Wednesday, January 28, 2009

QUYỀN ĐI TU

Quyền đi tu
Nguyễn Ðạt Thịnh
28/01/2009
http://anhduong.info/joomla/index.php?option=com_content&task=view&id=3097&Itemid=1

Trong những quyền tự do của con người có quyền đi tu, quyền này nằm trong quyền tự do tín ngưỡng; nhà tu người Miên được dân gian kính trọng gọi bằng ông Lục, mặc dù chữ “lục” cũng chỉ có nghĩa là “ông”. Tôi biết lõm bõm một vài tiếng Miên vì ngày còn trẻ, còn mang cấp bực trung úy chỉ huy một đại đội gồm nhiều quân nhân Miên, được họ gọi là “lục sặc pi” chữ “pi” nghĩa là hai, hai con đỉa tôi móc trên cầu vai áo. Lục sặc muôn là thiếu úy, và lục cru là sãi cả, một nhà tu dầy công đức hơn những ông lục mới quy y.

Người Miên sùng đạo, kính sư nên mỗi lần gặp Lục Cru Sơn Hum, một hạ sĩ nhất trong đơn vị tôi, họ cung kính chắp tay nói “pạt lục”, trong lúc gặp tôi họ chỉ chào tay theo nghi lễ quân cách.

Ðó là thủa tôn giáo còn được tự do, nhà tu còn được kính trọng; ngày nay nhà sư không những không được kính trọng nữa, mà còn không được đi tu nếu không được nhà nước cho phép. Ðiển hình là ông lục Lý Sương, bị nhà nước bỏ tù về tội đi tu, sau khi cầm tù ông hơn một năm trời, bắt ông phải hoàn tục; ông muốn tái xuất gia nhưng không chùa nào dám nhận vì chưa đuọc phép của nhà nước Việt Cộng.

Tên, họ của ông lục Lý Sương nghe giống như tên, họ Việt Nam, nhưng thật sự Lý là một giòng rất lớn trên đất Chùa Tháp, một trong những vị tổ tiên của ông Lý Sương là Lý Thông, trong tuồng dù kê “Thạch Sanh chém chằng” mà người Miên rất ưa thích trình diễn; nói quanh, nói co, tôi chỉ muốn chứng minh ông Lý Sanh là người Miên rặt, sinh trưởng tại tỉnh Sóc Trăng, trong một sóc nhỏ gần bờ biển.

Lục Lý Sương, lục Tim Sakhorn, và 3 ông lục nữa bị nhà nước Việt Cộng bắt giam về tội biểu tình bất bạo động, đòi tự do tôn giáo. Ðó là tội của 5 ông lục ngày bị bắt; ngày ra tòa lãnh án người 2 năm, người 4 năm tù họ nghe tòa tuyên án phạt họ tù giam về tội vi phạm luật lưu thông.

Cả 5 nhà sư Miên đều cúi đầu lãnh án, mặc dù suốt đời họ không hề lái xe để có thể phạm luật lưu thông; lối di chuyển thông thường nhất là họ đi bộ, đi thật chậm, thật trật tự, kẻ trước người sau, đi thành hàng một, mắt nhìn xuống đất trong những cuộc khất thực.

Ông Brad Adams, giám đốc tổ chức Quan Sát Nhân Quyền tại Á Châu, nói ông ngao ngán về việc pháp luật trở thành công cụ bị diễu cợt trong cuộc hành hạ những nhà tu người Khmer Krom, danh xưng của nhóm “Người Miên Tự Do”.

Pháp luật tiếp tục bị diễu cợt bằng lệnh phóng thích cả 5 nhà sư này, mặc dù họ mới bị giam giữ hơn một năm; trở lại cuộc sống gọi là tự do, họ không được quyền tự do tái xuất gia. Trong lúc 4 ông lục kia cam phận tu tại gia, thì lục Lý Sương, nhất định xuất gia, cầu Phật, mặc dù cửa chùa nào cũng đóng kín không cho ông vào. Từ Sóc Trăng, ông lần mò vượt biên sang Miên, nhưng cánh tay dài của công an Việt Cộng vẫn theo ông, không cho ông toại nguyện xuống tóc đi tu.

Adams nói phóng thích những nhà tu bị tù oan mới chỉ là bước đầu tôn trọng quyền làm người của quý ông lục, nhưng không cho họ chọn con đường tu hành họ muốn vẫn là hành động vi phạm tự do tín ngưỡng, vi phạm quyền tự do lựa chọn của họ

Việc xẩy ra trên đất Miên nên Adams trách cứ chính quyền Miên.

Ông Om Yintieng, cố vấn của thủ tướng Hun Sen, trả lời Adams là cáo buộc của ông thiếu bằng cớ cụ thể, và chính quyền Nam Vang không hề vi phạm nhân quyền của những công dân Việt Nam, dù họ là người Miên.

Lập trường nghe khá phức tạp đối với một người Âu, Mỹ chưa từng có kinh nghiệm sống với cộng sản.

Ông Thạch Ngọc Thạch, lãnh đạo tổ chức Liên minh Khmer Kampuchea Krom có trụ sở ở Hòa Kỳ, không rối mắt vì lập luận của ông Yintieng, vì ông Thạch chuyên theo dõi tình hình nhân quyền của cộng đồng Khmer Krom ở Nam Việt Nam và Campuchia. Ông nói bằng chứng thì không thiếu, nhưng thiếu là tinh thần tôn trọng sự thật của chính quyền Phnom Penh. Ý ông nói Miên Cộng cũng chối bỏ sự thật như Việt Cộng.

Ông Thạch nhắc lại 2 vụ vi phạm nhân quyền lớn mà cả thế giới đều biết là vụ ám sát nhà sư Ieng Sok Thoun, sau khi vị sư này tham gia biểu tình ở gần sứ quán Việt Cộng tại Phnom Penh vào tháng 2 năm 2007. Và vụ bắt cóc nhà sư Tim Sakhorn từ Campuchia đem đi giam cầm ở Việt Nam, rồi bôi nhọ vị sư này là có quan hệ bất chính với phụ nữ.

Vụ án “quan hệ bất chính với phụ nữ” lại cũng là một diễu cợt khác, đem pháp luật Việt Cộng ra làm trò đùa. Một nhà sư gian dâm có thể phạm giáo luật tu hành, và tội này chỉ bị trừng phạt theo giáo luật chứ không theo pháp luật được; ấy là chưa kể đến việc lục Tim Sakhorn tu ở Miên, thì dù có phạm giáo luật cũng phạm bên ngoài lãnh thổ Việt Nam, thì tòa án Việt Cộng làm gì có pháp quyền xử ông.

Ði bộ cũng phạm luật lưu thông, đi tu cũng phải xin phép, và tu trên đất Miên cũng phạm pháp luật Việt Cộng thì quả là một màn hài kịch đen. Ðiều đau buồn là cử tọa thế giới, từ 33 năm nay vẫn ngồi cười cợt, vỗ tay khen thưởng những suối nước mắt thật mà họ tưởng là nước mắt hề của anh Charlie Chaplin.

Nguyễn Ðạt Thịnh


No comments: