Tại sao vết thương vẫn chưa lành ?
14/02/23
https://thongluan-rdp.org/di-n-dan/item/27793-t-i-sao-v-t-thuong-v-n-chua-lanh
Nhìn qua ngoảnh lại, ngày 30/4 lại đến với gần nửa Thế kỷ chia cách
trong-ngoài mà sao vết thương dân tộc vẫn chưa lành ?
https://live.staticflickr.com/65535/52690170798_ff41644c0c.jpg
Ông Nguyễn Đình Bin : "Tôi vẫn buồn : vết
thương dân tộc thực sự vẫn chưa lành !" (Ảnh : Huỳnh Phan)
Câu hỏi này không mới mà từ năm 2019, Thứ trưởng thường
trực Bộ Ngoại giao Việt Nam kiêm Chủ
nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài của Nhà nước cộng sản Việt
Nam, ông Nguyễn Đình Bin, đã trăn trở : "Sau 15 năm đi vào cuộc sống,
Nghị quyết 36 NQ/TW đã được thực thi phần nào, được cộng đồng hoan nghênh, tạo
ra khá nhiều đổi thay. Nhưng tôi vẫn buồn : vết thương dân tộc thực sự vẫn chưa
lành !".
Ông đặt câu hỏi : "Vì sao, cuộc
chiến ác liệt nhất đã kết thúc và đất nước đã thu về một mối hơn 4 thập kỷ mà
dân tộc ta, nói cho cùng đều là nạn nhân của sự đô hộ và xâm lược của nước
ngoài nói trên, vẫn chưa hòa giải được với nhau ? Cũng chính sự đô hộ và xâm lược
của nước ngoài đó đã chia ly bao gia đình Việt và cả dân tộc Việt, gây ra cảnh
huynh đệ tương tàn trên đất nước ta. Thế mà ta đã hòa giải được với họ, còn
chúng ta, anh em một nhà " nhiễu điều phủ lấy giá gương , người trong một
nước phải thương nhau cùng", thì lại chưa hòa giải được với nhau ?" (Nguyễn
Đình Bin, ngày 21/03/2019)
Thắc mắc của ông Bin, sinh ngày 10/07/1944 tại
Hải Dương, có lý do nhưng Đảng cộng sản Việt Nam không nói ra vì không muốn nhận
trách nhiệm chủ động trong công tác "hòa hợp, hòa giải" dân tộc. Hơn
nữa, trong nội bộ Đảng cộng sản Việt Nam vẫn tồn tại thành phần "kiêu ngạo
cộng sản", tự cho mình quyền từ chối đối thoại với những người bại trận.
Những người này, tiêu biểu như Nhà nghiên cứu, doanh nhân, luật sư Nguyễn
Trần Bạt nói rằng :
"Vấn đề hòa giải nên xem lại, bởi vì bài toán
xung đột của chiến tranh đã được giải xong rồi, người thắng kẻ thua cũng rõ rồi.
Hòa giải là phải có hai bên, vì thế tôi nghĩ bây giờ không có cơ sở nào để đặt
ra vấn đề hòa giải. Hòa giải là kết quả của sự thương lượng chính trị của các
phe chính thống giai đoạn trước 30/4/1975. Còn hòa hợp là công việc mà Đảng cộng
sản Việt Nam đã làm từ năm 1946 đến giờ, là một trong những thành tựu chính trị
quan trọng nhất của Đảng cộng sản Việt Nam" (Quân đội Nhân dân, ngày 26/04/2020).
Như vậy, nếu "bên thắng
cuộc" mà chỉ muốn "bên thua cuộc" quay về tập hợp dưới trướng
cai trị độc tài của Đảng cộng sản Việt Nam thì làm sao có thể đoàn kết dân tộc
được.
.
Nghị quyết 36 – Kết luận 12
Vì vậy, sau 19 năm ra đời của Nghị quyết 36
(NQ-36) "Về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài", ban hành
ngày 26/3/2004, mọi chuyện vẫn giậm chân tại chỗ. Vì vậy, Bộ Chính trị phải ra
thêm Kết luận 12-KL/TW ngày 12/8/2021 (KL-12) "về công tác người Việt Nam ở
nước ngoài trong tình hình mới".
KL-12 nhìn nhận : "Công tác người
Việt Nam ở nước ngoài còn một số hạn chế. Có nơi, có lúc công tác người Việt
Nam ở nước ngoài chưa được các cơ quan, tổ chức quan tâm đúng mức ; công tác nắm
tình hình cộng đồng, tham mưu, kiến nghị và phối hợp triển khai chủ trương,
chính sách chưa sâu sát, chặt chẽ và kịp thời ; chưa phát huy được tiềm năng,
thế mạnh của đồng bào ta ở nước ngoài" (Kết luận 12-KL/TW, ngày
12/8/2021).
Do đó, Bộ Chính trị cho rằng "công
tác người Việt Nam ở nước ngoài cần tiếp tục được triển khai toàn diện và
mạnh mẽ hơn", đặt lên hàng đầu "chủ trương đại đoàn kết toàn dân tộc".
KL-12 cũng lập lại những gì đã viết trong
NQ-36, theo đó :"Đổi mới, đa dạng hoá các hình thức, linh hoạt trong triển
khai vận động người Việt Nam ở nước ngoài, nhất là thế hệ trẻ, gắn bó với quê
hương, đóng góp tích cực vào sự phát triển của nước sở tại, trở thành cầu nối,
góp phần thúc đẩy quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam với các nước. Kiên trì vận động
những kiều bào còn có định kiến để củng cố niềm tin, yên tâm hướng về Tổ
quốc, nhận thức và hành động phù hợp với lợi ích quốc gia - dân tộc. Tiếp tục
coi trọng, quan tâm hỗ trợ và phát huy vai trò của các lực lượng nòng cốt, những
người có uy tín, ảnh hưởng trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài".
Chủ trương này rõ ràng là nhà nước cộng sản Việt
Nam muốn thao túng hàng ngũ các tổ chức của người Việt ở nước ngoài để kéo họ
vào qũy đạo với cộng sản Việt Nam.
Nhưng KL-12 cũng như NQ-36 đã không che được bản
chất "nói một đường làm một nẻo" của Ban lãnh đạo, vì ngay đối với
người trong nước mà nhà nước chưa "hòa giải" được thì làm sao nói
chuyện phải trái với người Việt phải bỏ nước ra đi chỉ vì không sống nổi với chế
độ.
Theo ước lượng của các Tổ chức nhân quyền Quốc
tế thì Việt Nam đáng giam cầm từ 200 đến 300 tù nhân lương tâm. Những tù nhân nổi
tiếng gồm có Trần Huỳnh Duy Thức, Phạm Chí Dũng, Phạm Thị Đoan Trang, Nguyễn Tường
Thụy, Lê Hữu Minh Tuấn, Trương Châu Hữu Danh và Trần Đức Thạch.
Những người này bị tù vì bị nhà nước cáo buộc
có "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân". Nhưng chính phủ Việt
Nam nói bừa rằng ở Việt Nam "không bao giờ có cái gọi là "tù
nhân lương tâm" mà thực chất đó chỉ là những người vi phạm pháp luật" (Quân
đội Nhân dân, ngày 25/05/2020)
.
Chuyện cũ nhai lại
Trong Nghị quyết 36, Đảng cộng sản Việt Nam
tuyến bố : "Đảng và Nhà nước ta luôn luôn coi cộng đồng người Việt
Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt
Nam".
Nhưng cụm từ "cộng đồng" ở đây chỉ
nên được hiểu là "cộng đồng thiểu số thân Hà Nội ở nước ngoài", tập
trung ở Nga và Đồng Âu cũ, và ba nước Thái-Campuchea và Lào.
Bên cạnh đó còn có "cộng đồng đa số người
Việt" chống cộng sản bỏ nước ra đi từ sau biến cố 30/4/1975, phần lớn định
cự ở Mỹ, Canada và Úc Đại Lợi.
Trong Nghị quyết 36, Đảng cộng sản Việt Nam hứa
: "Xóa bỏ mặc cảm, định kiến, phân biệt đối xử do quá khứ hay thành phần
giai cấp ; xây dựng tinh thần cởi mở, tôn trọng, thông cảm, tin cậy lẫn nhau,
cùng hướng tới tương lai. Mọi người Việt Nam, không phân biệt dân tộc, tôn
giáo, nguồn gốc xuất thân, địa vị xã hội, lý do ra nước ngoài, mong muốn góp phần
thực hiện mục tiêu trên đều được tập hợp trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc".
Nhưng sự thật là đảng chỉ muốn mở cửa kêu gọi
người Việt về nước đầu tư và đem kiến thức khoa học, kỹ thuật về giúp đảng phát
triển kinh tế. Theo KL-12 "cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đến
nay có khoảng 5,3 triệu người sinh sống, làm việc trên 130 quốc gia và vùng
lãnh thổ, trong đó, hơn 80% là ở các nước phát triển".
Nhưng số vốn đầu tư của
Việt kiều vào Việt Nam không nhiều, trong khi số chuyện gia về giúp nước lại
càng ít và không thường xuyên.
Theo Cục đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu
tư) thì : "Tính đến tháng 11/2020 người Việt Nam ở nước ngoài đã có 362 dự
án đầu tư theo hình thức đầu tư nước ngoài tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký
1,6 tỷ USD từ 27 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó dẫn đầu về số dự án là từ
kiều bào Hoa Kỳ, tiếp theo là Pháp, Australia, Trung Quốc và Cộng hòa liên bang
Đức. Phần lớn các dự án đầu tư của kiều bào tập trung vào lĩnh vực công nghiệp
chế biến, chế tạo với 143 dự án, vốn đăng ký 725,14 triệu USD, chiếm 39,5% số dự
án và 45,2% vốn đăng ký. Các nhà đầu tư Việt kiều đã đầu tư vào 42/63 địa
phương trong cả nước, trong đó dẫn đầu là Hà Nội với 79 dự án, vốn đăng ký
476,8 triệu USD (chiếm 21,8% số dự án và 29,7% vốn đăng ký), tiếp theo là các địa
phương Long An, Bình Thuận, Hải Phòng, Đồng Nai và các địa phương khác. Các dự
án đầu tư nước ngoài của kiều bào hoạt động khá hiệu quả, đóng góp đáng kể cho
sự phát triển kinh tế xã hội của các địa phương".
.
Vẫn nhạt nhòa
Tuy vậy, vẫn không có nhiều đầu tư của người
Việt ở nước ngoài vào Việt Nam. Số chuyên gia vế giúp nước càng khiêm tốn hơn.
Tình trạng này đã được Phó Chủ nhiệm Ủy
ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Mai Phan Dũng nói với phóng
viên báo Báo Điện tử Chính phủ ngày 9/2/2023.
Ông Dũng nói :
"Điển hình chỉ riêng cộng đồng người Việt tại
Hoa Kỳ đã có hơn 150 giáo sư, tiến sĩ có tên tuổi, khoảng 200 kỹ sư gốc Việt hoạt
động trong lĩnh vực khoa học vũ trụ, cùng nhiều chuyên gia làm việc trong các
ngành khoa học khác.
Số lượng trí thức, chuyên gia, nhà khoa học người Việt
Nam ở nước ngoài về nước nói chung và hoạt động trong đổi mới sáng tạo còn
khiêm tốn, khi chỉ đạt con số chưa đến 0,1% trong tổng số gần 600.000 trí thức
người Việt Nam ở nước ngoài".
"Bên cạnh đó", ông Dũng còn tiết lộ, "việc kết nối giữa kiều bào tiềm
năng, có nhu cầu về nước cống hiến và phát triển sự nghiệp, với các bộ ngành, địa
phương, các trường đại học, viện nghiên cứu còn khó khăn do thiếu thông tin, hạn
chế về cơ chế, ngân sách, cơ sở vật chất, chế độ đãi ngộ, xử lý và phản hồi đối
với các ý kiến của chuyên gia, trí thức kiều bào…".
Vì vậy ông Mai Phan Dũng đã kiến nghị
Chính phủ :
"Công tác thu hút nguồn lực chuyên gia, trí thức
kiều bào hỗ trợ công cuộc đổi mới sáng tạo cần củng cố về nhiều mặt.
Trước hết là cần thống nhất nhận thức của toàn bộ hệ
thống chính trị về chủ trương, chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước về củng
cố vững chắc khối đại đoàn kết dân tộc, trong đó có vai trò của cộng đồng người
Việt Nam ở nước ngoài… Tiếp đến, cần tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng,
hiệu quả triển khai cơ chế, chính sách về thu hút, tuyển chọn, trọng dụng, đãi
ngộ trí thức người Việt Nam ở nước ngoài. Trong đó, cần sớm ban hành các văn bản
hướng dẫn cụ thể về thu hút cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ là người Việt
Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công
nghệ, đổi mới sáng tạo tại Việt Nam…".
Ngoài ra, ông Dũng còn đề nghị :
"Rà soát để bãi bỏ các thủ tục, quy định không
cần thiết hoặc gây khó khăn đối với kiều bào, đặc biệt trong đầu tư, đất đai,
thủ tục hành chính, vay vốn, ưu đãi thuế cho trí thức, doanh nhân người Việt
Nam ở nước ngoài đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao, các dự án đào tạo phát
triển nguồn nhân lực, các lĩnh vực kinh tế-xã hội ưu tiên…".
.
Du học sinh
Tuy nhiên không thấy ông Dũng nói gì đến tình
trạng du học sinh, sau khi tốt nghiệp ở nước ngoài đã không chịu về nước . Cho
đến thời điểm năm 2022, đã có trên 190.000 sinh viên Việt Nam du học ở nước
ngoài, phần lớn ở Châu Âu và bắc Mỹ.
Chính phủ Việt Nam không thống kê số sinh viên
"không chịu về nước" sau khi tốt nghiệp, nhưng số này không nhỏ, dù
điều kiện ở lại làm việc không dễ.
Có nhiều lý do, nhưng phần dông du sinh cho biết
họ không muốn trở về vì khó tìm được việc làm đúng khả năng chuyên môn. Hơn nữa
họ còn phái đối phó với tình trạng phe phái và tham nhũng. Vì vậy trong dân
gian mới có các câu vè :
Thứ nhất hậu duệ
Thứ nhì quan hệ
Thứ ba tiền tệ
Thứ tư trí tuệ
hay :
Thứ nhất tiền tệ
Thứ nhì hậu duệ
Thứ ba ngoại lệ
Thứ tư đồ đệ
.
Ngôn ngữ khinh miệt và kỳ thị giữa "kẻ thắng,
người thua"
Về phương diện chính trị, sau 48 năm "bằng
mặt nhưng chưa bằng lòng" giữa Đảng cộng sản Việt Nam và người Việt sống
lưu vong, thứ ngôn ngữ hàm chứa sự khinh miệt và kỳ thị giữa "kẻ thắng,
người thua" vẫn tồn tại trong đầu lãnh đạo. Vẫn còn thái độ phủ nhận chế độ
chính trị ở miền Nam trước năm 1975, mặc dù Bộ sách Lịch sử mới của Viện
Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đã chính thức dùng tên "Chính quyền
Việt Nam Cộng hòa và quân đội Việt Nam Cộng Hòa thay cho khái niệm ngụy
quân-ngụy quyền" (VoV.vn, ngày 30/08/2017.
https://live.staticflickr.com/65535/52690172943_221a01b866.jpg
Bộ sách Lịch sử mới của Viện Hàn Lâm Khoa học
Xã hội Việt Nam
Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Đức Nhuệ, Phó Viện
trưởng Viện Sử học (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) nói với phóng viên
Đài tiếng nói Việt Nam (Voice of Vietnam,VOV) : "Trước đây, trong
một số tài liệu và công trình nghiên cứu thường dùng khái niệm ngụy quân, ngụy
quyền để chỉ chính quyền Việt Nam Cộng Hòa hay quân đội Việt Nam Cộng Hòa ở miền
Nam Việt Nam. Tuy nhiên, đến nay, trong giới sử học cho rằng, khái niệm đó
không hoàn toàn chính xác khi chỉ về một chế độ chính trị đã từng tồn tại trong
lịch sử".
Thế nhưng, trong bài viết "Không thể
"đánh bùn sang ao", phủ nhận lịch sử" trong Nguyệt san Sự kiện
và Nhân chứng của báo Quân đội Nhân dân, tác giả Lữ Ngàn đã đổi trắng thay đen
với lập luận :
"Theo từ điển tiếng Việt : "Ngụy" là
từ chỉ sự vật, sự việc mang tính giả tạo, bất hợp pháp, không chính thống,
không được công nhận. Như vậy, "ngụy quân", "ngụy quyền" là
để chỉ đội quân, chính quyền không hợp pháp, không chính thống, không được công
nhận. Ngụy quyền Sài Gòn trước năm 1975 là chính quyền tay sai do Mỹ dựng lên.
Họ lập ra đội quân công cụ bạo lực của chính quyền tay sai ấy để thực hiện mưu
đồ xâm lược nước ta, biến miền Nam nước ta thành thuộc địa".
Sự thật ai cũng biết, Việt Nam Cộng hòa là một
thực thể chính trị hợp pháp được nhiều nước trên thế giới công nhận. Và Việt
Nam Cộng Hòa chưa bao giờ là "thuộc địa" của Hoa Kỳ như xuyên tạc của
cộng sản Việt Nam.
Vì vậy, càng không chính xác khi bài báo ngụy
biện rằng : Đằng sau những luận điểm ngụy tạo, đòi bỏ cách gọi "ngụy
quân", "ngụy quyền", thực chất là kiểu đánh tráo khái niệm, pha
loãng, xét lại, phủ nhận lịch sử, biến cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc vĩ đại
của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta thành cuộc "nội chiến",
"huynh đệ tương tàn".
Nhưng nếu miền Bắc không xua quân xâm lược miền
Nam thì làm gì có cuộc chiến huynh đệ tương tàn suốt 20 năm (1955-1975) giữa
người Việt với nhau ; làm gì có trên 5.000 thường dân đã bị thảm sát ở Huế
trong cuộc tấn công Mậu Thân 1968 của quân cộng sản ?
Cũng như thế, lịch sử sẽ làm rõ : Bên nào đã
gây ra thảm cảnh ngày 30/4/1975 để bây giờ, nửa Thế kỷ sau, vết thương dân tộc
vẫn chưa lành ?
Phạm Trần
(14/02/2023)
No comments:
Post a Comment