Friday, February 3, 2023

TRUY TÌM CĂN NGUYÊN của CUỘC CHIẾN TRANH GIỮA NGA và UKRAINE (Tạ Hoàng Tấn)

 



TRUY TÌM CĂN NGUYÊN của CUỘC CHIẾN TRANH GIỮA NGA và UKRAINE

Tạ Hoàng Tấn

23/08/2022 vào lúc 05:37

https://nghiencuuquocte.org/forums/topic/truy-tim-can-nguyen-cua-cuoc-chien-tranh-giua-nga-va-ukraine/

 

Thế giới chúng ta đang phải chứng kiến một sự kiện lịch sử trọng đại có tính bước ngoặt: Cuộc chiến tranh đang diễn ra giữa Nga và Ukraine. Tính bước ngoặt của cuộc chiến tranh này thể hiện ở chỗ, đây là lần đầu tiên, kể từ khi kết thúc Chiến tranh thế giới lần thứ hai cho đến nay (gần 80 năm), một cuộc chiến tranh trực diện với quy mô lớn giữa hai quốc gia đã xảy ra tại châu Âu — vùng đất của hòa bình và thịnh vượng trong bao nhiêu năm nay.

 

       Cuộc chiến tranh này ngay từ đầu đã thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế, thể hiện qua nỗ lực hỗ trợ Ukraine chống lại sự xâm lược của Quân đội Nga đến từ nhiều quốc gia trên thế giới. Chính phủ nhiều nước đã dành cho Ukraine sự hỗ trợ đa dạng và kịp thời: Từ viện trợ quân sự, tiếp tế hậu cần, trợ giúp nhân đạo cho đến việc chính phủ các nước này sẵn sàng áp đặt các lệnh trừng phạt nghiêm khắc nhất để chống lại Chính quyền Nga, nhằm hỗ trợ cho cuộc chiến đấu của quân dân Ukraine đang diễn ra trên thực địa.

 

Và, như là một hệ quả tất nhiên, những lời chỉ trích, thóa mạ, mỉa mai từ khắp nơi trên thế giới đã tập trung hướng đến người có trách nhiệm cao nhất đối với cuộc chiến tranh này: Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin. Tuy nhiên, những lời mà mọi người phê phán Tổng thống Putin thì có điều đúng, có điều sai và cũng có cả những điều, mà nếu chúng ta suy xét kỹ, chỉ là sự đặt điều vu khống!

 

      Vấn đề đặt ra ở đây là: Liệu cuộc chiến tranh xâm lược mà người Nga đang tiến hành chống lại Ukraine là một cuộc chiến tranh xuất phát từ sự ngẫu hứng mang tính nhất thời của Tổng thống Putin hay đây là một cuộc chiến tranh xuất phát từ logic lịch sử và địa chính trị của nước Nga mà bất kỳ một vị tổng thống nào của quốc gia này cũng buộc phải thực hiện?

 

      Để có thể trả lời chính xác câu hỏi này thì chúng ta cần phải có một sự hiểu biết khái quát về lịch sử của nước Nga cũng như hoàn cảnh địa chính trị mà quốc gia này đã và đang phải đối mặt.

 

.

1. Sự sụp đổ của Kievan Rus và sự tái thống nhất đất nước của người Nga 

 

       Khác với nhiều quốc gia cựu thành viên của Liên bang Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Xô viết (Liên Xô), vốn không có những mối liên hệ chặt chẽ về mặt lịch sử và văn hóa với nhau; ba nước Nga, Ukraine, Belarus lại có chung một cội nguồn: Quốc gia liên minh Kievan Rus (nước Nga Kiev).

        Quốc gia này của tộc người Rus (người Nga cổ) thuộc nhánh Đông Slav được hình thành vào khoảng cuối thế kỷ IX với Kiev (thủ đô của Ukraine ngày nay) là trung tâm. Người dân của Kievan Rus đã quy thuận theo Chính thống giáo Đông phương và tôn giáo này sẽ trở thành một nhân tố quan trọng tạo nên sự thống nhất quốc gia cũng như là một động lực chính yếu chi phối đời sống văn hóa của quốc gia này.

       Tuy nhiên, sau hơn ba thế kỷ tồn tại và phát triển, vào giữa thế kỷ XIII, quốc gia này đã sụp đổ trước cuộc xâm lăng của Quân đội Mông Cổ. Batu (Bạt Đô) — thống soái tối cao của đạo quân xâm lược Mông Cổ, là con trai của Truật Xích và là cháu nội của Thành Cát Tư Hãn — đã biến các vùng đất của Kievan Rus thành chư hầu của mình và xây dựng nên một đế chế hùng mạnh cho riêng mình, thường được biết đến với tên gọi là Kim Trướng Hãn Quốc (Golden Horde).

       Sự thống trị của người Mông Cổ đối với các vùng đất của Kievan Rus đã làm cho quốc gia này có một sự dịch chuyển về mặt cấu trúc. Nếu trước kia, khi nhà nước Kievan Rus còn tồn tại, Kiev là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của đất nước thì khi nhà nước này sụp đổ, Kiev cũng đã tự đánh mất vai trò của mình. Trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của người Rus (người Nga cổ) đã dịch chuyển lên phía Bắc. Các đô thị ở phía Bắc như Novgorod, Pskov, Moskva (Moscow) đã nổi lên thay thế vai trò của Kiev để trở thành những trung tâm mới về chính trị, kinh tế, văn hóa của người Rus.

        Đặc biệt là, sự trỗi dậy mạnh mẽ và đầy cảm hứng của Moskva đã có một tác động vô cùng trọng đại đối với lịch sử phát triển của các tộc người Rus (người Nga cổ). Vùng đất xa xôi hẻo lánh này ở phương Bắc của Kievan Rus đã gánh vác trách nhiệm phục hưng các di sản của Kievan Rus, bị tản mát sau cuộc xâm lăng của Quân đội Mông Cổ. Và, những người Rus cư trú ở Moskva đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh được lịch sử giao phó. Những người Rus cư trú ở Moskva đã trở thành tộc người Nga của nước Nga sau này. Và, họ đã thành công trong việc thu hồi các mảnh vỡ của Kievan Rus và xây dựng nên một quốc gia thống nhất kiểu mới — sự mới mẻ của quốc gia mà tộc người Nga đã xây dựng nên thể hiện ở tính chất trung ương tập quyền cao độ của nó — cho tất cả các con cháu của người Rus khi xưa.

        Thật vậy, Moskva — vốn chỉ là một đô thị nhỏ bé nằm bên cạnh dòng sông Moskva — đã vươn mình phát triển mạnh mẽ để trở thành Đại Công quốc Moskva trong thời Trung cổ (phương Tây thường gọi tên chính thể này là Nhà nước Muscovy). Và, theo dòng thời gian, quá trình mở rộng lãnh thổ và tái chinh phục các vùng đất vốn thuộc Kievan Rus trước kia của đại công quốc này đã biến nó trở thành nước Nga Sa Hoàng, và tiếp theo là Đế quốc Nga; Liên bang Xô viết trước kia và Liên bang Nga hiện nay cũng có thể xem là các quốc gia kế tục của Đại Công quốc Moskva này. Quy mô của các quốc gia thừa kế Đại Công quốc Moskva rộng lớn hơn hàng trăm lần so với lãnh thổ ban đầu của đại công quốc. Điều này có nghĩa là những người thừa kế Đại Công quốc Moskva không chỉ thành công trong việc thu hồi tất cả các vùng đất của Kievan Rus khi xưa, mà họ còn chinh phục thêm được các vùng đất mới. Họ đã thống nhất được tất cả các tộc người có nguồn gốc từ Kievan Rus vào trong một quốc gia thống nhất kiểu mới.

        Câu hỏi đặt ra là: Nếu những người kế thừa Đại Công quốc Moskva đã thống nhất được tất cả các con cháu của người Rus (người Nga cổ) có cùng nguồn gốc từ Kievan Rus vào trong một cấu trúc nhà nước đơn nhất, vậy thì tại sao hiện nay trên thế giới lại tồn tại ba dân tộc Nga, Ukraine và Belarus riêng biệt? Để có thể trả lời câu hỏi này thì chúng ta cần phải có một cái nhìn cận cảnh hơn về lịch sử của Kievan Rus từ sau khi quốc gia này sụp đổ.

       Như chúng ta đã biết, sau khi Kievan Rus sụp đổ và tan rã, hầu hết các vùng đất của quốc gia này đã trở thành chư hầu của người Mông Cổ. Tuy nhiên, hướng đi của mỗi vùng đất lại có sự khác biệt.

        Moskva lúc đầu cũng chấp nhận thần phục người Mông Cổ, nhưng đã nỗ lực tự cường, rồi từng bước thoát ly khỏi sự kiểm soát của người Mông Cổ, để rồi tiến tới lật đổ ách thống trị của họ và giành lấy độc lập cho đất nước mình, sau đó lại tiếp tục thu hồi những mảnh vỡ của Kievan Rus và chinh phục thêm các vùng đất mới để biến mình trở thành cường quốc có lãnh thổ rộng lớn nhất thế giới. Do vậy, chúng ta có thể nói rằng, những người Nga cư trú tại Moskva đã trở thành những người thừa kế xứng đáng của tổ tiên họ là người Rus thuộc Quốc gia Kievan Rus cổ xưa và còn hơn thế nữa.

        Nhưng, khi chúng ta hướng ánh mắt đến phần đất phía Tây của Kievan Rus, thì một thực tế hoàn toàn trái ngược với những gì đã được chứng kiến tại Moskva lập tức hiện ra trước mắt chúng ta. Trong khi những người Nga ở Moskva có được vinh quang tột đỉnh thì những hậu duệ của người Rus (người Nga cổ) cư trú tại những vùng đất mà ngày nay chính là lãnh thổ của hai quốc gia Ukraine và Belarus lại trải qua những trang sử vô cùng bi thương; họ bị rơi vào vòng xoáy đô hộ của ngoại bang trong hàng mấy thế kỷ.

       Sau khoảng một thế kỷ nằm trong vòng ảnh hưởng của Kim Trướng Hãn Quốc, những người Rus (người Nga cổ) cư trú trên những vùng đất mà ngày nay là Ukraine và Belarus lại bị Vương quốc Ba Lan và Đại Công quốc Litva chia nhau thống trị. Tiếp theo, vào khoảng giữa thế kỷ XVI, khi Khối Thịnh vượng chung Ba Lan — Litva được thành lập, họ lại trở thành thần dân của quốc gia mới này.

       Mãi đến cuối thế kỷ XVIII, sau khi Đế quốc Nga phối hợp với Vương quốc Phổ và Đế quốc Áo tiến hành chia cắt Khối Thịnh vượng chung Ba Lan — Litva ba lần (vào các năm 1772, 1793 và 1795) thì người Nga mới đưa được phần lớn lãnh thổ của Ukraine và Belarus vào trong bản đồ đế quốc của mình (một phần lãnh thổ phía Tây của Ukraine lúc này rơi vào tay của Đế quốc Áo). Và, kể từ đó cho đến khi kết thúc Chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1918), Ukraine và Belarus đã trở thành một bộ phận lãnh thổ của Đế quốc Nga.

         Vậy, phải chăng những người kế thừa Đại Công quốc Moskva đã thành công trong việc tái lập Kievan Rus? Nếu xét trên phương diện phục hưng lãnh thổ thì Đế quốc Nga đã làm được điều này, họ đã lấy lại được tất cả các vùng đất của Quốc gia Kievan Rus cổ xưa.

       Tuy nhiên, nếu nhìn trên phương diện con người thì vấn đề cần phải được xem xét lại. Vì sao? Đó là vì, khi những chiến binh Nga của Moskva tiến vào Ukraine và Belarus thì họ đã phải đối mặt với một thực tế quá bẽ bàng đối với họ: Những người anh em cùng chung tổ tiên là người Rus (người Nga cổ) với họ đang cư trú tại Ukraine và Belarus mà họ ngày đêm mong ngóng được gặp lại đã không còn giữ được tính chất Nga nguyên thủy của người Rus nữa, mà họ đã trở thành những con người hoàn toàn khác, người Ukraine và người Belarus.

       Tại sao lại xảy ra hiện tượng này? Đó là vì, như chúng ta đã biết, rằng từ khi Kievan Rus sụp đổ vào giữa thế kỷ XIII cho đến cuối thế kỷ XVIII, một khoảng thời gian kéo dài trên 500 năm, những hậu duệ của người Rus (người Nga cổ) cư trú tại Ukraine và Belarus phải chịu sự thống trị của ngoại bang và bị chia tách với những người Nga ở Moskva (cũng là hậu duệ của người Rus), chính vì thế, những hậu duệ của người Rus tại Ukraine và Belarus đã chịu sự ảnh hưởng của ngoại bang và bị quá trình địa phương hóa chi phối, chính các nhân tố này đã biến họ thành những con người hoàn toàn mới: Người Ukraine và người Belarus.

        Điều này cũng có nghĩa là người Ukraine và Belarus không xem người Nga là những người anh em đến để giải phóng họ, mà chỉ xem người Nga như một thế lực thống trị mới. Vậy, người Nga phải làm gì để có thể tái lập cộng đồng người Rus của Quốc gia Kievan Rus cổ xưa? Câu trả lời là, người Nga đã thực hiện một chính sách Nga hóa toàn diện và có hệ thống đối với các vùng đất của Kievan Rus: Dùng tiếng Nga thay thế các ngôn ngữ địa phương, phổ biến rộng rãi Chính thống giáo Đông phương (vốn là tôn giáo của Kievan Rus), khôi phục các ký ức về Quốc gia Kievan Rus cổ xưa của người Rus… Khách quan mà nói, chính sách Nga hóa của người Nga đã có được những thành tựu nhất định. Điều này có thể được nhìn thấy qua trường hợp của Đại văn hào Nikolay Vasilyevich Gogol.

        Trong nền Văn học Nga, Gogol là một trong những nhà văn vĩ đại và có ảnh hưởng nhất. Các tác phẩm nổi tiếng của ông đều được viết bằng tiếng Nga. Đặc biệt, tác phẩm Những linh hồn chết của ông được xem là tiểu thuyết vĩ đại đầu tiên của nền văn học Nga. Tuy nhiên, điều làm cho mọi người phải bất ngờ là, mặc dù Gogol có đóng góp to lớn cho nền Văn học Nga, nhưng ông lại không phải là người Nga, mà ông là người Ukraine.

       Đọc tiểu sử của ông, chúng ta biết rằng, Gogol được học tiếng Nga từ nhỏ ở quê nhà, ở tuổi trưởng thành, ông đến Saint-Peterburg — thủ đô của Đế quốc Nga — để tìm kiếm cơ hội tiến thân bằng khả năng viết văn của mình. Tại đây, ông đã viết nên những tác phẩm văn học nổi tiếng của mình và xây dựng được những mối quan hệ bền vững với giới văn sĩ Nga, trong đó có hai người rất nổi tiếng là Đại thi hào A.S.Pushkin và nhà thơ Zhukovsky. Hơn thế nữa, thông qua Zhukovsky, vốn là thầy dạy của thái tử nước Nga, ông còn được Hoàng đế Nga Nicholas đệ nhất biết đến. Thậm chí, với sự trợ giúp của những người có ảnh hưởng trong giới tinh hoa Nga, Gogol còn được bổ nhiệm làm giáo sư bộ môn lịch sử thế giới trung đại tại trường Đại học Saint-Peterburg danh giá trong một thời gian ngắn, mặc dù ông không hội đủ điều kiện về mặt chuyên môn.

        Sau khi tìm hiểu kỹ cuộc đời và sự nghiệp của Gogol, chúng ta có thể thấy rằng, mặc dù Gogol là người Ukraine, nhưng ông đã sống như một người Nga đích thực: ông sống chủ yếu tại Saint-Peterburg — thủ đô của Đế quốc Nga; ông nói và viết bằng tiếng Nga; những người bạn gắn bó mật thiết nhất với ông chính là những người Nga; ông cũng đã từng làm việc trong một trường đại học của Nhà nước Nga… Đặc biệt, vào năm 1847, ông đã viết tập tiểu luận Những đoạn chọn lọc từ các lá thư gửi bạn bè, bày tỏ quan điểm muốn bảo vệ chế độ chuyên chế của các Sa Hoàng, chế độ nông nô của nước Nga và Giáo hội Chính thống giáo Nga, càng cho thấy tính chất Nga trong con người ông rõ nét hơn nữa.

       Qua trường hợp của Gogol, chúng ta có thể nhận thấy rằng, một bộ phận người Ukraine (cũng như người Belarus) — đặc biệt là những người thuộc về giới tinh hoa — đã tự xem mình như những người Nga đích thực. Đây có thể xem là mặt thành công của chính sách Nga hóa của các Sa Hoàng (tên thường gọi của các Hoàng đế Nga). Và, đây cũng chính là cơ sở để nhiều người Nga tin rằng họ đã đưa được những người Ukraine (cũng như Belarus) tái hòa nhập vào cộng đồng người Rus, rằng họ đã tái lập thành công Kievan Rus — cả về mặt lãnh thổ cũng như con người, rằng Ukraine là một phần lãnh thổ của nước Nga. Theo sử gia Snyder, người Nga luôn tin rằng: “Ukraine là của chúng ta, mãi mãi là của chúng ta”.[1] Vâng, trong sâu thẳm tâm thức của mình, người Nga luôn xem Ukraine là một phần lãnh thổ của họ (dù hiện tại Ukraine đã là một quốc gia độc lập).

       Chính vì thế, trong bài phát biểu vào ngày 21/2/2022 trước khi Quân đội Nga vượt biên giới tấn công Ukraine, Tổng thống Putin đã tái khẳng định niềm tin này của người Nga như sau: “Tôi muốn nhấn mạnh một lần nữa rằng Ukraine không chỉ là một quốc gia láng giềng đối với chúng ta. Đó là một phần không thể tách rời của lịch sử, văn hóa và không gian tâm linh của chính chúng ta.”.[2] Một lời khẳng định tuy mập mờ nhưng đầy hàm ý.

       Và, hàm ý ấy đã được Tổng thống Putin bộc lộ rõ ràng tại một khung cảnh khác chỉ ít tháng trước đó. Trong một bài viết được đăng tải vào tháng 7/2021, Tổng thống Putin đã tuyên bố rằng: “Người Nga và người Ukraine là một dân tộc — một tổng thể duy nhất.”.[3] Qua câu nói này, chúng ta có thể thấy rằng, vị Tổng thống Nga không thừa nhận người Ukraine là một chủ thể dân tộc độc lập, mà chỉ là một nhóm địa phương của dân tộc Nga; và, do vậy, nếu chúng ta chịu khó suy xét kỹ lưỡng hơn, thì chúng ta sẽ thấy rằng, hệ quả của câu nói này sẽ là, lãnh thổ do nhóm địa phương này — người Ukraine — đang chiếm giữ, cũng không phải là một quốc gia độc lập, mà chính là một bộ phận lãnh thổ của nước Nga.

       Như vậy, thật sự là, đối với người Nga, Ukraine chính là một phần lãnh thổ không thể tách rời của đất nước họ.

 

.

2. Sự ra đời của Ukraine và các tân quốc gia hậu xô viết 

 

        Như vậy, sau khi xem xét kỹ lịch sử Ukraine, chúng ta phải thừa nhận rằng — dù rất dè dặt — quả thật, từ giữa thế kỷ XIII cho đến khi Chiến tranh thế giới lần thứ nhất kết thúc (1918), người Ukraine chưa từng xây dựng được cho mình một quốc gia độc lập. Vậy, quốc gia độc lập mà hiện tại người Ukraine đang sở hữu từ đâu mà có? Phải chăng nền độc lập quốc gia của người Ukraine chỉ mới xuất hiện trong thời gian gần đây? Đúng vậy, nền độc lập quốc gia mà người Ukraine hiện tại đang sở hữu chỉ mới xuất hiện từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ nhất; và, đó là hệ quả từ những món quà có ý nghĩa mà người dân Ukraine (cũng như người dân từ khắp các nước cộng hòa thuộc Liên Xô) đã nhận được từ vị lãnh tụ và người thầy vĩ đại của Cách mạng Nga và giai cấp vô sản toàn thế giới: Vladimir Ilyich Lenin.

       Vậy, những món quà có ý nghĩa gì của V. I. Lenin đã tạo nên nền độc lập quốc gia của Ukraine?

       Như chúng ta đã biết, Ukraine là một bộ phận lãnh thổ của Đế quốc Nga từ cuối thế kỷ XVIII cho đến khi cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ nhất kết thúc (1918). Vì vậy, để có thể trả lời cho câu hỏi trên thì chúng ta cần phải xem xét lại tình hình của Đế quốc Nga trong những năm tháng cuối cùng của nó.

       Năm 1917, khi cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ nhất đã bước vào giai đoạn cuối, trước những khó khăn mà nước Nga đang gặp phải trong cuộc chiến tranh này, tâm trạng của người dân trong Đế quốc đã trở nên vô cùng bất mãn với chính quyền trung ương; chớp lấy thời cơ ấy, V. I. Lenin và các đồng chí Bolshevik của Người (những người cộng sản Nga) đã lãnh đạo giai cấp công nhân và nhân dân lao động Nga làm nên cuộc cách mạng nổi tiếng thế giới — Cách mạng tháng Mười Nga vĩ đại — để xây dựng nên một nhà nước kiểu mới: Nhà nước Xã hội chủ nghĩa.

       Nhà nước này dựa trên một nền tảng ý thức hệ mới — Chủ nghĩa Mác (Marxism) — đối lập hoàn toàn với nền tảng ý thức hệ của hầu hết các nhà nước đương thời và vận hành theo các nguyên tắc hoàn toàn khác biệt, khác với cách vận hành nhà nước của các Sa Hoàng và cũng khác với cách vận hành của các nhà nước đương thời.

       Trong vấn đề dân tộc, khác với các vị Sa Hoàng đứng trên lập trường của chủ nghĩa Đại Nga để xây dựng nhà nước (nghĩa là, đặt người Nga lên trên các dân tộc khác trong Đế quốc và áp bức các dân tộc ấy; do vậy, Đế quốc Nga thường được biết đến với tên gọi là “nhà tù của các dân tộc”), V. I. Lenin và các đồng chí của Người đã xây dựng nhà nước dựa trên nguyên tắc bình đẳng giữa các dân tộc. Do vậy, Người đã ban tặng cho các dân tộc thiểu số trong Đế quốc Nga những món quà rất có ý nghĩa.

      Món quà có ý nghĩa thứ nhất mà V. I. Lenin dành tặng cho các dân tộc thiểu số trong Đế quốc Nga là Người ban cho họ quyền được xây dựng một nhà nước riêng. Người đã cho phép các dân tộc thiểu số ở các vùng ngoại vi của Đế quốc Nga được xây dựng các nhà nước cho riêng mình. Và, đến năm 1922, Người cùng với các đồng chí của mình đã tạo ra một hình thức cấu trúc nhà nước kiểu mới — Liên bang Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Xô viết (Liên Xô) — để các nhà nước địa phương này cùng đứng chân vào.

       Hơn thế nữa, V. I. Lenin còn ban tặng cho các nhà nước địa phương này một món quà vô cùng quý giá mà ngay đến cả những người dân tộc chủ nghĩa mơ mộng nhất cũng không dám nghĩ đến: Quyền ly khai khỏi Nhà nước Liên bang. Điều này có nghĩa là nếu như Liên Xô không thể mang lại cho các nước thành viên của nó những lợi ích tốt nhất thì các nước thành viên này có thể tự do rời khỏi Liên Xô. Quyền ly khai này của các nước thành viên được đề cập đến trong Tuyên ngôn về quyền của các dân tộc nước Nga (Declaration of the Rights of the Peoples of Russia) năm 1917, khẳng định trong Tuyên bố về sự thành lập Liên bang Xô viết năm 1922, và sau đó, được ghi vào Hiến pháp Liên Xô năm 1924. Chính quyền ly khai này đã tạo điều kiện cho sự xuất hiện của nhiều quốc gia độc lập vào năm 1991, khi Liên Xô bước vào giai đoạn khủng hoảng sâu sắc. Vì thế, chúng ta có thể nói rằng, nền độc lập mà Ukraine có được — cũng như nền độc lập của nhiều quốc gia cựu thành viên của Liên Xô — là xuất phát từ món quà có ý nghĩa này, quyền ly khai khỏi Nhà nước Liên bang, mà V. I. Lenin đã tặng cho họ. Quả thật, sự ban tặng mà V. I. Lenin dành cho các dân tộc thiểu số ở các vùng ngoại vi của Đế quốc Nga là một sự ban tặng quá hào phóng.

       Hai món quà có ý nghĩa mà chúng ta vừa nêu — quyền xây dựng nhà nước riêng và quyền ly khai khỏi Nhà nước Liên bang — chính là những nội dung cơ bản của một quyền tổng quát hơn mà V. I. Lenin đã biến thành một nguyên tắc nền tảng của Nhà nước Xã hội chủ nghĩa: Quyền dân tộc tự quyết. V. I. Lenin đã đưa khái niệm quyền dân tộc tự quyết — niềm mơ ước của những người dân tộc chủ nghĩa — vào trong thực tiễn xây dựng nhà nước kiểu mới. Nó là một trong những quyền lợi đầu tiên mà các dân tộc thiểu số trong Đế quốc Nga được hưởng dưới chính quyền mới.

       Thật vậy, ngày 15/11/1917, chỉ một tuần sau khi Cách mạng tháng Mười Nga thành công, V. I. Lenin, với cương vị là Chủ tịch Hội đồng Dân ủy Nga Xô viết và Đại nguyên soái Stalin, người đồng chí trung thành của Người, với cương vị là Dân ủy về các vấn đề Dân tộc đã cùng ký tên vào một trong những văn bản quan trọng nhất của nhà nước mới: Tuyên ngôn về quyền của các dân tộc nước Nga (Declaration of the Rights of the Peoples of Russia). Trong bản tuyên ngôn này, người ta có thể dễ dàng tìm thấy nguyên tắc quyền dân tộc tự quyết với những lời lẽ như sau: “Quyền tự quyết của các dân tộc Nga, thậm chí đến mức có thể ly khai và hình thành một nhà nước riêng biệt.”.[4] Chính nguyên tắc nền tảng này đã trở thành cơ sở cho sự ra đời của các tân quốc gia hậu xô viết. Do vậy, chúng ta có thể nói rằng, nền độc lập quốc gia của tất cả các tân quốc gia hậu xô viết là xuất phát từ những món quà có ý nghĩa của V. I. Lenin.

        Bản Tuyên ngôn về quyền của các dân tộc nước Nga, mà V. I. Lenin và Stalin đã ký, cũng cho chúng ta một cơ sở lập luận vững chắc để bác bỏ nhận định của một số người cho rằng nền độc lập quốc gia của mười nước gồm Estonia, Latvia, Litva, Phần Lan, Ba Lan, Belarus, Ukraine, Armenia, Gruzia (Georgia), Azerbaijan, (các vùng đất ngoại vi của Đế quốc Nga) là kết quả của Hòa ước Brest-Litovsk. Tất nhiên, chúng ta không phủ nhận thực tế là Hòa ước Brest-Litovsk — Hòa ước mà Chính phủ của V. I. Lenin buộc phải ký với Đế quốc Đức dưới áp lực quân sự của họ — đã tạo điều kiện cho sự ra đời của mười quốc gia kể trên. Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể bỏ qua một thực tế là Hòa ước Brest-Litovsk được ký kết vào ngày 3/3/1918, còn Tuyên ngôn về quyền của các dân tộc nước Nga (Declaration of the Rights of the Peoples of Russia), mà V. I. Lenin và Stalin đã ký, thì xuất hiện vào ngày 15/11/1917. Căn cứ vào mốc thời gian, chúng ta có thể thấy rằng, ý tưởng về các quốc gia riêng cho các dân tộc thiểu số trong Đế quốc Nga của người Nga đã có trước ý tưởng tạo lập mười quốc gia chư hầu của người Đức.

       Hơn nữa, vào tháng 11/1918, khi Đế quốc Đức sụp đổ và Chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc, Nhà nước Xã hội chủ nghĩa đã tuyên bố chấm dứt Hòa ước Brest-Litovsk, hầu hết các điều khoản của Hòa ước này đều bị bãi bỏ. Tuy nhiên, nhà nước của các dân tộc Estonia, Latvia, Litva, Phần Lan, Ba Lan, Belarus, Ukraine, Armenia, Azerbaijan, Gruzia (Georgia) — kết quả Hòa ước Brest-Litovs — vẫn được duy trì, người Nga vẫn tôn trọng chính quyền vừa mới thành lập của các dân tộc này. Vì sao? Đó là vì, trong vấn đề này, hướng đi của người Đức lại trùng hợp với hướng đi của người Nga; nói chính xác hơn là, hướng đi mà vị lãnh tụ vĩ đại của Cách mạng Nga và nhân dân lao động toàn thế giới, V. I. Lenin, đã vạch ra. (Vì nếu có sự khác biệt giữa hướng đi của người Đức và người Nga trong vấn đề đối xử với các dân tộc kể trên thì khi Đế quốc Đức sụp đổ, người Nga chắc chắn sẽ phá bỏ chính quyền vừa mới thành lập của các dân tộc này — một kết quả của Hòa ước Brest-Litovsk — như cách mà người Nga đã hủy bỏ các điều khoản khác của Hòa ước Brest-Litovsk.)

       Người Nga nghĩ gì về cách V. I. Lenin giải quyết vấn đề dân tộc trong Đế quốc Nga? Tổng thống Putin đã cho chúng ta câu trả lời: “Khi nói đến vận mệnh lịch sử của nước Nga và các dân tộc của quốc gia này, các nguyên tắc phát triển nhà nước của Lenin không chỉ là một sai lầm; chúng còn tệ hơn cả một sai lầm, như người ta thường nói. Điều này đã trở nên quá rõ ràng sau khi Liên Xô tan rã vào năm 1991.”.[5] Những lời khiển trách này của Tổng thống Putin dành cho V. I. Lenin — vị lãnh tụ vĩ đại được nhân dân lao động toàn thế giới ngưỡng mộ, kính trọng và yêu mến —thật sự là quá nặng lời. Tuy nhiên, nếu chúng ta suy xét kỹ, chúng ta sẽ thấy rằng, ông nặng lời với V. I. Lenin như thế là có lý do. Thật vậy, quyền ly khai mà V. I. Lenin ban tặng cho các nhà nước địa phương đã tạo ra một thách thức nghiêm trọng đối với sự toàn vẹn lãnh thổ của Liên Xô (quốc gia kế thừa của Đế quốc Nga), điều này đã được minh chứng khi Liên Xô tan rã vào năm 1991.

       Câu hỏi đặt ra là: Tại sao vị lãnh tụ vĩ đại của chúng ta lại có thể chia cắt đất nước mình như thế? Tại sao Người lại có thể đối xử với tổ quốc của mình theo cách tàn nhẫn đến như vậy? Trong bài phát biểu vào ngày 21/2/2022, Tổng thống Putin đã đưa ra một lời giải thích, rằng, vì V. I. Lenin và các đồng chí của Người muốn nắm chính quyền bằng mọi giá nên họ buộc phải thỏa hiệp với những phần tử dân tộc chủ nghĩa để có được sự ủng hộ của những người này.[6]

       Lời giải thích của Tổng thống Putin mặc dù mang tính chất phê phán, tuy nhiên nó vẫn ẩn chứa một phần sự thật. Vấn đề ở đây là, một phần sự thật vẫn chưa phải là sự thật. Nhưng, vì V. I. Lenin không giải thích rõ vấn đề này — Người chỉ nói một cách mơ hồ rằng Chủ nghĩa Đại Nga đe dọa đến sự tồn tại của Nhà nước Liên Xô, rồi cũng chính Người ban tặng cho các dân tộc ở các vùng ngoại vi của Đế quốc Nga quyền được ly khai khỏi Nhà nước Liên bang cũng đe dọa đến sự tồn tại của Nhà nước Liên Xô, do vậy giữa lời nói và việc làm của Người có sự mâu thuẫn với nhau. Vì thế, chúng ta chỉ có thể căn cứ vào bối cảnh lịch sử của cuộc Cách mạng Nga để giải thích về quyết định của vị lãnh tụ vĩ đại của Cách mạng Nga và nhân dân lao động toàn thế giới.

       Như chúng ta đã biết, nhà nước xã hội chủ nghĩa mà V. I. Lenin và các đồng chí của Người xây dựng nên là một nhà nước có nền tảng ý thức hệ đối lập hoàn toàn với nền tảng ý thức hệ của hầu hết các nhà nước đương thời; vì thế, ngay từ khi ra đời, nó đã gặp phải sự chống phá điên cuồng của các thế lực thù địch ở trong nước cũng như các cường quốc hùng mạnh ở bên ngoài. Các thế lực thù địch trong nước — thường được biết đến với tên gọi là các lực lượng Bạch Vệ — đã phối hợp chặt chẽ với các đạo quân can thiệp của các cường quốc bên ngoài tấn công trực diện và có hệ thống vào Chính quyền Xô viết, các lực lượng này đã trở thành những mối đe dọa vô cùng to lớn đối với sự tồn tại của Nhà nước Xã hội chủ nghĩa non trẻ vừa mới ra đời này.

        Chính quyền Xô viết đã thật sự bị chao đảo trước các đợt tấn công liên tục của thù trong và giặc ngoài. Nhà nước Xã hội chủ nghĩa vừa mới ra đời đã phải đối mặt với một tình thế cực kỳ nguy hiểm. Liệu trong tình thế ấy mà các lực lượng dân tộc chủ nghĩa ở các vùng ngoại vi của Đế quốc Nga cũng đứng lên chống lại Chính quyền Xô viết thì chính quyền này sẽ có kết cục như thế nào? Một kịch bản xấu đối với Chính quyền Xô viết là hoàn toàn có thể xảy ra.

        Vậy, làm thế nào để bảo vệ Chính quyền Xô viết? Ngăn chặn các lực lượng dân tộc chủ nghĩa trở thành đồng minh của các lực lượng Bạch Vệ. Bằng cách nào? Thỏa hiệp với họ. Điều này có nghĩa là Chính quyền Xô viết sẽ đáp ứng một số nguyện vọng của các thành phần dân tộc chủ nghĩa để nhận lại sự ủng hộ của họ. Đây chính là điều mà Tổng thống Putin đã giải thích ở trên.

        Căn cứ vào các sự kiện lịch sử tiếp theo diễn ra sau đó, chúng ta có thể nói rằng, cách làm của V. I. Lenin và các đồng chí của Người đã phát huy tác dụng. Những ưu đãi mà Chính quyền Xô viết dành cho các dân tộc thiểu số ở các vùng ngoại vi của Đế quốc Nga, ở một mức độ nào đó, đã thỏa mãn được nguyện vọng của những người dân tộc chủ nghĩa. Các lực lượng dân tộc chủ nghĩa đã không đứng chung vào trận tuyến của các thế lực thù địch của Nhà nước Xô viết (mặc dù vẫn có một số hành động chống đối lẻ tẻ của một số nhóm nhỏ dân tộc chủ nghĩa đối với chính quyền xô viết, nhưng sự chống đối của các nhóm này chỉ mang tính chất tự phát, không có sự phối hợp với các lực lượng Bạch Vệ, vì vậy họ không phải là đồng minh của các lực lượng Bạch Vệ) . Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự chiến thắng của Chính quyền Xô viết đối với thù trong và giặc ngoài.

        Như vậy, chính sách thỏa hiệp với các lực lượng dân tộc chủ nghĩa mà V. I. Lenin đã áp dụng chỉ là một giải pháp chính trị có tính nhất thời để bảo vệ Chính quyền Xô viết. Hay nói cách khác, nó chỉ là một giải pháp chính trị mang tính chiến thuật mà Người chỉ tạm sử dụng trong một tình huống đặc biệt: Nội chiến Nga (1917 — 1922). Khẳng định này càng trở nên chắc chắn hơn nếu chúng ta căn cứ vào tác phong làm việc của V. I. Lenin.

        Chúng ta biết rằng, V. I. Lenin là nhà tư tưởng của cuộc Cách mạng Nga. Ông chính là người đã đưa những nguyên lý của Chủ nghĩa Mác (Marxism) vào thực tiễn của cuộc cách mạng này. Tuy nhiên, V. I. Lenin cũng là người rất linh hoạt trong hành động. Ông biết cách thỏa hiệp giữa lý tưởng cách mạng của mình và hiện thực lịch sử trong những tình huống mang tính đặc biệt, nhất thời. Hiệp ước Brest-Litovsk, Chính sách Cộng sản thời chiến, Chính sách Kinh tế mới (NEP)… là những sự thỏa hiệp mang tính nhất thời như thế. Do vậy, căn cứ vào tình hình thực tế của cuộc nội chiến lúc ấy và tác phong làm việc của V. I. Lenin, chúng ta có đủ cơ sở để khẳng định rằng, chính sách thỏa hiệp của V. I. Lenin đối với các lực lượng dân tộc chủ nghĩa chỉ là một giải pháp chính trị mang tính nhất thời. Vì thế, những ưu đãi mà V. I. Lenin dành cho các lực lượng dân tộc chủ nghĩa, trong đó có quyền được ly khai khỏi Liên bang Xô viết, cũng chỉ là những ưu đãi mang tính nhất thời. Vì mục tiêu quan trọng nhất là bảo vệ sự sinh tồn của Nhà nước Xô viết nên V. I. Lenin buộc phải có những sự nhượng bộ như thế đối với các lực lượng dân tộc chủ nghĩa trong Đế quốc Nga.

        Đối với chúng ta, những kiến giải trên đây về giải pháp của V. I. Lenin là vô cùng hợp lý, tuy nhiên, tồn tại một lời giải thích khác vẫn tỏ ra hợp lý không kém cho giải pháp của V. I. Lenin. Trong tác phẩm Nước Nga: Điều Bí ẩn của Lịch sử (tiếng Nga), Giáo sư Dvornichenko — nhà sử học Nga nổi tiếng, nguyên Trưởng Khoa Lịch sử, Đại học Quốc gia Saint-Petersburg — cho rằng, vào những năm 1920 (cũng như trước đó), những người Bolshevik Nga có niềm tin sâu sắc vào một cuộc cách mạng vô sản toàn thế giới, với nước Nga là trung tâm của cuộc cách mạng vô sản ấy. Họ tin là giai cấp vô sản tại từng quốc gia riêng lẻ trên toàn thế giới sẽ tự đứng lên lật đổ chính quyền của đất nước mình để xây dựng một xã hội mới công bằng và tốt đẹp hơn; do vậy, họ đã tạo ra một cấu trúc nhà nước mới, Liên bang Xô viết (Liên Xô), một thực thể nhà nước liên bang, với những nước cộng hòa có quyền tự quyết rộng rãi — xét đến cùng, là một liên minh của tất cả các nhà nước trên địa cầu — để đón chào các quốc gia thành viên mới, từ khắp nơi trên thế giới.[7]

       (Có lẽ, nếu căn cứ theo những lời giải thích của Giáo sư Dvornichenko thì chúng ta có thể thấy rằng, đây là lý do thật sự khi V. I. Lenin nói rằng Chủ nghĩa Đại Nga sẽ đe dọa đến sự tồn tại của Liên Xô, vì nếu Nhà nước Liên Xô — trong viễn kiến của Người, như chúng ta đã thấy, là chính quyền vô sản liên minh cho tất cả các dân tộc trên toàn thế giới — do Người xây dựng nên, vẫn đứng trên lập trường của Chủ nghĩa Đại Nga, thì sẽ ngăn chặn sự gia nhập Liên Xô của các dân tộc khác trên thế giới, cũng như không thể có được sự ủng hộ của các dân tộc thiểu số trong Đế quốc Nga.)

        Căn cứ vào quan điểm của những người cộng sản, thì chúng ta có thể thấy rằng, những lời giải thích của Giáo sư Dvornichenko là hoàn toàn hợp lý. Trong tác phẩm Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, được xuất bản vào năm 1848, C. Marx và Ph. Engels — hai nhà tư tưởng sáng lập vĩ đại của Chủ nghĩa Cộng sản — đã đưa ra câu khẩu hiệu nổi tiếng: “Vô sản toàn thế giới liên hiệp lại.”. V. I. Lenin đã phát triển câu khẩu hiệu trên của C. Marx và Ph. Engels thành: “Vô sản và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới liên hiệp lại.” Qua đó, chúng ta có thể thấy rằng, V. I. Lenin đã có sự kế thừa và mở rộng mặt trận trận đấu tranh mà C. Marx và Ph. Engels đã phác họa nên. Và, qua đó, chúng ta cũng có thể thấy rằng, đối với những nhà sáng lập Chủ nghĩa Cộng sản, thì cách mạng vô sản toàn thế giới là một mục tiêu thật sự. Điều khẳng định này càng trở nên chắc chắn hơn khi vào năm 1919 , V. I. Lenin đã sáng lập nên tổ chức Quốc tế Cộng sản (Comintern) để hỗ trợ và chỉ đạo cho cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới.

        Hơn thế nữa, sau khi Quốc tế Cộng sản được thành lập, thì tầm nhìn về một cuộc cách mạng vô sản toàn thế giới của V. I. Lenin càng được bộc lộ rõ ràng hơn bao giờ hết. Tháng 7/1921, tại Đại hội III Quốc tế Cộng sản, khi phát biểu “Về sách lược của Đảng Cộng sản Nga”, Người nói: “Chúng tôi hiểu rõ rằng không có sự ủng hộ của cách mạng quốc tế của thế giới thì thắng lợi của cách mạng vô sản là không thể có được. Trước cách mạng và cả sau cách mạng, chúng tôi đều nghĩ rằng: hoặc là ngay bây giờ, hay ít ra thì cũng rất chóng thôi, cách mạng sẽ nổ ra ở những nước tư bản phát triển hơn; hoặc ngược lại, là chúng tôi sẽ bị tiêu diệt. Mặc dù nghĩ như vậy, chúng tôi vẫn làm tất cả để trong mọi hoàn cảnh và dù thế nào đi nữa cũng phải bảo vệ cho bằng được chế độ xô viết, vì chúng tôi biết rằng chúng tôi không phải chỉ làm cho riêng mình mà còn làm cho cả cách mạng quốc tế nữa.”.[8]

         Vì thế, lời giải thích của Giáo sư Dvornichenko là hoàn toàn có tính thuyết phục.

        Câu hỏi đặt ra là: Lời giải thích của Giáo sư Dvornichenko và kiến giải của chúng ta có mâu thuẫn gì với nhau hay không? Nếu chỉ nhìn vẻ ngoài thì mâu thuẫn giữa chúng là có, nhưng nếu chúng ta đi vào chiều sâu của giải pháp mà V. I. Lenin đã đề ra thì chúng ta sẽ thấy rằng, lời giải thích của Giáo sư Dvornichenko và kiến giải của chúng ta không loại trừ nhau, mà chúng là sự bổ sung cho nhau. Thật vậy, nếu suy xét kỹ về giải pháp của V. I. Lenin, chúng ta có thể thấy rằng, giải pháp này có tính hai mặt, mặt chiến lược và mặt chiến thuật.

        Viễn kiến chiến lược của giải pháp này thể hiện ở chỗ, cấu trúc nhà nước liên bang do V. I. Lenin tạo ra — với quyền tự quyết cao độ được trao cho các nước thành viên, trong đó có quyền được ly khai khỏi nhà nước liên bang — là thật sự có sức thu hút đối với các dân tộc trên toàn thế giới, vì những ưu đãi mà nhà nước này dành cho các dân tộc ấy; do vậy, khả năng nhà nước liên bang này có thể dung nạp thêm các nước cộng hòa thành viên mới từ khắp mọi nơi trên quả địa cầu này để trở thành một chính quyền vô sản toàn thế giới là một thực tế hoàn toàn có thể xảy ra, theo cách nghĩ của những người cộng sản Nga ở vào thời điểm ấy. Quả thật, đây là một kế hoạch vô cùng lý tưởng. Tuy nhiên, vì những nguyên nhân lịch sử khách quan, nên lý tưởng của những người cộng sản Nga đã không trở thành hiện thực, cuộc cách mạng vô sản toàn thế giới mà những người Bolshevik kỳ vọng đã không xảy ra vào những năm 1920. Điều này có nghĩa là giải pháp của V. I. Lenin đã không có được sự thành công về mặt chiến lược.

        Tuy nhiên, giá trị chiến thuật của giải pháp này là điều mà chúng ta không thể phủ nhận. Quyền tự quyết cao độ mà V. I. Lenin dành cho các dân tộc thiểu số trong Đế quốc Nga, ở một mức độ nào đó, đã làm hài lòng những người dân tộc chủ nghĩa. Do vậy, Nhà nước Xã hội chủ nghĩa vừa mới ra đời — do V. I. Lenin và những người đồng chí của Người xây dựng nên — đã không phải lâm vào tình trạng cùng lúc phải chống lại nhiều kẻ thù khác nhau. Vì thế, Nhà nước Xã hội chủ nghĩa đã giành được chiến thắng quyết định trong cuộc nội chiến. Như vậy, chúng ta có thể thấy rằng, giải pháp của V. I. Lenin đã giúp cho những người Bolshevik đoạt được mục tiêu chiến thuật quan trọng nhất của họ: Bảo vệ thành công sự sinh tồn của Nhà nước Xã hội chủ nghĩa vừa mới ra đời! (Tính chiến lược hay chiến thuật của một mục tiêu là có tính chất tương đối. Nếu xét trong bối cảnh của cuộc Nội chiến Nga thì bảo vệ thành công sự sinh tồn của Nhà nước Xã hội chủ nghĩa vừa mới ra đời là một mục tiêu chiến lược. Nhưng, vì chúng ta đang xét đến tầm nhìn của những người cộng sản Nga về viễn cảnh của một cuộc cách mạng vô sản toàn thế giới nên chúng ta có thể xem mục tiêu này là một mục tiêu chiến thuật.)

       Như vậy, chúng ta có thể thấy rằng, giải pháp của V. I. Lenin đã đoạt được thành công về mặt chiến thuật, nhưng không có được sự thành công về mặt chiến lược. Sự không thành công về mặt chiến lược của giải pháp càng làm nổi bật hơn nữa ưu thế chiến thuật của giải pháp. Điều này hàm ý rằng, do không có được thành công về mặt chiến lược, nên giải pháp của V. I. Lenin — từ một giải pháp có tính chất hai mặt, chiến lược và chiến thuật — đã thật sự trở thành một giải pháp chiến thuật. Mà một giải pháp chiến thuật thì có tính chất ngắn hạn. Điều này có nghĩa là khi mục tiêu chiến thuật đã đoạt được thì giải pháp có tính chiến thuật ấy cần phải được điều chỉnh hoặc thay đổi. Qua đó, chúng ta có thể thấy rằng, lời giải thích của Giáo sư Dvornichenko và kiến giải của chúng ta là có sự thống nhất với nhau, chúng là sự bổ sung cho nhau, chúng là một. Vì quyền tự quyết cao độ mà V. I. Lenin dự định dành tặng cho các dân tộc trên toàn thế giới cũng chính là quyền tự quyết mà V. I. Lenin đã ban tặng cho các dân tộc thiểu số trong Đế quốc Nga.

        Vấn đề ở đây là, V. I. Lenin đã đột ngột qua đời, mà những người kế nhiệm Người — vì lý do nào đó — đã không lưu tâm đến tính chất chiến thuật, nhất thời của giải pháp này. Có lẽ, họ đã không hiểu được những suy tính sâu xa về mặt chiến lược và chiến thuật của Người khi Người đưa ra giải pháp này. Thế nên quyền ly khai khỏi Chính quyền Liên bang của các nước cộng hoà thành viên trong Liên Xô — vốn chỉ là một món quà được V. I. Lenin gửi đến các dân tộc thiểu số ở các vùng ngoại vi của Đế quốc Nga trong một tình thế đặc biệt — vẫn tiếp tục được bảo lưu như là một nguyên tắc nền tảng của Nhà nước Xô viết, dù nhà nước này đã trải qua nhiều lần sửa đổi hiến pháp. Quyền ly khai này đã trở thành cơ sở pháp lý cho chính quyền các nước cộng hoà thành viên thoát ly khỏi sự kiểm soát của Chính quyền trung ương Liên Xô để tạo dựng nên các quốc gia độc lập cho riêng mình, khi điều kiện cho phép. Đây chính là nguyên nhân thật sự dẫn đến sự sụp đổ của Liên Xô, thành trì của cách mạng thế giới.

        Do vậy, những lời trách móc của Tổng thống Putin đối với V. I. Lenin — một trong những vị lãnh tụ vĩ đại nhất trong lịch sử thế giới — là quá nặng lời và thiếu sự cân nhắc. Thật sự là, đối với sự sụp đổ của Liên Xô, trách nhiệm của những người kế nhiệm V. I. Lenin phải lớn hơn trách nhiệm của chính V. I. Lenin, vì họ đã có một khoảng thời gian rất dài — hơn 70 năm — để lấy lại món quà, quyền ly khai khỏi Nhà nước Liên bang, mà V. I. Lenin đã buộc phải đưa ra trong một tình thế đặc biệt (Nội chiến Nga), thế mà họ lại không làm, vì thế họ phải là những người chịu trách nhiệm chính trong vấn đề này.

       Qua tất cả những gì chúng ta đã phân tích ở trên, chúng ta đã có thể thấy rõ rằng, nền độc lập quốc gia của Ukraine cũng như nền độc lập của các quốc gia thành viên của Liên Xô quả thật là kết quả của một giải pháp chính trị có tính nhất thời của V. I. Lenin và các đồng chí Bolshevik của Người. Nền độc lập của các quốc gia này không đến từ những cuộc chiến tranh giành độc lập trường kỳ của các dân tộc ấy, mà đến từ một món quà mà những người cộng sản Nga buộc phải tặng cho họ — quyền ly khai khỏi Nhà nước Liên bang — trong hoàn cảnh của cuộc Nội chiến Nga (1917 — 1922).

       Chính vì thế, khi chứng kiến xu hướng ly khai khỏi chính quyền trung ương Liên Xô — dựa trên quyền được ly khai khỏi Nhà nước Liên bang mà V. I. Lenin và các đồng chí Bolshevik của Người đã tạo nên — ngày càng gia tăng tại các nước cộng hòa, vốn là các vùng đất ngoại vi của Đế Quốc Nga, Alexander Prokhanov — một nhà văn Nga có tư tưởng dân tộc chủ nghĩa — đã phải đau đớn thốt lên những lời than vãn vào tháng 2/1990, thời điểm trước khi Liên Xô sụp đổ hơn một năm, rằng: “Nếu thảm họa khủng khiếp, một thảm họa không thể tưởng tượng được đối với nhân dân Nga, xảy ra và đất nước bị chia cắt thành từng mảnh, thì những người dân Nga, bị cướp đoạt và lừa dối bởi lịch sử 1.000 năm của họ, đột nhiên kết thúc trong đơn độc, trong khi những người “anh em” gần đây của người dân Nga đã lấy đi tất cả tài sản rồi biến mất trên “những con thuyền cứu sinh có tính quốc gia” của họ và bỏ lại chiếc tàu đang bị rao bán — vâng, chúng ta chẳng có nơi nào để đi cả…”.[9]

         Chỉ hơn một năm sau, vào tháng 12/1991, những lời than vãn trên của Alexander Prokhanov đã trở thành sự thật, Liên Xô đã sụp đổ và thế giới chúng ta đột nhiên chứng kiến sự xuất hiện đột ngột của một loạt quốc gia từ “hư không” như Ukraine, Belarus, Turkmenistan, Uzbekistan… Tại sao lại nói các quốc gia này xuất hiện từ “hư không”? Bởi vì, khách quan mà nói, các tân quốc gia này không có một nền tảng quốc gia rõ ràng; thật vậy, trong hàng trăm năm, các dân tộc ở các vùng đất này chưa từng kiến tạo được cho mình một quốc gia độc lập, các lãnh thổ của họ thường được cộng đồng quốc tế biết đến như là những bộ phận của các cường quốc khác, đặc biệt là Đế quốc Nga. Và, nền độc lập quốc gia mà các dân tộc này đột ngột có được chỉ đơn giản là do các dân tộc này biết cách tận dụng một quyền lợi chính trị mà V. I. Lenin đã ban tặng cho họ: Quyền ly khai khỏi Nhà nước Liên bang.

        Do vậy, ngay từ năm 1997 — thời điểm mà Liên Xô sụp đổ chưa được bao lâu, trong tác phẩm The Grand Chessboard (Bàn Cờ Lớn) của mình, Brzezinski — một trong những nhà tư tưởng địa chính trị hàng đầu của Hoa Kỳ — đã phải thốt lên rằng: “Khả năng tồn tại của những nước này dường như không chắc chắn”.[10] Riêng đối với Ukraine, thì tờ The Economist đã nói thẳng rằng: “Nó không có lịch sử thực sự là một nhà nước, chứ đừng nói đến là một nhà nước mạnh.”.[11]

       Thế thì tại sao người Nga lại không ngăn chặn tiến trình ly khai của các nước cộng hòa này?

        Như chúng ta đã biết, các nước cộng hòa này vốn là các vùng đất ngoại vi của Đế quốc Nga, vì thế không một người Nga nào muốn mất đi các lãnh thổ mà các Sa Hoàng đã để lại cho họ; tuy nhiên, vào những năm cuối thập kỷ 80 của thế kỷ XX, Liên Xô nói chung và Liên bang Nga nói riêng đã rơi vào một cuộc khủng hoảng kinh tế — xã hội toàn diện sâu sắc, Ngân hàng Ngoại thương Liên Xô (Vnesheconombank) đã từ chối chi trả các khoản nợ, đây thực chất là sự vỡ nợ quốc gia;[12] do vậy, người Nga bị cuốn vào các vấn đề nội bộ của bản thân, họ không thể quan tâm đến các vấn đề bên ngoài; chính vì thế, khi các nước cộng hòa thực hiện các động thái ly khai, người Nga không thể và cũng không đủ khả năng để ngăn chặn hành động này của các nước cộng hòa, họ buộc phải chấp nhận một điều khoản của Hiến pháp Liên Xô: Điều 72 của Hiến pháp Liên Xô 1977 cho phép các nước cộng hòa được được quyền rời khỏi Nhà nước Liên bang.

 

.

3. Tái lập đế chế: Khuynh hướng chính sách của nước Nga 

 

       Vấn đề ở đây là: Người Nga chấp nhận nhưng không từ bỏ. Nhận định này có thể hiểu là, vì những lý do đặc biệt, người Nga buộc phải tạm thời chấp nhận nền độc lập của các nước cộng hòa kể trên; nhưng, sâu thẳm trong tâm thức của mình, người Nga vẫn xem các tân quốc gia này là các vùng lãnh thổ của họ. Điều này được thể hiện qua thái độ giám sát chặt chẽ và sẵn sàng can thiệp mạnh mẽ vào công việc nội bộ các nước cộng hòa của chính quyền Nga.

       Vì thế, trên cơ sở những phân tích về các mối liên hệ có tính lịch sử giữa Liên bang Nga và các nước cộng hòa mà chúng ta đã thực hiện ở trên, tôi xin đưa ra nhận định của mình về khuynh hướng chính sách của nước Nga hiện nay: Tái lập đế chế. Giả thuyết của tôi có thể hiểu như sau: Từ khi Liên Xô sụp đổ và Liên bang Nga được thành lập cho đến nay, mặc dù không được tuyên bố một cách rõ ràng, nhưng thu hồi các vùng lãnh thổ đã mất — vốn là các vùng lãnh thổ ngoại vi của Đế quốc Nga (cũng chính là các nước cộng hòa thuộc Liên Xô trước kia) — là một khuynh hướng chính sách của nước Nga.

        Chúng ta biết rằng, bằng chứng lịch sử là cơ sở quan trọng để định hình nên một giả thuyết; tuy nhiên, một giả thuyết chỉ có thể được xem là đúng đắn khi nó phù hợp với những gì đang xảy ra trong thế giới hiện thực. Vì thế, chúng ta cần phải sử dụng đến các dữ kiện thực tế để kiểm nghiệm xem giả thuyết của chúng ta có đạt được sự tương thích với các sự kiện đã và đang xảy ra trong thế giới hiện thực hay không, để từ đó chúng ta mới có thể đặt trọn niềm tin vào giả thuyết của mình hay phủ nhận nó.

 

        a. Nhận định của giới quan sát quốc tế 

 

       Về khuynh hướng tái lập đế chế, trong tác phẩm The Grand Chessboard (Bàn Cờ Lớn), khi nhận định về sự ra đời của các tân quốc gia hậu xô viết và thái độ của người Nga đối với thực trạng này, Brzezinski đã dự cảm rằng: “Sự sẵn sàng của Moscow để thích ứng lâu dài với thực tế mới này là không thể đoán trước được.”.[13] Thật ra, nhận định của Brzezinski chính là câu trả lời cho câu hỏi mà nhiều người trên thế giới tự đặt ra cho mình ở vào thời điểm Liên Xô sụp đổ: Liệu người Nga có chấp nhận từ bỏ các vùng lãnh thổ ngoại vi của Đế quốc Nga mà các Sa Hoàng đã để lại cho họ hay không? Qua cách nói của Brzezinski, chúng ta có thể thấy rằng, chính ông cũng đã dự cảm về một sự thay đổi chính sách của người Nga đối với vấn đề này.

       Và, để trả lời cho câu hỏi trên, gần đây, Walter Russel Mead — một chuyên gia về quan hệ quốc tế của Hoa Kỳ — đã cho chúng ta một câu trả lời khác: “Người Nga muốn tập hợp trở lại Liên Xô đến mức có thể”.[14] Điều này có thể hiểu là người Nga muốn lấy lại vị thế, không gian ảnh hưởng và vai trò lãnh đạo của mình đối với các tân quốc gia hậu xô viết. Hay nói cách khác, người Nga muốn tái lập quyền kiểm soát của mình đối với các tân quốc gia này, một bước đi mà chúng ta có thể xem là sự khởi đầu cho hành trình tái lập đế chế của người Nga.

 

       b. Quan điểm của giới tinh hoa Nga 

 

        Từ phía những người Nga, qua phát ngôn của các nhân vật có ảnh hưởng đối với công chúng Nga, chúng ta cũng nhìn thấy tham vọng tái lập đế chế của họ.

        Năm 2008, dưới thời Tổng thống Medvedev, người Nga đã phát động cuộc chiến tranh chống lại Gruzia (Georgia) — một tân quốc gia hậu xô viết — để hỗ trợ hai vùng lãnh thổ ly khai của quốc gia này là Nam Ossetia và Abkhazia thoát ly khỏi sự kiểm soát của chính quyền trung ương. Sau khi giành được chiến thắng trong cuộc chiến tranh này, người Nga đã dừng lại ở hai vùng lãnh thổ ly khai kể trên mà không tiến xa hơn nữa.

         Trong tác phẩm Thế chiến Thứ ba (tiếng Nga), Valeri Korovin — một chuyên gia địa chính trị có nhiều ảnh hưởng của nước Nga hiện nay — đã nhận định về sự kiện này như sau: “Về nguyên tắc, Nga đã có thể tiến xa hơn và thậm chí đưa Gruzia vào thành phần của khối chính trị quân sự chiến lược Nga ở Kavkaz.”.[15] Tuy nhiên, ông nói tiếp: “Nhưng sự thiếu kiên quyết của tổng thống Nga khi đó là ông Dmitry Medvedev đã không cho phép làm việc này. Đơn giản là ông không có đủ ý chí lịch sử để thực hiện bước đi này.”.[16]

        Trước khi cuộc chiến tranh giữa Nga và Gruzia nổ ra, Alexander Dugin — nhà tư tưởng có ảnh hưởng nhất của nước Nga hiện nay — đã đến thăm Nam Ossetia và phát biểu: “Quân đội của chúng tôi sẽ chiếm đóng thủ đô Tbilisi của Gruzia, toàn bộ đất nước, và thậm chí có thể là cả Ukraine và Bán đảo Crimea, về mặt lịch sử là một phần của Nga.”.[17]

        Qua phát biểu của Valeri Korovin và Alexander Dugin — hai nhân vật có ảnh hưởng lớn đối với giới tinh hoa Nga — thì tham vọng tái lập đế chế của người Nga đã được bộc lộ hết sức rõ ràng.

      Vấn đề ở đây là: Mặc dù, đối với chúng ta, những phát biểu của Valeri Korovin và Alexander Dugin là cơ sở cho giả thuyết mà chúng ta đã đề xuất; tuy vậy, vẫn có một số người không cho là như thế; họ có thể nói rằng, những phát ngôn của Valeri Korovin và Alexander Dugin không thể hiện tầm nhìn đế chế của người Nga, mà nó chỉ thể hiện cách mà người Nga ứng phó với tham vọng gia nhập NATO của Gruzia và Ukraine. Đây là quan điểm của John J. Mearsheimer, giáo sư về Chính trị Quốc tế tại Đại học Chicago.

       Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, về vấn đề Ukraine, vị giáo sư của Đại học Chicago đã nói rằng: “Nếu lịch sử gần đây cho thấy bất cứ điều gì, thì đó là việc chiếm đóng các quốc gia khác hầu như luôn dẫn đến thảm họa.”.[18] Và, ông nói tiếp: “Putin và các cố vấn của ông đủ khôn ngoan để hiểu điều đó. Putin không muốn một đế chế mới của Nga hay sự phục hồi Liên Xô. Chủ yếu là Nga muốn ngăn chặn Ukraine gia nhập NATO.”.[19] Như vậy, theo vị giáo sư này, không hề có chuyện người Nga muốn tái lập đế chế. Chúng ta sẽ trả lời như thế nào trước những lời phản biện của giáo sư John J. Mearsheimer? Chúng ta không cần phải trả lời, Valeri Korovin sẽ trả lời thay cho chúng ta.

       Trong tác phẩm Thế chiến Thứ ba (tiếng Nga), Valeri Korovin đã khẳng định: “Các quốc gia — dân tộc đang hấp hối. Thời đế chế đang đến, thời của cuộc chơi lớn thật sự.”.[20] Và, ông tuyên bố rõ ràng rằng: “Nước Nga đã là một đế chế và luôn luôn chỉ có thể là đế chế.”.[21] Do vậy, ông đã đặt ra một câu hỏi cho các công dân Nga: “Nhà dân tộc ở Nga phải như thế nào?”.[22] Và, chính ông là người cho họ câu trả lời: “Đó là một người Nga mà với anh ta quốc gia đế chế Nga bao la — đế chế các dân tộc — chính là giá trị cao nhất.”.[23] Ông cho chúng ta một định nghĩa về đế chế: “Đế chế, đó là một không gian địa chính trị lớn, như một sự thống nhất chiến lược của đa dạng.”.[24] Và, ông đưa ra lời kêu gọi đối với các công dân Nga: “Vì thế ‘chủ nghĩa dân tộc Nga’ với chúng ta — đó là chủ nghĩa dân tộc có tính đế chế, nhằm vào việc gìn giữ không gian rộng lớn này.”.[25]

        Song song với việc khẳng định tính đế chế của nước Nga, Korovin cũng đề xuất cho người Nga một hướng đi cụ thể để tái lập và mở rộng đế chế của mình, ông nói: “Một điều kiện không thể thiếu trong việc thực hiện thành công những nỗ lực chính trị đối ngoại của Nga phải là việc lập ra một mô hình bảo đảm cho an ninh toàn cầu, khu vực và tiểu khu vực dựa trên nguyên tắc đưa những quốc gia và dân tộc ở gần Nga — theo nghĩa văn minh-văn hóa — vào quỹ đạo của cực địa chính trị Á-Âu, được che chắn bởi ‘chiếc ô hạt nhân Nga’, hoặc sẽ được trực tiếp đưa vào thành phần Nga như mô hình Crimea — trong trường hợp nơi nào đó trong lịch sử từng thuộc về không gian của thế giới Nga. Từ đó có thể thành lập một hệ thống an ninh Á-Âu mới, trong đó sẽ xuất hiện những trục đối trọng với trục hợp tác quân sự chiến lược châu Âu — Đại Tây Dương.”.[26]

         Như vậy, theo Korovin, người Nga có thể xây dựng và tái lập đế chế của mình theo hai phương án sau: Đưa một số quốc gia xung quanh vào không gian ảnh hưởng của Nga, hoặc sáp nhập một số lãnh thổ xung quanh vào bản đồ của nước Nga “như mô hình Crimea”. Chúng ta có thể thấy rằng, những gì mà Korovin đã đề xuất, cách để người Nga sáp nhập lãnh thổ và mở rộng ảnh hưởng, thì rất phù hợp với những gì mà nước Nga đã và đang làm. Vì thế, chúng ta có thể xem những lời khuyến nghị của Korovin như là bản kế hoạch tái lập đế chế tổng thể của nước Nga.

          Thế nên thông qua đoạn trích dẫn này, chúng ta có thể thấy rằng, xây dựng một đế chế Á-Âu — với nước Nga là trung tâm — quả thật là mục tiêu chính sách của giới tinh hoa Nga. Do vậy, chính những câu chữ của Valeri Korovin đã bác bỏ lập luận của John J. Mearsheimer, rằng người Nga không có tham vọng tái lập đế chế, mà chỉ muốn ngăn chặn sự mở rộng của NATO. Tất nhiên, ngăn chặn sự mở rộng của NATO, như John J. Mearsheimer đã chỉ ra, là một mục tiêu chiến lược của Chính quyền Nga; tuy nhiên, tái lập đế chế, như chúng ta đã phân tích, quả thật là một khuynh hướng chính sách của nước Nga.

       Đi xa hơn thế nữa, Alexander Dugin đã đề xuất một hình dáng cụ thể cho đế chế tương lai của người Nga: Đế chế Á-Âu mà người Nga sẽ xây dựng trong tương lai sẽ kéo dài từ Dublin đến Vladivostok, sẽ quy tụ các tộc người Slav và các dân tộc Á-Âu vào một khối thống nhất, với tâm điểm là nước Nga. Như vậy, chỉ cần thông qua hai nhân vật có ảnh hưởng là Valeri Korovin và Alexander Dugin, chúng ta đã có thể dễ dàng nhận diện được tham vọng tái lập đế chế của giới tinh hoa Nga là như thế nào.

       Tuy nhiên, để có thể nhìn thấy rõ nét hơn nữa tư tưởng tái lập đế chế của người Nga, chúng ta cần phải xét đến quan điểm của nhân vật có ảnh hưởng nhất của nước Nga hiện nay, Tổng thống Vladimir Putin. Tất nhiên, ở cương vị của mình, Tổng thống Putin không thể công khai nói rõ những điều mà mình thật sự muốn làm, như cách mà Valeri Korovin và Alexander Dugin đã phát biểu, ông chỉ có thể lựa chọn cách nói hàm ngôn, một cách nói chứa đựng nhiều ý vị sâu xa.

        Năm 2005, ông đã phát biểu rằng: “Sự sụp đổ của Liên Xô là thảm họa địa chính trị lớn nhất của thế kỷ.”.[27] Năm 2016, ông đã phát biểu rằng, V. I. Lenin đã đặt một “quả bom hẹn giờ” (time bomb) lên nước Nga, dẫn đến sự sụp đổ của Liên Xô.[28] Những phát ngôn này cho thấy sự tiếc nuối của vị Tổng thống Nga đối với các di sản của Đế quốc Nga và vinh quang mà các Sa Hoàng đã có được.

        Năm 2008, tại Bucharest, trước đông đảo các nhà lãnh đạo của các quốc gia khác, Tổng thống Putin đã nói rằng, Ukraine là một quốc gia được dựng lên (“Ukraine was a made-up country”),[29] một cách nói thể hiện sự xem thường nền độc lập quốc gia Ukraine của nhà lãnh đạo Nga. Tháng 7/2013, tại Kiev, trong đại lễ kỷ niệm 1025 năm ngày Đại vương công Vladimir của Kievan Rus cải đạo sang Chính thống giáo Đông phương, Tổng thống Putin tuyên bố sẽ bảo vệ “tổ quốc chung của chúng ta, Quốc gia Rus vĩ đại”.[30] Qua lời phát biểu này, chúng ta có thể thấy rằng, Tổng thống Putin đã tự xem mình như là người kế thừa các vị đại vương công của Kievan Rus khi xưa, có trách nhiệm bảo vệ các vùng đất vốn là của Quốc gia Kievan Rus; vì thế, thông qua lời phát biểu này, mặc dù tham vọng tái lập đế chế vẫn được ông cố ý che đậy, nhưng vẫn bộc lộ rõ ràng trước mắt mọi người, do vậy, nhiều người Ukraine đã xem đây như là một lời đe dọa.

        Ngày 21/3/2014, Tổng thống Putin ký sắc lệnh sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine vào nước Nga, một bước đi rất quan trọng trong hành trình tái lập đế chế của người Nga.

       Tiếp theo, trong một phiên hỏi đáp với các công dân Nga được tổ chức tại thành phố Sevastopol thuộc bán đảo Crimea vào ngày 17/4/2014, Tổng thống Putin đã nhắc đến cái tên Novorossiya (Nước Nga Mới),[31] vùng lãnh thổ được người Nga thành lập ở miền Đông và miền Nam Ukraine vào cuối thế kỷ XVIII dưới triều đại của Nữ Sa Hoàng Catherine, sau khi người Nga đoạt được vùng đất này từ tay Đế quốc Ottoman. Bằng việc khơi gợi lại một cái tên mang tính đế quốc và dân tộc chủ nghĩa để chỉ một vùng lãnh thổ rộng lớn của Ukraine, bao gồm cả vùng Donbass, xem đây là vùng lãnh thổ lịch sử của nước Nga, vị Tổng thống của nước Nga đã bộc lộ tham vọng tái lập đế chế trước mắt mọi người thêm một lần nữa.

       Gần đây hơn, Tổng thống Putin đã tự so sánh mình với Peter Đại đế — vị Sa Hoàng vĩ đại nhất của Vương triều Romanov, người đã có công mở rộng bản đồ của Đế quốc Nga — càng cho thấy tham vọng muốn phục hưng di sản của các Sa Hoàng của ông mãnh liệt như thế nào. Ông cũng so sánh hành động quân sự của người Nga hiện nay với các chiến dịch quân sự của Peter Đại đế. Ông còn nói những lời đầy hàm ý rằng: “Peter Đại đế đã tiến hành cuộc chiến tranh phương bắc vĩ đại trong 21 năm. Dường như Ngài đang có chiến tranh với Thụy Điển, Ngài đã lấy đi thứ gì đó từ họ. Nhưng thật ra Ngài không lấy bất cứ thứ gì từ họ cả, Ngài chỉ giành lại những gì [của nước Nga] mà thôi,”[32] Phải chăng, thông qua những lời này, Tổng thống Putin muốn nói với công chúng thế giới rằng, những vùng lãnh thổ mà người Nga đã sáp nhập hay sẽ sáp nhập, không phải là những vùng lãnh thổ mà người Nga cướp đoạt từ một quốc gia nào khác, mà những vùng đất ấy vốn là của Nga, và người Nga chỉ đang thu hồi những vùng đất ấy để tái lập đế chế vĩ đại của mình?!

       Qua tất cả những gì chúng ta đã chỉ ra, chúng ta có thể thấy rằng, quả thật, Tổng thống Putin đã chia sẻ tầm nhìn đế chế của giới tinh hoa Nga.

        Và, có lẽ, cả ba người Valeri Korovin, Alexander Dugin và Tổng thống Putin đều đã hưởng ứng lời kêu gọi của Alexander Prokhanov — nhà văn Nga có tư tưởng dân tộc chủ nghĩa — vào tháng 2/1990, thời điểm Liên Xô chuẩn bị sụp đổ, rằng: “Nước Nga, hiện thân của”ý niệm Nga” cả về chính trị, kinh tế và tinh thần, sẽ được xây dựng lại. Nó sẽ tập hợp tất cả những gì tốt đẹp nhất từ vương quốc kéo dài 1.000 năm và 70 năm lịch sử của Liên Xô đã trôi qua trong một khoảnh khắc.”.[33]

        Lời kêu gọi của Alexander Prokhanov chính là lời kêu gọi tái lập đế chế.

       Như vậy, chúng ta có thể khẳng định rằng, tái lập đế chế là mạch tư tưởng chủ đạo chi phối cách nghĩ của giới tinh hoa Nga. Tuy nhiên, để có thể làm rõ ràng hơn nữa, rằng tư tưởng này đã trở thành một khuynh hướng chính sách của Chính quyền Nga, thì chúng ta cần phải xét đến hành động thực tế của Chính quyền này.

 

        c. Hành động thực tế của người Nga 

 

       Thật vậy, ngay từ cuối những năm 90 và đầu những năm 2000, khi đất nước vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi khủng hoảng, người Nga đã có những bước đi đầu tiên để tái lập quyền kiểm soát của mình đối với các không gian hậu xô viết.

        Ngày 8/12/1999, Nga và Belarus đã ký với nhau hiệp ước về việc xây dựng nhà nước liên minh, đây có thể xem là bước đi đầu tiên của Liên bang Nga trong nỗ lực tái lập Liên Xô (hay tái lập Đế quốc Nga của các Sa Hoàng).

        Năm 2000, người Nga đã thành lập Cộng đồng Kinh tế Á-Âu (EAEC) bao gồm nhiều quốc gia hậu xô viết, một nỗ lực nhằm khôi phục và tăng cường hơn nữa các hoạt động giao thương giữa các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ (vốn bị gián đoạn do sự sụp đổ của Liên Xô), mục tiêu mà tổ chức này muốn hướng đến là xây dựng một không gian kinh tế thống nhất cho các nước thành viên, hay nói cách khác là người Nga muốn khôi phục tính thống nhất về mặt kinh tế mà nền kinh tế Liên Xô đã từng có được, hơn nữa, thông qua tổ chức này và các cấu trúc hạ tầng mà nước Nga kế thừa từ Liên Xô, người Nga có thể gia tăng sự kiểm soát của mình đối với nền kinh tế của các tân quốc gia hậu xô viết. Từ năm 2015 trở đi, Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU) đã thay thế vai trò của Cộng đồng Kinh tế Á-Âu (EAEC).

        Năm 2002, Nga cùng với một số tân quốc gia hậu xô viết thành lập tổ chức Hiệp ước An ninh tập thể (CSTO), tổ chức này được hình thành trên cơ sở hiệp ước An ninh tập thể được ký kết tại Tashkent vào năm 1992, Hiến chương của CSTO tạo cơ sở pháp lý cho các quốc gia thành viên được triển khai lực lượng quân sự đến lãnh thổ của nhau và cùng nhau xây dựng một hệ thống phòng không chung, điều này có thể xem là người Nga đã thành công phần nào trong nỗ lực khôi phục không gian quân sự của Liên Xô trước kia.

       Càng về sau thì hành động của người Nga càng trở nên quyết đoán hơn. Năm 2008, Quân đội Nga đã tiến vào Gruzia để hỗ trợ hai vùng lãnh thổ ly khai của quốc gia này là Nam Ossetia và Abkhazia chống lại quân đội của chính phủ trung ương Gruzia. Đây là lần đầu tiên, kể từ năm 1991, thời điểm Liên Xô sụp đổ và Liên bang Nga ra đời, Quân đội Nga tiến ra nước ngoài để chống lại quân đội của một quốc gia khác — hơn nữa, còn là quân đội của một quốc gia từng thuộc Liên Xô cũ — nhằm bảo vệ vị thế, lợi ích và tầm ảnh hưởng của mình. Và, bằng hành động này, người Nga đã gửi một thông điệp mạnh mẽ và cứng rắn đến các tân quốc gia hậu xô viết rằng, Nga đủ khả năng để kiểm soát bất kỳ động thái nào của họ.

        Cuộc chiến giữa Nga và Gruzia đã kết thúc vào ngày 16/8/2008. Ngày 26/8/2008, Nga đã công nhận Nam Ossetia và Abkhazia là hai quốc gia độc lập. Bằng việc công nhận hai vùng lãnh thổ này là các quốc gia độc lập, Quân đội Nga đã có thể danh chính ngôn thuận có mặt tại một trong những vùng lãnh thổ vốn thuộc Liên Xô trước kia, đây là một bước tiến quan trọng của nước Nga trong hành trình tái kiểm soát các không gian hậu xô viết.

         Sáu năm sau, năm 2014, người Nga đã tạo nên một sự kiện chấn động thế giới: Sáp nhập bán đảo Crimea — một vùng lãnh thổ của Ukraine — vào Liên bang Nga, một hành động bị nhiều quốc gia trên thế giới xem là vi phạm Luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, thông qua hành động sáp nhập này, người Nga đã gửi một thông điệp vô cùng quan trọng đến tất cả các quốc gia trên thế giới rằng: Đế quốc Nga đã hồi sinh!

        Vì sao sự sáp nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ nước Nga lại trở thành biểu tượng cho sự hồi sinh đế chế? Vậy thì chúng ta cần phải xét đến vai trò quan trọng của bán đảo này đối với nước Nga. Nếu xem xét kỹ, thì chúng ta sẽ thấy rằng, bán đảo này có hai vai trò vô cùng quan trọng đối với nước Nga.

       Thứ nhất, vai trò tâm linh. Trong bài phát biểu đọc vào ngày 18/3/2014 trước Hội đồng Liên bang (Thượng viện Nga) và Duma Quốc gia (Hạ viện Nga), sau khi người Nga đã sáp nhập thành công bán đảo Crimea vào bản đồ đất nước mình, Tổng thống Putin đã cho mọi người biết rằng, Crimea là nơi mà vị Đại vương công Vladimir của Kievan Rus cùng với thần dân của mình đã cải đạo theo Chính thống giáo Đông phương. Hơn nữa, ông còn cho chúng ta biết thêm rằng, nơi đây cũng là nơi lưu giữ mộ phần của các chiến binh Nga đã tử trận dưới thời Nữ Sa Hoàng Catherine — những người đã chiến đấu và hy sinh để đoạt lấy vùng đất này cho người Nga từ tay Đế quốc Ottoman.[34] Như vậy, chúng ta có thể thấy rằng, đối với người Nga, Crimea chính là một vùng đất linh thiêng của họ.

        Chính vì thế, trong tác phẩm Russia Resurrected — Its Power and Purpose in a New Global Order (Nước Nga Hồi sinh — Sức mạnh và Mục đích trong một Trật tự Toàn cầu Mới), Kathryn E. Stoner — chuyên gia nghiên cứu cao cấp về các vấn đề quốc tế tại Đại học Stanford, Hoa Kỳ — đã nhận định rằng, vùng đất Crimea đối với người Nga cũng tương tự như nhà ngục Bastille đối với người Pháp và cảng Boston đối với người Mỹ, tất cả đều là những địa danh có ý nghĩa về mặt lịch sử và tinh thần đối với các dân tộc này.

        Do vậy, có thể nói rằng, Crimea là một trong những vùng đất tâm linh có ý nghĩa nhất đối với người Nga. Việc sáp nhập vùng đất này vào bản đồ của nước Nga đã mang đến cho người Nga cảm giác được tái kết nối với quá khứ, họ như được nhìn thấy lại vinh quang của các vị Sa Hoàng thời trước và họ sẽ kế thừa ý chí chinh phục của các vị Sa Hoàng vĩ đại đã tạo dựng nên Đế quốc Nga.

        Thứ hai, vai trò địa chính trị. Crimea là một trong những vùng lãnh thổ rộng lớn có tầm quan trọng về mặt chiến lược hàng đầu của Đế quốc Nga. Để có được vùng đất này, Người Nga đã phải chiến đấu không khoan nhượng với người Ottoman trong một thời gian rất dài. Sau khi người Nga chiếm được vùng đất này thì năng lực phòng thủ của Quân đội Nga tại vùng Tây Nam của Đế quốc đã gia tăng đáng kể. Crimea đã tăng cường năng lực kiểm soát Biển Đen cho Hải quân Nga và mở rộng hơn nữa tầm ảnh hưởng của người Nga đối với các quốc gia xung quanh.

       Sevastopol — thành phố ở phía Tây bán đảo Crimea — là căn cứ của Hạm đội Biển Đen và là cảng nước ấm duy nhất của Hải quân Nga. Tại đây, Hải quân Nga có thể triển khai sức mạnh ra khu vực và toàn cầu. Có thể nói rằng, Sevastopol chính là cảng tự nhiên tốt nhất tại Biển Đen, với một vịnh được che chắn, mực nước sâu, và mặt nước không bao giờ bị đóng băng. Do những điều kiện thuận lợi này, Sevastopol đã mang đến cho Hạm đội Biển Đen những ưu thế vượt trội mà không ai có thể phủ nhận được.

        Thế nên Crimea đóng một vai trò an ninh vô cùng trọng yếu đối với nước Nga. Sự sụp đổ của Liên Xô dẫn đến việc người Nga bị mất đi bán đảo Crimea đã làm cho an ninh quốc gia của Nga bị chao đảo: Không gian an ninh của nước Nga như bị khoan thủng một lỗ hổng lớn. (Mặc dù Nga vẫn có thể thuê quân cảng Sevastopol từ Ukraine, tuy nhiên, với những điều khoản ràng buộc nghiêm ngặt của hiệp định cho thuê thì năng lực tác chiến của Hạm đội Biển Đen cũng bị suy giảm đi rất nhiều.) Do vậy, sự kiện Nga sáp nhập thành công Crimea vào bản đồ đất nước mình đã làm cho nhiều người Nga có niềm tin rằng, nước Nga đã khôi phục được không gian an ninh của Đế quốc Nga khi xưa ở vùng Tây Nam của đất nước.

        Hơn thế nữa, sự sáp nhập ấy cũng đã phục hồi các lợi ích địa chính trị khác mà nước Nga đã từng có được: Khả năng kiểm soát chặt chẽ Biển Đen và tầm ảnh hưởng mạnh mẽ đối với các quốc gia xung quanh. Chính vì sự sáp nhập Crimea mang đến cho nước Nga các lợi ích địa chính trị to lớn như thế, nên trong tác phẩm Thế chiến Thứ ba, Valerie Korovin đã xem hành động sáp nhập này là sự phản công địa chính trị của Tổng thống Putin đối với các thế lực gây hại cho nước Nga, cả ở bên trong và bên ngoài đất nước.[35]

        Như vậy, với hai vai trò to lớn như thế, chúng ta hoàn toàn có thể nói rằng, Crimea là một trong những vùng đất quan trọng bậc nhất đối với nước Nga, cả trong quá khứ lẫn trong hiện tại. Vì thế, sự kiện người Nga sáp nhập thành công bán đảo Crimea vào bản đồ đất nước mình có thể xem là biểu tượng cho sự phục hưng của Đế quốc Nga. Hay nói cách khác, sự kiện ấy có thể xem là biểu tượng cho sự hồi sinh đế chế.

       Tuy nhiên, chúng ta sẽ không dừng lại ở đây, tôi muốn đưa nhận định của mình đi xa hơn: Tôi cho rằng, sự hồi sinh của Đế quốc Nga không chỉ là biểu tượng, mà là một thực tế. Điều này có nghĩa là giới lãnh đạo của nước Nga hiện nay đã quay trở về với cách tư duy và hành xử mang tính đế chế của các vị Sa Hoàng thời trước — nghĩa là, họ đã xem nước Nga là một trung tâm quyền lực của thế giới, có khả năng tác động và chi phối mạnh mẽ hành vi và chính sách của các quốc gia khác, cũng như có đủ khả năng và phương tiện để buộc các quốc gia khác trên thế giới phải lắng nghe và tôn trọng ý kiến của Chính quyền Nga.

       Hơn thế nữa, sự hồi sinh của Đế quốc Nga không chỉ thể hiện qua cách tư duy và hành xử của giới lãnh đạo Nga, mà còn được thể hiện ở việc nước Nga đã thiết lập được các nền tảng vững chắc cho sự kiểm soát mang tính chất đế quốc của mình đối với các quốc gia khác ở xung quanh.

       Thật vậy, từ sau khi Nga sáp nhập thành công Crimea, chúng ta có thể thấy rằng, những động thái mà Chính quyền Nga đưa ra đã thật sự mang tính đế chế. Chỉ một năm sau khi sáp nhập Crimea, tháng 7/2015, Nga công bố Học thuyết Hải quân mới, trong đó xác định rõ NATO là mối đe dọa hàng đầu của nước Nga, đây là sự công khai xác định rõ ràng và cụ thể về đối thủ thật sự của Nga, qua đó cho thấy người Nga đã có đủ dũng khí và sự tự tin trong cuộc đối đầu không thể tránh khỏi với NATO.

        Chỉ khoảng hai tháng sau, ngày 30/9/2015, theo đề nghị của Tổng thống Putin, Hội đồng Liên bang Nga (Thượng viện Nga) đã chấp thuận cho phép Không quân Nga được can thiệp vào cuộc nội chiến Syria để bảo vệ chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad — một đồng minh trung thành của Nga — chống lại các lực lượng đối lập. Chúng ta biết rằng, mối quan hệ giữa Nga và Syria đã được thiết lập từ thời Liên Xô và tại quốc gia này, Nga có một căn cứ hải quân hải ngoại duy nhất — quân cảng Tartus — cũng được xây dựng từ thời Liên Xô. Thông qua hành động can thiệp vào cuộc nội chiến Syria, người Nga đã cho các quốc gia khác trên thế giới biết rằng, nước Nga có đủ khả năng để bảo vệ các các mối quan hệ cũng như các di sản mang tính lịch sử của mình và sẵn sàng dùng đến sức mạnh quân sự để duy trì tầm ảnh hưởng mang tính đế chế mà mình đang có.

        Trước những hành động quân sự có tính quyết đoán của người Nga, các nước thành viên NATO ở Đông Âu đã vô cùng lo lắng, thế nên, để trấn an họ và cũng để mở rộng tầm ảnh hưởng của mình, Hoa Kỳ đã cho triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa (NMD) tại nhiều quốc gia Đông Âu. Hơn nữa, để thể hiện tinh thần sẵn sàng chiến đấu trước bất kỳ mối đe dọa nào, Hoa Kỳ và NATO đã mở cuộc tập trận “Iron Sword 2016” (Kiếm sắt 2016) vào cuối tháng 11/2016 tại Litva. Cuộc tập trận này có đến 4000 binh sĩ của 11 nước thành viên NATO tham gia.

        Đáp trả lại hành động này, Nga đã cho triển khai tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander (có thể gắn đầu đạn hạt nhân) và hệ thống tên lửa phòng không S-400 tại Kaliningrad — vùng lãnh thổ của Nga, nhưng tách rời Nga và tiếp xúc với các quốc gia thành viên của NATO. Tên lửa Iskander có tầm bắn lên đến 500 km, có thể bắn tới hầu hết các thủ đô châu Âu ở xung quanh đó. Với việc trang bị tên lửa Iskander cho Kaliningrad, chúng ta có thể thấy rằng, người Nga đã sẵn sàng đối đầu trực diện với Hoa Kỳ và NATO trong bất kỳ cuộc xung đột quân sự nào. Sau khi được trang bị các loại vũ khí có tính tiến công và phòng thủ cao như thế, Kaliningrad đã trở thành thành phố được quân sự hóa cao nhất ở châu Âu với sự góp mặt của các loại vũ khí có tính răn đe cao như tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander, hệ thống phòng không S-400, tổ hợp phòng thủ bờ biển Bastion… Do vậy, Kaliningrad đã trở thành con dao găm đặt vào trái tim của châu Âu theo cách hình dung của nhiều người.

        Vì vậy để trấn an các nước thành viên tại Đông Âu, Hoa Kỳ và NATO đã cho tổ chức cuộc tập trận “Iron Wolf” (Sói Sắt) tại Litva vào tháng 6/2017, với sự tham gia của 5000 quân từ 10 quốc gia thành viên. Trong cuộc tập trận này, màn trình diễn được mọi người chú ý nhất là màn trình diễn bảo vệ hành lang Sulwaki (Sulwaki gap), dải đất nằm giữa Ba Lan và Litva (hai quốc gia thành viên của NATO), nối liền Belarus — đồng minh quan trọng của Nga — với Kaliningrad. Các quốc gia phương Tây cho rằng nếu chiến tranh giữa Nga và NATO bùng nổ thì người Nga sẽ nhanh chóng chiếm lấy hành lang Sulwaki để có thể chia cắt NATO và kết nối Belarus với Kaliningrad, thế nên hành lang này cần phải được bảo vệ. Qua màng trình diễn của Hoa Kỳ và NATO, chúng ta có thể thấy rằng, các quốc gia phương Tây đã ý thức được tầm mức quan trọng của cuộc đối đầu giữa họ và Nga.

        Qua các cuộc tập trận liên tiếp được tổ chức tại Đông Âu, chúng ta có thể thấy rằng, vấn đề Ukraine và chiến trường Đông Âu là quan trọng như thế nào đối với Hoa Kỳ và NATO.

        Đáp trả lại hành động của phương Tây, cũng trong tháng 9/2017, Nga cùng Belarus đã tổ chức cuộc tập trận “Zapad-2017” (Phương Tây-2017) có quy mô lớn hơn hai cuộc tập trận của Hoa Kỳ và NATO trước đó, nhằm thị uy sức mạnh quân sự.

        Hoa Kỳ và NATO đã có phản ứng, họ đã liên tiếp tổ chức hai cuộc tập trận có quy mô tương đối lớn tại Đông Âu để đối trọng với người Nga: Cuộc tập trận Dragon-17 (Con Rồng-17) tại Ba Lan vào cuối tháng 9/2017 và cuộc tập trận Saber Strike (Cuộc tấn công của Kỵ binh) tại Ba Lan và các nước Baltic vào tháng 6/2018.

        Đến đây thì người Nga thấy rằng, họ cần phải phô diễn sức mạnh quân sự ở quy mô lớn nhất để thị uy với NATO. Tháng 9/2018, Nga đã tổ chức tại Siberia và Viễn Đông cuộc tập trận có quy mô lớn nhất trong lịch sử, Vostok-2018 (Phương Đông-2018). Vostok-2018 lớn hơn cả Zapad-1981 (Phương Tây-1981), cuộc tập trận có quy mô lớn nhất dưới thời Liên Xô. Vostok-2018 quy tụ khoảng 300.000 binh sĩ, 36.000 xe quân sự các loại, 1.000 máy bay quân sự các loại và khoảng 80 chiến hạm.

        Phương Tây đã thật sự kinh ngạc trước quy mô khổng lồ của cuộc tập trận này. Họ đã phải tạm dừng các cuộc tập trận có quy mô tương đối lớn mang tính chất khiêu khích một thời gian. Mãi gần hai năm sau, cuối tháng 6/2021, Hoa Kỳ và NATO mới cho tổ chức cuộc tập trận “Sea Breeze” (Gió Biển) có quy mô hạn chế trên biển Đen.

        Đáp trả lại, Nga và Belarus đã tổ chức cuộc tập trận “Zapad-2021” (Phương Tây-2021) vào tháng 9/2021, cuộc tập trận lớn nhất diễn ra tại châu Âu với khoảng 200.000 binh sĩ tham gia (và là cuộc tập trận lớn thứ hai tại Nga, chỉ sau Vostok-2018).

        Ngày 2/7/2021, Tổng thống Putin công bố Chiến lược An ninh Quốc gia mới; trong đó, nêu rõ nước Nga phải tăng cường sức mạnh cả về kinh tế, chính trị, quân sự để đối phó với nguy cơ chiến tranh xuất phát từ hành động không ngừng gây hấn của Hoa Kỳ và NATO. Điều này là sự công khai hóa cuộc đối đầu giữa Nga — NATO với công chúng thế giới.

       Quan sát các màn thị uy sức mạnh lẫn nhau giữa hai bên, chúng ta có thể thấy rằng, quả thật, người Nga đã rất cứng rắn trong cuộc đối đầu với Hoa Kỳ và NATO. Thông qua các cuộc tập trận với quy mô không ngừng được mở rộng nhằm biểu dương lực lượng và phô diễn sức mạnh quân sự của mình, người Nga đã gửi một thông điệp rõ ràng và mạnh mẽ đến các cường quốc phương Tây rằng, nước Nga có đủ khả năng và sức mạnh để giáng trả bất kỳ hành động quân sự nào của phương Tây; rằng, nước Nga đã khôi phục thành công sức mạnh đế chế của mình. Và, do vậy, nước Nga xứng đáng nhận được sự tôn trọng của tất cả các quốc gia khác trên thế giới.

       Như vậy, thật sự là, đối với các quốc gia phương Tây, nước Nga đã có một màn so găng thật sự ấn tượng với các quốc gia ấy. Vậy còn đối với các tân quốc gia hậu xô viết thì nước Nga có cách hành xử như thế nào?

       Đối với các tân quốc gia hậu xô viết, sau khi sáp nhập Crimea, Nga đã không ngừng gia tăng sự kiểm soát đối với các tân quốc gia này. Sau khi đoạt được thành công tại Crimea, người Nga đã tiến thêm một bước nữa, họ tiếp tục hỗ trợ hai vùng đất ly khai ở miền Đông Ukraine là Donetsk và Lugansk thoát ly khỏi sự kiểm soát của Chính quyền trung ương Ukraine. Dưới sự hỗ trợ của Chính quyền Nga, Donetsk và Lugansk đã thành lập quốc gia của riêng mình: Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Cộng hòa Nhân dân Lugansk. Và, từ năm 2014 cho đến nay, nghĩa là kể từ khi hai chính quyền này tuyên bố thành lập, Quân đội Nga đã không ngừng hỗ trợ hai nước cộng hòa tự xưng này chống lại quân đội của Chính phủ Ukraine.

        Đặc biệt, vào ngày 21/2/2022, ngày Quân đội Nga bắt đầu xâm lược Ukraine, Tổng thống Putin đã tuyên bố công nhận nền độc lập của hai nước cộng hòa tự xưng này. Hiện nay, nếu căn cứ vào tình hình thực tế của chiến trường thì chúng ta phải thừa nhận rằng Quân đội Nga đã kiểm soát được miền Đông Ukraine trên thực tế.

        Hôm 1/6/2022, Leonid Slutsky — Chủ tịch Ủy ban Các vấn đề Quốc tế của Duma Quốc gia Nga (Hạ viện Nga) — cho biết bốn tỉnh của Ukraine gồm Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhzhia có thể tổ chức trưng cầu dân ý vào mùa hè này để quyết định việc có sáp nhập vào Nga hay không.[36] Điều đó cho thấy rằng, sáp nhập miền Đông Ukraine vào bản đồ của nước Nga là một khả năng đang được giới lãnh đạo Nga xem xét. Qua đó cho thấy, tham vọng lãnh thổ của giới lãnh đạo Nga là thật sự có; và, chúng ta có thể nói rằng, đây thật sự là một tham vọng mang tính chất đế quốc.

     Trước đó, vào ngày 6/1/2022, người Nga cũng đã tạo nên một sự kiện chưa từng có tiền lệ kể từ khi Liên Xô sụp đổ, khiến cả thế giới bàng hoàng: Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO), do người Nga lãnh đạo, đã đưa quân vào Kazakhstan để thực thi nhiệm vụ gìn giữ hòa bình. Như chúng ta đã biết, CSTO được thành lập vào năm 2002 gồm sáu nước là Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikistan. Tuy nhiên, từ khi thành lập cho đến những năm gần đây, tổ chức này chưa cho mọi người thấy được hiệu quả thực tế của nó. Vì vậy, thông qua hành động đưa quân vào Kazakhstan, người Nga đã cho thế giới biết rằng, Quân đội Nga có thể tiến vào lãnh thổ của các quốc gia thành viên CSTO còn lại bất cứ lúc nào. Đây là một sự khẳng định về quyền kiểm soát của người Nga đối với các quốc gia này.

        Riêng đối với Belarus, vì mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước, nên người Nga có thể tự do ra mặt hành động mà không cần phải dùng đến danh nghĩa của CSTO. Thật vậy, vào tháng 8/2020, Belarus đã rơi vào tình trạng hỗn loạn sau cuộc bầu cử tổng thống. Tổng thống Belarus Lukashenko đã yêu cầu Nga giúp đỡ. Đáp lại yêu cầu của Belarus, Tổng thống Putin đã thành lập một lực lượng cảnh sát dự bị, sẵn sàng được đưa đến Belarus để hỗ trợ chính quyền của Tổng thống Alexander Lukashenko duy trì an ninh trật tự nếu được yêu cầu. Mặc dù sau đó Nga không phải đưa lực lượng cảnh sát dự bị này đến Belarus vì trật tự tại quốc gia này đã được vãn hồi. Tuy nhiên, qua hành động Nga thành lập lực lượng cảnh sát dự bị sẵn sàng can thiệp vào Belarus, đã cho thấy ảnh hưởng của Nga đối với quốc gia này là to lớn như thế nào.

        Qua cách hành xử của Nga ở ba nước Ukraine, Kazakhstan và Belarus, chúng ta có thể thấy rằng, tư duy và cách hành xử mang tính đế chế đã thật sự quay trở lại với giới lãnh đạo Nga. Đây là một trong những dấu hiệu quan trọng cho thấy sự hồi sinh trên thực tế của Đế quốc Nga. Điều này có nghĩa là giới lãnh đạo Nga hiện nay đang muốn tái lập quyền kiểm soát của nước Nga đối với tất cả các tân quốc gia hậu xô viết. Vậy khả năng kiểm soát của người Nga đối với các không gian hậu xô viết đã tiến triển đến đâu?

        Trong tác phẩm Russia Resurrected — Its Power and Purpose in a New Global Order (Nước Nga Hồi sinh — Sức mạnh và Mục đích trong một Trật tự Toàn cầu Mới), Kathryn E. Stoner đã chia 14 tân quốc gia hậu xô viết thành hai nhóm nước: Nhóm các quốc gia có quan hệ mật thiết với Nga và nhóm các quốc gia tự do hóa.

       Nhóm các quốc gia có quan hệ mật thiết với Nga gồm tám nước là Belarus, Armenia, Azerbaijan, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Turkmenistan, Tajikistan và Uzbekistan. Các quốc gia này có chế độ chính trị tương đồng với Nga, đồng thời cũng có các mối quan hệ về an ninh và kinh tế mật thiết với Nga. Do vậy, có thể nói rằng, đây là các quốc gia thân Nga. Thông qua Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) và Liên minh Kinh tế Á-ÂU (EAEU), người Nga có thể gia tăng sự kiểm soát của mình đối với các quốc gia này. Vì thế, có thể nói rằng, Nước Nga đã thiết lập được quyền kiểm soát của mình đối với từng nước trong nhóm quốc gia này ở các mức độ khác nhau. Đặc biệt, ảnh hưởng của Nga đối với ba nước Armenia, Kyrgyzstan và Tajikistan là vô cùng to lớn, vì tại ba quốc gia này vẫn còn tồn tại các căn cứ quân sự của Nga.

       Nhóm các quốc gia tự do hóa có sáu nước gồm Moldova, Gruzia, Ukraine và ba nước Baltic là Estonia, Latvia và Litva. Các quốc gia này có xu hướng thân phương Tây và cố gắng giảm sự phụ thuộc vào Nga. Xét theo tình hình hiện nay, thì tất cả sáu nước này cũng đã nằm trong tầm kiểm soát của Nga.

        Thật vậy, đối với Ukraine, thì lãnh thổ của quốc gia này đang bị Quân đội Nga giày xéo; và, hiện nay, trên thực tế, miền Đông Ukraine đã nằm dưới sự kiểm soát của Quân đội Nga.

        Đối với Moldova, thì người Nga đã đưa lực lượng gìn giữ hòa bình của mình đến Transnistria — vùng lãnh thổ ly khai của Moldova; lực lượng này của Nga vừa hậu thuẫn cho quân ly khai tại vùng đất này, vừa giám sát hành động của Chính phủ Moldova; và, nếu trong trường hợp Chính phủ Moldova có những hành động gây tổn hại đến lợi ích của Nga, thì lực lượng này có thể phối hợp với các đơn vị của Quân đội Nga đang trú đóng ở Ukraine để đưa ra những hành động quân sự có tính kết hợp nhằm buộc Chính phủ Moldova phải nhượng bộ.

        Còn với Gruzia, thì người Nga đã có sự khống chế chặt chẽ đối với quốc gia này. Gruzia nằm ở khu vực Caucasus, phía Bắc giáp Nga, phía Nam giáp Armenia, một quốc gia có quan hệ mật thiết với Nga và cũng chính là quốc gia có căn cứ quân sự của Nga, căn cứ 102 của Quân đội Nga. Vì thế, ở phía Bắc, Gruzia phải đối diện với Quân khu miền Nam của Nga; ở phía Nam, quốc gia này lại chịu sự uy hiếp của căn cứ quân sự 102 của Quân đội Nga cùng với đồng minh Armenia của người Nga. Không chỉ có thế, quốc gia này còn chịu sự bao vây của hai nước cộng hòa tự xưng được người Nga công nhận là Abkhazia và Nam Ossetia. Như vậy, Gruzia đã thật sự nằm trong tầm kiểm soát của Quân đội Nga.

        Đối với ba nước Baltic, thì sự bao vây của người Nga đối với ba quốc gia này càng chặt chẽ hơn nữa. Nhìn vào tấm bản đồ thế giới, chúng ta có thể thấy rằng, ba quốc gia này bị bao bọc xung quanh bởi Nga, Belarus (đồng minh thân cận của Nga), Kaliningrad (vùng lãnh thổ của Nga), Ba Lan và biển Baltic. Điều này có nghĩa là: Ở phía Đông, ba quốc gia này phải đối mặt với Quân khu miền Tây của Nga và Quân đội Belarus; ở phía Tây, họ lại bị các đơn vị Quân đội Nga trú đóng ở Kaliningrad uy hiếp; hơn nữa, họ cũng luôn phải đối mặt với nguy cơ bị Hạm đội Baltic của Nga (có căn cứ ở Kaliningrad) phong tỏa biển Baltic bất cứ lúc nào.

        Vì thế, nếu ba quốc gia này có xung đột với Nga, thì người Nga chỉ cần chiếm giữ hành lang Sulwaki — dải đất dài chưa đến 100 km, nằm giữa Ba Lan và Litva — là có thể khóa chặt ba quốc gia này trong vòng tay của mình. Ý thức được điều này, nên trong cuộc tập trận “Iron Wolf” (Sói Sắt) tại Litva vào tháng 6/2017, Hoa Kỳ và NATO mới cho diễn tập tình huống bảo vệ hành lang Sulwaki, để đề phòng khả năng Quân đội Nga chiếm lấy hành lang này. Như vậy, xét trên thế trận của Quân đội Nga đối với khu vực này, chúng ta có thể nói rằng, cả ba quốc gia Baltic cũng đã nằm trong tầm kiểm soát của Quân đội Nga.

        Như vậy, sức mạnh quân sự vượt trội cùng với sự bố trí quân sự hợp lý chính là một nền tảng vững chắc cho sự kiểm soát mang tính đế quốc của người Nga đối với 14 tân quốc gia hậu xô viết. Thông qua các hành động quân sự tại Gruzia và Ukraine, người Nga đã gửi một thông điệp cứng rắn và mạnh mẽ đến tất cả các tân quốc gia hậu xô viết rằng, nếu họ dám từ chối và thách thức quyền lãnh đạo của Moskva thì họ sẽ phải đối mặt với sự trừng phạt nghiêm khắc từ Quân đội Nga.

        Sự kiểm soát của người Nga càng được tăng cường hơn nữa khi người Nga không chỉ có các công cụ quân sự để gây sức ép lên các tân quốc gia hậu xô viết, mà họ còn có các công cụ kinh tế như các cấu trúc hạ tầng mà nước Nga được thừa hưởng từ Liên Xô (đặc là mạng lưới đường ống dẫn dầu và khí đốt), các nguồn tài nguyên thiên nhiên mà các tân quốc gia này rất cần, thị trường Nga cho các loại sản phẩm của các tân quốc gia… để tác động lên hành vi và chính sách của các tân quốc gia hậu xô viết ở xung quanh ấy. Vì thế, ảnh hưởng kinh tế cũng là một nền tảng vững chắc cho sự kiểm soát mang tính đế quốc của người Nga đối với các tân quốc gia hậu xô viết.

        Qua đó, chúng ta có thể thấy rằng, thông qua các cộng cụ quân sự và kinh tế đầy uy lực, người Nga đã thiết lập được quyền lực và ảnh hưởng của mình tại các tân quốc gia hậu xô viết. Tất nhiên, trong số các tân quốc gia này, sẽ có một số quốc gia chấp nhận quyền lãnh đạo của Moskva (như Belarus và Armenia), số khác sẽ từ chối quyền lãnh đạo ấy (như Gruzia và Ukraine). Tuy nhiên, dù tình hình thực tế có diễn biến như thế nào, thì một thực tế mà chúng ta không thể phủ nhận là: Quyền lực và ảnh hưởng của người Nga đã quay trở lại với các vùng ngoại vi của Đế quốc Nga khi xưa. Điều này có nghĩa là: Đế quốc Nga đã hồi sinh trên thực tế.

        Trong tác phẩm The Next Decade: Empire and Republic in a Changing World (Thập niên tiếp theo: Đế quốc và Nền Cộng hòa trong một Thế giới đang thay đổi) được xuất bản vào năm 2011, ở phần viết về nước Nga, George Friedman — một chuyên gia địa chính trị nổi tiếng của Hoa Kỳ — đã nhận định rằng, hiện nay Nga đang có sự hợp tác quân sự với Belarus, nếu người Nga có thêm Ukraine thì Quân đội Nga có thể tiếp cận biên giới các nước Romania, Hungary, Slovakia, Ba Lan và ba nước Baltic, do đó, Đế quốc Nga sẽ được tái lập trong một vỏ bọc mới. Với những gì chúng ta đã phân tích ở trên, chúng ta có thể thấy rằng, sự kiểm soát và tầm ảnh hưởng của nước Nga đối với các quốc gia khác đã vượt xa những gì mà Friedman đã chỉ ra. Vì thế, nhận định của chúng ta rằng, Đế quốc Nga đã hồi sinh trên thực tế, là một nhận định hoàn toàn có cơ sở.

        Vấn đề là, Đế quốc Nga mà chúng ta nhìn thấy ở đây vẫn chỉ là một đế quốc sơ sinh. Điều này có nghĩa là, sự kiểm soát của người Nga đối với các tân quốc gia hậu xô viết vẫn còn rất hạn chế. Do vậy, người Nga nếu muốn có được vinh quang, quyền lực và ảnh hưởng mà các vị Sa Hoàng thời trước đã có thì họ cần phải làm nhiều việc hơn thế nữa.

        Ý thức được điều này, cho nên trong những năm gần đây, người Nga đã không ngừng gia tăng ngân sách quân sự, nhằm mở rộng kho vũ khí quy ước và hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của mình. Cho đến nay, kho vũ khí quy ước của Nga đã trở nên vô cùng to lớn và hầu hết các loại vũ khí hạt nhân của Nga cũng đã được hiện đại hóa (tháng 12/2018, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Shoigu tuyên bố rằng, hơn 82% các loại vũ khí hạt nhân đã được hiện đại hóa xong).[37] Chính trên cơ sở này, Tổng thống Putin đã tuyên bố: “Không kẻ nào được mang ảo tưởng rằng có thể giành được ưu thế quân sự so với Nga. Chúng tôi sẽ không bao giờ để điều đó xảy ra. Nga sẽ đối phó với tất cả những thách thức này, cả về chính trị và công nghệ. Chúng tôi có tất cả những gì chúng tôi cần để làm như vậy.”[38] Và, cũng chính trên cơ sở này mà người Nga mới có đủ dũng khí và sự tự tin để tổ chức những cuộc tập trận với quy mô không ngừng được mở rộng nhằm thị uy với Hoa Kỳ và NATO.

        Thông qua hai hành động có tính chất kết hợp đồng thời — tái lập quyền kiểm soát của người Nga đối với các tân quốc gia hậu xô viết và phô diễn sức mạnh quân sự với các nước phương Tây, chúng ta có thể thấy rằng, thông điệp mà người Nga muốn gửi đến Hoa Kỳ và NATO là: Các người không được phép cản trở quá trình tái lập đế chế của chúng tôi, nếu không các người sẽ phải trả giá đắt.

        Như vậy, hành động thực tế của người Nga — thể hiện qua cách hành xử và bố trí lực lượng — cũng đã cho chúng ta thấy rằng, tái lập đế chế là khuynh hướng chính sách của nước Nga hiện nay.

 

        d. Rào cản đối với hành trình tái lập đế chế của người Nga 

 

         Hành động sáp nhập Crimea của người Nga, theo cách nhìn nhận của nhiều người, là sự chiếm đoạt lãnh thổ của Ukraine. Còn sự công nhận của Chính quyền Nga đối với nền độc lập quốc gia của các nước cộng hòa tự xưng như Nam Ossetia, Abkhazia, Lugansk, Donetsk chính là sự tách rời một phần lãnh thổ của các tân quốc gia hậu xô viết ra khỏi sự kiểm soát của chính quyền trung ương của các tân quốc gia này; hay nói cách khác, bằng việc thực hiện hành động tách rời lãnh thổ này, người Nga đã có thể chia cắt đất nước các tân quốc gia hậu xô viết, nhằm làm suy yếu các tân quốc gia ấy, để có thể dễ dàng kiểm soát họ. Hai hành động kể trên chính là hai biện pháp quan trọng mà người Nga đã và đang thực hiện để tái lập đế chế của mình. Do mối liên hệ có tính chất hỗ trợ lẫn nhau giữa hai biện pháp nêu trên nên chúng ta có thể gộp chúng lại trong một sách lược chung (để chúng ta có thể dễ dàng nhận diện): Sách lược tách chiếm lãnh thổ, sách lược mà người Nga sẽ áp dụng trong giai đoạn đầu của hành trình tái lập đế chế.

        Như vậy, qua các hành động của người Nga tại Gruzia và Ukraine, chúng ta có thể thấy rằng, sách lược tách chiếm lãnh thổ là một công cụ chủ đạo để người Nga tái lập quyền kiểm soát của mình đối với các không gian hậu xô viết, và nó cũng là một trong những công cụ quan trọng nhất để người Nga xây dựng lại đế chế của mình.

       Vấn đề ở đây là, căn cứ theo lời Valeri Korovin đã nói ở trên, rằng, về mặt nguyên tắc thì người Nga có thể tiến xa hơn — điều này hàm ý rằng sức mạnh quân sự của Nga là vượt trội hơn nhiều lần so với tất cả các tân quốc gia hậu xô viết; vậy, trong hành trình tái lập đế chế của mình, tại sao người Nga lại không lựa chọn phương án tái lập đế chế bằng một cuộc chiến tranh chớp nhoáng, tổng lực mà lại lựa chọn các biện pháp tách chiếm lãnh thổ tốn nhiều thời gian như vậy? Câu trả lời là, vì người Nga đã gặp phải rào cản lớn nhất trong đời sống quốc tế hiện nay: Luật pháp quốc tế, một nhân tố mới nổi lên trong đời sống chính trị quốc tế từ sau khi Liên Xô sụp đổ, có khả năng chi phối mọi hành vi của các quốc gia trên thế giới hiện nay.

        Vì sao chúng ta lại nói rằng Luật pháp quốc tế là nhân tố mới nổi trong giai đoạn hậu Chiến tranh lạnh? Đó là vì, trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, nhân tố chủ đạo chi phối các mối quan hệ quốc tế không phải là Luật pháp quốc tế, mà là ý thức hệ. Các nhà lãnh đạo quốc gia trong thời kỳ này, khi hành động, thường cân nhắc đến các yếu tố ý thức hệ, còn Luật pháp quốc tế nếu có xét đến, thì cũng chỉ đóng vai trò hết sức mờ nhạt trong tiến trình ra quyết định của các nhà lãnh đạo quốc gia kể trên.

        Vì vậy, khi xem xét lại các tài liệu lịch sử quan hệ quốc tế trong thời kỳ này, chúng ta sẽ dễ dàng bắt gặp những thuật ngữ mang đậm màu sắc ý thức hệ từ cả hai phía đối địch: Từ phía các quốc gia xã hội chủ nghĩa, chúng ta thường bắt gặp những thuật ngữ như “chống chủ nghĩa đế quốc”, “chống chủ nghĩa xét lại”, “chống chủ nghĩa giáo điều”, “chống giai cấp tư sản quốc tế”, “âm mưu của chủ nghĩa đế quốc”, “tiền đồn của phe xã hội chủ nghĩa”, “bảo vệ thành quả của chủ nghĩa xã hội”, “nụ hôn xã hội chủ nghĩa”…; từ phía các quốc gia dân chủ phương Tây, chúng ta sẽ gặp phải những thuật ngữ như “chống chủ nghĩa cộng sản”, “ngăn chặn sự lan rộng của chủ nghĩa cộng sản”, “bảo vệ thế giới tự do”…

        Đặc biệt, trong thời kỳ này, mối quan hệ giữa các quốc gia cũng được đặt trên nền tảng ý thức hệ. Vì vậy, trong thời kỳ này, chúng ta chứng kiến sự xuất hiện của những liên minh trong các lĩnh vực đặc thù nhưng lại mang tính chất ý thức hệ như NATO (Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương) — một liên minh quân sự của các quốc gia dân chủ phương Tây, SEV (Hội đồng Tương trợ Kinh tế) — một liên minh kinh tế của các quốc gia xã hội chủ nghĩa, Khối Warszawa — một liên minh quân sự của các quốc gia xã hội chủ nghĩa…

       Tuy nhiên, khi chiến tranh lạnh kết thúc, những thuật ngữ mang tính ý thức hệ kể trên đột nhiên biến mất khỏi sách báo và các phương tiện thông tin đại chúng một cách thần kỳ, thay vào đó là những thuật ngữ của các ngành luật quốc tế như “phạm tội ác diệt chủng”, “phạm tội ác chống lại loài người”, “vi phạm nhân quyền”, “vi phạm Hiến chương Liên Hợp Quốc”, “vi phạm Luật pháp quốc tế”… được sử dụng thường xuyên. Và, quốc gia thường xuyên viện dẫn đến Luật pháp quốc tế nhiều nhất chính là Hợp chúng quốc Hoa Kỳ.

        Sự thay đổi về mặt thuật ngữ như trên, đã cho chúng ta thấy rằng, nhân tố chính chi phối nền ngoại giao thế giới đã thay đổi. Từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc, Luật pháp quốc tế đã trở thành nhân tố chính tác động mạnh mẽ đến cách hành xử của các quốc gia trên thế giới. Câu hỏi đặt ra là, Tại sao lại có sự thay đổi như vậy? Vì sao, từ một nhân tố mờ nhạt trong Chiến tranh lạnh, đột nhiên Luật pháp quốc tế bỗng trở thành một nhân tố chính yếu chi phối các tiến trình ngoại giao quốc tế?

        Câu hỏi tiếp theo mà chúng ta có thể đặt ra là, vì sao những quan chức của các tòa án quốc tế — vốn chỉ biết ngày ngày ngồi trong những căn phòng nhỏ hẹp của những cái tòa án quốc tế ấy để nghiền ngẫm những khái niệm Luật pháp quốc tế chẳng được ai quan tâm đến — bỗng nhiên có được ảnh hưởng chính trị vô cùng to lớn, khi mà các bản án của họ nhiều khi trở thành những nhát dao để kết liễu một chế độ. Tất nhiên, bản thân các quan chức của các tòa án quốc tế ấy không có được các nguồn lực chính trị cần thiết để có thể phát huy ảnh hưởng của mình đến cuộc sống của hàng triệu người dân trên toàn thế giới như thế. Điều này có nghĩa là các quan chức tòa án quốc tế cũng như chính các tòa án quốc tế của họ — hay nói chính xác hơn là chính bản thân Luật pháp quốc tế — đã bị một quốc gia nào đó, hoặc một liên minh các quốc gia nào đó, sử dụng làm công cụ để đoạt được các mục tiêu của họ. Tất nhiên là, chúng ta không có bằng chứng trực tiếp để biết được quốc gia nào, hay liên minh các quốc gia nào đã làm việc đó.

       Tuy nhiên, căn cứ vào thực tế là: (1) Từ khi Liên Xô sụp đổ, Hoa Kỳ là siêu cường toàn cầu duy nhất, trật tự thế giới đơn cực Hậu Chiến tranh lạnh là do Hoa Kỳ lãnh đạo; (2) trong hơn bảy mươi năm nay, Hoa Kỳ chính là quốc gia lãnh đạo hệ thống pháp luật quốc tế, theo cách, Hoa Kỳ định nghĩa các quy định, chỉ ra các trường hợp ngoại lệ của quy định và thông thường Hoa Kỳ cũng trở thành tác nhân chính yếu để thi hành các quy định đó, điều đó có nghĩa là trật tự pháp lý quốc tế hiện nay là do Hoa Kỳ lãnh đạo; (3) từ sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, Hoa Kỳ chính là quốc gia thường xuyên viện dẫn đến Luật pháp quốc tế để biện minh cho các hành động và chính sách của mình… thì chúng ta cũng đã có đầy đủ cơ sở để khẳng định rằng, Hoa Kỳ chính là quốc gia đã nâng Luật pháp quốc tế từ một nhân tố mờ nhạt trong Chiến tranh lạnh trở thành một tác nhân chính yếu trong thế giới Hậu Chiến tranh lạnh.

      Vì sao Hoa Kỳ phải làm thế?

      Đó là vì Luật pháp quốc tế có khả năng cung cấp cho Hoa Kỳ những lợi thế tuyệt đối mà Hoa Kỳ thật sự rất cần để có thể duy trì vai trò lãnh đạo thế giới của mình sau khi Liên Xô sụp đổ. (Những nhận định mà chúng ta sẽ trình bày dưới đây là căn cứ trên logic chính sách của Hoa Kỳ và của nước Nga.)

       Thứ nhất, Hoa Kỳ đã tìm thấy ở Luật pháp quốc tế một công cụ mới để biện minh cho các hành động và chính sách của mình.

       Trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, chính sách đối ngoại cơ bản của Hoa Kỳ là Chính sách ngăn chặn Chủ nghĩa Cộng sản. Chính sách này được vị tổng thống thứ 33 của Hoa Kỳ Harry Truman công bố trong bài diễn văn đọc trước Quốc hội Hoa Kỳ vào ngày 12/3/1947; và, nó đã trở thành công cụ đối ngoại chủ đạo để chính quyền Truman và các chính quyền kế nhiệm chống phá Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa. Chính sách ngăn chặn Chủ nghĩa Cộng sản là phương hướng đối ngoại cơ bản của Hoa Kỳ trong thời kỳ này, nó là ngọn cờ để Hoa Kỳ tập hợp đồng minh cũng như kêu gọi sự ủng hộ của người dân trong nước.

       Tuy nhiên, khi Liên Xô rơi vào khủng hoảng và sụp đổ thì chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ ở vào thời điểm ấy cũng bị rơi vào trạng thái mất phương hướng, vì khi mục tiêu đã bị phá hủy thì người ta không biết bước tiếp theo mình sẽ phải làm gì. Vì thế, Hoa Kỳ cần một ngọn cờ mới để có thể duy trì các liên minh hiện có cũng như có thể thuyết phục cử tri trong nước tiếp tục ủng hộ sự hiện diện của Hoa Kỳ ở các khu vực khác nhau trên thế giới. Và, ngọn cờ mà Hoa Kỳ đang cần ấy chính là Luật pháp quốc tế. Vì, Luật pháp quốc tế — với tính cách là các nguyên tắc, quy định đã được đa số các quốc gia trên thế giới thỏa thuận với nhau — sẽ cho Hoa Kỳ những lý do hợp lý và hợp pháp để Hoa Kỳ có thể tác động và chi phối hành vi của các quốc gia khác. Vì vậy, chúng ta có thể thấy rằng, từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc cho đến nay, Hoa Kỳ thường xuyên viện dẫn đến Luật pháp quốc tế để biện minh cho các mục tiêu chính sách của mình.

         Thứ hai, Luật pháp quốc tế là công cụ để Hoa Kỳ duy trì trạng thái ổn định của trật tự thế giới mới. Tháng 2/1945, Hội nghị Yalta được tổ chức tại Liên Xô. Tại hội nghị này, Hai siêu cường Hoa Kỳ và Liên Xô đã xác lập trật tự thế giới lưỡng cực do họ lãnh đạo. Tháng 12/1991, Liên Xô giải thể, điều này có nghĩa là trật tự thế giới lưỡng cực cũng đã kết thúc. Do vậy, Hoa Kỳ đã trở thành siêu cường toàn cầu duy nhất, và trật tự thế giới đơn cực do Hoa Kỳ lãnh đạo đã được thiết lập.

       Chúng ta biết rằng, bất kỳ thế lực thống trị nào cũng muốn duy trì nguyên trạng để bảo vệ địa vị lãnh đạo của mình. Hoa Kỳ cũng không ngoại lệ. Và, chúng ta cũng biết rằng, pháp luật là công cụ tốt nhất để ổn định trật tự xã hội. Vì vậy, như là một hệ quả tất nhiên, Hoa Kỳ đã biến Luật pháp quốc tế thành một công cụ để duy trì trật tự thế giới đơn cực do mình lãnh đạo; Hoa Kỳ đã tạo ra một trật tự pháp lý, trong đó, các quốc gia sẽ cư xử “văn minh” với nhau theo các chuẩn mực của Luật pháp quốc tế; thế giới của chúng ta, vì thế, sẽ trở nên hòa bình, ổn định và thịnh vượng hơn; và, vì thế, các quốc gia trên thế giới sẽ cùng nhau sống trong một nền Hòa bình kiểu Mỹ (Pax Americana), một nền hòa bình do Hoa Kỳ bảo trợ; do vậy, các quốc gia sẽ cùng nhau chấp nhận bá quyền toàn cầu của Hoa Kỳ, địa vị lãnh đạo thế giới của Hoa Kỳ, vì thế, sẽ không ai có thể thay thế được.

        Thứ ba, Luật pháp quốc tế có những tính chất địa chính trị mà Hoa Kỳ có thể sử dụng để hủy diệt đối thủ số một của mình — Liên Xô. Từ khi trật tự thế giới lưỡng cực được thiết lập cho đến khi kết thúc, Hoa Kỳ luôn xem Liên Xô là đối thủ số một của mình. Vì thế, Hoa Kỳ luôn tìm cách chống phá Liên Xô bằng tất cả các biện pháp có thể như cô lập về ngoại giao, bao vây về kinh tế, đe dọa về quân sự… Những biện pháp ngoại giao, kinh tế, quân sự mà Hoa Kỳ sử dụng để chống phá Liên Xô tuy có hiệu quả ở các mức độ khác nhau; tuy nhiên, sự sụp đổ của Liên Xô vào đầu những năm 90 của thế kỷ XX lại xuất phát từ những nguyên nhân nội tại của quốc gia này.

        Và, Hoa Kỳ đã không bỏ lỡ cơ hội. Hoa Kỳ chợt phát hiện ra rằng họ còn có thêm một công cụ mới rất hiệu quả để phá hủy triệt để đối thủ số một của mình, đó là: Luật pháp quốc tế. Điều khoản nào của Luật pháp quốc tế lại có tính năng địa chính trị có tác dụng hỗ trợ cho chính sách chống phá Liên Xô của Hoa Kỳ? Đó chính là điều 2(4) trong Hiến chương Liên Hợp Quốc, “Tất cả các quốc gia thành viên sẽ kiềm chế việc đe dọa hoặc sử dụng vũ lực trong các mối quan hệ quốc tế nhằm chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ hay nền độc lập chính trị của bất kỳ quốc gia nào khác, hoặc theo bất kỳ cách nào khác không phù hợp với mục đích của Liên Hợp Quốc.”[39] Nội dung của điều khoản này là, các quốc gia không được phép sử dụng vũ lực chống lại nhau và đặc biệt là không được phép chiếm đoạt lãnh thổ của nhau thông qua sử dụng vũ lực.

        Khách quan mà nói, bằng việc ngăn chặn các quốc gia sử dụng vũ lực để chống lại nhau và chiếm đoạt lãnh thổ của nhau, điều 2(4) này của Hiến chương Liên Hợp Quốc đã trở thành điều khoản quan trọng nhất trong hệ thống pháp luật quốc tế có tính năng bảo vệ nền hòa bình của thế giới chúng ta. Nó có tác dụng bảo vệ các quốc gia nhỏ yếu trước nguy cơ bị các cường quốc lớn trên thế giới xâm lược. Vì vậy, có thể nói rằng, điều khoản này cũng có tính chất kiến tạo nền hòa bình thế giới.

        Tuy nhiên, đứng từ góc nhìn của người Nga mà xét, thì điều 2(4) của Hiến chương Liên Hợp Quốc chính là điều khoản đã phá hủy sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước họ. Vì điều khoản này đã ngăn chặn người Nga dùng sức mạnh quân sự, sức mạnh cốt lõi của nước Nga hiện nay, để thu hồi các vùng đất ngoại vi của Đế quốc Nga khi xưa — mà hiện nay chính là các tân quốc gia hậu xô viết — nhằm thực hiện công cuộc thống nhất đất nước của họ. Đây chính là câu trả lời chính xác, cụ thể cho vế thứ nhất của câu hỏi “tại sao người Nga lại không lựa chọn phương án tái lập đế chế bằng một cuộc chiến tranh chớp nhoáng, tổng lực mà lại lựa chọn biện pháp tách chiếm lãnh thổ tốn nhiều thời gian để tái lập đế chế?” mà chúng ta đã đặt ra ở phần đầu của đề mục này. Điều khoản 2(4) của Hiến chương Liên Hợp Quốc đã ngăn chặn người Nga phát động một cuộc chiến tranh chớp nhoáng, tổng lực để thống nhất đất nước.

        Có thể thấy rằng, chính điều 2(4) này của Hiến chương Liên Hợp Quốc đã ngăn chặn sự hồi sinh của Liên Xô. Chỉ với một điều khoản đơn giản của Luật pháp quốc tế, Hoa Kỳ đã có thể trói chặt chân tay của người Nga hơn cả các công cụ ngoại giao, kinh tế, quân sự mà họ đã từng sử dụng trước kia. Như vậy, chúng ta có thể thấy rằng, tính chất địa chính trị cơ bản của điều 2(4) là bảo vệ các đường biên giới quốc gia của tất cả các nước trên thế giới, đã bị Hoa Kỳ biến thành một công cụ địa chính trị vô cùng hiệu quả để chia cắt Liên Xô — đối thủ số một của Hoa Kỳ.

        Liệu sự chia cắt này là vô tình hay cố ý? Hay nói cách khác, trật tự pháp lý mà Hoa Kỳ tạo ra sau khi Liên Xô sụp đổ đã vô tình làm hại nước Nga, hay Hoa Kỳ đã cố tình tạo ra một trật tự pháp lý để hủy diệt đối thủ của mình? Chúng ta có cơ sở để tin rằng, đây là một sự cố ý.

        Thật vậy, ở chương Kết luận, trong tác phẩm The Grand Chessboard (Bàn Cờ Lớn) được xuất bản vào năm 1997, Brzezinski — người từng là Cố vấn An ninh Quốc gia dưới thời Tổng thống Carter — đã nói rõ phương án chia cắt nước Nga sau khi Liên Xô sụp đổ như trên chính là: “Củng cố sự đa nguyên địa chính trị đang trỗi dậy trong không gian hậu xô viết.”.[40] Hay nói cách khác, chia cắt nước Nga, chính là một ưu tiên chính sách của Hoa Kỳ.

        Vậy, tại sao Hoa Kỳ lại muốn chia cắt nước Nga? Trong Địa Chính trị học có hai quan điểm trái ngược nhau giải thích về mối quan hệ giữa sự kiểm soát các nhân tố địa lý và quyền lực của một quốc gia.

        Quan điểm thứ nhất là của nhà Địa lý người Anh Halford John Mackinder, cho rằng quốc gia nào thống trị được Đại lục Á-Âu thì sẽ thống trị thế giới. Trong tác phẩm Democratic Ideals and Reality: A Study in the Politics of Reconstruction (Những lý tưởng và thực tế dân chủ: Nghiên cứu về Chính trị của sự Tái thiết), được xuất bản vào năm 1919, Mackinder tuyên bố rằng: “Ai thống trị Đông Âu sẽ kiểm soát Vùng Đất lõi (Heartland); ai thống trị Vùng Đất lõi (Heartland) sẽ kiểm soát Đảo Thế giới (World-Island); ai thống trị Đảo Thế giới (World-Island) sẽ kiểm soát thế giới.”.[41] Theo sự giải thích của Mackinder, thì Vùng Đất lõi (Heartland) là khu vực gần như tương ứng với lãnh thổ của Đế quốc Nga. Điều này có nghĩa là, nước Nga — do sự an bài của định mệnh địa lý — chính là một thế lực chủ chốt trên bàn cờ quyền lực của thế giới, có khả năng tác động và chi phối đến hành vi và chính sách của các quốc gia trên toàn thế giới.

        Quan điểm thứ hai là của vị Chuẩn Đô đốc nổi tiếng của Hoa Kỳ, Alfred Thayer Mahan, người được xem là nhà tư tưởng địa chính trị vĩ đại nhất của Hoa Kỳ. Trong tác phẩm The Influence of Sea Power on History (Ảnh hưởng của Quyền lực trên biển đối với Lịch sử), Mahan đã đưa ra một quan điểm trái ngược hoàn toàn với quan điểm của Mackinder, ông cho rằng, việc kiểm soát các đại dương đồng nghĩa với việc kiểm soát cả thế giới.

        Cả hai quan điểm trái ngược này đều đúng, nếu chúng ta xem xét chúng trên các góc độ khác nhau. Mackinder đã đúng khi ông chỉ cho mọi người thấy được ảnh hưởng có tính chi phối của một nước Nga thống nhất và hùng mạnh đối với các cấu trúc quyền lực hiện có và dòng chảy của lịch sử thế giới là vô cùng to lớn. Còn Mahan đúng khi ông chỉ ra rằng, nền tảng vững chắc của bá quyền toàn cầu chính là sự kiểm soát các đại dương.

        Hiện nay, Hoa Kỳ đã kiểm soát được các đại dương trên thế giới; và, do đó, bá quyền toàn cầu của Hoa Kỳ cũng đã được thiết lập. Điều này có nghĩa là Hoa Kỳ đã hành động theo những lời chỉ dạy của vị tư tưởng gia vĩ đại nhất của họ, Chuẩn Đô đốc Alfred Thayer Mahan. Tuy nhiên, giới lãnh đạo của Hoa Kỳ cũng có sự thấu hiểu sâu sắc đối với tư tưởng của Mackinder. Họ hiểu rằng, một nước Nga thống nhất sẽ tạo ra thách thức vô cùng to lớn đối với bá quyền toàn cầu của Hoa Kỳ và gây hoang mang lo lắng cho các nước xung quanh như thế nào.

       Chính vì thế, mặc dù, như chúng ta đã chỉ ra ở trên, Hoa Kỳ đã dùng Luật pháp quốc tế chia cắt Liên Xô thành công, nhưng Hoa Kỳ vẫn không cảm thấy yên tâm đối với người Nga. Do vậy, cũng trong phần Kết luận của Tác phẩm The Grand Chessboard (Bàn Cờ Lớn), Brzezinski đã tiếp tục đề xuất một phương án chia cắt “mềm” nước Nga hiện nay như sau: Biến nước Nga từ một quốc gia trung ương tập quyền thành một nước liên bang phân quyền gồm ba thực thể là nước Nga châu Âu (European Russia), Cộng hòa Siberia (Siberian Republic), Cộng hòa Viễn Đông (Far Eastern Republic).[42]

      Như vậy, qua tất cả những gì đã phân tích ở trên, chúng ta có thể thấy rằng, chống phá nước Nga là một chính sách lớn của Chính quyền Hoa Kỳ. Trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, chính sách này được biết đến với tên gọi là Chính sách ngăn chặn Chủ nghĩa Cộng sản. Sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, chính sách ngăn chặn không những không bị mất đi mà còn được đẩy mạnh hơn trước, thể hiện qua việc NATO liên tục mở rộng về phía Đông áp sát biên giới Nga và các cuộc cách mạng màu được Hoa Kỳ hỗ trợ và dàn dựng diễn ra ra tại các tân quốc gia hậu xô viết cũng như tại các quốc gia lân cận của nước Nga.

        Hơn nữa, chính sách chống phá nước Nga của Hoa Kỳ trong thời kỳ hậu Chiến tranh lạnh lại có thêm nội dung mới, đó là: Chia cắt nước Nga bằng Luật pháp quốc tế. Điều này có nghĩa là, nếu có bất kỳ một thực thể nào đó thoát khỏi sự kiểm soát của Chính quyền Trung ương Nga thì Hoa Kỳ sẽ lập tức dùng Luật pháp quốc tế để công nhận và bảo vệ thực thể này trước các mối đe dọa đến từ nước Nga. Quả thật đây là một cách phá hủy nước Nga cực kỳ hoàn hảo — vừa hòa bình, vừa hợp pháp, vừa có được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế.

       Vậy người Nga có thể chấp nhận để cho Hoa Kỳ bao vây (ngăn chặn) và chia cắt đất nước mình như vậy hay không? Không, chắc chắn là không. Vậy người Nga có thể làm gì? Lật đổ trật tự pháp lý do Hoa Kỳ tạo ra để giải phóng bản thân như cách nước Đức đã xé nát Hòa ước Versailles và lật đổ Trật tự Versailles — Washington để giành lấy lợi thế cho đất nước mình? Đáng tiếc là, người Nga không thể làm như người Đức. Vì sao? Phải chăng người Nga thiếu ý chí và sự dũng cảm mà người Đức đã có? Vấn đề ở đây, không phải là người Nga có hay không có những phẩm chất của người Đức, mà là hoàn cảnh mà người Nga và người Đức đối diện hoàn toàn khác nhau.

       Hòa ước Versailles mà các nước thắng trận áp đặt cho người Đức sau khi cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ nhất kết thúc là có tính chất áp bức và cướp đoạt, vì vậy nó gây nên sự phẫn nộ trong lòng người dân Đức đối với hòa ước này. Không chỉ người Đức bất mãn với Trật tự Versailles — Washington, mà nhiều quốc gia trên thế giới cũng bất mãn với trật tự này, trong đó có hai cường quốc là Nhật Bản và Italia (mặc dù hai nước này thuộc về phe thắng trận). Vì vậy, trong công cuộc lật đổ Trật tự Versailles — Washington, nước Đức hoàn toàn không đơn độc.

       Hơn nữa, hoàn cảnh quốc tế lúc đó cũng rất thuận lợi cho người Đức lật đổ trật tự thế giới ấy. Hoa Kỳ — cường quốc có tiềm năng kinh tế và quân sự lớn nhất vào thời kỳ ấy— lại bị trùm kín bởi chủ nghĩa biệt lập. Liên Xô, mặc dù đang trỗi dậy mạnh mẽ, nhưng vì mang nền tảng ý thức hệ khác biệt, nên bị hầu hết các cường quốc trên thế giới cô lập. Hai cường có nhiều ảnh hưởng nhất ở châu Âu vào thời điểm ấy là Anh và Pháp thì lại không có đủ khả năng để ngăn chặn người Đức. Do vậy, công cuộc lật đổ Trật tự Versailles — Washington của Chính quyền Đức vừa có được sự ủng hộ của người dân trong nước, vừa có được sự hỗ trợ từ các nước đồng minh, lại gặp phải hoàn cảnh quốc tế thuận lợi; vì thế, người Đức đã thành công đối với công cuộc lật đổ ấy của mình.

       Như vậy chúng ta có thể thấy rằng, người Đức có thể thành công trong việc lật đổ Trật tự Versailles — Washington không chỉ là vì họ gặp hoàn cảnh thuận lợi, mà còn là vì văn bản pháp lý quốc tế mà nước này phải đối mặt — Hòa ước Versailles dành cho nước Đức — là có tính chất áp bức và nô dịch đối với người Đức, do đó, người Đức có đủ lý do để xé nát một văn bản có tính chất bất công đối với họ.

        Trong khi đó, hoàn cảnh của nước Nga hiện nay không được thuận lợi như hoàn cảnh của nước Đức giữa hai cuộc thế chiến, mà văn bản pháp lý quốc tế mà người Nga đang phải đối mặt — Hiến chương Liên Hợp Quốc — lại rất công bằng.

        Có thể nói rằng, Hiến chương Liên Hợp Quốc là văn bản pháp lý có tính đồng thuận cao nhất trong hệ thống pháp luật quốc tế; nó được ký kết bởi 50 nước thành viên đầu tiên, được phê chuẩn bởi 5 nước thành viên sáng lập (cũng chính là 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc) là Liên Xô, Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Trung Hoa Dân Quốc và hiện nay đã có sự tham gia của 193 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc. Vì vậy, ở góc độ nào đấy, chúng ta có thể nói rằng, Hiến chương Liên Hợp Quốc là sự thể hiện ý chí và nguyện vọng của người dân trên toàn thế giới. Nó rất công bằng. Người dân trên toàn thế giới hoàn toàn có thể trông cậy vào nó. Không một người dân nào trên thế giới (kể cả người Nga) tỏ ra bất mãn với Hiến chương Liên Hợp Quốc.

        Trước một văn bản pháp lý có được sự ủng hộ rộng rãi của người dân trên toàn thế giới như thế thì người Nga không thể đưa ra bất kỳ một sự phản đối nào như cách mà người Đức đã làm đối với Hòa ước Versailles. Nói cách khác, người Nga không thể lật đổ trật tự pháp lý quốc tế hiện nay (nếu tình hình vẫn còn nằm trong tầm kiểm soát).

       Điều 2(4) của Hiến chương Liên Hợp Quốc, như chúng ta đã phân tích ở trên, là một điều khoản có tính chất phá hủy Liên Xô và nước Nga, nhưng bản chất của điều khoản này không phải là để phá hủy mà là để bảo vệ. Các nhà lập pháp của các quốc gia Đồng minh trong mặt trận chống phát xít khi xây dựng điều khoản này là nhằm mục đích bảo vệ độc lập, chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia nhỏ yếu. Tuy nhiên, khi Liên Xô sụp đổ và tan rã, Hoa Kỳ đã sử dụng chính điều 2(4) này của Hiến chương Liên Hợp Quốc — một điều khoản có tính chất bảo vệ — để phá hủy sự toàn vẹn lãnh thổ của Liên Xô. Đây thật sự là một điều trớ trêu của lịch sử và pháp lý. Từ một điều khoản hướng đến việc bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, điều 2(4) của Hiến chương Liên Hợp Quốc đã được sử dụng để phá hủy sự toàn vẹn lãnh thổ của một quốc gia.

       Thật sự là người Nga đang đứng trước một tình thế tiến thoái lưỡng nan, họ vừa không thể lật đổ trật tự pháp lý quốc tế hiện nay vừa bị một điều khoản của Luật pháp quốc tế hiện hành gây bất lợi. Vậy, phải chăng chỉ vì một giải pháp chính trị có tính nhất thời của V. I. Lenin và một điều khoản của Luật pháp quốc tế mà người Nga phải chấp nhận từ bỏ các vùng đất ngoại vi của Đế quốc Nga khi xưa — mà hiện nay chính là lãnh thổ của các tân quốc gia hậu xô viết — mà các chiến binh Nga đã phải đổ bao xương máu trong hàng trăm năm mới có thể có được? Căn cứ vào động thái của người Nga trong những năm gần đây thì chúng ta có thể thấy rằng người Nga không chấp nhận điều đó.

        Vậy, người Nga phải làm gì để có thể vượt qua tình thế lưỡng nan mà chúng ta đã chỉ ra? Như chúng ta đã phân tích ở trên, người Nga không thể lật đổ trật tự pháp lý quốc tế hiện nay. Vậy, người Nga phải làm gì để cho cộng đồng quốc tế thấy rằng họ vẫn tôn trọng Luật pháp quốc tế mà vẫn có thể vượt qua được những ràng buộc của điều 2(4) trong Hiến chương Liên Hợp Quốc để bảo vệ lợi ích quốc gia của nước Nga?

        Có một cách: Dùng Luật pháp quốc tế để chống lại Luật pháp quốc tế. Điều này có nghĩa là người Nga phải tìm cho ra một điều khoản nào đó trong hệ thống pháp luật quốc tế có khả năng khắc chế được điều 2(4) của Hiến chương Liên Hợp Quốc. Thật may mắn cho người Nga, lần này thì số mệnh đã đứng về phía họ. Người Nga đã tìm thấy được một điều khoản có tác dụng như thế, đó chính là điều 1(2) của Hiến chương Liên Hợp Quốc.

       Điều 1(2) của Hiến chương Liên Hợp Quốc phát biểu rằng: “Phát triển quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc bình đẳng về quyền lợi và quyền tự quyết của các dân tộc, đồng thời thực hiện các biện pháp thích hợp khác để củng cố nền hòa bình toàn cầu;”.[43] Điều 1(2) của Hiến chương Liên Hợp Quốc đề cập đến một trong những nguyên tắc nổi tiếng nhất của Luật pháp quốc tế: Nguyên tắc quyền dân tộc tự quyết. Điều 1(2) này của Hiến chương Liên Hợp Quốc chính là sự thừa nhận của Luật pháp quốc tế rằng, không một quốc gia nào trên thế giới là sở hữu của riêng một dân tộc nào; trong một quốc gia luôn tồn tại nhiều thành phần dân tộc khác nhau; và, nếu một cộng đồng dân tộc nào đó phải chịu sự áp bức, bất công trong một quốc gia nào đó thì họ có quyền tự tìm kiếm cho mình một sự bảo đảm về mặt chính trị và pháp lý, ngay cả khi sự tìm kiếm của họ có thể đe dọa đến sự toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia mà họ đang cư trú.

        Chúng ta dễ dàng nhận thấy rằng, điều khoản 1(2) và điều khoản 2(4) của Hiến chương Liên Hợp Quốc là có sự xung đột mang tính cơ bản với nhau. Sự xung đột giữa hai điều khoản này chính là sự xung đột giữa quyền tự quyết của các dân tộc và sự toàn vẹn lãnh thổ của một quốc gia. Đây thật sự là một mối mâu thuẫn cơ bản nằm ở trung tâm của hệ thống pháp luật quốc tế. Và, người Nga đã biết cách tận dụng mối mâu thuẫn này theo cách có lợi nhất cho họ. Hay nói cách khác, người Nga đã biến điều 1(2) của Hiến chương Liên Hợp Quốc thành một công cụ để biện minh cho các hành động và chính sách trong hành trình tái lập đế chế của họ.

       Vì sao điều 1(2) này của Hiến chương Liên Hợp Quốc lại có tác dụng hỗ trợ đối với khuynh hướng chính sách của nước Nga?

       Đó là vì, trong thời gian Liên Xô tồn tại, nhằm tăng cường sự kiểm soát của chính quyền trung ương cũng như tạo sự liên kết giữa các nước cộng hòa với nhau, Chính quyền Liên Xô đã tạo nên những đợt di chuyển dân cư liên tục giữa các nước cộng hòa, diễn ra trên quy mô lớn, và trải qua các thời kỳ khác nhau. Đặc biệt, trong các đợt di dân này, nhóm di dân Nga luôn chiếm số lượng áp đảo. Các làng mạc, thôn xóm, đô thị của người Nga đã mọc lên khắp các nước cộng hòa của Liên Xô. Chính vì thế, khi Liên Xô sụp đổ và tan rã, những cộng đồng di dân Nga ấy — với con số ước lượng lên đến hàng chục triệu người — vẫn tiếp tục tồn tại ở các tân quốc gia hậu xô viết như là những nhóm dân cư lớn mà không một chính quyền nào của các tân quốc gia này dám xem thường. Các cộng đồng người Nga này thường có quan hệ đặc biệt với Chính quyền Nga và họ có thể tạo áp lực lớn lên chính quyền các nước sở tại, nơi mà họ đang cư trú. Hiện thực lịch sử này đã tạo cơ sở vững chắc cho người Nga đưa điều 1(2) của Hiến chương Liên Hợp Quốc vào thực tế để sử dụng. Điều này có nghĩa là Chính quyền Nga sẽ tìm mọi cách để hỗ trợ các cộng đồng dân tộc Nga tại các tân quốc gia hậu xô viết này được sử dụng đến quyền dân tộc tự quyết của họ.

       Trong bài diễn văn đọc trước Hội đồng Liên bang Nga (Thượng viện Nga) và Duma Quốc gia Nga (Hạ viện Nga) vào ngày 18/3/2014, sau khi Nga sáp nhập Crimea thành công, Tổng thống Putin đã hạ thấp các tiêu chí xác định khi nào thì quyền tự quyết của một dân tộc được dùng đến, ông chủ trương về một quyền tự quyết rộng rãi, dễ được viện dẫn hơn. Đây chính là sự diễn giải lại Luật pháp quốc tế. Ông đã phá vỡ thế cân bằng giữa hai nguyên tắc nền tảng của Luật pháp quốc tế — nguyên tắc về sự toàn vẹn lãnh thổ của một quốc gia và nguyên tắc về quyền tự quyết của các dân tộc được nêu trong Hiến chương Liên Hợp Quốc — bằng những lời diễn giải có tính chất thiên lệch về quyền dân tộc tự quyết.[44]

       Với sự diễn giải mới của Tổng thống Putin về quyền dân tộc tự quyết (mặc dù trước đó người Nga đã diễn giải và hành động như những gì Tổng thống Putin đã nói, nhưng chưa được tuyên bố rõ ràng) cũng như sự hỗ trợ tích cực từ Chính quyền Nga, các cộng đồng người Nga tại các tân quốc gia hậu xô viết sẽ có thể tự tạo nên cho mình các cấu trúc chính quyền riêng nhằm bảo đảm cho họ các quyền lợi về mặt chính trị và pháp lý; Chính quyền Nga sẽ bảo vệ các cấu trúc chính quyền này và nếu điều kiện cho phép thì sẽ công nhận các cấu trúc chính quyền này là các quốc gia độc lập; sau đó, các cộng đồng người Nga này sẽ thể hiện mức độ tự quyết ở cấp độ cao nhất bằng một cuộc trưng cầu dân ý xem cấu trúc chính quyền mà họ vừa tạo ra vẫn giữ nguyên mức độ tự trị trong quốc gia sở tại mà họ đang cư trú, hay duy trì nền độc lập quốc gia của họ (vừa được Chính quyền Nga công nhận), hoặc là sẽ sáp nhập vào nước Nga; và, kết quả của những cuộc trưng cầu dân ý này thì chúng ta đều có thể dễ dàng dự đoán được, trong đa số trường hợp, thì các cấu trúc chính quyền này sẽ được sáp nhập vào Nga.

        Khi sáp nhập Crimea vào Nga, Chính quyền Nga đã viện dẫn đến điều 1(2) về quyền dân tộc tự quyết của Luật pháp quốc tế và một cuộc trưng cầu dân ý đã được tổ chức tại đây như những gì chúng ta đã chỉ ra. Như vậy, chúng ta có thể thấy rằng, điều 1(2) của Hiến chương Liên Hợp Quốc đã trở thành cơ sở pháp lý để người Nga tách chiếm lãnh thổ các tân quốc gia hậu xô viết. Mặc dù do rào cản của điều 2 (4) nên người Nga không thể phát động một cuộc chiến tranh lớn để thu hồi nhanh chóng các vùng lãnh thổ ngoại vi của Đế quốc Nga trước kia, nhưng với sự hỗ trợ của điều 1(2) này thì người Nga vẫn có thể đoạt được mục tiêu tái lập đế chế của mình, dù có thể phải mất nhiều thời gian hơn. Đây chính là phần trả lời cho vế thứ hai của câu hỏi “tại sao người Nga lại không lựa chọn phương án tái lập đế chế bằng một cuộc chiến tranh chớp nhoáng, tổng lực mà lại lựa chọn biện pháp tách chiếm lãnh thổ tốn nhiều thời gian để tái lập đế chế?” mà chúng ta đã đặt ra ở phần đầu của đề mục này. Điều 1(2) của Hiến chương Liên Hợp Quốc đã hỗ trợ cho công cuộc tái lập đế chế của người Nga bằng cách tách chiếm lãnh thổ của các tân quốc gia hậu xô viết.

        Ở đây chúng ta lại gặp phải một điều trớ trêu khác của lịch sử và pháp lý. Như chúng ta đã chỉ ra ở trên, điều 2(4) của Hiến chương Liên Hợp Quốc, từ một điều khoản có tính chất bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, đã trở thành một điều khoản được sử dụng để phá hủy sự toàn vẹn lãnh thổ của Nhà nước Liên Xô. Đây là điều trớ trêu thứ nhất về mặt lịch sử và pháp lý của Đại lục Á-Âu hiện đại. Còn quyền tự quyết của các dân tộc, đến lượt nó, lại cho chúng ta nhìn thấy một sự trớ trêu khác. Như chúng ta đã biết, quyền dân tộc tự quyết mà V. I. Lenin và những người cộng sản Nga cấp cho các dân tộc ở vùng ngoại vi của Đế quốc Nga là cơ sở để các dân tộc này kiến tạo nên các tân quốc gia độc lập cho họ. Nhưng cũng chính quyền dân tộc tự quyết này, khi được ghi vào Hiến chương Liên Hợp Quốc, thì lại trở thành một điều khoản được người Nga viện dẫn để tách chiếm lãnh thổ, phá hủy sự toàn vẹn lãnh thổ của các tân quốc gia hậu xô viết, đe dọa nền độc lập của các tân quốc gia này. Đây là điều trớ trêu thứ hai mà chúng ta được chứng kiến đối với lịch sử hiện đại của Đại lục Á-Âu. Qua đó, chúng ta có thể thấy rằng, Luật pháp quốc tế đã trở thành nhân tố chi phối hệ thống chính trị quốc tế mạnh mẽ như thế nào.

       Như vậy, với sự diễn giải mới của Tổng thống Putin về quyền tự quyết của các dân tộc thì người Nga đã tạo ra một thách thức vô cùng to lớn đối với trật tự pháp lý quốc tế do Hoa Kỳ lãnh đạo từ sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc. Vâng, người Nga không thể lật đổ trật tự pháp lý quốc tế hiện nay nhưng họ có thể tạo ra thách thức lớn đối với trật tự pháp lý ấy. Và, sự diễn giải mới này của Tổng thống Putin cũng làm cho hệ thống quốc tế hiện nay của chúng ta dễ bị tổn thương hơn bao giờ hết.

       Không chỉ có thế. Để có thể mở rộng hơn nữa quyền can thiệp vào các tân quốc gia hậu xô viết, người Nga không chỉ viện dẫn đến Luật pháp quốc tế, mà họ còn tự tạo ra những nền tảng pháp lý vững chắc trong Luật pháp quốc gia của họ để biện minh cho quyền can thiệp ấy. Điều 61(2) của Hiến pháp Nga viết rằng: “Liên bang Nga sẽ bảo đảm cho công dân của mình khi ở nước ngoài luôn được bảo vệ và hỗ trợ.”.[45] Đây là điều khoản trong Hiến pháp Nga thường xuyên được Chính quyền Nga viện dẫn khi muốn can thiệp vào một tân quốc gia hậu xô viết nào. Và, để có thêm nhiều cái cớ cho những cuộc can thiệp vào các tân quốc gia hậu xô viết, người Nga đang nỗ lực cấp quốc tịch Nga cho những người Nga đang là công dân của các tân quốc gia hậu xô viết, biến họ thành công dân Nga,[46] và biến họ thành đối tượng được điều 61(2) của Hiến pháp Nga bảo vệ, để khi cần thiết, Chính quyền Nga có thể viện dẫn điều khoản này — điều khoản bảo vệ công dân Nga ở nước ngoài — mà can thiệp vào công việc nội bộ của các tân quốc gia hậu xô viết.

        Như vậy, để có thể tái lập quyền kiểm soát của mình đối với các tân quốc gia hậu xô viết và khôi phục đế chế, người Nga không chỉ viện dẫn đến Luật pháp quốc tế, mà còn có sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng về mặt Luật pháp quốc gia; qua đó, cho thấy quyết tâm tái lập đế chế của người Nga mạnh mẽ như thế nào. Do vậy, những thao tác của người Nga đối với Luật pháp quốc tế và Luật pháp quốc gia cũng đã trở thành những bằng chứng để củng cố cho nhận định của chúng ta về khuynh hướng chính sách của người Nga: Tái lập đế chế.

         Hoa Kỳ phản ứng như thế nào trước tham vọng của người Nga? Tất nhiên là Hoa Kỳ không thể chấp nhận sự trỗi dậy của Nga với tư cách là một siêu cường toàn cầu. Hành động thách thức trật tự pháp lý quốc tế hiện nay do Hoa Kỳ lãnh đạo của người Nga đã là một điều mà Hoa Kỳ không thể bỏ qua. Vì nếu suy xét kỹ, thì nếu người Nga đã dám thách thức trật tự pháp lý do Hoa Kỳ lãnh đạo thì họ cũng có thể thách thức trật tự thế giới đơn cực mà Hoa Kỳ đang ở trên chóp đỉnh của trật tự này, và nếu điều kiện cho phép thì người Nga cũng có thể lật đổ trật tự ấy. Mà một tri thức địa chính trị phổ biến mà ai cũng biết là, các cường quốc rất nhạy cảm trước các mối đe dọa tiềm tàng. Vì thế, Hoa Kỳ phải ngăn chặn tham vọng của người Nga.

        Do vậy, trong những năm gần đây, trên các tạp chí chuyên ngành về Luật, cũng như trên các phương tiện thông tin đại chúng, chúng ta liên tục thấy xuất hiện các bài báo chuyên ngành cũng như các bài báo phổ thông được các chuyên gia pháp lý cũng như các nhà báo nổi tiếng của Hoa Kỳ và các nước đồng minh của quốc gia này viết ra, để phản bác các lập luận pháp lý của người Nga, đặc biệt là lập luận pháp lý của người Nga trong sự kiện sáp nhập Crimea vào Nga. Còn trên thực địa thì Hoa Kỳ và NATO liên tiếp tập trung quân đội tại các vùng đất lân cận biên giới phía Tây của nước Nga, nhằm giám sát hành động của quốc gia này. Điều này đã tạo ra áp lực địa chính trị vô cùng to lớn đối với nước Nga và buộc quốc gia này phải hành động. Điều này sẽ được chúng ta tiếp tục nghiên cứu kỹ hơn ở phần tiếp theo, phần áp lực địa chính trị.

 

       e. Tiểu kết

   

  Qua những gì đã phân tích ở trên — từ nhận định của giới quan sát quốc tế cho đến quan điểm của giới tinh hoa Nga và hành động thực tế của người Nga, cũng như những thao tác về mặt pháp lý của quốc gia này, tất cả đều chỉ rõ cho chúng ta thấy rằng, tái lập đế chế chính là khuynh hướng chính sách thực tế của nước Nga hiện nay. Vâng, giành lại lãnh thổ, vinh quang, quyền lực và ảnh hưởng mà các vị Sa Hoàng đã từng có được chính là các mục tiêu chính sách mà giới lãnh đạo Nga hiện nay đang theo đuổi. Do vậy, chúng ta có thể nói rằng, cuộc chiến tranh xâm lược mà người Nga phát động chống lại Ukraine là phù hợp với khuynh hướng chính sách của nước Nga; vì thông qua cuộc chiến tranh này, người Nga có thể tái lập quyền kiểm soát và mở rộng ảnh hưởng của mình đối với quốc gia này. Vấn đề là, tại sao người Nga lại lựa chọn thời điểm này để phát động chiến tranh chống Ukraine? Và, tại sao Ukraine lại trở thành chiến trường được người Nga lựa chọn đầu tiên trong cuộc đối đầu quy mô lớn với phương Tây? Câu trả lời: Áp lực địa chính trị.

 

.

4. Áp lực địa chính trị 

 

       Để có thể thấy được áp lực địa chính trị mà nước Nga đang phải đối mặt nghiêm trọng như thế nào thì chúng ta cần phải nhìn thấy được điểm yếu căn bản nhất về mặt địa lý của nước Nga. Vậy, điểm yếu ấy của nước Nga thật sự là gì? Câu trả lời: Điểm yếu căn bản nhất về mặt địa lý của nước Nga là quốc gia này thiếu vắng các rào cản địa lý tự nhiên có thể che chắn bản thân mình trước sự tấn công của kẻ thù.

       Thật vậy, ngay từ khi vừa bước chân lên vũ đài lịch sử, Đại Công Quốc Moskva — quốc gia tiền thân của nước Nga hiện nay — đã phải đối mặt với vấn đề nan giải này. Đại Công Quốc này nằm trên một vùng bình nguyên rộng lớn, bị bao bọc xung quanh bởi các quốc gia đối địch, mà lại không có các rào cản địa lý tự nhiên chắc chắn — như núi cao, biển rộng, sông dài, sa mạc lớn… — để ngăn bước quân thù.

       Vì thế, để bảo vệ đất nước truớc các mối đe dọa từ bên ngoài, các Đại vương công của Moskva đã lựa chọn một chiến lược phát triển đất nước có phần mạo hiểm: Lấy công làm thủ. Chiến lược này có thể được giải thích là, người Nga sẽ liên tục dùng chiến tranh để mở rộng lãnh thổ đất nước cho đến khi họ tìm thấy được các rào cản địa lý tự nhiên vững chắc để có thể tựa vào. Chiến lược này được các Đại vương công của Moskva triển khai thực hiện và được các Sa Hoàng của Đế quốc Nga sau này kế tục. Nó đã giúp Đại Công Quốc Moskva loại bỏ các kẻ thù xung quanh, biến Nga — quốc gia kế thừa Đại Công Quốc Moskva — trở thành cường quốc có lãnh thổ rộng lớn nhất thế giới và mang đến cho nước Nga một hệ thống các rào cản địa lý tự nhiên tương đối vững chắc.

       Những kết quả này vừa tạo nên lợi thế cho nước Nga, nhưng cũng mang đến vấn nạn cho quốc gia này.

       Những lợi thế mà nước Nga có được là gì? Với ưu thế về mặt lãnh thổ, điều này tạo cho nước Nga một số lợi thế về mặt kinh tế như đất canh tác rộng lớn, tài nguyên thiên nhiên phong phú, sự đa dạng về các loại sản phẩm nông nghiệp… Đặc biệt, với ưu thế về mặt lãnh thổ, người Nga cũng sở hữu được một ưu thế quân sự đặc trưng: Phòng thủ đất nước bằng chiều sâu lãnh thổ của mình. Như chúng ta đã biết, nước Nga có lãnh thổ vô cùng rộng lớn, điều này có nghĩa là các đô thị trung tâm của nó như Moskva, St. Petersburg… và đường biên giới quốc gia thường cách nhau rất xa; vì thế, quân thù nếu có thể vượt qua được biên giới của nước Nga thì cũng phải tốn rất nhiều xương máu của binh sĩ thì mới có thể tiến đến Moskva, St. Petersburg… được; hay nói cách khác, người Nga có thể dùng chiều sâu lãnh thổ của mình để đổi lấy máu của quân thù, một ưu thế quân sự mà các đội quân xâm lược đều phải trả giá khi tiến vào nước Nga.

        Vậy còn vấn nạn mà nước Nga gặp phải là gì? Hay nói cách khác, áp lực địa chính trị mà nước Nga đã và đang phải đối mặt là gì? Câu trả lời: Nguy cơ bị quân thù xâm lược từ phía Tây.

        Như chúng ta đã biết, quá trình mở rộng lãnh thổ của nước Nga đã mang đến cho quốc gia này một hệ thống rào cản địa lý tự nhiên tương đối vững chắc. Vấn đề ở đây là, tương đối vững chắc có nghĩa là vẫn chưa thật sự vững chắc, vẫn còn có kẽ hở. Thế thì kẽ hở ấy nằm ở đâu?

       Nhìn vào tấm bản đồ thế giới, chúng ta sẽ dễ dàng tìm thấy kẽ hở về địa lý của nước Nga. Về phía Bắc, nước Nga tiếp xúc với Bắc Băng Dương, vùng biển giá lạnh không thuận tiện cho sự di chuyển của tàu thuyền và các hoạt động khác của con người; vì thế, không thể xâm lược nước Nga từ hướng Bắc. Bộ phận lãnh thổ phía Đông của nước Nga — phần đất nằm ở phía Đông dãy Ural, dãy núi phân cách châu Âu và châu Á — là vùng Siberia hoang vắng rộng lớn và giá lạnh quanh năm; vì thế, các đạo quân xâm lược cũng không thể tiến công nước Nga từ hướng này. Về phía Nam, Nga cũng có được những rào cản tự nhiên chắc chắn tiện lợi cho việc phòng thủ như biển Caspian, biển Đen và Bắc Caucasus — vùng đất có nhiều núi non hiểm trở, tại đây, có hai nước cộng hòa thuộc Nga rất nổi tiếng là Chechnya và Dagestan; vì thế, xâm lược Nga từ hướng Nam cũng là nhiệm vụ bất khả thi.

        Tuy nhiên, khi chúng ta hướng ánh mắt của mình về các vùng biên giới phía Tây của nước Nga thì một thực tế đáng buồn đối với quốc gia này đã hiện ra trước mắt chúng ta: Nước Nga không có các rào cản địa lý tự nhiên vững chắc ở phía Tây. Dọc theo đường biên giới phía Tây hiện nay của nước Nga dài khoảng 5000 km, kéo dài từ điểm đầu tiếp xúc với Na Uy ở phía Bắc đến điểm cuối tiếp xúc với Ukraine ở phía Nam, chúng ta chỉ nhìn thấy các vùng bình nguyên rộng tít tắp, mà không tìm thấy được các dãy núi cao hay các vùng đất có địa hình hiểm trở có thể che chắn cho nước Nga. Điều này cho chúng ta biết rằng, nước Nga rất dễ bị tổn thương trước các cuộc tấn công quân sự từ các quốc gia châu Âu. Vì thế, nguy cơ bị quân thù xâm lược từ phía Tây chính là áp lực địa chính trị lớn nhất mà nước Nga phải đối mặt.

        Trong quá khứ, để có được rào cản tự nhiên che chắn cho phần lãnh thổ phía Tây của mình, Đế quốc Nga đã đưa cả Ukraine và Moldova vào trong bản đồ đế quốc của mình. Vì khi có được hai quốc gia này thì người Nga cũng sẽ sở hữu được rào cản tự nhiên chung của họ: Dãy núi Carpathian. Dãy núi này đã trở thành bức bình phong tự nhiên che chắn cho phần lãnh thổ phía Tây của Đế quốc Nga.

        Tuy nhiên, đáng tiếc là, bức bình phong này mặc dù vững chắc nhưng lại không đủ dài để có thể khóa kín vùng biên giới phía Tây của Đế quốc Nga. Khoảng giữa dãy Carpathian và biển Baltic có một khoảng không gian hẹp chỉ rộng cỡ 500 km. Khoảng không gian hẹp này thuộc vào một khu vực địa lý mà thuật ngữ chuyên ngành gọi là Đồng bằng Bắc Âu — vùng bình nguyên rộng mênh mông trải dài từ nước Pháp cho đến tận dãy Ural của nước Nga. Và, chính khoảng không gian hẹp này sẽ cho chúng ta một ví dụ rõ ràng và cụ thể về sự tác động của những điều kiện địa lý căn bản đến lịch sử phát triển của xã hội loài người chúng ta. Thật vậy, chính khoảng không gian hẹp này đã tạo nên sự xung đột mang tính định mệnh giữa Đế quốc Nga và cộng đồng các quốc gia châu Âu.

      Tại sao lại như thế? Đó là vì, khi cả hai đầu Đông — Tây của Đồng bằng Bắc Âu được nối thông với nhau như thế thì bên này sẽ tạo áp lực cho bên kia và ngược lại; do vậy, cả hai bên đều muốn chiếm lấy khoảng không gian hẹp này để giành lấy ưu thế cho mình khi có cơ hội; cho nên, cả hai bên đều không tin tưởng nhau, luôn nghi ngờ nhau và sẵn sàng tấn công tiêu diệt lẫn nhau khi điều kiện cho phép.

       Thực tế lịch sử đã chứng minh điều đó. Về phía cộng đồng các quốc gia châu Âu, họ đã vượt qua khoảng không gian hẹp này và tấn công nước Nga: Người Ba Lan vào năm 1607, người Pháp vào năm 1812, người Đức vào năm 1914 và 1941. Về phía người Nga, họ cũng đã nhiều lần vượt qua khoảng không gian hẹp này để tấn công các quốc gia châu Âu. Sau ba lần phân chia Ba Lan vào các năm 1721, 1772 và 1795, người Nga đã biến miền Đông Ba Lan thành một bộ phận lãnh thổ của Nga, và đến năm 1867 thì biến phần lãnh thổ này trở thành một tỉnh của Nga.

       Đặc biệt, trong cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ hai, theo đà tiến quân của Hồng quân Liên Xô, người Nga đã xuất khẩu cách mạng đến các quốc gia Đông Âu, biến các quốc gia này thành đồng minh ý thức hệ của những người xô viết, đồng thời người Nga cũng mở rộng quyền kiểm soát và tầm ảnh hưởng của mình ra khắp khu vực Đông Âu. Thành quả mà những người người xô viết đoạt được trong cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ hai đã biến Liên Xô trở thành siêu cường toàn cầu, sánh ngang với đối thủ của mình: Hoa Kỳ.

       Sự hiện diện của Hồng quân Liên Xô tại Đông Âu đã tạo áp lực quân sự vô cùng khủng khiếp lên các quốc gia châu Âu khác. Vì thế, để có thể chống lại áp lực quân sự của Liên Xô, các quốc gia châu Âu buộc phải dựa vào Hoa Kỳ, chấp nhận vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ; họ buộc phải tham gia vào NATO, liên minh quân sự do Hoa Kỳ thành lập và lãnh đạo.

       Đáp lại, Liên Xô cùng với các đồng minh Đông Âu của mình đã thành lập Tổ chức Hiệp ước Warszawa nhằm tạo đối trọng với NATO. Sự tồn tại song hành của hai liên minh quân sự khổng lồ này tại châu Âu đã làm cho châu lục này luôn có nguy cơ trở thành chiến trường của một cuộc chiến tranh thế giới mới.

       Trong lúc người dân châu Âu đang cảm thấy vô cùng bất an và căng thẳng trước các màn phô diễn sức mạnh quân sự của Hồng quân Liên Xô và Hoa Kỳ thì chính Liên Xô đã giải tỏa căng thẳng tâm lý cho người dân châu Âu: Liên Xô tự sụp đổ. Sự sụp đổ của Liên Xô đồng nghĩa với việc là sự cạnh tranh của hai liên minh quân sự lớn nhất hành tinh đã kết thúc tại châu Âu; điều này có nghĩa là nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh lớn tại châu Âu đã không còn nữa; do vậy, châu Âu đã có thể trở thành vùng đất của hòa bình và thịnh vượng, các quốc gia châu Âu đã có thể hợp tác cùng nhau để xây dựng châu Âu trở nên phồn vinh và phát triển hơn trước.

       Tuy nhiên, niềm vui của cộng đồng các quốc gia châu Âu cũng chính là nỗi buồn không gì có thể bù đắp nổi của người Nga. Sự sụp đổ của Liên Xô đã làm cho người Nga không chỉ mất đi các quốc gia đồng minh ở Đông Âu mà còn làm cho họ mất đi các vùng đất ngoại vi của Đế quốc Nga mà các Sa Hoàng đã từng có được. Đường biên giới của nước Nga bị đẩy lùi về vị trí đường biên giới của nước Nga ở thế kỷ thứ XVII. Nước Nga đã mất đi rào cản tự nhiên ở phía Tây của mình, biên giới của nước Nga lúc này đã hoàn toàn trống trải. Thay vì chỉ phải phòng thủ trên một khoảng không gian hẹp chỉ rộng khoảng 500 km thì bây giờ đây người Nga sẽ phải phòng thủ dọc theo toàn bộ đường biên giới phía Tây của mình dài khoảng 5000 km. Thật sự là một nhiệm vụ quá nặng nề đối với Quân đội Nga.

        Trước sự thoái lui của người Nga, cộng đồng các quốc gia châu Âu đã không bỏ lỡ cơ hội để giành lấy ưu thế cho mình. Từ khi Liên Xô sụp đổ cho đến nay, NATO đã trải qua năm lần mở rộng về phía Đông. Năm 1999, Ba Lan, Cộng hòa Czech và Hungary được kết nạp vào Liên minh. Năm 2004, Bulgaria, Estonia, Latvia, Litva, Romania, Slovakia và Slovenia. 2009 là Albania và Croatia. 2017 là Montenegro và 2020 là Bắc Macedonia. Và, chúng ta đang chuẩn bị chứng kiến lần mở rộng thứ sáu của NATO, khi mà Phần Lan và Thụy Điển đã nộp đơn gia nhập tổ chức này.[47]

       Áp lực địa chính trị đối với nước Nga càng lúc càng gia tăng sau mỗi lần mở rộng của NATO. Do vậy, việc người Nga muốn đoạt lại rào cản tự nhiên (dãy núi Carpathian chạy qua Ukraine và Moldova) mà quốc gia này đã từng có là điều hoàn toàn dễ hiểu. Vậy, người Nga có thể đoạt lại rào cản tự nhiên này bằng cách nào? Người Nga có hai biện pháp để đoạt lấy mục tiêu này. Thứ nhất, người Nga có thể từng bước sáp nhập lãnh thổ hai nước Ukraine và Moldova vào bản đồ đất nước mình cho đến khi họ có được dãy núi Carpathian che chắn cho mình. Thứ hai, họ có thể tạo dựng các chính phủ thân Nga thật sự tại hai nước Ukraine và Moldova để từ đó có thể tận dụng rào cản tự nhiên chung của hai quốc gia này.

       Căn cứ vào tình hình thực tế thì chúng ta có thể thấy rằng người Nga đang sử dụng cả hai biện pháp nêu trên. Sáp nhập Crimea vào Nga là người Nga đã sử dụng biện pháp thứ nhất. Còn hỗ trợ mạnh mẽ cho chính phủ của Tổng thống Yanukovych có thể đứng vững giữa chính trường Ukraine đầy biến động trong một thời gian dài là người Nga đã dùng đến biện pháp thứ hai.

       Và, chính do hành động sáp nhập Crimea vào bản đồ nước Nga đã làm cho cộng đồng các quốc gia châu Âu và Ukraine cảnh giác, họ đã nhìn thấy tham vọng của người Nga thông qua hành động này. Như chúng ta đã biết, xung đột giữa Nga và cộng đồng các quốc gia châu Âu là mang tính chất định mệnh, do thực tiễn địa lý căn bản tạo nên; do vậy, trước sự trỗi dậy mạnh mẽ của Nga, người châu Âu buộc phải hành động; họ đã tập trung binh lực tại các quốc gia thành viên của NATO ở Đông Âu để đề phòng bất trắc. Nhưng chính hành động của NATO lại làm cho người Nga cảm thấy bất an, khi họ nhìn thấy binh sĩ của NATO ở sát ngay biên giới của mình.

       Còn đối với Ukraine, thì hành động sáp nhập Crimea của người Nga có thể xem là một sự cướp đoạt lãnh thổ của họ, vì thế họ càng phải cảnh giác và tìm cách đối phó. Và, đối với họ, hội nhập sâu rộng vào các cấu trúc kinh tế và an ninh của châu Âu là cách bảo vệ đất nước tốt nhất. Vì vậy, họ luôn phấn đấu để đạt được mục tiêu này, họ luôn tìm cách gia nhập EU và NATO, các cấu trúc kinh tế và an ninh của người châu Âu. Từ sau sự kiện Nga sáp nhập Crimea thì Ukraine càng nỗ lực cho mục tiêu này nhiều hơn nữa. Đặc biệt, dưới thời Tổng thống Volodymyr Zelensky, thì tham vọng gia nhập EU và NATO của Ukraine càng bộc lộ rõ ràng hơn bao giờ hết.

       Và, đây là điều mà người Nga không bao giờ có thể chấp nhận được. Vì sao?

        Thứ nhất, là vì khuynh hướng chính sách nên người Nga không thể chấp nhận điều này, vì tái lập đế chế có nghĩa là người Nga sẽ tập hợp các tân quốc gia hậu xô viết vào trong một cấu trúc quyền lực nào đó do người Nga tạo dựng nên.

        Thứ hai, là vì vai trò địa chính trị của Ukraine đối với nước Nga, cụ thể là vai trò của dãy Carpathian đối với an ninh biên giới phía Tây của nước Nga, người Nga cũng không thể chấp nhận điều này.

         Thứ ba, vì những mối liên hệ về lịch sử và văn hóa giữa ba dân tộc Nga, Belarus và Ukraine nên người Nga cũng sẽ không bao giờ có thể cho phép Ukraine rời bỏ cộng đồng người Rus để gia nhập cộng đồng các quốc gia châu Âu.

        Thứ tư, vì thể diện và tham vọng, trong tác phẩm The Grand Chessboard (Bàn Cờ Lớn), Brzezinski cho rằng, nếu không có Ukraine thì Nga vẫn có thể xây dựng một đế chế Á-Âu của mình, nhưng đế chế ấy sẽ mang đậm tính chất châu Á hơn.[48] Điều này có nghĩa là ảnh hưởng của Nga đối với châu Âu sẽ bị suy giảm. Như chúng ta đã biết, người Nga từng có được vinh quang to lớn trong quá khứ, vì thế, họ luôn tự nhìn nhận về đất nước mình không chỉ là một cường quốc Âu-Á, mà còn là một siêu cường toàn cầu. Do vậy, người Nga sẽ không bao giờ có thể chấp nhận sự thu hẹp phạm vi ảnh hưởng của đất nước mình đến mức như thế được. Chính vì thế, người Nga sẽ không bao giờ có thể chấp nhận Ukraine hội nhập vào các cấu trúc kinh tế và an ninh của châu Âu. Điều này có nghĩa là, do thể diện và tham vọng của mình, người Nga sẽ tìm mọi cách ngăn chặn Ukraine gia nhập EU và NATO.

       Thứ năm, vì tác hại của việc Ukraine gia nhập EU và NATO đối với Nga. Nếu Ukraine gia nhập EU thành công thì không gian kinh tế của Nga sẽ bị thu hẹp, điều này là điều mà người Nga khó lòng chấp nhận được. Còn nếu Ukraine gia nhập NATO thành công thì lập tức sẽ đặt nước Nga vào tình thế nguy hiểm, an ninh quốc gia của Nga sẽ bị đe dọa nghiêm trọng. Trong bài diễn văn đọc vào ngày 21/2/2022, Tổng thống Putin đã cho chúng ta biết rằng, nếu được bố trí tại các khu vực khác nhau của Ukraine thì các tên lửa của NATO chỉ mất một khoảng thời gian rất ngắn là có thể đến được thủ đô Moskva (Moscow) của Nga: Tên lửa hành trình Tomahawk mất khoảng 35 phút, tên lửa đạn đạo mất từ 7 đến 8 phút, tên lửa siêu thanh chỉ mất từ 4 đến 5 phút.[49]

        Chính vì thế, cũng trong bài diễn văn này, Tổng thống Putin đã nói rõ rằng: “Việc Ukraine gia nhập NATO là mối đe dọa trực tiếp đối với an ninh của Nga.”.[50]

        Ông tiếp tục giải thích rõ hơn về tác hại của việc Ukraine gia nhập NATO đối với nước Nga như sau: “Thông tin mà chúng tôi có được cho chúng tôi lý do chính đáng để tin rằng việc Ukraine gia nhập NATO và việc triển khai tiếp theo các cơ sở của NATO tại quốc gia này đã được quyết định và chỉ là vấn đề thời gian. Chúng tôi hiểu rõ rằng với kịch bản này, mức độ đe dọa quân sự đối với Nga sẽ tăng lên đáng kể, gấp nhiều lần. Và tôi muốn nhấn mạnh vào thời điểm này rằng nguy cơ xảy ra một cuộc tấn công bất ngờ vào đất nước chúng ta sẽ tăng lên gấp bội. “[51]

       Và, ông nói tiếp: “Tôi sẽ giải thích rõ rằng các tài liệu hoạch định chiến lược của Mỹ xác nhận về khả năng xảy ra cái gọi là tấn công phủ đầu chống lại các hệ thống tên lửa của đối phương. Chúng tôi cũng biết ai là đối thủ chính của Hoa Kỳ và NATO. Đó là Nga. Các tài liệu của NATO chính thức tuyên bố nước ta trực tiếp là mối đe dọa chính đối với an ninh khu vực Châu Âu-Đại Tây Dương. Ukraine sẽ đóng vai trò là bàn đạp cho một cuộc tấn công như vậy.”.[52]

       Vì vậy, người Nga buộc phải nỗ lực ngăn chặn Ukraine gia nhập EU và NATO để bảo vệ các lợi ích quốc gia của Nga.

        Qua tất cả năm lý do mà chúng ta đã nêu ra, chúng ta có thể thấy rằng, đứng từ phía người Nga mà xét, thì việc ngăn chặn Ukraine gia nhập EU và NATO là một mục tiêu chính sách hợp lý và chính đáng đối với họ. Thế nhưng, cả Ukraine và cộng đồng các quốc gia châu Âu đều không chịu thấu hiểu cho tâm trạng bất an của người Nga. NATO thì vẫn tiếp tục tập trung binh lực ở các quốc gia thành viên lân cận nước Nga. Ukraine thì vẫn thể hiện khao khát cháy bỏng muốn gia nhập EU và NATO.

        Đứng trước tình hình này, người Nga cảm thấy họ cần phải lên tiếng. Tháng 12/2021, Nga gửi cho Hoa Kỳ và NATO bản đề nghị an ninh gồm 8 điểm, với bốn nội dung chính yếu sau: (1) NATO không kết nạp Ukraine và các nước thuộc Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) vào tổ chức; (2) Loại bỏ vũ khí hạt nhân của Hoa Kỳ ra khỏi châu Âu; (3) NATO quay trở lại thời điểm xuất phát năm 1997, nghĩa là trước khi mở rộng sang phía đông và kết nạp các nước Đông Âu cũng như ba nước Baltic là Litva, Latvia, Estonia làm thành viên mới; (4) Không tổ chức các cuộc tập trận tại các quốc gia lân cận lãnh thổ nước Nga.[53]

        Sau khoảng 1 tháng rưỡi, Hoa Kỳ và NATO đã gửi lại bản phản hồi tới Nga, từ chối đáp ứng các đề nghị của Nga. Theo Hoa Kỳ và NATO, tất cả các quốc gia có chủ quyền như Ukraine nếu có vấn đề về an ninh, đều có thể làm đơn xin gia nhập không chỉ NATO mà còn có thể xin gia nhập bất kỳ tổ chức nào khác có thể bảo vệ lợi ích quốc gia của họ. Bản phản hồi cũng nhấn mạnh, việc Nga yêu cầu NATO quay trở lại thời điểm xuất phát năm 1997 là không hợp lý. Điều này khiến Nga cho rằng, những đề nghị chính đáng của mình không được Hoa Kỳ và NATO xem trọng.[54]

        Sự khước từ của Hoa Kỳ và NATO trước những lời đề nghị của Nga đã làm cho người Nga hiểu rằng, không thể dùng biện pháp đàm phán để giải quyết vấn đề an ninh cốt lõi của nước Nga. Thời gian đã không còn đứng về phía người Nga nữa, càng chần chừ thì vấn đề càng không thể giải quyết. Nếu Ukraine gia nhập NATO thì mọi thứ xem như là chấm hết với nước Nga. Và, nếu vấn đề an ninh biên giới phía Tây của nước Nga không thể giải quyết bằng con đường ngoại giao thì người Nga chỉ còn một con đường duy nhất để đi: Quân sự. Thế là, vào ngày 21/2/2022, cộng đồng thế giới được chứng kiến một cuộc chiến tranh có quy mô lớn xảy ra tại châu Âu do người Nga phát động chống lại Ukraine, mà người Nga gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine.

       Do vậy, qua những gì chúng ta đã phân tích ở trên, chúng ta có thể nói rằng, sự khước từ của Hoa Kỳ và NATO trước những lời đề nghị của Nga chính là nguyên nhân trực tiếp cho cuộc chiến tranh giữa Nga và Ukraine đang diễn ra hôm nay.

 

.

5. Kết luận 

 

        Như vậy, qua tất cả những gì chúng ta đã phân tích ở trên, chúng ta có thể thấy rằng, nguyên nhân sâu xa của cuộc chiến tranh hiện nay giữa Nga và Ukraine chính là tham vọng tái lập đế chế của người Nga và áp lực địa chính trị mà quốc gia này đang phải đối mặt. Và, nguyên nhân trực tiếp của cuộc chiến tranh này chính là sự khước từ của Hoa Kỳ và NATO trước bản đề nghị 8 điểm mà người Nga đã gửi đến cho họ.

        Do vậy, có thể nói rằng, cuộc chiến tranh này phù hợp với logic lịch sử, địa chính trị và chính sách của nước Nga. Cuộc chiến tranh này không phải là kết quả của sự ngẫu hứng nhất thời của Tổng thống Vladimir Putin, mà cuộc chiến tranh này là kết quả của những tác nhân lịch sử và địa lý gây nên. Vì thế, bất kỳ nhà lãnh đạo nào của nước Nga, không sớm thì muộn, cũng sẽ phát động một cuộc chiến tranh để bảo vệ các lợi ích quốc gia của đất nước mình. Chỉ là, như chúng ta đã biết, Tổng thống Putin là một người có cá tính mạnh và tinh thần dân tộc cao nên ông đã vội vã phát động chiến tranh ngay sau khi bản đề nghị an ninh 8 điểm của Nga bị Hoa Kỳ và NATO từ chối đáp ứng.

       Chính vì hiểu được nguyên nhân sâu xa của cuộc chiến tranh này, nên Hoa Kỳ và NATO không chỉ xem cuộc chiến tranh này là cuộc chiến tranh cục bộ giữa Nga và Ukraine, mà còn xem đây là một cuộc chiến tranh có quy mô to lớn do người Nga phát động nhằm mục đích mở rộng ảnh hưởng của đất nước mình, tái lập quyền kiểm soát của Nga đối với Ukraine và thay đổi nguyên trạng mà thế giới hiện có. Điều này chắc chắn sẽ tạo nên những thách thức nghiêm trọng đối với trật tự thế giới Hậu Chiến tranh lạnh, một trật tự mà Hoa Kỳ và NATO muốn duy trì. Và, chính điều này đã cho chúng ta biết lý do vì sao Hoa Kỳ và NATO lại can thiệp mạnh mẽ và quyết liệt như thế vào cuộc chiến tranh giữa Nga và Ukraine.

       Thật sự là, theo tình hình hiện nay, thì Hoa Kỳ và NATO đã tham gia vào cuộc chiến tranh này, họ chính là những người đã cung cấp tài chính và vũ khí cho Chính phủ Ukraine. Hơn nữa, vai trò của họ đối với cuộc chiến tranh này ngày càng to lớn hơn, khi họ bất chấp tổn thất có thể xảy ra đối với người dân của đất nước mình, sẵn sàng áp đặt các lệnh trừng phạt nghiêm khắc nhất để chống lại Nga, nhằm hủy hoại tiềm năng chiến tranh của quốc gia này; hay nói cách khác, họ sẵn sàng chấp nhận tổn thất để phát động một cuộc chiến tranh kinh tế chống Nga, nhằm hỗ trợ cho các hành động quân sự của Quân đội Ukraine đang diễn ra trên thực địa. Một sự phối hợp vô cùng nhịp nhàng và khéo léo.

       Vì vậy, có thể nói rằng, cuộc chiến tranh mà người Nga đang phải đối mặt hiện nay, không chỉ là cuộc chiến tranh giữa họ và người Ukraine, mà còn là cuộc chiến tranh giữa họ và một liên minh các quốc gia, bao gồm Ukraine và các quốc gia phương Tây khác. Người Ukraine chịu đổ xương máu trên chiến trường để chống Nga, còn các quốc gia phương Tây thì cung cấp tài chính, vũ khí để người Ukraine làm việc đó; và, để tăng cường hỗ trợ cho cuộc chiến chống Nga của Ukraine, thì các quốc gia phương Tây sẽ tìm cách phá hoại các nguồn lực chiến tranh của Nga thông qua các lệnh trừng phạt kinh tế.

       Qua đó, chúng ta có thể thấy rằng, sự trỗi dậy và tham vọng của người Nga đã khuấy đảo mạnh mẽ thế giới chúng ta như thế nào. Trong một quyển sách của mình được xuất bản vào năm 2018, Stephen Walt — một chuyên gia về các vấn đề quốc tế của Hoa Kỳ — đã dự đoán rằng, Cạnh tranh nước lớn đã trở lại và nguy hiểm hơn xưa.[55] Qua tất cả những gì chúng ta đã phân tích ở trên, chúng ta có thể thấy rằng, tham vọng tái lập đế chế của người Nga và áp lực địa chính trị mà nước Nga đang phải đối mặt sẽ là những tác nhân chính thúc đẩy người Nga đưa ra những hành động quyết đoán hơn trong thời gian sắp tới. Điều này tất yếu sẽ dẫn đến sự xung đột giữa Nga và các quốc gia khác trên thế giới, trong đó có cả những cường quốc hàng đầu. Vì vậy, có thể nói rằng, tham vọng và nỗi bất an của người Nga chính là một trong những căn nguyên dẫn đến điều mà Walt dự đoán. Có lẽ, trong những năm tiếp theo, người Nga sẽ tiến hành phản công địa chính trị thường xuyên hơn cũng như sẽ dễ dàng đưa ra những hành động quân sự có tính quyết đoán hơn; và, do vậy, thế giới chúng ta sẽ càng trở nên bất ổn định hơn trước. Có lẽ, một kỷ nguyên mới đối với thế giới chúng ta đã bắt đầu.

 

——————

CHÚ THÍCH

 

[1] “Ukraine is ours, always ours.”.Roger Cohen,The Making of Vladimir Putin, The New York Times, March 26, 2022 (link: https://www.google.com/amp/s/http://www.nytimes.com/2022/03/26/world/europe/vladimir-putin-russia.amp.html, truy cập ngày 8/8/2022).

[2] “I would like to emphasise again that Ukraine is not just a neighbouring country for us. It is an inalienable part of our own history, culture and spiritual space.”. V. Putin, Address by the President of the Russian Federation, February 21, 2022 (link: http://en.kremlin.ru/events/president/news/67828, truy cập ngày 8/8/2022).

[3] “Russians and Ukrainians were one people – a single whole.”. V. Putin, Article by Vladimir Putin ”On the Historical Unity of Russians and Ukrainians“, July 12, 2021 (link: http://en.kremlin.ru/events/president/news/66181, truy cập ngày 8/8/2022).

[4] “The right of the peoples of Russia to free self-determination, even to the point of separation and the formation of an independent state.”. Declaration of the Rights of the People of Russia (link: https://www.marxists.org/history/ussr/government/1917/11/02.htm, truy cập ngày 8/8/2022).

[5] “When it comes to the historical destiny of Russia and its peoples, Lenin’s principles of state development were not just a mistake; they were worse than a mistake, as the saying goes. This became patently clear after the dissolution of the Soviet Union in 1991.”. V. Putin, Address by the President of the Russian Federation, February 21, 2022 (link: http://en.kremlin.ru/events/president/news/67828, truy cập ngày 8/8/2022).

[6] Như trên.

[7] Dvornichenko, Nước Nga: Điều Bí ẩn của Lịch sử (tiếng Nga), Lê Thanh Vạn dịch, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2020, p.213 — p.214.

[8] V. I. Lenin, Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Mátxcơva, 1978, vol. 44, p.43 — p.44.

[9] “If the terrible disaster, which is unthinkable to the Russian people, does occur and the state is torn apart, and the people, robbed and deceived by their 1,000-year history, suddenly end up alone, and their recent “brothers” have taken their belongings and disappeared into their “national lifeboats” and sail away from the listing ship — well, we have nowhere to go…”. Dẫn lại theo Zbigniew Brzezinski, The Grand Chessboard: American Primacy and Its Geostrategic Imperatives (New York: Basic Books, 1997), p.97.

[10] “Their viability seemed uncertain”. Zbigniew Brzezinski, The Grand Chessboard: American Primacy and Its Geostrategic Imperatives (New York: Basic Books, 1997), p.89.

[11] “It had no real history as a state, let alone a strong one.”. Why Russia has never accepted Ukrainian independence, The Economist, Dec 18th 2021 (link: https://www.economist.com/christmas-specials/2021/12/18/why-russia-has-never-accepted-ukrainian-independence)

[12] B. N. Kudức — Yu. V. Yakovéts, Nước Nga — 2050: Chiến lược đột phá cách tân (tiếng Nga) Nxb. Thế giới, Hà Nội, 2012, p.67.

[13] “Moscow’s willingness to accommodate permanently to the new reality was similarly unpredictable.” Zbigniew Brzezinski, The Grand Chessboard: American Primacy and Its Geostrategic Imperatives (New York: Basic Books, 1997), p.89.

[14] “Russia wants to reassemble as much of the Soviet Union as it can.”. Walter Russell Mead, The Return of Geopolitics: The Revenge of the Revisionist Powers, Foreign Affairs, May/June 2014 (link: https://www.foreignaffairs.com/articles/china/2014-04-17/return-geopolitics, truy cập ngày 9/8/2022).

[15], [16] Valerie Korovin, Thế chiến Thứ ba (tiếng Nga), Phan Xuân Loan dịch, Nxb. Trẻ, TP. Hồ Chí Minh, 2017, p.216.

[17] “Our troops will occupy the Georgian capital Tbilisi, the entire country, and perhaps even Ukraine and the Crimean Peninsula, which is historically part of Russia, anyway.” Alexander Dugin, The Chronicle of a Caucasian Tragedy, Der Spiegel, 25 August 2008 (link: https://www.spiegel.de/international/world/road-to-war-in-georgia-the-chronicle-of-a-caucasian-tragedy-a-574812.html, truy cập ngày 9/8/2022).

[18], [19] John Mearsheimer cảnh báo phương Tây: “NATO chơi với lửa nên bị bỏng”, Nghiên Cứu Quốc Tế, 04/02/2022 (link: https://nghiencuuquocte.org/2022/02/04/john-mearsheimer-canh-bao-phuong-tay-nato-choi-voi-lua-nen-bi-bong/, truy cập ngày 10/8/2022).

[20] Valerie Korovin, Thế chiến Thứ ba (tiếng Nga), Phan Xuân Loan dịch, Nxb. Trẻ, TP. Hồ Chí Minh, 2017, p.298.

[21] Như trên, p.101.

[22] [23] Như trên, p.106.

[24] [25] Như trên, p.101.

[26] Như trên, p.33.

[27] “The collapse of the Soviet Union was the biggest geopolitical catastrophe of the century,”. Claire Bigg, World: Was Soviet Collapse Last Century’s Worst Geopolitical Catastrophe?, April 29, 2005 (link: https://www.google.com/amp/s/http://www.rferl.org/amp/1058688.html, truy cập ngày 10/8/2022).

[28] Vladimir Putin accuses Lenin of placing a ‘time bomb’ under Russia, The Guardian, Mon 25 Jan 2016 (link: https://www.google.com/amp/s/amp.theguardian.com/world/2016/jan/25/vladmir-putin-accuses-lenin-of-placing-a-time-bomb-under-russia, truy cập ngày 10/8/2022).

[29], [30] “Ukraine was a made-up country”, “he vowed to protect ‘our common Fatherland, Great Rus.'”. Roger Cohen,The Making of Vladimir Putin, The New York Times, March 26, 2022 (link: https://www.google.com/amp/s/http://www.nytimes.com/2022/03/26/world/europe/vladimir-putin-russia.amp.html, truy cập ngày 10/8/2022).

[31] Transcript: Vladimir Putin’s April 17 Q&A, The Washington Post, (link: https://www.washingtonpost.com/world/transcript-vladimir-putins-april-17-qanda/2014/04/17/ff77b4a2-c635-11e3-8b9a-8e0977a24aeb_story.html, truy cập ngày 10/8/2022).

[32] “Peter the Great waged the great northern war for 21 years. It would seem that he was at war with Sweden, he took something from them. He did not take anything from them, he returned [what was Russia’s],”, Andrew Roth and agencies, Putin compares himself to Peter the Great in quest to take back Russian lands, The Guardian, Fri 10 Jun 2022 (link: https://www.google.com/amp/s/amp.theguardian.com/world/2022/jun/10/putin-compares-himself-to-peter-the-great-in-quest-to-take-back-russian-lands, truy cập ngày 12/8/2021)

[33] “Russian statehood, which embodies the ‘Russian idea’ politically, economically, and spiritually, will be built anew. It will gather up all the best from its long 1,000-year kingdom and the 70 years of the Soviet history that have flown by in a moment.”. Dẫn lại theo Zbigniew Brzezinski, The Grand Chessboard: American Primacy and Its Geostrategic Imperatives (New York: Basic Books, 1997), p.97.

[34] V. Putin, Address by President of the Russian Federation, March 18, 2014 (link: http://en.kremlin.ru/events/president/news/20603, truy cập ngày 11/8/2022).

[35] Valerie Korovin, Thế chiến Thứ ba (tiếng Nga), Phan Xuân Loan dịch, Nxb. Trẻ, TP. Hồ Chí Minh, 2017, p.32.

[36] DPR, LPR, Kherson, Zaporozhye regions may hold referendums this summer — lawmaker, Tass, 1 Jun, 2022 (link: https://tass.com/world/1459089, truy cập ngày 10/8/2022).

[37] Hans M. Kristensen & Matt Korda (2019) Russian nuclear forces, 2019, Bulletin of the Atomic Scientists, 75:2, 73-84, DOI: 10.1080/00963402.2019.1580891, 04 Mar 2019 (link: https://doi.org/10.1080/00963402.2019.1580891, truy cập ngày 11/8/2022).

[38] “No one should entertain any illusions about achieving military superiority over Russia; we will never allow it. Russia will respond to all these challenges, both political and technological. We have all we need in order to do so.” V. Putin, Presidential Address to the Federal Assembly, December 12, 2013 (link: http://en.kremlin.ru/events/president/news/19825, truy cập 11/8/2022).

[39] “All Members shall refrain in their international relations from the threat or use of force against the territorial integrity or political independence of any state, or in any other manner inconsistent with the Purposes of the United Nations.” UN, Charter of the United Nations, Article 2(4) (link: https://www.un.org/en/about-us/un-charter/full-text, truy cập ngày 11/8/2022).

[40] “Reinforcing the prevailing geopolitical pluralism in the post-Soviet space.”. Zbigniew Brzezinski, The Grand Chessboard: American Primacy and Its Geostrategic Imperatives (New York: Basic Books, 1997), p.202 — p.203.

[41] “Who rules East Europe commands the Heartland; who rules the Heartland commands the World-Island; who rules the World-Island commands the world.” Sir Halford John Mackinder, Democratic Ideals and Reality: A Study in the Politics of Reconstruction (London: Constable and Co. Ltd., 1919), p.150.

[42] Zbigniew Brzezinski, The Grand Chessboard: American Primacy and Its Geostrategic Imperatives (New York: Basic Books, 1997), p.202.

[43] “To develop friendly relations among nations based on respect for the principle of equal rights and self-determination of peoples, and to take other appropriate measures to strengthen universal peace;” UN, Charter of the United Nations, Article 1(2) (link: https://www.un.org/en/about-us/un-charter/full-text, truy cập ngày 11/8/2022).

[44] V. Putin, Address by President of the Russian Federation, March 18, 2014 (link: http://en.kremlin.ru/events/president/news/20603, truy cập ngày 11/8/2022).

[45] “The Russian Federation shall guarantee to its citizens protection and patronage abroad.”. The Russian Federation (RF), The Constitution of the Russian Federation, Article 61(2) (link: http://www.constitution.ru/en/10003000-01.htm, truy cập ngày 13/8/2022).

[46] Igor A. Zevelev, Russia’s Policy Toward Compatriots in the Former Soviet Union, Russia in Global Affairs, no. 1 2008 January/March (link: https://eng.globalaffairs.ru/articles/russias-policy-toward-compatriots-in-the-former-soviet-union/, truy cập ngày 13/8/2022).

[47] V. Putin, Address by the President of the Russian Federation, February 21, 2022 (link: http://en.kremlin.ru/events/president/news/67828, truy cập ngày 12/8/2022).

[48] Zbigniew Brzezinski, The Grand Chessboard: American Primacy and Its Geostrategic Imperatives (New York: Basic Books, 1997), p.92.

[49] V. Putin, Address by the President of the Russian Federation, February 21, 2022 (link: http://en.kremlin.ru/events/president/news/67828, truy cập ngày 12/8/2022).

[50] “Whereas Ukraine joining NATO is a direct threat to Russia’s security.” V. Putin, Address by the President of the Russian Federation, February 21, 2022 (link: http://en.kremlin.ru/events/president/news/67828, truy cập ngày 12/8/2022).

[51] “The information we have gives us good reason to believe that Ukraine’s accession to NATO and the subsequent deployment of NATO facilities has already been decided and is only a matter of time. We clearly understand that given this scenario, the level of military threats to Russia will increase dramatically, several times over. And I would like to emphasise at this point that the risk of a sudden strike at our country will multiply.” V. Putin, Address by the President of the Russian Federation, February 21, 2022 (link: http://en.kremlin.ru/events/president/news/67828, truy cập ngày 12/8/2022).

[52] “I will explain that American strategic planning documents confirm the possibility of a so-called preemptive strike at enemy missile systems. We also know the main adversary of the United States and NATO. It is Russia. NATO documents officially declare our country to be the main threat to Euro-Atlantic security. Ukraine will serve as an advanced bridgehead for such a strike.” V. Putin, Address by the President of the Russian Federation, February 21, 2022 (link: http://en.kremlin.ru/events/president/news/67828, truy cập ngày 12/8/2022).

[53] Andrew Roth, Russia issues list of demands it says must be met to lower tensions in Europe, The Guardian, 17 Dec 2021 (link: https://www.google.com/amp/s/amp.theguardian.com/world/2021/dec/17/russia-issues-list-demands-tensions-europe-ukraine-nato, truy cập ngày 12/8/2022).

[54] David M. Herszenhorn, US, NATO deliver written replies to Russia on security demands, Politico, January 26, 2022 (link: https://www.google.com/amp/s/http://www.politico.eu/article/us-delivers-written-reply-to-russia-on-security-demands/amp/, truy cập ngày 12/8/2022).

[55] Stephen Walt, The Hell of Good Intentions: America’s Foreign Policy Elite and the Decline of U.S. Primacy (New York: Farrar, Straus and Giroux, 2018), p.8.

 

=========================================================

 

XEM THÊM

 

Nga-Ukraine: Alexander Dugin, thầy của Putin nói gì về tư tưởng Đại Nga?

 





No comments: