơn lúc trước bởi hạ tầng kém, không nước sản xuất”. Ông Trần Ngọc Sang, chủ tịch UBND xã Bình Thanh Tây, nhìn nhận: “Khu TĐC lập đã lâu nhưng cơ sở hạ tầng chậm đầu tư, cuộc sống người dân gặp nhiều khó khăn”.

Khi cần câu cơm bị gãy

Khi xây dựng nhà máy, người ta đã tính đến chuyện chuyển dịch cơ cấu lao động cho dân. Thế nhưng cách làm không đâu vào đâu khiến tiền bạc mất mà dân vẫn khổ.
Dự án phát triển vùng rau sạch với diện tích lên đến 10ha tại xã Bình Trị, nằm cạnh Nhà máy lọc dầu Dung Quất được tổ hợp nhà thầu Technip tài trợ thực hiện. Dự án nhằm tạo việc làm tại chỗ, cải thiện thu nhập cho người dân. Năm 2007, Technip đã cung ứng trang thiết bị trồng trọt, hạt giống rau các loại, màn phủ bạt nilông, đào giếng, mở lớp tập huấn kỹ thuật giúp người dân trồng rau sạch, cam kết sẽ bao tiêu toàn bộ rau sạch cung ứng cho nhu cầu thực phẩm của hàng ngàn cán bộ, kỹ sư, công nhân Khu kinh tế Dung Quất và đưa giá mua cụ thể: 1.500 đồng/kg cải xanh, 3.500 đồng/kg khổ qua, 2.500 đồng/kg đậu côve…
Dự án triển khai thí điểm trên 5.000m2 với kinh phí 8.000 USD nhưng đã bị phá sản ngay vụ đầu tiên. Đồng rau bây giờ trơ trọi, giếng bỏ hoang, màn phủ bạt nilông vứt lăn lóc. Bà Huỳnh Thị Nở (thôn An Lộc, xã Bình Trị) than thở: “Bỏ công bỏ sức nhưng khi thu hoạch phải ra chợ bán từng ký, không có lời nên tui không làm nữa”.
Ông Phạm Ngọc Dũng, cán bộ phụ trách dự án, cho biết: “Technip hỗ trợ triển khai vùng rau sạch 10ha nhưng xã chỉ cho triển khai diện tích nhỏ hẹp. Sản phẩm ít, không đủ số lượng hằng ngày nên khó tiêu thụ cho bà con”. Đồng rau bỏ hoang nhưng nhiều bếp ăn, nhà hàng tại Dung Quất phải quay ngược về TP Quảng Ngãi hơn 40km để mua rau phục vụ bữa ăn cho hàng chục ngàn người ở Dung Quất mỗi ngày.

Đào tạo kiểu nửa đường đứt gánh

Song song với dự án hỗ trợ đầu vào và đầu ra trồng rau sạch cho người dân Dung Quất, từ năm 2006-2008 Technip hỗ trợ hơn 400.000 USD giúp Quảng Ngãi đào tạo 160 thợ hàn bậc cao. Mục tiêu là giúp thanh niên các gia đình bị giải tỏa, diện nghèo có nghề. Việc đào tạo thợ hàn tại Trường trung cấp nghề Dung Quất đến năm 2008 hoàn thành và những thợ có nghề đó được vào làm việc ở công trường này. Nhưng số 160 người đó chẳng là bao so với hàng chục ngàn thanh niên cần việc. Và sau 160 thanh niên này, chẳng có lớp nào được mở ra nữa. Cơ sở vật chất, máy móc thiết bị dạy nghề của dự án “trùm mền”.
Ông Michel Tisserand, giám đốc đối ngoại phụ trách chương trình phát triển cộng đồng (tổ hợp nhà thầu Technip), bày tỏ: đầu tư ban đầu do nhà thầu tài trợ. Việc tiếp theo, với cơ sở vật chất sẵn có, tỉnh nên hỗ trợ người học nghề để tiếp tục đào tạo nghề cho họ. Nhưng chẳng ai làm việc này… và cũng chẳng thanh niên nào theo học nổi khi học phí hai tháng đào tạo thợ hàn là 10 triệu đồng, trong khi công trình Dung Quất cần cả ngàn thợ hàn.
Bà Đào Thị Thanh Thủy, giám đốc Trung tâm đào tạo thợ hàn kỹ thuật cao Dung Quất, nói: “Nếu không có hỗ trợ, tiếp sức từ phía tỉnh, doanh nghiệp thì khó có ai đủ tiền để học nghề. Và việc mưu sinh của lớp trẻ ở Dung Quất tiếp tục nhọc nhằn khi không có nghề; còn công trình, nhà máy không có thợ để làm”.
Anh Vương Tấn Mạnh, một cư dân ở khu TĐC Đông Thuận, bức xúc: “Chúng tôi rời Dung Quất ra đi đầu tiên và chịu nhiều thiệt thòi, từ sinh hoạt, học hành, y tế, giải trí… Chẳng lẽ vì cái chung chúng tôi đã hi sinh cuộc sống ở nơi ở cũ của mình, bây giờ bắt chúng tôi thiệt thòi một cách oan uổng nữa sao?”. Tâm sự của anh cũng là nỗi niềm của nhiều người.

Sẽ...
“Hiện nay đời sống người dân ở các khu TĐC Dung Quất đang gặp nhiều khó khăn. Từ đường sá đến các công trình phục vụ dân hầu như rất kém. Chúng tôi đang kiểm tra và sẽ đầu tư lại các khu TĐC đó để bà con có cuộc sống ổn định trước mắt, đồng thời có điều kiện làm ăn lâu dài”.
Ông Võ Tiến Dũng (phó BQL Khu kinh tế Dung Quất)

200 tỉ đồng cho các khu tái định cư
Theo ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất, từ năm 1997 đến nay hơn 2.000 hộ dân với khoảng 55.000 dân nhường đất xây dựng Khu kinh tế Dung Quất để vào ở 11 khu tái định cư
Đến tháng 3-2009, nguồn vốn đã đầu tư cơ sở hạ tầng các khu tái định cư khoảng 200 tỉ đồng.

MINH THU - VIỆT HÙNG


No comments: