Friday, March 27, 2009

CÀNG BÍ MẬT CÀNG DỄ PHẠM TỘI ÁC

Càng bí mật càng dễ phạm tội ác

Ngô Nhân Dụng
Thursday, March 26, 2009

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=92613&z=7

Vừa rồi tại một tòa án Tokyo, Thẩm Phán Yujiro Nakatani mới xử phi công Ðặng Xuân Hợp của công ty Vietnam Airlines về tội đã “đóng vai trò quan trọng trong việc phân phối hàng đánh cắp” từ Nhật Bản chuyển về Việt Nam. Như chúng ta đọc báo đã biết, có những phi công và tiếp viên của công ty hàng không nhà nước Cộng Hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam bị bắt quả tang đem ra khỏi nước Nhật những món hàng ăn cắp từ các cửa hàng bách hóa. Họ còn khai những người ăn cắp thuộc một tập đoàn có tổ chức, trong đó có những sinh viên đang được cho đi du học ở Nhật nhờ tiền chính phủ Nhật do dân Nhật đóng thuế. Dư luận dân Nhật thêm sôi nổi, sau vụ các giám đốc một công ty Nhật Bản bị phạt sau khi khai đã hối lộ hàng triệu mỹ kim cho Huỳnh Ngọc Sĩ.

Tòa Tokyo cho ông Hợp hưởng án treo, vì theo lời thẩm phán Nakatani, bị cáo chỉ đóng vai trò tùy thuộc, đã nhận lệnh của cấp trên làm việc đó. Cấp trên nào?

Trước tiên phải hỏi các cấp trên của ông thành ở Vietnam Airlines! Phát ngôn viên của công ty là Trịnh Ngọc Thành từ chối không bình luận gì cả, ông Thành bảo: “Cái đó là phải có cơ sở,... phải có bằng chứng!”

Bằng chứng nào? Ði tìm bằng chứng chắc không khó, nếu có ai dám đi tìm, nếu những người làm trong công ty dám khai báo đầy đủ. Nhưng chính Vietnam Airlines cũng thèm mở một cuộc điều tra nội bộ để tìm hiểu. Vì họ coi vụ chuyển hàng ăn cắp trên máy bay của họ chỉ có vài cá nhân làm, không đáng điều tra. Cũng như đảng Cộng Sản coi vụ này hay các vụ Bùi Tiến Dũng, Huỳnh Ngọc Sĩ chỉ là những trường hợp cá nhân lẻ tẻ, không phải là vấn đề lớn trong đảng của họ! Mấy ông cầm đầu đảng cứ tuyên bố “chống tham nhũng” nhưng nạn tham nhũng cứ tiếp tục bành trướng, vì họ không bao giờ công nhận đó là ung nhọt nằm trong ruột của đảng. Công nhận điều đó thì phải chịu công khai mổ xẻ cái ung nhọt đó ra. Như thế không khác gì tuyên bố giải tán đảng cộng sản!

Bởi vì ngay từ khi ra đời, đảng Cộng Sản sống bằng sự che đậy, giấu diếm, chữ họ dùng gọi là “bảo mật.” Ðảng viên không thể nào tiết lộ những bí mật của đảng cho người ngoài biết. Tất cả những vụ ăn bẩn phải được che đậy, để “bảo mật.” Ðảng Cộng Sản từ đầu đã sống trong một nỗi bí mật.

Một thí dụ: Ðố ai biết đảng Cộng Sản lấy tiền ở đâu mà chi tiêu? Trụ sở đảng ở mỗi tỉnh, mỗi thành phố, mỗi huyện, xã, vân vân, đều to lớn nghênh ngang oai phong át cả tòa nhà hành chánh địa phương. Tiền đâu ra mà xây dựng như vậy? Những ban cán sự đảng lấy tiền đâu mà hoạt động? Tiền do các đảng viên đóng góp hàng tháng hay hàng năm? Hay là đảng lãnh tiền tiền trả công, do làm công việc “lãnh đạo nhà nước và xã hội” như ghi trong điều 4 hiến pháp? Tiền “trả công” đó do thứ hợp đồng nào quy định? Ai ký hợp đồng thuê mướn đảng Cộng Sản làm việc đó? Dùng tiền công quỹ của toàn dân, thì tiền đó nằm trong những chương, mục nào, có ai biết không?

Tất cả nằm trong niềm bí mật bao phủ các hoạt động của đảng Cộng Sản, chỉ có tình trạng bí mật của các đảng cướp, mafia, mới so sánh được. Tiền là một chuyện nhỏ. Lớn hơn là các chính sách của đảng Cộng Sản, có ảnh hưởng tới toàn thể dân trong một nước. Họ bàn những gì, nghiên cứu những gì trước khi đưa ra các chính sách đó? Ðó cũng là những điều bí mật chỉ mấy lãnh tụ cao cấp biết với nhau. Như gần đây là vụ cho các công ty Trung Quốc và nước khác khai thác mỏ bô xít ở Tây Nguyên. Các ông Nông Ðức Mạnh, Nguyễn Tấn Dũng nói đó là “đường lối lớn của đảng.” Ai quyết định đường lối lớn này? Họ quyết định như thế nào? Có bao nhiêu tiếng nói phản đối, từ các nhà khoa học, các nhà văn, cả một ông Tướng Về Hưu nổi danh đã lên tiếng. Họ nêu lên những tác hại vĩnh viễn trên tài nguyên đất nước, trên môi trường sống của cả miền cao nguyên và đồng bằng miền Trung, trên tương lai kinh tế của cả nước. Ðó là chưa kể mối họa “cõng rắn vào nhà” hậu quả không thể nào lường được. Những đoàn công nhân Trung Quốc đang “Xẻ dọc Trường Sơn đào bô xít” để bùn đỏ sẽ trôi xuống đồng bằng kéo theo những nấm xương tàn của bao thanh niên Việt Nam từng nghe lời đảng Cộng Sản dụ dỗ đi “chống Mỹ cứu nước.” Những oan hồn đó sẽ tự hỏi họ đã hy sinh cho ai hưởng? Cho người Việt hay người Trung Hoa?

Những người nắm quyền đưa ra một “chủ trương lớn” như thế, họ có nêu ra những lý do nào để quyết định bán tài nguyên của nước Việt Nam hay không? Trước dư luận phê phán, chưa bao giờ thấy họ trình bày ý kiến để tự biện hộ, tự bênh vực quyết định của họ. Vì kiêu ngạo, khinh người, hay vì sợ? Không những thế, họ còn ra lệnh các báo, các đài, và các mạng lưới không được nói gì về vụ cho Trung Quốc khai thác bô xít nữa. Họ muốn bịt miệng báo chí, tức là cũng bịt tai của toàn dân, để phó mặc đảng Cộng Sản muốn làm gì thì làm, muốn bán gì thì bán. Cho nên người đứng ngoài quan sát cũng phải thấy là đảng Cộng Sản giờ không dám tranh luận với giới chuyên viên và trí thức Việt Nam; chỉ vì họ biết trước họ sẽ thua, sẽ đuối lý. Và phải kết luận vụ nhường quyền khai thác bô xít này là một vụ nhượng bán chủ quyền mờ ám.

Nhưng mờ ám là bản chất của đảng Cộng Sản. Nhiều người ví đảng Cộng Sản ở Việt Nam như một băng đảng Mafia. Nói như vậy chưa đủ. Mafia chỉ là một băng đảng tội ác sống bên ngoài pháp luật. Mafia có khả năng tổ chức buôn lậu, chứa bạc, ăn cướp, cướp của xong là phải chạy. Ðảng Mafia, ngay ở đảo Sicily bên Ý là nơi xuất phát của họ, cũng không bao giờ có thể đóng luôn cả vai cảnh sát bắt trộm để có quyền sử dụng vũ lực hợp pháp; đồng thời lại đóng vai quan tòa để sử dụng luôn hệ thống luật pháp tự bảo vệ mình. Ðảng Cộng Sản mạnh hơn đảng Mafia rất nhiều. Từ thời Hồ Chí Minh, ông đã nói “Ðảng ta là một đảng cầm quyền.” Nghĩa là “đảng ta” nắm trong tay cả quân đội, công an, tòa án, luật pháp, báo chí, văn nghệ, ngân hàng, cửa khẩu, vân vân, với quyền hành tuyệt đối.

Nhưng có một điều khiến các đảng cộng sản và Mafia giống nhau, đó là Quy Luật “Omerta,” có thể dịch là “bảo mật.” Luật này có nghĩa là đảng viên phải giữ bí mật nội bộ, không bao giờ được tiết lộ chuyện trong đảng cho người ngoài biết. Các đảng viên Mafia khi bị bắt cũng không bao gio được nói nửa lời về những chuyện riêng tư trong đảng, đứa nào nói là tự kết án tử hình. Ðiều luật này, theo ngôn ngữ của đảng Cộng Sản Việt Nam, còn gọi là “đoàn kết nội bộ.”

Hồ Chí Minh đã viết rằng “Ðoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của đảng... Cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của đảng như giữ gìn con ngươi trong mắt mình.” (Hồ nhắc lại lời Thống Chế Stalin.) Các đảng viên Mafia cũng giữ con ngươi trong mắt họ cẩn thận như vậy. Vì muốn giữ đoàn kết thì phải tránh không vạch ra những sai lầm của nhau, phải bao che cho nhau, không thể nào sống minh bạch công khai được.

Khi hiểu nguyên lý “Ðoàn kết nội bộ,” hay Omerta thì chúng ta hiểu tại sao sau những kỳ họp Trung Ương Ðảng không nói cho ai biết là họ đã bàn bạc những chuyện gì, kể tội những ai, cãi nhau như thế nào. Gần đây một tài liệu của ông Nguyễn Trí Chung được truyền trên mạng lưới kể chuyện hai cánh Ðỗ Mười và Võ Văn Kiệt liên kết đánh bại Lê Khả Phiêu ra sao, dân Việt mới biết các lãnh tụ đảng tranh giành quyền lực nhơ bẩn như thế nào. Trước Nguyễn Trí Chung, đã có những hồi ký khác, phá vỡ nhiều mảnh trong bức màn bí mật che phủ đảng. Nhưng những người bị gạt ra ngoài lề mới bỏ luật omerta, cất lời nói lên những sự thật, còn những người còn địa vị để chia chác quyền lợi với nhau thì vẫn “Ðoàn kết nội bộ,” như Hồ Chí Minh đã dậy.

Ðảng Cộng Sản thường tự hãnh diện về quyết định tập thể, nhưng vì thế không ai chịu trách nhiệm về bất cứ hành động nào cả. Khi phê phán, tất cả được gọi là “trách nhiệm của chúng ta.” Nhà soạn kịch quá cố Lưu Quang Vũ đã viết vở “Tôi và Chúng ta” để vạch ra căn bệnh vô trách nhiệm đó. Khi nói “chúng ta đã phạm các lỗi lầm” thì không cá nhân nào có lỗi cả. Ngày xưa “chúng ta” tổ chức đấu tố theo lệnh cố vấn Trung Quốc làm chết oan bao mạng con người, chúng ta để cho trẻ con thất học vì tiền học phí cao qua, chúng ta đã ăn cắp may trăm triệu Mỹ kim ở công ty Dệt Nam Ðịnh, trong khi đó “chúng ta” cướp đất của dân cho người ngoại quốc lập sân golf, vân vân. Bây giờ ông Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố quyết định cho Trung Quốc khai thác bô xít ở Tây Nguyên là một đường lối lớn của Ðảng. Chứ không phải của người cầm đầu chính phủ, cũng không phải của những người cầm đầu Bộ Chính Trị. Mai này, khi đoàn quân Trung Quốc “Xẻ dọc Trường Sơn đào bô xít” thành công rồi kéo nhau về, ai sẽ chịu trách nhiệm về những tàn hại trên quê hương Việt Nam?

Một bài học cho các dân tộc là chỉ khi nào những người cầm quyền chịu trách nhiệm trước dân chúng thì mới bảo đảm được là họ sẽ lo làm những việc ích lợi chung. Hiện nay các lãnh tụ cộng sản ở nước ta chỉ chịu trách nhiệm với nhau, trong một nhóm ở Bộ Chính Trị và Trung Ương Ðảng. Khi những người trong nhóm này thỏa thuận được với nhau để chia chác quyền lợi thì họ sẽ tiếp tục “đoàn kết nội bộ” để bảo vệ lẫn nhau. Chỉ khi nào người dân được dùng lá phiếu quyết định ai là người cai trị họ, sau mấy năm không hài lòng thì bãi chức, lúc đó người cầm quyền mới biết họ chịu trách nhiệm với dân. Họ sẽ không có quyền giữ bí mật, xử lý nội bộ với nhau nữa. Càng bí mật càng dễ phạm tội ác. Khi có tự do dân chủ thì những tệ nạn trong guồng máy chính quyền mới giảm bớt được, từ chuyện nhỏ như tổ chức ăn cắp ở Nhật Bản để đem hàng về bán ở Việt Nam, cho đến chuyện lớn như bán rừng, bán biển cho người ngoại quốc khai thác. Nếu dân Việt Nam không được sống tự do dân chủ thì những tệ nạn đó không bao giờ giảm bớt!

No comments: