Hận Nam Quan
Ngô Nhân Dụng
Thursday, January 29, 2009
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=90167&z=7
Tờ báo Xuân Kỷ Sửu của Tổng Cục Du Lịch trong chính quyền cộng sản trong nước đã đăng lại bài thơ Hận Nam Quan trong vở kịch thơ của Hoàng Cầm.
Trong số báo Xuân trên cũng đăng bài của thi sĩ Bùi Minh Quốc, một người mà mục này đã nhắc tới khi ông viết bài tố cáo “Âm mưu diễn biến hòa bình” của đảng Cộng Sản Trung Quốc. Nhà thơ thấy Cộng Sản Trung Hoa đã tìm cách chiếm đoạt chủ quyền của Việt Nam bằng cách chiếm dần dần quyền lãnh đạo trong đảng Cộng Sản Việt Nam. Âm mưu đó đã thành công một phần, như chúng ta thấy trong thái độ nhu nhược của giới lãnh đạo cộng sản ở Hà Nội trước chính quyền Bắc Kinh trong vụ Hoàng Sa.
Bài viết của Bùi Minh Quốc nhắc tới “hồi ký” của Hoàng Tùng, một cựu cán bộ cao cấp và một đảng viên lâu năm đã từng theo sát các lãnh tụ cộng sản. Thực ra ông Hoàng Tùng không viết hồi ký, tài liệu được truyền bá trên Internet chỉ là những “lời tự thuật” của ông, được ghi lại và hiệu đính. Nội dung nhắm nhiều nhất vào những điều ông biết về Hồ Chí Minh, ông kể lại với chủ ý bênh vực cho ông Hồ. Riêng trong phạm vi này, ông Hoàng Tùng đã vô tình cho thấy “công cuộc diễn biến hòa bình” của Trung Cộng đã thành công từ thời 1950, khi các cố vấn đầu tiên của Trung Cộng sang chỉ huy quân đội cộng sản Việt Nam.
Trong một bài trước, mục này đã nhắc tới ý kiến của các cố vấn Trung Cộng là khai trừ các thành phần “không phải vô sản và bần cố nông” trong quân đội Việt Nam. Một người phụ tá của Văn Tiến Dũng đã lập một danh sách những sĩ quan nên khai trừ, nộp cho các cố vấn. Nhưng Hồ Chí Minh đã ngăn việc thanh lọc này vì sợ thiếu người. Mà quả thực, trong quân đội Việt Nam lúc đó thành phần thực sự vô sản và bần cố nông không có ai đáng làm sĩ quan.
Nhưng bài tự thuật của Hoàng Tùng cũng cho thấy sự thật về ảnh hưởng của các cố vấn Trung Quốc, bao trùm lên cả quân sự lẫn chính trị từ năm 1950. Theo Hoàng Tùng thì Hồ không thích rất nhiều chính sách của Trung Cộng. Hoặc Hoàng Tùng nói ông Hồ không phục Stalin và Mao Trạch Ðông mà ông ta còn hận vì bị hai người đó ép buộc. Các đảng viên cộng sản bây giờ hay nêu ra những chi tiết đó để chữa tội cho ông Hồ, có vẻ như muốn chứng minh ông ta không phải là cộng sản thứ thật, chỉ là cộng sản bất đắc dĩ mà thôi!
Nhưng đối với tất cả mọi người Việt Nam khác thì vấn đề không phải là ông Hồ phục Stalin hay không, không phải là trong thâm tâm ông ta đồng ý hay không thích những chính sách nào của Mao Trạch Ðông. Câu hỏi chính là: Cuối cùng ông Hồ đã làm gì và hậu quả ra sao?
Chúng ta thấy ông Hồ cuối cùng vẫn phải cúi đầu chấp thuận ý kiến của các cố vấn Trung Cộng. Trong Hồ Chí Minh Toàn Tập, tập 6 và 7, suốt những năm từ sau năm 1950 ông Hồ mỗi lần viết đều nhất thiết suy tôn “Ðại Nguyên Soái Xtalin,” hoặc Chủ Tịch Mao Trạch Ðông vĩ đại.
Hoàng Tùng kể rằng trong thời gian đó cố vấn quân sự của Trung Cộng “Vi Quốc Thanh chuẩn bị (chiến dịch Biên Giới) mọi việc nhất nhất đều xin ý kiến của Mao.” Trước khi chiến dịch đó bắt đầu vào đầu năm 1950, Hoàng Tùng kể rằng Võ Nguyễn Giáp chủ trương đánh Cao Bằng nhưng Tướng cố vấn Trung Cộng Trần Canh bảo phải đánh vào Ðông Khê. Sau phải đánh Ðông Khê.
Hoàng Tùng kết luận, “Ðúng là Trung Quốc có công giúp ta trong trận Biên Giới.” Cái giá phải trả cho công “giúp” đó là, “Sau thắng lợi mới, tổng kết chiến dịch và sau đó là tiến hành chỉnh huấn, chỉnh quân, thay đổi lại tổ chức quân đội.” Những chữ “chỉnh huấn, chỉnh quân” không phải là những khẩu hiệu suông mà là những cuộc tranh đấu nội bộ trong quân đội, theo mẫu đã thực hành ở Trung Quốc, với mục đích tiêu diệt những thành phần “chưa giác ngộ quyền lợi giai cấp vô sản.” Cho nên Hoàng Tùng nói tiếp, “Thế là năm 1950-51, đoàn cố vấn thực hiện chỉnh đốn quân đội.”
Trong bài tổng kết về chiến dịch này, Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh, “Trung Quốc có câu Quân Lệnh Như Sơn,” tức là lệnh trong quân vững chắc như núi, không thể thay đổi được. Rõ ràng lối nói trên cũng nhắm để khi dịch bản tổng kết này ra tiếng Trung Hoa thì các cố vấn phải khen Hồ là một học trò giỏi của Mao Chủ Tịch.
Ðó là một bước đầu của “diễn biến hòa bình” mà Bùi Minh Quốc tố cáo. Từ đó, các cố vấn Trung Cộng còn tiến thêm nhiều bước nữa.
Trong thời gian đó Hồ Chí Minh chỉ đóng vai như một bù nhìn, bảo Võ Nguyên Giáp thi hành các lệnh hành quân của Tướng Trần Canh. Hồ Chí Minh cũng đóng vai cán bộ tuyên truyền, viết những lá thư gửi ra mặt trận hô hào các chiến sĩ Việt Nam hãy liều chết hy sinh. Trong lá thư đề ngày 8 tháng 10 năm 1950 Hồ còn hứa sẽ “khao các chiến sĩ một bữa thịt bò.” Trong Hồ Chí Minh Toàn Tập, tập 6, bản in năm 2000, in lá thư thịt bò này ở trang 103, nhưng trước đó 2 trang còn in một bài thơ của Hồ Chí Minh tặng Tướng Trần Canh, cố vấn mặt trận. Bài này bắt chước gần nguyên văn bài Lương Châu Từ đời Ðường, trong câu đầu Hồ Chí Minh chỉ thay tên rượu “Bồ Ðào mỹ tửu” bằng tên một thứ rượu mới: “Hương Tân mỹ tửu dạ quang bôi.” Theo chú thích của nhà xuất bản thì “Hương Tân” ở đây là rượu champagne. Thế mới biết, trong thời gian kháng chiến gian khổ của toàn dân Việt Nam, các cố vấn Trung Quốc vẫn được trọng đãi!
Hoàng Tùng lại kể rằng tại đại hội đảng Lao Ðộng năm 1951, La Quý Ba là đại biểu ngoại quốc duy nhất (ngoài Lào và Cam Pu Chia) tới dự, ông cố vấn đã giảng về thuế nông nghiệp. Và, “Sau đó (Việt Minh) bắt đầu đánh thuế. Họ (Trung Cộng) đem các nề nếp từ bên Trung Quốc sang, đem kinh nghiệm chỉnh đảng, chỉnh phong từ Diên An sang. Sau đại hội ta không nói gì đến cải cách ruộng đất. Vì thế nên Mùa Hè năm 1952 Mao Trạch Ðông và Stalin gọi Bác sang, nhất định bắt phải thực hiện cải cách ruộng đất.”
Vâng lệnh đó, năm 1953 Hồ Chí Minh phát động chính sách cải cách ruộng đất trong Hội Nghị Trung Ương kỳ thứ tư, khóa 2. Bài diễn văn báo cáo của ông, đọc ngày 25 Tháng Giêng năm 1953, đăng trong Toàn Tập 7, đã ca ngợi công cuộc cải cách ruộng đất ở Trung Quốc. Ông Hồ kể Trung Quốc đã “chia ruộng cho 500 triệu nông dân” thành công rộng và lớn! Con số 500 triệu này là do các cố vấn cung cấp, vì lúc đó Bắc Kinh khoe nước họ đã có 582 triệu dân. Ðó là bước nhẩy vọt trong cuộc đời lệ thuộc Trung Cộng của Hồ Chí Minh.
Cuộc cải cách ruộng đất làm chết hàng trăm ngàn người Việt Nam, trong đó có những người đã theo kháng chiến chống Pháp từ đầu. Nhưng vụ giết người thê thảm nhất là vụ đấu tố bà Nguyễn Thị Năm, còn gọi là bà Cát Thanh Long. Bà là người đã ủng hộ chính phủ kháng chiến hàng trăm lạng vàng, các con theo kháng chiến trong quân đội, các cán bộ cao cấp cộng sản như Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Lê Ðức Thọ đã được bà nuôi. Ðó là những chi tiết mà Hoàng Tùng kể lại, trước khi ông tiết lộ có người Việt Nam đã mách cho các cố vấn Trung Cộng biết về bà Nguyễn Thị Năm để họ chọn làm “thí điểm,” đấu tố trước hết để làm gương. Hồ Chí Minh chống lại, nhưng sau cùng lại phải gật đầu đồng ý.
Theo nhận xét của Hoàng Tùng thì vụ “cải cách ruộng đất” chỉ là một cái cớ. Mục đích của các cố vấn Trung Cộng là thay đổi toàn thể cơ cấu đảng Cộng Sản Việt Nam. Hoàng Tùng viết về mưu đồ của Trung Cộng: “Họ muốn qua cải cách ruộng đất để chỉnh đốn lại Ðảng ta... họ phủ nhận hết các tổ chức khác như chính quyền, các đoàn thể... họ thẳng tay bỏ hết, trong đó có mấy ngàn người bị xử tử. Mục đích của họ không phải là cải cách ruộng đất mà là đánh vào Ðảng ta.”
Thế Hồ Chí Minh làm gì trong lúc đó? Ngoài việc vâng theo lệnh các cố vấn Trung Cộng ra, ông chỉ còn phải lo viết những bài ca tụng các chính sách mà các cố vấn chỉ bảo, ra lệnh các cán bộ, đảng viên thi hành tốt các chính sách đó. Ngoài ra, ông còn để thời giờ làm thơ nữa, nhất là thơ bằng chữ Hán mà các cố vấn có thể đọc được. Trong một bài “Ngọ Quá Thiên Giang” viết ngày 17 Tháng Ba năm 1950, in trong Toàn Tập cuốn 6, trang 22, ấn bản năm 2000, Hồ Chí Minh đã viết bốn câu ca ngợi hồng quân Trung Hoa. Ðây là một trong những bài thơ Hồ Chí Minh viết trong chuyến đi Trung Quốc năm đó, ngẫu hứng viết về cảnh Bắc Kinh, Hồ Bắc, Trường Sa (ở Hồ Nam). Hai câu chót trong bài Ngọ Quá Thiên Giang ca ngợi chiến thắng của đạo quân Mao Trạch Ðông tại Thiên Giang, câu chót có khí thế rất hùng hồn, oanh liệt:
“Hồng quân trực đáo Trấn Nam Quan!”
Phan Văn Các dịch là “Hồng quân thẳng đến Trấn Nam Quan!”
Nếu các nhà báo trong Tổng cục Du lịch ở Việt Nam bây giờ mà đăng bài thơ Hận Nam Quan, họ nên nhớ, xin đừng quên, rằng trước đây 59 năm, hồi Tháng Ba năm 1950 Hồ Chí Minh đã hào hứng hoan nghênh đoàn quân của Mao “trực đáo Trấn Nam Quan” rồi!
No comments:
Post a Comment