Thursday, March 5, 2009

KHI NGUYỄN PHÚ TRỌNG TUYÊN BỐ TOÀN VẸN LÃNH THỔ

DC&PT - Thời Sự 2009
Khi Nguyễn Phú Trọng tuyên bố
bảo vệ quyền lợi đất nước và toàn vẹn lãnh thổ !

Âu Dương Thệ
www.dcpt.org hay www.dcvapt.net

Mới đây ngày 27.2, chỉ vài ngày sau khi Bộ Ngoại giao Mĩ công bố Bản Tường trình về tình hình vi phâm nhân quyền trên thế giới năm 2008, trong đó có phần nói tới sự chà đạp nhân quyền của chế độ CSVN, Nguyễn Phú Trọng, Ủy viên Bộ chính trị (UVBCT) và Chủ tịch Quốc hội (CTQH) đã viết một bài khá dài đăng trên tờ Quân đội Nhân dân (QĐND) dưới tựa đề „Quốc hội Việt Nam với việc bảo đảm và thực hiện quyền con người“, nhưng không thấy đăng trên các báo khác. Và chỉ ít ngày sau, ngày 2.3 Nguyễn Phú Trọng –chứ không phải Chủ tịch nước (CTN) hoặc Thủ tướng (TT), đã đọc diễn văn quan trọng trong ngày kỉ niệm 50 năm thành lập Bộ đội Biên phòng (BĐBP). Đứng cạnh Nguyễn Phú Trọng trong buổi lễ này còn có hai cựu TBT Đỗ Mười và Lê Khả Phiêu, nguyên CTN Lê Đức Anh, UVBCT và Thường trực Ban Bí thư Trương Tấn Sang và UVBCT, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh.
[1] Mặc dầu lãnh vực quân đội không phải là lãnh vực phụ trách trực tiếp của ông Trọng, nhưng ông đã xuất hiện như một nhân vật chính và đọc diễn văn chỉ đạo khá dài trong buổi lễ của Bộ đội Biên phòng, lực lượng bảo vệ biên giới và hải đảo của VN. Ai cũng biết phần biên giới và hải đảo tiếp giáp với Trung Hoa là phần quan trọng nhất và cũng đang có nhiều tranh chấp nóng bỏng nhất.
Ở đây không bàn nội dung bài của ông Trọng trên tờ QĐND, vì vẫn chỉ là „biết rồi khỏ lắm nói mãi.“ Câu hỏi cho những ai theo dõi thời cuộc VN là: Tại sao Nguyễn Phú Trọng trong thời gian gần đây đã tỏ vẻ quan tâm đặc biệt tới quân đội, chọn tờ QĐND để trình bày quan điểm việc „thực hiện quyền con người“ của QH và tiếp đó đã chọn Bộ đội Biên phòng làm nơi để trình bày lập trường và quan điểm về vấn đề thời sự quốc phòng?
Ai theo dõi nội tình ĐCSVN thì đều biết, Nguyễn Phú Trọng thuộc khuynh hướng bảo thủ, là người thân Bắc kinh và được coi như người có thế lực rất mạnh trong BCT hiện nay. Trước khi làm CTQH, Nguyễn Phú Trọng đã từng là Bí thư Thành ủy Hà nội, đồng thời phụ trách Công tác Tư tưởng của Đảng và Chủ tịch Hội đồng Lí luận trung ương (HĐLLTU). Tuân thủ chủ trương gắn bó với Bắc kinh của Đỗ Mười và Lê Đức Anh, trong thời gian phụ trách Công tác Tư tưởng và Chủ tịch HĐLLTU Nguyễn Phú Trọng đã là người sáng lập và chỉ đạo trực tiếp các cuộc Hội thảo Lí luận ở cấp cao giữa hai ĐCS Việt Nam và Trung Hoa về các vấn đề ý thức hệ, chính trị và kinh tế. Mới đây Tô Huy Rứa, một người thân cận của ông Trọng, vừa được bầu bổ túc vào BCT tại Hội nghị Trung ương 9 (1.09), đang tích cực tiếp nối công việc của Nguyễn Phú Trọng trong quan hệ chặt chẽ về tư tưởng ý thức hệ với Bắc kinh.
[2]
Trong thời gian gần đây một phần không nhỏ trong ĐCS, trong Quân đội Nhân dân, các giới chuyên viên, nhân sĩ và giới trẻ tỏ ra bất bình và lo ngại trước thái độ khúm núm và sự nhân nhượng vô nguyên tắc của nhóm cầm đầu CSVN trước thái độ kiêu ngạo và đòi hỏi ngang ngược của nhóm cầm quyền Bắc kinh. Mọi người đã cảm nhận một cách cay đắng và tức tưởi rất trực tiếp trong các tuần lễ gần đây trong quan hệ Bắc kinh và Hà nội. Do áp lực rất mạnh của Bắc kinh nên trong dịp kỉ niệm 30 năm Chiến tranh Biên giới Việt –Hoa (1979-2009) vào giữa tháng 2.09 nhóm cầm đầu CSVN đã không dám tổ chức một lễ kỉ niệm nào, cũng không có những lễ viếng các nghĩa trang chôn cất hàng ngàn bộ đội đã phải hi sinh trong cuộc chiến xâm lược trước đây 30 năm do nhóm lãnh đạo CSTH phát động lúc đó. Họ sợ hãi Bắc kinh đến nỗi không dám cho phép cả báo chí trong nước được viết về đề tài này trong tháng 2 vừa qua. Điều này hoàn toàn trái với thái độ vẫn có của nhóm cầm đầu CSVN cho tổ chức hàng năm kỉ niệm long trọng các dịp chiến thắng Điện Biên phủ hay ngày 30.4 và viết những bài ca tụng chiến thắng cũng như kết án đối thủ, mặc dầu các sự kiện lịch sử này đã xẩy ra trước cả cuộc xăm lăng biên giới VN của Trung Hoa vào giữa tháng 2.1979.
Trong khi không dám làm lễ kỉ niệm tưởng nhớ hàng ngàn bộ đội và nhân dân đã phải hi sinh trong chiến tranh biên giới do cuộc xâm lăng của CSTH thì chỉ ít ngày sau những người cầm đầu CSVN đã cùng với Bắc kinh tổ chức long trọng buổi „Lễ chào mừng hoàn thành công tác cắm mộc biên giới“ Việt-Hoa vào ngày 23.2 ở Lạng sơn, ở chính ngay chỗ trước đây 30 năm đã là một chiến trường chính, quân đội VN đã phải xả thân để bảo vệ lãnh thổ! Trong buổi lễ này UVBCT, Phó TT kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm đã không ngớt lời ca tụng mối bang giao mà hai bên gọi là „16 chữ vàng“ và „4 tốt“:
„Đây là biểu hiện sinh động của mối quan hệ đối tác–hợp tác chiến lược toàn diện giữa 2 nước và cũng là thông điệp quan trọng khẳng định với thế giới về mối quan hệ hợp tác đang phát triển tốt đẹp giữa Việt Nam và Trung Quốc.“
[3]
Đáp lời hồ hời của Phạm Gia Khiêm, Quốc vụ viện Trung Hoa Đới Bỉnh Quốc trong buổi lễ này đã dùng ngôn ngữ ngoại giao rất mỉa mai nói là, hai bên „cùng thắng“ và „cùng có lợi“. [4] Đới Bỉnh Quốc biết thừa rằng, trong việc này chỉ có lợi cho Trung quốc, vì suốt hơn chục năm từ khi đàm phán, kí kết tới thực hiện Hiệp định Biên giới thì nhà cầm quyền CSVN luôn luôn bị đứng trong tư thế rất yếu so với Bắc kinh. Đây chính là hậu quả của việc vội vã cúi đầu cầu hòa với phương Bắc để bảo vệ quyền hành của Đỗ Mười và Lê Đức Anh vào đầu thập niên 90 của thế kỉ trước.
Thái độ khúm núm làm mất thể diện quốc gia của nhóm cầm đầu CSVN được đổi lại bằng sự leo thang đưa ra những yêu sách ngang ngược của nhà cầm quyền Bắc kinh không chỉ trong biên giới, lãnh hải và hải đảo, mà nay còn đang gia tăng áp chế cả trong kinh tế. Rõ ràng nhất là họ phải để cho Bắc kinh khai thác Bauxit nhôm trên Tây nguyên của VN. Những ai am hiểu đều biết trong điều kiện hiện nay của VN, việc để cho Bắc kinh khai thác các quặng Bauxit để chế biến thành kim loại nhôm sẽ phá hủy rất lớn về môi trường, gây rất nhiều thiệt hại cho nhân dân và có ảnh hưởng bất lợi cho an ninh quốc phòng. Mặc dầu nhóm cầm đầu CSVN biết rõ là trình độ kĩ thuật của Trung Hoa rất thấp trong lãnh vực khai thác khoáng sản (mỗi năm có tới vài ngàn công nhân Trung Hoa bị chết vì các vụ nổ trong các mỏ than) và kỉ luật lao động rất tồi tệ của các chuyên viên và công nhân Trung quốc (nhiều dòng sông ở Trung Hoa đã biến thành nước độc do các chất thải hóa học độc hại của các xí nghiệp). Nhưng hiện nay các nhà thầu Trung quốc đã độc quyền khai thác các quặng Bauxit và hàng trăm công nhân người Hoa đã được đưa vào Tây nguyên để khai thác quặng Bauxit và thời gian tới có thể lên tới vài ngàn người! Do áp lực của Bắc kinh và sợ sự phản đối của nhân dân VN cho nên chính Nguyễn Tấn Dũng cũng đã ra chỉ thị nội bộ số 17/TB-VPCP ngày 13.1.09 không cho báo chí được tường thuật về việc này!
„Trong thời gian chưa hoàn thành việc tổ chức Hội thảo khoa học, Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các phương tiện thông tin đại chúng không đưa tin về ảnh hưởng môi trường trong khai thác, tuyển rửa“
Trước những việc làm khuất tất và vội vàng như vậy, nên cũng vào dịp này tướng Võ Nguyên Giáp, một cựu đại thần cuối cùng còn sống của chế độ, đồng thời còn nhiều ảnh hưởng trong hàng ngũ sĩ quan trong Quân đội Nhân dân, đã phải viết thư trực tiếp cho Nguyễn Tấn Dũng. Trong đó tướng Giáp đã cho biết, từ thập niên 80 của thế kỉ trước ngay cả các chuyên viên Liên xô khi đó cũng đã nói cho Hà nội biết là „không nên khai thác bô-xít trên Tây Nguyên do những nguy cơ gây tác hại sinh thái lâu dài rất nghiêm trọng, không thể khắc phục được đối với dân cư chẳng những tại chỗ mà còn cả dân cư và vùng đồng bằng Nam Trung Bộ. Chính phủ khi đó đã quyết định không khai thác bô-xít mà gìn giữ thảm rừng và phát triển cây công nghiệp (cao su, cà phê, chè...) trên Tây Nguyên. “
[5]
Không những thế tướng Giáp còn cảnh báo cả những nguy hại về “an ninh quốc phòng”:
“Việc xác định một chiến lược phát triển Tây Nguyên bền vững là vấn đề rất hệ trọng đối với cả nước về kinh tế, văn hóa và an ninh quốc phòng.”
Cho nên vào cuối thư, tướng Giáp đã yêu cầu Nguyễn Tấn Dũng phải “cho dừng triển khai các dự án khai thác bô-xít ở Tây nguyên”.
Sau đó không lâu nguyên Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, cựu Tư lệnh Quân khu IV trước 1975 và cựu Đại sứ tại Bắc kinh, đã viết thư gởi BCT và TT Nguyễn Tấn Dũng về việc này. Trong đó ông đã ủng hộ các nhận định và yêu cầu của tướng Giáp cũng như của nhiều chuyên viên, trí thức và nhân sĩ. Ông Vĩnh đã nhấn mạnh đặc biệt về nguy cơ tới an ninh quốc phòng trong việc để cho Trung Hoa khai thác mỏ Bauxit ở Tây nguyên:
“Nay lại để Trung Quốc khai thác bauxit ở Tây Nguyên thì sẽ có năm, bảy nghìn hoặc một vạn công nhân hay quân nhân Trung Quốc đến cư trú và hoạt động tại đây, sẽ hình thành một "thị trấn Trung Hoa", một "căn cứ quân sự" trên địa bàn chiến lược vô cùng xung yếu của chúng ta (vũ khí đưa vào thì không khó gì). Phía Bắc nước ta, trên biển có căn cứ hải quân hùng mạnh, phía Tây Nam nước ta có căn cứ lục quân trang bị đầy đủ thì độc lập, chủ quyền mà chúng ta đã phải đổi bằng hàng triệu sinh mạng cùng xương máu sẽ như thế nào?!”
[6]
Nhưng mới đây Nguyễn Tấn Dũng đã bác bỏ những yêu cầu chính đáng của các tướng Giáp và tướng Vĩnh, cũng như của nhiều chuyên viên, trí thức và nhân sĩ. Ông Dũng đã cho biết, “Về vấn đề khai thác boxit tại Tây Nguyên, Thủ tướng cho biết, đây là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước.”.[7] Cách nói này phải được hiểu là, việc này đã được quyết định xong ở cấp cao nhất và không phải là do chính phủ của ĐCSVN quyết định mà là do áp lực của Bắc kinh. Vì chính vài tháng trước đó trong chuyến thăm Bắc kinh vào cuối tháng 5. 08 Nông Đức Mạnh, người cầm đầu chế độ, đã đồng ý để Bắc kinh khai thác các quặng Bauxit ở Tây nguyên. [8]

* * *

Việc tổ chức kỉ niệm một cuộc chiến để tưởng nhớ tới những chiến sĩ và nhân dân đã hi sinh là một tình cảm tự nhiên của con ngưới bất cứ ở đâu, là một quyền chính đáng của một dân tộc và là trách nhiệm của chính quyền đương thời, nhất là nếu cuộc chiến đó là cuộc chiến đấu tranh chống ngoại xâm để bảo toàn lãnh thổ và độc lập. Vậy thì động cơ nào đã khiến nhóm cầm đầu chế độ toàn trị ở VN đã không tổ chức lể kỉ niệm 30 năm cuộc chiến tranh chống xâm lược bành trướng của phương Bắc? Có hai cách giải thích: 1. Hoặc là nhóm cầm đầu CSVN hiện nay coi việc Bắc kinh mở cuộc chiến vào đầu năm 1979 chống VN là chính đáng. 2. Hay họ đang bị áp lực rất mạnh của Bắc kinh, cho nên đã không dám tổ chức lễ kỉ niệm, ngược lại phải tập trung vào việc tổ chức “Lễ chào mừng hoàn thành công tác cắm mốc biên giới”!
Những diễn biến chính trị trình bày trên đây đã cho thấy, nhóm thân Bắc kinh trong BCT vì muốn tiếp tục giữ ghế, giữ phần nên đã ngày càng tỏ ra nhu nhược và hèn yếu trước các yêu sách ngày càng ngang ngược, ngày càng mở rộng của Bắc kinh. Nhóm cầm đầu Bắc kinh đã ngăn cản không cho chế độ CSVN tổ chức kỉ niệm 30 năm chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, bắt nhóm cầm đầu CSVN phải long trọng tổ chức „Lễ chào mừng hoàn thành công tác cắm mốc biên giới“ ở ngay trên phần đất mà cách đây 30 năm đã diễn ra cuộc chiến tranh xâm lược của phương Bắc. Không những thế, nhóm cầm đầu CSVN thân Bắc kinh còn khinh thường những lời cảnh báo chính đáng của các tướng Giáp và Vịnh cũng như của nhiều chuyên viên và nhân sĩ đừng để Bắc kinh khai thác Bauxit ở Tây nguyên. Chính thái độ ươn hèn và nhu nhược với phương Bắc, nhưng lại rất cao ngạo với nhiều cựu tướng lãnh và chuyên viên, nên nhiều đơn vị trong QĐND, sĩ quan, các giới thanh niên, sinh viên , trí thức và nhân dân VN đã rất bất bình với những người cầm đầu chế độ toàn trị. Bị dư luận chỉ trích rất rát mặt, cho nên những nhân vật thân Bắc kinh trong BCT đã phải tìm cách rửa lại bộ mặt của mình. Dịp kỉ niệm 50 năm thành lập Bộ đội Biên phòng được họ coi là thích hợp nhất, vì lực lượng này phải thường xuyên đối phó với tình hình an ninh ở biên giới, lãnh hải và các hải đảo, đặc biệt là đối với Trung Hoa. Sự xuất hiện của Nguyễn Phú Trọng, Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Lê Khả Phiêu và Trương Tấn Sang trong dịp lễ kỉ niệm 50 năm thành lập BĐBP vào đầu tháng 3.09 là muốn chứng tỏ, họ rất quan tâm tới vấn đề biên giới, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ !
Mặc dầu vậy, trong diễn văn khá dài đọc tại cuộc lễ kỉ niệm 50 năm thành lập Bộ đội Biên phòng, Nguyễn Phú Trọng tuy có nhắc đi nhắc lại tới nhiệm vụ bảo vệ biên giới và hải đảo của ngành này, nhưng chỉ nói chung chung, không có môt lần nào dám nói công khai hay trực tiếp từ đâu hay từ nước nào đang đe dọa an ninh và toàn vẹn lãnh thổ của VN. Tại sao tự nhận là “đồng chí” thân thiết của Bắc kinh, nhưng ông Trọng đã không dám nói thẳng, nói thật ! Đáng để ý hơn nữa, ngay cả trong diễn văn của Thượng tướng Nguyễn Khắc Nghiên, UV Trung ương đảng, Tổng Tham mưu trưởng và Thứ trưởng Quốc phòng vào dịp này tuy đã nhắc lại vai trò của Bộ đội Biên phòng trong chiến tranh chống Pháp và Mĩ, nhưng lại không có một đoạn hay câu nào nói tới trong chiến tranh Việt-Hoa đầu 1979!
[9]
Qua đó có thể thấy, sự chăm sóc đặc biệt gần đây của Nguyễn Phú Trọng tới các đơn vị của QĐND, đặc biệt là Bộ đội Biên phòng có thể vừa được coi là thái độ vỗ về, chấn an quân đội, nhưng mặt khác còn có thể hiểu là cách răn đe quân đội của phe bảo thủ thân Bắc kinh trong BCT hiện nay. Phải vỗ về chấn an QĐND, vì sự im lặng và không dám tổ chức lễ kỉ niệm cũng như thăm viếng các mồ mả hàng ngàn binh sĩ đã thiệt mạng trong cuộc chiến tranh chống xâm lược bá quyền Bắc kinh vừa đúng 30 năm đã làm nhiều đồng đội và thân nhân của những đơn vị đã từng tham chiến xả thân cho việc bảo vệ lãnh thổ vô cùng bất mãn và tức tưởi! Ra mặt trấn an để họ muốn tỏ ra là vẫn quan tâm tới quyền lợi đất nước và bảo toàn lãnh thổ. Nhưng mặt khác sự hiện diện của Nguyễn Phú Trọng, một nhân vật bảo thủ có nhiều quyền lực và thân Bắc kinh, trong dịp này còn là cách răn đe các khuynh hướng, các đơn vị hay sĩ quan đang tỏ thái độ bất mãn trước sư ươn hèn và nhu nhược của nhóm cầm đầu trong BCT. Nguyễn Phú Trọng và những người đứng đằng sau như Đỗ Mười và Lê Đức Anh, muốn nhắn bảo với những người này và dư luận chung là, họ trước sau vẫn nắm giữ trực tiếp và chủ động quân đội!
Nhưng ai hiểu biết và quan tâm về tình hình VN sẽ thấy rằng, những ý đồ trên đây của những người thân Bắc kinh trong nhóm cầm đầu CSVN không thể che dấu được ai. Nhiều sĩ quan, đơn vị quân đội, các giới chuyên viên, học giả và sinh viên càng thấy rất rõ thái độ cố tình đánh lừa dư luận của nhóm này. Mọi người còn thấy rõ, những sự hiện diện và các lời tuyên bố của họ trong buổi lễ nói trên đã tự cho thấy tư cách hèn yếu, chỉ mong bám giữ ghế để bảo vệ đặc quyền đặc lợi bằng mọi giá, kể cả thỏa hiệp và nhượng bộ vô nguyên tắc đối với bá quyền phương Bắc!
Nguyễn Phú Trọng đã từng nhiều năm làm Chủ tịch Hội đồng Lí luận Trung ương và học thuộc lòng thuyết duy vật biện chứng, như thế ông phải biết nhiều mặt của một vấn đề: Ở đâu có người nhu nhược và hèn yếu, đầu hàng bá quyền bên ngoài thì ở đấy sẽ hình thành và kết hợp những người biết trọng danh dự và có lòng ái quốc chân chính ! Ở đâu có đàn áp, độc tài và bất công thì ở đó phải có phản đối, đối lập và đấu tranh để kiến tạo dân chủ và công bằng !

GHI CHÚ:
[1] . Quân đội nhân dân điện tử (QĐND) 2.3
[2] . Âu Dương Thệ,79 năm hoạt động của ĐCSVN (3.2.1930 – 3.2.2009):Từ một đảng cách mạng trở thành một đảng phản cách mạng! Chứng minh qua Hội nghị Trung ương 9, trong www.DCPT.org
[3] . Phạm Gia Khiêm trong buổi „Lễ chào mừng hoàn thành công tác cắm mốc biên giới“, Chính phủ điện tử (CP) 23.2
[4] . Vietnam Net 23.2
[5] . Nguyên văn thư của tướng Võ Nguyên Giáp xem trong www.DCPT.org
[6] . Xem thư của tướng Nguyễn Trọng Vĩnh thơ gởi BCT, www.DCPT.org
[7] . Nguyễn Tấn Dũng phát biểu trong cuộc gặp báo chí đầu năm, CP 4.2.
[8] . Điểm 5 trong Thông cáo chung TH-VN, Nhân dân 2.6.08.
[9] . QĐND 2.3

Mục Thời sự Tạp chí Dân chủ & Phát triển điện tử:
www.dcpt.org hay www.dcvapt.net



No comments: