‘Để
viết được thơ thì phải sống suy đồi’
Câu này không phải tôi nói, đó là lời của
Pablo Neruda, nhà thơ Chile, giải Nobel Văn chương năm 1971. Nhưng khoan, cũng
chớ vội lầm mà cho rằng đó là tuyên ngôn của một nhà thơ trứ danh để rồi mà bắt
chước. Ông chỉ đang dẫn lại quan niệm của nhiều người, để phê phán, chứ không
phải đồng tình.
Văn chương thế giới một thời đã lấy sự suy đồi
và bất hạnh làm chất liệu, những Hölderlin, Rimbaud, Gérard de Nerval là các ví
dụ. Ở Việt Nam vào đầu thế kỷ 20 có hẳn những nhà thơ, nhà văn lấy “đời sống trụy
lạc” của cá nhân làm đề tài. Rượu, tình dục, thuốc phiện là nguyên liệu.
Tuy nhiên, những điều này có nguyên cớ của nó.
Trong sâu xa của lối sống ấy là một sự bất lực, vỡ mộng, đau khổ. Trước một thế
giới phi nhân, ác độc, nhà văn trong cơn nguy khốn cùng cực với nỗi tuyệt vọng
của nó, đã thổi vào những bất hạnh cá nhân một sự vùng vẫy, tuyệt vọng; nâng nó
lên thành một phạm trù thẩm mỹ, biến cái nhớp nhúa, suy đồi, tán mạng thành cái
đẹp.
Xưa hơn chút nữa, thời những Nguyễn Công Trứ,
các nhà Nho tài tử cũng “chơi cho phỉ chí” cầm kỳ thi tửu, cũng gái gú như ai:
“Kìa những người mái tuyết đã phau phau/ Run rẩy kẻ tơ đào còn mảnh mảnh/
Trong trướng gấm ngọn đèn hoa nhấp nhánh/ Nhất tọa lê hoa áp hải đường”.
Cái thú này xuất phát từ một quan niệm rất hiện đại, coi cuộc đời là một cuộc
chơi. Nhưng, “Chơi cho lịch mới là chơi/ Chơi cho đài các, cho người biết
tay!”, chứ không “chơi bẩn”.
Trở lại với “đời sống suy đồi”. Chủ nghĩa hiện
sinh ra đời đã làm bệ đỡ tư tưởng cho một lối sống “bạt mạng” vào thập niên 60
của thế kỷ 20, gọi là Hippie. Bắt đầu từ Mỹ, Hippie lan rộng ra khắp thế giới, ở
đó giới trẻ bất mãn với xã hội tiêu dùng, với văn hóa công nghiệp, phản đối đàn
áp tư tưởng, phản đối chiến tranh…; họ chủ trương quay về với thiên nhiên, với
tự do, tình yêu, hòa bình, lòng bác ái. Họ đề xướng tinh thần ấy bằng một lối sống
kỳ dị với áo quần dơ bẩn, đầu tóc bết bát, miệng ngậm cần sa và lắm lúc lõa lồ
giữa thiên nhiên.
Về mặt xã hội, Hippie là một cuộc “nổi dậy” vô
tiền khoáng hậu, (và chính nó đã góp phần to lớn vào việc chặn đứng cuộc chiến
tranh tại Việt Nam). Nó không phải chỉ là một đời sống suy đồi như vừa nhìn
thoáng qua ở bề ngoài.
Với “văn học suy đồi”, tự sâu trong cái đời sống
như nhầy nhụa ấy, người ta nghe thấy nỗi đau, sự cào cấu, lòng sầu muộn và nỗi
bi ai, người ta thấy những bi kịch thống thiết không có lối ra của kiếp người.
Vì thế, độc giả, cũng là những số phận “tắc lối thoát”, đã tìm thấy sự đồng cảm
và niềm an ủi nơi những “thú đau thương” của nhà nghệ sĩ.
Chúng ta thấy trong thơ của Macha những màn dục
tình dữ dội giữa cơn buồn bã, thấy trong tiểu thuyết phi lý của Sartre và Camus
những đời sống rũ rượi vô hồn với sự nhàm chán lặp đi lặp lại của những khói
thuốc và đàn bà trên những chiếc giường nhàu nát gối chăn. Phía sau cái đời sống
suy đồi ấy là cả một nỗi chán chường và một khối thuốc nổ luôn chực ném vào xã
hội. Và rồi Meursault của Camus đã giết người mà lý do thì chính anh ta cũng
không tìm thấy.
Văn chương suy đồi đã làm ra nhiều tác phẩm và
tác giả vĩ đại, đóng đinh vào lịch sử như những tượng đài bất hoại. Vì ở đó, sự
khám phá về con người và đời sống được chống đỡ bằng khát vọng và nỗi đau cùng
tận, vút lên thành những tiếng kêu thét man rợ hay những phút lịm mình trong
thú đau thương.
Vì điều này mà người ta nói nhà văn là trái
tim của xã hội, là vết thương tập thể, là hòn đảo cô quạnh. Nhà văn tố cáo xã hội
bằng tội lỗi của chính mình. Họ lôi mình ra trước ánh sáng như một lời tự thú
dũng mãnh và nghiệt ngã, họ hiến mình cho sự thật không một phút do dự. Trong
khi viết thứ văn chương suy đồi ấy, họ tự đặt mình lên giá treo cổ với một sự
trung thực vô ngần. Đó là một hành động tự hủy không cầu xin sự ban ơn và lòng
tha thứ.
Văn chương suy đồi, vì thế, là một cách tự sát
dữ dội chứ không phải son phấn để trang hoàng cho cái tôi tội nghiệp thảm hại.
Khi đọc những loại văn học này, ngoài sự tự tố cáo và những hoan lạc của thân
xác, chúng ta còn thấy ở đó sự bí bách và bi phẫn cùng cực, chúng ta thấy cả một
lớp người không những bị xã hội hành hạ mà còn bị chính họ đày đọa. Không hề có
cái khoái cảm xác thịt nào trong những cuộc làm tình ở Rừng Na-uy, mà chỉ thấy
những trốn chạy cô đơn trong tuyệt vọng. Đó là nghệ thuật.
Có bao nhiêu kẻ làm văn bây giờ có được nỗi
đau tan nát và sự dũng cảm vô song ấy khi viết về những cuộc hoan lạc của bản
thân nơi những Cửu Trùng Đài do bạo chúa xây dựng bằng máu sông xương núi của
dân đen?
Pablo Neruda viết về “văn chương suy đồi”: “Lạ
là những quan niệm này của giai cấp tư sản già nua dằn dỗi vẫn còn đúng trong
tâm trí một số người”. Lịch sử đã đi qua, nhưng cái trí nhớ của các nhà văn
thì dai dẳng, họ vẫn muốn được sống trong những suy đồi, dù tịnh không tìm thấy
một tiếng rên xiết nào nữa. Và thế là chúng ta có một thứ văn chương giả vờ. Giả
vờ đau khổ, giả vờ tuyệt vọng, giả vờ phá phách, giả vờ đắc đạo…, chỉ để được sống
suy đồi.
Hình ảnh các nhà văn tóc tai rũ rượi, nói năng
chợ búa, gái gú như rươi, nhậu nhẹt be bét… dần trở thành những mẫu mực. Họ
không những muốn thiên hạ thấy rằng mình độc đáo, mà hơn thế còn như muốn hét
lên rằng “Ta đang đau khổ đây, ta đang tuyệt vọng đây. Ta sẽ đập hết, phá hết
những thứ luân lý đạo đức khốn kiếp của các người”.
Nếu như phương Tây có chủ nghĩa tự do, có
phong trào Lãng mạn, có tư tưởng Hiện sinh… để dốc tới một đời sống như trá
phá, thì Đông phương vớ được một món bùa hộ mệnh béo bở: vô vi. Người ta bắt
chước Trang Tử để nói chuyện tiêu dao, bắt chước Thích Ca để nói chuyện phá chấp
và thoát tục. “Thõng tay vào chợ”. “Bậc đại trí vô nhiễm”. Người ta đinh ninh
như thế và nghĩ rằng mình đã lên thần lên thánh. Khi đang mò trong đũng quần một
cô sinh viên nhà lành bị quan lớn bắt về để chiêu đãi cho các nhà nghệ sĩ vĩ đại
như những nô lệ tình dục hiện đại, và họ nghĩ rằng “trong bùn có sen”.
Thời của thánh thần. Cái thời mà ”phi trung
tâm”, “buông bỏ”, “tỉnh thức”, “vô ngã”, “cao nhân” trở nên những từ ngữ thời
thượng, chống lưng cho một đời sống luôn thèm muốn với dải nước miếng chẳng bao
giờ khô được trên khóe miệng.
Tôi nghĩ, nhà thơ không cần phải giả vờ đau khổ
để được sống suy đồi, vì xét cho cùng nó cũng chỉ là một kiểu rạch mặt ăn vạ mà
thôi. “Nhà thơ chúng ta có quyền được hạnh phúc, miễn là chúng ta gần gũi với
người dân của đất nước mình và ở chỗ ác liệt nhất trong cuộc đấu tranh cho hạnh
phúc của họ” (Neruda).
Trở lại với thơ (văn), lại nhắc Neruda: “Lúc
tôi mới bắt đầu viết, có hai loại nhà thơ. Một số là quý ông thuộc tầng lớp
trên được tôn trọng nhờ tiền bạc, giúp họ đạt được vị thế chính đáng hoặc phi
chính đáng. Những nhà thơ còn lại là những chiến binh lang bạt của thơ ca, những
anh hùng bàn nhậu, đám điên nhiệt tình, những kẻ mộng du khốn khổ. Và đừng bỏ
qua những nhà văn bị dính chặt, giống như nô lệ khổ sai trói chặt vào tay chèo,
vào chiếc ghế nhỏ trong công sở. Ước mơ của họ cơ hồ luôn bị chết ngạt bởi hàng
núi giấy tờ được đóng dấu đỏ, bởi nỗi sợ hãi khủng khiếp cấp trên, và sợ bị cười
chê”.
Nhà thơ Việt Nam thuộc vào loại nào?
“Tôi bắt đầu cuộc sống trần trụi hơn Adam
nhưng với tâm trí cương quyết duy trì sự liêm chính của thơ ca. Quan điểm không
gì lung lay được này không chỉ hợp với tôi mà còn ngăn lũ ngốc cười nhạo. Và
sau đó, nếu những kẻ ngốc này có trái tim và lương tâm thì họ chấp nhận, như những
người tốt, những thứ cốt lõi được thơ ca tôi khuấy động lên, còn nếu chúng là kẻ
ác tâm, chúng dần dần trở nên sợ tôi”.
(Trích Pablo Neruda, “Thơ ca là một nghề”, dẫn
từ ZZZ)
Vâng, “Sự liêm chính của thơ ca”, biết tìm đâu
nữa?
.
No comments:
Post a Comment