Saturday, January 31, 2009

GIỮA OBAMA VÀ NGƯỜI PHÁP

Giữa Obama và (người Pháp) chúng ta, còn hơn là một đại dương nữa
Entre Obama et nous, plus qu'un océan
Bài của Michel Colomès

http://www.lepoint.fr/actualites-chroniques/entre-obama-et-nous-plus-qu-un-ocean/1238/0/309289
Khi những nốt nhạc cuối cùng của tiếng kèn kết thúc bản "chào mừng lãnh tụ" - bản nhạc được tấu lên suốt cả ngày trời để nghênh đón tân tổng thống Hoa Kỳ- chấm dứt, khi những loạt pháo bông lễ hội cuối cùng trang trí cho "Ngày Đăng quang" đã tắt ngấm, và sau hết, khi hằng triệu chứng nhân của đám quần chúng với áo quần sặc sở muôn màu tham dự vào biến cố phi thường của ngày 20 tháng Giêng 2009 đã giải tán, thì có thể còn lại cho một vài người trong số những kẻ đã theo dõi từ Âu châu đại sản phẩm cổ điển Hoa Kỳ thành công mỹ mãn này - ngoại trừ cung đàn lỗi nhịp phát xuất từ Chủ tịch Tối cao Pháp viện Roberts trong lễ tuyên thệ - một tình cảm lạ kỳ: cái tình cảm của một kẻ đích thực thuộc lục địa cũ, nhân cái ngày vinh quang và hoan hỉ cúa nước Mỹ, đã đón nhận được một bài học thật đáng giá.

Một bài học về dân chủ, thứ thiệt, hoà dịu, tương đồng, khoan dung, chấp nhận sự xung đột ý kiến, nhưng lại không phải là sự đối chọi ý thức hệ trường kỳ và quá ư lạc hậu, mà chúng ta cứ tiếp tục là những nhà vô địch, đặc biệt tại nước Pháp này. Luận về niên kỷ thì không kể gì đến dù là gốc gác, hay với 47 tuổi đầu của Barack Obama. Vậy mà ông ta có vẻ ung dung tự tại, đầy sức quyến rũ, đáng kính, và cả lòng từ ái, vâng đúng như thế, kể từ khi đắc cử, mà vị tân tổng thống Hoa Kỳ đã bày tỏ công khai với cựu đối thủ của mình, John McCain. Ai cũng thấy rõ là hai người trong khi tranh cử đã không một chút nhường nhịn nhau. Tay đấu thủ kỳ cựu không ngần ngại chê bai sự thiếu kinh nghiệm của anh chàng tay non Obama, và anh này đã phản kích lại rằng không cần phải là cựu tù binh ở Việt Nam mới biết chỉ huy đất nước của mình.

Không những kẻ chiến thắng đợi đến cả mười ngày để tiếp kiến McCain ở Chicago, mà suốt trong thời kỳ chuyển giao quyền hành kéo dài sau khi đắc cử, ông ta đã tham khảo nhiều lần đối thủ Cọng Hoà của mình, và hỏi ý kiến người này trong nhiều vụ bổ nhiệm các chức vụ bộ trưởng. Đến nỗi McCain đã thú nhận với vài thân hữu là chính phủ của ông Obama hầu như không khác gì lắm so với thành phần nội các do Ông thành lập nếu ông ta đắc cử! Lại càng kỳ lạ hơn nữa, ba bữa tiệc do Obama chủ tọa ngày hôm trước buổi lễ nhậm chức, kẻ bảnh bao lịch sự nhất, với cà vạt đen, áo dài, chính là người khách mời danh dự... McCain. Sau cùng, ngay cái ngày đắc thắng vinh quang của mình, chỉ là vừa mới tuyên thệ xong, người ta đã thấy trên đài truyền hình CNN, Obama và McCain cùng trao đổi, sau cái ôm nhau nồng nhiệt, như cùng chia xẻ một tâm tư thầm kín, giữa đám đông dân cử gồm những thượng nghị sĩ và dân biểu, cả dân chủ lẫn cọng hoà..

Chắc cũng vào cái thời điểm đó, tại một phiên họp ban đêm ở Quốc Hội, đã diễn ra quang cảnh giống như vào năm 1793 hơn là vào thời Đệ Ngũ Cọng Hòa (1): các dân biểu Pháp vây kín vị Chủ tịch Quốc hội, đòi ông ta từ chức, hăm doạ lấy mạng sống của một bộ trưởng, và cuối cùng tuyên bố là nền dân chủ lâm nguy và cùng nhau hát vang bài quốc ca Marseillaise. Rõ ràng là còn hơn cả một đại dương giữa Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ và (người Pháp) chúng ta.

T.C. lược dịch
29/01/2009
http://www.doi-thoai.com/baimoi0109_379.html


(1) : Đệ Ngũ Cọng Hoà (Vè République):hiến pháp hiện hành của Pháp, được tướng De Gaulle thành lập và ban bố ngày 04 tháng 9 năm 1958 (ghi chú của người dịch).

No comments: