Tuesday, March 31, 2009

VĂN MIẾU : LEM NHEM THÁNH ĐƯỜNG ĐẠO HỌC

Văn Miếu - Quốc Tử Giám:

Lem nhem Thánh đường đạo học

Thứ sáu, 27/3/2009, 09:43 GMT+7

http://www.tintuconline.com.vn/vn/vanhoa/253713/

Du khách phương xa đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) hiện nay, sẽ khó có thể nhận biết đây một di tích văn hoá “đầu bảng” của Việt Nam.

Bởi trên vỉa hè đầy rác, cột điện xiêu vẹo, người buôn người bán tấp nập và thậm chí còn là nơi “hẹn hò” của những chiếc ghế đá hỏng, những phần rơi rụng của những chiếc giường người ta không dùng nữa. Sở dĩ có chuyện này là bởi việc quản lý di tích văn hoá quan trọng rơi vào tình trạng “cha chung...”.

Văn Miếu thành bãi rác

Văn Miếu - Quốc Tử Giám, trường đại học đầu tiên của Việt Nam, là minh chứng cho đạo học của người Việt Nam. Qua sách báo, nhiều du khách cũng biết đến điều đó. James Warren, một người Australia sang làm việc tại Việt Nam cho một dự án của Liên minh châu Âu (EC) đã gần một năm cho biết, mỗi lần bạn bè từ Australia sang, anh lại được dịp làm hướng dẫn viên cho họ đến Đền Ngọc Sơn, đến Chùa Một Cột và Văn Miếu.

Bốn cây cột trước cổng Văn Miếu đứng xiêu vẹo như... kẻ ngoài cuộc

http://www.tintuconline.com.vn/Library/myImages/7/2009/03/18/vmieu4.jpg

Tuy nhiên, dù đã rất lâu, James vẫn không thể quen với cảnh phải lách qua những chiếc ô tô to kềnh càng trên vỉa hè đường Văn Miếu, ngửi cái mùi khăm khẳm bên vỉa hè, cái mùi đặc trưng của “văn hóa đái đường” tạo nên... để giới thiệu cho bạn bè anh đầy đủ bốn mặt xung quanh Văn Miếu.

Ai đến Văn Miếu cũng trầm trồ vì nét đẹp trang nghiêm rất Việt đó trong khuôn viên, nhưng một người mắt kém nhất cũng có thể thấy ngay sát bờ rào đầy vỏ quýt, vỏ chai nước, giấy vệ sinh, bã kẹo, vỏ kẹo, túi ni lon, dép hỏng và đôi chỗ cả vài... đống phân chó. Người ta thản nhiên thả rác ở đây, không có ai ngăn cản, không cần ngó trước ngó sau.

Những người “có lương tâm” một chút thì đem rác ra những gốc cây để đổ và thế là các gốc cây bên đường Văn Miếu thành nơi đổ rác. Đó là sản phẩm của rất nhiều quán cóc tồn tại trên vỉa hè quanh Văn Miếu.

“Những chủ quán trà này có phải được sắp xếp ra đây ngồi để nhằm giới thiệu về văn hóa Việt không?”, Mindy, một du khách người Mỹ thắc mắc. “Nếu là thế thì họ phải ngồi có trật tự hơn và không xả rác ra ngoài như thế!”, Mindy thêm.

Nơi tập trung rác duy nhất và cũng là nơi nương náu của một quán nước trên vỉa hè Văn Miếu

http://www.tintuconline.com.vn/Library/myImages/7/2009/03/18/vmieu3.jpg

Những người hiểu lịch sử Việt Nam đến Văn Miếu đều cười... ra nước mắt khi nhìn cảnh một người bán nước chè ngồi tựa vào một trong hai chiếc bia Hạ Mã, là nơi ngày xưa, kể cả vua đi qua cũng phải xuống ngựa, dừng xe.

Không chỉ là những loại rác do các “hoạt động tại chỗ” mà người ta còn mang cả rác từ nơi khác đến vứt ở đây. Nhìn những chiếc ghế da rách, đệm mút lòi ra, to như một chiếc giường nằm chềnh ềnh trên đường Văn Miếu hẳn có người còn tưởng đây là khu vực dành để tập trung xử lý rác thải cỡ vừa. Những chiếc giường hỏng, những chiếc xe kéo han gỉ cũng ra đây nằm phơi sương gió bên vỉa hè Văn Miếu.

Khi được hỏi về vấn đề này, nhà nghiên cứu văn hóa Vương Trí Nhàn nói rằng đã lâu ông không đến Văn Miếu nữa, vì nhìn quang cảnh ở đó ông rất lấy làm buồn. Đúng là khi đi xung quanh Văn Miếu, chứng kiến cảnh bừa bãi ở đây, người không biết cứ tưởng bên trong cũng là cái gì đó bình thường thôi, chứ không thể nghĩ đó là trường đại học đầu tiên của Việt Nam cách đây gần 1.000 năm.

Bia Hạ Mã biến thành nơi chứa rác và chỗ "nương náu" của quán nướ

http://www.tintuconline.com.vn/Library/myImages/7/2009/03/18/vmieu2.jpg

“Cha chung không ai khóc”

Theo Tiến sỹ Nguyễn Mạnh Cường, Viện Nghiên cứu tôn giáo, sở dĩ có tình trạng này là do tình trạng phân cấp quản lý manh mún. Khu vực phía trong tường rào thì thuộc quyền quản lý của Trung tâm hoạt động Văn hóa và Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, nhưng phần vỉa hè bao bọc bên ngoài Văn Miếu lại thuộc quyền quản lý của rất nhiều ban ngành khác, như là vỉa hè thì thuộc quản lý của Sở Giao thông vận tải, các cột điện trên hè thì thuộc quản lý của điện lực.

Thế cho nên mới có tình trạng vỉa hè thì được quy hoạch làm bãi trông xe. Những chiếc xe nặng mùi hàng ngày lùi lũi tiến sát vào tường Văn Miếu, xả ra đủ mùi vị, âm thanh nặng nhọc của những chuyến đi dài và những người tài xế ghếch chân nằm ngủ.

Những viên đá lát vỉa hè xung quanh Văn Miếu đã già lão ngày càng thảm hại hơn, đất đá lổn nhổn, vỡ toang vỡ toác. Một hình ảnh tiêu biểu cho tình trạng “cha chung không ai khóc” là 4 cây cột trước cổng Văn Miếu.

Thân cột thì thuộc quyền quản lý của Trung tâm hoạt động Văn hóa và Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám nhưng phần nền đường lại thuộc quản lý của Sở Giao thông vận tải nên dù 4 cột đã nghiêng rất nhiều, vôi vữa tróc lở mà vẫn không được tu sửa.

Khi được hỏi về vấn đề này, ông Đặng Kim Ngọc, Giám đốc Trung tâm hoạt động Văn hóa và Khoa Học Văn Miếu - Quốc Tử Giám cũng phân trần rất khó để quy quản lý Văn Miếu về một mối. “Việc làm thế nào để quản lý Văn Miếu trong ngoài văn minh sạch đẹp là mong muốn chung của tất cả mọi người. Tuy nhiên, do việc phân cấp quản lý có nhiều bất cập nên mong muốn ấy vẫn chưa thực hiện được.

Trung tâm hoạt động Văn hóa và Khoa Học Văn Miếu - Quốc Tử Giám chỉ có quyền quản lý khu vực bên trong Văn Miếu, còn bên ngoài thì có các cơ quan đơn vị khác. Việc quy việc quản lý Văn Miếu về một mối là điều hết sức khó khăn mặc dù trước đây, những người tiền nhiệm tôi cũng đã từng nhiều lần đề nghị để Ban Quản lý di tích Văn Miếu được quyền quản lý cả phần khu vực phía ngoài.

Có quá nhiều cơ quan, phòng ban liên quan đang có trách nhiệm tham gia quản lý khu vực phía ngoài, nên duy chỉ việc phối hợp tu sửa và bảo vệ cũng là một điều vô cùng khó khăn”.

Theo thống kê của Giám đốc Trung tâm hoạt động Văn hóa và Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám thì mỗi năm có khoảng 1 triệu lượt khách du lịch đến đây. Và trong khi chờ các cơ quan quản lý “ngồi” lại được với nhau thì Thánh đường của đạo học Việt Nam vẫn xuất hiện trong mắt du khách với vẻ lem nhem, thật buồn!

Theo Hạnh Vân

No comments: