Sunday, April 19, 2009

ĐẠI HỌC hay PHỔ THÔNG CẤP 4

Đại học hay phổ thông “cấp 4”?
19/04/2009 07:59 (GMT + 7)
http://www.tuanvietnam.net/vn/thongtindachieu/6708/index.aspx
(TuanVietNam)- Để tạo ra bước ngoặt trong các trường ĐH, để sớm nâng các ĐH thành những trung tâm NCKH thực sự, cần có một chiến lược mang tầm quốc gia với nhiều chủ trương, biện pháp cấp bách, đồng bộ…

Thế giới: ĐH là trung tâm khoa học


Về nguyên lý, trong giáo dục đại học (ĐH), hai nhiệm vụ - nghiên cứu khoa học và giảng dạy, đều quan trọng, tác động với nhau, bổ sung cho nhau và thúc đẩy lẫn nhau.
Và trong thực tế, nghiên cứu khoa học (NCKH) là một tiền đề không thể thiếu để bảo đảm chất lượng đào tạo. Vì qua nghiên cứu, người thầy mới có thể luôn được nâng cấp trình độ, cập nhật các tri thức mới mẻ trong lĩnh vực chuyên môn của mình, nhờ đó, sinh viên có cơ may được tiếp thu bài giảng bao gồm những kiến thức tiên tiến của thời đại và được tiếp cận các hoạt động thực hành, các kỹ năng NCKH.
Từ chân lý đó, ở tất cả các nước phát triển trên thế giới, các trường ĐH vừa là lò đào tạo trí thức, vừa là nơi sản sinh ra những công trình khoa học, những sáng kiến phát minh góp phần làm giàu có thêm kho tàng trí tuệ, thúc đẩy nền văn minh, nâng cao đời sống tinh thần và vật chất của nhân loại. Hơn thế nữa, rất nhiều phát minh lớn, nhiều giải thưởng Nobel cao quý đã ra đời từ các phòng thí nghiệm của các ĐH.
Chẳng hạn, một thí nghiệm nổi tiếng, mang tính kinh điển trong khoa học hạt nhân, tạo ra “phản ứng phân hạch hạt nhân” dưới tác dụng của hạt trung tử (neutron). Thí nghiệm đó được thực hiện tại một phòng thí nghiệm thuộc ĐH Rome (Ý), bởi một nhóm giảng viên dưới sự lãnh đạo của người thầy vật lý, Enrico Fermi, năm 1934.
Và một ĐH khác - ĐH Chicago (Hoa Kỳ), cũng chính GS E. Fermi, tiếp tục mạch công trình nghiên cứu nói trên, năm 1942, đã chỉ đạo xây dựng thành công lò phản ứng hạt nhân đầu tiên, mở đường khai thác nguồn năng lượng hạt nhân khổng lồ phục vụ nhân loại.
Cũng như các ĐH Rome (University of Rome) và Chicago (Chicago University) nói trên, nhiều ĐH danh tiếng khác trên thế giới đều là những trung tâm NCKH với những phòng thí nghiệm nghiên cứu hiện đại, có đội ngũ chuyên gia hàng đầu đã và đang sản sinh ra những phát minh to lớn về các lĩnh vực khác nhau: Khoa học tự nhiên, khoa học công nghệ, kinh tế học, xã hội nhân văn, văn hoá nghệ thuật…
Ở Hoa Kỳ là ĐH Harvard University, Yale University, Massachusetts Institute of Technology.... Ở Vương Quốc Anh là ĐH Oxford University, Cambridge University... Ở Pháp là ĐH Paris University, Collège de Sorbonne…. Ở Nhật Bản là ĐH Tokyo University, Kyoto University….Ở Trung Quốc là ĐH Thanh Hoa, ĐH Bắc Kinh…Trên thế giới là như vậy, lẽ nào ở đất nước ta, các ĐH của ta lại đi ngoài quỹ đạo chung đó, chân lý đó.

Việt Nam: Nhiều ĐH là phổ thông “cấp 4”?

Ở nước ta, khoảng một thế kỷ qua, hàng trăm trường ĐH lần lượt ra đời. Trong những hoàn cảnh rất khó khăn, một số trường đã cố gắng phát triển cả tiềm năng giảng dạy và tiềm năng NCKH, đạt được những thành tựu nhất định trong công cuộc đào tạo đội ngũ trí thức cho đất nước.
Tuy nhiên, thành tựu đó vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội hiện nay. Chất lượng đào tạo ĐH nhiều trường còn thấp. Một trong những nguyên nhân chủ yếu nằm ở tiềm lực và trình độ NCKH non yếu của bản thân các trường ĐH.
Lấy số lượng và chất lượng các bài báo được công bố trên các tạp chí quốc tế làm tiêu chí, chúng ta sẽ thấy nền ĐH nước ta đang nằm phía sau, khá xa, so với ĐH các nước như Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Malaysia.
Cụ thể hơn, có thể so sánh số lượng bài báo công bố vào năm 2004 của hai ĐH khoa học hàng đầu VN (ĐHQG Hà Nội và ĐHQG T/p. HCM) với hai ĐH tương tự của Thái Lan (ĐH Chulalongkorn và ĐH Mahidol).
Con số đó ở hai ĐH của nước ta là 54, còn ở hai ĐH của Thái Lan là 881, như vậy, tính riêng số lượng, “ta” thua kém “bạn”- một nước khu vực, mà GDĐH chưa phải loại mạnh, đến những trên 10 lần!
Từ đó có thể hình dung bức tranh chung của hàng trăm trường ĐH khác trong toàn quốc. Đặc biệt với các trường xa các thành phố lớn, xa các trung tâm nghiên cứu quốc gia, hoặc hàng loạt ĐH mới mở gần đây.
Tình trạng chung của các trường ĐH nước ta là nghèo về thiết bị NCKH, thiếu các nhà NCKH đầu đàn, nguội lạnh không khí NCKH. Nhà trường và các giảng viên ĐH thường xem nhẹ, hoặc chỉ thực hiện một cách hình thức, mang tính đối phó với nhiệm vụ NCKH.
Do đó, khá phổ biến phương pháp thầy giảng- trò ghi, còn sinh viên ít được cập nhật những tri thức hiện đại, ít tiếp cận những kỹ năng NCKH, lúng túng trước những vấn đề cuộc sống đặt ra khi bước vào đời.
Các ĐH như vậy thực ra chẳng khác biệt mấy về chất, so với các trường phổ thông, hoặc như trước nay chúng ta vẫn nói, đó chỉ là các “trường phổ thông cấp 4”.
Với tình trạng nói trên, làm sao chất lượng đào tạo, hay trình độ của sinh viên tốt nghiệp ĐH nước ta có thể đạt được tầm chung của thế giới hiện nay? Điều này, các tổ chức quốc tế như Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đã đánh giá.
Theo nguồn số liệu thống kê của WEF, yếu tố “đào tạo và giáo dục ĐH” của VN được đánh giá 3,94 điểm và xếp vào hạng thứ 98, trong tổng số trên 100 nước tham gia khảo sát. Còn theo các chuyên gia của WEF, ở Việt Nam có ba yếu tố - lạm phát, hạ tầng và lao động có trình độ - được liệt vào “những vấn đề đáng lo ngại nhất”. “Lao động có trình độ” ở đây, chính là sản phẩm đào tạo của hệ thống ĐH và cao đẳng.
Sự xếp hạng và đánh giá của WEF nói trên là cảnh báo “đỏ” đối với nền giáo dục ĐH và nói riêng, đối với thực trạng NCKH của phần lớn các trường ĐH nước ta.

Giải pháp và trách nhiệm

Cũng nên công bằng nhìn nhận, nhà nước và xã hội đã và đang có những đầu tư nhất định để nâng cấp các trường ĐH.
Chẳng hạn, kinh phí đầu tư cho NCKH được tăng mạnh hàng năm, đã vượt con số 400 triệu USD/năm và được phân bổ về cho các cơ sở NCKH, trong đó có các trường ĐH. Nhà nước cũng đã phê duyệt thành lập 17 phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia (PTNTĐ).
Nhưng với một đất nước hơn 80 triệu dân, khoản tiền 400 triệu USD trên thực ra không lớn. Nếu phân chia ra, mỗi trường ĐH chỉ có thể nhận được một mẩu nhỏ bé “chiếc bánh ngân sách” nói trên.
Con số 17 PTNTĐ cũng vậy. Trong thực tế chỉ có 4 trong tổng số 17 PTNTĐ nói trên được phân về cho ngành ĐH. Trong khi số lượng trường ĐH đến con số hàng trăm!
Như vậy, để tạo ra bước ngoặt trong các trường ĐH, sớm nâng các ĐH thành những trung tâm NCKH thực sự, cần có một chiến lược mang tầm quốc gia với nhiều chủ trương, biện pháp cấp bách, đồng bộ.

Một là, xây dựng và bổ sung các phòng thí nghiệm hiện đại, các viện nghiên cứu trong trường ĐH. Xây dựng tiềm lực NCKH phải là điều kiện cấp phép bắt buộc đối với các ĐH mới. Bổ sung và nâng cấp tiềm lực này, kèm theo kế hoạch và lộ trình xác định, cũng là cấp bách đối với hầu hết các ĐH đang hoạt động ở nước ta.

Hai là, bồi dưỡng và tăng cường nguồn nhân lực cho các ĐH. Bằng con đường tổ chức và cả chính sách khuyến khích để các giảng viên ĐH thực hiện cân bằng hai chức năng, đó là lên lớp giảng dạy và NCKH. Mặt khác, cần phải thu hút nguồn nhân lực bậc cao từ các viện nghiên cứu về bổ sung cho đội ngũ giảng dạy và lãnh đạo các phòng thí nghiệm mới ở các ĐH, bằng các chính sách cụ thể.
Chẳng hạn, thay thế chủ trương “Phong tặng GS/PGS ” hiện nay bằng chủ trương “Bổ nhiệm GS/PGS ”. Ưu tiên bổ nhiệm GS/PGS theo những vị trí cụ thể, còn thiếu trong hệ thống chuyên môn của các ĐH, trước hết cho các ĐH ở xa, ĐH mới v.v....

Ba là, gắn kết hữu cơ các viện nghiên cứu quốc gia, viện thuộc các bộ, ngành với các trường ĐH. Biện pháp này đã từng được nêu ra, nhưng hầu như không thể triển khai được trong thực tế. Ở đây tâm lý “cát cứ” kiểu tiểu nông đã vượt lên lợi ích chung của các ĐH và của cả bản thân các viện nghiên cứu. Vì vậy, không thể thực hiện biện pháp này nếu nhà nước không thực sự hỗ trợ, quyết đoán.

Bốn là, khuyến khích và tạo điều kiện để các doanh nghiệp (trong và ngoài nước) đầu tư xây dựng các trung tâm NCKH trong các trường ĐH, với mục tiêu việc đào tạo nhân lực sát với yêu cầu của doanh nghiệp và mặt khác, các kết quả NCKH gần gũi và phục vụ trực tiếp các yêu cầu đặt ra trong đời sống kinh tế- xã hội đất nước.

Kinh nghiệm bao năm qua cho thấy các biện pháp trên đây, dù tâm huyết đến mấy, dù được xem là đúng đắn đến nhường nào cũng không thể biến thành thực tế, nếu không được sự tham gia của những chủ thể trong nhà trường ĐH, trong các viện nghiên cứu, nếu không biến thành quyết tâm cao của các nhà lãnh đạo các bộ ngành liên quan. Đặc biệt, khi chiếc “đũa thần”- uy lực cao nhất của cấp cao nhất đất nước chưa mạnh mẽ vung lên.

Trần Thanh Minh

No comments: