Saturday, November 22, 2008

BỆNH VIỆN QUÁ TẢI BỆNH NAN Y

Bệnh viện quá tải... “bệnh nan y”
Thứ năm, 20/11/2008, 14:33 (GMT+7)
http://www.sggp.org.vn/ytesuckhoe/2008/11/172409/
(SGGP 12G).- Những mái đầu trẻ thơ hầm hập sốt và những khuôn mặt phờ phạc của người lớn vì chen chúc để được khám chữa bệnh. Gian truân, vất vả, mỗi lần đi khám bệnh hay nằm viện chỉ vì… quá tải, đã trở thành điệp khúc quen thuộc đối với nhiều người…

Đâu cũng quá tải

Tại khu khám bệnh, Bệnh viện Nhi trung ương, dù đã cuối ngày nhưng các dãy hành lang, phòng khám và sảnh lớn vẫn còn la liệt trẻ nhỏ và người nhà nằm ngồi vạ vật. Dẫn chúng tôi đi một vòng khu khám bệnh, TS Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc bệnh viện cho biết, tình trạng quá tải ở đây là chuyện thường ngày, ngày nắng hay ngày mưa, mùa nào cũng vậy, lúc nào cũng kín bệnh nhân.

Trung bình, mỗi ngày bệnh viện phải tiếp nhận 1.000-1.100 bệnh nhân cũng đã là quá tải lắm rồi, nhưng chưa thấm vào đâu so với những giai đoạn chuyển mùa, trẻ đổ bệnh nhiều phải tới viện, nhiều hôm lên tới 1.500 - 1.600 cháu/ngày.

Không riêng gì Bệnh viện Nhi trung ương mà hầu hết bệnh viện lớn ở tuyến trên, thậm chí ở tuyến tỉnh cũng luôn rơi vào tình trạng quá tải. Bệnh viện Bạch Mai - trung tâm y tế lớn nhất miền Bắc, một ngày có vài ngàn bệnh nhân từ khắp các tỉnh, thành phố đổ về khám chữa bệnh.

Mặc dù đã triển khai nhiều biện pháp để giảm tải bệnh nhân nhưng toàn bộ khu nhà 3 tầng dành cho việc đón tiếp, khám chữa bệnh ban đầu lúc nào cũng đông kín người. Một cán bộ của bệnh viện cho biết, tình trạng quá tải ở đây diễn ra thường xuyên tại hầu hết các khoa, cũng như các cơ sở y tế của bệnh viện.
Ở Khoa u bướu, hầu hết giường bệnh đều phải nằm ghép 2-3 bệnh nhân, còn chỗ cho người nhà bệnh nhân là hành lang và vườn cây bệnh viện.

Còn ở Bệnh viện K trung ương, dù đã có 2 cơ sở khám chữa bệnh nhưng cả hai cũng luôn trong tình trạng… người bệnh nằm ghép, người nhà nằm hàng lang. Theo GS Nguyễn Bá Đức, Giám đốc Bệnh viện K trung ương, mỗi ngày có từ 1.000-1.200 bệnh nhân tới viện khám, vượt tới hơn 30% khả năng tiếp nhận của bệnh viện.

Quá tải: “Căn bệnh nan y”?

Bệnh viện quá tải là vấn đề đã kéo dài nhiều năm, tới nay chưa có một lời giải hiệu quả nhất, cho dù vấn đề này đã được đưa ra xem xét ở rất nhiều các diễn đàn khác nhau.

Ngay cả khi Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu vào năm 2007 đã “quyết liệt” với quá tải bệnh viện, với nhiều giải pháp được triển khai tại nhiều bệnh viện, nhưng “căn bệnh nan y” này của ngành y tế xem ra vẫn chưa tìm được thuốc chữa hữu hiệu.

Kết quả kiểm tra bệnh viện mới đây của Cục Quản lý khám chữa bệnh nêu rõ, tình trạng quá tải xảy ra tại tất cả các tuyến là 120%, trong đó tuyến tỉnh và tuyến trung ương là 140%.

Hiện tượng nằm ghép đôi, ghép ba tại các bệnh viện tuyến trung ương như BV Bạch Mai, BV Chợ Rẫy, BV Nhi TƯ, BV K... là khá phổ biến và kéo dài nhiều năm gây ảnh hưởng tới chất lượng điều trị và chăm sóc người bệnh.

Quá tải bệnh viện không chỉ là vấn đề bức xúc với người bệnh mà còn gây áp lực cho cán bộ y tế trong việc đảm bảo chất lượng khám chữa bệnh.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu, trong gần một năm qua, nhiều giải pháp để giải quyết tình trạng quá tải bệnh viện đã được triển khai. Thế nhưng, tại nhiều bệnh viện lớn tình trạng quá tải bệnh viện vẫn diễn ra ngày càng trầm trọng hơn.

Phải chăng vấn đề cốt lõi của tình trạng quá tải là sự thiếu hụt nguồn nhân lực, vật lực ở tuyến dưới, khiến chất lượng khám chữa bệnh ở cơ sở không đảm bảo, buộc người bệnh phải vượt tuyến lên trên. Cho dù khi lên tuyến trên, họ sẽ gặp vô cùng khó khăn, vất vả, tốn kém nhưng dù sao tính mạng và sức khỏe vẫn còn được yên tâm hơn?.

Phương Lan


No comments: