Tuesday, August 29, 2023

KHÔNG CÒN NẠN ĐÓI, NHƯNG ĐÓI VÀI THÁNG MỖI NĂM (Thành Lê, RFA)

 



 

Không còn nạn đói, nhưng đói vài tháng mỗi năm

Bình luận của Thành Lê
2023.08.29

https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/no-hunger-but-people-are-hungry-a-few-months-a-year-08292023111850.html

 

Hôm cuối tháng bảy, cô hoa hậu Thế giới Việt Nam 2023 Huỳnh Trần Ý Nhi trả lời phỏng vấn trong một sự kiện gây quỹ từ thiện, đại ý muốn tham gia sự kiện này để giúp “xóa nạn đói, nạn dốt ở vùng xa, vùng sâu”.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/no-hunger-but-people-are-hungry-a-few-months-a-year-08292023111850.html/@@images/2ccfacee-3d92-4397-9753-fb8a45507322.jpeg

Trẻ người H'mong ăn cơm trưa miễn phí ở nhà trẻ tại Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang năm 2015 (minh họa)  -   AFP

 

Ui chu choa trời đất cha mẹ ơi, hoa hậu 21 tuổi vừa dứt lời liền bị dân mạng ném đá tối tăm mặt mũi.

 

-Đói đâu mà đói hử? Dốt đâu mà dốt? Việt Nam còn nạn đói nạn dốt ở đâu mà mỗi cháu hoa hậu này biết vậy? Trình độ môn văn của em này kém quá, thay vì xóa đói giảm nghèo và xóa mù chữ thì hay hơn biết mấy!

 

Đại để những bình luận có nội dung hòa bình nhất của dân mạng là như thế!

 

.

Dạ vâng thì xóa đói

 

Dân mạng nói không sai chữ nào, thật!

 

Vâng, đúng là xóa đói, chứ không phải xóa nạn đói.

 

Nhưng việc xóa đói này lại diễn ra đều đều mỗi năm ít nhất khoảng ba tháng, với đều đều khoảng trên dưới 10 tỉnh thành trong cả nước, suốt hàng chục năm nay.

 

Vài ví dụ nhỏ trên báo chí, lấy ngẫu nhiên: 

 

-Tháng 1/2023, xuất cấp hơn 1.300 tấn gạo hỗ trợ cho nhân dân thiếu đói trong dịp Tết Nguyên đán Quý mão 2023 ở tỉnh Nghệ An (Báo Nghệ An).

 

-14/3/2023: Phát gạo cứu đói giáp hạt năm 2023 trên địa bàn xã Cao Lâu thuộc huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn. Xã có 69 hộ, 281 nhân khẩu thuộc hộ  nghèo đặc biệt khó khăn, hộ khó khăn trong đợt giáp hạt năm 2023 được cấp 15 kg gạo/người (Báo Lạng Sơn).

 

-Cũng đầu năm 2023, tỉnh Kon Tum được Trung ương cấp hơn 181 tấn gạo hỗ trợ nhân dân có nguy cơ thiếu đói dịp Tết nguyên đán Quý Mão và giáp hạt đầu năm 2023. Tổng cộng có trên 3.400 hộ/12.000 nhân khẩu có nguy cơ thiếu đói dịp Tết nguyên Đán và giáp hạt đầu năm 2023 (Báo Kon Tum).

 

-Tháng 7/2023, huyện Mèo Vạc (tỉnh Hà Giang) đã vận động, kêu gọi được trên 35,8 tấn gạo hỗ trợ 4.000 hộ gia đình người dân mùa giáp hạt (Đài Phát thanh và truyền hình tỉnh Hà Giang).

 

-Trong ba tháng đầu năm 2014, trên địa bàn huyện Quản Bạ tỉnh Hà Giang có 400 hộ với 1.500 người nhận gạo cứu đói giáp hạt của Chính phủ. Toàn huyện có 13 xã, thị trấn, trong đó có năm xã vùng sâu vùng xa có nhiều hộ cần cứu đói nhất như: Quyết Tiến, Thái An, Cán Tỷ, Tả Ván, Thanh Vân…

 

-Tháng 4/2021, tỉnh Cao Bằng được cấp gần 900 tấn gạo, tỉnh Sơn La gần 60 tấn cứu đói giáp hạt đầu năm 2021. Thực tế, năm nào cũng vậy, sau Tết Nguyên đán khi lúa trên những thửa ruộng mới gieo cấy, thóc đã cạn bồ cũng là lúc nhiều gia đình nghèo ở tỉnh Cao Bằng, Sơn La nói riêng, một số tỉnh miền núi nói chung lại phải đối mặt với nỗi lo mùa giáp hạt. Vì thế, trước mùa giáp hạt đầu năm, Chính phủ đều xuất cấp gạo dự trữ để hỗ trợ giúp bà con vơi bớt gánh nặng lo toan (Báo Tuổi trẻ thủ đô).

 

-Tháng 8/2022: Mùa giáp hạt không chỉ là nỗi lo đối với những hộ dân vùng sâu, vùng xa, vùng bị thiên tai… mà ở miền xuôi, đồng bằng nỗi lo thiếu đói vẫn hiển hiện ở không ít hộ dân.

 

Từ đầu năm đến ngày 5/5/2022, Tổng cục Dự trữ nhà nước đã triển khai xuất cấp gạo hỗ trợ hộ nghèo, khó khăn trong những tháng giáp hạt theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ hơn 7.600 tấn gạo cho 13 tỉnh để hỗ trợ trên 500.000 nhân khẩu trong thời gian một tháng, gồm Cao Bằng, Gia Lai, Quảng Bình, Lạng Sơn, Lai Châu, Kon Tum Đắk Nông, Quảng Ngãi, Sơn La, Điện Biên, Hà Giang, Tuyên Quang, Quảng Trị. Chính sách hỗ trợ gạo cho người dân vào dịp giáp hạt được Chính phủ thực hiện từ nhiều năm (Thời báo Tài chính Việt Nam).

 

-Năm 2022: Tổng cục Dự trữ Nhà nước cho biết năm 2022 đã xuất cấp tổng cộng 14.000 tấn gạo hỗ trợ cứu đói dịp Tết Nguyên đán năm 2022 cho 16 tỉnh. Số gạo hỗ trợ cứu đói giáp hạt đầu năm 2022 là 10.370 tấn cho 17 tỉnh (báo Nhân dân).

 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/no-hunger-but-people-are-hungry-a-few-months-a-year-08292023111850.html/000_hkg10169181.jpg/@@images/2e82d6ce-c5ba-47f0-ad8d-40d7ba2206b6.jpeg

Người đàn ông dân tộc H'mong dắt con bò từ nhà ở Mèo Vạc, Hà Giang. AFP

 

Cứu đói thời điểm Tết nguyên đán và giáp hạt là hoạt động thường xuyên của Chính phủ, do Cục dự trữ Nhà nước thực hiện theo đơn xin của UBND các tỉnh được Chính phủ duyệt.

 

Tôi còn nhớ trong một cuộc họp báo cuối năm cách đây khoảng mười năm, đại diện của Chính phủ tỏ ra rất bực bội vì có quá nhiều tỉnh xin gạo cứu đói dịp Tết, trong đó có những tỉnh khấm khá. Sau cuộc họp và truyền thông, một số tỉnh xin rút.

 

Vì sao có những tỉnh luôn luôn hàng năm phải cứu đói?

 

Dễ thấy hầu hết đó là những tỉnh miền núi phía Bắc, nơi điều kiện canh tác nông nghiệp rất khó khăn.

 

Trước kia, đặc sản thường xuyên được lên báo chí và bưu ảnh hấp dẫn du khách đến các vùng núi này là các ruộng bậc thang. Phải công nhận nó đẹp tuyệt vời khi ngắm từ xa và vào mùa lúa chín. Lúa như những đường viền vàng óng uốn lượn những vòng cung đồng tâm từ chân núi lên đến ngọn, mê ly như tranh vẽ. Nhưng sống trên đó mới biết: từng bậc thang ruộng nhỏ xíu chỉ trồng được rất ít lúa, mà tưới tiêu, bón phân cho ruộng rất vất vả. Có những nơi chẳng có giọt nước nào ở ruộng mà toàn đá là đá. Và cái rét cắt da thịt, sương muối hại cây trồng khiến mùa đông thì gia súc lăn ra chết, cây cỏ úa vàng.

 

Có lẽ do cả điều kiện sống lẫn văn hóa, tập quán, các dân tộc ít người sinh sống trên vùng núi cao hiếm người có thói quen làm lụng, tính toán và dành dụm.

 

Thêm vào đó, chính sách bảo trợ cho dân tộc ít người từ năm bảy chục năm nay của Việt Nam khiến không ít đồng bào dân tộc ít người quen với việc hễ đói thì sẽ được Nhà nước phát gạo, không có nhà cửa thì Nhà nước làm nhà cho ở. Nhà nước cho gia súc, đồng bào nuôi, đẻ được con thì đồng bào hưởng. Nhưng lại cũng không ít đồng bào nhận con trâu, con bò về thì chỉ biết buộc dây cho quanh quẩn một xó, không biết dắt đi ăn cũng không biết cắt cỏ về cho ăn. Ban ngày bụng đói, ban đêm nằm không, không chuồng trại, không che chắn gió lạnh, không hun muỗi, nhiều con gia súc chỉ bị muỗi rừng chích đốt mà lăn ra chết. 

 

Chết cũng không sao. Nhà nước lại cấp, hoặc có các mạnh thường quân.

 

Nghèo đói trên miền núi cứ vì vậy mà nghèo đói triền miên.

 

Nhà nước và các tổ chức xã hội dân sự, tổ chức phi chính phủ đã cố gắng thay đổi tập quán này bằng nhiều cách: hướng dẫn cho dân chăn nuôi, trồng trọt đúng cách, định canh định cư. Nhưng kết quả đạt được chưa phải đã khả quan.

 

Kết quả rà soát hộ nghèo và cận nghèo của Việt Nam năm 2022: cả nước còn hơn 1,9 triệu hộ nghèo và cận nghèo đa chiều, chiếm 7,52%.

 

Hộ nghèo là hộ có các yếu tố sau đây:

 

-Thu nhập hai triệu đồng (chưa đến 100 USD) một người/tháng tại khu vực thành thị; thu nhập 1,5 triệu đồng/người/tháng tại khu vực nông thôn.

 

-Thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản gồm việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, thông tin.

 

Thiếu từ ba chỉ số trở lên thì thuộc hộ nghèo. Thiếu dưới ba chỉ số thì thuộc hộ cận nghèo.

Theo tiêu chí này, ngay tại các đô thị lớn cũng có không ít hộ nghèo và cận nghèo.

 

Tuy nhiên, đồng bào dân tộc thiểu số tại các tỉnh vùng núi phía Bắc và Tây Nguyên, nhất là Tây Bắc thì còn được xếp vào loại “nghèo sâu, nghèo kinh niên, luôn đứng trước nguy cơ tái nghèo”.

 

Nghèo đến nỗi đều đều mỗi năm vài tháng phải đi xin gạo cứu đói của Chính phủ và các Mạnh Thường Quân, kéo dài vài chục năm nay thì gọi là gì?

 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/no-hunger-but-people-are-hungry-a-few-months-a-year-08292023111850.html/000_par6298367.jpg/@@images/2cdda5dc-5df7-4768-a28e-ff9babee5c3b.jpeg

Trẻ em người H;mong ở làng Huoi Khon, Mường Nhé, tỉnh Điện Biên năm 2011 (minh họa). AFP

 

 

Không có nạn dốt, chỉ có người mù chữ

 

Năm 2020, tôi đến xem một lớp học tình thương miễn phí do gia đình một bác lớn tuổi mở ra ở Sài Gòn. Bác lập lớp này đã mười mấy năm. Ban đầu, tôi tưởng lớp chỉ dạy chữ, xóa mù chữ cho tụi nhỏ con nhà nghèo không có tiền đi học.

 

Ngờ đâu, trước mặt tôi là một phòng khoảng 15 người lớn, cả trai lẫn gái, khoảng 18 đến trên 30 tuổi. Tất cả họ đều mù chữ cho đến tận chừng đó tuổi, bây giờ mới bắt đầu học những con chữ đầu tiên, lần đầu tiên trong đời tập cầm chiếc bút.

 

Hoàn cảnh họ khá giống nhau: còn nhỏ thì nhà nghèo (hoặc ham chơi, cha mẹ không khuyến khích đi học), lớn lên chút bận lăn vào đời kiếm sống, nên cứ vậy mù chữ cho tới giờ.

 

Những bàn tay chai sần dầu dãi run run cầm chiếc bút gò từng nét cong, nét sổ. Chiếc lưng gồng lên như đang đánh vật.

 

Đó là một cảnh tôi sẽ không bao giờ quên. Vì nó chứa đựng những sự bất lực và bất hạnh sâu xa của con người.

 

Ở trường học phổ thông tại một vùng núi phía Bắc, tôi ngồi nghe các em bé người Thái và Mông đang học lớp 5 đọc ran ran một bài luận dài bằng tiếng Việt trong sách giáo khoa. Tuy là sách giáo khoa dành riêng cho các dân tộc thiểu số, nhưng bài luận lại viết về một buổi đi chơi phố của em bé thành thị, với nhiều từ ngữ tôi nghĩ là khá khó với trình độ tiếng Việt của các bé trong lớp.

 

Chờ xong buổi học, lựa lúc giáo viên ra khỏi lớp, tôi cầm sách nhờ các bé tự đọc lại. Lần đọc này khác hẳn với khi chúng lặp lại theo giáo viên. Chúng đọc lõm bõm, rất nhiều từ và dấu bị đọc sai. Nhưng sai ở đâu, chúng cũng không biết.

 

Khả năng hiểu nội dung của chúng càng thấp hơn so với khả năng đọc. Khá nhiều từ ghép, tuy phổ thông nhưng chúng không hiểu, dù vẫn đọc thông.

 

Nhưng đến cuối năm, tất cả bọn trẻ con đều lên lớp.

 

Thậm chí trong tiếng Việt hiện đại có một thuật ngữ dành cho hiện tượng này: “Ngồi nhầm lớp”.

 

Và từ đó bắt đầu một vòng tròn không lối thoát: càng lên lớp cao, bài học tiếng Việt càng khó, sức tiếp thu của bọn trẻ càng kém. Càng học càng không hiểu, chúng bắt đầu sinh chán nản và muốn bỏ học.

 

Thời gian học trong lớp không đủ để các thầy cô giáo giảng giải cho các trẻ dân tộc thiểu số hiểu sâu và ghi nhớ về nghĩa của các từ tiếng Việt.

 

Trẻ người Kinh có thời gian sử dụng tiếng Việt với gia đình, hàng xóm, bạn bè và qua tivi, báo đài, internet… Nhưng trẻ dân tộc thiểu số miền núi hoàn toàn không có điều kiện này.

 

Cha mẹ và người thân của chúng nhiều người không nói được tiếng Việt, thậm chí có những người cả đời chưa từng ra khỏi núi nên chúng càng không có môi trường thực hành tiếng Việt. Bọn trẻ chỉ có vài tiếng/buổi học để trao đổi bằng tiếng Việt với thầy cô, thời gian đó không thể giúp chúng thành thạo tiếng Việt ở mức độ chuẩn của từng cấp lớp.

 

Khi bọn trẻ không tiếp tục đi học (do điều kiện tài chính hoặc khả năng tiếp thu), đồng thời vẫn tiếp tục sống trong môi trường khu trú, không giao tiếp nhiều với cộng đồng phổ thông, khả năng tái mù chữ rất cao.

 

Theo Bộ Giáo dục và đào tạo, cả nước hiện vẫn còn hơn một triệu người trong độ tuổi 15-60 mù chữ mức độ I (chưa học hết lớp 3) và hơn hai triệu người mù chữ mức độ II (chưa học hết lớp 5 giáo dục phổ thông), tập trung ở các dân tộc thiểu số và nữ giới. Có đến tám địa phương có tỷ lệ mù chữ còn cao, trong đó rất bất ngờ-TP HCM có tỷ lệ 6,45%.

 

Địa phương có tỷ lệ người mù chữ cao nhất là Ninh Thuận đến 10, 52%; An Giang 7,30%, Lai Châu 6,11%, Hà Giang 4,58%, Gia Lai 4,49%, Bắc Cạn 4,45%, Bình Phước 3,66%.

 

Cho đến nay, tại hầu như tất cả các địa phương vẫn còn hoạt động xóa mù chữ chính thức của Nhà nước, bên cạnh đó là rất nhiều các lớp học tình thương của vô số tổ chức xã hội dân sự, người dân, và các tổ chức tôn giáo.

 

Hoa hậu Ý Nhi bị ném đá khi nói muốn xóa nạn dốt tại miền núi, vùng sâu vùng xa.

Hơn một triệu người mù chữ thì có gọi là “nạn” được không?

 

Hay theo tính cách người Việt thì ta nên dùng uyển ngữ một tí, cho tình hình nó giảm phần nghiêm trọng?

_____________

Tham khảo:

https://tienphong.vn/ca-nuoc-van-con-hon-149-trieu-nguoi-mu-chu-post1143111.tpo

 

http://caolau.caoloc.langson.gov.vn/phat-gao-cuu-doi-giap-hat-nam-2023-tren-dia-ban-xa-cao-lau

 

https://tgpl.moj.gov.vn/Pages/hoi-nhap-phat-trien.aspx?ItemID=1886&l=Nghiencuutraodoi

 

https://vneconomy.vn/thach-thuc-trong-giam-ngheo-o-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-va-mien-nui.htm

 

http://laodongxahoi.net/kon-tum-tiep-nhan-va-phan-bo-181515-tan-gao-ho-tro-cua-chinh-phu-cuu-doi-cho-nhan-dan-1326597.html

 

http://hagiangtv.vn/chuyen-de/202307/trao-tang-5-tan-gao-cuu-doi-giap-hat-cho-nguoi-dan-meo-vac-4517f59/

 

https://phapluat.tuoitrethudo.com.vn/chinh-phu-xuat-cap-gao-cuu-doi-giap-hat-dau-nam-2021-cho-cao-bang-son-la-58369.html

 

https://tienphong.vn/co-14-tinh-de-nghi-xuat-cap-gao-cho-nguoi-dan-thieu-doi-dip-tet-nguyen-dan-2023-post1498457.tpo

 

https://nhandan.vn/cap-hon-1300-tan-gao-ho-tro-nguoi-dan-nghe-an-dip-tet-quy-mao-post734840.html

 

https://nhandan.vn/infographic-huy-dong-duoc-hon-32-nghin-nguoi-di-hoc-xoa-mu-chu-post766078.html

-------

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.

 

----------------------

Tin, bài liên quan

BLOG

 

Một triệu đồng/tháng cho cha mẹ già là đủ, con cái Việt Nam chớ lo bất hiếu

 

 

 




No comments: