Thursday, February 2, 2023

STEPHANE COURTOIS : PUTIN ĐÃ ĐƯỢC STALIN TRUYỀN CẢM HỨNG (Gudrun Dometeit / Focus)

 



Stéphane Courtois: Putin đã được Stalin truyền cảm hứng

Gudrun Dometeit  -  Focus

Vũ Ngọc Chi chuyển ngữ

01/02/2023

https://baotiengdan.com/2023/02/01/stephane-courtois-putin-da-duoc-stalin-truyen-cam-hung/

 

Nhà nghiên cứu về chủ nghĩa Cộng sản nổi tiếng người Pháp Stéphane Courtois, nói về nỗi lo sợ của tổng thống Nga trước sự tan rã của đất nước ông, các thần tượng lịch sử cho vai trò khủng bố trong nước và câu hỏi liệu các cuộc nổi dậy ở Nga rất có thể xảy ra hay không.

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2023/02/2.jpg

Tổng thống Nga Wladimir Putin. Nguồn: Aleksey Babushkin/ Pool Sputnik Kremlin/ AP/ dpa

 

Cách nói chuyện lưu loát của ông rất khó để cắt ngang giữa chừng, đó là một lối nói phi nước đại về 100 năm đã qua, được hoàn thiện với những giai thoại và tương đồng mà Stéphane Courtois trình bày để cố gắng giải thích hành vi của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Đối với nhà sử học người Pháp nổi tiếng, nó được liên kết không thể tách rời với di sản của chủ nghĩa toàn trị. Courtois được biết đến trên toàn thế giới nhờ một trong những cuốn sách bán chạy nhất “Sách đen  về chủ nghĩa Cộng sản” xuất bản năm 1997, lần đầu tiên mô tả các tội ác nhân danh sự không tưởng xã hội này.

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2023/02/2-1.jpg

Nhà nghiên cứu về chủ nghĩa Cộng sản nổi tiếng người Pháp Stéphane Courtois. Nguồn: Christian Ditsch

 

Joachim Gauck, sau này trở thành Tổng thống liên bang Đức, đã viết một bài đóng góp về Đông Đức trong phiên bản tiếng  Đức của cuốn sách. Bây giờ Courtois xuất bản một cuốn sách đen mới cùng với nhà sử học Galia Ackerman, lần này về Putin. Ngẫu nhiên, người đàn ông 75 tuổi này đã tiếp xúc với các mặt đen tối của chủ nghĩa Cộng sản hồi còn trẻ, lúc đó ông ta là một người theo chủ nghĩa Mao nhiệt thành.

 

                                                             *

 

Moscow thậm chí có thể giả vờ là Putin bị bệnh

 

FOCUS: Có thể là nhân vật chính trong cuốn sách mới của ông đã chết rồi? Tổng thống Ukraine Wolodymyr Selensky gần đây đã suy đoán về cái chết của Putin và những người có thể song trùng. Đó là tuyên truyền chiến tranh của Ukraine hay đơn giản là một chuyện bá láp?

Courtois: Những tin đồn như vậy đã xuất hiện trong nhiều tháng. Tôi thì thận trọng, đặc biệt là khi nói đến cái chết của ông ấy. Về những người song trùng, tôi có xu hướng tin điều đó. Bởi vì nếu cô nhìn vào hình ảnh của Putin trong vài tuần qua, đôi khi cô sẽ có ấn tượng rằng đó không phải là cùng một người, ví dụ như mũi hoặc chiều rộng của má không giống nhau.

 

Có thể là giải phẩu thẩm mỹ…

 

Courtois: Ông ta có thể được điều trị bằng nhiều cortisone khiến mặt sưng lên. Và khi ông không uống thuốc đó, thì trông bình thường hơn. Hãy nghĩ về Tổng thống Pompidou, bệnh tật của ông được bảo vệ như một bí mật nhà nước. Thỉnh thoảng, khi nhìn thấy khuôn mặt của ông ta phình lên, mọi người nghĩ: “Kỳ lạ thật, có chuyện gì không vậy?”. Và rồi ông ta đột nhiên chết vì ông ta thực sự mắc bệnh rất nặng.

 

Chính lãnh đạo Nga cũng có thể loan tin đồn ra thế giới. Tin này xuất hiện vào tháng 7 hoặc tháng 8 năm ngoái, ngay khi quân đội Nga có vấn đề lớn ở Ukraine. Phương Tây có thể được báo hiệu: “Đừng có náo động, ông ta sẽ sớm chết, vì vậy không cần làm gì vội, hãy đợi cho đến khi ông ta chết”. Vì vậy, có thể câu giờ được ba hoặc bốn tháng. Tuy nhiên, không có bằng chứng về tất cả các giả định này.

 

.

FOCUS: Putin được mô tả trong nhiều phân tích có lúc tàn nhẫn, khi thì hoan tưởng hoặc một người bị môi trường xung quanh lừa dối, ví dụ như liên quan đến tình hình ở Ukraine. Ông nghĩ điều gì là chính xác?

 

Courtois: Tôi không nghĩ Putin điên theo nghĩa tâm thần. Nhưng ông ta mắc bệnh hoang tưởng, giống như tất cả các nhà lãnh đạo của một chế độ như vậy. Bây giờ ông ta đã tạo ra một chế độ hoàn toàn độc tài. Không chỉ là độc tài cá nhân, mà là toàn bộ hệ thống hấp thụ các đặc điểm của chế độ độc tài toàn trị của Liên Xô. Nó không phải là một chế độc độc tài toàn trị kiểu Stalin hay Lenin, mà là một chế độ mà tôi mô tả đó là chế độ toàn trị với cường độ thấp, như ở Liên Xô sau năm 1956. Các tính năng cơ bản luôn giống nhau: Sự độc quyền của đảng độc nhất, sùng bái lãnh tụ, độc quyền về truyền thông nhà nước và giáo dục. Sự giàu có cũng được độc quyền như dưới dạng chủ nghĩa cộng sản, bởi vì những kẻ đầu sỏ đã cướp phá tài nguyên của Nga phải chịu sự kiểm soát trực tiếp của Putin.

 

Khi tấn công Ukraine, mật vụ của ông ta chắc chắn đã lừa dối ông. Trong chế độ độc tài rất cá nhân này, mọi người chỉ cung cấp cho ông ta thông tin mà ông thích nghe. Tuy nhiên, một cuộc chiến cũng luôn vì lợi ích kinh tế. Ukraine bị cướp bóc và đó chính xác cũng là những gì Hồng quân đã làm ở Trung và Đông Âu từ năm 1944-1945 và 1945-1946 tại Đức.

 

 

“Bây giờ ông ta đã tạo ra một chế độ hoàn toàn độc tài”

 

Focus: Trái ngược với các nhà khoa học khác, ông cho rằng Putin chưa bao giờ thay đổi, nhưng có các khuynh hướng độc đoán ngay từ đầu nhiệm kỳ của mình và có ý muốn phục hồi Liên Xô trong tâm trí. Có phải những lời đề nghị hợp tác, các cuộc thảo luận về tư cách thành viên trong Liên minh châu Âu hoặc NATO chỉ là để đánh lạc hướng?

 

Courtois: Vâng, tôi tin rằng Putin không bao giờ có chút xíu ý định dù nhỏ nhất để thảo luận với người châu Âu hoặc người Mỹ. Vào tháng 12 năm 1999, vào ngày của Chekist, ông ta ra đứng trước một nhóm các sĩ quan FSB cấp cao và giải thích với họ rằng ông ta vừa hoàn thành phần đầu tiên của nhiệm vụ được giao cho họ, cụ thể là để thâm nhập vào bộ máy nhà nước Nga một lần nữa.

 

Năm 2000, trước cuộc bầu cử tổng thống, ông nói: “Bất cứ ai không tiếc nuối Liên Xô không có trái tim.” Putin liên tục nói những câu ngắn gọn như vậy cho thấy ông đã từ chối không chấp nhận sự thất bại của Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh và dự án  của ông thực sự là để tái thiết một Liên Xô mới dựa trên mô hình của ông cựu giám đốc KGB Jurij Andropow từ năm 1982.

 

.

FOCUS: Để theo đuổi các mục tiêu của mình, Putin cố ý tạo ra các điều kiện để tống tiền, ví dụ bằng cách làm cho Đức phụ thuộc vào khí đốt và dầu hỏa. Nhưng đó là một sự phụ thuộc lẫn nhau, bởi vì như chúng ta thấy bây giờ, Nga gặp khó khăn trong việc bán năng lượng ở nơi khác.

 

Courtois: Vâng, bởi vì châu Âu phản ứng và áp đặt các biện pháp trừng phạt. Đức ngây thơ vì tin rằng Putin sẽ đối xử tử tế vì có trao đổi thương mại. Đồng thời, các ông chủ hãng xưởng Đức quan tâm đến việc có được dầu và khí đốt của Nga với giá rẻ. Cô phải hiểu tâm lý của Putin, ông ấy là một người của KGB. Tống tiền là một trong những phương pháp phổ biến nhất của những người KGB.

 

Bây giờ tôi có lẽ gây sốc cho cô, nhưng tôi thậm chí nghĩ rằng ông ấy đã được Stalin truyền cảm hứng khi ông ta vào tháng 8/ tháng 9 năm 1939 quyết định tham gia vào một liên minh với Hitler và đã sử dụng Đức để chiếm được một nửa Ba Lan, bao gồm cả Tây Ukraine. Và sau đó lấy luôn cả ba quốc gia Baltic và tỉnh Bessarabia của Rumani. Đối với tôi đó là cùng một mánh khóe. Ông ta tin rằng Đức sẽ không làm gì cả vì khí đốt và người Mỹ sẽ không can thiệp vào chuyện của châu Âu. Và rồi ngạc nhiên trước các phản ứng. Putin đã tạo ra một ngõ cụt. Đó là một con đường không dẫn tới đâu cả.

 

.

FOCUS: Có phải người Mỹ thực sự hưởng lợi từ cuộc chiến này?

 

Courtois: Họ là một trong số những người trục lợi. Tuy nhiên, nếu Hoa Kỳ không cảnh báo người Ukraine về cuộc tấn công, ngăn chặn các âm mưu ám sát Tổng thống Selensky và không gửi vật liệu ngay lập tức, thì Quân đội Nga có lẽ bây giờ sẽ ở sát biên giới Ba Lan.

 

.

FOCUS: Ông nói những điểm tương đồng của hệ thống chính quyền Nga và Liên Xô và tuyên bố rằng Putin có tất cả quyền lực trong tay ông ta. Nhưng ông thực sự có những hiểu biết nào về các cấu trúc quyền lực ở điện Kremlin? Có phải những tuyên bố điên rồ và tàn bạo về Ukraine của cựu Tổng thống Medvedev, người trước đây được cho là ôn hòa hơn, cho thấy là có những cuộc đấu tranh quyền lực trong Kremlin?

 

Courtois: Tôi phải thừa nhận rằng chúng tôi hầu như không biết gì về những gì đang diễn ra trong Kremlin, cũng biết rất ít về sự cân bằng quyền lực giữa các phe nhóm khác nhau. Nhưng tôi nghĩ rằng, cô có thể thấy từ các chương trình truyền hình Nga là Putin đang kiểm soát và những người chung quanh ông ấy rất phục tùng ông. Ngoài ra, những tuyên bố của Medvedev (“Tôi sẽ xóa sạch tất cả”) thật không thể tin được. Chúng dẫn tới cuộc diệt chủng Ukraine. Nếu người ta nghe các bài phát biểu trên TV, họ có thể nghĩ rằng họ nghe Goebbels nói vào năm 1941. Tất nhiên người ta có thể giải thích các tuyên bố của Medvedev là có một số phe phái chính trị trong Kremlin. Nhưng tôi nghĩ Medvedev lo sợ.

 

Trong tình huống rất phức tạp, mà ảnh hưởng tới quyền lực tối cao ở Nga, rõ ràng là nếu người ta không bị sát hại hoặc muốn được đưa vào tù, họ phải nói mạnh bạo hơn những người khác để Putin hoàn toàn tin tưởng vào sự trung thành của họ. Stalin cũng đòi hỏi lòng trung thành tuyệt đối đối với ông ta. Nó giống hệt như trong Cách mạng Pháp. Bất cứ ai không muốn bị đưa vào máy chém phải phát biểu bạo lực hơn những người khác. Đối với tôi, những tuyên bố của Medvedev không phải là điên rồ, nhưng là những phát biểu khôn khéo của một người lo sợ bị sát hại. Hùng biện của Putin ngày càng trở nên cực đoan hơn trong vài tuần qua.

 

 

“Không có tòa án Nürnberg cho KGB. Đó là một nguyên nhân đưa đến tình hình hiện tại”

 

Focus: Điều đó nghĩa là gì? Putin sẽ dám làm những gì?

 

Courtois: Làm tất cả nếu mọi người để ông ấy làm, vì ông ấy quyết tâm làm tới cùng. Và kết thúc sẽ là việc tiếp quản Ukraine, việc tiếp quản hoàn toàn Belarus, việc tiếp quản các quốc gia Baltic, nơi có những cộng đồng quan trọng của Nga được Stalin đưa tới cư trú sau năm 1940. Sau đó, ông ta sẽ làm áp lực với Tây Âu, với sự giúp đỡ của khí đốt, dầu mỏ và vì cuộc chiến. Bởi vì có ai ở Tây Âu đã sẵn sàng tiến hành một cuộc chiến? Tôi không biết nhiều người Pháp trẻ sẽ sẵn sàng chiến đấu.

 

.

Focus: Ở Đức, nó không khác gì mấy …

 

Courtois: Điều tồi tệ nhất là có một nhóm lợi ích mạnh mẽ của các sĩ quan và thậm chí cả các tướng trong quân đội Pháp, những người ngưỡng mộ những gì Putin đã làm ở Nga. Một phần của quân đội sẽ không sẵn sàng chiến đấu vì lý do ý thức hệ.

 

.

Focus: Nhiều người hiện đang đòi hỏi phải trừng phạt Nga nặng nề. Điều đó có phải sẽ là một việc song song nguy hiểm đã xảy ra với Thế chiến thứ nhất? Việc Đức bị sĩ nhục đã dẫn đến Thế chiến II. Có khôn ngoan không khi tiến hành như vậy?

 

Courtois: Việc các luật sư và chính phủ đang suy nghĩ về một tòa án quốc tế để lên án tội ác của quân đội Nga và nhà cầm quyền Nga bắt đầu làm cho mọi người ở Moscow lo lắng . Vào năm 1992, sau sự sụp đổ của Liên Xô, không có tòa án Nürnberg nào để xét xử chủ nghĩa Cộng sản và không có tòa án Nürnberg xét xử KGB. Đây là một trong những lý do tại sao chúng ta đang ở trong tình huống này.

 

Khi Yeltsin từ chức một cách bất ngờ vào ngày 31 tháng 12 năm 1999, Putin đã lên nắm quyền. Ông đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống sau đó vào ngày 26 tháng 3 năm 2000 với 52,9%.

 

Boris Jelzin đã giải thể Đảng Cộng sản, nhưng một thời gian sau đó, nó lại được thành lập mới. Và không có gì xảy ra tại KGB. Chế độ Đức Quốc xã đã bị kết án công khai và bằng pháp lý. Một công việc giáo dục khổng lồ đã được thực hiện ở Đức.

 

.

Focus: Tôi đã hỏi về hậu quả của Thế chiến thứ nhất …

 

Courtois: Đức không thực sự bị sỉ nhục vào năm 1918. Từ quan điểm pháp lý, nó đã ký một lệnh ngừng bắn. Quân đội không phải đầu hàng, mà được trở về nhà có trật tự. Sau đó, hiệp ước  Versailles thực sự xảy ra. Và Đức sau đó có thể nói rằng họ đã bị sỉ nhục. Có yếu tố tâm lý ở Đức và ngay cả ở tổng thống Pháp, mà cũng nói rằng Nga không nên bị sỉ nhục. Tuy nhiên, quân đội Nga ở Ukraine phải được đưa trở lại sau biên giới tháng 1 năm 2022. Đó sẽ là thất bại hoàn toàn cho Putin, và từ đó trở đi có thể xảy ra rất nhiều chuyện ở Nga. Khi Nga bị người Nhật đánh bại vào năm 1905, điều này đã dẫn đến một cuộc nổi dậy lớn. Chế độ Sa hoàng lần đầu tiên bị lung lay sâu sắc. Rất có thể là điều tương tự sẽ xảy ra nếu quân đội Nga bây giờ bị buộc phải trở về nước.

 

.

Focus: Những tuyên bố của ông về triển vọng tương lai của Nga là rất đen tối. “Nga đương lao tới một vực thẳm mới, và chỉ những lực lượng năng động mới mới có thể cứu nó”, ông viết như vậy trong cuốn sách của ông. Nhưng những lực lượng này nên đến từ đâu? Có phải sức mạnh của Putin là nhờ sự yếu đuối của phe đối lập không bao giờ có thể đồng ý với nhau?

 

Courtois: Tôi hoàn toàn đồng ý với cô. Phe đối lập dân chủ ở Nga rất yếu. Và với tư cách là tổng thống, Putin dần dần hoàn toàn đàn áp nhóm nhỏ này. Mặt khác, việc động viên một phần giờ đã kích hoạt một cuộc trốn chạy đáng kinh ngạc của những chàng trai trẻ. Một triệu thanh niên Nga có thể đã rời khỏi đất nước, những người có một nền giáo dục tốt nói một ngôn ngữ nước ngoài, những người biết họ có thể ra nước ngoài ở nơi nào, những người có một ít tiền. Đây là những lực lượng trong tương lai Nga cần có để phát triển.

 

Cô sẽ hỏi, khi những chàng trai trẻ này có được vũ khí và tấn công điện Kremlin, liệu Putin sẽ bị lật đổ? Vấn đề là người Nga không phải là người Ukraine. Cả hai đều có văn hóa chính trị hoàn toàn khác nhau.

 

.

Focus: Ông giải thích điều đó như thế nào? Ukraine cũng đã là một phần của chế độ độc tài cộng sản. Không bao giờ có một nền dân chủ thực sự ở đó.

 

Courtois: Tôi không nghĩ về một nền dân chủ quốc hội. Nhưng bạn phải biết rằng những người ở các khu vực của Ukraine ngày nay chưa bao giờ là những nông nô, không giống như nông dân Nga. Cossacks, nông dân tự do, sở hữu đất đai của họ và là chiến binh sống trên lãnh thổ Ukraine hiện tại. Khu vực Ukraine hoạt động từ thế kỷ 9 đến 13 cho đến khi Tatars và Golden Horde (Hãn quốc Kim Trướng) xuất hiện dựa trên các nguyên tắc các công tước lớn hoặc các thành phố tự do. Ở Nga, Sa hoàng chỉ bắt đầu bãi bỏ chế độ nông nô vào năm 1861.

 

.

“Một loại đảo chính bên trong là có thể”

 

Focus: Ông có nghĩ rằng, có thể đưa đến một cuộc nội chiến ở Nga?

 

Courtois: Trong mọi trường hợp, tôi không tin là có sự can thiệp từ bên ngoài. Có thể có một loại đảo chính bên trong. Có thể một số người trong quân đội tin rằng đã đến lúc rồi. Hoặc các nhà tài phiệt đã chán ngấy vì họ không còn có thể đến Chamonix để trượt tuyết nữa, hoặc không còn có thể mang du thuyền của họ đến Monaco nữa. Một cuộc nội chiến không thể loại trừ nếu chiến tranh đưa đến cái chết của quá nhiều binh lính và một phần của dân chúng nổi loạn.

 

Nhưng có một giả thuyết thứ ba. Putin gần đây đã nói về Nga như một quốc gia đa quốc gia. Tôi nghĩ rằng ông ta lo ngại rằng Liên bang Nga có thể tan rã, rằng các khu vực như Siberia hoặc các nhóm ở Kavkaz không muốn có bất cứ điều gì dính líu tới điện Kremlin nữa và tin rằng họ đủ lớn để thành lập nhà nước của chính họ. Không thể loại trừ rằng việc tan rã từ năm 1989/91 sẽ tiếp tục. Và sau đó là Trung Quốc, bắt đầu chinh phục nước Nga từ phía Tây. Đã có nhiều công ty Trung Quốc ở Siberia. Một nước cộng hòa tự trị Siberia – với những người Siberia không cảm thấy hứng thú gì,  khi bị đưa đến biên giới Ukraine để bị giết ở đó.

 

.

Focus: Cuốn sách của ông tập trung vào Putin và mô tả ông ta như thể ông ta đã không đáng tin cậy ngay từ đầu, một mẫu người quái ác và quỷ quyệt. Ông có thể tập trung số phận của một quốc gia vào một người không? Không tính đến các hành động và lợi ích của các tác nhân khác như Hoa Kỳ? Chính trị là tác động và phản ứng.

 

Courtois: Tôi có thể hiểu rõ những lời chỉ trích của cô. Chúng ta có thể đồng ý về một điểm: Hoa Kỳ cảm thấy vui mừng vào năm 1991 khi Liên Xô sụp đổ. Đó là một kẻ thù ngay từ ban đầu. Lenin muốn phá hủy hệ thống tư bản. Stalin cũng nghĩ tương tự. Nhưng rõ ràng ông ta thông minh hơn nhiều so với Putin. Ông là một chiến lược gia thực sự. Vào cuối cuộc nội chiến, Nga đã gục ngã. Năm 1945, Bolshevik Nga là siêu cường lớn thứ hai. Putin là một kẻ láu cá, ông ta xảo trá, vâng, nhưng ông ta không có trí thông minh chiến lược.

 

.

Focus: Ông mô tả bản chất của Putin như thế nào? Một khi là gián điệp KGB – mãi mãi KGB?

 

Courtois: Đặc điểm là Putin về cơ bản là một Chekist và sử dụng các phương pháp của Tscheka, cơ quan khủng bố được Lenin giới thiệu vào năm 1917: khủng bố, tống tiền, đe dọa, tuyên truyền, lừa dối, hung hăn, khiêu khích. Tất cả các phương pháp thông thường của tổ chức này, từng là Tscheka, GPU, NKWD và KGB.

 

.

Focus: Ông có đã bao giờ gặp Putin hoặc ông muốn gặp ông ấy – coi như là để kiểm tra thực tế của các luận đề của ông?

 

Courtois: Không, không, không. Để nói với ông ấy điều gì đó? “Wolodja, ông không tử tế lắm, hãy đối xử hiền lành hơn với người Ukraine”? Sau đó, ông ấy sẽ nói với tôi: “Được rồi, tôi sẽ tốt với người Ukraine”, và ngay khi tôi vừa mới bước ra khỏi hội trường, ông ấy sẽ cho người thanh toán tôi ngay.





No comments: