'KHU
RỪNG" VĂN HỌC MIỀN NAM TRƯỚC 1975
Hậu
Kc Nguyễn (Hậu Khảo cổ)
Sau năm 1975, nhiều người
lần đầu vào Sài Gòn đã choáng váng khi nhìn thấy cuộc sống của thành phố này:
nhà cửa, xe cộ, quần áo và hàng ngàn loại vật dụng sinh hoạt... mà hầu như gia
đình nào ở Sài Gòn cũng có, nhưng khi đó ở miền Bắc chỉ có thể nhìn thấy vài thứ
trên phim ảnh “Liên xô”, thậm chí có thứ chưa từng biết đến như TV, tủ lạnh, đồ
dùng trong toilet... Có thể đọc những cảm nhận nhận này qua hồi ký của một số
người nổi tiếng mới xuất bản gần đây.
Giữa năm 1975 gia đình tôi – một gia đình miền
Nam tập kết ra Bắc năm 1954 - đoàn tụ ở Sài Gòn. Những tháng đầu cả nhà ở tạm
trong một căn phòng tại cơ quan của ba tôi (là một biệt thự trên đường Trần Quý
Cáp). Trong căn phòng chừng hơn 30m vuông có một tủ sách lớn dựng suốt một bức
tường. So với tủ sách đơn sơ của nhà tôi ở Hà Nội được đóng bằng những mảnh gỗ
tạp, cũng chứa đầy sách, thì cái tủ sách “vĩ đại” này đã thỏa mãn ước mơ lớn nhất
của tôi khi ấy! Tôi đã bỡ ngỡ và sung sướng làm sao khi trên đó đầy ắp các loại
sách truyện, tạp chí... còn phía dưới giá sách là một dàn AKAI với một cuốn
băng đang nghe dở “Sơn ca 7”. Đây là cơ duyên đầu tiên của tôi với văn học miền
Nam và với nhạc Trịnh Công Sơn.
Từ cái tủ sách đó giờ rảnh rỗi tôi chỉ ôm sách
đọc ngấu nghiến, đầu tiên là sách văn học. Lâu rồi tôi không nhớ hết tác giả và
tác phẩm, nhưng tôi còn nhớ các tác giả Duyên Anh, Nhã Ca, Nguyễn Thị Hoàng,
Nguyễn Thụy Long, Hồ Trường An, Bình Nguyên Lộc, Chu Tử, Hoàng Hải Thủy, Bà
Tùng Long, Ngọc Linh, Nguyễn Thị Thụy Vũ... Vài tác giả chuyên sáng tác chuyện
miền Tây như Hồ Biểu Chánh, Sơn Nam, An Khê, Lê Xuyên... Những tác giả của Tự lực
văn đoàn mà ngoài Bắc chỉ giới thiệu rất ít... Ngoài ra còn nhiều truyện dịch
mà ba tôi rất thích, chị tôi mê mải với Quỳnh Dao còn anh tôi thì nghiền Kim
Dung...
Từ năm 1976 vào học đại học Văn khoa tôi còn
được bạn bè giới thiệu và cho mượn sách của các tác giả Mai Thảo, Nguyên Sa, Tô
Thùy Yên, Thanh Tâm Tuyền, Võ Phiến, Nguyễn Mạnh Côn, Doãn Quốc Sỹ... lúc này
đã bị cấm lưu hành. Rồi khi nhiều thư viện “thanh lý” sách xuất bản tại Sài Gòn
trước 1975 ba tôi đã xin được mấy thùng sách về lịch sử của Kim Định, Nguyễn
Duy Cần, Nguyễn Đăng Thục, các bộ sử thời Nguyễn... Thế giới văn học của tôi trở
nên rộng mở và cũng mang đến cho tôi bao điều mới mẻ, cả những nỗi hoài nghi mà
tôi phải mất nhiều năm mới giải đáp được.
Lúc đầu tôi không thích lắm vì phần lớn là loại
“tiểu thuyết gia đình” với tựa sách gợi cảm và hình bìa nhiều màu sắc, cốt truyện
thường đơn giản, xoay quanh những cuộc tình éo le không lối thoát do thân phận,
do cuộc chiến, nhiều tình tiết “lâm ly bi đát” giống tuồng tích cải lương khi ấy.
Đọc xong không để lại ấn tượng gì ngoài một kết thúc buồn, hiếm khi nào “có hậu”.
Phải chăng sự thật về chiến tranh luôn hiện diện trên báo chí truyền thông làm
cho xã hội bất an, cuộc chiến ngấp nghé bên ngoài đô thành đã làm cho con người
mất niềm tin vào tương lai?
Nhưng rồi, dần dần một thế giới mới đến với
tôi, rất khác với các tác phẩm văn học tôi từng đọc ở miền Bắc. Từ cao sang đến
nghèo hèn, từ quan chức tướng lĩnh đến công chức, buôn gánh bánh bưng, thế giới
của các tay anh chị, tướng cướp hay gái điếm... tất cả đều hiện diện trong văn
chương, không loại trừ “kiêng cữ” một ai. Trong nhiều tác phẩm không có ai thật
tốt hoặc thật xấu, nhưng ở vào thời điểm khó khăn thì họ đều bộc lộ phần nhân
văn ẩn sâu bên trong... Vì vậy, dù kết thúc buồn nhưng vẫn mang lại cho người đọc
cảm xúc đẹp về tình người.
Các tác phẩm về cuộc chiến thực sự khốc liệt,
trần trụi, ác liệt... hầu như không có bóng dáng của “lý tưởng cao đẹp” trong mỗi
người lính mà chỉ thấy đầy ắp nỗi nhớ gia đình, nhớ quê hương, tình đồng đội...
Cũng không thiếu vắng cái chết đau đớn của những người lính, nỗi đau giằng xé của
vợ góa con côi, nhưng ước mơ một ngày giản dị bên gia đình, bên “người yêu bé
nhỏ” khi đã “tàn cơn binh đao”... là hy vọng sống sót cho những người lính trận.
Bởi vì, khi cuộc chiến kết thúc thì người lính lại trở về làm dân, nếu may mắn
không “xanh cỏ” thì cũng có mấy ai được “đỏ ngực”.
Để lại nhiều ấn tượng với tôi là các tác phẩm
của Duyên Anh như: Dzũng Đakao, Vết thù trên lưng hoang, Điệu ru nước mắt; của
Nhã Ca: Truyện cho những cặp tình nhân, Thành phố buồn, Đêm nghe tiếng đại bác,
Giải khăn sô cho Huế. Truyện của Nguyễn Thị Hoàng rất lạ với tôi như: Vòng tay
học trò, Tuổi Sai Gon. Còn Nguyễn Thụy Long hay nhất là Loan mắt nhung. Đặc biệt
là "Mùa hè đỏ lửa” của tác giả Phan Nhật Nam hay bộ ba tập “Đường đi không
đến” của nhà văn “chiêu hồi” Xuân Vũ... Tôi đặc biệt thích Bình Nguyên Lộc với
các công trình biên khảo công phu của ông và những trang tản văn, tùy bút đẹp đến
nao lòng...
Tuy nhiên, cái hấp dẫn tôi nhất chính là mỗi
tác giả có phong cách riêng, dễ nhận biết qua chủ đề, cốt truyện và ngôn ngữ.
Nhà văn Nam bộ hóm hỉnh, giản dị câu chữ, nhà văn miền Bắc sắc sảo, bóng bẩy,
nhà văn là nhà báo thì sinh động, trực diện... Ngôn ngữ vùng miền, phương ngữ
được sử dụng phổ biến. Cả một xã hội phân hóa sâu sắc, phong phú, đa dạng và
cũng khắc nghiệt, tàn nhẫn như cuộc sống hiện ra, thôi thúc tôi tò mò tìm đọc
và luôn ngạc nhiên mỗi khi bước vào “khu rừng” văn học miền Nam khi ấy.
Đặc biệt sách văn học cho tuổi thanh thiếu
niên rất nhiều, có lẽ nổi bật nhất là Tủ sách Tuổi Hoa. Sách Tuổi Hoa chia làm
ba loại: Hoa Đỏ, Hoa Xanh và Hoa Tím. Tôi còn nhớ sách Hoa Đỏ là loại trinh
thám, phiêu lưu, mạo hiểm. Hoa Xanh thuộc loại tình cảm nhẹ nhàng. Hoa Tím đã
xuất hiện tình yêu giữa nam nữ một cách trong sáng. Dấu hiệu thân thuộc của tủ
sách là bông hoa tám cánh giản dị và xinh xắn.
Cũng phải nói đến những tiệm cho thuê sách và
cửa hàng sách cũ luôn là nơi hấp dẫn với tôi chứ không phải là cửa hàng thời
trang hay mỹ phẩm. Tôi còn nhớ hoài có bạn học người Sài Gòn khá kỳ thị tôi bởi
cái giọng Hà Nội 75 và trang phục giản dị có phần “hổng giống ai”. Một lần
không biết có việc gì bạn đến nhà tôi, nhìn thấy tủ sách bạn rất ngạc nhiên vì
bên cạnh những cuốn sách tôi mang từ Hà Nội về là rất nhiều sách xuất bản tại
Sài Gòn. “Nhà Việt cộng mà cũng có sách như nhà ngụy à?!” nhưng từ đó thái độ của
bạn với tôi khác hẳn. Đặc biệt bạn bắt đầu đọc và rồi cũng thích nhiều tác phẩm
văn học của miền Bắc.
Văn học miền Nam trước 1975 đa dạng và phong
phú về tác giả, thể loại, khuynh hướng, trường phái... Đó là nhờ sự khai phóng
của môi trường xã hội nói chung và môi trường sáng tác nói riêng, sự cởi mở của
giới cầm bút chấp nhận những thử nghiệm, sáng tạo, tinh thần tự do dân chủ của
giáo dục – nhất là giáo dục đại học. Những tác phẩm văn học tôi đọc tuy còn ít ỏi
nhưng đủ để nhận biết giá trị nhân văn của một nền văn học, qua đó là hiểu biết
về xã hội và con người miền Nam trong cuộc chiến vừa qua. Điều đó góp phần giúp
tôi dần thoát khỏi định kiến mặc cảm về “bên này – bên kia, thắng – thua, ta –
địch” mà nhiều người cùng thời với tôi còn đang mang nặng trong lòng.
(repost bài phỏng vấn của nhà báo Đinh Quang
Anh Thái)
Hình : https://www.facebook.com/photo/?fbid=6917169551631840&set=a.626469194035272
SINH HOẠT VĂN HỌC MIỀN NAM TRƯỚC 1975, GHI CHÉP
NHỮNG Ý NGHĨ RỜI - ĐINH QUANG ANH THÁI
.
No comments:
Post a Comment