Wednesday, March 25, 2009

LUẬT ĐẤT ĐAI

Luật Đất Đai

Xuan Son

Posted on by admin

http://mangykien.wordpress.com/2009/03/24/lu%e1%ba%adt-d%e1%ba%a5t-dai/

Thưa các bạn
Hai bài dưới đây đăng ở báo Thanh Niên, với nội dung phải có trình độ và phải theo dõi vấn đề mới hiểu được đầy đủ.
Vậy hai bài này thích hợp với sinh viên chúng ta.

Bài báo phản ánh tình trạng thất bại của Luật Đất Đai, một thứ “luật” ra đời từ cách tư duy phản động (như nhóm Trần Hiền Thảo và bạn Đỗ Thuý Hường” đã nhận định trong bài viết của mình.
Chúng ta thấy rõ:
- Bước sửa tối thiểu là tăng giá đền bù khi định… cướp đất để khỏi tích tụ… sự căm hờn của người dân. Nếu tăng giá đất ngang giá thị trường thì đó là mua bán sòng phẳng rồi. Có nghĩa là “cái gọi là thị trường định hướng XHCN” cũng đang phá sản theo.
- Bước tiếp theo, là xoá bỏ quyền tư hữu đất (nước) VN của đảng. Và phải trả quyền tư hữu đất đai cho người dân. Và như vậy thì một cái gốc cuối cùng của CNXH đã bị đánh đổ (cái gốc thứ hai là “quốc doanh là chủ đạo” đang lung lay dữ).

Các bài báo dưới đây cho thấy CNXH ở VN đang từng bước phá sản “đúng lộ trình”.

Xuan Son

-----------------------------------------------

Tích tụ ruộng đất và bốn hạn chế
24/03/2009 0:14
http://www.thanhnien.com.vn/

Nông nghiệp sản xuất lớn phải tích tụ đất đai. Kinh tế thị trường phải tích lũy tư bản. Đó là quy luật tất yếu của sản xuất lớn, bất kể dưới hình thức nào. Tuy nhiên, tích tụ đất đai với điều kiện phải giải quyết tốt bốn hạn chế: hạn điền, thời hạn sử dụng đất đai, tình trạng phát canh thu tô trá hình và thất nghiệp đối với nông dân mất đất.

Trước năm 1975, ở miền Nam, chính quyền Sài Gòn thực hiện luật người cày có ruộng, không hạn chế diện tích đối với người trực canh, thực hiện truất hữu đất cho thuê và tái cấp đất cho người trực canh tối đa không quá 3 hecta/hộ; cấm phát canh thu tô. Chủ trương này có vẻ tiến bộ, nhưng việc thực thi cũng không hoàn hảo, đất vẫn còn hình thức trung nông “phát canh thu tô” - thu theo thỏa thuận ngầm, với diện tích không lớn. Do đó sản xuất cũng chưa có tiến bộ đáng kể.

Thời gian ngay sau giải phóng, chính quyền Cách mạng chủ trương điều chỉnh đất đai, vận động người có đất san sẻ cho người không đất hoặc thiếu đất - thực hiện chế độ bình quân nhân khẩu, rồi tuyên bố đất đai là sở hữu toàn dân và vận động tất cả đều vô HTX và tập đoàn sản xuất - một hình thức sản xuất lớn XHCN. Nhưng vấn đề động lực sản xuất, tức là quyền làm chủ thực sự (sở hữu) và nghĩa vụ (lao động) được giải quyết trên quan hệ chính trị - tinh thần chớ không phải quan hệ kinh tế, nên sản xuất ngày càng bị triệt tiêu.

Năm 1986, Đảng chủ trương đổi mới, đất đai tuy còn là sở hữu toàn dân, nhưng nông dân có quyền sử dụng lâu dài và hạn điền là không quá 3 hecta rồi nâng lên 6 hecta/hộ. Đây là một bước tiến mới, sản xuất bung ra, sản lượng tăng vọt, lúa gạo dư thừa. Nhưng có trở ngại cho hội nhập thị trường thế giới là do sản lượng và chất lượng không đồng đều, không ổn định. Muốn có sản lượng lớn phải tích tụ đất đai dưới dạng thuê đất (nộp tô) hoặc nhờ người đứng tên dùm; song vẫn không an tâm vì thời hạn sử dụng đất được ghi là 20 năm. Trong khi đó đất dự án công nghiệp hoặc phi nông nghiệp kể cả làm sân golf thì hạn điền là không hạn chế và thời hạn thuê đất gấp 3-4 lần thời hạn nông dân sử dụng đất. Như vậy, Luật Đất đai hiện hành có 2 nhược điểm lớn căn bản: hạn điền 6 hecta/hộ và thời gian sử dụng 20 năm. Tình trạng tái phát canh thu tô đang khá phổ biến. Đất thuê thì sẽ không được đầu tư cải tạo mặt bằng, thủy lợi, cơ giới hóa, áp dụng tiến bộ kỹ thuật và người nông dân cũng sẽ không an tâm đầu tư nhân tài vật lực nên sản xuất sẽ không bền vững.

Nay muốn lên sản xuất lớn, hội nhập quốc tế thành công, thì điều kiện tiên quyết trong sản xuất nông nghiệp là tích tụ đất đai, trong đó giải quyết vấn đề hạn điền và thời hạn sử dụng, hạn chế tối đa khả năng phát canh thu tô trá hình như hiện nay. Giải quyết những hạn chế này không khó, chỉ cần tu chính luật, nhưng một vấn đề lớn được đặt ra là người nông dân khi không còn đất, rời khỏi nông thôn mà ít chữ nghĩa, không có nghề thì làm gì để sống? Vấn đề này đáng lý đã được giải quyết cách đây 23 năm khi triển khai công tác giáo dục phổ thông và dạy nghề cùng lúc với đổi mới quản lý nông nghiệp. Nay giải quyết bài toán tích tụ - tập trung đất đai không khéo thì sẽ xảy ra sự cố như tai nạn của trò chơi tung-hứng. Có tung mà không có hứng. Người nông dân không đất nếu không được bố trí lao động phù hợp rất dễ trở thành một bài toán xã hội nan giải.

Theo đề xuất của người viết, tích tụ đất đai thực hiện được với điều kiện phải giải quyết tốt bốn hạn chế như đã nêu (hạn điền, thời hạn sử dụng đất đai, phát canh thu tô trá hình và tình trạng thất nghiệp đối với nông dân mất đất). Đó là định hướng đi lên sản xuất lớn của chúng ta.

Nguyễn Minh Nhị

-----------------------------------------------------

Nông dân tích tụ ruộng đất
24/03/2009 0:18
http://www.thanhnien.com.vn/

Ngày 23.3, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến về Luật Đất đai sửa đổi liên quan đến nông nghiệp nông thôn và chính sách tích tụ ruộng đất. Luật này sẽ có ảnh hưởng đến hơn 61 triệu nông dân với khoảng 30 triệu lao động ở nông thôn hiện nay.

Rất nhiều hạn chế

Theo đề xuất của Bộ NN-PTNT, mặc dù luật pháp hiện hành đã có nhiều tiến bộ, đất đai được quản lý chặt chẽ hơn, chính sách giao quyền sử dụng ổn định lâu dài cho nông dân, thúc đẩy nông nghiệp phát triển, tuy nhiên Luật Đất đai hiện tại vẫn còn nhiều bất cập. Trong đó nổi lên một số điểm hạn chế kềm hãm sự phát triển của nông nghiệp, nông thôn.

Cụ thể về phân loại đất, chưa có quy định quỹ đất phát triển làng nghề, dịch vụ kết cấu hạ tầng nông thôn. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa quy định rõ việc phối hợp cũng như trách nhiệm của ngành NN-PTNT liên quan đến phát triển nông nghiệp, nông thôn. Việc giao đất có thời hạn đến năm 2013 đối với đất trồng cây hằng năm khiến nông dân không yên tâm đầu tư, phát triển lâu dài. Chính sách hạn điền hiện tại không khuyến khích nông dân tích tụ ruộng đất để phát triển kinh tế trang trại, nhiều trang trại khi tích tụ ruộng đất đã phải mượn người khác đứng tên sổ đỏ để tránh vượt hạn điền, khi muốn vay vốn ngân hàng thì thế chấp không được. Chính sách đất đai hiện hành cũng không khuyến khích các nhà đầu tư, các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn do thiếu cơ chế để có đất quy hoạch cho phát triển làng nghề, chăn nuôi tập trung, nuôi trồng thủy sản tập trung; chưa tạo điều cho cơ chế thị trường đất đai vận hành lành mạnh, không chỉ gây khó khăn cho phát triển sản xuất mà còn tạo điều kiện cho tham nhũng, đầu cơ làm giàu bất chính, khiến dân không đồng tình. Chính sách thu hồi đất cho các mục đích phi nông nghiệp với cơ chế xác định giá cả đền bù chưa hợp lý, các quy định về đăng ký chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chuyển quyền sử dụng đất rườm rà mà vẫn lỏng lẻo, việc phân cấp quản lý đất nông nghiệp dẫn đến tình trạng thu hồi đất lúa cho mục đích phi nông nghiệp đang ở mức báo động.

Riêng tại tỉnh An Giang, mặc dù là địa phương có sản lượng lúa cao nhất cả nước nhưng số hộ có diện tích đất dưới 1 ha chiếm tỷ lệ khá cao, các hộ có quy mô diện tích sản xuất lớn phải sử dụng rất nhiều giấy chứng nhận với nhiều tên khác nhau và chịu nhiều thiệt thòi trong quan hệ tín dụng, nhiều trường hợp người sang nhượng bội tín, xảy ra tranh chấp. Đại diện Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh An Giang cho biết: “Hiện nay, mới đầu năm 2009 nhưng nhiều hộ nông dân đã hết hạn sử dụng đất theo thời hạn 20 năm, Ngân hàng Nông nghiệp không giải quyết cho vay vốn tín dụng với lý do cần phải đợi cấp giấy mới. Nếu cơ quan chức năng xử lý không kịp thời sẽ ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất của nông dân”.

Tích tụ ruộng đất là tất yếu

Tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Khái, chủ trang trại ở Bình Dương, đề xuất: “Tôi đề nghị bỏ 2 quy định gây khó khăn cho việc phát triển nông nghiệp hiện nay là hạn điền và thời hạn sản xuất. Nông dân nếu có khả năng thì cứ việc cho họ mở rộng diện tích sản xuất, nếu làm không hiệu quả thì Nhà nước thu hồi lại. Dĩ nhiên là cần phải có một cơ chế quản lý chặt chẽ để tránh các hành vi lợi dụng vào mục đích khác”. Đại diện Sở NN-PTNT tỉnh An Giang góp ý: “Về chính sách đất đai, đề nghị Bộ NN-PTNT kiến nghị Chính phủ nâng mức hạn điền đất trồng cây hằng năm, đất nuôi trồng thủy sản từ 3 ha lên 5 ha và nâng hạn mức nhận chuyển nhượng từ 6 ha lên 10 ha, tạo điều kiện cho nông dân phát triển hàng hóa sản xuất theo quy mô trang trại. Thực hiện giao quyền sử dụng đất lâu dài cho nông dân để nông dân yên tâm đầu tư sản xuất. Về chính sách thu hồi đất, đề nghị Chính phủ tăng mức thời gian hỗ trợ đời sống nông dân bị thu hồi đất gấp đôi thời hạn hỗ trợ hiện tại”.

Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hồ Xuân Hùng cho biết: “Nông nghiệp VN là một nền nông nghiệp hàng hóa, chính vì vậy tích tụ ruộng đất là việc làm tất yếu. Tích tụ ruộng đất vào tay từng hộ nông dân hay là tổ chức tập thể của nông dân hay là vào tay doanh nghiệp kinh doanh nông nghiệp? Có 3 hướng như thế để cơ cấu lại lao động nông thôn. Luật sẽ nới rộng hạn điền để tích tụ ruộng đất. Hoặc đưa ra chính sách để nông dân hợp tác với nhau, đó là hướng tích tụ mà nông dân không bị mất đất, chứ không phải là ép người nông dân bán đất để bần cùng hóa họ đi. Đã nói đến nông dân là nói đến đất đai, làm sao cho người nông dân làm giàu trên chính mảnh đất của họ. Đó mới chính là hướng đi của chúng ta. Luật sửa đổi sẽ khẳng định rõ hơn quyền sử dụng đất của người dân để họ có thể yên tâm canh tác lâu dài hơn, khuyến khích họ có thể tham gia vào các tổ chức kinh tế trên chính mảnh đất của họ. Nếu họ có khả năng, có điều kiện, có nhu cầu cần một diện tích đất lớn hơn thì có thể thực hiện thuận lợi hơn bây giờ”.

Một số đề xuất sửa đổi Luật Đất đai liên quan đến nông nghiệp

Có chính sách giá đất hợp lý (tăng giá thu hồi đất lúa gấp 2-4 lần giá thị trường, giá đất nông nghiệp khác gấp 1,5-2 lần giá thị trường). Có chính sách hỗ trợ người trồng lúa có thu nhập tương đương với những người sản xuất ngành nghề khác. Việc thu hồi đất lúa phải do Thủ tướng Chính phủ quyết định. Bổ sung quy định về đất cho phát triển cụm công nghiệp và làng nghề nông thôn để có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào làng nghề, tạo việc làm cho nông dân. Công nhận quyền sử dụng đất được vận hành theo cơ chế thị trường, trở thành một nguồn vốn trong sản xuất, kinh doanh. Ban hành chính sách định giá bảo đảm hài hòa quyền lợi của người sử dụng đất, nhà đầu tư và Nhà nước trong quá trình giải tỏa, thu hồi đất. Có chính sách giải quyết tốt vấn đề đất ở, nhà ở, việc làm cho người bị thu hồi đất. Tăng thời hạn cho thuê đất sản xuất nông nghiệp từ 50-70 năm hoặc giao đất lâu dài….

Quang Thuần

No comments: