Nghi án Huỳnh Ngọc Sỹ Và Bộ Ba Quyền Lực
(Mất "Sỹ", "Tướng" Cũng Lâm Nguy)
Vũ Hải Đăng - ĐDCND
22/11/2008
http://ddcnd.org/main/index.php?option=com_content&task=view&id=490&Itemid=1
Trò chơi Cờ Tướng, quân "Sỹ" được đặt cạnh "Tướng", để bảo vệ "Tướng". Khi mất "Sỹ" thì có nguy cơ bị chiếu "Tướng" hết cờ.
Thật trùng hợp, ông Huỳnh Ngọc Sỹ, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, kiêm Giám đốc Ban quản lý Dự án Đại lộ Đông - Tây, người bị nghi trong vụ hối lộ quan chức Việt Nam của Công ty tư vấn xây dựng quốc tế Thái Bình Dương Nhật Bản - Japan's Pacific Consultants International - (PCI), đã bị đình chỉ công tác để tiến hành điều tra.
Năm 2000, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam, lúc đó là ông Phan Văn Khải, đã ký quyết định đầu tư với tên: Dự án Đại lộ Đông - Tây TP.HCM. Và ông Sỹ đã được chọn làm Giám đốc Ban quản lý Dự án Đại lộ Đông - Tây.
Nguyễn Tấn Dũng lên thay Phan Văn Khải giữ chức Thủ tướng, hình thành Bộ ba quyền lực: Nguyễn Tấn Dũng, Lê Hồng Anh và Trương Tấn Sang, họ tiếp tục sử dụng ông Sỹ. Và giờ đây, trên Bàn cờ chính trị Việt Nam, Mất "Sỹ", "Tướng" Cũng Lâm Nguy.
Tại Tòa án quận Tokyo hôm 11-11-2008, các bị cáo quan chức PCI đã thừa nhận đưa hối lộ ông Huỳnh Ngọc Sỹ tổng cộng 2,6 triệu USD, tương đương 10% giá trị hợp đồng, để được ưu đãi trong các hợp đồng tư vấn của PCI giai đoạn 2001-2003. Họ bị cáo buộc đã đưa tổng cộng 650.000 USD hối lộ ông Sỹ từ tháng 1 đến tháng 7-2002, sau đó tiếp tục đưa hối lộ gồm: 860.000 USD trong năm 2003, 540.000 USD năm 2004, 160.000 USD năm 2005 và 220.000 USD năm 2006.
Theo lời ông Lê Dũng, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam : "Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Nhật Bản đều coi trường hợp nghi vấn PCI là rất nghiêm trọng. Hai Chính phủ tái khẳng định các vụ việc hối lộ liên quan đến các dự án ODA (Official Development Assistance), bao gồm cả vụ việc nghi vấn này, sẽ được nghiêm túc điều tra và làm sáng tỏ các chi tiết của vụ việc".
Chỉ những người trong cuộc, họ là những quân cờ trong Bàn cờ "mờ ám" này, mới biết đằng sau Huỳnh Ngọc Sỹ là ai? Thế lực nào đứng sau vụ nghi án này? Và khi ông "Sỹ" bị lộ, có dẫn đến nguy cơ bại lộ cả đường dây không? Sự im lặng của Báo chí trong nước cùng với sự dè dặt khi đưa tin thời gian vừa qua, đã giúp chúng ta phần nào có câu trả lời.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, người bộc lộ nhiều yếu kém trong quản lý, điều hành nền Kinh tế, đã nhận được câu chất vấn tại Quốc Hội, liên quan đến vụ án PCI, và ông trả lời đại ý như sau:
"Khi được tin trên báo Nhật Bản "về việc đưa và nhận hối lộ có liên quan đến một cán bộ của Việt Nam", Chính phủ đã yêu cầu Bộ Ngoại giao liên hệ với phía Nhật. Phía Việt Nam đã "chủ động yêu cầu chuyển hồ sơ cho chúng ta quản lý, xử lý. Làm rõ tới đâu sẽ xử lý tới đó theo pháp luật Việt Nam ".
Việt Nam đang tiến hành điều tra vụ việc, theo như lời của một vị lãnh đạo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng Bộ Công an (C37) cho phóng viên báo Tuổi Trẻ biết: cơ quan điều tra mới chỉ nắm tình hình và tiếp cận một số tài liệu. Về động thái sắp tới của cơ quan điều tra, ông này cho biết phải chờ ý kiến chỉ đạo ở trên.
Cấp trên của vị lãnh đạo Cục Cảnh sát đó là ông Đại Tướng, Bộ trưởng Bộ Công an Lê Hồng Anh, nhân vật số 2 trong Bộ ba quyền lực: Nguyễn Tấn Dũng, Lê Hồng Anh và Trương Tấn Sang. Cơ quan điều tra phải chờ ý kiến chỉ đạo ở trên, phải được ba vị chóp bu đó đồng ý, rồi chỉ thị cho tiến hành điều tra, làm rõ tới đâu sẽ xử lý tới đó !
Những nước cờ như định sẵn, mà bất cứ ai nếu hiểu tình hình chính trị Việt Nam , đều có thể đoán ra. Nhiều khả năng Đảng CSVN sẽ thí quân "Sỹ" và vài quân "Tốt". Trong tay họ còn có quân "Xe", "Pháo" và "Mã": Quân đội, Công an và Tòa án luôn một mực Trung thành vô hạn với Đảng CSVN, với nhóm lãnh đạo chóp bu, thì việc mất "Sỹ" không phải quá nghiêm trọng.
Nếu nghi án Huỳnh Ngọc Sỹ trở thành vụ án trọng điểm về Tham nhũng trong năm 2008-2009, thì một kịch bản được đoán trước như sau: Trung ương Đảng CSVN định hướng Báo chí đưa tin, chỉ đạo Cơ quan điều tra của Bộ Công an tiến hành khởi tố vụ án, chỉ thị cho Tòa án xét xử theo bản án định sẵn. Kết quả là: Mất "Sỹ" Để Giải Nguy Cho "Tướng".
Một giả thiết nữa là Cơ quan điều tra kết luận: Không có dấu hiệu sai phạm đối với ông Huỳnh Ngọc Sỹ. Cho dù thế nào, người dân Việt Nam cũng có được cơ hội để so sánh giữa nền Pháp lý của Việt Nam và Nhật Bản, được hiểu rõ thêm thế nào là nền Pháp Quyền XHCN Việt Nam. Tất cả những sự mờ ám, âm mưu đen tối, sẽ bị Nhân dân lên án.
Đã đến lúc vạch rõ bộ mặt phản bội của Đảng CSVN. Quốc nạn tham nhũng là do thể chế độc đảng toàn trị, do nạn độc tài gây ra: độc tài chính trị và độc tài tư tưởng. Chủ nghĩa Mác với mục đích giải phóng loài người, đã bị bọn chúng xuyên tạc, bóp méo nhằm hợp pháp hóa quyền lãnh đạo của Đảng CSVN, bị biến tướng thành một "Chủ nghĩa cực đoan" dùng để cai trị, nô dịch Nhân dân.
Bọn phản bội Chủ nghĩa Mác trong Đảng CSVN đã đưa đất nước đến con đường độc tài, mất hết Tự do - Dân chủ, làm cho Kinh tế, Văn hóa, Khoa học, Giáo dục... đều tụt hậu với thế giới. Bộ ba quyền lực: Nguyễn Tấn Dũng, Lê Hồng Anh và Trương Tấn Sang đang tiếp tục lấn sâu vào con đường phản bội đó.
Vụ án PCI và Nghi án Huỳnh Ngọc Sỹ là hồi chuông cảnh báo cho chúng ta !
Việt Nam, ngày 22-11-2008
Vũ Hải Đăng
No comments:
Post a Comment