Jon
D. Michaels
|
Foreign
Affairs
Nguyễn
Thị Kim Phụng, biên dịch
https://nghiencuuquocte.org/2024/06/19/nha-nuoc-ngam-cua-trump/
Trump
có kế hoạch vũ khí hóa bộ máy hành chính của Mỹ như thế nào?
Tháng
03/2023, Donald Trump bắt đầu chiến dịch tranh cử tổng thống lần thứ ba tại
Waco, Texas. Sự xuất hiện của ông trùng với dịp kỷ niệm 30 năm cuộc đối đầu chết
người giữa những tín đồ được vũ trang của giáo phái Branch Davidian và cơ quan
hành pháp liên bang. Khi Trump bước lên sân khấu, ông đã gọi cuộc đua năm 2024
là “trận chiến cuối cùng.” Ông nói, trong trận chiến này, “hoặc nhà nước ngầm sẽ
tiêu diệt nước Mỹ, hoặc chúng ta sẽ tiêu diệt nhà nước ngầm.” Đồng thời, để làm
rõ vai trò của mình, ông tuyên bố “Tôi là chiến binh của các bạn, tôi là công
lý của các bạn. … Và đối với những ai đã phải chịu oan ức và phản bội… Tôi là
quả báo của các bạn.”
Trong
bài phát biểu lan man này, tại một thành phố vẫn khiến người ta liên tưởng đến
một trong những cuộc xung đột chống chính phủ bạo lực nhất trong lịch sử nước Mỹ
hiện đại, Trump đã nhấn mạnh ý định sử dụng toàn bộ quyền lực của chính phủ khi
ông trở lại Nhà Trắng. Ông sẽ dựa vào những người trung thành với mình trong
các cơ quan liên bang để theo đuổi một chương trình nghị sự hung hăng hơn,
trong đó sẽ bao gồm việc cho phép thực hiện chương trình trục xuất lớn nhất
trong lịch sử Mỹ, loại bỏ “bọn côn đồ và tội phạm” khỏi hệ thống tư pháp (ám chỉ
các công tố viên và nhân viên hành pháp, những người sẽ không tuân theo ý muốn
của Trump), kiểm soát các môn thể thao dành cho phụ nữ để ngăn cản phụ nữ chuyển
giới tham gia, và kiểm duyệt việc giảng dạy trên lớp để cấm một số loại bài học
về chủng tộc ở các trường học Mỹ. Lần tranh cử này của Trump khác xa so với khi
ông đắc cử tổng thống năm 2016. Khi đó, Trump và những người đại diện của ông
đã thề sẽ “cơ cấu lại toàn bộ bộ máy hành chính,” theo đó vô hiệu hóa và làm
suy yếu các cơ quan chính phủ. Nhưng giờ đây, mục tiêu của ông đã khác hẳn.
Trump
không còn tự xem mình là một doanh nhân táo bạo, người thường bị các cơ quan quản
lý chính phủ làm phiền, mà là một nhà lãnh đạo theo kiểu “đấng cứu thế,” với
mong muốn tối đa hóa quyền lực nhà nước để định hình lại xã hội, văn hóa, và luật
pháp Mỹ. Điều đó có nghĩa là quan hệ của ông với bộ máy nhà nước sẽ hoàn toàn
khác. Kế hoạch của Trump – được hỗ trợ bởi một mạng lưới sâu rộng, gồm các luật
sư và nhà hoạt động cánh hữu sắp được bổ nhiệm vào các vị trí cấp cao nếu ông
giành chiến thắng vào tháng 11 – không nhằm xóa sổ các cơ quan lập pháp và hành
pháp liên bang, mà là nhằm thuần hóa, cực đoan hóa, và vũ khí hóa chúng, để buộc
chúng phải tuân theo mệnh lệnh của tổng tư lệnh. Thay vì xóa bỏ một nhà nước ngầm
giả định, Trump đang cố gắng tạo ra một nhà nước ngầm thực sự – với mục tiêu tạo
ra một chính phủ quyền lực và có tính đảng phái hơn bất kỳ chính phủ nào mà đất
nước này từng chứng kiến.
NHÀ
NƯỚC NÔNG CẠN
Trên
thực tế, nhà nước ngầm độc ác của Mỹ mà Trump và những người ủng hộ ông đã lên
tiếng chống lại kể từ năm 2016 không tồn tại. Nhưng điều đó không thể ngăn cản
Trump tự bịa ra một nhà nước ngầm. Các học giả và nhà phân tích từ lâu đã sử dụng
thuật ngữ này để mô tả các bộ ngành đầy quyền lực và các cơ quan công quyền do
nhà nước điều hành, trong đó các quan chức thực hiện một trong hai điều sau: hoặc
là họ thường xuyên xung đột với nhà lãnh đạo được bầu, ngăn cản khả năng cai trị
một cách dân chủ của những lãnh đạo này; hoặc họ bao che cho các nhà lãnh đạo
đó, bảo vệ những người này khỏi sự phán xét về pháp lý hoặc chính trị. Thuật ngữ
này đã mô tả một cách chính xác các động lực quyền lực ở nhiều quốc gia như Ai
Cập, Pakistan, và Thổ Nhĩ Kỳ, nơi quân đội duy trì sự kiểm soát chặt chẽ đối với
các hệ thống chính trị và hành chính, dù dân thường vẫn nắm quyền trên danh
nghĩa. Tuy nhiên, các học giả hiếm khi sử dụng thuật ngữ này để mô tả Mỹ. Và họ
đã đúng.
Phần
lớn nguyên nhân khiến Mỹ không có nhà nước ngầm là do bộ máy hành chính của nước
này nổi tiếng là yếu. Các cơ quan liên bang gần như nằm trong tay các tổng thống
được bầu và các nhà quản lý được bổ nhiệm theo đường lối chính trị của họ. Hậu
quả là không có cơ quan thiết yếu nào thực sự thuộc về nhà nước, và, với ngoại
lệ đáng chú ý là giai đoạn Nội chiến, đất nước này không có văn hóa hoặc lịch sử
khi các quan chức, sĩ quan quân đội, hoặc nhân viên chính phủ tham gia vào các
dự án lật đổ, chiếm đoạt quyền lực, hoặc hoạt động chống dân chủ khác. Các nhà
quan sát nền quản trị Mỹ còn chỉ ra một thực tế khác: bộ máy hành chính của Mỹ
thường xuyên thiếu vốn, thiếu nhân lực, bị Nhà Trắng quản lý vi mô, và bị Quốc
hội và tòa án bó buộc. Thay vì là một nhà nước ngầm nguy hiểm, nhà nước Mỹ có
thể được xem là “nhà nước nổi” nguy hiểm, một tình trạng gần như mãn tính được
tạo ra bởi các thế hệ người Mỹ liên tiếp, cùng nhìn chính phủ bằng con mắt nghi
ngờ sâu sắc. Nguồn lực của nhà nước đã bị dàn mỏng khi phải đáp ứng các yêu cầu
hàng ngày, chứ chưa kể đến những thời điểm cần phải ứng phó với các cuộc khủng
hoảng nghiêm trọng, từ đại dịch COVID-19 đến các cuộc đảo chính hàng loạt trên
khắp Dải Sahel.
Thế
nhưng, nhà nước đó lại bị xem là đối tượng chỉ trích trong cả chiến dịch tranh
cử đầu tiên lẫn nhiệm kỳ tổng thống của Trump. Dù ông đã cam kết “hút cạn đầm lầy”
trong chiến dịch tranh cử năm 2016, và chiến lược gia Steve Bannon của ông đã
thề sẽ “cơ cấu lại toàn bộ bộ máy hành chính” một tháng sau khi nhậm chức,
nhưng Trump vẫn phải mất thêm một thời gian để đi đến tuyên bố vô căn cứ rằng đất
nước mà ông cai trị đang rơi vào tình trạng “nhà nước ngầm” nguy hiểm. Nhưng
ngay cả thế, thì tất cả chỉ là bóng gió và nói suông, và quan trọng không kém,
chúng chỉ là những luận điệu quen thuộc – một bản phối lại thô lỗ hơn, hung
hăng hơn của những chủ đề kinh điển của Đảng Cộng hòa. Giới tinh hoa doanh nhân
kiểu cũ từ lâu đã than thở về các quy định quá gay gắt của chính phủ, chế nhạo
các quan chức cứng đầu, và tìm cách thu hẹp, “bỏ đói,” hoặc bôi nhọ bộ máy hành
chính Mỹ. Và những người theo chủ nghĩa biệt lập truyền thống từ lâu đã phàn
nàn về ảnh hưởng của các nhà ngoại giao, sĩ quan quân đội, và nhà thầu quốc
phòng, những người mà họ cho rằng đã khiến đất nước bị vướng vào các vấn đề quốc
tế, với cái giá phải trả là việc bảo vệ quê hương. Phong trào “Làm cho nước Mỹ
vĩ đại trở lại” (MAGA) của Trump đã đánh vào nỗi hoài niệm về những nguyên tắc
nền tảng của chủ nghĩa bảo thủ hồi giữa thế kỷ 20.
Những
cuộc tấn công này chỉ tạo ra một vài thay đổi có ý nghĩa. Trong nhiệm kỳ đầu
tiên của mình, Trump đã đạt được rất ít thành tựu thông qua việc thu hẹp quy mô
tổng thể của chính phủ, làm chậm tốc độ triển khai các đạo luật, hoặc kỷ luật
những nhân viên liên bang không ủng hộ MAGA. (Tuy nhiên, các thẩm phán cánh hữu
mà ông bổ nhiệm đã tiếp quản sứ mệnh của Trump và tiếp tục đấu tranh với bộ máy
hành chính.) Tệ hơn nữa – đối với Trump – những quan chức chính phủ mà ông và
những người được ông bổ nhiệm đã nói xấu và vu khống là không trung thành,
trong đó có Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia,
và Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, đã thường xuyên vượt
mặt Trump, nhưng vẫn cẩn thận không để ông bị bẽ mặt vì lợi ích của đất nước.
Nhưng
dù sao thì Trump cũng đã thành công trong việc biến nhà nước ngầm thành kẻ thù.
Một số lượng lớn những người ủng hộ ông cho rằng các luận điệu của ông nhằm chống
lại các nhân viên chính phủ và các tổ chức chính phủ có sức thuyết phục vượt trội.
Kết quả là, nhiều người Mỹ hiện nay đã chấp nhận quan điểm cho rằng, đúng như lời
Trump, các quan chức chính phủ không phải là người Mỹ chính thống
(un-American), và còn bất tài và tham nhũng. Kiểu tư duy theo thuyết âm mưu này
đã làm tổn hại đến những cam kết lâu dài của đất nước đối với khoa học, an ninh
quốc gia, dân chủ, và pháp quyền. Bởi nếu không có những ấn tượng viển vông đó,
Trump sẽ gặp khó khăn trong việc ngăn chặn những phát hiện tai hại sau cuộc điều
tra của công tố viên đặc biệt về khả năng có sự thông đồng giữa phe của ông và
Điện Kremlin trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016; làm xáo trộn quy trình điều
tra những người được bổ nhiệm chủ chốt; làm mất uy tín của một nhóm các nhà ngoại
giao và sĩ quan quân đội đáng gờm, những người nắm trong tay những bằng chứng
đã dẫn đến cuộc luận tội đầu tiên của Trump (cáo buộc ông đã tống tiền chính trị
để buộc chính phủ Ukraine phải hợp tác) vào năm 2019; và, vào năm 2020, khơi dậy
làn sóng tức giận nhắm vào các quan chức y tế công cộng, những người đã đưa ra
chính sách COVID-19 bất tiện về mặt chính trị, cũng như chống lại các nhà giáo
dục và các quan chức mà ông cáo buộc đã tham gia vào các chiến dịch “tuyên truyền
thức tỉnh,” và cuối cùng là chống lại các quan chức bầu cử đã chứng nhận chiến
thắng của Joe Biden.
Trump
và những người được ông trao quyền và khuyến khích đã tìm cách sa thải nhiều
nhân viên có năng lực trong lĩnh vực công ở tất cả các cấp chính quyền. Một con
số kỷ lục các công chức cấp cao liên bang nghỉ việc đã được ghi nhận ngay từ
năm 2017, và vào thời điểm Biden nhậm chức năm 2021, một số cơ quan chủ chốt đã
bị hủy hoại theo đúng nghĩa đen. Trong bối cảnh cạn kiệt tài năng và kinh nghiệm,
điều này chỉ khiến nhà nước Mỹ trở nên “nông cạn” hơn, nhiều người trong số những
nhân viên công vụ giờ đây không chỉ lo nghĩ về chiến lược rút lui trong trường
hợp Trump chiến thắng vào tháng 11 này, mà còn chuẩn bị sẵn sàng cho sự trừng
phạt có thể xảy ra của ông.
SẴN
SÀNG HÀNH ĐỘNG
Vị
ứng viên tổng thống đã có sẵn một bản kế hoạch chi tiết “Project 2025: Mandate
for Leadership” (Dự án 2025: Nhiệm vụ lãnh đạo), một bản tuyên ngôn dài 900
trang do Quỹ Heritage xuất bản. Khác với Trump hồi năm 2017, người thực sự làm
việc theo kiểu tùy cơ ứng biến (và đã bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống của mình khi
xung quanh toàn là bè phái thân tín và những đảng viên Cộng hòa dòng chính),
Trump khi bước vào Nhà Trắng năm 2025 sẽ được trang bị tốt hơn nhiều để thúc đẩy
một chương trình nghị sự đặc biệt gay gắt ngay từ ngày đầu tiên. Sau khi xây dựng
lại đảng theo hình ảnh của chính mình (đồng thời trục xuất những đảng viên bị
ông gán nhãn là RINOs – Republicans In Name Only, tức Đảng viên Cộng hòa chỉ
trên danh nghĩa) và hợp tác với các nhà tư tưởng cánh hữu khéo léo và kiên quyết
từ các viện chính sách và tổ chức vận động như Quỹ Heritage, Viện Manhattan, Viện
Claremont, và Liên minh Bảo vệ Tự do, Trump đang chuẩn bị để trả thù, làm đảo
ngược cuộc cách mạng dân quyền hiện đại, và tái lập quyền lực tối cao về chính
trị, văn hóa, và kinh tế của nhóm đàn ông da trắng theo Thiên Chúa Giáo. Trớ
trêu thay, để đạt được mục tiêu của mình và các đồng minh, Trump sẽ phải trở
thành con quái vật mà ông đã không ngừng tấn công: một bộ máy hành chính quyền
lực trung thành với đảng trên toàn quốc.
Trước
tiên, Trump muốn loại bỏ những công chức đã thể hiện sự cam kết tuân thủ nền
hành chính công chuyên nghiệp và tuân thủ pháp quyền. Chính quyền Biden gần đây
đã ban hành một quy định nhằm bảo vệ các nhân viên chính phủ chuyên nghiệp
không bị tái phân loại thành nhân viên tự do, theo đó ngăn cản kế hoạch của
Trump nhằm sa thải hàng chục nghìn, thậm chí hàng trăm nghìn nhân viên liên
bang. Nhưng vẫn còn rất nhiều điều mà chính quyền MAGA có thể làm để phá vỡ, và
dần dần, thanh lọc bộ máy hành chính. Dự án 2025 đã đề ra các phương thức gia
tăng kiểm soát chính trị đối với các nhà quản lý cấp cao, với mức độ chi tiết
khác nhau. Sau đó, những nhà quản lý cấp cao này sẽ sử dụng các thủ tục đánh
giá hiệu suất hiện có để nhanh chóng loại bỏ những nhân viên không đạt yêu cầu.
Suy cho cùng, trong một bộ máy hành chính không bị chi phối bởi lợi nhuận và
thua lỗ, quản lý sẽ có toàn quyền quyết định thế nào là ‘không đạt yêu cầu’ khi
tiến hành đánh giá hiệu suất – và có thể sử dụng khái niệm đó, như họ đã từng
làm trong “hệ thống thân tín” hồi thế kỷ 19 để gợi ý cho các quan chức về những
lợi ích họ có thể thu được từ việc tiếp thu và ủng hộ các ưu tiên chính trị của
Nhà Trắng.
Bất
kỳ chiến dịch nào nhắm mục tiêu vào từng cá nhân nhân viên, dù có thành công đến
đâu, cũng không thể ngay lập tức làm thay đổi văn hóa chính trị của một đơn vị
chính phủ. Do đó, các nhà hoạt động cánh hữu và các đồng minh của Trump muốn
chính quyền sắp tới của ông phải tìm kiếm một thẩm quyền lập pháp cho phép tổng
thống tước bỏ quyền ban hành hoặc thực thi quy định của các cơ quan hoặc văn
phòng bị xem là đặc biệt thù địch với các chính sách MAGA, và chuyển giao những
quyền hạn đó cho các cơ quan chịu khuất phục.
Để
tập trung hơn nữa quyền lực nhà nước vào tay tổng thống, Trump, thông qua Bộ Tư
pháp, có thể đứng về phía các nguyên đơn đang thách thức tính hợp hiến của cái
gọi là các cơ quan độc lập – đặc biệt là Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch, Ủy
ban Thương mại Liên bang, và Ủy ban Truyền thông Liên bang. Xét đến thành phần
hiện tại ở Tối cao Pháp viện, cũng như các phán quyết được đưa ra gần đây, đa số
các thẩm phán có thể đồng ý rằng các cơ quan này là vi hiến – chính xác là bởi
vì họ độc lập với tổng thống – và theo đó yêu cầu từ nay các ủy viên độc lập chỉ
được phép phục vụ theo ý muốn của tổng thống. Những phán quyết kiểu đó có thể
giúp tổng thống nhận được sự củng cố quyền lực lớn nhất kể từ thời Chính sách
Kinh tế Mới. Và để thúc đẩy hơn nữa mục tiêu toàn quyền cho tổng thống, các cố
vấn của Trump muốn ưu tiên thông qua một đạo luật cho phép tổng thống dễ dàng
sa thải các giám đốc FBI hơn.
Một
trong những lý do khiến Đảng Cộng hòa MAGA kiên quyết tối đa hóa quyền lực của
tổng thống là vì họ muốn sử dụng nhà nước để thực hiện một sự chuyển đổi văn
hóa chỉ có thể được mô tả là định hướng chủ nghĩa dân tộc Thiên Chúa Giáo. Để
thúc đẩy chương trình nghị sự này, đội ngũ của Trump mong muốn thành lập một
nhóm những người được bổ nhiệm chính trị ngay lập tức. Mọi đội ngũ chuyển giao
quyền lực tổng thống đều gặp khó khăn trong việc tuyển dụng đủ nhân sự, lãng
phí thời gian quý báu và nguồn vốn chính trị trong giai đoạn “trăng mật” của
nhiệm kỳ tổng thống. Đây chắc chắn là trải nghiệm của Trump trong nhiệm kỳ đầu
tiên, khi ông phải mất nhiều năm mới bổ nhiệm được những quan chức có cùng chí
hướng vào các vị trí chủ chốt trong các cơ quan liên bang và trong Nhà Trắng –
nhưng sau đó, một số quan chức lại ở vị trí thuận lợi để kiềm chế những quyết định
của ông, bao gồm cả việc ra lệnh cho Bộ Tư pháp lật ngược kết quả bầu cử năm
2020.
Lần
này, việc đảm bảo liên kết chặt chẽ về ý thức hệ giữa tổng thống và những người
được ông bổ nhiệm trở nên cấp thiết hơn nhiều. Khác với năm 2017, Trump giờ đây
đang có những mục tiêu có tính khiêu khích và không được ưa chuộng về mặt chính
trị — trên thực tế, tất cả các đề xuất chính sách đặc trưng của ông đều có kết
quả thăm dò cực kỳ kém. Chí ít là kể từ tháng 12/2023, Quỹ Heritage cùng với
khoảng 80 nhóm cánh hữu khác đã tuyển dụng và sàng lọc các ứng viên cho đội ngũ
tổng thống của Trump. Thông qua một trung tâm tuyển dụng tập trung, các ứng
viên tiềm năng cho các chức vụ chính trị có thể thể hiện sự quan tâm và năng lực
của mình bằng cách trả lời một loạt câu hỏi nhằm đánh giá các cam kết về ý thức
hệ, định hướng chính sách và những ảnh hưởng chính trị của họ. Với tư cách là
Chủ tịch Heritage, Kevin Roberts, nói với The New York Times, rằng
tổ chức của ông “cam kết tuyển dụng và đào tạo một đội ngũ những người Mỹ yêu
nước, những người sẵn sàng phục vụ đất nước của họ ngay từ ngày đầu.”
Phong
trào MAGA cần một bộ máy hành chính mạnh mẽ, trung thành quyết liệt, để tiến
hành một chương trình nghị sự sâu rộng, không được ưa chuộng, hung hăng, và
trong nhiều trường hợp, còn bị nghi ngờ về mặt pháp lý. Quả thật, không có gì
ngoại trừ một nhà nước ngầm, được miễn trừ khỏi luật pháp và chính trị bên
ngoài, sẽ sẵn sàng và có khả năng thực hiện nhiệm vụ đó. Một nhà nước như vậy sẽ
có thể, như Trump kêu gọi, trục xuất hàng loạt, truy tố các đối thủ chính trị của
tổng thống, xây dựng và giám sát bức tường dọc biên giới phía nam, huy động
quân đội để chống tội phạm ở các thành phố của Mỹ, và hạn chế việc tiếp cận
không chỉ các loại thuốc phá thai mà cả các loại thuốc tránh thai hợp pháp và
an toàn. Ngoài ra, các nhân viên hành chính của Trump phải sẵn sàng và có khả
năng soi xét kỹ lưỡng việc lưu giữ hồ sơ y tế về các vụ phá thai, điều mà một số
cố vấn của Trump tin rằng nên được chia sẻ giữa các bang do Đảng Cộng hòa điều
hành để trấn áp nạn “du lịch phá thai.”
NHÀ
NƯỚC NGẦM TRONG MƠ
Việc
củng cố lòng trung thành chính trị theo phe phái cần có thời gian, đặc biệt là
vì sự củng cố phe phái này đã không được mã hóa trong DNA của bộ máy hành chính
Mỹ. Ngược lại, hết lần này đến lần khác, các công chức Mỹ đã chứng tỏ mình là
những người quản lý trung thành, tháo vát của nhân dân và các đạo luật được
thông qua nhân danh họ. Đó cũng là phần lớn nguyên nhân tại sao Trump và các đồng
minh của ông nhất quyết tái phân loại tất cả công chức thành nhân viên tự do –
và tại sao động thái phủ đầu của chính quyền Biden nhằm cản trở bất kỳ hành động
tái phân loại nào lại được hoan nghênh rộng rãi bởi những người lo ngại về triển
vọng nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của Trump.
Nếu
Quốc hội không thể thông qua một luật mới để thay thế quy định hành chính của
chính quyền Biden, thì Trump và các đồng minh của ông có lẽ sẽ không thể xây dựng
được một nhà nước ngầm như trong giấc mơ của họ – chí ít là trong vòng bốn năm
tới. Đảng Cộng hòa MAGA cần thêm thời gian. Đó là lý do tại sao Trump và các đồng
minh của ông đang nỗ lực làm giảm khả năng Đảng Dân chủ giành chiến thắng trong
tương lai. Thay vì cố gắng giữ chức tổng thống thông qua các nỗ lực thuyết phục
chính trị một cách thiện chí, Dự án 2025 đang kêu gọi chấm dứt “sự tham gia của
Bộ Tư lệnh Không gian Mạng Mỹ vào các nỗ lực của liên bang nhằm ‘củng cố’ các
cuộc bầu cử ở Mỹ.” Tuyên ngôn của Quỹ Heritage cũng đề xuất giảm bớt khối lượng
công việc của Bộ An ninh Nội địa trong việc xác định thông tin sai lệch trên mạng
xã hội. Các chiến dịch thông tin sai lệch không được kiểm soát thường có xu hướng
ủng hộ các chính sách và ứng viên thuộc phe MAGA.
Nơi
ngầm nhất của nhà nước ngầm, theo cách hiểu truyền thống, không chỉ bao gồm lực
lượng lao động liên bang. Những người ủng hộ trung thành trong các cơ quan
chính quyền địa phương và các tổ chức tư nhân cũng giúp củng cố quyền kiểm soát
của một phe đối với nền chính trị quốc gia. Ngay sau cuộc nổi dậy ngày 06/01,
các tổ chức cánh hữu, nhận thức rõ về bản chất phi tập trung của quản lý bầu cử
ở Mỹ, đã bắt đầu tuyển dụng và đào tạo những người trung thành với đảng phái để
ứng tuyển vào các vị trí nhân viên và tình nguyện viên trong các ban bầu cử quận.
Các nhà tài trợ cánh hữu đã đầu tư hàng triệu đô la nhằm hỗ trợ những nỗ lực
này, vốn diễn ra vào thời điểm mà số lượng vị trí tuyển dụng đã đạt đến mức báo
động. Xét đến số lượng lớn các chiến dịch bạo lực và quấy rối chính trị gần như
chỉ xuất hiện ở cánh hữu, nhắm vào các nhân viên bầu cử vào năm 2020 và một lần
nữa vào năm 2022, việc từ chức của các đảng viên Đảng Dân chủ cũng như các đảng
viên Đảng Cộng hòa dòng chính đã trở nên phổ biến – và rất khó để kêu gọi những
công dân có cùng chí hướng đứng lên thay thế họ.
Một
diễn biến tương tự đang diễn ra khi các hội đồng nhà trường được lấp đầy bởi những
ứng viên theo chủ nghĩa dân tộc Thiên Chúa Giáo, những người không mấy hứng thú
với các chương trình học tập và hoạt động ngoại khóa đề cao tính hòa nhập. Việc
có thêm các đảng viên ở cấp địa phương không chỉ làm tăng sự tuân thủ các chỉ
thị của cánh hữu ở cấp liên bang, thuộc loại chỉ thị do Dự án 2025 quy định, mà
còn giúp nuôi dưỡng một đội ngũ gồm các nhà lãnh đạo liên bang và tiểu bang
trong tương lai.
VƯỢT
QUA THỬ THÁCH
Sức
hấp dẫn từ luận điệu của Trump đã vực dậy một Đảng Cộng hòa đang bị đè nặng bởi
các chính sách không được lòng dân, các vụ bê bối, các cáo buộc hình sự, và khả
năng kém cỏi. Trong bối cảnh này, Trump sẽ không hề khoe khoang khi tuyên bố rằng
“Sau tôi, chẳng còn gì cả.” Và đó chính xác là lý do tại sao việc thể chế hóa một
nhà nước ngầm lại là một dự án chính trị quan trọng và đáng báo động. Chỉ có một
bộ máy thể chế phản dân chủ mới có thể duy trì ảnh hưởng và quyền lực của phong
trào chính trị ngày càng kém hấp dẫn này, với sự chú ý đang giảm dần từ một bộ
phận công chúng Mỹ.
Vẫn
còn thời gian – nhưng không nhiều – để ngăn Trump trước khi ông đưa đất nước đi
sâu hơn vào con đường độc tài. Người dân Mỹ vẫn có cơ hội đánh bại ông và
chương trình nghị sự của ông vào tháng 11 này. Nhưng giả sử rằng nhân vật phạm
trọng tội bị kết án hai lần này cuối cùng vẫn giành chiến thắng, thì sẽ cực kỳ
khó để ngăn ông tạo ra một nhà nước ngầm, chưa kể đến những chính sách bắt nguồn
từ đó. Với đa số thân thiện với MAGA tại Tòa án Tối cao, và rất nhiều đồng minh
tại các tòa án liên bang cấp dưới, cũng như tại Quốc hội, các cơ quan lập pháp
tiểu bang và văn phòng của các thống đốc, cùng một lượng lớn những người ủng hộ
chính trị trung thành và được trang bị vũ khí, Trump sẽ có rất nhiều không gian
và nhiều người ủng hộ. Việc hạn chế thiệt hại mà nhóm người này có thể gây ra sẽ
đòi hỏi sự đề cao cảnh giác, khả năng phản xạ, và tầm nhìn ngoại vi phi thường.
Nó sẽ đòi hỏi sự phối hợp giữa những người theo chủ nghĩa trung dung, những người
theo chủ nghĩa tự do, và cả những người cánh tả. Và nó sẽ cần sự quyết tâm cao
độ, đặc biệt là từ các tiểu bang của phe Dân chủ, những tiểu bang đang phải huy
động sức mạnh chính trị và kinh tế của mình để chống lại và bảo vệ công dân của
họ khỏi sự thay đổi của chính phủ liên bang. Phép thử chân thực nhất về chủ
nghĩa ngoại lệ của Mỹ sẽ là liệu nền dân chủ của đất nước này có thể tồn tại
trước những khó khăn đó hay không.
---------------------------------------
Jon
D. Michaels là Giáo sư Luật tại Trường Luật của Đại học California, Los Angeles
và là đồng tác giả của cuốn sách sắp xuất bản “Vigilante Nation: How
State-Sponsored Terror Threatens Our Democracy.”
Nguồn: Jon D. Michaels, “A Deep
State of His Own,” Foreign Affairs, 10/06/2024
No comments:
Post a Comment