Giới
thiệu sách Bùi Huy Tín với Thực Nghiệp Dân Báo và Tràng An Báo
Hà Dương Tường
04/05/2023 11:08
Bùi Huy Tín
với Thực Nghiệp Dân Báo và Tràng An Báo
Một cuốn sách hay
Hà Dương Tường
Thân tặng Đặng Tiến (*)
Chủ đề của cuốn sách là doanh nhân Bùi Huy Tín, một nhân vật nổi tiếng của
Việt Nam nửa đầu thế kỷ 20, và hai tờ báo mà ông sáng lập, làm chủ nhiệm, cũng
nổi tiếng không kém, nhưng vì lý do nào đó mà cả con người và sự nghiệp của ông
ít nhiều đã bị lãng quên trong trí nhớ tập thể hiện nay.
Tác giả sách là nhà nghiên cứu sử Trần Viết Ngạc, nguyên giáo sư Đại học Sư Phạm TPHCM. Trang mạng của Đại học này (đề ngày 25/03/2011) cho thấy
ông có một danh mục 43 tác phẩm, cả sách và bài nghiên cứu khoa học trước năm
2001, nhưng tới nay ông vẫn nghiên cứu và viết sách, báo. Chẳng hạn, ngoài
cuốn đang được giới thiệu (Nxb Hồng Đức 2023), báo Tuổi Trẻ ngày 23/07/2020 có bài phỏng vấn ông nhân cuốn
sách "Góp nhặt - Tìm hiểu lịch sử Việt" (Nxb Hội nhà văn) mới ra đời.
Tác giả sách : Nhà nghiên cứu sử Trần Viết Ngạc
*
Sách dày 280 trang khổ 16x28cm, mở ra với Lời
giới thiệu của nhà sử học Dương Trung Quốc, gồm 6 chương và một Phụ lục.
Chương 1, theo nhận xét của ông Dương, chỉ
trong 10 trang (không kể cả 6 trang hình ảnh), người ta được biết về
"Thân thế và sự nghiệp" của Bùi Huy Tín "nhiều hơn tất cả những
gì đã được viết (về nhân vật này) trong những ấn phẩm đã xuất
bản". Trước hết, ông là một doanh nhân thành đạt, một nhà thầu uy tín
với những công trình xây dựng hạ tầng cơ sở của nhiều tuyến đường sắt ngay từ đầu
thế kỷ 20, với nước suối Vĩnh Hảo, nhiều đồn điền ở Bắc và Trung bộ, nổi tiếng
là người giàu thứ tư ở Bắc bộ... Bạn đọc có thể xem toàn chương đã được đăng
trên Diễn Đàn thế kỷ từ trước khi sách được xuất bản.
Tuy nhiên, như tên sách cho thấy, đó không phải
là khía cạnh được tác giả nhấn mạnh trong sự nghiệp của nhân vật rất đáng được
ghi danh vào sử sách này.
Phần chính của sách, các chương II - VI, từ
trang 23 đến trang 187, được dành cho hai tờ báo mà ông là sáng lập viên, đồng
thời là linh hồn trong suốt quãng thời gian đầy biến động mà chúng tồn tại. Tờ Thực
nghiệp Dân báo (gọi tắt là Thực nghiệp), từ tháng 2.1930 đến
tháng 6.1935, và tờ Tràng An báo với phiên bản tiếng
Pháp, La Gazette de Huế, ra đời đầu tháng 3.1935, ba tháng trước
khi Thực nghiệp đình bản, và sống tới đầu năm 1945 tuy bản
thân ông Bùi Huy Tín "do tuổi cao" đã phải bán lại đứa con tinh thần
của mình vào giữa năm 1942 cho một người Pháp, bà Lucie Saillard.
Thực nghiệp được
khảo sát trong bốn chương II-V. Chương II trình bày chung về tờ báo, hình thức
và những nội dung chính, được ghi trên măng-sét : "Cơ quan hữu ích về đường
phổ thông, về việc truyền bá học thuật, tư tưởng và âm tín, về việc nghiên cứu
và tổ chức mọi việc của vạn gia Thực nghiệp" (tr.27), và như tác giả chỉ
ra, dù không công bố nhưng rõ ràng tờ báo tự cho mình nhiệm vụ Khai dân trí và
Chấn dân khí của Phan Châu Trinh. Ngoài những bài về kinh tế, báo có nhiều bài
lược khảo về các quốc gia trên thế giới, và đáng chú ý là đã đăng toàn bộ bản dịch
cuốn Vạn pháp tinh lý (De l'Esprit des Lois) của Montesquieu. Bản dịch của Kiềm
Thu được đăng trong 133 số báo, liên tiếp từ ngày 9/12/1927 đến 30/6/1928. Theo
tác giả, "Thực nghiệp vẫn là tiếng nói của giới công thương
nghiệp, của các nhà tư sản bản xứ", nhưng từ năm 1925 đến 1930, nhiều sự
kiện chính trị quan trọng đã diễn ra trên đất nước, và tờ báo đã dành nhiều bài
vở cho chúng.
Cụ thể, chương III thống kê các bài vở
chung quanh phong trào đòi trả tự do cho nhà chí sĩ Phan Bội Châu bị Pháp
bắt cóc ở Trung Quốc và đưa ra toà Đề hình xét xử (ngày 23/11/1925).
"Trong hai tháng rưỡi, từ ngày chính quyền đưa nhà ái quốc ra toà Đề hình
(từ(...), 34 số báo Thực nghiệp đăng tin tức toà án, phản ánh
dư luận trong toàn quốc cùng các bài xã luận của độc giả, của đồng nghiệp, Thực
nghiệp đã trở thành tờ báo quan trọng nhất, đóng góp nhiều nhất cho phong trào
đòi trả tự do cho Phan Bội Châu". Tác giả cũng nhấn mạnh tới loạt
bài tường thuật của Nhượng Tống Hoàng Phạm Trân, đăng liên tiếp trong 4 số báo,
với gần 13 cột báo, khoảng 5.500 chữ , và trích đăng một số đoạn của nhà báo mới
21 tuổi này trong gần 3 trang sách (từ tr.58 tới 60).
Chương IV giới thiệu hoạt động của Thực
nghiệp trước và trong những ngày lễ tang Phan Châu Trinh. Trước,
"như một tiên cảm"; tờ báo đã dành 6 số trong tháng 1.1926 để đăng
hai bài diễn thuyết (Đạo đức và luân lý đông tây, Quân trị và Dân trị chủ
nghĩa). Từ ngày 26/3/1926, khi được tin cụ Phan qua đời cho đến ngày
31/3, lễ tang được tiến hành ở Sài Gòn, rồi những lễ truy điệu được tổ chức
khắp nước, khép lại là lễ truy điệu trong hai ngày 8 và 9/4 ở Hà Nội, Thực nghiệp
liên tiếp có bài tường thuật và đăng lại những bài điếu văn tiêu biểu. Cuốn
sách cũng đăng lại ba bài điếu văn, của Phan Bội Châu (trong lễ truy điệu
tại Huế), Ngô Đức Kế và Bùi Kỷ trong lễ truy điệu tại Hà Nội.
Chương V, nói về vai trò của Thực nghiệp đối
với vụ khởi nghĩa Yên Báy và những sự kiện tiếp theo,"kéo dài hơn 7
tháng" kể từ ngày cuộc khởi nghĩa nổ ra (10/2/1930). Tuy nhiên, nếu ở
đầu trang 92, tác giả cho biết trong thời gian ấy tờ báo đã đăng "83
bài và tin nếu không kể tin 84, ngày 9/3/1931", thì trong "thống
kê" tiếp theo ông chỉ kể ra (tít bài báo và tóm tắt nội dung) 69 bài,
trong đó 68 bài đầu là từ 10/2/1930 đến ngày 7/7/1930 rồi nhảy sang bài thứ 69
là bản tin ngày 9/3/1931. Mấy dòng sau đó (tr.152), ông cũng nhắc lại :
"Vậy là từ ngày 10/2/1930 khi cuộc khởi nghĩa bắt đầu cho đến ngày
9/3/1931, thời gian hơn một năm với 321 số báo, Thực nghiệp Dân báo đã đăng tất
cả 69 bài và tin về cuộc khởi nghĩa Yên Báy và các tỉnh ở Bắc Kỳ...".
Bỏ qua khác biệt về những con số ấy (dù vì lý do gì, cần được chỉnh sửa trong lần
tái bản tới), người đọc có thể thấy qua những tường thuật của báo (trên sách là
tóm tắt như đã nói, dài ngắn khác nhau) diễn biến của cuộc khởi nghĩa, phản ứng
của nhà cầm quyền Pháp - chủ yếu là đàn áp, bắt bớ và xử phạt nặng nề, với
rất nhiều án tử hình -, cũng như tinh thần bất khuất của những nhà cách mệnh
mà tên tuổi được ghi lại. Vài bài đáng chú ý: bài Tường trình việc biến động ở
Yên Báy trên số báo ra ngày 8/3/1930, tường thuật phiên toà đề hình thứ nhì ở
Yên Báy trên số báo ngày 29/3/1930, với các câu trả lời toà của Nguyễn Thái Học,
Phó Đức Chính, Nguyễn Thị Bắc..., hay bài Cô Giang tự tử trên số báo ngày
22/6/1930. Có thể nói như tác giả cuốn sách: Thực nghiệp Dân báo đã làm
được một công việc lớn là vinh danh các người con hào hùng của dân tộc, khắc
sâu hình ảnh của họ trong lòng độc giả... (in đậm trong sách, tr. 254). Đây
cũng là chương dài nhất trong sách (64 trang).
Nhưng chương VI, giới thiệu Tràng An
báo và phiên bản tiếng Pháp của nó mới cho người đọc thấy nhiều hơn về
đam mê làm một tờ báo học thuật của Bùi Huy Tín. Tác giả cho biết tuy Tràng An
báo ra đời 15 năm sau Thực nghiệp, nhưng ông đã ấp ủ nó ngay từ khi
thành lập nhà in Đắc Lập ở Huế năm 1920 : đồng thời với việc cho ra đời tờ Thực
nghiệp ở Hà Nội ông đã tâu lên vua (Khải Định) là "nên lập
một báo quán ở Kinh đô nhưng các quan tỏ ra ngần ngại vì cho rằng có quá
ít độc giả" (tr.15). Nhưng, cũng ở Huế năm 1927 cụ Huỳnh
Thúc Kháng đã cho ra đời tờ Tiếng Dân, huy động được nhiều trí thức tên tuổi
như Đào Duy Anh, Hải Triều, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Diểu… và chủ động
được về tài chánh nhờ sự ủng hộ rộng rãi của nhiều cổ đông. Và theo tác giả,
khi Thực nghiệp sống ngắc ngoải trong hai năm cuối, "có
thể là do người sáng lập Bùi Huy Tín đang gắn bó với Huế và muốn ra mắt ở Huế tờ
báo mà mình ấp ủ từ lâu" (tr.155). Tuy chỉ được tóm gọn trong một
chương so với 4 chương dành cho Thực Nghiệp, Tràng An báo được
giới thiệu một cách tổng quát hơn, với nhiều thông tin hơn về nội dung và công
việc của toà báo. Chẳng hạn, trong suốt 4 chương II-V, người ta chỉ biết Thực
nghiệp do hai nhà công thương hàng đầu ở Bắc kỳ lúc đó là Bùi Huy Tín
và Nguyễn Hữu Thu sáng lập, "với sự cộng tác của một trí thức, ông Bùi
Đình Tá" (tr. 23). Không có tên chủ bút, cộng tác viên cũng chỉ một người
được nói tới nhiều lần là Nhượng Tống qua loạt bài tường thuật phiên toà xử
Phan Bội Châu - và một chú thích (tr.47) cho biết ông đã viết cho Thực
nghiệp 25 bài trong năm 1924, 52 bài trong năm 1925, không có thêm
thông tin nào khác. Một tên tuổi lớn của làng báo Việt Nam thời đó là Phan
Khôi, độc giả cũng chỉ biết là ông "cũng đã từng cộng tác với Thực
nghiệp" trong phần giới thiệu Tràng An báo mà ông là
chủ bút. Ở đây, bên cạnh Phan Khôi, tác giả cũng kể tên "một đội ngũ biên
tập và cộng tác hùng hậu" gồm những người như Hoài Thanh, Nam Trân, Trần
Thanh Mại, Thanh Tịnh, Lưu Trọng Lư, Lê Tràng Kiều, Phan Khoang, Bùi Ái, Phan
Thị Nga... (tr.169). Cuộc tranh luận giữa Hoài Thanh với Hải Triều trong 4 số
báo và "diễn đàn nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân
sinh" với Lê Tràng Kiều và Lưu Trọng Lư cũng được ghi lại. Tác giả cũng
không quên nhắc lại những bài báo quyết liệt "phủ định" Nam triều
của Phan Khôi, và nhân đó, khẳng định nguyên tắc làm báo của chủ nhiệm Bùi Huy
Tín là tất cả các bài báo trên Tràng An, bất cứ là do ai viết,
ông là người chịu trách nhiệm và đồng tình với tác giả : "Ông Phan
Khôi viết những bài nói động chạm đến các nhà tai mắt, nhưng chúng tôi có bằng
lòng thì các bài ấy mới được đăng chớ. Nói một cách khác, thái độ
ông Phan Khôi trên báo Tràng An tức là thái độ của báo Tràng An và thái độ của
tôi vậy" (tr.163, in đậm trong sách). Một thái độ đầy tinh thần trách
nhiệm mà dĩ nhiên người ta không còn có thể thấy ở các báo "cùng chung một
tổng biên tập" hiện nay !
Phần Phụ lục hơn 100 trang gồm
một bài viết của Bùi Huy Tín nhân "nhị thập chu niên Đắc Lập ấn
quán", Lời chào ra mắt tờ La Gazette de Huế kèm bản dịch của Phạm Thị Anh
Nga và vài bài khác nói về Bùi Huy Tín của con gái (nhà văn Bùi Bích Hà, hiện
đã qua đời) cũng như của vài cây bút khác.
Nói tóm lại, dù chưa phải là một chuyên khảo
thật đầy đủ về doanh nhân - trí thức Bùi Huy Tín và hai tờ báo
mà ông sáng lập, cuốn sách là một đóng góp đáng quý của tác giả, sử gia Trần Viết
Ngạc, vào việc tìm hiểu nhân vật lịch sử có vị trí quan trọng này, mà sử sách
hiện tại cho tới nay vẫn chưa chú ý và nhất là trân trọng (chữ của ông Dương
Trung Quốc) đúng mức. Cũng như đối với nhiều nhân vật khác của thời kỳ Pháp thuộc
nói chung. Không nói đâu xa, chẳng hạn như các ông Bạch Thái Bưởi, Nguyễn Hữu
Thu, Hoàng Trọng Phu, cùng với Bùi Huy Tín là bốn đại gia của Bắc Kỳ trong câu
"Nhất Bưởi, nhì Thu, tam Phu, tứ Tín" mà tác giả nhắc lại nhiều lần
trong sách. Liệu có thể tin rằng, cũng như cuốn sách này, những tác phẩm tương
tự về các nhân vật ấy sẽ sớm vượt qua bộ lọc của Tuyên giáo để đến với bạn đọc?
Hà Dương Tường
(*) Tác giả Trần Viết Ngạc đã gửi tặng sách
cho nhà phê bình Đặng Tiến, nhờ chị BTP mang sang Pháp và chị P. lại nhờ người
viết bài này gửi xuống Orléans cho anh. Nhưng anh Tiến lúc ấy đang nằm viện, đã
có nhã ý cho người viết mượn đọc trước, "lúc nào khoẻ tôi sẽ đọc
sau". Sau khoảng 10 ngày, sách đã được gửi về Orléans trả lại
anh cùng với bản thảo đầu tiên của bài viết này, không biết anh đã có dịp
đọc chưa. Nay Anh đã đi xa, xin đăng bài viết nhỏ này như một nén hương tưởng
nhớ tới Anh.
No comments:
Post a Comment