Đài Loan và cội nguồn Bách Việt
Blacky’s Blog
Friday November 28, 2008 - 04:22pm (ICT)
http://blog.360.yahoo.com/blog-KMd8BGwhaa8mtAF4pgc8Gaj7LfT3vm0Y?p=4384
"người Đài Loan có thể xem mình là người Mân Việt cổ xưa chứ không phải là người Hán từ Trung Quốc, họ quyết tâm giành độc lập, còn tương lai người Việt Nam chúng ta thì sao?"
TG : Nguyễn Đức Hiệp Ph.D
Năm 2000, một sự kiện lịch sử xảy ra ở ven bờ Thái Bình Dương. Sự kiện đó không phải là Thế vận hội 2000 ở Sydney mà thế giới chú ý đến trong vài tuần, mà là một diễn biến í người để ý đến. Một sự kiện sẽ có ảnh hưởng lâu dài đến chính trị và có thể làm thay đổi cách nhìn của thế giới bên ngoài của nhiều nước trong vùng. Sự kiện đó chính là kết quả bầu cử ở hòn đảo Đài Loan bé nhỏ. Ứng cử viên Trần Thủy Biển (Chen Shui-Bian) của đảng Dân Chủ Tiến Bộ (Democratic Progressive Party) đã thắng Quốc Dân Đảng và trở thành Tổng Thống Đài Loan, một sự thay đổi chính quyền không đổ máu, không bạo động lần đầu tiên trong lịch sử mấy ngàn năm của Trung Quốc. Lịch sử Trung Quốc ? Thực ra trong tâm của vị tân tổng thống thì hướng đi của chính sách mà ông đã theo đuổi từ nhiều năm trước, mà đại đa số dân đã đồng ý, thì hòn đảo này với dân số hơn 20 triệu sẽ không còn là bộ phận của Trung Quốc nữa. Nó sẽ là một quốc gia khác đứng ngoài quỹ đạo của dân tộc Trung Hoa, nó không còn dính gì trực tiếp đến Trung Quốc hay lịch sử Trung Quốc nữa, cũng như Hoa Kỳ hơn 200 năm trước đây đã cắt lìa khỏi nước Anh để tạo riêng vận mệnh của mình.
Phản ứng của Trung Quốc that dữ dội và giận dữ, báo chí Trung Quốc dùng những lời lẽ nặng nề chưa từng thấy đối với một cá nhân, không kém những từ ngữ dùng trong cách mạng văn hóa đối với các kẻ thù giai cấp và đế quốc xưa kia trong thập niên 1960. Mấy tuần trước ngày bầu cử, hải quân Trung Quốc đã tập trận bắn tên lửa ở eo biển Đài Loan. Trên đất liền, Trung Quốc dàn tên lửa hướng về Đài Loan đe dọa tinh thần dân chúng, đặt áp lực với chủ ý sẽ làm cho cử tri run sợ chiến tranh mà phải bầu cho ứng cử viên Quốc Dân Đảng ! Oái ăm thay, Quốc Dân Đảng là kẻ thù trước đây của đảng cộng sản Trung Quốc. Lúc này cả hai lại cùng chính sách, cùng quan điểm rút từ một nền tảng tư tưởng trung ương tập quyền Đại Hán truyền thống lâu đời.
Điều gì đã gay ra sự cố động trời như vậy ? Ngoài sự kiện ông Trần Thủy Biển là một người Đài Loan bản xứ chính cống, không phải từ lục địa di đến khi Quốc Dân Đảng thua bỏ chạy sang, thì tư tưởng và hoài bão của ông, đại diện cho hoài bão của đa số người Đài Loan bản xứ, chính là điều mà Trung Quốc sợ hải hơn hết. Thật sự thì không phải mà đột nhiên có sự tự phát, xuất hiện một tư tưởng tự chủ như vậy, mà nó đã có một lịch sử khá lâu dài. Tư tưởng ấy đã bị đè nén, thay thế bởi một tư tưởng khác từ bên ngoài ép đặt trên văn hóa, tư tưởng của dân tộc Đài Loan trong nhiều năm qua.
Tôi đặc biệt lưu ý đến lịch sử Đài Loan và hoài bão của người dân khi tôi viến Đài Loan trong một dịp dự hội nghị khoa học về môi trường khí quyển ở thành phố Đài Trung (Taitung), do hai Viện Hàn Lâm Khoa Học Đài Loan và Hàn Lâm Khoa Học Úc tổ chức vào tháng 6/2000. Trước đây tôi chỉ để ý và nghiên cứu chút ít về người bản xứ thổ dân sống ở Đài Loan trước khi người Hoa từ lục địa di dân sang. Bài này có mục đích tìm hiểu những diễn biến về sự thay đổi trong xã hội, văn hóa và tư tưởng của người dân Đài Loan trong vòng 20 năm nay. Nó gợi lại trong lịch sử và trong tiềm thức của người Việt những gì tương tự mà dân tộc Việt Nam đã trải qua cách đây hơn 1.000 năm.
Cách Mạng Văn Hóa Hay Tuyên Ngôn Độc Lập ?
Buổi lễ nhậm chức tổng thống ngày 20/5/2000 ở Đài Bắc được tổ chức tại sân trước cửa dinh Tổng Thống, một kiến trúc thời Minh Trị xây trước đây làm dinh cho viên toàn quyền của Nhật khi họ còn cai trị Đài Loan. Dinh này cũng biểu trưng quyền lực của Quốc Dân Đảng trong bao năm trước đây khi họ nắm quyền hơn nửa thế kỷ. Những sự kiện xảy ra ở buổi lễ mang nay những biểu tượng đáng kể, mà một nhà nghiên cứu ở Viện Xã Hội học, thuộc Hàn Lâm Trung Hoa (Academia Sinica) ở Đài Bắc đã viết lại như sau trên diễn đàn điện tử về Đông Nam Á (Southeast Asia Discussion List, SEASIA-L) (1).
Buổi lễ bắt đầu 9:50 sáng, quan khác trong và ngoài nước tưởng sẽ nghe bài quốc ca Cộng Hòa Trung Quốc (Republic of China) đầu tiên, nhưng tất cả đều ngạc nhiên khi một nhóm nhạc sĩ thổ dân của bộ lạc Bunum bản xứ (thuộc tộc Austronesian) đứng lên hát bài ca dân tộc truyền thống “Báo tin vui”. Sau đó là phần trình diễn của các bộ laic bản xứ Austronesian khác, tiếp theo là bài hát dân ca của người Hakka (Khách trú) và dân ca người Hoklo. Chỉ khi Tổng Thống Trần Thủy Biển và Phó Tổng Thống, bà Annette Lu bước ra từ dinh Tổng Thống thì bài quốc ca mới được hát sau cùng. Người hát quốc ca là cô ca sĩ nổi tiếng ở Đài Loan (và Trung Quốc) Cheng Hui-Mei (Amei), gốc người thổ dân bộ lạc Puyma. Cô rất được thính giả ái mộ, không những ở Đài Loan mà còn ở Trung Hoa lục địa. Trước kia không bao giờ có sự có mặt của văn hóa địa phương trong những nghi lễ trịnh trọng. Nay thì ngay cả bài quốc ca cũng xuống hàng thứ yếu. Sự phá vỡ nghi thức này rất có ý nghĩa. Nó có chủ đích cho thấy là chính phủ mới từ đây về sau sẽ theo đuổi chính sách đứng trên quan điểm của người địa phương (Hoklo, Hakka, Austronesian) chứ không như chính phủ Quốc Dân Đảng trước kia đứng trên quan điểm trọng Hán.
Hiểu được hậu ý của chính phủ Trần Thủy Biển, Trung Quốc đã giận dữ, ngay cả Amei cũng không thoát khỏi sự tức giận ấy. Sauk hi cô tham dự và hát bài quốc ca Đài Loan (Cộng Hòa Trung Hoa) ở lễ nhậm chức của Tổng Thống Trần Thủy Biển, chính phủ Trung Quốc ra lệnh tẩy chay Amei. Đài truyền hình, truyền thanh từ ngày đó không được trình chiếu, phát hành các bài hát của ca sĩ Amei. Báo chí bị cấm đề cập đến co, ngay cả các biểu ngữ quảng cáo cũng không được đăng các hình ảnh ca sĩ Amei. Ở Bắc Kinh và Thượng Hải, hình Amei trên các bảng quảng cáo nước ngọt Sprite của công ty Coca-Cola bị bôi xóa đi. Tuy vậy các đĩa CD của cô, người ta vẫn còn có thể tìm thấy được ở một số các cửa hàng nếu chịu khó lùng kiếm. Wu Bai, một nam ca sĩ nổi tiếng ở Đài Loan và Trung Quốc, cũng chịu chung số phận, khi ông hát và ủng hộ Trần Thủy Biển.
Bài diễn văn của Trần Thủy Biển rất ít đề cập đến sự quan hệ với Trung Quốc, một vấn đề thời sự nóng bỏng lúc đó, mà hầu hết là về lịch sử và văn hóa Đài Loan, về cải tổ chính trị và chính sách đối nội. Trần Thủy Biển nói tới Đài Loan 40 lần. Cộng Hòa Trung Quốc (ROC) 9 lần. Trung Quốc chỉ có 1 lần nhưng Formosa (tên cũ của đảo Đài Loan) 2 lần và 4 lần nhấn mạnh nói lớn “Đài Loan đứng lên !”.
Đài Loan đã thực sự đứng day về văn hóa và chính trị. Trần Thủy Biển nêu lên những sự áp bức, xâm lược bởi đế quốc mà dân chúng ở cả Trung Quốc lẫn Đài Loan đã là nạn nhân trong thế kỷ 20. Thật sự Đài Loan còn khổ sở nặng hơn dưới chế độ thực dân Nhật. Những kinh nghiệm lịch sử tương tự như thế đáng ra đã mang lại sự thông cảm giữa hai dân tộc ở hai bên eo biển Đài Loan để từ đó đặt nền tảng cho việc thiết lập tự do, dân chủ và nhân quyền cùng với nhau. Tuy nhiên, do sự phân ly lâu dài trong lịch sử, hai vùng đã phát triển theo hai hướng khác nhau, đi đến sự khác biệt tột độ về nhiều phương diện, từ hệ thống chính trị đến văn hóa và phong cách sống. Điều này đã cản trở sự thông cảm và thiết lập tình hữu nghị giữa hai nước.
Bài diễn văn này là một tuyên bố chính trị quan trọng. Ông phân biệt rõ sự khác biệt giữa lịch sử Trung Quốc và lịch sử Đài Loan. Đài Loan đã trải qua thời kỳ bị Nhật đô hộ lâu dài và đã có lịch sử riêng chứ không phải chỉ có lịch sử mới đây mới đây tách ra khỏi Trung Quốc bắt đầu từ 1949, với nhãn quan của người Hán đặt trọng tâ vào cuộc nội chiến quốc – cộng. Ông nói là cách đây 400 năm, Đài Loan được gọi là Formosa, hòn đảo xinh đẹp, nay Đài Loan còn là một hòn đảo của một nền dân chủ trưởng thành. Ông cho rằng lịch sử Đài Loan tiếp diễn cách đây 400 năm từ di sản của thổ dân Austronesian, cư dân đầu tiên, chứ không phải xuất phát từ 5.000 năm của lịch sử Trung Quốc. Ông là vị Tổng thống Đài Loan đầu tiên đã đặt trọng tâm của vũ trụ quan vào lịch sử đảo và vào di sản Austronesian. Ông đặc biệt nói về văn hóa địa phương, các tổ chức cộng đồng phi chính phủ đã được thành lập để phát triển, bảo tồn lịch sử, văn hóa ở mọi địa phương, làng xã. Tất cả đó là một phần của văn hóa Đài Loan. Đài Loan là một xã hội đa văn hóa, trong đó mọi người dân chấp nhận sự đa dạng và giao lưu với nhau giữa các người Austronesian, Hoklo, Hakka và người Hoa ở lục địa sang. Ông nói về văn hóa Hoa kiều và đặt cộng đồng người Hoa ở Đài Loan giống như cộng đồng người Hoa trên thế giới như ở Singapore, Sydney hay San Francisco trong môi trường đa văn hóa, chứ không phải người Hoa giữa dân số của một nước Trung Quốc thống nhất.
Ông nhấn mạnh đến cuộc sống “văn hóa” thường ngày của người dân bình thường và nói về bản thân ông xuất thân là con của một tá điền trong một gia đình nghèo và đã vươn lên để trở thành tổng thống của một nước được sự tín nhiệm của dân Formosa, những người con của Đài Loan như ông. Tinh thần bài diễn văn giống như tinh thần của một bản tuyê bố độc lập hơn là một bài diễn văn nhậm chức bình thường.
Các Dân Tộc ở Đài Loan.
Vì đâu mà ông Trần Thủy Biển đã “tuyên bố độc lập” như vậy ? Bài ông nói đã phán ảnh được những gì sâu xa xảy ra trong tư tưởng của xã hội Đài Loan trong nhiều năm vừa qua ở nhiều lãnh vực. Một hiện tượng xã hội đáng chú ý gần đây là một số vấn đề nghiên cứu trong phạm vi khoa học có liên hệ đến các dân tộc ở Đài Loan đã lan ra khỏi phạm vi hạn hẹp và đã trở thành một đề tài nóng bỏng trong xã hội mà trước đây ít xảy ra.
Giáo sư Lâm Mã Lý, nhà di truyền học ở bệnh viện Mckay Memorial ở Đài Bắc, đã bỏ ra nhiều năm nghiên cứu về nguồn gốc di truyền của các bộ tộc thổ dân sống lâu đời từ thời tiền sử ở Đài Loan. Một đề tài hầu như lúc đó không ai ở Đài Loan để ý. Sau khi công bố kết quả trên tạp chí khoa học vào năm 2000 (2), bà đã nhận được rất nhiều thư, điện thư từ những người “Đài Loan” không phải thổ dân (Mân Nam và Hakka) muốn tìm hiểu thêm về nguồn gốc của họ, họ không cho rằng họ có nguồn gốc từ người Hán. Giáo sư Lâm Mã Lý từ đó chuyển trọng tâm nghiên cứu của bà sang người Mân Nam (Minnan) và Hakka. Sau hơn một năm nghiên cứu di truyền trên hệ thống miễn nhiễm (Human Leucocyte Antigen, HLA) ở nhiễm sắc thể 6 (chromosome 6) qua máu của các dân Mân Nam (Hoklo), Hakka và các mẫu máu từ nhiều nước kết hợp được trong tổ chức hoạt động quốc tế về HLA (International Histocompatibility Workshop) ở Nhật năm 1998, giáo sư Lâm Mã Lý đã công bố kết quả (3) về sự liên hệ và khoảng cách của các nhóm dân trên sơ đồ cây di truyền. Kết quả cho thấy người Mân Nam và Hakka rất gần với người Việt, Thái và các dân thuộc chủng Mongoloid Nam Á, khác xa với người Hán thuộc chủng Mongoloid Bắc Á. Giáo sư Lâm Mã Lý cho rằng người “Đài Loan” thuộc dân Mân Việt (Min Yeuh) chứ không phải dân tộc Hán, mặc dù đã có sự pha trộn trong lịch sử với người Hán di cư đến từ phương Bắc.
Trong cuộc phỏng vấn trên báo Taipei Times (Đài Bắc thời báo) (4), có câu hỏi là có phải ngiên cứu của bà đã gay chú ý và bàn luận rất nhiều là vì nó đã thách thức chủ nghĩa ‘Hán trung tâm’ cho rằng người Hán và văn minh Hán Hoa là cội nguồn của tất cả, do đó đã gây nên cuộc tranh luận chính trị về sự thống nhất với Trung Quốc. Bà trả lời là bà đã biết trước kết quả nghiên cứu di truyền sẽ khơi động cuộc tranh cãi, nhưng bà cũng nói rằng kết luận của nghiên cứu cũng không phải là điều gì mới lạ, vì trước đây hai nhà nhân chủng học nổi tiếng đã công bố lâu rồi về dân tộc và văn minh của người Mân Việt, Hakka và Bách Việt. Kết quả nghiên cứu của bà chỉ chứng minh một cách khoa học thêm mà thôi. Cả hai công trình nghiên cứu này đã được biết từ lâu trước khi có chủ đề bàn luận về về thống nhất hay độc lập ở Đài Loan. Đó là công trình nghiên cứu của Lin Hui Shaing, “The Ethnology of Chine”, xuất bản năm 1937 và W. Meacham, “Origins and development of Yeuh coastal Neolithic : A microcosm of cultural change on the mainland of East Asia”, công bố vào năm 1981. Cả hai đã có cùng kết luận về nguồn gốc của dân Bách Việt.
Cũng trong cuộc phỏng vấn này, có câu hỏi là có phải nghiên cứu của bà có mục đích chính trị không, vì hiện nay có rất nhiều người đã dùng nghiên cứu của bà trong chính trường. Bà nói rằng mọi người nên hiểu biết về nguồn gốc của mình. Và bà chỉ muốn tìm ra nguồn gốc của người địa phương sống lâu đời ở Đài Loan. Bà không hiểu tại sao người Mỹ gốc Phi châu lại có thể đi tìm được nguồn gốc của họ, mà người Đài Loan lại không thể nói được “Chúng tôi là người Mân Việt cổ xưa”. Bà muốn rằng người Đài Loan nên xem mình là người địa phương Mân Việt chứ không phải là Hán từ bắc Trung Quốc. Bà nói : “Bài nghiên cứu của tôi đơn giản là chỉ để hiểu biết về nguồn gốc. Tôi không biết gì về chính trị và không thuộc tổ chức chính trị nào”.
Để có một cái nhìn tổng quát về tình hình Đài Loan và hiểu thêm về các dân tộc và văn hóa ở hòn đảo này, chúng ta phải bắt đầu từ các dữ kiện lịch sử và dân tộc học mà tôi cố gắng tóm lược như sau.
Bộ tộc Austronesian
Những người bản xứ thuộc dòng ngôn ngữ Austronesian là những dân đã sống lâu đời ở Đài Loan từ trước thế kỷ 17 khi các người ngoại quốc, như Hoà Lan, Tây Ban Nha và sau này từ Trung quốc bắt đầu đến chiếm đóng và định cư. Ngôn ngữ của các bộ tộc bản sứ cũng rất đa dạng và khác nhau, nhưng tất cả đều thuộc họ ngôn ngữ Austronesian, cùng họ với ngôn ngữ Phi Luật Tân, Indonesia, Mã Lai và ở nhiều đảo khác trong Thái Bình Dương. Hiện nay người thổ dân Austronesian chỉ còn có khoảng dưới 2% dân số Đài Loan và gồm các bộ tộc sau (theo thứ tự dân số) : Amis (130,000), Paiwan (60,000), Tayal (50,000), Bunun (38,000), Taroko (30,000), Puyuma (8,000), Rukai (8,000), Tsu (6,000), Yami (4,000), Saisiat (4,000), Thao (250). Một số bộ tộc khác ở đồng bằng và bờ biển trước đây đã biến mất, qua sự đồng hoá trong cộng đồng các người Hoklo, Hakka di dân từ Trung quốc trong các thế kỷ trước. Ngôn ngữ của các bộ tộc này chỉ còn giữ lại trong các tự điển và bài viết về họ của người Hoà Lan, Nhật và Đài Loan sau này, và một số từ còn sót lại trong tiếng Hoklo.
Trong suốt lịch sử từ 1624, khi người Hoà Lan đến chiếm, cho đến thời kỳ thuộc nhà Thanh, rồi thuộc Nhật Bản và gần đây dưới chế độ Quốc dân đảng, người thổ dân thường bị phân biệt, chèn ép trong xã hội. Có lúc họ đã nổi dậy, như năm 1930, một bộ lạc đã nổi lên chống Nhật nhưng họ đã bị đàn áp đẫm máu. Đất đai của họ đã bị lấn chiếm và mất dần (cách đây không lâu, có nơi đất của họ đã được dùng để chôn các chất thải nguyên tử nguy hiểm). Năm 1984, Liên minh thổ dân Đài Loan đã được thành lập bởi một số trí thức và các lãnh đạo các bộ tộc để bảo vệ quyền lợi và văn hoá thổ dân. Họ đã tranh đấu trong nhiều năm cùng với đảng Dân chủ tiến bộ đối lập chống lại các chính sách văn hóa và bất công của chính quyền. Ngày nay, quyền lợi và văn hoá thổ dân đã được khuyến khích phát triển nhất là từ khi chính phủ Trần Thuỷ Biển nắm quyền từ năm 2000.
Như các người Austronesian khác ở Đông Nam Á (Mã Lai, Phi Luật Tân, Nam Dương), các bộ tộc thổ dân đều có tục ăn trầu và xâm mình. Đặc biệt người Atayal còn xâm hình rất nhiều lên mặt. Theo truyền thuyết của họ, lúc khởi thủy chỉ có hai anh em. Vì muốn sinh sản con người, người em gái đã xâm hình lên mặt để che dấu gạt anh và sinh sản con cháu. Người Rukai, trong lễ hội xuân, còn có phong tục chơi đu xích đu. Người con gái đu xích đu, trong khi người con trai đẩy và bắt lấy. Trò chơi ở lệ hội xuân này tương tự như trò chơi của lễ hội người Việt và chúng có nguồn gốc phồn thực.
Vì là thiểu số, hiện nay văn hoá người thổ dân có nguy cơ biến mất khi đa số thanh niên cố gắng hoà nhập vào xã hội Đài Loan. Trước đây vì bị phân biệt, nên đa số đã cố gắng dấu đi đặc tính thổ dân để hoà nhập. Ngày nay với chính sách bảo vệ và phát triển văn hoá bản sứ trong giáo dục, chính trị và kinh tế, họ đã có mặt ở mọi thành phần, tầng lớp trong xã hội Đài Loan và hảnh diện là người có gốc tích thổ dân, dân cư đầu tiên của nước Đài Loan. Cuối năm 2001, ở Đài Trung, nơi có nhiều thổ dân thuộc các bộ tộc khác nhau, đã có tổ chức lễ hội về văn hóa Austronesian, với sự hiện diện của nhiều học giả thế giới đến dự hội nghị nghiên cứu Austronesian tổ chức cùng thời gian. Chang Hui-mei (Amei), ca sĩ nổi tiếng ở Đài Loan, là một người gốc thổ dân bộ lạc Puyuma bản xứ đã trình diễn nhiều bài dân ca Austronesian khai mạc liên hoan văn hoá này. Viện hàn lâm Academia Sinica cũng đã xuất bản nhiều công trình nghiên cứu về văn hóa và con người Austronesian. Cùng với “Hiệp hội nghiên cứu tiền sử ấn và Thái Bình dương”, Academia Sinica đã tổ chức nhiều hội nghị quốc tế về người Austronesian, như ở Đài Trung và Đài bắc vừa rồi.
Nguồn gốc người Austronesian ở Đài Loan
Có nhiều giả thuyết (9) về nguồn gốc của người Austronesian trên đảo Đài Loan: (a) họ là hậu duệ của người từ đảo Ryukyu ở nam Nhật Bản đến cách đây hơn 2,000 năm (b) họ là những người Mã Lai đi từ các đảo phương Nam lên (c) họ là hậu duệ của các dân tộc từ đất liền vùng Quế châu (Miao, Thai,..) gần biên giới hiện nay giữa Trung quốc và Việt Nam. Những người này cũng là tổ tiên của người Việt (yueh) ở Quảng Đông hiện nay.
Các địa điểm khảo cổ thời kỳ đá mới ở Tapenkeng (gần Đài Bắc) và Fengpitou (gần Cao Hùng) cho thấy các vật tìm thấy (rìu, tên đá, đồ gốm với trang trí hình thừng..) thuộc vào một nền văn hoá thời đại đá mới cách đây khoảng hơn 5,000 năm. Các nền văn hoá này có liên hệ với các di chỉ văn hoá ở đất liền phía nam Trung quốc và bắc Việt Nam. Các gốm ở các di chỉ văn hoá trên cũng có sự liên hệ với các gốm tìm thấy ở các di chỉ ở Phi Luật Tân và ở Sa Huỳnh. Điều này cho thấy giả thuyết thứ hai và ba ở trên về nguồn gốc của dân Austronesian có thể là có cơ sở. Tuy khảo cổ học cho ta thấy sự liên hệ ở thời kỳ đá mới giữa cư dân đảo Đài Loan và đất liền, nhưng về phương diện ngôn ngữ hiện nay ta không còn tìm được cư dân nào còn lại trên đất liền ở nam Trung quốc và bắc Việt Nam dùng tiếng nói thuộc họ ngôn ngữ Austronesian.
Nhà khảo cổ P. Bellwood cho rằng xưa kia ngôn ngữ Austronesian có thể đã được dùng bởi các bộ tộc ở nam Trung quốc nhưng đã bị biến mất khi người Hán tràn xuống phía nam. Vết tích của ngôn ngữ Austronesian có thể tìm được ở tiếng Mân Nam (Hoklo). Nhà ngôn ngữ học Benedict cho rằng họ ngôn ngữ Austronesian và ngôn ngữ Thai-Kadai (hiện vẫn còn ở nam Trung quốc và bắc Việt nam) có liên hệ và cùng chung một gốc. Gần đây một số các nhà ngôn ngữ học cũng cho thấy có sự liên hệ giữa ngôn ngữ Austronesian và Austroasiatics (như Mon-Khmer, Việt-Mường). Họ gọi gốc chung của hai họ ngôn ngữ này là Austric và dùng phương pháp ngôn ngữ học để cấu tạo lại các từ gốc tiền-Austric. Ngoài phương diện ngôn ngữ, ta cũng thấy có sự liên hệ trong lịch sử của các dân tộc nói các thứ tiếng trên ở nam Trung quốc và Việt Nam.
Từ các dữ kiện ngôn ngữ, lịch sử và khảo cổ, nhà ngôn ngữ học R. Blust và khảo cổ học P. Bellwood đã cho rằng, bắt nguồn từ Vân Nam, nơi xuất phát nhiều sắc tộc nói nhiều loại ngôn ngữ khác nhau, và nhiều di chỉ văn hóa, người Austronesian xuống đến bờ biển rồi từ đó qua Đài Loan. Họ sau này, cũng như nhiều sắc tộ khác, bị Hán hóa, chỉ để lại vàI dấu vết ngôn ngữ trong các dân ở nam Trung quốc hiện nay.
Tuy vậy, qua sự nghiên cứu về các từ cổ Trung hoa về các sản phẩm canh nông như kê, lúa gạo, nhà ngôn ngữ L. Sagart (10) cho rằng nguồn gốc của người Austronesian là ở phía bắc sông Dương Tử. Những từ này có liên hệ đến các từ gốc Austronesian. Thuyết của ông đặt cơ sở là các di chỉ trồng lúa cổ nhất tìm được hiện nay là dọc phía nam sông Dương Tử như Hemudu, Caoxieshan (tỉnh Triết Giang) cách đây khoảng 6,500 năm và Pentoushan (Hồ Nam) cách đây khoảng 8,000 năm.
Trái với hai thuyết trên là thuyết của Meacham, Terrel và Soldheim (11) cho rằng người Austronesian chính là bắt nguồn từ các đảo trong khu vực tam giác bắc Phi Luật Tân, Indonesia đến tây New Guinea (vùng Wallacea). Họ tỏa ra các hướng khác nhau: bắc đến Đài Loan và các đảo nam Nhật bản (Ryukyu), tây đến bờ biển Việt nam, đông về Melanesia và các đảo ở Thái bình dương (Polynesia). Meacham cho rằng hiện nay khó có thể xác định là nguồn gốc người Austronesian ở nam Trung quốc qua ngôn ngữ học và khảo cổ học. Sự định tuổi về sự phát xuất các họ ngôn ngữ qua ngôn ngữ học như Blust đã làm là không chính xác và di chỉ khảo cổ ở Đài Loan chưa đủ để kết luận là người Austronesian từ nam Trung quốc đến Đài Loan. Soldheim cho rằng thật sự người Austronesian đi đến bờ biển Trung quốc, Đài Loan từ phương nam (Phi Luật Tân) và họ cũng đến bờ biển Việt Nam như ở Sa Huỳnh.
Khi kỷ thuật di truyền được bắt đầu sử dụng vào địa hạt nhân chủng học, một số các nghiên cứu về di truyền dùng các mẫu DNA và mitochondria DNA từ các bộ tộc Austronesian và các dân cư ở bắc, nam Trung quốc, các đảo ở Đông Nam Á và Thái Bình dương cho thấy có sự liên hệ rất nhiều giữa người Austronesian ở Đài Loan và các dân ở Phi Luật Tân và các cư dân tộc phía nam Trung quốc nhiều hơn ở bắc Trung quốc (9). Tuy vậy điều này chưa cho phép ta khẳng định hướng di dân đi từ hướng nào.
Nguồn gốc của người Austronesian vẫn còn là đề tài tranh luận của các nhà nghiên cứu.
Đọc thêm :
Nguồn gốc Bách Việt
http://knol.google.com/k/du-ngoc-nguyen/ngun-gc-bch-vit/dr56byye4zsx/2#
Văn minh cổ và nguồn gốc dân tộc Việt Nam
http://vietsciences.free.fr/vietnam/sudia/vanminhco_nguongocdanvn.htm
Xem thêm kho tài liệu cổ sử VN tại : http://www.mevietnam.org/index-a.html
No comments:
Post a Comment