Saturday, November 22, 2008

NỮ CÔNG NHÂN THIẾU CẢ VẬT CHẤT LẪN TINH THẦN

Nữ công nhân thiếu cả vật chất lẫn tinh thần
Cập nhật lúc : 2:00 PM, 22/11/2008
http://www.baodatviet.vn/Home/Nu-cong-nhan-thieu-ca-vat-chat-lan-tinh-than/200811/21963.datviet
Theo nhận định của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, không chỉ việc làm bấp bênh, thu nhập thấp, mà nhiều chính sách cho lao động nữ cũng bị vi phạm.

Hầu như nữ công nhân nào cũng lắc đầu khi nghe đến hai chữ “giải trí”. Chị Ngọc Liên, công ty Dintsun, vắn tắt về lộ trình một ngày làm việc của mình: 6h ra khỏi nhà, 17h tan ca. Hôm nào tăng ca thì gần 22h mới về đến phòng trọ, lúc ngả lưng thì cũng vào tầm 23h. Như thế, phần lớn quỹ thời gian trong ngày của chị là ngồi bên chiếc máy may. Không riêng chị Liên mà bốn nữ công nhân cùng phòng khác cũng chung hoàn cảnh.

Thiếu… đủ thứ


Thực đơn hằng ngày của nữ công nhân công ty giày Gia Định thường vỏn vẹn đĩa đậu hũ chiên, rau muống luộc lấy nước làm canh và ít thịt giá rẻ kho mặn chát. Với các chị, như thế đã đầy đủ. Còn giải trí là chuyện xa xỉ.
Phương Toàn, nữ công nhân ở Bình Chánh thật thà: “Nhiều lúc cũng muốn đi chơi với bạn bè cho thoải mái nhưng lại thôi. Nằm nhà thì chán, ra đường đụng đâu tốn tiền đó".

Còn nhóm công nhân công ty Dintsun cho biết, hơn ba năm vào Sài Gòn nhưng chỉ đi chơi Đầm Sen được một lần. "Chơi chưa tới một ngày mà đứt mấy trăm nghìn, tiếc lắm”, một người trong nhóm chia sẻ.
Những công nhân này luôn đứng trước những lựa chọn đầy mâu thuẫn: muốn xem phim thì không có ti vi, đến khu vui chơi thì sợ tốn nhiều tiền, mua sách báo thì vừa không có tiền, vừa không có thời gian để đọc… Khi được hỏi công ty có thường tổ chức hoạt động vui chơi cho thì ai cũng lắc đầu.

Không chỉ nghèo vật chất, đói tinh thần, mà ngay cả chuyện tình cảm của chị em cũng lận đận. Thảo, công nhân Xí nghiệp may Lê Minh Xuân, nói với vẻ mặt buồn buồn: “Tụi em cũng rất ít có cơ hội để lựa chọn người yêu vì ngoài mấy bạn nam trong công ty ra, đâu còn tiếp xúc với ai nữa. Nhưng khổ nỗi, làm cùng thì biết nhau quá nên lại không thích”.

Chỗ dựa chưa vững chắc

Hệ thống chính sách đối với lao động nữ được hy vọng sẽ là chỗ dựa đáng tin cậy cho họ. Tuy nhiên, thống kê của Ban nữ công, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, số lao động nữ tại các doanh nghiệp được hưởng chế độ nghỉ ngơi rất ít. Một số chế độ thai sản như nghỉ 60 phút cho con bú, 30 phút vệ sinh kinh nguyệt thường bị vi phạm. Ngoài ra, hiện phần lớn các cơ sở sử dụng lao động nữ đều áp dụng phương thức khoán lương theo sản phẩm nên việc thực hiện chính sách lao động với đối tượng này rất lỏng lẻo, không nghiêm túc.

Hệ thống pháp luật, chính sách lại thiếu hoàn chỉnh, nhiều kẽ hở. Ông Trần Hữu Trọng, Phó trưởng phòng Lao động, Vụ Lao động - Tiền lương, Bộ lao động thương binh và Xã hội (LĐ - TB&XH) cho biết, đối với các doanh nghiệp sử dụng lao động nữ (hoặc đối với doanh nghiệp có lao động nữ chiếm đa số) thì việc cho nghỉ để giải quyết các vấn đề riêng sẽ làm ảnh hưởng lớn tới dây chuyền sản xuất của họ. Mặc dù luật có quy định, nhưng lại không quy định cụ thể là được nghỉ vào lúc nào, nên đã gây khó khăn cho cả doanh nghiệp và người lao động.

Một quan chức Bộ LĐ - TB&XH cho biết, hệ thống chính sách đối với lao động nữ đang tồn tại rất nhiều bất hợp lý: từ chế độ ưu tiên tuyển dụng, bố trí, sử dụng đến chế độ nghỉ thai sản, nghỉ trong thời gian kinh nguyệt, hỗ trợ nhà trẻ, mẫu giáo… Những thiệt thòi của lao động nữ có phần xuất phát từ những lỗ hổng của chính sách.

Việt Hùng - Tố Tâm

No comments: