Thượng
Đỉnh Biden-Marcos sẽ đánh dấu một bước ngoặt mới trong quan hệ Mỹ-Philippines ?
Trọng Nghĩa - RFI
Đăng ngày: 01/05/2023 - 15:26
https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20230501-biden-marcos-buoc-ngoat-moi
Ông Ferdinand Marcos Jr. sẽ là tổng thống
Philippines đầu tiên được tổng thống Mỹ tiếp đón tại Nhà Trắng từ hơn 10 năm
nay. Theo giới quan sát, vấn đề củng cố thêm quan hệ quốc phòng đã có từ lâu đời
giữa Washington và Manila được cho là sẽ nổi bật trong chương trình nghị sự hôm
nay, 01/05/2023, của hai lãnh đạo, với việc Philippines ngày càng quan ngại trước
các hành vi lấn lướt của Trung Quốc tại Biển Đông.
Tổng thống Mỹ Joe
Biden (P) gặp đồng nhiệm Philippines Ferdinand Romualdez Marcos, Jr, bên lề Đại
Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, New York, Hoa Kỳ, ngày 22/09/2022. REUTERS - LEAH
MILLIS
Trước khi lên đường công du Hoa Kỳ, tổng thống Philippines đã khẳng định
quyết tâm siết chặt thêm quan hệ với Mỹ về mọi mặt nhằm thúc đẩy các “lợi ích cốt
lõi” của nước ông. Một trong những lợi ích đó là làm sao bảo vệ được các vùng
lãnh thổ của mình tại Biển Đông hiện đang bị Trung Quốc đòi chủ quyền và đe dọa.
Trên vấn đề này Philippines hiện đang có một hiệp ước gọi là phòng thủ chung ký
kết với Mỹ từ năm 1951. Theo nhận xét của tờ báo Nhật Bản The Japan Times ngày
28/04, nhân chuyến công du Hoa Kỳ khởi sự từ hôm nay (01/05), tổng thống
Marcos sẽ yêu cầu phía Mỹ làm rõ hơn về các điều kiện kích hoạt điều 4 của hiệp
ước, theo đó Mỹ sẽ ngay lập tức giúp đỡ Philippines trong trường hợp bị tấn
công.
Trước ngày tổng thống Marcos đến Mỹ, bộ Ngoại Giao
Hoa Kỳ đã tranh thủ vụ tàu Hải cảnh Trung Quốc gây nguy hiểm cho tàu tuần tra
Philippines ở vùng quần đảo Trường Sa để nhắc lại rằng mọi cuộc tấn công vào
tàu thuyền và máy bay công vụ của Philippines – kể cả tại Biển Đông - đều
nằm trong phạm vi các hành động bị Mỹ đáp trả theo tinh thần hiệp ước phong thủ
chung năm 1951.
Theo Japan Times, chính các hành động lấn lướt liên tiếp của Trung Quốc
nhắm vào Philippines ở Biển Đông, kèm theo những tín hiệu cảnh cáo Manila về việc
cho Mỹ quyền sử dụng thêm nhiều căn cứ quân sự tại Philippines đã khiến tổng thống
Marcos yêu cầu đồng minh làm rõ hơn về các tình huống, mà theo đó Mỹ sẽ bảo vệ
đồng minh lâu năm của mình.
Theo ông Kei Koga, phó giáo sư tại Đại Học Công Nghệ Nanyang của
Singapore, ông Marcos muốn nhận được sự trấn an chính trị từ phía Biden, theo
đó Hoa Kỳ cam kết bảo đảm ổn định ở Biển Đông và bảo vệ Philippines khi bị các
tác nhân bên ngoài quấy rối hoặc tấn công.
Còn theo chuyên gia Gregory Poling, giám đốc Chương trình Đông Nam Á
thuộc Trung Tâm Nghiên cứu Chiến Lược và Quốc Tế CSIS tại Washington, tổng thống
Marcos muốn duy trì quan hệ ổn định với Bắc Kinh càng nhiều càng tốt, nhưng dường
như đã đi đến kết luận rằng ông không thể hy sinh chủ quyền của Philippines.
Theo ông Poling, chừng nào Bắc Kinh còn “tiếp tục các hành vi bức hiếp ở Biển
Đông, thì một liên minh chặt chẽ hơn với Hoa Kỳ là biện pháp ngăn chặn tốt nhất
đối với Philippines”.
Về phần ông Zachary Abuza, một chuyên gia về Đông Nam Á tại Đại Học Chiến
Tranh Hoa Kỳ, việc ông Marcos cần Mỹ làm rõ hơn về các cam kết quốc phòng của
mình có nghĩa là hai bên có thể là chưa hoàn toàn nhất trí với nhau: Manila vẫn
muốn mọi điều dẫn đến việc kích hoạt Hiệp Ước Phòng Thủ Chung được xác định rõ
ràng, trong khi Hoa Kỳ muốn có nhiều khoảng trống hơn (để dễ dàng hành động)..
Theo chuyên gia này, Washington cũng không hài lòng với lập trường của
Manila, theo đó các căn cứ Philippines mà Mỹ được quyền sử dụng sẽ không được
dùng vào việc dự trữ đạn dược hoặc thiết bị cần thiết trong trường hợp Đài Loan
gặp sự cố.
Dẫu sao thì riêng việc các vấn đề cụ thể trên đây được đưa ra thảo luận
đã là bằng chứng cho thấy là quan hệ Mỹ-Philippines đã được cải thiện đáng kể từ
ngày tổng thống Marcos Jr. lên thay thế ông Duterte, điều mà ít ai dám nghĩ tới
khi ông Marcos mới nhậm chức. Thượng đỉnh Biden-Marcos có thể được coi là sự kiện
đánh dấu bước ngoặt mới trong quan hệ Mỹ-Philippines theo chiều hướng mật thiết
hơn.
----------------------------
CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN
Mỹ
- Philippines lên án các hành động khiêu khích của Trung Quốc ở Biển Đông
Mỹ,
Nhật, Philippines chuẩn bị một cơ chế đối thoại ba bên về an ninh ở Biển Đông
Philippines
xác nhận cho Mỹ dùng thêm căn cứ quân sự gần Biển Đông và Đài Loan
No comments:
Post a Comment