Saturday, May 27, 2023

VỠ NỢ hay KHÔNG VỠ NỢ - AI CÓ LỖI? (Hiếu Chân / Người Việt)

 



Vỡ nợ hay không vỡ nợ – ai có lỗi?

Hiếu Chân/Người Việt

May 26, 2023

https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/vo-no-hay-khong-vo-no-ai-co-loi/

 

Nước Mỹ đang bước vào thời điểm nguy hiểm do nguy cơ vỡ nợ quốc gia lần đầu tiên vẫn đang treo lơ lửng: Cuộc thương lượng giữa Tòa Bạch Ốc và Hạ Viện về nâng trần nợ vẫn bế tắc trong khi các dân biểu bắt đầu nghỉ cuối tuần và lễ Memorial Day.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2023/05/BL-Nang-Tran-No-1-1068x712.jpg

Tổng Thống Joe Biden (phải) và Chủ Tịch Hạ Viện Kevin McCarthy tại Tòa Bạch Ốc hôm Thứ Hai, 22 Tháng Năm, bàn chuyện nâng trần nợ. (Hình: Drew Angerer/Getty Images)

 

Quốc Hội sẽ họp lại vào ngày Thứ Ba, 30 Tháng Năm, chỉ hai ngày trước “X-day” – tức là ngày mà chính phủ Mỹ sẽ không thể thanh toán các khoản chi do không được tiếp tục vay mượn khi số tiền vay đã chạm “giới hạn nợ” hay “trần nợ.” Không trả được hóa đơn, tiền lời, và tiền vốn trái phiếu đáo hạn có nghĩa là nước Mỹ bị vỡ nợ và điều đó sẽ gây ra bất ổn kinh tế trầm trọng cả trong và ngoài nước Mỹ. Bộ Trưởng Tài Chính Janet Yellen nhiều lần khẳng định “X-day” là vào ngày 1 Tháng Sáu.

 

 

“X-day” là ngày 5 tháng Sáu

 

Tin mới nhất là trong thư gửi Quốc Hội chiều Thứ Sáu, 26 Tháng Năm, bà Yellen nói lại bộ của bà sẽ cạn tiền trả nợ vào ngày 5 Tháng Sáu, sau khi áp dụng các biện pháp “đảo nợ” như tiếp tục vay các khoản nợ mới có giá trị bằng với các khoản nợ đáo hạn phải trả mà không làm gia tăng tổng số nợ. Tuy vậy, bà Yellen vẫn cảnh báo nếu “chờ đến phút cuối mới nâng giới hạn nợ sẽ gây thiệt hại trầm trọng cho lòng tin của doanh nghiệp và người tiêu thụ, làm tăng chi phí vay mượn của người đóng thuế và ảnh hưởng xấu tới xếp hạng tín dụng của Mỹ.” Theo phân tích của Trung Tâm Chính Sách Lưỡng Đảng (Bipartisan Policy Center), nếu Quốc Hội không hành động thì nước Mỹ có thể bị vỡ nợ trong khoảng từ 2 đến 13 Tháng Sáu.

 

Cho đến đầu tuần này, Tổng Thống Joe Biden vẫn kiên trì nhắc lại quan điểm mà ông đã nói trong nhiều tháng: Ông không thương lượng về trần nợ. Quốc Hội phải nâng trần nợ vô điều kiện để nước Mỹ không bị vỡ nợ và không nên sử dụng nó làm đòn bẩy để giành các ưu tiên khác mang tính đảng phái.

 

Đảng Cộng Hòa, đang nắm đa số ở Hạ Viện, do Dân Biểu Kevin McCarthy (Cộng Hòa-California) làm chủ tịch, cũng kiên trì quan điểm chỉ nâng trần nợ khi chính phủ đồng ý cắt giảm chi tiêu vì Cộng Hòa tin rằng chính phủ Mỹ đang chi tiêu quá nhiều và ngày càng nhiều hơn.

 

Vào tối Thứ Năm, 25 Tháng Năm, hai bên dường như đã nhân nhượng nhau để đi tới thỏa hiệp nhưng chưa có thỏa thuận nào được ký. Ông Biden nói quan điểm của ông và ông McCarthy là “hai bản sao khác nhau của nước Mỹ” nhưng cả hai đều lạc quan rằng sự cách biệt về lập trường của họ có thể được thu ngắn.

 

Ngay cả khi hai bên đạt được thỏa thuận trong vài ngày tới, việc ban hành luật cũng đòi hỏi thời gian. Ông McCarthy đã hứa rằng ông sẽ đưa dự luật ra bàn bạc 72 giờ trước khi bỏ phiếu – nghĩa là dự luật phải được trình ra Hạ Viện chậm nhất vào Thứ Ba hoặc Thứ Tư. Sau đó, chuyển dự luật qua Thượng Viện rồi chuyển đến ông Biden ký thành luật trước hạn chót có thể là vào Thứ Năm tuần tới.

 

.

Hình dạng của thỏa thuận nâng trần nợ

 

Theo những nguồn tin thông thạo, có vẻ như đảng Dân Chủ – hiện nắm Tòa Bạch Ốc và chiếm đa số Thượng Viện – đã nhân nhượng một số điểm để vượt qua bế tắc. Những đường nét chính của một thỏa thuận lưỡng đảng về trần nợ đã hình thành với nội dung chính là trần nợ sẽ nâng lên để chính phủ được tiếp tục vay nợ thêm hai năm nữa trong khi đặt ra những giới hạn nghiêm khắc cho những khoản chi tiêu ngân sách không liên can tới quốc phòng hoặc cựu chiến binh.

 

Tuy nhiên, dường như đảng Cộng Hòa chưa hài lòng và họ thúc ép đảng Dân Chủ phải nhượng bộ nhiều hơn nữa. Hãng tin AP cho biết, Tòa Bạch Ốc đã đề nghị “đóng băng” mức chi tiêu ngân sách cho năm 2024 ở mức hiện tại, và tăng 1% vào năm 2025 nhưng nhà lãnh đạo đảng Cộng Hòa nói rằng như thế là chưa đủ.

 

Yêu cầu giảm chi tiêu nhưng Cộng Hòa đề nghị tăng ngân sách quốc phòng, giảm phúc lợi xã hội. Theo đề nghị của ông McCarthy, được thể hiện trong một dự luật mà Hạ Viện thông qua hồi Tháng Tư, những người Mỹ muốn nhận trợ cấp y tế (Medicaid) và thực phẩm (food stamps) miễn phí của chính phủ thì phải có việc làm và thu nhập. Đề nghị này ảnh hưởng tới hàng triệu người Mỹ vì rất nhiều người được chính phủ trợ cấp do không có năng lực làm việc, tuổi cao, bị khuyết tật, hoặc thu nhập quá thấp không đủ trang trải cuộc sống.

 

Đáp lại, chính quyền Biden đề nghị giữ nguyên chi tiêu quốc phòng và phi quốc phòng vào năm tới và cho rằng điều đó sẽ tiết kiệm được $90 tỷ trong năm ngân sách 2024 và $1,000 tỷ trong 10 năm mà không cần phải cắt giảm các chương trình phúc lợi xã hội.

 

Điều kiện mà hai bên có thể đồng ý với nhau tương đối dễ là sẽ ngừng chi $30 tỷ từ quỹ phòng chống dịch COVID-19 còn “tồn kho” vì tình trạng khẩn cấp về đại dịch của Mỹ đã chấm dứt vào ngày 11 Tháng Năm vừa qua. Dự tính chi tiêu $80 tỷ để hiện đại hóa hệ thống và tuyển dụng thêm nhân viên cho Sở Thuế (IRS) để tăng cường kiểm tra chống trốn thuế, khai man thuế… cũng có thể bị bãi bỏ.

 

Để giảm thâm hụt ngân sách, từ đó giảm vay nợ, Tòa Bạch Ốc đề nghị chấm dứt việc giảm thuế cho các gia đình giàu có và một số công ty có lợi nhuận lớn, nhưng ông McCarthy cho biết ông đã nói với ông Biden ngay từ Tháng Hai rằng tăng thu ngân sách bằng cách tăng thuế là “điều không bàn tới.”

 

Chủ Tịch McCarthy đang bị áp lực nặng nề từ các dân biểu cánh hữu của đảng Cộng Hòa trong Hạ Viện, đòi ông không nhân nhượng, ngay cả khi không đạt được thỏa thuận trước ngày 1 Tháng Sáu. “Hãy giữ vững lập trường. Đừng bỏ cuộc quá sớm,” Dân Biểu Chip Roy (Cộng Hòa-Texas), thành viên nhóm Freedom Caucus, nhắn cho ông McCarthy. Cựu Tổng Thống Donald Trump, ứng cử viên của mùa bầu cử năm tới, khích lệ các dân biểu Cộng Hòa hãy để cho nước Mỹ vỡ nợ nếu các yêu cầu của họ không được Tòa Bạch Ốc chấp nhận.

 

Các dân biểu Dân Chủ ở Hạ Viện phản đối các đề nghị cắt giảm ngân sách của Cộng Hòa mà họ cho là “cực đoan,” lên án ông McCarthy và các dân biểu Cộng Hòa cực đoan đã “bắt nền kinh tế làm con tin và đổ những khoản cắt giảm lên đầu người dân Mỹ,” “muốn người Mỹ đưa ra một lựa chọn bất khả thi, đó là cắt giảm trầm trọng hoặc vỡ nợ trầm trọng.”

 

.

Ai có lỗi?

 

Xem ra, cuộc khủng hoảng về nợ công hiện nay là một trận đấu chính trị giữa hai đảng, hai nhánh quyền lực, hơn là kết quả hiển nhiên của những khiếm khuyết trong điều hành đất nước. Đây chỉ là một trong nhiều ví dụ phản ánh sự chia rẽ trầm trọng trong nội bộ nước Mỹ, giữa những người Mỹ theo các quan điểm chính trị khác nhau. Không chỉ các nhà lãnh đạo cấp cao tranh luận bất phân thắng bại mà cử tri Mỹ cũng chia thành hai phe, theo dõi cuộc đấu đá với thái độ ủng hộ hoặc phản đối theo lằn ranh đảng phái rất rõ rệt.

 

Thăm dò dư luận của Washington Post-ABC News, thực hiện từ 28 Tháng Tư đến 3 Tháng Năm trên toàn quốc về “lỗi của ai” nếu trần nợ không nâng lên và nước Mỹ vỡ nợ, ghi nhận 39% người Mỹ đổ lỗi cho Hạ Viện Cộng Hòa, 36% đổ cho chính quyền Biden, còn 16% đổ lỗi đều cho cả hai bên. Có 78% người Cộng Hòa đổ lỗi cho ông Biden và cũng có 78% người Dân Chủ đổ lỗi cho lãnh đạo Cộng Hòa.

 

Riêng tại tiểu bang California, cử tri có vẻ lạc quan rằng cuối cùng thì hai bên cũng đạt được một thỏa thuận lưỡng đảng và nước Mỹ sẽ không vỡ nợ như lo sợ. Thăm dò dư luận do đại học UC Berkeley và nhật báo The Los Angeles Times thực hiện hồi đầu tuần này và công bố vào Thứ Sáu, 26 Tháng Năm, ghi nhận có 61% cử tri California tin như vậy, chỉ có 34% không tin.

 

Khi được hỏi họ đứng về bên nào – Biden hoặc McCarthy – trong cuộc đối đầu về nợ công hiện nay, thì có 40% đứng về phía Biden, 28% về phía McCarthy, còn 17% đứng giữa. Trong cử tri Dân Chủ, số người đứng về phía Biden là 66% trong khi 77% cử tri Cộng Hòa đứng về phía McCarthy. Chỉ có 4% người Dân Chủ và 2% người Cộng Hòa không đồng tình với đường lối của người đại diện cho họ.

 

Có thể nước Mỹ sẽ không vỡ nợ, bây giờ và mãi về sau. Nhưng sự khác biệt quan điểm thì vẫn luôn tồn tại trong một xã hội đa nguyên, không ai là “đỉnh cao trí tuệ” hoặc nắm giữ chân lý tuyệt đối. Bản chất của dân chủ là thỏa hiệp vì quyền lợi chung nên cuối cùng chắc chắn các bên sẽ đi đến một giải pháp trước hạn cuối cùng. [đ.d.]





No comments: