Công ty Úc đầu tư vào Nam Côn Sơn
Cập nhật:08:45 GMT - Thứ Ba, 31 tháng 3, 2009
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2009/03/090331_awe_namconson.shtml
Công ty thăm dò dầu khí Úc, Australian Worldwide Exploration Limited (AWE), loan báo họ mua lại cổ phần 23.3% của công ty Serica Energy Corp. tại lô 6/94 thuộc vùng trũng Nam Côn Sơn của Việt Nam.
Thỏa thuận này đang đợi PetroVietnam và chính phủ Việt Nam chấp thuận.
Lô 6/94 cách bờ biển Vũng Tàu 400 cây số, nằm ngay bên cạnh hai mỏ gas lớn hãng BP được quyền khai thác là Lan Tây và Lan Đô.
Nó cũng nằm gần một mỏ dầu vừa được hãng Premier Oil tìm thấy thời gian gần đây.
AWE sẽ hùn tiền theo cổ phần nắm giữ cho hoạt động thăm dò tại lô này, dự tính bắt đầu từ tháng Sáu năm 2009. Thông cáo báo chí của công ty phát hành tại thị trường chứng khoán Úc nói hy vọng khả năng tìm được dầu và khí khá cao.
Quyết định rút khỏi hai lô 5.2 và 5.3 tại vùng trũng Nam Côn Sơn của hãng BP hơn một tuần trước đây đã làm không ít người ngạc nhiên.
Chuyên gia cho rằng có thể hãng BP lo ngại khả năng xảy ra tranh chấp tại vùng biển có nhiều nước đòi chủ quyền.
Công ty Úc vào Nam Côn Sơn
Nhưng tại sao công ty Úc lại gạt ra ngoài quan ngại về tranh chấp lãnh thổ chấp nhận bỏ tiền để thăm dò dầu khí tại vùng này?
Đài BBC đã nhờ tiến sĩ Đinh Đức Hữu, chuyên gia năng lượng, người có nhiều năm nghiên cứu về tiềm năng dầu khí ở thềm lục địa của Việt Nam, phân tích về quyết định đầu tư của công ty dầu Úc.
TS Đinh Đức Hữu: Việc công ty Úc mua lại cổ phần khai thác để chia sẻ rủi ro với các bạn hàng khác tôi nghĩ đó là tính toán khôn ngoan. Nhất là trong hoàn cảnh một số người còn đang dè dặt, thì đây là việc làm tốt cho nước chủ nhà Việt Nam. Và cho cả công ty Úc đầu tư vào vùng ấy.
Vùng trũng Nam Côn Sơn thuộc chủ quyền của Việt Nam rõ ràng. Cả 10 hay 20 năm nay có rất nhiều công ty nước ngoài đã và đang thực hiện một cách thành các công dự án tại đấy. Nó là một trong những vùng có tiềm năng dầu khí, so với các vùng trũng khác như Thổ Chu hay Sông Hồng.
BBC: Quyết định mua lại cổ phần thăm dò tại lô 6/94 của công ty AWE từ Úc xảy ra sau khi tập đoàn đầu khí Anh BP quyết định rút lui khỏi hai lô 5.2 và 5.3 tại vùng trũng Nam Côn Sơn. Ông đánh giá ra sao về quyết định của BP?
TS Đinh Đức Hữu: Suy nghĩ của tôi là BP là một công ty quốc tế, làm ăn tại nhiều nơi, trong đó có Trung Quốc, nơi công ty có nhiều quyền lợi thương mại. Cạnh đó BP cũng rất muốn làm ăn với Việt Nam, tiến hành thăm dò tại thềm lục địa vì vùng ấy có tiềm năng. Chính phủ Việt Nam muốn tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài vào làm. Và có thể Trung Quốc biết được, và họ làm áp lực. Có thể họ nói rằng tại Trung Quốc BP có quyền lợi thương mại lớn hơn tại Việt Nam, nếu BP muốn tiếp tục làm ăn ở Trung Quốc, công ty cần chấm dứt hoạt động thăm dò tại vùng biển đang tranh chấp. Và BP thấy vậy cho nên trở nên ngại ngùng và xin tạm ngưng để công việc làm ăn tại Trung Quốc thuận lợi hơn..
Còn ngược lại công ty không có quyền lợi ràng buộc trực tiếp với Trung Quốc, như AWE từ Úc, thì họ cứ thẳng tiến, và họ không bị ảnh hưởng. Đây là thông tin từ những người có nhiều năm kinh nghiệm thăm dò dầu khí tại Á châu họ nói với tôi như vậy.
Trung Quốc bao giờ cũng đưa ra áp lực để giành quyền bá chủ tại vùng biển Nam Trung Hoa. Tại vùng này hiện đang có sáu nước tranh chấp. TQ là nước lớn, đương nhiên họ có tiếng nói lớn, và luôn đặt quyền lợi quốc gia của mình trên các nước khác. Trong bối cảnh này họ đưa ra áp lực đối với BP, và qua đó đối với Việt Nam.
Vụ ExxonMobil tại Biển Đông
BBC: Trước đây người ta thấy cũng đã xuất hiện ‘nhắc nhở' của Trung Quốc đối với công ty ExxonMobil của Mỹ là không được thăm dò dầu khí tại vùng Nam Côn Sơn, vì Trung Quốc coi vùng này thuộc chủ quyền của họ. Liệu rồi đây ExxonMobil cũng sẽ rút vì ‘phần thưởng' tại thị trường Trung Quốc lớn hơn nhiều so với VN?
TS Đinh Đức Hữu: Hoa Kỳ có cái thế chiến lược mạnh hơn những nước khác. Anh Quốc không có cái lợi thế này. Sự hiện diện của Hoa Kỳ tại Đông Nam Á đã có từ lâu. Và Trung Quốc cũng phải dè chừng. Việc Trung Quốc phản đối ExxonMobil vào thăm dò tại các lô, nói theo ngôn từ của chính phủ Trung Quốc, là vùng tranh chấp, nhưng thực sự nó là của Việt Nam. Còn liệu ExxonMobil có làm giống BP là ngưng thăm dò tại vùng thềm lục địa hay không, thì chuyện này vẫn còn sớm. Cựu ngoại trưởng Mỹ, Condoleeza Rice đã tuyên bố rất rõ là công ty Hoa Kỳ vẫn tiếp tục đầu tư vào những vùng có tiềm năng kinh tế đối với họ, trên cơ sở tôn trọng chủ quyền Việt Nam.
Còn lại sau này Exxon Mobil có tính toán riêng khác thì tôi chưa dự đoán được. Liệu họ có đủ cứng rắn để từ chối quyền lợi to lớn hơn nữa không? Cái đấy chúng ta còn xem. Càng có nhiều công ty dầu khí Hoa Kỳ làm ăn tại Việt Nam, và làm tại thềm lục địa Việt Nam thì có lẽ càng tốt.
No comments:
Post a Comment