Saturday, January 24, 2009

THƯ PHÁP HẢI NGOẠI

Đầu Xuân Kỷ Sửu mạn đàm về Thư Pháp hải ngoại
Nhã Trân, phóng viên đài RFA
2009-01-24
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Interview-well-known-vietnamese-caligraphy-artist-vu-hoi-ntran-01242009131820.html
Nhân dịp xuân về Nhã Trân có cuộc mạn đàm với nhà danh họa Vũ Hối về sinh hoạt thư pháp, hay còn gọi là thư họa, thư bút, để biết về sinh hoạt của nghệ thuật này tại hải ngoại năm vừa qua.
Ông Vũ Hối là một nhà thư pháp với nhiều thập niên kinh nghiệm, từng được giải thưởng quốc tế về nghệ thuật thư pháp Việt Nam, và là tác giả của hàng trăm tác phẩm thư pháp, thư họa cũng như một số thi văn họa.
Mời quí thính giả theo dõi cuộc mạn đàm.

Sinh hoạt chợ Tết

Nhã Trân: Kính chào nhà thư họa Vũ Hối. Nhân dịp đầu xuân chúng tôi muốn hỏi là theo nhận xét của ông thì sinh hoạt về nghệ thuật thư pháp, thư họa của người Việt hải ngoại trong năm vừa qua có gì mới, hay đã tiến triển như thế nào?
Nhà danh họa Vũ Hối: Xin chào cô Nhã Trân và quí anh chị trong Đài ACTD, cũng như quí thính giả thân mến của Đài. Nhân đầu năm tôi cũng xin được chúc mọi người một năm mới đầy sức khỏe, may mắn, thành công và như ý. Thưa, tôi thấy sinh hoạt này tại hải ngoại năm vừa rồi cũng tưng bừng lắm. Như thành phố San Jose mà tôi đang có mặt hôm nay, tôi thấy hầu như nhà nào mà tôi đến cũng có một bức thư họa, một tác phẩm thư pháp để treo trên tường. Hầu như điều này đã trở nên một điều phổ thông chung.
Sinh hoạt thư họa của ai thì tôi không biết. Còn sinh hoạt về thư họa của tôi thì tôi thấy rất bận rộn. Như ngay lúc này tôi đang ở thành phố San Jose thể theo lời mời của hội chợ tết ở đây, để viết các chữ nhân mùa xuân theo lối thư pháp cho đồng bào. Ngoài ra tôi cũng đi dạy cho một số nơi.

Nhã Trân: Thưa, đây là hội chợ tết của người Việt tại thành phố San Jose, bang California?
Nhà danh họa Vũ Hối: Dạ đây là hội chợ Tết Kỷ Sửu của thành phố này. Năm nào cũng vậy, tôi đến đây theo lời mời để viết chữ thư pháp cho đồng bào ở hội chợ tết. 14 năm rồi, không năm nào tôi được ăn Tết ở Washington DC, không được ăn Tết với gia đình.
Một số anh em trẻ đã có nhã ý mua một ngôi nhà cổ ở vùng Fresno gần San Jose, thành lập một viện bảo tàng lấy tên là Fresno Discovery Museum. Viện bảo tàng này trưng bày những thứ như sách báo, các tác phẩm nghệ thuật, và đồ kỷ vật khắp bốn phương của người Việt Nam mình.

Bảo tồn văn hoá dân tộc

Nhã Trân: Dạ. Trở lại với sinh hoạt thư pháp, như ông vừa nói thì sinh hoạt về thư pháp, thư họa của người Việt ở hải ngoại có vẻ khá tiến triển trong năm Giáp Tý vừa qua. Theo ông đây có phải là một điều có ý nghĩ, xét về việc bảo tồn văn hoá dân tộc?
Nhà danh họa Vũ Hối: Cô nói rất đúng. Theo tôi thấy thì ngày xưa người ta thường treo những bức trướng, bức liễn, bức hoành phi viết bằng chữ Tàu. Bây giờ họ treo toàn là những câu đối, câu danh ngôn, câu ca dao Việt Nam. Họ treo, và thích lắm. Đó là những cái thuộc về văn hoá của dân tộc, rất quý hóa.

Nhã Trân: Thưa ý ông muốn nói rằng đó là vì nhiều câu thành ngữ, ca dao, được thể hiện trên các tác phẩm thư pháp, thường chuyên chở những tư tưởng có giá trị về mặt đạo đức, luân lý của Việt Nam, theo tinh thần “văn dĩ tải đạo” ?
Nhà danh họa Vũ Hối: Đúng. Tôi thấy đó là cái văn hóa dân tộc còn tồn tại lại. Thư pháp, thư họa cũng là một lối rèn nhân cách. Rèn nhân cách là vì viết ra những chữ như chữ nhân, chữ nghĩa, chữ lễ, trí, tín….
Bây giờ nhiều tấm lịch ở bên này hoặc ở Việt Nam đều có in những chữ như vậy. Tôi cũng muốn ra một cuốn sách viết về thư họa. Hình như cô cũng đã thấy, đã có cuốn trước đây của tôi rồi, cuốn nói về nghệ thuật thư họa.

Nhã Trân: Vâng thưa trước đây ông từng ra một cuốn sách về thư họa, trong đó cũng có ghi các sinh hoạt về thư họa, thư pháp và trình bày một số tác phẩm của ông. Xin hỏi là cuốn mới này sẽ có gì khác so với cuốn trước thưa ông?
Nhà danh họa Vũ Hối: Thưa, thể theo lời yêu cầu của anh em – anh em họ muốn tôi ra một cuốn sách về thư họa – nên tôi có dự định này, để hướng dẫn anh em cho họ nhuần nhuyễn cái lối viết thư pháp. Sau đó tôi sẽ ra một cuốn khác, về những câu danh ngôn, văn thơ Việt Nam, để trẻ em bên này được nhắc nhở đến những điều như uống nước nhớ nguồn, nhớ quê hương, trong dịp Tết.

Nhã Trân: Vậy ông có thể cho biết khi nào thì cuốn thứ hai, cuốn mà nói về nghệ thuật thư pháp, thư họa và chỉ cách viết, đặc biệt là theo trường phái của Vũ Hối, sẽ được ra mắt công chúng?
Nhà danh họa Vũ Hối: Quanh năm phải đi dạy thư họa và bận với các sinh hoạt trong ngành nên tôi khá bận, vì vậy đến giờ vẫn chưa có dịp viết.

Lớp dạy thư họa


Nhã Trân: Lâu nay theo chúng tôi thấy thì các tác phẩm thư pháp của Vũ Hối, hoàn thành từ mấy mươi năm qua, không còn xa lạ đối với người Việt ở hải ngoại. Nhân nói đến các lớp dạy thư họa, xin hỏi ông là số học viên, nhất là những người ngoại quốc, có tăng trong năm vừa rồi, và tinh thần học của họ ra sao, tức là họ có say mê, thích thú học thư pháp Việt Nam?
Nhà danh họa Vũ Hối: Họ rất thích thú thưa cô. Trước nay họ dùng bút sắt. Bây giờ dùng bút lông kiểu Việt Nam họ thích lắm. Và lợi điểm của mình là chữ quốc ngữ Việt có thể viết như chữ của các nước Tây Phương, và viết từ trái sang phải như của họ, trong khi chữ Tàu thì khác, thì viết từ trên xuống dưới, nên họ thấy dễ dàng.

Nhã Trân: Xin cám ơn ông Vũ Hối trước chia sẻ của ông liên quan về sinh hoạt của nghệ thuật thư pháp, thư họa tại hải ngoại năm vừa qua.
Nhà danh họa Vũ Hối: Cám ơn cô Nhã Trân và Đài ACTD.


No comments: