Saturday, June 22, 2024

PHÁP & TRUNG QUỐC PHÓNG VỆ TINH ĐỂ HIỂU THÊM VỀ VŨ TRỤ (Thu Hằng / RFI)

 



Pháp và Trung Quốc phóng vệ tinh để hiểu thêm về Vũ trụ

Thu Hằng  -  RFI

Đăng ngày: 22/06/2024 - 13:39

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A1p/20240622-ph%C3%A1p-v%C3%A0-trung-qu%E1%BB%91c-ph%C3%B3ng-v%E1%BB%87-tinh-%C4%91%E1%BB%83-hi%E1%BB%83u-th%C3%AAm-v%E1%BB%81-v%C5%A9-tr%E1%BB%A5

 

Ngày 22/06/2024, một vệ tinh do Pháp và Trung Quốc hợp tác đã được phóng vào vũ trụ để tìm kiếm các « vụ nổ tia gamma » được cho là cung cấp thêm nhiều thông tin về lịch sử của Vũ trụ. Đây là biểu tượng hợp tác trong lĩnh vực không gian giữa Pháp và Trung Quốc và cũng là một thành công mới của cường quốc châu Á.

 

https://s.rfi.fr/media/display/a16834ae-0d5b-11ea-99a0-005056a9aa4d/w:980/p:16x9/capture_105.webp

Ảnh minh họa. https://cn.ambafrance.org/Satellites-SVOM-et-CFOSAT

 

Theo AFP, tên lửa Trường Chinh 2-C mang theo vệ tinh Theo dõi các Vật thể Biến động trong Không gian (SVOM) đã rời bãi phóng tàu vũ trụ Văn Xương ở tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. Vệ tinh nặng 930 kg gồm 4 thiết bị chính (trong đó có hai phần do Pháp sản xuất) hoạt động ở độ cao 625 km trên quỹ đạo và sẽ gửi những dữ liệu quý giá về các đài quan sát ở Trái Đất.

 

Một khó khăn lớn là các vụ nổ tia gamma diễn ra rất ngắn, buộc các nhà khoa học phải khẩn trương. Ngay khi phát hiện một vụ nổ, vệ tinh SVOM sẽ gửi báo động tới nhóm trực 24/24 giờ. Chỉ trong chưa đầy 5 phút sau, các chuyên gia phải hướng kính viễn vọng đến khu vực đó để theo dõi thêm.

 

Nhà vật lý thiên văn Frédéric Daigne, thuộc Viện Vật lý thiên văn Paris, giải thích các vụ nổ tia gamma là những vụ nổ vũ trụ rất mạnh giúp hiểu rõ hơn tại sao một số ngôi sao bị « tắt lịm »« Những dữ liệu thu thập được giúp kiểm tra các định luật vật lý với những hiện tượng không thể tái tạo trong phòng thí nghiệm trên Trái đất ». Sau khi phân tích, những thông tin đó cũng giúp hiểu rõ hơn về sự hình thành của không gian, động lực học khí và những thiên hà khác.

 

Chương trình SVOM là kết quả hợp tác giữa Trung tâm Nghiên cứu Vũ trụ Quốc gia Pháp (CNES) và Cục Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc (CNSA) cùng với nhiều tổ chức khoa học và kỹ thuật giữa hai nước. Dù các chương trình hợp tác không gian không phải là hiếm giữa Trung Quốc và phương Tây, nhưng ít có chương trình hợp tác nào ở quy mô lớn như vậy, đặc biệt là kể từ năm 2011 khi Washington cấm Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Hoa Kỳ NASA hợp tác với Bắc Kinh trong lĩnh vực không gian.

 




No comments: