Tuesday, May 2, 2023

'QUẢ BOM' NGOẠI GIAO GIỮA TRUNG QUỐC với PHÁP và EU (Hoàng Trường)

 



‘Quả bom’ ngoại giao giữa Trung Quốc với Pháp và EU

Hoàng Trường

02/05/2023

https://www.voatiengviet.com/a/qua-bom-ngoai-giao-giua-trung-quoc-voi-phap-va-eu/7074280.html

 

“Chúng tôi kêu gọi Bà (Ngoại trưởng Pháp Colonna) tuyên bố ngay lập tức: ‘Đại sứ Lu Shaye là nhân vật không được hoan nghênh’ như một phản ứng đối với diễn ngôn hoàn toàn không thể chấp nhận được của ông ta”. Đại sứ Trung Quốc tại Paris Lu Shaye (Lư Sa Dã) đã phát biểu gì?

 

https://gdb.voanews.com/7EC6196B-7B63-4DCD-835D-7B51F9B92863_w1023_r1_s.jpg

Chỉ ba ngày sau Tuyên bố sặc mùi “chiến lang” của đại sứ Lư, hôm 24/4, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã lên tiếng chỉ trích đại sứ Trung Quốc, khẳng định chủ quyền của các quốc gia thuộc Liên Xô cũ là “bất khả xâm phạm”.

 

Tuyên bố phủ nhận chủ quyền của Ukraine trên bán đảo Crimea cũng như “tư cách pháp lý” của các nước cộng hoà thuộc Liên Xô cũ trước đây từ đại sứ Trung Quốc tại Pháp Lư Sa Dã (Lu Shaye) ngày 21/04/2023 tiếp tục khuấy động không chỉ quan hệ giữa Bắc Kinh với Paris và ba nước Baltic, gây nên những phản ứng giận dữ tại Pháp, Litva, Latvia, Estonia và nhiều nước trên thế giới.

 

Trả lời phỏng vấn đài Pháp LCI tuần qua, đại sứ Lư Sa Dã nêu ra quan điểm khẳng định rằng, các nước thuộc Liên Xô cũ như Ukraine "không có chủ quyền quốc gia thực thụ". Ông Lư nói khi bình luận về Crimea rằng "các nước thuộc Liên Xô cũ không có cả tư cách hiệu quả theo luật quốc tế, vì không tồn tại một hiệp ước quốc tế nào để xác định rõ họ là những quốc gia có chủ quyền".

 

Chỉ ba ngày sau Tuyên bố sặc mùi “chiến lang” của đại sứ Lư, hôm 24/4, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã lên tiếng chỉ trích đại sứ Trung Quốc, khẳng định chủ quyền của các quốc gia thuộc Liên Xô cũ là “bất khả xâm phạm”. Ông Macron nói: “Tôi nghĩ đó không phải là chỗ để một nhà ngoại giao sử dụng kiểu ngôn ngữ như thế” (It’s not the place of a diplomat to use that kind of language). Ngoài ra, Bộ Ngoại giao Pháp cũng cho biết sẽ có cuộc thảo luận “cứng rắn” với ông Lư. Ba nước vùng Baltic, Lithuania, Latvia và Estonia đều đã triệu đại sứ Trung Quốc ở nước họ tới Bộ ngoại giao để yêu cầu chất vấn quan điểm của Bắc Kinh.

 

Cùng vào thời điểm trên, không chỉ Tổng thống Macron, mà gần 80 nghị sĩ EU khác cũng đã gửi thư tới Ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna, kêu gọi bà không nên làm ngơ trước “cuộc tấn công vô liêm sỉ” của đại sứ Trung Quốc. Và 80 Nghị sỹ này yêu cầu Pháp phải ngay lập tức tuyên bố: Lư Sa Dã là “người không được chào đón”. Điều này tương đương với việc yêu cầu các cơ quan chức năng ban hành lệnh trục xuất. Gần 80 nghị sĩ quốc hội đã chỉ ra trong tuyên bố trên rằng, ngoài việc cấu thành sự xúc phạm nghiêm trọng đến lịch sử, văn hóa và sự toàn vẹn cơ bản của các quốc gia liên quan, nhận xét của vị đại sứ này còn cố gắng làm suy yếu các nguyên tắc cơ bản làm nền tảng cho các quan hệ ngoại giao. Dù là Trung Quốc hay bất kỳ quốc gia nào khác đều không có quyền chất vấn về chủ quyền của các quốc gia khác. Chủ quyền không phải là một món đồ chơi ngoại giao, mà là một yếu tố thiết yếu của quan hệ quốc tế, luật pháp quốc tế và “Hiến chương LHQ”.

 

Như vậy là Đại sứ Lư Sa Dã trên thực tế đã châm ngòi cho ngọn lửa chiến tranh lan đến tận Trung Nam Hải ở Bắc Kinh. Đại sứ Lư đã làm mất lòng rất nhiều quốc gia, gây tổn hại nghiêm trọng đến chính sách ngoại giao của Trung Quốc. Ngày 24/4, RFI cũng lại đặt ra câu hỏi liệu ông Lư Sa Dã có nhận được chỉ thị từ cấp cao nhất từ Bắc Kinh hay không? Nếu không, làm sao ông ấy lại dám kiêu ngạo như vậy? Liệu các nhà lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc, và ngay cả Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình có biết chuyện này, và có phản hồi không? Tác hại do Lư Sa Dã gây ra là vô cùng to lớn.

 

Không phải ngẫu nhiên, trong một tuyên bố hôm 24/4, Đại sứ quán Trung Quốc tại Pháp nói rằng, đại sứ Lư Sa Dã chỉ thể hiện quan điểm cá nhân và đấy không phải là tuyên bố về chính sách của Trung Quốc. Ngoài ra, cơ quan này kêu gọi các nước không nên diễn giải quá mức về phát biểu này. Còn trước đó, hôm 23/4, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng tìm cách hạ nhiệt mức độ căng thẳng, khi khẳng định nước này tôn trọng chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia, đồng thời duy trì các mục đích và nguyên tắc của Hiến chương Liên Hiệp Quốc. Trung Quốc khẳng định "khách quan và công bằng" về các vấn đề liên quan chủ quyền.

 

 

Tuyên truyền kiểu “Made in China”

 

Vậy là Chính phủ Trung Quốc đã buộc phải lên tiếng để giữ khoảng cách với phát biểu của đại sứ Lư Sa Dã về Liên Xô cũ sau khi nhà ngoại giao này nói lời lẽ "phản lịch sử" về một số nước châu Âu. Mặc dầu Bộ Ngoại giao Trung Quốc “thanh minh thanh nga” rằng, ý của ông đại sứ chỉ là quốc gia như Ukraine "không thể dựa vào luật quốc tế để bảo vệ chủ quyền". Không rõ, trình độ sử quan hệ quốc tế của ông Lư như thế nào mà ông quên rằng, sau khi Liên Xô tan rã, tất cả các nước "cộng hòa xã hội chủ nghĩa" trong Liên bang cũ, gồm cả Liên bang Nga, đều tuyên bố độc lập và gia nhập Liên Hiệp Quốc. Chỉ riêng việc được nhận vào LHQ là đủ để một quốc gia được cộng đồng quốc tế gồm các thành viên còn lại công nhận có chủ quyền. Hai nước Ukraine và Belarus trên thực tế đã là thành viên LHQ kể cả khi họ còn mang danh "xã hội chủ nghĩa" và là thành viên của Liên Xô. Chưa nói, CHXHCN Ukraine còn là đồng sáng lập viên của LHQ, và ký hiến chương LHQ vào tháng 6/1945.

 

Ngoài ra, khi các nhà báo Pháp đề cập đến một vấn đề lịch sử khác, đó là tội ác tàn sát hàng triệu người dân Trung Quốc dưới thời Mao Trạch Đông, thậm chí hãm hại cả gia đình ông Tập Cận Bình, đại sứ Lư Sa Dã lại cho rằng, đó là “tin đồn thất thiệt” để né tránh, thậm chí biện hộ rằng, nhân quyền ở phương Tây còn tệ hại hơn. RFI cho rằng điều này đã động chạm đến nguồn lực tinh thần của ông Tập Cận Bình. Đúng là tuyên truyền theo kiểu “Made in China”, nói lấy được, bất kể luân thường đạo lý! Ấy vậy mà ông Tập đang cố gắng tìm mọi cách để vươn lên, đứng ngang hàng với vị trí của Mao. Về tinh thần và cách diễn đạt ngôn ngữ, lâu nay ông Tập đã thấm nhuần phong cách Mao. Vậy phải chăng sự chống chế “phản lịch sử”, không thừa nhận tội ác của Mao Trạch Đông đối với nhân dân Trung Quốc là cách để đại sứ Lư “chống lưng” cho những nỗ lực của Tập Chủ tịch?

 

Trở lại với tuyên bố của đại sứ Lư mà khoảng 80 nghị sĩ châu Âu đã cho rằng các tuyên bố đó “rõ ràng vi phạm luật pháp quốc tế” và “phải được coi là đe dọa đối với an ninh của các đối tác châu Âu của Pháp”. Những người ký tên vào diễn đàn trên báo Le Monde đã yêu cầu chính quyền Pháp tuyên bố ông Lư Sa Dã là “persona non grata”, tức là “nhân vật không được hoan nghênh” tại Pháp. Liệu Bộ Ngoại giao Pháp có hành động trên thực tế để làm thỏa mãn các nhà lập pháp EU?

 

Theo ghi nhận của Le Monde, đại sứ Trung Quốc Lư Sa Dã vốn nổi tiếng ở Paris với các tuyên bố khiêu khích và đã nhiều lần bị Bộ Ngoại giao Pháp khiển trách như về những lời nói dối về các Viện dưỡng lão ở Pháp vào thời đại dịch Covid, hay những lời lẽ xúc phạm đến nhà nghiên cứu Pháp Antoine Bondaz...

 

Còn ông Mykhaylo Podolyak, Trợ lý cho Tổng thống Ukraine, thì phê phán phần đại sứ Lư của Trung Quốc nói về Crimea, rằng “nếu Trung Quốc muốn làm nhà đàm phán trung gian hòa giải thì không thể chỉ nhai lại quan điểm của Nga”. Một số tờ báo châu Âu cho rằng phát biểu của ông Lư Sa Dã chứng tỏ những lời hoa mỹ mà Chủ tịch Tập Cận Bình nói về vai trò trung gian kiến lập hòa bình trong xung đột Nga-Ukraine chỉ là nói suông. Quan điểm của đại sứ Lư khiến giới phân tích đặt câu hỏi: Nếu lập trường của Trung Quốc như vậy về Crimea, liệu Bắc Kinh có đủ tư cách làm nhà kiến tạo hòa bình không? Nhất là trong bối cảnh, sau chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình hồi tháng 3/2023, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, Thượng tướng Lý Thượng Phúc thăm Moscow để tăng cường quan hệ quân sự với Moscow. Theo quan điểm này, Trung Quốc thực chất là đồng minh chủ chốt của Nga vì Moscow lâu nay tìm cách hạ thấp chủ quyền của các nước thuộc Liên Xô cũ.

 

Cho nên với Lư đại sứ, người từng khét tiếng là "nhà ngoại giao chiến lang" (Wolf Warrior of Chinese diplomacy), ông không những không bực tức với biệt danh này, mà thậm chí ông còn nói "rất đỗi tự hào" vì điều đó. Trả lời đài báo Pháp hồi 2021, ông nói là "chiến lang" là rất cần thiết, vì có khá nhiều "linh cẩu rồ dại" (mad hyenas) liên tục công kích Trung Quốc. Từ đó, có lẽ cần phải lý giải những bình luận của đại sứ Lư Sa Dã trong bối cảnh, Bắc Kinh đã nhiều lần hàm ý cho biết là họ không tán thành sự can thiệp của quân đội Nga, nhưng đồng thời cáo buộc Mỹ "đổ dầu vào lửa". Có thế mới hiểu những lắt léo trong tuyên bố của ông Vương Nghị trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Nga, khi ông xác định rằng Trung Quốc ủng hộ “chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các nước”, đồng thời thừa nhận “bối cảnh lịch sử phức tạp, đặc biệt nhất là trong vấn đề Ukraine”.






No comments: