Monday, March 30, 2009

ĐỪNG NÓI SUÔNG VỚI NÔNG DÂN NỮA

"ĐỪNG NÓI SUÔNG VỚI NÔNG DÂN NỮA!"

NHÀ VĂN DẠ NGÂN

16.03.2009 21:18

http://www.vannghesongcuulong.org.vn/modules.php?name=News&op=viewst&sid=4667

ĐỪNG NÓI SUÔNG VỚI NÔNG DÂN NỮA!"

PV: Bà là người gắn bó với đồng bằng Sông Cửu Long, lại có rất nhiều những tác phẩm văn học viết về đề tài nông nghiệp nông thôn. Có thể nói bà theo rất sát những bước thăng trầm của người nông dân trước, trong và sau thời kỳ hội nhập. Hẳn bà sẽ rất vui mừng khi mới đây (ngày 4/3/2009) Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi làm việc với 2 Tổng công ty lương thực miền Bắc và miền Nam đã chỉ đạo phải mua hết lương thực cho dân với mức lãi hợp lý, lợi nhuận thấp nhất là 30%?
Bà có niềm tin vào sự chỉ đạo của người đứng đầu Chính phủ không. Theo bà liệu có chấm dứt được cảnh người nông dân đưa lúa gạo về thành phố HCM đi bán dạo như bán cà rem?

DẠ NGÂN : Tôi hoài nghi về sự vâng lời của mấy ông mấy bà TCT quen kiểu độc quyền. Chúng ta có nhiều "bài học xương máu" với các vị ấy nhiều rồi. Ví như chuyện xăng dầu, ví như chuyện giá điện, ví như chuyện giá cước viễn thông và mới đây nhất là giá bưu chính. Một cánh thư đi giờ phải tốn con tem 2.000 đồng, gấp 2 lần rưỡi ngày hôm qua. Đồng tiền chúng ta rớt giá thê thảm hay người dân đang bị móc túi?

Tôi nói với bà con ở quê tôi ăn gạo giá 18 ngàn đồng một ký, bà con trợn mắt: "Gạo trời sao mắc dữ vậy? Giá gạo ở đây có 6 ngàn thôi". Không phải gạo trời mà giá gạo trên trời. Sài Gòn miền Tây chỉ cách nhau có vài trăm cây số mà chúng tôi phải chịu giá gạo gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần, do đâu? Do hệ thống trung gian ăn hết. Các Tổng công ty bộ máy cồng kềnh, để nuôi sống được hệ thống của họ thì trung gian phải cao, có nghĩa là phải ép giá ở khâu gốc là người làm ra lúa. Tôi thích các người hàng xáo nhỏ năng động, họ chở từng xe tải nhỏ lên thành phố bán lẻ gạo mới gạo tươi, dĩ nhiên là giá rẻ, nhờ họ mà người tiêu dùng được lợi. Chí ít thì có một phía được lợi là người tiêu dùng. Chuyện nông dân bị ép là chuyện của muôn đời, đâu chỉ riêng mặt hàng lương thực.

PV: Sự chỉ đạo quyết liệt, kèm theo đó là những quyết định đầu tư kho bãi nhằm tiêu thụ lúa gạo trong dân, phần nào đã làm yên lòng người dân, và mức lợi nhuận tối thiểu 30% có thể nói đã đảm bảo đời sống ổn định của người dân. Nhưng để cải thiện đời sống, và phát triển nông thôn người dân không chỉ có lợi nhuận từ hạt gạo, mà họ còn phải nuôi tôm, cá, bò, heo… bà có cho rằng vai trò của các doanh nghiệp, Tổng công ty, cũng như những kế hoạch sản xuất, xuất khẩu, đóng vai trò quan trọng không thể thiếu?

DẠ NGÂN : Sao bạn dễ lạc quan quá vậy? Tôi thấy người dân đã quen chung sống với các chỉ thị rồi. Rồi đâu lại vào đấy cả thôi. Khi nào chúng ta có nền kinh tế tự do thật sự, chừng đó người nông dân mới tự quyết định được đường hướng cho mình. Họ cần canh tác lớn, cần chăn nuôi lớn, cần sự hỗ trợ thực sự về vốn và về đầu ra của nhà nước, họ cần nhất là kiến tạo vĩ mô sao cho từng cá thể có cảm hứng làm ăn, có luật pháp để cạnh tranh và phát triển, có bầu không khí minh bạch để hít thở nữa.

PV: Thời gian gần đây, phong trào ly nông, ly hương ra thành phố của người nông dân ngày một lớn. Nguyên nhân có thể nhận thấy là do phong trào đô thị hoá, mùa màng thất bát, khiến cho người nông dân phải bỏ lại sau lưng đất đai, nếp nhà… thói quen… nông thôn thì ngày một quạnh vắng, còn thành phố thì chật chội từng giờ, từng phút. Bà có lo lắng khi nghe các phương tiện thông tin đại chúng đưa ra số liệu thất nghiệp của người lao động hiện nay không?

DẠ NGÂN : Tôi không cho rằng mùa màng thất bát. Nông dân chúng ta nói chung, nông dân miền Tây nói riêng làm ăn tháo vát và có kỹ năng lắm. Đất không sinh nhưng người thì đông lên, rõ rồi, vì vậy mà thất nghiệp, dư thừa, bùng nổ. Nhưng sản lượng mọi thứ thì vô cùng lớn, cung thừa cho cầu. Nếu bạn thường đi chợ ở miền Tây bạn sẽ không nghĩ nông thôn quạnh vắng là do mùa màng thất bát. Ê hề gạo, ê hề tôm cá, ê hề hoa quả. Nhưng nông dân không yêu đất, nông dân ghét nông thôn. Vì sao? Vì chúng ta có trọng nông dân không, chúng ta có yêu nông thôn không? Chúng ta đã xốc xáo mọi thứ lên rồi bỏ phế cho họ. Người nông dân Nam bộ không gặp thời rồi.

Tôi chẳng những lo mà còn đau lòng khi biết phụ nữ miền Tây thích lấy chồng ngoại để ly hương, thích "đi học may" ở đô thị và những chỗ ăn chơi để cứu vãn kinh tế gia đình, thích làm công nhân để bị bóc lột trực tiếp hơn…Hiện đang có chiều hướng người nông dân quay lại vì nạn thất nghiệp ở thành phố gia tăng nhưng họ đã mất phương hướng. Một nông thôn tan rữa văn hoá thì cứu vớt làm sao?

PV: Ở lại với đất thì lụi bại, nhưng ra thành phố cũng không nuôi nổi bản thân mình, đó là một thực tế đang xảy ra đối với người nông dân của nước ta trong giai đoạn hiện nay. Hẳn bà cũng đau lòng khi chứng kiến cảnh người nông dân Nam bộ điêu đứng vì cá tra, diêm dân ngồi khóc ròng trước những đồng muối bị mưa làm cho mất trắng… hay người dân Bắc bộ thà phá bỏ rau chứ không đem ra chợ bán vì giá rẻ như bèo,… Nói những ví dụ này để thấy rằng, cách làm ăn xổi ở thì không còn phù hợp, theo bà công tác dự báo thời tiết, quy hoạch và chính sách tiêu thụ từ phía Nhà nước, doanh nghiệp … chiếm bao nhiêu phần trăm trong sự vực dậy, ổn định kinh tế của người nông dân?

DẠ NGÂN : Tôi có nhiều người thân và bạn bè sạt nghiệp vì cá tôm. Một cán bộ về hưu muốn làm thêm, chỉ mấy năm mà nợ tới vài tỷ vì nuôi cá, bạn có tin là họ chỉ muốn tự tử cho xong đời không? Đừng nói bà con có thói làm ăn kiểu ăn xổi ở thì. Nông dân ta, nhất là nông dân Nam bộ rất giỏi giang xoay xở và có kỹ năng công việc. Nhưng làm gì rồi cũng thua lỗ và ế ẩm. Nông dân Trung Quốc đỡ ậm ạch hơn vì họ đưa sản xuất công nghiệp về tận nông thôn dù có khi hàng của họ là hàng dởm rẻ tiền mau hỏng. Nông dân Ấn Độ cũng không sáng sủa gì mấy. Châu Á mình đất chật người đông mà dân trí thấp, vì vậy mà họ rất cần một nhà nước trí tuệ, quán xuyến và hiệu quả. Nhìn vào nông thôn và tình cảnh nông dân, tôi không hy vọng sự thay đổi gì nhiều. Làm gì có chiếc đũa thần nào.

PV: Trong nền kinh tế thị trường, việc cho ra đời những sản phẩm đúng yêu cầu của thị trường là một việc làm hết sức khó khăn đối với người nông dân. Họ cần được hỗ trợ về kỹ thuật nuôi trồng, nguồn cây và con giống, cũng như phân bón…Bên canh đó là đầu tư, tư vấn theo thời vụ, cần nguồn vốn với lại xuất thấp để đầu tư sản xuất, mua sắm tiêu dùng, nâng cao đời sống vật chất… Theo bà, họ cần phải bắt đầu từ đâu?

DẠ NGÂN : Hãy bắt đầu từ trí thức và tri thức. Khi người trí thức không được coi trọng thì người nông dân cầm chắc là đơn độc. Ai giúp họ về giống, về kỹ thuật, về môi trường, về đường đi nước bước của sản phẩm? Và hãy cho mọi người có cảm hứng làm việc, cảm hứng yêu nước, cảm hứng cống hiến. Một người nông dân ở Pháp có thể làm một mình 70 hec-ta ngô, bạn có tin không? Một mình với máy móc, với đồng vốn được vay ưu đãi và với văn bản ký kết của các công ty tiêu thụ ngay từ ngày đầu. Hãy cho người nông dân phỉ chí với đất, cho họ kỹ thuật, cho họ tiền vay, cho họ trách nhiệm và tình thương. Đừng nói suông với nông dân nữa.

PV: Nhân nói về công tác dự báo thời tiết, chúng ta biết rằng, Việt Nam sẽ là một trong 5 nước phải chịu ảnh hưởng nặng nề của sự biến đổi khí hậu toàn cầu, với khoảng 23 triệu nông dân bị mất đất và phải sống chung với nước quanh năm, bà có sẵn sàng chia sẻ với người dân, và có ủng hộ những lời giải từ phía chính phủ và các cơ quan chức năng cho bài toán này không…

DẠ NGÂN : Sẽ có lúc cả miền Tây ngập chím trong biển nước. Chấm hết vựa lúa quốc gia. Ai sẽ chịu trách nhiệm định hướng cho người dân cung cách sống chung với nước mặn? Không phải ai cũng có lực để rời đi, vì vậy mà phải tính ngay từ bây giờ thành phố trong nước thế nào, nuôi trồng thuỷ hải sản ra sao, học hành và chữa bệnh trong lênh đênh nhà thuyền thế nào. Cả ngành giáo dục còn chưa bao giờ có môn bơi trong nhà trường cho học sinh tiểu học và trung học kia mà. Chúng ta là con dân lúa nước và có 3200 km bờ biển cùng chằng chịt sông ngòi mà con dân chúng ta cực kỳ sợ nước và không ít người mù bơi. Đó, vĩ mô của chúng ta đó. Chi tiết nhỏ sức khái quát lớn, tôi luôn nghĩ đến thiếu môn bơi là đủ thấy chúng ta rất mơ hồ về những chuyện thiết thực của chính mình.

D.N (TP. Hồ Chí Minh)

No comments: