Quay
lại chế độ chuyên chế “toàn trị” báo hiệu thời kỳ tăng trưởng kinh tế khó khăn
Bài bình luận của ông Phạm Quý Thọ- PGS,TS nguyên
Trưởng Khoa Chính sách Công, Học Viện Chính sách & Phát triển, Bộ Kế hoạch-
Đầu tư, Việt Nam
2023.02.18
Thách thức cải cách thể chế có nguồn gốc từ việc
đặt ý thức hệ lên trên tư duy thị trường thay vì chỉ giới hạn ở “trò chơi quyền
lực chính trị cấp cao” của chế độ.
.
“Trò chơi quyền lực chính trị cấp cao” tác động đến
kinh doanh
Sự kiện bị buộc phải từ chức của nguyên Chủ tịch
nước (CTN) Nguyễn Xuân Phúc và hai Phó thủ tướng Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam
không những chỉ là một “trò chơi quyền lực chính trị cấp cao”, trong
đó “phe” ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng loại bỏ các “đối thủ” chính trị mà
còn gây ra bất ổn thể chế gây ra những hiệu ứng ngược, trong đó có các tác động
tiêu cực đến hoạt động kinh doanh, đầu tư.
Đó là: Một, sẽ hình thành một môi trường thận
trọng hơn về mặt chính trị khi các chính trị gia rút ra bài học từ những diễn
biến vụ việc và giao dịch kinh doanh có liên quan, chẳng hạn việc phê duyệt các
giấy phép của chính quyền sẽ chậm hơn; Hai, các doanh nghiệp cần chuẩn bị để
tránh xa và/hoặc tăng cường các phương án giảm thiểu rủi ro trước làn sóng điều
tra chống tham nhũng có thể bị chính trị hóa trong thời gian trong và sau sự kiện;
Ba, các doanh nghiệp cũng cần cảnh giác với xu hướng rủi ro dài hạn có thể xảy
ra là Đảng vẫn sẽ tăng cường và mở rộng kiểm soát nội bộ trong nhiều lĩnh vực để
tiếp tục thanh trừng các đối thủ chính trị hay siết chặt các quy định hạn chế tự
do kinh doanh.
Tuy nhiên, nếu hiểu trò chơi quyền lực “cung
đình” này, trong đó chiến dịch chống tham nhũng “không vùng cấm” được sử dụng đồng
thời như một phương tiện thanh lọc nội bộ để tập trung quyền lực tuyệt đối, phản
ánh quyết tâm của Đảng Cộng sản và ông Tổng bí thư bảo vệ nền tảng tư tưởng Mác
– Lênin và ý thức hệ chủ nghĩa xã hội (CNXH) và, như một động thái quyết liệt
trong quá trình củng cố mô hình Đảng – Nhà nước mạnh kiểu chế độ chuyên chế
toàn trị, thì phía trước được cảnh báo là thời kỳ khó khăn tăng trưởng kinh tế.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại họp báo kết thúc Đại hội 13 ĐCS VN ở Hà
Nội hôm 1/2/2021. Ông Trọng là người đứng đầu công cuộc chống tham nhũng rộng
khắp trong Đảng ở Việt Nam. AFP
.
“Ý thức hệ đặt trên tư duy thị trường”
Tái lập chế độ chuyên chế toàn trị đã thay đổi
những đặc điểm từng mang lại sự tồn tại “dẻo dai” đồng thời với thúc đẩy kinh tế
thị trưởng để tăng trưởng kinh tế đảm bảo tính chính danh cho sự lãnh đạo của Đảng
CS. Sự chuyển giao quyền lực giữa các thế hệ lãnh đạo ngày càng khó khăn và
không dựa trên các chuẩn chuẩn mực, việc đề bạt cán bộ lãnh đạo ngày càng dựa
trên “tính đảng” hơn là thành tích, và sự kiện “hạ bệ” phe chính phủ nêu trên là
cú giáng mạnh huỷ hoại sự phân công và chuyên môn hoá về chức năng điều hành nền
kinh tế của Chính phủ. Đây là sự thay đổi bước ngoặt, ý thức hệ đã được đặt lên
trên tư duy lý tính về kinh tế là đặc trưng nổi bật của mô hình toàn trị “mới”.
Giờ đây Đảng trở lại thâm nhập, can thiệp sâu vào tất cả các thể chế khác - lập
pháp, tư pháp và hành pháp, hoạch định chính sách cho mọi lĩnh vực hành động,
trong đó Đảng tăng cường lãnh đạo bằng nghị quyết đối với sự vận hành kinh tế,
và Chính phủ chỉ là bộ máy thực thi đơn thuần nằm trong tầm kiểm soát của Đảng.
Thực tế cho thấy khoảng trống “tính kế thừa”
ngày càng nới rộng giữa hai nhiệm kỳ Chính phủ của nguyên Thủ tướng Nguyễn Xuân
Phúc và Thủ tướng đương nhiệm Phạm Minh Chính. “Chính phủ kiến tạo” do ông Phúc
đề xướng đã không khi nào được nhắc đến mặc dù về mặt tăng trưởng là thành
công. Trước hết là sự vươn lên từ giai đoạn bất ổn kinh tế vĩ mô để đạt mức
tăng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân năm trong nhiệm kỳ năm năm trên 7%,
khởi sắc với dự trữ ngoại tệ hơn 100 tỷ, đầu tư nước ngoài tăng nhanh và mở rộng
quan hệ kinh tế đa dạng với nhiều quốc gia… Hơn thế, tư tưởng “kiến tạo” tập
trung tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho khởi nghiệp và kinh doanh, cởi
mở hơn với khuyến khích kinh doanh tạo ra động lực tăng trưởng. Tuy nhiên, cách
điều hành như mang xu hướng “tư bản” để “kiến tạo” đã làm nảy sinh nhu cầu cải
cách theo hướng dân chủ hoá khiến giới lãnh đạo chính trị trong Đảng không hài
lòng, và mối lo ngại “sự mất kiểm soát” lớn dần khi bộ máy điều hành do thiếu
cơ chế kiểm soát quyền lực thích hợp đã suy thoái nghiêm trọng, trục lợi lan rộng
và tham nhũng.
Ông Phạm Minh Chính hiện nắm giữ chức Thủ tướng,
được cho là người của Đảng bởi quá trình khởi nghiệp và thăng tiến chính trị từng
là Thứ trưởng Bộ Công An, Bí thư tỉnh Quảng Ninh và Trưởng ban Tổ chức Trung
ương. Ông đương kim Thủ tướng nhiều lần phát biểu về một nền kinh tế “độc lập tự
chủ” nhưng không thể được coi là tư tưởng điều hành. Chính phủ dưới sự chỉ đạo
của ông đang “vất vả” tìm bản sắc trong cơ chế “toàn trị mới” của Đảng để vận
hành nền kinh tế. Đó là “rừng” nghị quyết mà Đảng sửa đổi, bổ sung và ban hành
mới để thể hiện sự lãnh đạo toàn diện với mục đích huy động “cả hệ thống chính
trị vào cuộc, tăng cường hành chính hoá, thậm chí hình sự hoá như bắt giữ các đại
gia, các quan hệ kinh tế, thúc đẩy yếu tố kinh tế nhà nước như đầu tư công và
các hình thức tổ chức kinh doanh… Ngoài ra, việc vận dụng các yếu tố thị trường
đã trở nên “thận trọng” khiến nhiều chính sách cải cách trở thành “nửa vời” như
quyền tự chủ với các đơn vị sự nghiệp công lập… Sau nhiều lần sửa đổi và, việc
sửa Luật Đất đai 2013 tới đây, trong đó điều kiện tiên quyết “đất đai thuộc sở
hữu toàn dân do nhà nước quản lý” vẫn được giữ nguyên cho thấy thị trường bất động
sản sẽ tiếp tục không lành mạnh khi bị ràng buộc bởi ý thức hệ.
.
“Thời kỳ tăng trưởng kinh tế khó khăn”
Những động thái chống tham nhũng và củng cố
quyền lực, một mặt, cho thấy Đảng quyết tâm và nỗ lực quay lại với chế độ
chuyên chế toàn trị nhưng, mặt khác, đã bộc lộ sự “bế tắc” tạo ra một mô hình
kinh tế phù hợp. Một sự thật không thể phủ nhận là nền kinh tế kế hoạch hoá tập
trung đã lụi tàn và lùi xa, và sự thay thế nó là các công cụ thị trường đang
thúc đẩy kinh tế tư bản chủ nghĩa, không chỉ cứu chế độ khỏi sụp đổ mà còn đảm
bảo tính chính danh cho Đảng, là một thực tế khó có thể đảo ngược. Liệu có mô
hình kinh tế để giải quyết mâu thuẫn từ thực tế trên?
Trước mặt, thách thức hiện hữu là mô hình Đảng
– Nhà nước vận hành nền kinh tế thế nào? Nền kinh tế Việt Nam hiện nay dựa vào
hai động lực trụ cột chủ yếu, một là đầu tư nước ngoài và hai là bất động sản.
Hai lĩnh vực kinh tế này và những ngành và lĩnh vực “ăn theo” như tài chính,
ngân hàng, công nghệ… chiếm hơn nửa GDP và tập trung phần lớn các nguồn lực quốc
gia. Tuy nhiên, cả hai trụ cột đều đang bị “lung lay” trước những tác động các
yếu tố trong và ngoài nước, trong đó có việc tái lập mô hình toàn trị.
Các nhà phân tích chính trị đều có chung nhận
định rằng cuộc chống tham nhũng kết hợp thanh trừng trong nội bộ Đảng của ông Tổng
bí thư Nguyễn Phú Trọng cho thấy Việt Nam đang đi theo hướng nặng về ý thức hệ
hơn, thân Trung Quốc hơn và bớt thân phương Tây hơn. “Đàn anh” Đảng CS Trung Quốc
định hướng mục tiêu phát triển kinh tế để trở thành “một cường quốc xã hội chủ
nghĩa hiện đại”, nhưng những vấn đề thực tế điều hành hiện tại đang báo hiệu hồi
kết của thời kỳ hoàng kim kéo dài 30 năm của nền kinh tế nước này. Mặc
dù ĐCS Việt Nam cố gắng không để việc chống tham nhũng “trên thượng tầng” tác động
đến lực hút đầu tư nước ngoài, nhưng các nhà đầu tư phương Tây vẫn phải cân nhắc
về sự ổn định chính trị và môi trường luật pháp, thể chế khi ý thức hệ đặt lên
trên tư duy thị trường. Ngoài ra, sự trùng lặp “kỳ lạ” về khủng hoảng lĩnh vực
bất động sản trong cả hai nền kinh tế có chế độ chính trị tương đồng đang đe dọa
bất ổn kinh tế vĩ mô, như từng thấy trong giai đoạn hơn 10 năm trước ở Việt
Nam, có thể lặp lại.
Rõ ràng, những chính sách và sự vận hành kinh
tế khi dựa trên khi ý thức hệ đặt lên trên, áp đảo tư duy thị trường - tư duy
duy lý về kinh tế gây ra, tất cả tác động ngắn hạn và rủi ro dài hạn, cảnh báo
về thời kỳ tăng trưởng kinh tế khó khăn ở phía trước mà mọi người nói chung và
chủ trương cải cách thể chế nói riêng đang và sẽ phải đối diện.
------------------------------------------------------------------
* Bài viết
không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
No comments:
Post a Comment