Saturday, May 13, 2023

NHỮNG DỰ ÁN VĂN HÓA NGHÌN TỶ và LỜI CẢNH BÁO CỦA NHÀ VĂN NGUYỄN HUY TƯỞNG (Mai An Nguyễn Anh Tuấn)

 



Những dự án văn hóa nghìn tỷ và lời cảnh báo của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng

Mai An Nguyễn Anh Tuấn

Posted on 11/05/2023 by Boxit VN

https://boxitvn.online/?p=83948

 

Tuần qua, cộng đồng mạng xã hội nóng rực bởi tin chính thức về các Dự án công trình văn hóa khủng của Hà Nội – như "Phục dựng điện Kính Thiên", dựng lại "Hệ thống thủy văn thời An Dương Vương" quanh khu vực Cổ Loa, trước đó mấy tháng là Nhà hát Opera trên Hồ Tây… chúng đều có dự chi tới hàng ngàn tỷ đồng, khiến nhiều người chợt giật mình, vì những vụ việc động trời này ứng nghiệm với lời cảnh báo gay gắt của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng qua vở kịch Vũ Như Tô được sáng tác năm 1943.

 

Trong tác phẩm, Vũ Như Tô là môt nghệ sĩ kiến trúc tài hoa, giàu tinh thần dân tộc, tính khí ngay thẳng không chịu nhún mình trước cường quyền. Khi ông vua bạo tàn chỉ biết hưởng lạc là Lê Tương Dực giao nhiệm vụ xây dựng Cửu Trùng Đài làm chốn ăn chơi cho bạo chúa, nghệ sĩ đã kiên quyết từ chối. Nhưng Đan Thiềm – một cung nữ ngưỡng mộ tài năng của Vũ Như Tô đã thuyết phục ông rằng: công trình mà ông xây dựng sẽ có thể "tranh tinh xảo với hóa công", sẽ trường tồn, điểm tô xứng đáng cho đất nước. Nghe theo lời khuyên của Đan Thiềm, ông đã dốc toàn tâm toàn ý để thiết kế một tòa lâu đài "bền vững như trăng sao", với ước mong giữa cõi trần có thể xuất hiện một chốn bồng lai tiên cảnh khiến người người thán phục, ngưỡng mộ. Song công trình này vô tình đã gây ra bao đau khổ, mất mát cho nhân dân khiến lòng dân oán thán, căm ghét. Quận công Trịnh Duy Sản đã dấy binh, lôi kéo thợ làm phản. Khi biết tin binh biến, nhìn thấy sự hung hãn của dân bạo loạn, Đan Thiềm giục ông đi trốn, nhưng Vũ không nghe vì tự thấy mình không có tội. Cuối cùng, khi Lê Tương Dực bị giết, Đan Thiềm bị bắt, quân khởi loạn đốt Cửu Trùng Đài thành tro bụi, Vũ Như Tô mới đau đớn vĩnh biệt Cửu Trùng Đài!

 

Với tấn bi kịch của Vũ Như Tô, nhà văn muốn đề cập đến một vấn đề mang tính triết lý nhân sinh sâu sắc, đó là mối quan hệ máu thịt giữa cuộc đời và nghệ thuật. Ông cảnh báo: một khi người nghệ sĩ chân chính đi ngược lại quyền lợi nhân dân, thì tài năng và mơ ước cao đẹp cuối cùng sẽ bị hủy diệt.

 

Nhưng, nếu đem so sánh cái công trình kiến trúc của người nghệ sĩ giàu tinh thần dân tộc Vũ Như Tô nọ với những dự án hôm nay mà nhà văn-bác sĩ Trần Thanh Cảnh diễu là “đem hàng ngàn tỷ đồng làm đồ giả ngắm chơi” thì quả là ép uổng, và chính những người “vẽ” ra mấy cái “đồ giả” với mục đích giải ngân và chia chác nhau đó cũng sẽ phải thấy xấu hổ!

 

Ông Trần Thanh Cảnh đã vạch rõ: Thành Cổ Loa vốn gắn với nhà nước Âu Lạc và vị vua An Dương Vương cùng câu chuyện tình huyền sử Mỵ Châu – Trọng Thủy. Đến nay đọc thư tịch còn sót lại, chỉ thấy ít dòng mù mờ, hầu như không có mô tả nào cụ thể về quy mô, hình dáng, kích thước, bố phòng… của thành. Trên thực địa, cũng chỉ còn vài gò đất mơ hồ, được coi là tường thành sót lại. Vậy muốn phục dựng thì căn cứ vào đâu mà làm? Chắc là vẽ đại, làm đại đi, rồi muốn ra sao, thành gì thì thành! Miễn là giải ngân 1480 tỷ kia xong là OK!

 

Còn Điện Kính Thiên trong Hoàng thành Hà Nội cũng vậy. Vốn được xây dựng từ thời Lê. Đến thời Nguyễn điện đã bị hạ giải đem đồ mộc vào Huế làm, còn sót lại mỗi đôi rồng đá như ta thấy hiện nay. Thời Pháp, bọn thực dân san bằng luôn cả thành Hà Nội. Thời nay, hồi chống Mỹ quân đội lập tổng hành dinh trong đó, đào bới đục phá tứ tung hết lên. Đọc trong sách báo thư tịch thời Lê – Trịnh – Nguyễn cũng chẳng tìm thấy bóng dáng điện Kính Thiên đâu: chắc cha con rủ nhau vào kinh thành Huế, copy vài cái điện nhà Nguyễn về vẽ thêm râu ria rồi trưng ra, dựng lên! Sao mà chả được, cốt tiêu cho hết 1800 tỷ là OK!

 

Tổng số 3280 tỷ đồng mà đem đi làm đồ giả cổ để xoa tay ngắm chơi thì quả bái phục cái độ ăn chơi của các quan đất thủ đô!… Tiêu xong số 3280 tỷ, đảm bảo các quan no ấm nhiều đời: đồ (giả) cổ nó là vô giá (trị) nhé! Bảo 3280 tỷ cũng được, mà 328 tỷ cũng xong! Bởi thế, chỗ ngon ăn thế tội gì không xơi?”.

 

Còn mấy tháng trước, khi Đồ án quy hoạch xây dựng nhà hát Opera được tung hô rầm rĩ nào là xứng tầm với Thủ đô, quy hoạch đẹp, chi tiết, với quy hoạch không gian kiến trúc cảnh quan bán đảo Quảng An trở thành đô thị văn minh, nào là đã được gần 100% người dân đồng thuận, thì những cư dân bị ảnh hưởng trực tiếp trong việc xây dựng một nhà hát Opera tại ngõ Đầm Trị và khu vực xung quanh, gồm 196 hộ dân lại phản đối quy hoạch này. Theo cư dân tại đây, UBND quận Tây Hồ tổ chức lấy ý kiến ngày 15/7 nhưng nhiều người dân phản ánh họ không biết, không được mời tham gia. Chính vì vậy, thông tin gần 100% người dân đồng thuận là không đúng, gây bức xúc cho người dân có đất bị ảnh hưởng trực tiếp nếu triển khai quy hoạch. Ngoài ra cư dân cũng băn khoăn việc lập dự án xây dựng nhà hát ở Đầm Trị và dự án xây dựng nhà cao tầng 58 Tây Hồ liệu có phá vỡ cảnh quan Hồ Tây? Một số người dân cũng cho rằng, cơ sở hạ tầng, không gian Hồ Tây không đủ xây dựng các công trình lớn, nhưng đồ án quy hoạch không có đánh giá tác động môi trường ảnh hưởng đến Hồ Tây, cũng như các làng nghề truyền thống, các di tích lịch sử, tâm linh tại khu vực này. Người dân cũng bày tỏ sự lo lắng đồ án thiếu rõ ràng về loại đất đang sử dụng (đất phi nông nghiệp, đất có sổ…) nhưng trên quy hoạch lại thể hiện là đất công… (Theo: https://vov.vn/xa-hoi/do-an-quy-hoach-ban-dao-quang-an-ha-noi-con-nhieu-y-kien-khac-nhau-post960239.vov).

 

Dân Hà Nội và cả nước chắc đều không thể quên cái cảnh hoang tàn thê thảm của Bảo tàng Hà Nội, Làng Văn hóa các Dân tộc Việt Nam, Trường quay Cổ Loa, … Cùng với những công trình mới nọ chúng chắc chắn sẽ “xú danh xứng tầm” với hàng chục công trình cỡ hàng ngàn tỷ của các tập đoàn kinh tế Nhà nước đang mọc rêu, thở hắt, đắp chiếu chờ thanh lý bán sắt vụn!

 

Trong vở kịch Vũ Như Tô vừa nói trên, có nhân vật thái tử Chiêm Thành, anh ta nói với người thợ Chiêm Thành như sau: “Nước ta bại chỉ vì nay làm đền, mai đẽo tượng, rút cục cả vua lẫn dân chết vì đền đài; còn họ (Dân Việt – NAT chú thích) chỉ nai lưng khơi sông, đắp đê, khai khẩn ruộng hoang, cho nên dân họ đông, nước họ mạnh, người họ hùng cường”. Câu thoại rất thấm thía này có thể đem nhắn với những người, những cấp đã duyệt hay chuẩn bị duyệt nguồn kinh phí khổng lồ để tạo ra những “đồ giả” khủng nọ, biết đâu họ sẽ giật mình nghĩ tới phản ứng của phần đông dân chúng, trong đó có hàng chục triệu lao động nghèo đang chạy ăn từng bữa cầm hơi sau đại dịch Covid-19, những số phận vất vưởng ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa đang chống chọi với mưa lũ, hạn hán, đường sụt lở, cầu trôi để giành giật từng cân sắn từng bắp ngô với thú hoang!

 

https://drive.google.com/uc?id=1K9ZnQQDkiYpONWTMYgsHrkMoejyxkdeC

Cô giáo mầm non Mai Thị Yến, huyện Yên Minh – Hà Giang ngày 3/5/2023 trên đường trở lại trường sau kỳ nghỉ lễ bị rơi xuống vực. Ảnh trên mạng.

 

 

N.A.T.

Tác giả gửi BVN





No comments: