Thursday, March 26, 2009

NHÂN VẬT TRÍ THỨC TRONG TẬP TRUYỆN "THUYỀN VIỄN XỨ"

Một góc nhìn nhân vật trí thức trong tập truyện ngắn “Thuyền viễn xứ” của Nguyễn Mộng Giác

Ban Mai

26.03.2009

http://damau.org/archives/4898

“…Tôi phải xa lìa quê hương và phải tự mình chịu trách nhiệm đời mình, chịu trách nhiệm cái tự do của mình. Không còn ai bảo bọc tôi, không còn ai cấm đoán tôi. Thành công, tôi không biết khoe với ai. Thất bại, tôi không thể đổ thừa cho ai. Tôi trơ trọi, không mang trên người nhãn hiệu “nhân danh,” “đại diện,” “phát ngôn viên” để hưởng những ưu quyền (và ưu phiền) dành cho một đám đông, một cộng đồng xã hội.

Với ai khác không biết, với tôi, tôi thích được là mình, và không thích làm đại diện của bất cứ ai, không khoái nhân danh bất cứ ai, không muốn nợ nần bất cứ ai.”

(“Sống và viết tại hải ngoại” - Nguyễn Mộng Giác)

***

Sau tháng 4 năm 1975, xã hội miền Nam bị xáo trộn dữ dội. Sau khi thống nhất bằng quân sự, thể chế Xã hội Chủ nghĩa được áp dụng trên toàn quốc. Chính sách tập thể hóa nông nghiệp, ngăn sông cấm chợ, cùng với những khó khăn tất yếu sau chiến tranh làm cho cả nước thiếu ăn. Tiếp theo đó chiến dịch cải tạo công thương nghiệp, đánh tư sản, làm tiêu hủy ngành thương nghiệp tư nhân dẫn đến tình trạng kinh tế kiệt quệ.(1) Trên phương diện dân sinh, phần lớn người miền Nam làm việc cho chính phủ Cộng Hòa đều bị tập trung cải tạo. Từ người lính chiến, đến anh nhà văn, từ chị công chức, đến anh nhà giáo… đều bị nghi ngờ, tình nghi “thành phần nợ máu”, “gián điệp CIA” cài đặt. Cuộc sống của nhiều gia đình đảo lộn. Vì sau khi đổi đời, họ bị thất nghiệp, nhiều người lâm vào cùng quẫn. Một số bị tịch thu nhà cửa, một số phải về quê sinh sống, một số phải đi “kinh tế mới” trên những vùng rừng hoang vu. Cảnh quan thành phố tiêu điều xơ xác, thiếu lúa gạo khiến dân phải ăn độn bo bo và mì sợi. Trầm trọng hơn nữa: Sự xơ xác tinh thần của trí thức miền Nam không còn được tự do trình bày suy nghĩ, không còn được tự do hấp thu tri thức nhân loại. Thay vào đó là những đợt học tập chính trị triền miên, theo một định hướng duy nhất: Chủ nghĩa Marx.

Năm 1979, khi Việt Nam tiến quân vào Campuchia chấm dứt chế độ diệt chủng Pol Pot và chiếm đóng xứ này, Trung Quốc liền tấn công biên giới phía Bắc để “dạy cho Việt Nam một bài học”. Những người Việt gốc Hoa từ bao đời sinh sống trên đất Việt đột nhiên lâm vào cảnh khó xử. Nhà nước đề phòng “nội ứng”, cho phép người Hoa nộp tiền, đóng thuyền, tự do ra khỏi nước. Phong trào vượt biên bán chính thức của Hoa kiều bộc phát ồ ạt, cùng lúc với cao trào vượt biên của người dân miền Nam. Họ lũ lượt ra đi, không hẳn vì kinh tế, mà rất nhiều người vì khao khát tự do muốn thoát khỏi những áp đặt ràng buộc vô lý, mà kẻ chiến bại phải gánh chịu hậu quả sau cuộc chiến. Hy vọng tìm lấy cho mình, cho gia đình và con cái mình một tương lai tươi sáng, được đối xử bình đẳng, đầy đủ cơm áo và thụ hưởng tự do tinh thần trên những xứ sở bình yên trở thành giấc mơ lớn của trí thức, văn sĩ và cả dân lao động.

Trong bối cảnh lịch sử đó, cuộc đời của nhà văn Nguyễn Mộng Giác cũng không thoát khỏi những biến động chung của đất nước, trên cái nền lịch sử đã phân ly, vừa sang trang. Từng giữ chức vụ Hiệu trưởng trường nam trung học Cường Để Quy Nhơn, rồi Chánh sự vụ Sở Học chánh Bình Định, và sau cùng là chuyên viên nghiên cứu của Bộ Quốc gia Giáo dục Việt Nam Cộng Hòa, sau 30-4-1975, Nguyễn Mộng Giác thất nghiệp. Nhà văn đi bán sách cũ, đi làm công nhân cho một tổ hợp gia công mì sợi. Bị bắt đi tù 3 lần. Lần cuối, năm 1980 ông bị bắt ở tù bốn tháng vì làm việc “trong một tổ hợp mì sợi của người Hoa, Công an Sài Gòn nghi ngờ tổ hợp làm gián điệp cho Trung Cộng”.(2) Từ trí thức bị tước quyền phát biểu, từ nhà văn bị tước quyền xuất bản, đến nhà giáo bị tước quyền dạy học, Nguyễn Mộng Giác rớt xuống đáy tuyệt vọng. Như rất nhiều người dân miền Nam khác, như hầu hết các nhà văn miền Nam thời kỳ này, Nguyễn Mộng Giác quyết định tìm tự do.(3)

Ngày 29-11-1981, Nguyễn Mộng Giác vượt biên, sau năm ngày sáu đêm trôi lênh đênh trên mặt biển mênh mông, giữa sống và chết, chiếc thuyền mong manh của ông may mắn được tàu giàn khoan của Công ty liên hiệp Tây Đức – Nam Dương vớt lên đưa vào đảo KuKu, Indonesia. Hơn hai tháng ở lại đảo KuKu, một nơi biệt lập với thế giới bên ngoài, không có gì làm ngoài việc chờ tàu đến đón chuyển về trại chính, Nguyễn Mộng Giác trở lại với công việc cầm bút. Tập truyện “Ngựa nản chân bon” gồm 13 truyện ngắn của Nguyễn Mộng Giác ra đời trong hoàn cảnh này. (4; tr7-8 )

Ngày 23-11-1982, Nguyễn Mộng Giác đặt chân đến nước Mỹ. Với một cảm giác “trống vắng, vô cảm” ghê hồn, như ông thổ lộ sau này. Sau hai năm làm việc cật lực, nhà văn để dành tiền tự xuất bản tập truyện “Ngựa nản chân bon”.(4; tr18-22)

Ngay khi mới ra đời tập truyện ngắn đã được bạn đọc hải ngoại đón nhận trìu mến, bởi vì thế giới nhân vật mà nhà văn xây dựng chính là những cảnh đời mà hầu hết thuyền nhân Việt nào cũng từng nếm trải.

Do vậy, tìm hiểu thế giới nhân vật trong truyện ngắn của Nguyễn Mộng Giác, cũng có nghĩa là tìm hiểu tâm tình của một số đông những con người lưu lạc, bên cạnh triết lý nhân sinh mà nhà văn muốn gửi gắm qua từng nhân vật.

Thế giới nhân vật trong tập “Thuyền viễn xứ”(5) của Nguyễn Mộng Giác rất phong phú, đa dạng. Trong giới hạn của một bài viết ngắn, tôi chỉ tìm hiểu “một góc nhìn nhân vật trí thức”, qua đó đối chiếu với các nhân vật trí thức của một số tác giả khác, từ đó đưa ra một cái nhìn khái quát về quan niệm nghệ thuật con người của nhà văn.

***

Nếu ai đã từng đọc tác phẩm của Nguyễn Mộng Giác, sẽ dễ dàng nhận ra một trong những nhân vật mà ông thường thể hiện là hình ảnh người trí thức thành thị. Có lẽ xuất thân từ nhà giáo, rồi nhà văn, nên tầng lớp mà ông tiếp xúc hàng ngày cũng thường là giới giáo chức, văn nghệ sĩ, công chức vì vậy ông am tường và thấu hiểu tâm tình, cuộc sống của họ.

Thái độ của người trí thức trước thời cuộc

Vào những năm 50 thuộc thế kỷ trước, triết học phương Tây, đặc biệt triết học hiện sinh du nhập vào miền Nam gây ảnh hưởng sâu rộng đến suy nghĩ của tầng lớp thanh niên trí thức. Họ là những người luôn có ý thức tự tra vấn về ý nghĩa cuộc đời: Sống để làm gì? Chết rồi sẽ về đâu? Vấn đề tự sát có ý nghĩa gì, đời là hư vô, đâu là thực chất và huyền thoại của vấn đề, sống là vong thân hay phải ngụy tín, thỏa hiệp với tha nhân hay dấn thân vào đại cuộc, thiên chức của nghệ sĩ là gì, ta hợp tác hay đứng ngoài lề xã hội?… Ý nghĩa của bao nhiêu bất công đau khổ trên quãng đời ngắn ngủi. Những tra vấn ấy, theo họ cho đến suốt đời.

Trong truyện ngắn “Ngựa nản chân bon” Nguyễn Mộng Giác đưa ra những cái chết khác nhau của các nhân vật:

Cái chết thứ nhất là cái chết của một nhà văn già, không chấp nhận a dua theo thời cuộc để mưu tìm danh lợi đời thường, muốn tìm cứu cánh cuộc đời trong những niềm tin lớn lao, cuối cùng bế tắc về tư tưởng đành chọn cách đứng trên chồng sách cao treo cổ tự tử.

Những cuốn sách quý tìm thấy ngay dưới chân xác chết là bộ Tứ thư bằng chữ Hán, Kinh Viên Giác và Lăng nghiêm do Viện Phật học Nam Việt xuất bản, bản Đạo Đức kinh xuất bản tại Hồng Kông, Nam Hoa Kinh do Nhượng Tống dịch, bản dịch Kinh Coran bằng tiếng Pháp, bộ tư bản luận của Karl Marx, bộ Luận về Lịch sử của Toynbee, cuốn sách mỏng: Bài học lịch sử của Ariel& Will Durant, cuối cùng là bộ Kinh Cựu và tân ước.” (6; tr 237)

Một người đã bỏ cả đời đọc đi đọc lại bao nhiêu kinh sách, bao nhiêu suy nghiệm nhân sinh nhằm cố gắng trả lời cho những câu hỏi lớn của tồn tại kiếp người: “Ta từ đâu đến? Sống để làm gì? Chết sẽ về đâu?...”, kết quả thu hoạch, suy nghiệm của cả cuộc đời để lại trong bản thảo cuối là: “Một dấu hỏi, và một dấu than” - Bao nhiêu tinh hoa trí tuệ, đạo đức, niềm tin của loài người cũng không giúp ích được con người - đến chết ông vẫn còn thảng thốt giận dữ và chới với vì không tìm ra câu trả lời.

Cái chết thứ hai là hình ảnh người sĩ quan cảnh sát, mặc quân phục đứng trước tòa nhà Quốc Hội (Sài Gòn) bắn vào đầu, không chịu nộp mình vào trưa ngày 30/4/1975:

“…Viên trung tá ngã ngửa ra, nằm thẳng, đầu hướng về phía quốc hội. Thân ông oằn lên một chút, rồi nằm trở lại thế ngửa, hai chân giãn ra. Hình ảnh cuối cùng tôi thấy được là hai chân người hấp hối cố gắng… cố gắng hết sức để khép lại cho đúng thế nghiêm”. (6; tr 247). Chính hình ảnh cho đến lúc chết vẫn cố gắng khép đôi chân lại giữ cho đúng tư thế nghiêm của người lính, mặt ngửa lên trời, đã nói lên phẩm tiết của vị sĩ quan này.

Cho dù là người chiến thắng hay người chiến bại, ở bên này hay bên kia, họ thật đáng kính khi vẫn giữ niềm tin vào lý tưởng mình phụng sự.

Cái chết thứ ba là “chết” mà vẫn sống. Đó là hình ảnh một nhà văn từng có bài đăng trong sách giáo khoa: “Hằng năm, cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều, và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nô nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường…(…)… Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và đầy gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp.” Tôi tin rằng bất cứ ai đã từng cắp sách đến trường đều không quên đoạn văn mở đầu trích trong bài “Tôi đi học” của Thanh Tịnh, viết năm 1941. Bài văn thấm đẫm chất nhân văn này, đã nuôi dưỡng tâm hồn trong sáng của bao tuổi hoa niên.

Thế nhưng, điều gì đã khiến cho nhà văn Thanh Tịnh, sau bao dâu bể của đất nước trở thành một “xác ướp không đầu”. Sau này, Trung tá Thanh Tịnh chuyên đi làm báo cáo viên ca tụng chủ tịch Hồ Chí Minh. “ Đi đâu, lúc nào, bao nhiêu năm nay, Thanh Tịnh chỉ nói về đề tài ấy, gọt giũa luyện tập từng câu từng chữ, để ý đến cả cách nhíu mày, cách đứng nghiêm, mắt nhìn lên chiêm ngưỡng khi nhắc đến Bác. Nghe Thanh Tịnh báo cáo một lần, lần sau đến nghe nữa có thể đoán trước trung tá sắp khóc ở đoạn đó, sắp cúi đầu im lặng ở đoạn kia, sắp ưỡn ngực hô hào ở đoạn khác… Đúng là một cái xác ướp biết đi biết nói, quan trọng nhất là ca tụng không biết chán.” So sánh với các cung phi bị giam kín nơi lăng tẩm các vua chúa đã chết thời xưa, Thanh Tịnh còn may hơn nhiều. Nhưng một nàng cung phi mới bị ông hoàng si mê bỏ quên, đã dám nghĩ:

Dang tay muốn dứt tơ hồng

Bực mình muốn đạp tiêu phòng mà ra.”

Nhưng Thanh Tịnh có bao giờ dám nghĩ thế không! ( 6; tr 264-271 )

Qua ba cái chết tiêu biểu trên, Nguyễn Mộng Giác muốn lý giải về vấn đề chọn lựa thái độ sống của người trí thức trước hoàn cảnh xã hội.

Nhà văn già sau khi đã bỏ cả đời nghiên cứu những tinh hoa trí tuệ loài người, cuối đời bế tắc, không chấp nhận, quyết định tìm cho mình cái chết. Có người không đồng tình. Có người cho đáng kính. Thà chết không thỏa hiệp. Để lại cho đời một lô sứ điệp.

Ông trung tá cảnh sát bắn vào đầu, không chịu nộp mình, để giữ niềm tin về một lý tưởng tự do, dân chủ mà ông phụng sự. Ông chết nhưng khí tiết ấy thật đáng kính trọng. Có không ít những sĩ quan ở thời điểm khốc liệt đó, quyết chiến đấu bảo vệ lý tưởng dù biết rằng sẽ chết, thì cũng không ít những tướng tá, kẻ buôn bán chính trị, sẵn sàng trốn chạy, vứt bỏ binh sĩ của mình bơ vơ trước làn đạn đối phương.

Thế nhưng, nhà văn Thanh Tịnh, một người ở tư thế chiến thắng - vì sao lại biến thành một “diễn viên kịch”, tại sao không chọn hành xử đúng với lương tâm mình, chọn làm chính mình?

Chính thái độ chọn lựa cách sống thể hiện rõ nhân cách của một con người.

Cuộc sống quanh ta ngày nay còn có bao người trí thức đang tự nguyện làm cái xác ướp ấy, còn có bao người dám sống với lương tâm mình?

Hơn nửa thế kỷ trước, trong tác phẩm “Con ngựa già của Chúa Trịnh” sáng tác năm 1956, Phùng Cung kể về một con thiên lý mã được chúa Trịnh yêu dấu đem vào cung. Rồi nó được đóng cương, gắn hàm, đeo hai cái lá đa bằng da che ngang hai bên mắt. Từ đó, con thiên lý mã được ăn ngon ngủ yên, nhưng không còn thấy được trời xanh, mây trắng bao la nữa. Nó chỉ được nhìn về một hướng và trở thành con ngựa kéo xe mang kiếp động vật của nhà Chúa. Phùng Cung viết: “Tất cả những cảnh vật trước mắt nó đều nhỏ lại, và thẳng tắp. Nó nhìn cánh đồng, cánh đồng cũng chỉ là một đường thẳng. Rồi cây cỏ, núi đồi cho đến bầu giời xanh cũng chỉ thu lại là một đường thẳng. Nó không ngờ hai chiếc lá đa che hai bên mắt chỉ cho nó nhìn được một chiều.” Nhưng con ngựa già không chấp nhận nhìn một chiều. Kết thúc câu chuyện “con ngựa già lấy hết sức tàn, ngốc đầu lên cao, co co hai chân trước, thẳng thẳng hai chân sau, chừng như cố để giữ lấy cái thế cao đầu phong vĩ.” (7)

Hình ảnh con ngựa già mà Phùng Cung muốn phản ảnh, chính là thái độ phản kháng của người trí thức, không chịu sự “uốn nắn” của quyền lực, không chấp nhận cái nhìn một chiều. Nếu có loại trí thức khuất phục trước hoàn cảnh, không dám là chính mình để hưởng bổng lộc thì cũng có người trí thức dám làm người, sống đúng với chính mình, chấp nhận tù đày như Phùng Cung, Trần Dần, hay sống một đời khổ cực, đắng cay như Văn Cao.

Bi kịch của người trí thức Việt Nam

Không phải đến Nguyễn Mộng Giác nhân vật trí thức mới được nhà văn khai thác, trong tiến trình phát triển văn học Việt Nam, típ nhân vật này đã được nhiều nhà văn khai phá, nhưng mỗi nhà văn mổ xẻ những khía cạnh khác nhau, tùy theo nhận thức của từng nhà văn về quan niệm nghệ thuật con người.

Trong bối cảnh lịch sử Việt Nam thời Pháp thuộc những năm 40, nhân vật người trí thức của Nam Cao cũng từng khắc khoải như vậy. Đó là những nhân vật trí thức rơi vào bi kịch vỡ mộng, chế độ Pháp thuộc thời đó đã chặt đứt đôi cánh ước mơ của họ. “Còn gì buồn hơn chính mình lại chán mình? Còn gì đau hơn một kẻ vẫn khát khao làm một cái gì đó nâng cao giá trị đời sống của mình, mà kết cục chẳng làm được cái gì, chỉ những lo cơm áo mà đủ mệt?”(Nam Cao); Điền (Trăng sáng), Thứ (Sống Mòn), Hộ (Đời thừa) đều vật vã, đau đớn trong dằn vặt mâu thuẫn giữa ước mơ và hiện thực. Hộ có tài, lúc đầu, anh viết rất thận trọng. Mang một hoài bão lớn: “hắn băn khoăn nghĩ đến một tác phẩm nó sẽ làm mờ hết các tác phẩm cùng ra một thời”,Văn chương không cần đến những người thợ khéo tay làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi, và sáng tạo những cái gì chưa có”(Đời thừa). Thế nhưng, từ khi phải lo kiếm tiền nuôi vợ con, Hộ “cho in nhiều cuốn văn viết vội”, hắn xấu hổ khi đọc lại văn mình, tự xỉ vả mình “là một thằng khốn nạn”, “là một kẻ bất lương!”. Trước kia tin tưởng bao nhiêu thì nay đau đớn thất vọng bấy nhiêu! Và khi dồn vào nghèo túng nhân vật Hộ có những phản ứng nông nổi, bạo hành gây tổn thương cho người thân: Hộ có tấm lòng nhân ái cứu vớt cả gia đình Từ; nhưng cũng nhiều lần đánh đuổi nguyền rủa mẹ con Từ, làm Từ đau khổ vì cho rằng Từ là nguyên nhân gây ra nỗi khổ.

Khác với Nam Cao, người trí thức của Nguyễn Mộng Giác không rơi vào dằn vặt vì vật chất “cơm áo gạo tiền”. Ông ý thức sự quan trọng của vật chất nhưng không bao giờ cho đó là vấn đề lớn đối với trí thức. Sau chiến tranh, ông hiểu khó khăn, thiếu thốn là đương nhiên. Điều ông khắc khoải là bị đứng bên lề cuộc sống.

Với người trí thức, làm người phải dấn thân.

Vòng trời đất dọc ngang ngang dọc

Nợ tang bồng vay trả trả vay

Chí làm trai nam bắc đông tây

Cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn bể

(Chí làm trai – Nguyễn Công Trứ)

Nhưng sau đổi đời, người trí thức miền Nam rơi vào tuyệt vọng. Chính sách đối xử sai lầm đã gây không ít tổn hại đến tinh thần và sự phát triển chung của đất nước. Đất nước cần trí thức, nhưng “chất xám” quý báu của họ trở thành “đồ phế thải”! “tàn dư chế độ Ngụy”, không được sử dụng. Họ đứng bên lề cuộc sống nhìn kinh tế đất nước suy sụp (1), mà không thể lên tiếng. Những năm tháng đó, ai cho phép họ lên tiếng, ai cho phép họ làm việc để góp phần xây dựng một đất nước chung.

Im lặng chịu đựng, những nhà trí thức vứt bỏ “sĩ diện”, “quân tử tàu”…ra đường bán sách cũ, bán cà phê vỉa hè, đạp xe thồ để mưu sinh. Những anh trí thức càng hiền lành, tự trọng, thì càng thê thảm: “…Giống như phần lớn bạn bè, tôi chẳng còn biết phải làm gì nữa. Vốn liếng không! Mưu chước bán buôn không! Những gì tôi có như lòng thành thực, tính yêu mến trẻ con, khát vọng được sống lương thiện… trở nên lẩm cẩm cồng kềnh vào buổi giao thời. Những kẽ hở của thứ luật pháp mù mờ trong lúc tranh tối tranh sáng, không phải ai cũng chui qua được. Ông biết đấy, phải khinh bỉ con người đến cùng cực (con người nói chung trong đó có cả mình) người ta mới dám mở miệng đề nghị hối lộ để khoan thai lọt qua các ngõ ngách. Thật vậy, phải biết đích xác không lầm lẫn kẻ ngồi đó là cái túi tham mới dám bắn tiếng. Tôi thì có thói quen xem mọi người đều đáng trọng. Thành thử đi đâu tôi cũng gặp những bộ mặt nghiêm nghị, xin làm gì cũng va đầu vào các bức tường nguyên tắc. Tôi thành thật nhận rằng mình không hợp với thời loạn, nên mỗi ngày mỗi thêm lúng túng. Vài người bạn có hảo tâm chỉ vẽ cho tôi một số nghề hái ra tiền. Tôi thử một vài lần, lần nào cũng thất bại. Những nghề quái ác ấy đòi hỏi cái lưng thật mềm, cái lưỡi lém lỉnh lật lọng và đôi chân dẻo chạy không biết mệt.

Nghề gì bây giờ? Tôi có những điều thừa thãi và thiếu điều cần thiết, nên tìm mãi không ra được nghề gì sống lương thiện được! Chỉ còn có nghề bán bong bóng cho trẻ con” (8; tr 124).

Nhân vật nhà văn (“Một ngày như mọi ngày”) của Nguyễn Mộng Giác cũng có lúc suy nghĩ: “- Hay là ta nên viết cái gì đăng được?- Phải đấy. Viết không đăng được thì viết làm gì. Viết rồi đốt là điên, viết rồi giữ đó như giữ bom nổ chậm là khùng. Kẻ khôn ngoan thức thời chỉ nên viết cái gì đăng được. Chàng tìm cuốn lịch bỏ túi xem các ngày lễ. Ðây là kinh nghiệm xương máu do các bạn văn nghệ miền Bắc ưu ái truyền lại cho chàng. Cứ giở cuốn lịch ra, tìm các ngày lễ và viết sẵn một số truyện, thơ “lương khô dự trữ”. Lễ nhỏ viết vài ba cái, lễ lớn phải chín, mười. Các loại sáng tác “nhân dịp” này năm nào cũng đắt hàng”… nhưng rồi tự xấu hổ vì những sáng tác giả dối: “Chàng khựng lại. Ðọc từ đầu, chàng ngượng chín người. Thiếu sáng suốt, chàng vò nhàu hai tờ bản thảo vứt đi. Sau nghĩ lại. Chàng bưng đèn cúi xuống nhặt lên, vuốt cho thẳng, xếp vào xấp giấy cùng số phận các đêm trước. Xấp bản thảo nhàu nhò vô tội đã khá dày. Có thể được đến vài trăm grams. Với giá 14 đồng một ký giấy học trò viết hai mặt, chàng có thể bán được khoảng 3,4 đồng”. (9; tr 107-110).

Sau những dằn vặt, đấu tranh vì “cơm áo”, nhân vật nhà văn quyết định đem xấp bản thảo cân giấy vụn… thà đói nghèo nhưng giữ “phẩm giá” của nhà văn. Đối với nghệ thuật họ không thỏa hiệp viết những áng văn vội, những tác phẩm theo đơn đặt hàng như nhân vật Hộ (Đời Thừa). Trong khó khăn, bế tắc nhân vật trí thức của Nguyễn Mộng Giác cũng không gây tổn hại cho người thân. Thất nghiệp, họ ở nhà lo việc nội trợ, dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn cho vợ con, tìm niềm vui bên mâm cơm độn mì đạm bạc. Nếu cần tiền vì nhu cầu cà phê, thuốc lá cho riêng mình, họ cũng chỉ dám nghĩ đến những thứ vặt vãnh xứng với giá tiền cà phê, thuốc lá dỏm. Bán bột ngọt? – Không, của nàng. Bao ni lông chăng? Không, của con gái làm kế hoạch nhỏ. Gạo chăng? Phức tạp quá, trong lu chỉ còn một ít. Cuối cùng “…Chỉ còn lũ sách. Chàng đau nhói cả lòng… Loại sách từng bị chàng rẻ rúng như truyện kiếm hiệp, bói toán, ái tình lâm ly đã bỏ chàng ra đi từ mấy năm trước vì đắt hàng. Mấy cuốn kinh Phật chàng đã “cúng dường” cho chợ sách một năm trước đây. Sách Mỹ bìa dầy giấy khổ rộng nặng cân nên đã theo các chị ve chai. Trong tủ sách hiện giờ chỉ còn loại sách mỏng, khổ nhỏ và có giá trị theo cách đánh giá của chàng… Chàng rút ra một cuốn khá dầy: “Mười khuôn mặt văn nghệ hôm nay” của Tạ Tỵ do Lá Bối xuất bản. Chàng tính nhẩm: Ít ra phải được 10 đồng. Mỗi khuôn mặt văn nghệ lớn chỉ đáng 1 đồng, rẻ quá. chàng lấy thêm hai cuốn nữa theo lối nhắm mắt may rủi: Sử ký của Tư Mã Thiên bản dịch tuyệt vời của Nhượng Tống và Sonate à Kreutzer của Tolstoi. Chàng ghé một sạp sách cũ chuyên nghiệp trước từng bán sách ở đường Lê Lợi. Người mua sách mau mắn chận chàng lại hỏi:

- Có gì bán không chú?

Tội nghiệp, đến nước này mà chàng còn ngượng. Chàng không dám cho khách qua đường thấy chàng nỡ phản bội ông bạn già Tạ Tỵ, đại văn hào Nga và nhà viết sử Trung Hoa. Chàng chìa ba quyển sách ra, cẩn thận úp sấp lại.”(9; tr 91)

Quan niệm nghệ thuật về con người của Nguyễn Mộng Giác

Tính cách người trí thức của Nguyễn Mộng Giác luôn nhất quán, nhân vật của ông là mẫu nhân vật lý tưởng. Họ không phải là nhân vật phức hợp có tính cách lưỡng phân hai mặt như Hộ (Đời thừa), Thứ (Sống mòn) của nhà văn Nam Cao.

Tôi tin người trí thức phải hơn những loại người khác ở khả năng phê phán giúp tự ý thức và tự vượt thắng của mình, nhân cách của họ được đánh giá chính vào những thời điểm gay gắt của lịch sử. Tôi không đồng ý cách đánh giá của những nhà nghiên cứu khi nhân vật sa ngã, đỗ lỗi cho hoàn cảnh lịch sử. Hà Minh Đức cho rằng: “Bi kịch vỡ mộng đó chủ yếu là do những căn nguyên xã hội…Nhân vật trí thức của Nam Cao đang trượt trên con đường dốc do một sức đẩy vô hình rất mạnh mẽ của cảnh ngộ xã hội.” (11, tr 280). Với tôi, cái chính là do ý thức con người.

Đọc tập truyện “Thuyền viễn xứ” của Nguyễn Mộng Giác, hình ảnh nhân vật trí thức của thế hệ ông biểu hiện rõ quan niệm nghệ thuật của nhà văn về con người lý tưởng dấn thân. Trong hoàn cảnh bế tắc vẫn điềm tĩnh lạc quan, tìm cho mình một lối thoát khả dĩ thông minh nhất.

Nguyễn Mộng Giác là nhà văn có lối viết cổ điển, kết cấu tác phẩm thường đơn giản, thời gian tuyến tính, ngôn ngữ mang tính triết luận. Tuy nhiên, không phải vì vậy mà tác phẩm của ông khô khan, buồn tẻ. Trái lại, các sáng tác của Nguyễn Mộng Giác luôn có sức hấp dẫn kỳ lạ, nhà văn thường chinh phục bạn đọc ở tầm tư tưởng của tác phẩm, đến sự tinh tế trong cách quan sát rồi miêu tả tâm lý nhân vật. Những chi tiết bình thường tưởng như không có gì nhưng thật ra lại ẩn chứa nhiều ý nghĩa, mỗi chi tiết đều có dụng ý tạo sự liên tưởng bất ngờ thú vị, làm người đọc say mê.(14) Tôi tin, chính vẻ tưởng chừng như “bình thường” trong ngôn ngữ bình dị của Nguyễn Mộng Giác, làm nên tuyệt chiêu của cây bút lão luyện này.

Theo dõi quá trình sáng tác của Nguyễn Mộng Giác từ các tập truyện ngắn đến tiểu thuyết lịch sử như “Sông Côn Mùa Lũ”, “Mùa biển động”, chúng ta có thể nhận ra ngay mối ưu tư lớn nhất của ông là thái độ sống của người trí thức trước thời cuộc. Qua đó, phản ảnh con người nhà văn luôn băn khoăn về đất nước. Cho dù ở trong nước hay ra nước ngoài, ông vẫn là một người đáng kính, dám sống theo suy nghĩ của riêng mình.

Thế kỷ 20, Lịch sử Việt Nam chưa bao giờ biến động như vậy, trong một thời gian ngắn mà đất nước đã thay đổi đến 6 chính thể: Pháp thuộc, Nhật thuộc, Tàu ô chiếm đóng, Cộng sản thời kháng chiến, Chế độ quốc gia từ thời Bảo Đại đến tổng thổng Thiệu, cuối cùng là Cộng sản toàn quốc sau 1975.

Gần như chưa có một chính thể nào trong suốt thế kỷ 20 tạo được niềm tin và sự đồng thuận trong toàn dân. Người trí thức luôn băn khoăn, day dứt về một thể chế mà mình đang phụng sự. Vấn đề thái độ sống của con người trước thời cuộc, đặt giới trí thức vào những chọn lựa gay gắt không khoan nhượng. Bên này hay bên kia? Sống hay là chết, thỏa hiệp hay vượt thoát, ở lại hay trở về, bản lĩnh của người trí thức được thử thách từng giờ.

Trong tác phẩm “Mùa biển động”, Nguyễn Mộng Giác cũng đã ghi lại những biến chuyển tâm trạng của thế hệ thanh niên trí thức thời đại ông. Hãy nghe tâm tình của hai người bạn học cũ trên hai chiến tuyến, gặp lại sau ngày “giải phóng”:

“ Mày không thể hiểu được tâm trạng những thằng như tao…Thấy đất nước càng ngày càng tệ, cán bộ hách dịch hủ hóa, mày càng khoái. Mày nói thầm: “Tụi bay thắng, tưởng là ngon lắm hả? Tụi bay cư xử với dân còn tệ hơn tụi tao nữa….” Mỗi lần mày gặp tao hay thằng Tường, nhất định mày rủa thầm: “ Đã trắng mắt chưa các con. Tranh đấu cho lắm vào!”. Mày ở vào phe bị thua, không ai tin mày mà giao cho mày trách nhiệm gì cả, nên mọi sự rối ben tồi tệ, mày vô can. Giả dụ nếu có cơ hội mày vượt biên thành công, qua bên đó mày ngửng mặt lên mà đi, mày có thể lấy mấy năm ở tù ra làm huy chương đeo trên ngực cho thiên hạ ngán mày. Mày bị tù tội, bị ức hiếp, mày phải ra đi tìm tự do….Bốn năm cải tạo của mày, một năm làm rẫy của mày, một năm đạp cyclo của mày, mày sẽ dùng làm chất liệu để viết hàng pho sách dày cộm vài nghìn trang tố cáo chế độ này. Ở lại đây, mày khổ mà thảnh thơi. Tụi tao khác mày nhiều lắm. Thấy đất nước ngày càng tồi tệ, dân ngày càng đói rách, tụi tao xót xa. Nếu từ ngày “giải phóng” đến nay đất nước có khá hơn một chút, một chút xíu thôi, tụi tao cũng đỡ mặc cảm…Khổ cho tụi tao là không có cái gì để khoe được với mày cả. Vậy thì bao nhiêu hy sinh để làm gì?…(15; tr 1816-1817). Những thằng như tao, Mười Chí hoặc Tường, thì ở vào một loại đặc biệt: tụi tao đổi chiến tuyến. Khi bỏ Huế vào rừng, tụi tao bỏ một phe để vào một phe khác, và ở phe mới, tụi tao bị coi như những đứa bé chập chững, dại dột, phải dạy dỗ canh chừng từng bước. Tụi tao phải giữ mồm giữ miệng, phải lặng lẽ quan sát chung quanh người ta ăn nói cư xử ra sao để bắt chước cho giống người ta, đôi lúc phải chửi rủa thậm tệ phe cũ để làm vừa lòng phe mới. Thằng Tường đã làm như thế, tao cũng đã làm như thế. Cố công hết sức, nhưng tụi tao vẫn là cháu ngoại…Một lần đổi chiến tuyến là một lần bẽ bàng.” (15; tr 1818)

Đúng như nhân vật đã chua chát nhận xét: Một lần đổi chiến tuyến là một lần bẽ bàng. Trong cuộc đời thực nó không những bẽ bàng mà còn là sự lựa chọn giữa sống và chết. Lịch sử của một đời người có bao lần đổi chiến tuyến như vậy?

Tuy nhiên, nỗi tuyệt vọng của một đời người không chỉ là sự bẽ bàng khi thay đổi chiến tuyến mà còn là tâm trạng đau đớn vì cảm thấy bị đánh lừa. Trong tác phẩm “Những kẻ bị mê hoặc vào cõi chết” của nhà văn Svetlana Alexievitch người Belarus, nữ nhà văn này đã phản ảnh sự chấn thương trong tâm lý người Nga, sau khi chế độ Cộng sản ở Liên xô sụp đỗ, dẫn theo hàng loạt những cái chết tự vẫn của giới trí thức Xô Viết, bởi “ Nỗi tuyệt vọng vì cảm thấy bị đánh lừa”. Sinh viên Ivan Ivachovest, 33 tuổi, vừa hoàn thành xong luận án tiến sĩ về chủ nghĩa «Marx và tôn giáo » nhảy lầu tự tử. Cái chết của anh có thể xem là số phận nhà trí thức hoài nghi tuyệt vọng khi nhận thức ra chân lý của chủ nghĩa Marx toàn điều huyễn hoặc. Trong bản luận án tiến sĩ để lại người ta thấy : “tất cả các trang đều bị gạch chéo với dòng chữ đỏ viết thật to ở khắp nơi: Đồ dởm, láo toét, nói dối…”.15 năm sau ngày “giải phóng” Miền Nam Việt Nam, vào những năm 90 sau khi bức tường Berlin sụp đổ, dẫn đến Đông Âu tan rã, chế độ Cộng sản ở Liên xô đánh dấu ngày tàn, nhiều người cảm thấy tuyệt vọng vì phát hiện ra họ đã bị một huyền thoại đánh lừa, huyền thoại mà họ đã cống hiến cả cuộc đời, sức lực, trí tuệ, tuổi thanh xuân hy sinh mù quáng. Trong lời mở đầu tác phẩm “Ensorcelés par la mort – Những kẻ bị mê hoặc vào cõi chết”, nhà văn Svetlana Alexievitch đã viết như vầy: “Một thời đại đã đi qua, thời đại của những lời nói dối tuyệt vời”.(16)

Có những chủ thuyết hôm qua là chân lý, nhưng ngày mai là “tội ác”. Lịch sử nhân loại trong thế kỷ 20 không thiếu những tội ác chân lý như vậy, và đã được chứng minh. Vì vậy, bi kịch của người trí thức vẫn là nỗi nhức nhối trong mọi thời đại.

Đến khi nào đất nước Việt Nam mới có được một chính thể đủ sức thuyết phục, tạo ra được sự đồng thuận dân tộc?

Đến khi nào người trí thức Việt Nam phụng sự đất nước mình mà không băn khoăn, hối tiếc?

Đến bao giờ?

Là câu hỏi của bây giờ.

Ban Mai

(Việt Nam, tháng7/2008)

( Ghi chú: Bài viết này dành cho chuyên đề Nguyễn Mộng Giác, do Ban Biên Tập trang mạng Da Màu - damau.org - chủ trương. Tác giả gửi đăng cùng với TC Hợp Lưu tháng 1&2/2009. Bản đưa lên trang mạng Da Màu này đã được được tác giả bổ sung và nhuận sắc)

—————-

Tài liệu tham khảo:

(1) Theo tài liệu L’État du Monde 2000, Ed La Découverte et Boréal. Số liệu thống kê tính trên cơ sở số của PNUD và ONU. Tỷ lệ lạm phát kinh tế của Việt Nam từ sau năm 1975 đến 1985 trong vòng 10 năm tăng 18 lần.

% lạm phát Năm 1975 Năm 1985

Việt Nam 5 91,6

Thái Lan 5,3 2,4

( Trích trong phần Tài liệu tham khảo: “ Việt Nam, con người từ những bóng ma” của Nam Dao)

(2) Nguyễn Mộng Giác trò chuyện với sinh viên lớp Việt văn 1.11.2005, tại trường Đại học Berkeley. (Nguồn Talawas 14.3.2006)

(3) Theo số liệu của Cao ủy Tị nạn Liên hiệp quốc, trong khoảng từ năm 1975-1995 đã có 849.228 người Việt Nam vượt biên bằng đường biển và đường bộ.

Xem tài liệu về thuyền nhân Việt Nam: http://vi.wikipedia.org/wiki/Thuy%E1%BB%81n_nh%C3%A2n#Sau_30_th.C3.A1ng_4_n.C4.83m_1975

(4) Nguyễn Mộng Giác, Sống và viết tại hải ngoại, Thuyền viễn xứ, nxb damau.org@. 2008

(5) Tập truyện ngắn “Thuyền viễn xứ” của Nguyễn Mộng Giác do damau.org xuất bản năm 2008 là tuyển tập gồm 13 truyện ngắn chọn từ tập “Ngựa nản chân bon” nxb Người Việt ấn hành năm 1984 và một số truyện trong tập “Xuôi dòng” nxb Văn Nghệ ấn hành năm 1987.

(6) Nguyễn Mộng Giác, Ngựa nản chân bon, sđd

(7) Lữ, Cây cau của Phùng Cung, talawas.11.9.2007

(8) Nguyễn Mộng Giác, Lẽ sống, sđd

(9) Nguyễn Mộng Giác, Một ngày như mọi ngày, sđd

(10) Tuyển tập Nam Cao tập1,tập 2; nxb Văn học, 1997

(11) Hà Minh Đức, Khảo luận văn chương, nxb Khoa học xã hội,2003

(12) Dr.Wynn wilcox, Vài nhận định về trí thức miền Nam thời chiến, Nguồn: BBC Ngày 21.10.2008

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/culture/story/2008/10/081021_south_vietnam_intellectuals.shtml

(13) Mặc Lâm phỏng vấn,Nguyễn Mộng Giác và “Sông Côn mùa lũ”. Nguồn: RFA,

ngày 16.11.2008.

(14) Đánh giá tiểu thuyết của Nguyễn Mộng Giác, nhà văn Trần Vũ từng thổ lộ : « Ðã hai thập niên mà ở hải ngoại chưa có cuốn tiểu thuyết nào làm tôi say mê nhiều hơn vậy. Ði làm ôm theo, ngồi trong xe lửa đọc miên man, vào công ty gấp sách lại chỉ mong chóng mau đến giờ hết việc, xuống xe điện, mở tập 2 Bảo Nổi, các nhân vật lại sống trở lại, cười nói, yêu khóc giận hờn, từng màu áo, sắc son môi, khoé mắt, tưng bừng trên trang giấy, làm như mình chưa hề rời xa họ một giây phút nào, đã thân thiết với họ tột bực, đã sống chung, chia sẻ tận cùng đời sống thầm kín của từng người » trả lời phỏng vấn Lê Quỳnh Mai.

Nguồn : http://tranvu.free.fr/baiviet/phvanTV-LQM.html

(15) Nguyễn Mộng Giác, Mùa biển động (tập 5- Tha hương), nxb Văn Nghệ, CA, USA, 1989

(16) Bảo Thạch, Ngòi bút nhỏ máu của Svetlana Alexievitch (Phần 1), Những kẻ bị mê hoặc vào cõi chết, nguồn RFI đăng ngày 27.2.2009. (http://www.rfi.fr/actuvi/articles/110/article_2669.asp).

No comments: