Phút
nghẹn ngào của ông Nguyễn Phú Trọng
Bình luận của Trương
Quân
2023.02.06
https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/moment-when-trong-weeps-02062023101038.html
Tổng bí thư Nguyễn Phú
Trọng tại họp báo kết thúc Đại hội 13 ở Hà Nội hôm 1/2/2021 (minh hoạ). AFP
“Ngồi ở bếp, tôi hỏi vợ:
- Nhà mình còn thiếu của hợp tác xã bao nhiêu
thóc nữa em?
Cô ấy không trả lời tôi mà nói rất vô lễ:
- Có biết thế này, đái tòe tòe vào, chứ tội gì
lôi về. Cha đời! Bữa trước thì tuyên bố vớt được nấy ăn nấy, người ta mới hụp lặn
xuống nước lụt mà khở (gở) từng bông lúa. Nay lại giở trò giảm tỷ lệ!
Tôi vỗ về:
- Thôi! Lụt thì lụt cả làng, em ạ! Em nói xem,
so với tổng sản phải nộp, nhà ta thiếu bao nhiêu?
- Một tạ mười hai cân, em đã trình bày với anh
Nhà đội trưởng rồi. Thực tế mò được hạt nào đã ăn hết hạt nấy. Mấy lâu nay bán
được đồng rau nào mua ăn, không bán được thì nhịn. Đã nói khất rồi. Không cho
khất, thì nhà đấy có dỡ được, đến mà dỡ.
- Phải mềm mỏng, em ạ! Khéo bán khéo mua thua
người khéo nói! Gia đình mình, con cái mình còn ăn đời ở kiếp nơi đây.
Vợ tôi rền rĩ như sắp khóc:
- Chả nhẽ kiếm liều thuốc chuột, cho vào nồi
cháo, ăn hết cả nhà cho sướng cái đời...”
…
“Gần mười hai giờ khuya, cả nhà đi nằm. Tôi ngủ
với hai thằng oắt trong ổ rơm dưới bếp.
Có điều gì đó bồn chồn và nơm nớp...
Bỗng tiếng kẻng gõ giục giã liên hồi. Kẻng khắp
xã: từ đội 1 đến đội 15, như một sự bùng nổ dây chuyền. Tiếng loa phóng thanh mở
hết cỡ đọc bản tin, kế hoạch huy động lương thực của tỉnh và chỉ thị của tỉnh ủy
về công tác lương thực.
Hoàng Văn Nhân, đội trưởng đội 12, đọc trên
loa danh sách những nhà thiếu thóc chưa giao nộp cho hợp tác xã. Đèn đóm soi rừng
rực ở các ngã đường. Chó sủa ơi là chó sủa.”
…
“Gần một giờ sáng, công an, dân quân đã ập đến
các nhà nợ thóc. Tiếng chó sủa vang, tiếng lợn kêu èng ẹc như bị chọc tiết ở
các nhà gần quanh, làm thằng Út Văn khóc thét lên, ôm riết lấy mẹ. Thằng Thức
cũng im thin thít, nằm co trong lòng tôi không dám cựa. Bên nhà ông Ái, láng giềng
cách vườn nhà tôi một hàng rào, công an và dân quân đang lùng sục. Tiếng ông bà
Ái kêu xin và tiếng quát lác, tôi nghe rõ mồn một.
- Cứ bắt lấy cái xe đạp! Phích, xô, bắt ráo!
Ở cổng nhà tôi đã có bước chân rình rịch, con
chó mực đang có chửa bị quất, kêu ử ử.
Cạch cạch cạch.
- Chị cò Lộc, mở cửa ra!
Tiếng thằng bé trong buồng khóc thét. Thằng Thức
đang ôm tôi, nghe em khóc cũng òa khóc toáng lên. Thằng Học mười hai tuổi đã học
lớp tám rồi, mà cũng níu lưng tôi run bắn. Nghe tiếng quát lần thứ hai, từ nhà
bếp, tôi chạy lên. Một luồng đèn pin soi giữa mặt làm tôi lóa mắt, phải lấy tay
che.
- Có chuyện gì đấy, các bạn trẻ ơi?
- Thu thóc, thu thóc chứ còn gì, ông đừng hỏi
vờ.
Vợ tôi đã mở toang cửa, tay ôm thằng bé ngất lịm.
Một anh, hai anh... bốn anh bạn trẻ ùa vào nhà. Anh đi đầu cao to, tóc cắt tăng
gô, mặc áo bông thùng thình, soi đèn pin rồi đánh diêm châm cái đèn hoa kỳ ở
bàn thờ. Có lẽ Tâm "hộ pháp" là người này. Phải, tôi đã thấy anh ta đứng
chân hộ vệ giữa, trong một cuộc đá bóng với xã khác. Tay anh cầm cái choòng sắt
cỡ ngón tay cái. Vợ tôi mời họ ngồi ghế. Bà cụ đang ốm ở giường bên cũng cố
ngóc dậy, run rẩy chào.
-Theo danh sách đội báo, chị còn thiếu hơn tạ
thóc. Yêu cầu chị đem nộp ngay!
Bà cụ tôi đáp thay con dâu:
- Các bác các anh ơi! Có còn cái gì mà nộp.
Các anh và các bác không thấy đàn con hắn đói xanh đói trong đi à? Các bác
không thấy tôi cũng phát phù phát nề, vàng cây úa lá đây à?
- Chúng tôi không hỏi mụ nghe chưa?
Cả bốn người cùng soi đèn pin khắp nhà trong,
nhà ngoài, dưới bếp, bên chái. Hai người tuông soi cả trong vườn rau.
Tôi loạng choạng đi về nhà, thấy người ta đang
còn soi đèn tìm rất kỹ. Tôi nói:
- Các người anh em soi tìm gì cho mất công.
Nhà tôi xin khất đến mai, tìm cái bán chác, nộp tiền bằng đủ.
Anh đầu tốp nháy nháy mắt ra hiệu.
- Đêm nay là đêm nay! Mai chúng tôi mất thưởng
ai chịu cho?
- Bắt cái xe đạp ni, bay!”
…
“Chợt vị "hộ pháp" nhìn chằm chằm
vào cỗ quan tài để dưới gầm bàn thờ, rồi đi lại, vừa gõ vừa hỏi:
- Cái gì trong này, chị Lộc?
Im lặng...
- Cái gì trong này, chị nói mau?
Vợ tôi ấp úng. Tôi muốn tắc thở.
- Có cái gì đâu...
Mấy vị hăm hở lại, đạp lật nghiêng một cái. Nắp
văn thiên bung ra, lúa chảy rào rào. Cả toán reo lên như một hiệp đào vàng
trúng vỉa:
- A! Lúa! A lúa! Lúa! Anh em ơi. Ghê thật! Thế
mà giả nghèo giả khổ.
Mẹ tôi chống gậy vái dài:
- Van các anh! Cắn rơm cắn cỏ tôi lạy các anh!
Lúa của tôi. Đó là tạ lúa hai đứa con gái hắn mua góp lại cho, để hôm sau tôi
chết, bà con thương mà chạy đến để ăn lưng cơm sốt.
Bà cụ nói như rên rẩm:
- Đã bảo xay phứa đi cho con nó ăn không nghe.
Cứ bóp mồm bóp miệng, để dành làm chi. Sống chả thấy đâu nữa là!
Một tay râu tóc lồm xồm hỏi:
- Chị có gánh đi hay không thì bảo?”
…
“Đoạn cuối này tôi dành cho anh Quang.
Lê Trung Quang ơi! Anh có thể giấu cái bi kịch
của gia đình anh, nhưng tôi không còn có thể che giấu nỗi đau của nhân dân bất
hạnh. Dù sự tiết lộ này có làm mất cái chức huyện ủy viên của anh, thì tôi cũng
thấy cứ phải nói ra.
Chuyện thật của nhà anh đây: lúa vay ăn còn nợ
bảy tạ, con Lâm, thằng Sơn phải đi mò hến từng bữa, chị ấy nấu bánh đúc đi các
làng đổi lúa. Anh mà nói ra, người ta cho là anh bêu riếu. Việc thật ở nhà tôi
đêm 26 tháng 11 năm 1983, người ngoài cuộc hẳn cho là mình bịa.”
***
Các đoạn trên tôi trích từ bút ký Cái đêm hôm ấy… đêm gì, của cố nhà văn Phùng Gia Lộc, đăng trên báo Văn nghệ ngày 23/1/1988. Bút ký kể về những cường hào mới
ở nông thôn đã ép gia đình ông và những người khác trong xóm làng nộp lúa thuế
vào đêm 26/11/1983, trong khi huyện của họ (Thọ Xuân, Thanh Hóa) bấy giờ bị lũ
lụt do vỡ đê, đồng ruộng mất mùa, người dân thiếu ăn.
Năm 1983, phụ cấp nhà văn của Phùng Gia Lộc được
13 kg gạo/tháng. Gia đình ông có 2,4 sào đất đưa vào hợp
tác xã, mỗi năm làm hai vụ. Năng suất được gần 2 tạ/sào nếu lúa tốt, nhưng quy
định mức đóng thuế lên tới 1,5 tạ/sào, tức khoảng 75% tổng lượng lúa thu được.
Sau khi tác phẩm được xuất bản, cho dù đã năm
năm trôi qua từ thời điểm được mô tả, nhà văn vẫn phải trốn khỏi quê nhà Thanh
Hóa ra Hà Nội, tiếp tục trốn náu và được bạn bè đùm bọc để sống.
Bài báo đã gây một cơn địa chấn trong xã hội
Việt Nam bấy giờ. Nhà thơ Bế Kiến Quốc nhìn nhận: "Vào thời điểm ấy,
nông thôn về cơ bản vẫn là bùn lầy, nước đọng, không điện, không nước tưới và một
lớp ‘cường hào mới’ đã xuất hiện, không xót xa sao được, nhưng trên các mặt báo
toàn thấy những chuyện 'đáng yêu'.”
Tôi nhớ đến bài bút ký trên khi tình cờ đọc được bài diễn văn ngắn của
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại lễ nhận huy hiệu 55 năm tuổi Đảng hôm
02/02/2023.
Thường trực Ban bí thư Võ Văn Thưởng trao Huy hiệu 55 năm
tuổi đảng cho ông Nguyễn Phú Trọng ở Hà Nội hôm 2/2/2023. Lao Động
Xin trích
đoạn chính:
“Tôi xin nguyện suốt đời
phấn đấu, hy sinh, tuyệt đối trung thành với lý tưởng, sự nghiệp cách mạng của
Đảng, ra sức tu dưỡng, rèn luyện; cố gắng học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức,
phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh để xứng đáng là một đảng viên của Đảng Cộng
sản Việt Nam, như lời của một bài hát: "Nếu là hoa hãy là hoa hướng dương;
nếu là chim hãy là chim câu trắng; nếu là đá hãy là đá kim cương; nếu là người
hãy là người cộng sản!".
Tôi cũng xin nhắc lại một vài câu trong tác phẩm nổi
tiếng "Thép đã tôi thế đấy" của nhà văn Liên Xô Nhi-cô-lai Ốt-xtơ-rốp-xki:
"Cái quý nhất của con người là cuộc sống và danh dự sống, bởi vì đời người
chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng đã
sống hoài, sống phí; để khỏi hổ thẹn vì những việc làm ty tiện, đớn hèn, bị mọi
người khinh bỉ; để đến khi nhắm mắt xuôi tay ta có thể tự hào rằng: Tất cả đời
ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời - sự
nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng con người mang lại hạnh phúc
cho nhân dân!"; "Thép đã tôi trong lửa đỏ và nước lạnh, lúc đó thép
trở nên không hề biết sợ!",... và lời thơ của đồng chí Tố Hữu: "Còn một
giây, một phút tàn hơi; Là vẫn còn chiến đấu quyết không thôi!".”
Đoạn đầu, ông Trọng cúi đầu đọc đều đều bài diễn
văn trên văn tự viết sẵn. Nhưng đến những đoạn in đậm, ông ngẩng lên nhìn thẳng
vào cử tọa, nhấn giọng. Và ông nghẹn ngào.
Từ khi bắt đầu “củi-lò”, có nhiều lời ca tụng
ông Trọng. Nội dung cũng giống như ông tự mô tả về mình trong diễn văn nhận huy
hiệu: Một người cộng sản chân chính.
Ông Trọng dường như rất kiên định và xúc động
vì niềm tin tự thân này.
Nhưng với những gì quan
sát được, tôi tự hỏi sự nghiệp đấu tranh mà ông Trọng đã dành trọn cuộc đời đã
thực sự mang lại hạnh phúc cho nhân dân Việt Nam chưa?
.
Hạnh phúc của nhân dân
Độc lập, chủ quyền mà người dân Việt Nam đã
giành được sau cuộc chiến trang dài đau thương là vô giá.
Nhưng cũng không thể vì thế mà xóa nhòa những
đau thương khác-không hiểu sao đã đến rất sớm.
Tưởng chừng nạn sưu cao thuế nặng của người
dân miền Bắc thời Pháp thuộc “Nửa đêm thuế thúc trống dồn/Sân đình máu chảy đường
thôn lính đầy” như Tố Hữu từng mô tả đã vĩnh viễn biến mất khi cuộc cách mạng của
giai cấp công-nông thành công. Thế nhưng, nó tái hiện nhanh chóng ở nhiều nơi
nhiều chỗ. Cái đêm thu thuế của Phùng Gia Lộc diễn ra vào năm 1983, chỉ tám năm sau khi thống
nhất đất nước. Đến năm 1992, làng Lạc Nhuế, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam Ninh (sau này được dựng
thành phim Chuyện làng Nhô) rào làng, lập ấp chống lại quyết định cắt 75 mẫu ruộng
lúa của thôn cho các thôn xã khác trong huyện. Năm 1997
gần như toàn tỉnh Thái Bình nổi dậy chống nạn
lạm thu, tận thu của nông dân; người dân đốt phá trụ sở hành chính xã, huyện, tỉnh,
bắt nhốt cán bộ. Năm 2002, khu đô thị mới Thủ Thiêm-TP HCM được công bố quy hoạch và di dời dân,
hàng ngàn người dân bị mất trắng nhà cửa, sinh kế, tài sản oan ức. Gần 30 năm
trôi qua, đến nay người dân vẫn còn nhẫn nại đi kiện. Năm 2011, hàng trăm người dân
Hưng Yên lập thành Tổ dân oan, tập trung biểu tình phản đối chính quyền trưng
thu đất đai để xây dựng khu đô thị Ecopark. Năm 2012, nông dân Đoàn Văn Vươn gài mìn tự chế, cầm súng hoa cải chống lại hơn
100 cảnh sát, bộ đội xuống cưỡng chế tháo dỡ nhà và đất hợp pháp của mình…
Tại sao hòa bình lập lại
nhưng hàng triệu người dân phải tức tưởi bỏ nước ra đi, làm mồi cho cá và nạn
cướp bóc, hãm hiếp nơi biển khơi, trong rừng hoang, trong thùng container lạnh?
Tại sao diễn ra cuộc
“đánh tư sản” mà thực chất là tước đoạt gia sản của người giàu, chỉ thông qua
kiểm tra hành chính?
Tại sao han chục vạn
thanh niên trẻ khỏe, han chục ngàn trí thức phải hy sinh cuộc sống bên người han,
sang xứ người “học tập” và “xuất khẩu lao động” nhưng thực chất là đi buôn lậu
bất chấp và lao động chân tay cấp thấp nhất chỉ nhằm mục đích nuôi sống gia
đình?
Tại sao sau hàng chục năm
thống nhất, người dân vẫn phải “di tản giáo dục”?
Và trước đó nhiều chục
năm, đẫm máu và nước mắt cuộc Cải cách ruộng đất.
Cải cách ruộng
đất được tiến hành từ 1953 đến 1956 với tám đợt giảm tô và năm
đợt cải cách ruộng đất trên 3.314 xã (sau chia nhỏ thành 3.653 xã) thuộc 22 tỉnh,
thành phố. Theo tài liệu thống kê trong 421 xã của các tỉnh thì có 4.777 hộ bị
quy sai, được đền bù tài sản. Theo báo cáo của các khu và các tỉnh đã sửa xong
thành phần thì trong số 2.033 xã có 63.113 hộ trong cải cách ruộng đất đã bị
quy là địa chủ, nay sửa cho 31.844 hộ (tỷ lệ 50,4%). Những người bị quy sai này
được sửa lại thành phần phần lớn thuộc tầng lớp trung nông. Số đúng là địa chủ
có 31.269 hộ, chiếm tỷ lệ 2,2% tổng số hộ ở nông thôn.
Về địa chủ cường hào gian ác, trong cải cách
ruộng đất đã quy 14.908 người, nay đã sửa lại còn 3.932 người.
Về địa chủ kháng chiến, trong cải cách ruộng đất
chỉ có 461, nay là 2.696 người (trích Báo cáo tình hình công tác sửa chữa sai lầm
về cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức do ông Nguyễn Duy Trinh, Chủ nhiệm
Văn phòng Nội chính, Phủ Thủ tướng trình bày tại kỳ họp thứ 7 của Quốc hội, bản
lưu trữ trên Báo Nhân dân số 1290 ra ngày 20-9-1957).
Tại sao một cuộc cách mạng
nhằm đem lại hạnh phúc cho người nông dân và công nhân- giai cấp tiên phong và
nòng cốt của Đảng, chỉ ít năm sau khi thành công đã lại xảy ra nhiều đau khổ của
người dân đến thế? Lặp lại nhiều lần đến thế?
Hạnh phúc của nhân dân-như ông
Trọng khẳng định, ở đâu?
.
“Là vẫn còn chiến đấu quyết không thôi”
Nếu cả cuộc đời cứ phải chiến đấu mãi không
thôi thì tôi đau xót và đắng cay cho ông Trọng.
Vì cuộc chiến có tiếng súng đã kết thúc gần nửa
thế kỷ nhưng những người cộng sản vẫn cứ phải tiếp tục chiến đấu.
Vì cuộc chiến đấu hiện tại cân não hơn, đấu
trí hiểm nguy hơn cuộc chiến tranh đã qua gấp bội lần vì không có ranh giới địch-ta.
Không còn hàng rào Mc Namara, không còn giới
tuyến, nhưng trận địa bây giờ có thể là bất cứ vị trí nào, thậm chí bên bàn ăn,
trên giường ngủ. Kẻ thù có thể là bất cứ ai, thậm chí là vợ con, cha mẹ, cấp
trên, cấp dưới, đồng sự, anh em, bạn bè, bằng hữu.
Viên đạn của kẻ thù trước 1975 có thể nhìn thấy,
nhưng viên đạn trong cuộc chiến chống tham nhũng vô ảnh, vô thanh mà sát thương
hàng loạt.
Mỉa mai thay, đối tượng của
cuộc chiến mới này lại là những đảng viên lâu năm, lãnh đạo cao cấp, tướng lĩnh
trụ cột trong quân đội, hậu duệ của các anh hùng đã tôi rèn trong lửa đạn chiến
tranh… nhưng từ bao giờ đã hóa những kẻ tham tàn, ăn cướp, ăn trộm, ăn cắp của
nhà nước, của xã hội, của thương gia, của bà mẹ nghèo, của người cha già, của
người phụ nữ mang thai, của anh thương binh, của em bé. Đau đớn, tủi hổ đến bội
phần!
Hàng triệu cuộc đời người Việt Nam đã phải chiến đấu
và hy sinh để giành độc lập, để chỉ vài chục năm sau hàng triệu cuộc đời người
Việt Nam khác lại tiếp tục chiến đấu với sự mục nát thối ruỗng trong chính thể
chế cha ông họ đã giành lấy, dựng lên. Đó là sự phản bội bội phần ghê tởm. Một
cuộc chiến rất nhiều sự tuyệt vọng mang tên giành lại niềm tin của nhân dân. Cuộc
chiến cay đắng bất đắc dĩ đó có gì để tự hào?
Phút
nghẹn ngào của ông Nguyễn Phú Trọng phải chăng vì sự mỉa mai này?
______________________
Tham khảo
https://anhsangluat.com/vu-an-doan-van-vuon-o-tien-lang-hai-phong/
https://anhsangluat.com/vu-an-doan-van-vuon-o-tien-lang-hai-phong/
https://quochoi.vn/tulieuquochoi/anpham/Pages/anpham.aspx?AnPhamItemID=521
No comments:
Post a Comment