Thursday, June 27, 2024

CÁC NƯỚC ĐÔNG NAM Á "NGƯ ÔNG ĐẮC LỢI" TRONG CUỘC ĐỌ SỨC MỸ - TRUNG? (Chi Phương / RFI)

 



Các nước Đông Nam Á "ngư ông đắc lợi" trong cuộc đọ sức Mỹ - Trung ?  

Chi Phương  -  RFI

Đăng ngày: 26/06/2024 - 13:33

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20240626-c%C3%A1c-n%C6%B0%E1%BB%9Bc-%C4%91%C3%B4ng-nam-%C3%A1-h%C6%B0%E1%BB%9Fng-l%E1%BB%A3i-trong-cu%E1%BB%99c-%C4%91%E1%BB%8D-s%E1%BB%A9c-m%E1%BB%B9-trung

 

Mặc dù một số nước Đông Nam Á thường xuyên xảy ra tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc hoặc bị lấn át về kinh tế, tuy nhiên, một thăm dò gần đây chỉ ra rằng nếu phải chọn giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, các nước thành viên Hiệp Hội các nước Đông Nam Á ASEAN vẫn thích Bắc Kinh hơn. Theo phân tích của báo Le Monde, ASEAN hưởng lợi trong cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung tại khu vực.

 

HÌNH :

Tổng thống Mỹ Joe Biden (giữa màn hình) dự thượng đỉnh Đông Á lần thứ 16, trực tuyến, ngày 27/10/2021. AP

 

Theo thăm dò của Viện nghiên cứu Yusolf Ishak Institut, công bố ngày 02/04/2024 vừa qua, gần 2000 người tại 10 quốc gia thuộc ASEAN, đã tham gia trả lời một câu hỏi giả định : Nên chọn quốc gia nào nếu buộc phải liên kết với một trong hai nước Mỹ hoặc Trung Quốc ? 50,5 % trong số đó cho biết Trung Quốc là lựa chọn ưu tiên, 49,5 % còn lại chọn Mỹ.

 

Một thăm dò tương tự được thực hiện vào năm 2023, chỉ 38,9 % chọn Trung Quốc và 61,1 % chọn Hoa Kỳ. Báo cáo của viện Yusolf Ishak cũng lưu ý là nhiều người được hỏi trong cuộc thăm dò năm 2024, đến từ lĩnh vực tư nhân, hơn là từ các học viện hay các viện nghiên cứu, có thể họ chú trọng hơn vào sức mạnh kinh tế Trung Quốc.

 

Giáo sư Danny Quah, trưởng khoa Chính sách công Lý Quang Diệu thuộc Đại học Quốc gia Singapore, trả lời Strait Times cho rằng việc Trung Quốc được « thừa nhận là có ảnh hưởng không có nghĩa là các nước ASEAN chấp nhận ảnh hưởng đó, tương tự như đối với Hoa Kỳ ».

 

Theo khảo sát, ảnh hưởng chính trị và kinh tế của Trung Quốc gây lo ngại, vì 45,5 % số người được hỏi bày tỏ lo ngại rằng Bắc Kinh có thể sử dụng sức mạnh quân sự để đe dọa lợi ích và chủ quyền của các nước này. Về phía Hoa Kỳ, dù có khả năng định hình trật tự thế giới nhưng vẫn có nhiều nghi ngờ về tư cách là một cường quốc có trách nhiệm, đặc biệt là những thay đổi chính sách qua các kỳ tổng thống. Nhật Bản và Liên Hiệp Châu Âu thì được xem là đối tác có trách nhiệm vì đề cao và bảo vệ luật pháp quốc tế.

 

 

ASEAN “ngư ông đắc lợi”

 

Về cuộc cạnh tranh ảnh hưởng Mỹ - Trung tại ASEAN, viện nghiên cứu LOWY Institut, của Úc, trong mục Theinterpreter, chỉ ra rằng các nước ASEAN không coi việc chọn Mỹ hay chọn Trung Quốc là việc chọn giữa quốc gia “dân chủ” và nước độc tài, mà đó là vấn đề “bảo đảm sự sống còn”. Bởi vì trong bất kỳ cuộc xung đột nào giữa hai cường quốc nói trên, kẻ thua cuộc chắc chắn sẽ luôn là những quốc gia nhỏ, yếu hơn bị kẹt ở giữa, nhất là với các vùng lãnh thổ có khả năng xảy ra xung đột. Việt Nam có thành ngữ “ngư ông đắc lợi” thì Malaysia cũng có câu : hai con voi đánh nhau, thì con cheo cheo mắc kẹt ở giữa sẽ chết (tương tự trong tiếng Việt : Trâu bò đánh nhau ruồi muỗi chết). Đó là thực tế mà các nước thành viên ASEAN phải đối mặt.

 

Tuy nhiên, theo Le Monde, các nước như Thái Lan, Việt Nam, Malaysia, Indonesia và Philippines, đã khéo léo chèo lái giữa ảnh hưởng của hai cường quốc, một bên là láng giềng bành trướng, còn bên kia là cường quốc số một thế giới ở bên kia bờ Thài Bình Dương, để trở thành đối tác quan trọng của phương Tây, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ.

 

Đại dịch Covid-19 đã khiến nhiều nước áp dụng chiến lược China + 1, tức là làm đa dạng hóa chuỗi cung ứng, giảm dần phụ thuộc vào hàng Trung Quốc, chưa kể những trừng phạt kinh tế của Washington nhắm vào Bắc Kinh, liên quan đến chất bán dẫn. Các nước láng giềng, gần Trung Quốc, trở thành điểm thu hút các nhà đầu tư phương Tây, đặc biệt là Malaysia.

 

Hiện nay, các tập đoàn lớn Airbus, Safran, Thales hay Infineon,.., hoạt động trong các lĩnh vực chất bán dẫn, hàng không, xe hơi, đã hiện diện tại quốc gia hơn 34 triệu dân này. Hồi cuối tháng Năm vừa qua, chính phủ Malaysia thông báo, Google sẽ đầu tư hai tỷ đô la vào Malaysia, để xây dựng trung tâm dữ liệu đầu tiên của tập đoàn Mỹ trong khu vực này và phát triển Trí tuệ nhân tạo.

 

 

Hoa Kỳ muốn vẽ lại bản đồ chuỗi cung ứng chất bán dẫn

 

Những năm gần đây, nhiều thành viên ASEAN đã phát triển ngành công nghiệp điện tử, trở thành nhà thầu phụ cho nhiều tập đoàn Nhật Bản, Hàn Quốc hay Đài Loan. Theo Le Monde, khu vực này cũng có thể hưởng lợi, tương tự như Hồng Kông và Singapore trong thời Chiến Tranh Lạnh 1970-1980, và có thể trở thành những nhà sản xuất điện tử hàng đầu thế giới. Ngoài Malaysia, bốn nền kinh tế lớn khác trong khu vực như Việt Nam, Philippines, Indonesia và Thái Lan, cũng có thể thu lợi từ đạo luật về khoa học và chip điện tử của Hoa Kỳ « Chips and Science Act », được ban hành vào năm 2022 để tái công nghiệp hóa Hoa Kỳ trong lĩnh vực bán dẫn.

 

Đối với các nước ASEAN, sáng kiến của Hoa Kỳ mà cả châu Âu và Nhật Bản đều muốn làm theo, được cho là một tiềm năng lớn cho các hoạt động lắp ráp, thầu phụ hay thử nghiệm.  Marco Förster, tại viện tư vấn kinh tế Dezan Shira & Associates có trụ sở tại Hà Nội, nhận định với Le Monde, là từ khi đạo luật nói trên được đưa ra, « đầu tư vào khu vực này không hề giảm mà còn tiếp tục tăng lên ».

 

Ngoài ra, đạo luật của Hoa Kỳ cũng dự trù đầu tư khoảng 500 triệu đô la trong vòng 5 năm để đa dạng hóa và tăng cường chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu, trong số « các nước đồng minh ». Ba đối tác được chọn là Việt Nam, Philippines và Indonesia, theo chiến lược chuyển dịch hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang « các nước bạn », vẽ lại bản đồ chuỗi cung ứng chất bán dẫn của chính phủ Hoa Kỳ.

 

Theo báo cáo về chất bán dẫn của viện tư vấn Pháp Global Sovereign Advisory vào năm 2023, được Le Monde trích dẫn « châu Á vẫn sẽ là đối tác làm thầu phụ chủ chốt của thị trường bán dẫn toàn cầu, đạo luật Chips Act của Hoa Kỳ, gây bất lợi cho Trung Quốc và Đài Loan, nhưng sẽ mang lại lợi ích cho Việt Nam, Philippines hay thậm chí là Ấn Độ ».

 

 

Cạnh tranh thu hút đầu tư

 

Riêng tại Việt Nam, ngành công nghiệp bán dẫn vẫn còn mới mẻ, chẳng hạn như về back-end, tức phần xử lý nền, giai đoạn sau khi các thành phần của chip bán dẫn đã được tạo ra. Intel đã mở nhà máy lắp ráp và thử nghiệm đầu tiên trong lĩnh vực này vào năm 2010 và có thể sẽ đầu tư thêm 1 tỷ đô la để đào tạo từ nay đến năm 2030, 50 000 kỹ sư chuyên về chất bán dẫn.

 

Nếu như vào năm 2023, tập đoàn Amkor của Hoa Kỳ và tập đoàn Hana Micron của Hàn Quốc đã khánh thành các nhà máy về chất bán dẫn tại Việt Nam, thì ông lớn công nghệ Hoa Kỳ, Intel, đã hoãn lại kế hạch mở rộng sản xuất ở nước này « do thủ tục hành chính quá rườm rà và tình trạng cung cấp điện bất ổn », theo một nguồn tin từ Reuters. Intel có vẻ như muốn phát triển ở Malaysia hơn và có thể sẽ đầu tư 7 tỷ đô la vào khu phức hợp công nghiệp Kulim ở Penang, đặc biệt là tại nhà máy dành cho phát triển kỹ thuật lắp ráp chíp điện tử, để tạo ra những con chíp mạnh hơn.

 

Theo Nikkei Asia, các nước Đông Nam Á tích cực tham gia vào cuộc cạnh tranh thu hút đầu tư. Chẳng hạn như Hà Nội, không chỉ muốn khắc phục tình trạng thiếu điện mà còn muốn xem xét đến việc đưa ra thêm nhiều ưu đãi về thuế cho các nhà đầu tư về công nghệ cao.

 

--------------------------

Các nội dung liên quan

 

MỸ - TRUNG

Mỹ Trung đạt thỏa thuận vể giảm nguy cơ va chạm do hiểu lầm

 

PHÂN TÍCH

Đối thoại Mỹ Trung về vũ khí hạt nhân: Một bước tiến nhỏ nhưng "quan trọng"

 

PHÂN TÍCH

Đóng cửa tòa lãnh sự, bước ngoặt trong quan hệ Mỹ Trung?

 

 




No comments: