Saturday, June 22, 2024

TRUNG QUỐC GIA TĂNG "CHIẾN TRANH TÂM LÝ" ĐỂ GÂY PHÂN HÓA NỘI BỘ PHILIPPINES (Trọng Thành / RFI)

 



Trung Quốc gia tăng ‘‘chiến tranh tâm lý’’ để gây phân hóa nội bộ Phillipines

Trọng Thành  -  RFI

Đăng ngày: 21/06/2024 - 15:07

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20240621-trung-qu%E1%BB%91c-gia-t%C4%83ng-chi%E1%BA%BFn-tranh-t%C3%A2m-l%C3%BD-%C4%91%E1%BB%83-g%C3%A2y-ph%C3%A2n-h%C3%B3a-n%E1%BB%99i-b%E1%BB%99-phillipines

 

Vào lúc quan hệ Philippines và Mỹ cùng các đồng minh được siết chặt, giới quan sát chú ý đến việc Trung Quốc gia tăng chiến tranh tâm lý nhằm gây phân hóa nội bộ Philippines. Tung tin giả, bóp mép thông tin, kích động các tình cảm thù địch trong cộng đồng nằm trong số các thủ đoạn chính. Mục tiêu hàng đầu là gieo rắc hoài nghi, đẩy hai lực lượng chính trị chủ chốt tại Philippines, phe của tổng thống Marcos và phe của cựu tổng thống Duterte vào thế đối kháng không khoan nhượng.

 

https://s.rfi.fr/media/display/98d1f654-1751-11ef-bffe-005056bfb2b6/w:980/p:16x9/AP23121692555159.webp

Ảnh minh họa: Tổng thống Mỹ Joe Biden (P) tiếp đồng nhiệm Philippines Ferdinand Marcos Jr; tại Nhà Trắng, Washington, Hoa Kỳ, ngày 01/05/2023. AP - Carolyn Kaster

 

Một sự kiện tiêu biểu được giới quan sát chú ý là các tin tức, bình luận trên nhiều mạng xã hội về nguy cơ nội chiến tại Philippines. Nhật báo Philippines The Phillippine Star thứ Bảy tuần trước, 15/06/2024, ghi nhận việc số lượng các bài viết, được chia sẻ, về chiến dịch đòi độc lập cho đảo Mindanao tăng vọt. Tin bài được phổ biến từ các tài khoản vô danh và các ‘‘troll’’ (chủ nhân của các tài khoản đưa ra những thông tin gây tranh cãi), thông qua các mạng xã hội Trung Quốc.

 

Tổng cộng có đến hơn 60 tài khoản phổ biến các tin bài nhằm thổi bùng lên nỗi lo ngại về nguy cơ nội chiến tại quần đảo. Các bình luận thể hiện rõ quan điểm thân cựu tổng thống Rodrigo Duterte, từng là thị trưởng Davao, thủ phủ đảo Mindanao, nhấn mạnh đến các kêu gọi ly khai, đồng thời cáo buộc tổng thống đương nhiệm Ferdinand Marcos Jr. và chính quyền hiện nay là thủ phạm của tình trạng chia rẽ của đất nước, do chính sách thân Mỹ.

 

Dĩ nhiên, không có lửa thì làm sao có khói. Giới quan sát ghi nhận việc dân biểu Panteleon Alvarez, cựu chủ tịch Hạ Viện Philippines, đồng minh thân cận của cựu tổng thống Duterte hồi tháng 11/2023, đã đề nghị tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về nền độc lập cho đảo Mindanao. Sáng kiến được chính cựu tổng thống ủng hộ này gây chấn động. Tổng thống Marcos Jr. đã lên án các nỗ lực gây chia rẽ, và đe dọa trấn áp.

 

Chính quyền tổng thống Marcos đang chuẩn bị bước vào cuộc bầu cử giữa kỳ vào năm tới 2025, và bốn năm nữa, cử tri Philippines sẽ bầu lại tổng thống. Theo giới quan sát, bà Sara Duterte, sinh năm 1978, đương kim phó tổng thống Philippines, được dự báo có nhiều khả năng giành chiến thắng. Bà Sara là con gái của cựu tổng thống Duterte, người thường xuyên bị chỉ trích về quan điểm nhân nhượng Trung Quốc về chủ quyền quốc gia tại Biển Đông.

 

Trong những tuần gây đây, mũi nhọn của cuộc chiến tranh tâm lý chống Philippines của Trung Quốc tập trung vào Biển Đông, đặc biệt với nghi án về một ‘‘thỏa thuận ngầm’’ giữa hai bên nhằm giảm căng thẳng tại một số vùng tranh chấp ở quần đảo Trường Sa, đặc biệt là tại vùng xung quanh Bãi Cỏ Mây nơi Philippines kiên quyết khẳng định chủ quyền, nhưng các chuyến tàu tiếp tế cho lực lượng đồn trú Philippines liên tục bị Trung Quốc gây áp lực, ngăn cản.

 

Bắc Kinh đổ lỗi cho Philippines đã phản bội lại thỏa thuận ngầm, được đúc kết từ thời cựu tổng thống Duterte, cho phép tuần duyên Manila tiếp tế nhưng phải báo trước với Bắc Kinh, hay nói cách khác thừa nhận Trung Quốc có quyền tại vùng biển này. Trong một bài tổng hợp về vấn đề này trên The Diplomat (ngày 11/06), nhà nghiên cứu Christian Schultheiss, chuyên gia về luật biển và an ninh hàng hải, Viện Max Planck về luật pháp quốc tế, vấn đề ‘‘thỏa thuận ngầm’’, giữa Duterte và lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, mà phía Trung Quốc loan báo gần đây đang gây ‘‘hỗn loạn’’ trong chính giới Philipines.

 

Cựu tư lệnh quân khu miền Tây, phó đô đốc Alberto Carlos, bị cáo buộc có những liên hệ với tùy viên quân sự sứ quán Trung Quốc, đã ra điều trần trước Ủy ban Quốc Phòng Hạ Viện, và vụ việc đang tiếp tục được điều tra.

 

Theo chuyên gia về luật biển và an ninh biển Viện Max Planck, vụ việc chỉ bùng lên từ tháng 3/2024, khi một cựu phát ngôn viên của ông Duterte đề cập đến vấn đề này. Chuyên gia Christian Schultheiss nhấn mạnh, vấn đề ‘‘thỏa thuận ngầm’’ sẽ không thể trở thành to chuyện nếu không có ‘‘các bình luận mâu thuẫn và khó hiểu’’ của một số thành viên trong chính quyền tiền nhiệm Duterte.

 

Theo nhiều nhà quan sát, các chiến dịch tung tin bóp mép, thông tin gây nhiễu, mà tiêu biểu là hai vụ ‘‘thỏa thuận ngầm’’ và nguy cơ nội chiến do đảo Mindanao đòi ly khai, là nhằm gieo rắc hoài nghi trong xã hội Philippines, làm suy yếu chính quyền đương nhiệm Marcos và liên minh Manila – Washington. Hồi tháng 4/2024, tổng thống Marcos đã công bố một kế hoạch 6 năm nhằm tăng cường đối phó với các hoạt động thù địch trên mạng. Cuộc chiến kháng cự lại chiến tranh tâm lý, mà các hậu duệ của Tôn Tử bị cáo buộc đứng sau, hứa hẹn sẽ rất cam go. Những gì có vẻ như căng thẳng cao độ đang diễn ra hiện nay được nhiều nhà quan sát cho rằng mới chỉ là điểm khởi đầu.

 

------------------------------

Các nội dung liên quan

 

BIỂN ĐÔNG - NGUY CƠ CHIẾN TRANH

Biển Đông: Nguy cơ chiến tranh với ‘‘chiến thuật mới’’ chống tàu Philippines của Trung Quốc

 

PHILIPPINES - TRUNG QUỐC

Philippines chặn được nhiều cuộc tấn công tin tặc từ Trung Quốc

 

PHÂN TÍCH

Philippines phủ nhận có ‘‘thỏa thuận’’ ngầm với Trung Quốc nhằm giảm nhẹ tranh chấp Biển Đông






No comments: