Chó
cậy nhà, đảng viên cậy Bác
Lâm Công Tử -
Saigon Nhỏ
6 tháng 5, 2023
https://saigonnhonews.com/thoi-su/viet-nam/cho-cay-nha-dang-vien-cay-bac/
Đã hơn 10 ngày kể từ ngày 24 Tháng Tư khi Tòa án Huyện Hưng Nguyên, tỉnh
Nghệ An tuyên cô giáo Lê Thị Dung 5 năm tù theo cáo buộc “Lợi dụng chức vụ, quyền
hạn khi thi hành công vụ.
https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/05/co-dung.jpg
Cô giáo Lê Thị Dung (Dân Việt)
Cáo trạng cho biết từ
ngày 1 Tháng Mười 2012 đến năm 2017, cô giáo Dung trong cương vị Bí thư Chi Bộ,
chủ tài khoản của Trung tâm Giáo dục Thường xuyên huyện Hưng Nguyên (nay là
Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp- Giáo dục Thường xuyên) đã chủ trì xây dựng quy
chế chi tiêu nội bộ và áp dụng dù chưa được cấp Sở thông qua; dẫn đến chi sai
nguyên tắc, hưởng lợi số tiền gần 45 triệu đồng.
Bản án âm thầm diễn ra rất
ít người biết mãi cho tới khi một đồng nghiệp của cô Dung là cô Phạm Cầm Thu
lên tiếng bênh vực cho cô rồi một giáo viên nay đã bỏ phấn về nhà là nhà văn
Thái Hạo viết trên trang Facebook của
mình thì thiên hạ mới bắt đầu chú ý, đã chú ý thì người xem ngày một nhiều và
tràn lan ra khắp nơi. Cơn giận mỗi ngày một gia tăng bởi tính chất vụ việc chứng
tỏ đây là vụ án nhằm trả thù một con người chứ không phải tái lập công lý.
Cô Lê Thị Dung không phải
là thường dân, trước khi bị kỷ luật khiển trách và tiếp theo là lãnh án tù 5
năm, là đảng viên, Bí thư chi bộ, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp –
Giáo dục thường xuyên. Chức vụ ấy, dù nhỏ nhưng do đảng cử lại bị trù dập một
cách công khai từ một lệnh hành chính cho thấy sự xem thường pháp luật của những
đảng viên tại Hưng Nguyên, nơi có gia đình bác Hồ nổi tiếng khắp thế giới, nơi
không thiếu đảng viên trung kiên một lòng vì đảng. Cùng là đảng viên như nhau
nhưng cô Dung bị trù dập sát ván có lẽ do không chịu nghe lời bên trên, có lẽ
do cô tin vào sự chính trực của đảng sẽ sản xuất ra những đảng viên trung thực
như cô, và cô đã lầm.
Cô lầm khi từ chối chấp
nhận một người được bên trên giới thiệu tới cơ quan do cô quản lý để sắp xếp
người ấy vào làm việc trái với khả năng của người ấy. Vậy là bên trên không hài
lòng và bắt đầu chứng tỏ quyền lực.
Bất kể tại mình “tuyển dụng
chui” rồi đẩy người về cho Trung tâm, trong khi nơi này đã đủ giáo viên, và ép
giám đốc (cô Dung) phải nhận người, Sở Giáo dục Nghệ An giận dữ vì cô Dung
không ký hợp đồng không thời hạn, đã kỷ luật cô Dung mà không dựa trên bất cứ
cơ sở nào. Cô Dung khiếu nại, UBND tỉnh Nghệ An thừa nhận cô Dung đúng, nhưng lạ
thay, án kỷ luật vẫn không bị thu hồi và cô Dung tiếp tục khiếu nại.
Đến ngày 16 Tháng Chín
2021 thì cô giáo Lê Thị Dung đã làm đơn tố cáo Ban thường trực huyện ủy Hưng
Nguyên nhiệm kỳ 2015-2020 về nhiều nội dung, gửi lên Bí thư tỉnh ủy Nghệ An. Lạ
thay sau đơn khiếu nại ấy mỗi ngày cô Dung bị cách ly nhiều hơn với đồng nghiệp
để cuối cùng bị bắt, bị tạm giam tới một năm trước khi ta tòa.
Báo chí không ít lần nhắc
tới vụ này nhưng cả một hệ thống từ tòa án, Viện kiểm sát tới UBND huyện Hưng
Nguyên đều phớt lờ không hề lên tiếng xác minh hay phản biện. Người trong cuộc
cho rằng vụ án có thể bị quên đi khi mọi chuyện đã vào chung cuộc với bản án 5
năm, nhưng họ không ngờ dư luận trên mạng xã hội đã đánh động chính quyền cấp
cao hơn cho tới khi nhận được phản ứng. Từ lâu người dân không còn tin tưởng
báo chí nữa mà họ tự tin vào mình và cộng đồng mạng hơn. Sức mạnh của mạng xã hội
sẽ không để yên cho những đảng viên tự kết nạp mình vào một nhóm kiểu sứ quân
nhằm thao túng pháp luật, kể cả thứ pháp luật hổ lốn và dễ bị bóp méo, vo tròn.
Tòa án Hưng Nguyên tự vả
vào mặt mình khi đuổi cả hai luật sư bào chữa cho cô Lê Thị Dung như những
phiên xử phản động. Có lẽ tòa cho rằng không thi hành lệnh trên là phản động và
xứng đáng bị trừng phạt? Đổi lại, tự bào chữa tại tòa, cô Dung nói:
“Có người nói tôi rút đơn đi
[chính là lá đơn tố cáo nói trên], không có là lệnh bắt này! Như vậy, ngay từ đầu
đã có sự xây dựng để kết tội. Trước xét xử cũng tiếp tục hỏi và định mức án cho
tôi là 5 năm. Đã xét xử đâu, đã biết đúng sai đâu nhưng vẫn mức án bỏ túi 5
năm! Căn cứ buộc tội thì không đúng pháp luật, trình tự tố tụng sai phạm từ đầu
đến cuối, nhưng vẫn bất chấp luật, vẫn kết tội… Khủng khiếp quá”.
Không đúng, phải gọi là
dã man mới đúng. Cái dã man của loại luật pháp thời Trung cổ chỉ biết xử theo cảm
tính và phe phái. Cái dã man của thứ luật pháp vừa thiếu trí tuệ lại không có
lương tri xem con người như những con cờ hay tệ hơn, những đối tượng cần bị tra
tấn bằng tù ngục vì tự ái, vì ham muốn đến điên cuồng quyền lực.
Tòa án huyện Hưng Nguyên,
Nghệ An, đã tận dụng triệt để sự lỏng lẻo trong các quy định của luật, để tuyên
án cô 5 năm tù giam, chỉ vì cô “làm thất thoát”, trong gần chục năm, hơn 45 triệu
đồng. Luật của kẻ mạnh bao giờ cũng dã man và ngu xuẩn. Trong khi những nơi
khác xảy ra nhiều vụ án gần như bóp nghẹt lòng tin của nhân dân lại chỉ có mức
án nhẹ nhàng đến bất ngờ thì tại Hưng Nguyên, những tội danh được gán ghép lên
người cô giáo Lê Thị Dung xem ra khôi hài đến kỳ quặc. Vụ án của cô khiến người
dân liên tưởng tới vụ án hai con vịt bị xử bảy năm và một ổ bánh mì bị xử một
năm trước đây, những vụ án làm lòng căm thù Tòa án ngày càng sâu hơn trong dân
chúng.
Cô Dung nghe theo lời ông
TBT Nguyễn Phú Trọng hành xử đúng như một người cộng sản chân chính khi chống lệnh
cấp trên nhét chui biên chế nhân sự vào cơ quan của cô một cách bất hợp pháp
đáng lẽ là hành động đúng đắn và đáng vinh danh sao lại làm ngược lại với “tinh
thần Hồ Chí Minh” mà cả nước đang hướng tới? Phải chăng bọn đảng viên tại Hưng
Nguyên cho rằng không ai dám làm gì chúng vì cái nôi sinh trưởng của Hồ Chủ tịch
sẽ không có ngoại lệ nào được xảy ra kể cả ông Trọng, người chủ lò nổi tiếng?
Trên báo Tuổi
Trẻ, tiến sĩ Vũ Văn Tính – giảng viên khoa pháp luật của Học viện Hành
chính quốc gia – cho rằng hội đồng xét xử đã áp dụng sai pháp luật. Theo ông
Tính, dù không được tiếp xúc trực tiếp với hồ sơ vụ án, nhưng đọc qua bản cáo
trạng (và đặt giả thiết các hành vi của cô giáo Dung bị truy tố là đúng, số tiền
cô Dung chiếm đoạt là đúng) thì ông vẫn nhận thấy hội đồng xét xử phiên tòa sơ
thẩm đã áp dụng sai pháp luật.
Để trả lời cho ông “thầy”
dạy pháp luật, Chánh án TAND
huyện Hưng Nguyên vẫn khẳng định đanh thép: “Nếu cô Dung nhận tội, thành khẩn
khai báo và nộp trả lại số tiền đã nhận thì lúc đó sẽ có ba tình tiết để giảm
nhẹ”.
“Chó cậy nhà, gà cậy vườn”
là câu ngạn ngữ mà người xưa dùng để mô tả bọn cậy vào quyền lực hay sức mạnh của
người khác. Trong tình hình này có lẽ huyện ủy Hưng Nguyên của quê “bác” đã bất
kể pháp luật, dám vung tay răn đe một con người có thể gọi là cứng rắn phải
chăng đang cậy vào nơi sinh trưởng của “Bác Hồ”?
No comments:
Post a Comment