Friday, May 19, 2023

LỤC ĐỤC NGÂN SÁCH MỸ CẢN TRỞ THAM VỌNG CỦA BIDEN Ở CHÂU Á - THÁI BÌNH DƯƠNG (Thu Hằng / RFI)

 



Lục đục ngân sách Mỹ cản trở tham vọng của Biden ở châu Á-Thái Bình Dương

Thu Hằng  -  RFI

Đăng ngày: 18/05/2023 - 15:15Sửa đổi ngày: 18/05/2023 - 15:17

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20230518-l%E1%BB%A5c-%C4%91%E1%BB%A5c-ng%C3%A2n-.....ACnh-d%C6%B0%C6%A1ng

 

Từ khi lên nắm quyền, tổng thống Joe Biden luôn khẳng định « Hoa Kỳ đã trở lại ». Chuyến công du châu Á-Thái Bình Dương trong khuôn khổ thượng đỉnh G7, khai mạc ngày 19/05/2023 tại Hiroshima, lẽ ra là cơ hội để ông thực hiện cam kết « có mặt trên mọi mặt trận », nhưng Washington lại gây thất vọng khi nguyên thủ Mỹ hủy chuyến công du Papua New Guinea, không dự thượng đỉnh với các đảo quốc ở Thái Bình Dương, do khủng hoảng về mức trần nợ công giữa chính phủ và Quốc Hội.

 

https://s.rfi.fr/media/display/79aaecf0-f57d-11ed-ad95-005056a90321/w:980/p:16x9/AP23138362060073.webp

Tổng thống Mỹ Joe Biden và thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida họp song phương ngày 18/05/2023, trước cuộc họp thượng đỉnh G7 ở Hiroshima, Nhật Bản. AP - Kiyoshi Ota

 

Theo Reuters, « Nga và Trung Quốc là hai con voi lớn tại thượng đỉnh G7 ». Song song với cuộc gặp của các nhà lãnh đạo 7 nền công nghiệp phát triển nhất thế giới, Washington muốn thuyết phục và tìm kiếm thêm hậu huẫn từ Ấn Độ và các đảo quốc ở Thái Bình Dương để kiềm chế hai đối thủ đó. Nhưng tình hình nội bộ lại cản trở những tham vọng của chủ nhân Nhà Trắng.

 

Ông Joe Biden buộc phải hủy chuyến công du Papua New Guinea, nơi mà lẽ ra ông sẽ đi vào lịch sử vì là tổng thống đương nhiệm đầu tiên của Hoa Kỳ đến một đảo quốc nhỏ ở Thái Bình Dương. Đây cũng được coi là một chặng quan trọng để Washington xây dựng niềm tin ở khu vực mà Bắc Kinh luôn tìm cách gia tăng ảnh hưởng và hiện diện quân sự.

 

Papua New Guinea đã cho nghỉ lễ thứ Hai 22/05 để tiếp nguyên thủ Mỹ cùng với 18 nhà lãnh đạo các đảo quốc Thái Bình Dương. Do đó, quyết định hủy chuyến công gây tác động xấu đến uy tín của Mỹ và có thể bị cho là « xem nhẹ » những đảo quốc nhỏ nhưng giữ vai trò ngày càng lớn trong chiến lược mở rộng ảnh hưởng của cả Washington và Bắc Kinh.

 

« Đối với Papua New Guinea, đây là một vấn đề lớn và họ sẽ thất vọng », theo nhận định của nhà phân tích Mihai Sora, Viện Lowy ở Sydney, Úc, được Reuters trích dẫn. Tổng thống James Marape cho biết chính quyền Papua New Guinea sẵn sàng ký một hiệp định an ninh quan trọng với Hoa Kỳ và một thỏa thuận khác cho phép chiến hạm Mỹ tuần tra trong vùng biển của nước này. Hiện giờ, ông James Marape vẫn chưa bình luận về thông tin ông Biden hủy chuyến công du.

 

Ngoài ra, nguyên thủ Mỹ cũng mất đi cơ hội trình bày trực tiếp với 18 nhà lãnh đạo tại thượng đỉnh ngày 22/05 về những cam kết của Washington đối với khu vực. Ông cũng mất đi cơ hội nâng tầm quan trọng chiến lược của một số nước đối tác vì không thể dự lễ ký thỏa thuận Compact of Free Association (COFA) mới với Palau, Micronesia, sắp tới là với quần đảo Marshalls. Ba đảo quốc này lần lượt ký với Mỹ thỏa thuận COFA lần đầu tiên trong thập niên 1980 để được bảo đảm về quốc phòng, hỗ trợ kinh tế và đổi lại Mỹ được phép tiếp cận những vùng chiến lược rộng lớn ở Thái Bình Dương.

 

Khi hủy chuyến công du Thái Bình Dương, ông Biden cũng không đến Úc như dự kiến. Thượng đỉnh Bộ Tứ - QUAD (gồm 4 nước Mỹ, Nhật Bản, Úc, Ấn Độ) cũng bị hủy. Chuyến công du cấp nhà nước của nguyên thủ Mỹ có ý nghĩa lớn với Úc, một đồng minh của Washington nhưng cũng là đối tác kinh tế, quốc phòng trong khuôn khổ thỏa thuận AUKUS cung cấp tầu ngầm hạt nhân.

 

Ông Joe Biden cũng sẽ có ít thời gian trao đổi với thủ tướng Ấn Độ hơn. Ông Nadrendra Modi được mời dự G7 mở rộng, sẽ một mình đến thăm Papua New Guinea. Trong số đối tác, Ấn Độ là nước không lên án cuộc xâm lược của Nga ở Ukraina. Người đứng đầu ngành ngoại giao châu Âu Josep Borrell chỉ trích New Delhi lách các biện pháp trừng phạt để mua dầu thô giá rẻ của Nga, lọc rồi bán lại cho Liên Hiệp Châu Âu với giá cao hơn nhiều. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (AIE), khối lượng dầu được Ấn Độ nhập khẩu từ Nga đã tăng gấp 22 lần.

 

Nhà Trắng không ngừng đưa ra những tuyên bố trấn an, xoa dịu các đối tác và khẳng định tổng thống Mỹ sẽ gặp tất cả các bên bên lề thượng đỉnh G7. Không họp được QUAD, ông Joe Biden mời thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi thăm Mỹ ngày 22/06. Thủ tướng Úc cũng nhận được lời mời tương tự. Các nhà lãnh đạo Thái Bình Dương cũng được mời họp thượng đỉnh tại Washington trong năm nay. Cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng, ông Jack Sullivan, nhấn mạnh đây sẽ là lần thứ hai chỉ trong vòng 12 tháng, một cuộc họp thượng đỉnh như vậy được tổ chức, dù vẫn chưa có lịch cụ thể.

 

Tháng 09/2022, ông Joe Biden đã tiếp lãnh đạo của khoảng 10 nước vùng Thái Bình Dương ở Nhà Trắng. Mỹ cam kết một chiến lược mới hỗ trợ việc chống biến đổi khí hậu và an ninh hàng hải ở trong vùng. Đại sứ quán Mỹ cũng đã được mở ở Salomon và Tonga, dự kiến tiếp theo là ở Kiribati. Tuy nhiên, Mỹ vẫn bị « lép vế » trước Trung Quốc : Chủ tịch Tập Cận Bình đã ba lần công du khu vực, trong đó đến Papua New Guinea năm 2018.

 

-----------------------------

.

.

Tổng thống Mỹ Biden rút ngắn chuyến công du châu Á, Úc hủy thượng đỉnh Bộ Tứ QUAD

Minh Anh  -  RFI

Đăng ngày: 17/05/2023 - 12:24

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20230517-t%E1%BB%95ng-th%E1%BB%91ng-m%E1%BB%B9-biden-r%C3%BAt-ng....BB%A9-quad

 

Tuy nhiên, thủ tướng Úc cho biết là lãnh đạo các thành viên Bộ Tứ - QUAD, gồm Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc và Ấn Độ - sẽ hội đàm với nhau kiến vào cuối tuần này tại Nhật Bản, sau khi kết thúc cuộc họp khối G7.  

 

Nguyên nhân là tổng thống Mỹ phải rút ngắn thời gian công du châu Á. Các cuộc đàm phán về nâng trần nợ ở Mỹ chưa đạt được đồng thuận sau cuộc họp giữa tổng thống Mỹ và các lãnh đạo đảng Cộng Hòa và Dân Chủ.  

 

Thông tín viên đài RFI, Guillaume Naudin tại Washington giải thích thêm : 

 

« Ông Joe Biden sẽ không đến Úc và Papua New Guinea vào tuần tới. Tổng thống rút ngắn chuyến công du vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương và chỉ sẽ tham dự thượng đỉnh G7 ở Nhật Bản. Vì ông phải trở về Washington ngay từ ngày Chủ Nhật.  

 

Đây là hệ quả cụ thể nhất của cuộc họp hôm thứ Ba 16/5. Đối với phần còn lại, lập trường của các bên vẫn còn nhiều cách biệt, ngoại trừ một điểm : Việc Mỹ mất khả năng thanh toán là điều không thể nghĩ đến, trái với những gì Donald Trump tuyên bố cách nay một tuần.  

 

Về điểm này, tất cả mọi người đều nhất trí, kể cả ông Kevin McCarthy. Chủ tịch Hạ Viện Mỹ rất muốn nâng trần nợ nhưng với điều kiện có được những nhượng bộ về ngân sách từ chính phủ Liên bang. Ông Joe Biden và đảng Dân Chủ không muốn gắn hai vấn đề này với nhau và đây chính là điều xảy ra.  

 

Các cuộc đàm phán sẽ tiếp tục trực tiếp giữa các nhóm cố vấn của tổng thống và đại diện phe đa số Cộng Hòa ở Hạ Viện. Ông Kevin McCarthy thậm chí tin rằng có thể đạt được một thỏa thuận từ nay đến cuối tuần.  

 

Một trong số những điểm khó nhất của cuộc đàm phán nằm trong phần các nghĩa vụ của những người được thụ hưởng trợ cấp xã hội của Liên bang . Đây là lằn ranh đỏ đối với cánh tả trong đảng Dân Chủ. Dù vậy, phản ứng này ít đáng lo ngại hơn so với những cảnh báo từ giới doanh nghiệp về những hậu quả thảm khốc có thể gây ra do mất khả năng thanh toán. »  

 

Reuters cho biết tuy thượng đỉnh QUAD bị hủy, nhưng thủ tướng Úc khẳng định cuộc gặp song phương giữa hai lãnh đạo Ấn – Úc vẫn được duy trì. Úc và Ấn Độ, tuy không là thành viên của G7 nhưng đã được mời dự thượng đỉnh của nhóm 7 nền công nghiệp phát triển, diễn ra tại Hiroshima, Nhật Bản từ ngày 19-21/05/2023. 

 





No comments: