Tình báo Mỹ dự báo:
Đến 2025, Hoa Kỳ chia sẻ quyền lực trong một thế giới đa cực
Đức Tâm
Bài đăng ngày 29/11/2008 - Cập nhật lần cuối ngày 29/11/2008 15:35 TU
http://www.rfi.fr/actuvi/articles/107/article_1732.asp
Đến năm 2025, « Hoa Kỳ sẽ chỉ là một trong những tác nhân chính trên trường quốc tế, cho dù Mỹ vẫn sẽ là cường quốc mạnh nhất ». Đó là nhận định của Hội Đồng Tình Báo Quốc Gia Mỹ (National Intelligence Council – NIC) phụ trách tổng hợp những phân tích địa lý chính trị của các cơ quan tình báo Hoa Kỳ, trong bản báo cáo được công bố ngày 19 tháng 11 năm 2008.
Với tựa đề « Xu hướng thế giới 2025 » - « Global Trends 2025 », bản báo cáo này được làm 5 năm một lần, có mục đích làm cơ sở cho việc hoạch định chính sách đối ngoại của Mỹ. Theo Hội Đồng, đến 2025, thế giới sẽ trở thành đa cực, không ổn định, và do khả năng kinh tế, quân sự bị suy giảm, Hoa Kỳ sẽ rơi vào tình thế khó khăn trong việc xác định những ưu tiên đối nội và đối ngoại.
Nhìn về tương lai, đến 2025, Hội Đồng Tình Báo Quốc Gia Mỹ cho rằng sức mạnh về kinh tế sẽ chuyển dịch từ Tây sang Đông.
Trung Quốc và Ấn Độ sẽ phục hồi lại được vị trí của họ cách nay 2 thế kỷ. Vào thời kỳ đó, Trung Quốc đã chiếm tới gần 30% của cải toàn thế giới, Ấn Độ là 15%. Như vậy, lần đầu tiên, kể từ thế kỷ 18, hai nước khổng lồ châu Á này sẽ là hai tác nhân quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn thế giới. Nếu không tính Hoa Kỳ và Nhật Bản, thì vào năm 2025, tổng sản phẩm quốc nội, GDP, của Trung Quốc cộng với Ấn Độ sẽ cao hơn tất cả các nước trên thế giới gộp lại. Tuy nhiên, tổng thu nhập tính theo đầu người của hai nước này lại vẫn thấp hơn so nhiều nước trên thế giới. « Các dự báo tăng trưởng đối với Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc cộng lại, đến năm 2040 – 2050, sẽ tương đương với tỷ lệ của các nước thuộc G-7 hiện nay trong tổng sản phẩm quốc nội toàn thế giới. Vẫn theo các dự báo này, 8 nền kinh tế lớn nhất thế giới, vào năm 2025, theo thứ tự từ trên xuống dưới, sẽ là Hoa Kỳ, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Đức, Anh, Pháp và Nga.
Bản báo cáo nhận định là vào thời điểm đó, Trung Quốc và Ấn Độ sẽ có hai đặc trưng nổi bật : cả hai nước đều lớn mạnh hơn nhưng số người nghèo lại nhiều hơn so với các nước phương Tây.
Từ nay đến 2025, các cường quốc mới sẽ có những công ty đủ khả năng cạnh tranh trên thế giới, khẳng định vị trí của các nước này trên nhiều thị trường. Brasil sẽ có thế mạnh về các sản phẩm nông nghiệp và khai thác năng lượng ngoài khơi. Nga sẽ có vị trí trên thị trường năng lượng và luyện kim. Ấn Độ trong lĩnh vực dịch vụ công nghệ thông tin, dược phẩm, phụ tùng xe hơi. Đối với Trung Quốc là thép, đồ gia dụng, thiết bị viễn thông. Theo nghiên cứu của Nhóm Tư Vấn Boston (Boston Consulting Group), ngay từ năm 2006, nếu chỉ tính các nước ngoài OCDE, thì trong số 100 công ty hàng đầu thế giới, đã có 84 công ty đặt trụ sở tại Brasil, Nga, Trung Quốc và Ấn Độ.
Bản báo cáo dự phóng, « Trong 15 – 20 năm tới, ít quốc gia có khả năng tác động nhiều đối với thế giới như Trung Quốc. Nếu xu hướng hiện nay vẫn tiếp tục, thì đến 2025, Trung Quốc sẽ có nền kinh tế đứng thứ hai trên thế giới và sẽ trở thành cường quốc quân sự. Trung Quốc cũng sẽ trở thành nưóc nhập khẩu nhiều nhất về tài nguyên thiên nhiên và thậm chí là một nước gây ô nhiễm nhiều hơn hiện nay. » Do vậy, « các lợi ích kinh tế và an ninh của Mỹ sẽ phải đối đầu trước những thách thức mới nếu như Trung Quốc trở thành một đối thủ cạnh tranh đồng thời trên hai khía cạnh, mạnh về quân sự và cũng như năng động về kinh tế và khát năng lượng ».
Về Ấn Độ, trong vòng 15-20 năm tới, nước này sẽ cố gắng thúc đẩy thiết lập một thế giới đa cực, trong đó, Ấn Độ là một cực và đóng vai trò cầu nối về chính trị và kinh tế giữa một bên là nước Trung Hoa đang trỗi dậy và bên kia là Hoa Kỳ. Tuy nhiên, các lãnh đạo tại New Dehli sẽ không coi Washington là một ông chủ về quân sự hoặc kinh tế.
Liên bang Nga là một quốc gia có tiềm năng để trở nên giầu có và mạnh hơn nếu tập trung đầu tư vào con người, mở rộng và đa dạng hóa nền kinh tế, hội nhập mạnh hơn vào thị trường thế giới. Xu hướng của Nga là đang cố gắng trở thành một tác nhân chủ chốt trên thế giới, một đối tác quan trọng đối với Tây Âu, châu Á và Trung Đông và sẽ dẫn đầu lực lượng chống lại sự thống trị của Hoa Kỳ.
Triển vọng khan hiếm nguồn cung ứng năng lượng và nước cũng là những yếu tố được giới tình báo Mỹ quan tâm.
Các tác giả bản báo cáo đặt câu hỏi phải chăng thế giới đang bắt đầu bước vào thời kỳ « hậu dầu lửa ». Đến năm 2025, thế giới sẽ ở trong giai đoạn chuyển tiếp cơ bản về năng lượng, cụ thể là về các loại và nguồn nhiên liệu. Sản lượng nhiên liệu trên thế giới suy giảm, trong lúc các công nghệ về năng lượng mới dường như chưa thể phát triển rộng rãi. Thậm chí, năng lượng nguyên tử cũng không thể đáp ứng nhu.
Mặt khác, giới chuyên gia dự báo là đến năm 2025, 21 quốc gia, nơi sinh sống của khoảng 600 triệu người, sẽ bị hạn hán hoặc khan hiếm nước. Với tốc độ tăng dân số như hiện nay, thì sẽ có 36 quốc gia, với 1,4 triệu dân, rơi vào hoàn cảnh thiếu nước. Tình trạng không có nguồn cung ứng nước ổn định lên tới mức cao chưa từng thấy tại nhiều nơi trên thế giới.
Theo bản báo cáo, nguy cơ biến đổi khí hậu trên trái đất là một xu thế không thể đảo ngược được và hậu quả là càng làm tăng tình trạng khan hiếm các nguồn tài nguyên. Mặc dù giới chuyên gia chưa thể xác định được điểm tới hạn, từ đó, hiện tượng thay đổi khí hậu sẽ gia tăng, nhưng hầu như mọi người đều có cùng nhận định là hiện tượng này ngày càng trầm trọng.
Trong phần kết luận, Hội Đồng Tình Báo Quốc Gia Mỹ nhận định rằng xu hướng của thế giới đến năm 2025 là đa cực và Hoa Kỳ phải chia sẻ quyền lực vơí một số nước khác.
« Hoa Kỳ sẽ tác động mạnh đến sự biến chuyển của hệ thống quốc tế trong 15 – 20 năm tới hơn bất kỳ một tác nhân quốc tế nào, nhưng Hoa Kỳ sẽ có ít quyền lực hơn trong một thế giới đa cực so với thời kỳ nhiều thập niên trước. Do sự đi xuống tương đối về kinh tế, và trong một chừng mực nhỏ hơn, là về sức mạnh quân sự, nước Mỹ sẽ không còn có những uyển chuyển trong sự lựa chọn các chính sách.
Về sức mạnh quân sự, đến năm 2025, Hoa Kỳ vẫn sẽ là siêu cường duy nhất trên thế giới. Do vậy, nhiều nước vẫn sẽ lựa chọn Mỹ như là một đối tác an ninh khi phải đương đầu với các cường quốc nguyên tử thù nghịch. Cho dù sự trỗi dậy của một số tân cường quốc nguyên tử có hạn chế tự do hành động của Mỹ, nhưng sự vượt trội về vũ khí quy ước và vũ khí nguyên tử cũng như khả năng phòng thủ tên lửa của Mỹ sẽ là yếu tố cơ bản làm giảm bớt phần nào những hành vi hung hăng của các tân cường quốc nguyên tử.
Toàn văn báo cáo bằng tiếng Anh tại : www.dni.gov/nic/
No comments:
Post a Comment