06/02/2023
https://www.voatiengviet.com/a/thang-gieng-khac-khoai/6949987.html
Ngoài trái khoáy trong chuyện chuyển “Vía Đất”
thành... “Vía Thần Tài”, gần đây, mạng xã hội râm ran hơn nhiều năm trước về
chuyện các chùa tổ chức “cúng sao, giải hạn” cũng như hoạt động lễ bái đầu năm.
https://gdb.voanews.com/0B597DBF-95D2-422D-B524-7C8D1BDFA0AE_w1023_r1_s.jpg
Hình minh họa.
Theo truyền thống, tháng giêng âm lịch ở Việt
Nam là khoảng thời gian của hội hè, lễ bái, cúng kiếng. Năm nay, bên cạnh hội
hè, lễ bái, cúng kiếng là vô số trăn trở trước những dấu hiệu mà nhiều người
tin rằng tâm linh đang biến dạng đến mức rất đáng ngại...
Chuyện đầu tiên là... “Vía Thần Tài”
hôm mười tháng Giêng âm lịch. Đã có những khảo luận, chứng minh mùng mười tháng
Giêng âm lịch vốn là ngày “Vía Đất” nhằm tạ ơn ruộng vườn và tưởng nhớ
những người “khai hoang, lập ấp”, xin phò trợ mùa màng (1)...
“Vía Đất” vốn đơn giản, chỉ bày biện những
sản vật thuộc loại “cây nhà, lá vườn”. Thế rồi vài năm gần đây, “Vía Đất”
đột nhiên trở thành ngày dành cho... “Thần Tài” – đồ cúng không chỉ rườm
rà hơn mà thiên hạ còn đua nhau đi mua... vàng để lấy... hên, hy vọng sẽ giàu
hơn. Đó cũng là lý do Anh Kiet Lê
Đại ngậm ngùi: Người ta đang cải biến những
phong tục tốt đẹp, nhân văn, đơn giản của ông cha thành hủ tục mê tín, vị kỷ, tốn
kém. Môt miền Nam thuần hậu nhân ái, bao dung đang mai một dần (2).
Matthew
NChuong lưu ý: “Thần Tài” là một nhân vật
trong tín ngưỡng dân gian của người Hoa nhưng người Hoa ở khắp nơi trên thế giới
chỉ tổ chức “Vía Thần Tài” vào mùng năm tháng Giêng âm lịch chứ không phải mùng
mười. Đem “Vía Thần Tài” thay “Vía Đất” dẫn đến hậu quả tai hại
là xóa mờ ký ức về các tiền nhân mở mang bờ cõi! Tại sao lại
quảng bá rầm rộ cho “Vía Thần Tài”, thậm chí còn mạnh miệng khẳng định đó là
tín ngưỡng truyền thống của người Việt (3)?
Dẫn lại tuyên bố của Chủ tịch một doanh nghiệp
kinh doanh vàng trên tờ Thanh Niên (Vừa ăn Tết, vừa chuẩn bị vàng cho ngày
“Vía Thần Tài”), Nguyễn Thùy
Dương đưa ra một cách lý giải: Chuyển “Vía Đất” thành
“Vía Thần Tài” là nhờ công ty bán vàng (4)...
***
Ngoài trái khoáy trong chuyện chuyển “Vía Đất”
thành... “Vía Thần Tài”, gần đây, mạng xã hội râm ran hơn nhiều năm trước
về chuyện các chùa tổ chức “cúng sao, giải hạn” cũng như hoạt động lễ
bái đầu năm.
Bất bình nhiều nhất về những hoạt động loại
này đến từ các Phật tử. Chẳng hạn Mai Thanh
Mai viết thế này: Phật Giáo chỉ có “nhân quả -
luân hồi” chứ không có “hạn”, sao lại vào chùa xin “giải hạn”? Chùa tổ chức “giải
hạn” không phải là chùa, sư đứng ra kêu gọi “giải hạn” không phải là sư. Nếu diễn
giải theo tinh thần Phật giáo thì “hạn” chính là “nghiệp” chúng ta đã gây
ra, có thể là từ tháng trước, từ năm trước mà cũng có thể là từ tiền kiếp
hoặc từ vô lượng vô biên kiếp. Muốn giải nghiệp (hạn) thì phải tu nhân tích đức,
làm việc thiện, tự mình hoá giải cái “hạn” chứ chẳng ai giúp được. Phật
cũng không giúp được. Phật chỉ chỉ ra con đường, hướng ta theo con đường
Ngài đã đi và đã thành công chứ Phật không giúp được. Sống ác thì ráng mà chịu
chứ giải kiểu gì.
Giống như nhiều người khác, Mai nhấn mạnh: “Cúng
sao, giải hạn” là chuyện của Đạo Giáo. Nếu tin “hạn” thì tìm mấy ông Đạo
sĩ chuyên múa may với kiếm như Gia Cát cầu mưa, chớ có đến chùa vì giống
như cầm Samsung đến bảo hành ở cửa hàng của Apple (5).
Tạ Duy Anh – một Phật tử “chăm lễ chùa” từ thưở còn thơ cho đến bây giờ –
thì ngậm ngùi về “Chốn thanh tịnh một thời” (6). Sau khi kể lại những điều
“mắt thấy, tai nghe” ở các chùa, phủ, đền... Tạ
Duy Anh than: Thành ngữ “buôn thần bán thánh”
vốn để mỉa mai bọn con buôn đội lốt thầy tu, đội lốt tăng ni, phật tử, những kẻ
càng tu càng chìm… giờ đây biến thành dịch vụ kiếm tiền khôn ngoan, thức thời.
Có kẻ dùng tiền với hy vọng mua được lòng từ bi của Phật thì lập tức có kẻ đem
Phật ra rao bán! Đúng là thị trường cái gì cũng sẵn, chỉ cần có tiền! Công cuộc KINH DOANH SỰ U MÊ
đang được coi là ngành nghề đem lại nhiều lợi nhuận nhất. Tôi không đủ
thẩm quyền để quy kết trách nhiệm hoặc gán tội cho bất kỳ ai. Có cầu ắt có
cung, kể cả môi giới hối lộ thần thánh. Vả lại tiền bạc có lý lẽ riêng của
nó nhưng nếu ngay cả chốn thanh tịnh, vô nhiễm nơi cửa Phật còn ngập ngụa
“phế thải”, sặc mùi trần ai với đủ thứ tranh cướp... thì hy vọng về một xã hội
hiền hòa, yêu thương, nhường nhịn, người người tích đức… còn xa xôi lắm!
Đó cũng là lý do Huy
Luu nhận xét: Thuật ngữ DU LỊCH TÂM LINH
thật là đáng sợ.
Đó là khẩu hiệu của “Kinh doanh chùa chiền nhằm dẫn dụ, làm u mê dân chúng
để dễ dàng dắt mũi và lột tiền của họ ở các chùa. Nên nhắc nhau tỉnh táo,
tránh bị lừa phỉnh (7).
Vì sao lại thế? Theo Hương Nguyễn: Đói
thì dễ bị dụ dỗ làm loạn, làm liều mà dân mình giờ chỉ dễ rơi vào cảnh nghèo
thôi, đói rất ít. Việt Nam là đất nước nông nghiệp, nên các thực phẩm để chống
đói giờ không hiếm nhưng người nghèo thì nhiều, nghèo vì ti tỉ thứ tiền phải
lo, phải nộp, giờ chỉ cần lôi họ vào u mê nữa là an tâm, không phải lo họ
“đi cướp chính quyền” (8).
------------
Chú thích
No comments:
Post a Comment