Xôn xao chuyện linh mục
được thụ phong ở Vinh, từng là người của ông Vũ Nhôm
Thứ Năm, 09 tháng 02, 2023 - 11:32 — tuankhanh
https://www.rfavietnam.com/node/7521
Đầu tháng Hai 2023, giới Công giáo thạo tin
trên các trang mạng tiếng Việt hết sức bất ngờ trước hình ảnh tiết lộ một vị
linh mục Việt Nam được Giáo phận Maasin, Giáo hội Phi Luật Tân phong chức,
tại nhà thờ chánh toà Maasin. Lễ thụ phong cho thấy sự kiện diễn ra hôm 7 Tháng
Hai 2022.
Thoạt đầu, chuyện tưởng chừng là niềm vui,
nhưng sau đó là những điều nghi hoặc ập tới, bởi vị linh mục được thụ phong có
tên là Hồ Hữu Hòa, không ai khác hơn là ông thầy phong thủy trong vụ án của
Phan Văn Anh Vũ ở Đà Nẵng. Trong vụ án gây nhiều xôn xao, kết thúc vào năm
2021, Hồ Hữu Hòa là người được trả tự do ngay tại tòa vì “thành khẩn khai báo”
mọi chuyện hối lộ giữa Phan Văn Anh Vũ – tự Vũ Nhôm (Chủ tịch HĐQT Công ty cổ
phần Xây dựng Bắc Nam 79) và Nguyễn Duy Linh (Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Tình
báo, Bộ Công an), khiến một người chịu 14 năm tù và một người chịu 30 năm tù.
Được biết chuyện ông Hồ Hữu Hòa đột nhiên học
hết kinh sách làm linh mục chỉ trong một năm, và sau đó, được thư từ Giáo phận
Vinh, gửi sang Phi Luật Tân để nhận lễ chịu chức khiến ai nấy đề bất ngờ. Ngay
sau khi có lời bàn tán, video lễ thụ phong của ông Hòa bị gỡ khỏi Facebook của
địa phận Maasin, nhưng các hình ảnh rải rác được giáo dân tập hợp, cho thấy vào
mùng 5 Tết, thánh lễ Tạ Ơn Mừng Hồng Ân Vĩnh Khấn Nữ Đan Sĩ: Maria Augustino
Nguyễn Thị Nga của Giáo xứ Tân Lộc, ông Hồ Hữu Hoà ngồi hàng đầu cùng các linh
mục đồng tế khác.
Linh mục Đinh Hữu Thoại có viết trên trang của
mình điều nghi vấn của ông về Hồ Hữu Hòa, là việc thụ chức linh mục bất thường
này, đã “lọt qua mắt của hàng ngàn giáo dân và các Linh mục Gp Vinh mà không gặp
trở ngại nào, là do trước đó không có rao phong chức như thông lệ Giáo luật yêu
cầu (GL 1043 và 1051)”.
Hiện Giáo phận Vinh chưa
có tiếng nói nào về những phát hiện này; thậm chí ngay cả Giám mục Giáo phận
Vinh Anphong Nguyễn Hữu Long, người giới thiệu cho Hồ Hữu Hòa chịu chức ở
Phi Luật Tân – cũng im lặng. Cuộc trò chuyện ngắn sau đây với linh mục Đặng Hữu
Nam có thể hé lộ đôi điều về sự kiện này.
·
Chào cha Đặng Hữu Nam, trường hợp đào tạo nhanh, thụ
chức nhanh của linh mục Hồ Hữu Hòa, đang được nhiều người bàn tán, đặc biệt khi
ông ta được đồn đoán là một người có dính líu đến giới an ninh ở Đà Nẵng…
Chuyện này có đủ bất thường và bình thường,
nhưng nếu nhìn theo nhãn quan của Công giáo với giáo luật thì nó cũng có bất
thường. Nếu xét về các quy chuẩn để được làm linh mục, giáo luật bắt đầu từ điều
1008, thì việc phong chức cho linh mục Hồ Hữu Hòa chưa phù hợp với các điều khoản
của giáo luật, thì đó là một điều nghịch thường. Nhưng ngược lại, điều bình thường
là Giám mục cũng có quyền phong chức cho bất cứ ai, mà không cần căn cứ vào điều
khoản nào.
Trên thực tế, với niềm tin và phụng sự thì
không thể có định kiến. Người ta có câu “Mỗi thánh nhân đều có một
quá khứ, mỗi kẻ tội đồ đều có một tương lai”. Biết đâu từ sai lầm
trong quá khứ, con người lại muốn phục thiện và làm điều tốt đẹp từ ơn Cải hoán
của Chúa thì sao? Lịch sử Công giáo có nhiều trường hợp như vậy. Thánh Alfonso
tạo dựng Dòng Chúa Cứu Thế chẳng hạn, ngài cũng đầy những lỗi lầm trước khi đến
với Chúa. Nên nếu nói về trường hợp của linh mục Hồ Hữu Hòa, tôi nhìn từ cả hai
chiều thì thấy, có những điều bất thường không hợp với giáo luật, và có những
điều bình thường từ sự tự nhiên, nếu như đó là Chúa chọn con người.
·
Dường như câu chuyện về linh mục Hồ Hữu Hòa thật ra
đã có lời bàn từ hơn năm trước, khi có ý kiến cho rằng đã thấy ông Hòa khi ấy
đang học linh mục ở Sài Gòn. Và dường như Cha cũng có đã có lần lên tiếng về
chuyện này?
Câu chuyện lúc đó là tôi yêu cầu đính chính về
thông tin ông Hồ Hữu Hòa đang đi học linh mục ở Học viện Đa Minh và Học viện
Phanxicô ở Sài Gòn. Tôi còn nhớ là ông Thái Văn Đường có đưa tin về chuyện ông
Hòa được một dòng gửi đi học, nhưng chính xác là ông Hòa được một vị giám mục
giới thiệu đi học, và học với tư cách cá nhân, không thuộc dòng nào cả. Nên nói
ông được một dòng tu nào, hay nói Giáo phận Vinh gửi đi là không chính xác. Vì
như vậy là như xin vào học để hiểu biết, chứ không phải là thành viên của Giáo
hội Việt Nam được gửi đi đào tạo để làm linh mục.
Nên nhớ rằng học vấn của Giáo hội được nhiều
người bên ngoài nghiên cứu, xin theo học, và có cả những quan chức Ban Tuyên
giáo hoặc sĩ quan an ninh tôn giáo xin học để tìm hiểu. Nên cần nói rõ ở đây để
tránh hiểu lầm.
Nói tóm lại, linh mục Hồ Hữu Hòa chưa bao giờ
là chủng sinh, chưa bao giờ là ứng viên được chọn để đào tạo chính thức của
Giáo phận Vinh. Ông cũng chưa bao giờ tham gia một dòng tu nào để được gọi là
tu sĩ.
·
Nhưng hiện nay, thời gian gọi là tu học để làm linh
mục rất ngắn – chỉ có khoảng một năm – của linh mục Hồ Hữu Hòa, đang được bàn
tán rất nhiều. Liệu ông ta có những dấu hiệu xuất sắc bất ngờ của một người học
đạo và được ai đó trong Giáo phận Vinh làm chứng, đặc cách gửi đi cho thụ chức ở
Phi Luật Tân?
Đó cũng là một những ý kiến giáo dân xôn xao,
vì tính trong thời gian được trả tại tòa vụ ông Phan Văn Anh Vũ, thì ông Hồ Hữu Hòa
được học và thụ phong rất nhanh. Khi sự việc xảy ra, tôi có vào trang mạng
của Giáo phận Maasin, Giáo hội Phi Luật Tân thì tìm thấy thông tin người giới
thiệu, đưa ông Hồ Hữu Hòa đi thụ chức linh mục là Giám mục An Phong Nguyễn Hữu
Long. Ngài Giám Mục viết ủy nhiệm thư sang Giáo phận Maasin để cho ông Hồ Hữu
Hòa được nhận lễ thụ phong linh mục. Ngài Giám mục còn ủy nhiệm cho linh mục
Giêrađô Nguyễn Nam Việt sang Phi Luật Tân cùng ông Hồ Hữu Hòa để giúp trả lời
những chất vấn của Giáo phận Maasin về lễ nghi và ứng viên Hồ Hữu Hòa.
·
Thưa Cha, về mặt nghi lễ của Công giáo, thì việc
làm lễ thụ phong linh mục ở Phi Luật Tân có khác biệt gì với ở Giáo phận Vinh?
Và vì sao phải đưa đến tận Phi Luật Tân để làm lễ?
Theo Giáo luật, nếu là linh mục của Giáo phận
thì phải làm lễ tại Giáo phận, vì đây là một việc rất hệ trọng. Nhưng vì hoàn cảnh
tu học và vấn đề địa lý, đôi khi việc ủy nhiệm cho một giáo phận nào đó phong
chức, cũng không phải là ngoại lệ.
Nhưng trong sự kiện của linh mục Hồ Hữu Hòa
thì nó có những vấn đề bất thường: Bởi ông Hòa không tu học ở Phi Luật Tân, mà
được đưa từ Việt Nam sang đó để thụ chức. Có những bình luận suy đoán rằng ông
Hòa được đưa sang đó để nhận chức linh mục, nhằm tránh những sự điều tiếng về
chuyện trở thành linh mục quá nhanh của ông.
·
Với những điều mô tả, như vậy thì rốt cuộc là bây
giờ linh mục Hồ Hữu Hòa thuộc giáo phận nào, thưa Cha?
Lúc này thì có thể xác định rằng linh mục Hồ Hữu
Hòa là người của Giáo phận Vinh, vì đã có sự tiến cử của Giám mục Giáo phận. Chỉ
có điều là việc thụ phong linh mục này không nhiều người biết. Từ sau Tết Nguyễn
Đán, sự có mặt của linh mục Hồ Hữu Hòa ở một số thánh lễ khiến giáo dân, tu sĩ…
bàn tán về sự có mặt của ngài. Chính thức thì về sau này, linh mục Hồ Hữu Hòa
có được đưa đi làm việc ở đâu hay như thế nào, thì cũng tùy thuộc vào ngài Giám
mục An Phong Nguyễn Hữu Long.
·
Dạ xin được hỏi Cha một câu hỏi cuối. Trong ý niệm
mà Cha trình bày rất thú vị, là Thiên Chúa có thể vẽ một đường thẳng trên một
đường cong để tìm thấy và hoán cải tính cách con người; Vậy thì trong bối cảnh
của thế giới ngày càng hỗn loạn hôm nay, tín ngưỡng bị thao túng, những đứa con
của Thiên Chúa không dễ tìm được người chỉ có Chúa trong tim – có hay không những
người sẵn sàng vẽ những đường cong trên những đường thẳng, để làm những công việc
của mình?
Trong lịch sử tồn tại của Công giáo, việc con
người vẽ những đường cong trên những đường thẳng của Thiên Chúa, là đã xảy ra rồi.
Trong nhãn quan chung của cá nhân tôi, không
nhắm riêng vào ai, chuyện gì, thì chuyện vẽ những đường cong – như là một cách
bách hại, tôi đã thấy. Chẳng hạn như ở Trung Quốc, tôn giáo bị coi như là một
thế lực đối đầu và cần phải bị tiêu diệt. Thế giới hôm nay không còn tiện cho
việc giết chóc nữa, nên có rất nhiều thủ thuật trong việc biến tôn giáo trở
thành công cụ cho thế quyền. Tinh vi hơn, tôn giáo hôm nay bị làm cho tha hóa.
Quyền lực duy vật làm xói mòn niềm tin vào Thiên Chúa. Tha hóa sẽ biến các hình
thức nghi lễ ngày càng nhịp nhàng hơn như trống rỗng tâm linh. Tha hóa sẽ biến
các vị chức sắc, lãnh đạo xa rời với các tiêu chuẩn của lời nguyện phục vụ
Thiên Chúa. Và cuối cùng khi tín đồ nhìn thấy những điều đó, họ chán nản và từ
bỏ. Cứ nhìn vào Trung Quốc sẽ thấy rõ: Các vị lãnh đạo bị khống chế và chỉ còn
biết làm theo ý chính quyền.
Dạ xin cám ơn Linh mục về cuộc trò chuyện.
No comments:
Post a Comment