Saturday, January 3, 2009

CHỈ CÓ MỘT PHIÊN BẢN PHỎNG VẤN

Cựu Đại Sứ Nguyễn Trung: “Chỉ Có Một Phiên Bản Phỏng Vấn”
Thiện Giao, phóng viên RFA
2009-01-02
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Interviewing-former-ambassador-nguyen-trung-regarding-vietnamesle-youth-01022009115349.html
Mấy ngày gần đây, trên Internet, độc giả tìm thấy 2 phiên bản khác nhau của cùng một bài trả lời phỏng vấn mà cựu đại sứ Nguyễn Trung dành cho báo Sinh Viên Việt Nam, một tờ báo của Hội Sinh Viên Việt Nam và trực thuộc Trung Ương Đoàn. Thực hư ra sao?

Mời các bạn theo dõi cuộc phỏng vấn tác giả Nguyễn Trung, do Thiện Giao thực hiện. Cũng xin được nhắc, rằng ông Nguyễn Trung nguyên là đại sứ Việt Nam tại Thái Lan và Úc. Ông cũng từng là thành viên ban cố vấn của cố thủ tướng Võ Văn Kiệt.

RFA: Thưa ông, gần đây trên Internet loan truyền 2 phiên bản của cùng 1 bài trả lời phỏng vấn của ông. Một phiên bản đăng trên báo Sinh Viên Việt Nam ngày 26 tháng 12 năm 2008. Phiên bản còn lại, nhiều người gọi là bản gốc. Thưa ông có phải có 2 phiên bản không?
Nguyễn Trung: Chỉ có một phiên bản thôi, do tôi gởi cho báo Sinh Viên. Còn báo Sinh Viên đăng lại, trích đoạn, hay đăng như thế nào, thì đó là chuyện của báo.

RFA: Ông có hỏi báo Sinh Viên Việt Nam về lý do cắt ngắn bài của ông?
Nguyễn Trung: Sau khi họ đăng thì tôi mới biết. Đến nay tôi chưa có dịp hỏi lại.

Không nên ngăn càn sự phát huy tiềm năng của con người, đặc biệt là trí tuệ.

RFA: Trong bài của ông, ông nói đến “lao động cơ bắp.” Đây là câu chuyện dài về nền kinh tế Việt Nam. Những bức xúc của ông là gì khi nói về nền kinh tế “lao động cơ bắp” hiện nay?
Nguyễn Trung: Đây là cả một vấn đề về quan điểm phát triển. Nếu một quốc gia cứ mãi đi vào nền công nghiệp lao động rẻ, tiêu hao nhiều năng lượng, nguyên liệu, vân vân, thì khả năng cạnh tranh sẽ ngày càng kém đi. Do đó phải tìm mọi cách để chuyển hướng sang một con đường phát triển khác. Tôi đã từng đề cập đến tầm quan trọng của đổi mới nền giáo dục để cuối cùng có thể tiến tới con đường phát triển chủ yếu dựa trên sự phát huy mọi tiềm năng của con người, đặc biệt là trí tuệ.

RFA: Thưa, bài viết của ông nói về thế hệ trẻ, trong đó ông có nói, thế hệ trẻ phải giải phóng mình khỏi cái bóng của người đi trước. Hiện nay, thế hệ trẻ có phải là một cái bóng không? Và nếu đây là một cái lỗi, thì lỗi này thuộc về thế hệ trẻ hay thế hệ đi trước?
Nguyễn Trung: Người ta bảo rằng, trong nhà, nếu có lỗi lầm thì cha mẹ nên nhận trước. Tôi nghĩ, chúng tôi là thế hệ già rồi, cũng có nhiều điều làm chưa tốt, mà làm cho con cháu mình ỷ lại vào mình, chưa dám vươn ra xa thì đó là lỗi của bậc cha mẹ, của thế hệ già chúng tôi. Còn nếu nói “con hơn cha, nhà có phúc,” nếu mọi thế hệ đều suy nghĩ như vậy thì tôi nghĩ đất nước sẽ rất tốt.

RFA: Bài viết của ông cũng đề cập đến một yếu tố khác hạn chế thành công của thanh niên, đó là vấn đề “thể chế.” Ông có thể nói rõ hơn không?
Nguyễn Trung: Chúng tôi không bao giờ coi những điều chúng tôi làm được là hoàn thiện. Chúng tôi là nước đang phát triển, những yếu kém trong thể chế của nước chúng tôi còn nhiều. Tôi nghĩ đây còn là một quá trình phát triển lâu dài. Ví dụ, trong bài viết của tôi, tôi có nói vấn đề giáo dục hiện nay là rất lớn.

Lực lượng trẻ phải được đặt đúng vị trí

RFA: Ông có nhắc đến Đoàn Thanh Niên Cộng Sản Hồ Chí Minh. Thưa ông, hiện vai trò của Đoàn Thanh Niên, theo cách nhìn của ông, là như thế nào?
Nguyễn Trung: Lực lượng trẻ thì ở đâu cũng rất năng động. Điều quan trọng là phải đặt họ vào vị trí đúng. Đó là quan điểm của tôi.

RFA: Tôi mạo muội diễn giải câu nói của ông, có phải ý ông là Đoàn Thanh Niên Cộng Sản Hồ Chí Minh không phải là vị trí đúng cho thanh niên?
Nguyễn Trung: Không phải như thế. Trong bài tôi đã nói rõ rồi. Tôi đặt câu hỏi: tại sao Đoàn Thanh Niên chỉ giữ vai trò trợ thủ của Đảng. Tại sao không đặt lại tình hình mới? Thế hệ trẻ bây giờ tiến bộ rất nhanh, học hỏi nhiều, tiếp thu kiến thức mới rất lớn. Câu hỏi này đã được nêu rất rõ trong bài viết của tôi.

RFA: Câu hỏi cuối cùng, ông có nói rằng ước mơ cao đẹp nhất là “tự do, con người tự do.” Liệu ước mơ tự do có giá trị như thế nào, nhất là trong hoàn cảnh hiện nay tại Việt Nam?
Nguyễn Trung: Tôi nghĩ, ngay tại nước Mỹ, ước mơ này vẫn còn là ước mơ lớn. Việt Nam là một nước đang phát triển, thì càng phải như vậy. Đây là một sự phấn đấu không mệt mỏi.

No comments: