Monday, January 26, 2009

NĂM SỬU NÓI CHUYỆN TRÂU

Con Trâu
Bàng Bá Lân

Nước ta là nước nông nghiệp, nên con trâu là con vật rất quen thuộc của người dân quê nói riêng, của toàn thể người Việt Nam nói chung. Hình ảnh con trâu gắn liền với hình ảnh đồng quê, với bờ tre ruộng lúa.
Cũng như hầu hết các dân tộc ở Á Đông, dân tộc Việt Nam cũng có những thoại để giải thích những sự vật quanh mình như sấm sét thì có Thiên Lôi, mưa ngâu do tích Ngưu Lang Chức Nữ, rồi sự tích tu hú đẻ nhờ tổ bồ các, chim chèo bẻo đánh quạ v.v...
Dĩ nhiên trâu cũng phải có thoại. Và thoại như sau: "Thuở xa xưa Thượng Đế phái một vị tiên đem hai bao hạt giống xuống trần: một bao đựng hạt giống ngũ cốc để nuôi loài người, một bao đựng hạt giống cỏ để nuôi súc vật và dặn phải gieo hạt ngũ cốc trước, sau mới gieo hạt cỏ. Chẳng dè vị tiên lơ đãng nhầm lẫn đem hạt giống cỏ gieo trước... Cỏ mọc dữ quá lấn hết cả đất, làm cho ngũ cốc giao sau bị hạn chế. Hạ giới thiếu thực phẩm, bị đói lại phải vất vả nhổ cỏ. Tiếng kêu than thấu trời, Thượng Đế nổi giận bèn biến vị tiên lơ đãng thành con trâu, đày xuống trần để gặm cỏ và giúp nhân loại canh tác ngũ cốc. Vì thế, con trâu ta suốt ngày nhai hoài và hì hục kéo cày để ... chuộc tội !"

Quả thật trâu làm việc quần quật giúp người ta, mà nuôi trâu lại không tốn kém, nên trâu được coi là con vật hữu ích vô song, nhất là ở những xứ sống về nông nghiệp mà kỹ thuật canh tác còn thô sơ.
Trâu xứng đáng đứng đầu hàng gia súc. Trâu xứng đáng là bạn quý của nông dân. Ở những nước nông nghiệp bán khai, thiếu trâu là thiếu tất cả.
Trâu không những giúp người ta cày bừa mà còn giúp người trong những việc chuyên chở nặng nhọc: Trâu kéo mật, trâu chở củi, trâu kéo gỗ v.v...

Trong một quyển sách ấu học của người Trung Hoa, bài nói về trâu ít học sinh nào không biết: "Ngưu lực đại, năng canh điền năng vãn xa" (nghĩa là: Trâu có sức mạnh, hay cày ruộng hay kéo xe). Cũng như mấy chục năm trước đây, trong "Quốc Văn Giáo Khoa Thư", bài tập đọc nói về con trâu là bài được các em học sinh tiểu học thuộc nhất. Và cho đến bây giờ lớp rẻ ấy đã có con cháu đầy đàn mà nhiều người vẫn còn chưa quên: "Ai bảo trăn châu là khổ ? Chăn trâu sướng lắm chứ! Đầu đội nón mê như lọng che, tay cầm cành tre như roi ngựa, ngất nghểu ngồi trên mình trâu, tai nghe chim hót trong chòm cây, mắt trông bướm lưọn trên đám cỏ …"

Cũng vì thế mà trâu đã được đưa vào ngạn ngữ ca dao, những vần thơ của dân tộc. Trâu đã thành một đề tài thường được nhắc nhở trong thi ca Việt Nam.

Với nông dân con trâu được coi như một sản nghiệp, nên tục ngữ có câu "ruộng sâu, trâu nái" để chỉ người khá giả trong làng. Và anh chàng kia muốn cho người đẹp xiêu lòng, đã tự khoe rằng:
Nhà anh chín đụn mười trâu,
Lại thêm ao cá bắc cầu rửa chân.

Làm ruộng mà không có trâu thì đừng hòng nói mạnh, cũng như làm dâu mà không có chồng bên cạnh thì thật là cô thế bơ vơ:
Làm ruộng mạnh có trâu,
Làm dâu mạnh có chồng.

Vì trâu đóng vai quan trọng như thế, nên nhà nông không nói mua trâu, mà nói "tậu trâu". Và việc tậu trâu là một việc vô cùng trọng đại:
Tậu trâu, lấy vợ, làm nhà,
Trong ba việc ấy lọ là khó thay!

Sai một ly đi một dặm! Mua lầm phải trâu xấu thì có khi khuynh gia bại sản, nên người ta phải xem khoang khoáy trâu rất kỹ, phải dày công nghiên cứu sách coi tướng trâu, vì:
Con trâu là đầu cơ nghiệp,
và:
Lộn con toán, bán con trâu.

Nhà nông mà phải bán trâu là mất nghiệp, là đời tàn!

Hầu hết các làng quê miền Bắc đều có lệ phạt vạ những ai vi phạm thuần phong mỹ tục của làng, nên cô gái quê đa tình và nhẹ dạ kia đã phải khóc than với mẹ cô rằng:
Phình phình lớn giữa lớn ra,
Mẹ ơi, con chẳng ở nhà được đâu !
Ở nhà, làng bắt mất trâu !

Sợ làng bắt vạ mất trâu mà phải bỏ cha mẹ, bỏ nhà cửa, xóm làng ra đi, thì đủ biết - đối với dân quê Việt Nam – con trâu quý giá như thế nào !

Nuôi trâu còn là một cách làm giàu dễ dàng mau chóng không thua gì nuôi cá (thứ nhất thả cá, thứ nhì gá bạc), nên tục ngữ có câu :
Muốn giàu thì nuôi trâu cái,
Muốn lụn bại thì nuôi bồ câu.

Nói đến trâu, không thể không nói đến lực điền, người bạn thiết của trâu, có khi từ lúc là mục đồng tóc còn để chỏm đến khi thành một lão lực điền đầu hói trán nhăn. Trâu với lực điền luôn luôn sống sát bên nhau như hình với bóng, và lời nói của nông phu nói với trâu mới dịu dàng, trìu mến làm sao :
Trâu ơi, ta bảo trâu này,
Trâu ra ngoài ruộng, trâu cày với ta.
Cấy cày vốn nghiệp nông gia,
Ta đây trâu đấy, ai mà quản công.
Bao giờ cây lúa còn bông,
Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn.
(ca dao)

Vì liên hệ mật thiết như thế, nên trâu được mặc nhiên trở thành một phần tử trong gia đình nông dân, cộng tác đồng lao, chung lưng đấu cật:
Rủ nhau đi cấy đi cày,
Bây giờ khó nhọc, có ngày phong lưu …
Trên đồng cạn, dưới đồng sâu,
Chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa.
(ca dao)

Trên đây là những hình ảnh con trâu trong văn chương bình dân. Bây giờ chúng ta hãy đi tìm hình ảnh trâu trong văn chương bác học.
Bà Huyện Thanh Quan – trong bài thơ "Chiều Hôm Nhớ Nhà" có hai câu:
Gác mái ngư ông về viễn phố
Gõ sừng mục tử lại cô thôn.
Không nói đến trâu mà thấy trâu, không tả tiếng hát mà nghe có tiếng hát (bằng hai chữ gõ sừng). Ý tại ngôn ngoại, thật tài tình !

Nguyễn Khuyến có hai câu thơ tuyệt hay tả cảnh trưa thôn quê qua hình ảnh con trâu già, con chó nhỏ :
Trâu già nấp bụi phì hơi nắng;
Chó nhỏ ven ao sủa tiếng người.

Cũng tả cảnh "trưa hè" ở thôn quê và cũng có trâu, một nhà thơ đồng quê đã gợi lên được cái tịch mịch êm đềm nơi thôn dã một buổi trưa hè oi ả, quạnh hiu :
Dưới gốc đa già, trong vũng bóng,
Nằm mát đàn trâu ngẫm nghĩ nhai.
Ve ve rung cánh ruồi say nắng,
Gà gáy trong thôn những tiếng dài ...

Nhà thơ của đồng ruộng này còn có nhiều bài thơ tả cảnh quê, trong đó đều có hình ảnh con trâu quen thuộc. Như bài "Chiều Quê" sau đây:
Khói chiều nhuốm bạc đầu cau,
Đường quê thưa thớt tiếng trâu gọi đàn.
Buồn thiu trong mảnh ao làng,
Bè rau rút ngủ lá vàng héo hon.

Hay như bài "Đổi Thay" này :
Ngõ tre lối cũ ta về,
Thăm cô yếm lụa hái chè trên nương.
Người đi cây nhớ hoa vàng,
Đàn trâu gặm nắng bên đàng quạnh hiu.

Với thời gian, tất cả đã thay đổi, đã khác xưa ! Duy hình ảnh con trâu thì bao giờ cũng như bao giờ, bất biến.

Qua mấy câu ca dao ở đoạn trên, chúng ta đã nghe người nông dân ngày xưa nói với trâu, giờ ta hãy nghe người nông phu ngày nay "nhủ trâu":
Gà thôn vừa gọi vừng đông,
Ta cùng trâu đã ra đông cày chiêm.
Nước nhà bao lúc ngả nghiêng,
Nhà nông vẫn chẳng hề quên ruộng vườn.
Mồ hôi tầm tã mưa tuôn,
Cho xanh ngọn lúa, cho thơm cánh đồng.
Cho dân ấm cật no lòng...
Đồng quê bát ngát vẫy vùng đôi ta!
(Tiếng Võng Đưa 1957)

Và bây giờ xin mời bạn đọc thưởng thức bài thơ "Con Trâu" của nhà thơ quá cố Phạm Ngọc Khuê, bài thơ mà thuở sinh thời nhà văn Lê Văn Trương rất ưa thích:
Nay là lúc mang sức trâu mãnh liệt,
Kéo lưỡi cày rạch vỡ hết ruộng nương,
Khơi mạch sống từ trong lòng đất chết,
Mở đường lên cho hạt thóc đang ươm.

Nay là lúc gặm cỏ khô rơm cứng,
Dẫm bùn lầy và chọi với nắng mưa,
Lấy chí ngang tàng và lòng quyết thắng,
Làm hơi rượu mạnh để say sưa ...

Cho mặt đất lung linh như biển cả,
Gió ngả nghiêng đùa ngọn lúa xanh tươi,
Cho nắng lửa gay go và tàn phá,
Phải bó tay thua sức sống muôn loài...

Trâu là biểu hiệu của sức mạnh dẻo dai, bền bỉ, là hình ảnh của sự nhẫn nại, cần cù. Trâu là phụ tá đắc lực của nhà nông, đã góp nhiều công sức sản xuất thóc gạo nuôi dân tộc ta trường tôn qua bao nhiêu thế hệ. Không có trâu, nhà nông không đành bó tay thì tất phải vô cùng khổ cực như cảnh tả trong bài thơ sau đây:
Trời xám thấp, rặng tre già trút lá,
Đầy ngõ thuôn hun hút gió chiều đông.
Sương mù bay phơi phới tỏa đầy đồng,
Hơi lạnh cắn vào làn da cóng buốt.
Trong thửa ruộng chân đê tràn ngập nước,
Đôi bóng người đang chậm bước đi đi...

Người đàn ông cúi rạp bước lầm lì,
Người vợ cố đẩy bừa theo sát gót.
Họ là những nông dân nghèo bậc chót,
Không có trâu nên người phải làm trâu.

Họ bừa ngầm một thửa ruộng chiêm sâu,
Nước đến bụng, ôi, rét càng thêm rét !
Áo rách tướp, hở ra từng mảnh thịt,
Tím bầm đen trong gió lạnh căm căm.
Hì hục làm, thỉnh thoảng lại dừng chân,
Véo và ném lên mặt đường từng vốc...
Nhác trông ngỡ là nắm bùn hay đất,
Nhìn lại xem : ô, đống đỉa đen sì !...

Ta rùng mình, quay mặt bước chân đi,
Lòng tê tái một mối sầu u ám.
Trời càng thấp, tầng mây chì càng xám,
Mưa phùn gieo ảm đạm khắp đồng quê,
Gió chiều nay sao lạnh buốt, lê thê ?
(T.V.Ð. Người Trâu)

Hình ảnh con trâu quả là một phần hình ảnh xứ sở ta. Nói đến Quê Hương là phải nói đến trâu. Người Việt Nam xa quê hương, nhớ quê hương có thể tìm thấy hình ảnh Đất Nước qua hình ảnh con trâu. Con trâu là một hình ảnh vừa hiền lại vừa hùng, cái hiền hòa và hùng mạnh của dân tộc Việt ...

Bàng Bá Lân


Đất bán hết rồi, đàn trâu về đâu...
04:01' 24/01/2009 (GMT+7)
Hiện nay, khi hàng ngàn nông dân bắt đầu bỏ ruộng, rồi máy móc bắt đầu vào đồng ruộng, hình ảnh con trâu cũng nhạt nhoà dần nơi thôn xóm. Tổng đàn trâu nhiều khu vực giảm hàng vạn con mỗi năm... Liệu con trâu có còn là đầu cơ nghiệp?

Xem tại địa chỉ :
http://vietnamnet.vn/chinhtri/2009/01/825482/



Chuyện Trâu năm SỬU
Đặng Tiến
Đặng Tiến Cập nhật : 23/01/2009 20:35

Xem tại địa chỉ :
http://www.diendan.org/phe-binh-nghien-cuu/chuyen-trau-nam-suu/


No comments: