Trung Quốc xuất khẩu mô hình cảnh sát đến các quốc
đảo Thái Bình Dương
Lê Tây Sơn -
Saigon Nhỏ
4 tháng 5, 2023
Được đào tạo để trấn áp
Năm ngoái, trong khi hơn hai chục cảnh sát của Quần đảo Solomon (Solomon
Islands) đến Trung Quốc (TQ) để vừa tìm hiểu cảnh sát địa phương vừa được huấn
luyện về cận chiến, cách dùng dùi cui bảo vệ các yếu nhân và quản lý an ninh tại
các sự kiện lớn thì Úc (một đồng minh ủng hộ chiến lược của Mỹ chống lại các ý
đồ của TQ ở Thái Bình Dương) đã tặng 13 phương tiện đi lại, 60 khẩu súng trường
cho cảnh sát quốc đảo này và hứa mở khóa đào tạo giúp cảnh sát sở tại bảo vệ
các nhà ngoại giao, chính trị gia và các lãnh đạo nước ngoài đến thăm.
“Bức tranh” trên cho thấy, cảnh sát đã trở thành “điểm nóng” cạnh tranh
tại Thái Bình Dương khi Hoa Kỳ và các đồng minh quyết tâm chống lại ảnh hưởng
ngày càng tăng của TQ trên khắp khu vực, nơi có các tuyến đường vận chuyển và
căn cứ quân sự sẽ đóng vai trò then chốt khi nổ ra cuộc xung đột quân sự liên
quan đến Đài Loan.
https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/05/GettyImages-1246501661.jpg
Thủ tướng kiêm Ngoại
trưởng Fiji, Sitiveni Rabuka, trong dịp đón Tết cổ truyền tại Tòa đại sứ Trung
Quốc (ảnh: Zhang Yongxing/Xinhua via Getty Images)
Wall Street
Journal cho biết, Tháng Giêng 2023, ông Sitiveni Rabuka, Thủ
tướng mới của Fiji nói với truyền thông địa phương ông sẽ hủy bỏ thỏa thuận hợp
tác cảnh sát đã ký với Bắc Kinh, nêu lý do “Fiji và TQ có những giá trị khác
nhau”. Trong khi đó, Úc vừa ký thỏa thuận với Samoa và Vanuatu để tăng cường
quan hệ trong các hoạt động thực thi pháp luật.
M
ột số nhà lãnh đạo ở Thái Bình Dương đã cảnh giác hơn với “miếng mồi”
đào tạo cảnh sát của TQ. Trong một cuộc phỏng vấn, ông Surangel Whipps Jr, Tổng
thống của Palau, quốc gia thân cận với Hoa Kỳ và không có quan hệ ngoại giao với
Bắc Kinh nói thẳng: “Tôi lo lắng các chương trình huấn luyện như vậy sẽ tôn
vinh các giá trị độc tài. Khi ai đó tương tác và gắn bó nhiều hơn với một kiểu
chính phủ độc đoán như TQ, họ sẽ dần cảm thấy đó là chuẩn mực và là cách tốt nhất
để cầm quyền lâu dài. Đó là lúc học thuyết độc tài xuất hiện và trở thành mối
nguy hiểm khó lường”.
Hoa Kỳ cũng đang đẩy mạnh hỗ trợ thực thi pháp luật tại khu vực, gồm cả
việc Lực lượng tuần duyên Hoa Kỳ (U.S. Coast Guard) không chỉ giúp các quốc gia
Thái Bình Dương ngăn chặn đánh bắt cá bất hợp pháp mà còn tăng cường sự hiện diện
tại khu vực. Người phát ngôn của Đại sứ quán Mỹ tại Fiji nói: “Bộ Ngoại giao
đang tài trợ các khoá tập huấn dành cho cảnh sát Thái Bình Dương để họ chuẩn bị
nhận nhiệm vụ với Liên Hợp Quốc”.
Phó giáo sư Graeme Smith (thuộc Khoa các vấn đề Thái Bình Dương của Đại
học Quốc gia Úc) nhận xét: “Chỉ một số quốc đảo có quân đội khiêm tốn trong khu
vực này. Vì vậy, nếu bạn muốn tạo ảnh hưởng ở đây, bạn phải tập trung vào cảnh
sát”. Theo các chuyên gia chính sách đối ngoại, ve vãn cảnh sát khu vực sẽ giúp
TQ thu thập thông tin tình báo dễ dàng hơn và xác lập mối quan hệ an ninh chặt
chẽ với các quốc đảo, thậm chí có thể hiện diện quân sự lâu dài ở đó. Bắc Kinh
phủ nhận ý đồ đặt một căn cứ ở Quần đảo Solomon, nơi TQ đã ký các thỏa thuận về
chính sách và an ninh.
Thực ra, từ lâu, các đồng minh của Hoa Kỳ gồm Úc và New Zealand đã cung
cấp sự hỗ trợ cảnh sát cho các quốc gia Thái Bình Dương nhằm tăng cường an ninh
khu vực và chống buôn bán ma túy toàn cầu (TQ cũng chia sẻ những mục tiêu đó),
nhưng Washington lo ngại các công nghệ do Bắc Kinh tài trợ, dưới chiêu bài hỗ
trợ thực thi pháp luật, sẽ giúp mở rộng bộ máy tình báo của TQ tại khu vực và sự
hỗ trợ cho cảnh sát địa phương của TQ chỉ để giúp chính quyền kiểm soát người
dân chứ không phải cải thiện tổng thể hệ thống tư pháp như mong đợi.
https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/05/GettyImages-1240925034.jpg
Thủ tướng Solomon
Islands, Manasseh Damukana Sogavare, trong cuộc gặp Ngoại trưởng Trung Quốc Vương
Nghị (ảnh: Xinhua/Getty Images)
Bắt cá hai tay
Về phần các quốc gia Thái Bình Dương, nơi chỉ có các vụ cướp vặt trên
đường phố và tội phạm xuyên quốc gia, lời đề nghị giúp đỡ từ TQ không phải lúc
nào cũng dễ từ chối. Đối với một số nhà lãnh đạo địa phương, cuộc cạnh tranh giữa
các cường quốc là cơ hội để họ “tranh thủ” cả hai bên!
Cuối năm 2021, khi bất ổn dân sự nổ ra ở Quần đảo Solomon, Úc đã gửi
quân đội và cảnh sát đến giúp đỡ như trước đây vẫn làm. Nhưng Bắc Kinh, quốc
gia đã thiết lập quan hệ ngoại giao với Quần đảo Solomon vào năm 2019 sau khi
quốc đảo này thôi công nhận Đài Loan, cũng vừa gửi cảnh sát đến đây. Năm ngoái,
TQ và Quần đảo Solomon, nơi quân đội Hoa Kỳ đã chiến đấu với quân Nhật ở
Guadalcanal trong Thế chiến II, đã ký các thỏa thuận về chính sách và an ninh.
Nhận thức được mối quan tâm của Mỹ, Thủ tướng Manasseh Sogavare vấn an:
“Chúng tôi sẽ luôn trung thành với chính sách bạn với tất cả và không có kẻ
thù”. Gần đây TQ đã cung cấp cho Quần đảo Solomon các thiết bị như hệ thống
liên lạc kỹ thuật số, phòng thí nghiệm khám nghiệm tử thi pháp y, phương tiện,
xe máy và vòi rồng.
James Batley, cựu quan chức cao cấp, ủy viên phụ trách quần đảo Solomon
của Úc nhận định: “Có hai mối lo. Thứ nhất, cảnh sát là lĩnh vực mà Úc là đối
tác an ninh chính với khu vực trong một thời gian dài. Thứ hai là việc hợp tác
an ninh hoặc hợp tác cảnh sát của TQ với một số quốc đảo tiến xa đến đâu thì
không ai biết được”. Theo phòng thí nghiệm nghiên cứu AidData một tại Đại học
William và Mary ở tiểu bang Virginia, trong quá khứ TQ từng cung cấp viện trợ cảnh
sát cho các quốc gia Thái Bình Dương, gồm xe máy và đồng phục cho Papua New
Guinea và thiết bị chống bạo động, đồng phục và các thiết bị khác cho Vanuatu.
Xuất khẩu cảnh sát ra khắp thế giới
Không chỉ Thái Bình Dương mà Bắc Kinh cũng tìm kiếm sự hợp tác thực thi
pháp luật nhiều hơn trên toàn thế giới. Như một phần của sáng kiến an ninh mới
trong năm năm tới, TQ có kế hoạch đào tạo thêm 5,000 cảnh sát và quan chức an
ninh từ các quốc gia đang phát triển.
Tính đến năm 2019, Đại học Cảnh sát Điều tra Hình sự TQ ở Thẩm Dương đã
đào tạo 2,700 sĩ quan thực thi pháp luật từ 101 quốc gia. Việc theo đuổi các mối
quan hệ chặt chẽ hơn với cảnh sát sẽ giúp tăng tính hợp pháp của TQ với tư cách
là một bên tham gia các vấn đề toàn cầu, và người dân TQ sẽ hãnh diện khi thấy
cảnh sát TQ hoạt động ở nước ngoài. Đào tạo cảnh sát là một “sự phù hợp tự
nhiên” đối với một chế độ như Bắc Kinh hơn là tham gia phát triển “xã hội dân sự”,
điều mà TQ xem là có hại nhiều hơn lợi.
Một số nhà phân tích nhìn thấy một mục đích khác: TQ sử dụng những người
họ đào tạo để đàn áp những phản đối và bất đồng chính kiến trong dân. Theo hồ
sơ tòa án và các nhóm nhân quyền, an ninh TQ đã dùng đe dọa và quấy rối để buộc
những kẻ trốn ở Mỹ (quốc gia không có thỏa thuận dẫn độ với TQ) tự nguyện trở về.
Các nước phương Tây đã bày tỏ lo ngại về việc các đặc vụ TQ mở các đồn cảnh sát
bí mật ở nước ngoài (chính phủ TQ vẫn một mực khẳng định luôn hoạt động hợp
pháp ở nước ngoài).
Sự hợp tác của TQ với cảnh sát ở Fiji (quốc đảo có quân đội với gần một
triệu dân và là trung tâm của khu vực) là ví dụ về cách Bắc Kinh phát triển một
kế hoạch chi tiết cho việc xây dựng mối quan hệ an ninh ở những nơi khác. Peter
Connolly, cựu sĩ quan quân đội Úc, người đã nghiên cứu về chiến dịch gây ảnh hưởng
của TQ cảnh báo: “Việc TQ gửi một tuỳ viên cảnh sát đến Fiji vào năm 2021 đã tạo
tiền lệ cho việc sử dụng cảnh sát làm tùy viên quốc phòng hoặc cố vấn an ninh ở
các quốc gia không có quân đội”.
Khi ý đồ của TQ bị vạch trần, hầu hết các quốc đảo ở Thái Bình Dương vẫn
hoan nghênh hỗ trợ kinh tế của TQ nhưng bắt đầu rút khỏi các thỏa thuận an
ninh. Một số chuyên gia TQ đổ lỗi cho Mỹ và Úc về quyết định của Thủ tướng Fiji
hủy bỏ thỏa thuận về cảnh sát. Zhang Diancheng, một nhà bình luận quân sự và đối
ngoại TQ, viết: “Tôi tin hành động này đi ngược lại sự ủng hộ của công chúng
Fiji trong việc tăng cường quan hệ với TQ”.
No comments:
Post a Comment