Wednesday, February 15, 2023

TÂM TÌNH (Mạc Văn Trang)

 



Tâm tình

Mạc Văn Trang

15/02/2023

https://baotiengdan.com/2023/02/15/tam-tinh/

 

Buổi trò chuyện với vợ chồng người học trò cũ ở Hà Nội hôm 20-11-2022 cứ bám theo mình mãi. Đôi bạn này quý mến mình lắm, mà vẫn bao điều băn khoăn, làm mình nghĩ ngợi. Thôi thì viết ra, chia sẻ để giải tỏa suy tư.

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2023/02/1-22.jpeg

Ảnh: FB tác giả

 

Anh chồng vẫn đang công tác tại cơ quan nhà nước, chị vợ giáo viên Trung học phổ thông. Anh chồng là Nghiên cứu sinh của tôi, chị vợ học lớp Cao học Quản lý giáo dục, tôi có giảng chuyên đề Tâm lý học Quản lý Nhân sự.

 

Mới đầu chia sẻ về chuyện vợ chồng sống thế nào để an vui, hạnh phúc, thì rất đồng cảm. Còn chuyện nhân tình thế thái thì nhiều trăn trở. Xin hệ thống lại một số câu chuyện đã trao đổi.

 

1. Vợ chồng em ngày nào cũng đọc “phây” của thầy đấy. Có nhiều lúc cũng tranh luận nhau hăng lắm. Đọc nhưng không để lại dấu vết. Hi hi…

 

– Mình gọi như vậy là đọc lén. Cái gì lén lút lại càng say, như ngoại tình ấy. Hi hi!

 

2- Em thấy thầy viết đủ thứ, từ chuyện quốc gia đại sự đến những chuyện lặt vặt, như bóng đá, đi chợ, picnic… tản mạn quá. Thầy nên viết phản biện những vấn đề lớn của đất nước thì hơn.

 

– Mình là người quan sát, phân tích các hiện tượng xã hội, thấy gì viết nấy cho vui thôi mà. Facebook như trang nhật ký mở, viết mọi điều mình suy nghĩ vui, buồn, hay, dở… Với lại, chuyện một cháu học sinh lớp 2, nhà nghèo, không có tiền đóng ăn, ngủ trưa, phải ra ngồi ngoài cổng trường, là nhỏ hay sao?

 

3. Cái gì thầy viết em đọc cũng thích, nhưng thật quá, không có lợi đâu. Em thấy các thầy khác cũng biết mọi chuyện tiêu cực, nhưng khôn không viết ra, vậy lại lành thầy ạ.

 

– Xã hội ai cũng “khôn” như thế thì buồn lắm. Thời nào cũng có vài anh dại dại, khùng khùng viết ngang, nói ngược, để đời ngọ nguậy cho vui, kẻo xã hội “chết lâm sàng” như Ngô Bảo Châu nói.

 

Mà em học Tâm lý học thì biết, mỗi người là một cá thể độc đáo, có một không hai, sao muốn người khác giống mình được. Vả lại, “Nghiệp” của mình là nghiên cứu tâm lý – xã hội, mà nhìn vào đâu cũng thấy vấn đề mới khổ chứ! Thấy mà không nói ra nó cứ ấm ức.

 

Nói như thầy Thái Bá Tân: Con chim được hót, con chó được sủa thì con người có mồm phải nói. Mà đã nói/viết phải đúng điều mình nghĩ, đúng lương tâm của mình chứ. Mình nói thật, qua trải nghiệm gần hết đời, thấy: Cái gì mình phản ứng tức thời từ trái tim, từ lương tâm mình lại đúng đắn hơn những gì toan tính kỹ rồi mới hành động hoặc không dám nói gì, làm gì…

 

4- Đáng lẽ thầy cứ ở trong Đảng mà góp ý thì tốt hơn. Em thấy nhiều người ở trong Đảng mà vẫn góp ý đó.

 

– Trước đây mình cũng viết nhiều bài góp ý chứ, nhất là về Giáo dục. Viết góp ý phải thưa gửi, bẩm báo, lựa lời, nhưng ít khi được phản hồi. Thấy chán và bực. Viết Facebook cho thoải mái. Họ không thèm nghe thì viết cho dân nghe. Ở trong Đảng mà trái ý, họ đâu có tha. Bao nhiêu đảng viên bị xử lý đấy thôi, điển hình là đảng viên lão thành Lê Đình Kình đó.

 

5- Em thấy các thầy cứ phản biện như vậy, sao thay đổi được chế độ? Lý luận và thực tiễn đều cho thấy, có bạo lực cách mạng mới thay đổi được chế độ. Mà điều này, không ai muốn xảy ra.

 

– Đó là sự bế tắc của xã hội ta. Ai cũng muốn thay đổi, nhưng thay đổi thế nào đây?

Thay đổi bằng bạo lực không ai muốn. Đúng. Mà với lực lượng bộ đội “Trung với Đảng”…, “Công an Nhân dân chỉ biết còn Đảng, còn mình”, có lực lượng nào dám đối địch?

 

Thay đổi phi bạo lực có hai cách. Một là, từ dưới lên, tức là quần chúng biểu tình đủ mạnh, gây áp lực, bộ đội, công an đứng về phía nhân dân ép chính quyền thay đổi. Nhiều nước XHCN đông Âu đã thay đổi như vậy. Hai là, thay đổi từ trên xuống, tức là từ các nhà lãnh đạo cấp cao “tự chuyển hoá” mà thay đổi. Như vậy thật phúc cho dân tộc ta.

 

Các nhà lãnh đạo Việt Nam cũng đã “tự chuyển hoá” mới có “Đổi mới” 1986 chứ, không thì vẫn như Triều Tiên hay Cuba. Ngày nay các vị lãnh đạo vẫn luôn nói: Phải “Đổi mới”, “Cải cách thể chế”… Tức là “thay đổi chế độ” dần dần đó. Mà cậu xem, chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, bây giờ có còn gì là “xã hội chủ nghĩa” không? Nhìn xem Y tế, Giáo dục có tí gì XHCN không? Giai cấp công nhân có lãnh đạo xã hội không hay chỉ là đội ngũ làm thuê cho chủ tư bản? Và tình cảnh công nhân ta có hơn gì “Tình cảnh giai cấp công nhân Anh” mà F. Engels viết năm 1844 không? Các cấp lãnh đạo từ cơ sở đến Trung ương, đều là đảng viên, nhưng mấy ai là “cộng sản”? Có mấy đảng viên phấn đấu vì Lý tưởng Cộng sản? Vậy “Đảng cộng sản”, chế độ “Xã hội chủ nghĩa” chỉ là cái vỏ, cái tên gọi quen mồm cho nó “lành”! Thực chất bây giờ Việt Nam là chế độ gì, nền kinh tế gì thì các em biết rõ hơn tôi chứ.

 

Thực ra những người kiến nghị, phản biện chỉ mong muốn những thay đổi phi bạo lực, trong hoà bình để có một xã hội dân sự, nhà nước pháp quyền, chế độ dân chủ, thực hiện các quyền tự do, dân chủ phổ quát, chứ có hành động nào “chống phá Nhà nước” đâu.

 

6- Nhưng nhiều người không hiểu, cứ vào xỉ vả, chửi bới thầy, em thấy xót lắm.

 

– Thực ra những người tử tế dù không hiểu hay trái ý họ, họ cũng không chửi bới đâu. Chửi bới là 10 ngàn lực lượng AK và đám Dư luận viên “đông như quân Nguyên”, từ cấp xã/ phường, huyện/ quận, đến trung ương. Đám này được Tuyên giáo nuôi, dạy, ăn lương từ tiền thuế của dân để chửi bới, vùi dập, đe doạ những ai trái ý họ. Cái này học từ Trung Cộng. Bên Tàu ngày xưa gọi đám này là “Mạ thủ”. Họ được chỉ đạo tập trung vào “chửi” ai đó thật khủng khiếp; “đánh một người để muôn người phải khiếp sợ”! Ai yếu bóng vía là sợ không dám viết/nói gì trái ý họ. Không thể cãi với họ được, vì họ đông lắm. Nói một cách nghiêm khắc và đúng đắn: Đám này đang làm ô uế văn hoá xã hội, làm mất mặt chế độ. Đó mới chính là phản động, vì đi ngược trào lưu tiến bộ, văn minh của xã hội.

 

Mình rất buồn và thấy thương họ. Buồn vì kiểu đấu tố trên mạng xã hội lặp lại y như Hồng Vệ binh trong Cách mạng Văn hóa thời Mao; như đấu tố thời Cải cách ruộng đất, như đấu tố các trí thức thời Nhân văn – Giai phẩm vậy. Những sai lầm đó không được sám hối, rút ra bài học lịch sử, mà nay lại được phát huy!

 

Thương họ, vì họ không hiểu rằng, những ý nghĩ xấu, những lời ác khẩu nó nhập vào tâm lý, rồi những tạp niệm đó dồn xuống vô thức sinh ra những phản ứng như bản năng xấu. Còn Phật giáo coi những ý nghĩ xấu, những lời vu khống ác độc là “Ý nghiệp”, “Khẩu nghiệp” không nhẹ đâu.

 

7- Nhiều lúc em không hiểu, thầy cứ phản biện mãi để đạt được mục đích gì?

 

– Chả có Mục đích, Nhiệm vụ gì cả. Nếu viết về Mục đích gì đó, đạt Mục đích xong là thôi. Còn viết đây thuộc về bản chất con Người, là Công dân thì biết phản ứng trước các kích thích xã hội vậy thôi. Là bản chất của con người thì nó mới bền, còn sống còn viết. Cũng có lúc nói cho oách, là Trí thức phải lên tiếng góp phần “khai Dân trí, chấn Dân khí”… Nhưng thực ra anh nói chỉ vì mình, chỉ do mình thôi, để giải toả, để được hiện thực hóa bản thân, tức là do nhu cầu cấp thiết của chính mình… Và tất nhiên khi được bạn bè tán thưởng thì cũng thấy vui.

 

8- Vậy như người ta nói: Mấy ông thích thể hiện để được nổi tiếng?

 

– Thực ra thích nổi tiếng là “nhu cầu Người nhất”, không có gì xấu. Dân gian nói, “cáo chết để da, người chết để tiếng”. Chỉ có con người mới có nhu cầu để lại “Tiếng” cho đời. Không thích “nổi tiếng” thì người ta dựng tượng, tạc bia, làm thơ, nhạc ca ngợi, xuất bản tuyển tập, toàn tập để làm gì? Vấn đề là cái để lại, sẽ được người đời phán xét, nó là hương thơm hay mùi thối mà thôi. Cũng có khi nửa thơm, nửa thối, chỗ thơm, chỗ thối.

 

9- Công nhận thầy viết nhiều thật

 

– Thực ra về tư tưởng hay ý tưởng, mỗi người không có nhiều đâu. “Nhà” nào cũng vậy, viết vài bài hay một, hai quyển sách là hết thôi, chả còn gì mới nữa. Nhưng nếu quan sát, phân tích các hiện tượng đời sống xã hội mà viết thì vô tận.

 

10- Liệu có hy vọng phản biện của các thầy kết hợp với công cuộc đốt lò của bác Trọng có thể tạo nên chuyển biến xã hội tích cực.

 

– Không kết hợp được đâu! Cụ Trọng coi phản biện đòi dân chủ, nhân quyền, xã hội dân sự là “bất hảo” đấy! Cụ ấy “đốt lò” cũng kinh đấy, nhưng chỉ nhằm để “bảo vệ sự sống còn của Đảng và chế độ”. Nghe những bài “giảng đạo” của Cụ ấy thì thấy rõ là “Đức trị”. Nhưng con người ngày càng tha hoá, “đức trị” không cứu vãn được đâu!

 

Đức Chúa Trời khuyên bảo mà Adam, Eva còn chả nghe! Con cháu Adam, Eva càng hư đốn, Chúa phạt dâng Đại hồng thuỷ cho chết hết, còn mỗi gia đình Nô-ê đạo cao, đức trọng, Chúa cho sống sót. Thế rồi lại sinh ra đàn đàn, lũ lũ, chả nghe 10 lời răn của Chúa, đánh giết nhau loạn xạ đó… Đức Phật cũng đưa ra 10 điều dạy cho chúng sinh tu tập, giảm thiểu Tham-Sân-Si-Ngã chấp để thoát khỏi vô minh tăm tối; tự giác ngộ để sống Từ bi và Trí tuệ, cho xã hội an lạc, thanh tịnh, hoà vui. Nhưng xem đấy, “Tam pháp bảo” của Đạo Phật cũng suy vong, nhất là Pháp và Tăng lộn bậy hết cả! Vậy Cụ Trọng có bằng Chúa, bằng Phật không? Cụ có giữ được “Tam pháp bảo” của Đảng không?

 

Chỉ có Nhà nước Dân chủ, công khai, minh bạch, Pháp quyền nghiêm minh mới hạn chế được các quan chức tham nhũng quyền lực, tiền của, tình ái…

 

Còn phản biện ở ta trong xã hội này cũng như mưa bụi trên cánh đồng hạn hán mà thôi!

 

11- Thầy nói vậy thì bi quan quá, không có hy vọng gì thay đổi hay sao?

 

– Em xem đây, Đảng thì suốt ngày hô hào “chống thế lực thù địch”, bắt bớ, khủng bố những người bất đồng chính kiến; các quyền tự do, dân chủ trong Hiến pháp không được thực thi; dân tình thì mê tín ngày càng nặng, giẫm đạp lên nhau cướp ấn, cướp lộc; chen nhau đem tiền đi “trục vong”, cầu cúng khắp nơi “cầu tài, cầu lộc, giải hạn”. Nhìn vào chỗ nào cũng thấy Đình, Chùa, Đền, Miếu, Bàn thờ, lại mỗi người dân đều tham gia vài ba Hội, Đoàn, như tự đeo vào cổ mình mấy cái dây thừng; suy nghĩ, cảm xúc, hành động hầu như đều được dắt theo đám đông; mà các hội này đều là cánh tay nối dài của Đảng. Trạng thái xã hội như vậy biết sẽ kéo dài đến bao giờ?

 

Nhưng còn sống thì cứ lạc quan, hy vọng, vì duy ý chí không bao giờ thắng được sự vận động của quy luật khách quan.

 

12- Thầy nhiều tuổi rồi, viết ít thôi, cũng đừng nghĩ ngợi nhiều, nghỉ ngơi cho nó khoẻ thầy ạ.

 

– Ừ… Nhiều người cũng bảo thế. Nhưng các cậu nghe lý thuyết Hoạt động rồi đó.

Tạo hoá cho ta một cơ thể tuyệt vời, trong đó bao gồm bao nhiêu hệ thống vi diệu liên quan mật thiết với nhau. Một hệ thống ngưng vận động hay trục trặc là xảy ra “lỗi hệ thống” gây nguy hại cho toàn cơ thể. Các hệ thống chức năng này, đặc biệt là não bộ, nếu vẫn hoạt động tự nhiên thì cơ thể bình thường. Người già, nếu vẫn duy trì hoạt động thì các hệ thống chậm lão hoá, nếu ngưng hoạt động thì lão hoá nhanh lắm. TÔI HOẠT ĐỘNG NGHĨA LÀ TÔI TỒN TẠI!

 

Các em mà không hoạt động là cái món ấy cũng teo nhanh lắm đó. Hi hi!

 

13- Có dạo thầy ở nước ngoài lâu lâu, em cứ tưởng thầy ở hẳn bên đó?

 

– Mình đã có bài viết “Vì sao tôi không sống ở nước ngoài”, đã hai lần có thẻ tạm cư ở Ba Lan, nhưng ở nhiều nhất là một năm lại bỏ về. Nhiều khi không lý giải được, môi trường tự nhiên và xã hội tốt vậy, sao không ở? Có lẽ mình gắn bó với đất nước mình, dân mình như máu thịt từ thơ bé mất rồi.

 

14- Cô và các con của thầy có ý kiến gì về việc thầy làm và có chịu ảnh hưởng gì không?

 

– Nhà mình rất tôn trọng tự do cá nhân, vợ con đôi lúc cũng góp ý như các em góp, chứ không can thiệp vào tự do của mỗi người. Còn ảnh hưởng thì cũng như các em, “ngày nào cũng đọc “phây” của thầy” mà có ảnh hưởng gì đâu! Con mình còn ít khi đọc FB của mình hơn!

 

Mình may mắn có ba cô con gái đều tử tế, giỏi giang hơn bố mẹ. Hai đứa lớn ở nước ngoài mải lo làm ăn; con út ở nhà, Tiến sĩ, làm khoa học, rất nghiêm túc. Chúng nó hiểu, ông già viết để giải toả, chứ chả ăn thua gì đâu, nên kệ. Được cái các con thì hiếu thảo, vợ thì hoà hợp mọi nhẽ. Mình cảm thấy rất hạnh phúc. Chả có gì phàn nàn về cá nhân hay gia đình cả.

 

15- Vậy mà có người bảo thầy “bất mãn”, “hằn học”…

 

– Hà hà!… Người ta “suy bụng ta ra bụng người” thì vu cho đủ mọi thứ xấu xa. Trong não họ có cái gì thì họ chỉ nghĩ được cái đó mà thôi. Nếu “bất mãn”, “hậm hực” sao vợ chồng mình có thể sống vui, sống khỏe, thoải mái được? Sao các con cháu hai bên, anh em, bạn bè yêu mến mình được?

 

                                                                ***

Chuyện thầy trò chúng tôi còn dài dài. Nhưng xin phép dừng ở đây. Chúc mọi người: Thân – tâm an lạc, hoạt động đều đều.





No comments: