Sunday, February 5, 2023

PERVEZ MUSHARRAF, 1943 - 2023 (Mỹ Anh / Saigon Nhỏ)

 



Pervez Musharraf, 1943-2023

Mỹ Anh  -  Saigon Nhỏ

5 tháng 2, 2023

https://saigonnhonews.com/thoi-su/the-gioi/pervez-musharraf-1943-2023/

 

Là một trong những chính khách nổi bật chính trường châu Á những năm đầu thế kỷ 21, cựu Tổng thống Pakistan Pervez Musharraf vừa từ trần ngày 5 Tháng Hai 2023 tại Dubai.

 

Hình : https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/02/GettyImages-678629.jpg

Ông Pervez Musharraf (ảnh: Robert Nickelsberg/Getty Images)

 

.

Từng là đồng minh số một của Mỹ trong khu vực

 

Trong số chính khách châu Á lên nắm quyền những năm đầu thế kỷ 21, có lẽ không ai được nhắc nhiều bằng Pervez Musharraf. Ông gần như là trung tâm của cuộc chiến Afghanistan. Đối mặt thù trong giặc ngoài, ông vẫn giữ an toàn ghế tổng thống bằng cuộc trưng cầu dân ý (30 Tháng Tư 2002).

 

Đó là thời gian Musharraf chứng tỏ bản lĩnh cũng như khả năng lãnh đạo và gần như luôn xử thế đúng thời điểm. Ông cũng biết ra điều kiện đúng ngay lúc mà người ta không thể từ chối. Vụ 11-9 đã đem lại cơ hội cho Musharraf. Washington phải chấp nhận cái giá mà ông nêu ra. Ông có khả năng tính toán nhanh, khi quyết định lật đổ Tổng thống Nawaz Sharif vào ngay lúc mà Washington chán ngấy nhân vật này. Và khả năng tính toán lại thể hiện chỉ vài giờ sau thời khắc 6 giờ chiều 11 Tháng Chín 2001, lúc Trung tâm thương mại thế giới tại New York bị tấn công.

 

Xuất hiện trên truyền hình quốc gia, Musharraf tuyên bố Pakistan cắt đứt bang giao lâu năm với Taliban. Không tuyên bố nào làm mát ruột Washington bằng tuyên bố trên. “Tôi quyết định thật nhanh, nhưng rất cẩn thận. Tôi theo quan điểm của Napoleon rằng hai phần ba quá trình ra quyết định là dựa vào phân tích và thông tin và một phần ba còn lại là mạo hiểm”. Đến thời điểm này, có thể thấy rằng đáp số của bài toán chính trị và ngoại giao với Mỹ của Musharraf chính xác như thế nào…

 

Pervez Musharraf còn là con người nổi loạn. Sau khi ngồi ghế tổng thống sau cuộc đảo chính, Musharraf tung ra loạt chính sách cải tổ theo tinh thần thế tục hóa đời sống chính trị và xã hội Pakistan. Đó là những thay đổi lớn nhất kể từ năm 1981, khi Tổng thống Mohammad Zia Ul-Haq biến Pakistan thành một nước cộng hòa Hồi giáo với hệ thống luật pháp nghiêm khắc theo kiểu Hồi và quyền lợi phụ nữ bị hạn chế.

 

Hình : https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/02/GettyImages-72026008.jpg

Tổng thống Pervez Musharraf cùng Tổng thống George W. Bush và Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai tại Tòa Bạch Ốc ngày 27 Tháng Chín 2006 (ảnh: Mark Wilson/Getty Images)

 

Ảnh hưởng ít nhiều phương Tây (từng học Đại học nghiên cứu quốc phòng Hoàng gia Anh), Musharraf không chỉ muốn Pakistan thoát khỏi cái bóng dai dẳng của nền chính trị thần quyền (theocracy) mà còn hy vọng Pakistan trở thành mẫu mực để các nước Hồi giáo khác noi theo. Tháng Một 2002, ông đã cấm tất cả các nhóm Hồi giáo quá khích hoạt động tại Pakistan và ra lệnh thộp cổ hơn 2,000 tên phiến loạn. Ông tuyên bố cuộc bầu cử Quốc hội sẽ bảo đảm đem lại ít nhất 1/5 ghế cho phụ nữ và ông cũng cho phép người không thuộc Hồi giáo lần đầu tiên có đầy đủ quyền hạn cử tri, kể từ năm 1978.

 

.

“Học dốt” nhưng làm chính trị giỏi

 

Sinh tại New Delhi ngày 11 Tháng Tám 1943, Pervez Musharraf là người thứ hai trong ba con trai thuộc một gia đình trung lưu rời Ấn Độ đến Pakistan khi lãnh thổ hai nước phân chia năm 1947 (ông là tổng thống Pakistan đầu tiên xuất thân từ mohajir – người Hồi di cư từ Ấn, chứ không phải thành phần bản địa, như người Punjabis chiếm số đông trong quân đội Pakistan).

 

Bố là nhà ngoại giao (chết năm 2000) và mẹ – Zohra – là người hiếm hoi của thế hệ bà được ăn học tử tế. Bà Zohra từng làm việc lâu năm trong Tổ chức lao động quốc tế (nghỉ hưu thập niên 1980). Bà Zohra thú nhận với phóng viên phương Tây rằng mình “tống khứ” Musharraf vào quân đội vì “chữ nghĩa của nó” kém hơn nhiều so với anh em trai (năng khiếu học tập đáng chú ý nhất của Pervez Musharraf là khả năng làm toán nhanh).

 

“Chưa bao giờ tôi dám mơ  trở thành tổng thống” – bà Zohra nói về Musharraf. Anh của Pervez Musharraf – ông Javed – là học giả từng học bên Mỹ và có thời làm việc cho Tổ chức lương nông thế giới tại Rome.

 

“Tôi học sau anh ấy một năm đại học. Trong trường, các giáo sư thường hỏi: “Cậu là em Javed Musharraf, thế mà không trả lời được những câu hỏi đơn giản này. Tại sao vậy?”. Và trong một cuộc trò chuyện tiếp phóng viên Newsweek tại tư dinh, Pervez Musharraf cũng thú nhận mình từng lén chôm bài của anh và sao chép y chang để được điểm cao! Em trai ông – Naveed – là chuyên gia gây mê từng làm việc tại Mỹ.

 

Như hầu hết gia đình Pakistan theo truyền thống, hôn nhân của ông được bố mẹ sắp đặt. Bà Sehba kể rằng một trong những món quà đầu tiên mà đại úy trẻ Pervez Musharraf tặng cho mình là cái máy sấy tóc (“cầm tiện tay như khẩu súng” – ông kể đùa)…

 

Musharraf là một trong ba viên tướng đủ điều kiện được cất nhắc lên ghế tổng tư lệnh, khi Thủ tướng Nawaz Sharif sa thải viên tổng tư lệnh cũ. Hai viên tướng kia đều có hậu thuẫn chính trị nhưng cuối cùng Sharif chọn Musharraf, sau một cuộc mặc cả, rằng Musharraf không can thiệp nội bộ chính trường. Musharraf không can thiệp chính trường. Nhưng ông can thiệp chuyện “bên ngoài”. Ông tự ý dắt quân vào vùng chiếm đóng của Ấn tại Kargil thuộc Kashmir.

 

Hình : https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/02/GettyImages-697107.jpg

Tổng thống Pervez Musharraf và Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Donald Rumsfeld trong một cuộc họp báo tại Ngũ Giác Đài ngày 13 Tháng Hai 2002 (ảnh: Alex Wong/Getty Images)

 

Cuộc tấn công thành công nhưng Pakistan bị thế giới lên án và Sharif phải ra lệnh Musharraf thu quân đồng thời chỉ trích hành động tự tiện của cánh nhà binh. Sau sự kiện này, Musharraf quyết định đảo chính mà các chi tiết hậu trường vụ này cùng sự giúp đỡ thật sự của Mỹ hay không vẫn là một hoài nghi mơ hồ. Dù thế nào, vụ đảo chính (1999) đã thể hiện khả năng tính toán chính xác như năng khiếu làm toán hồi còn đi học của Musharraf: Nawaz Sharif đang làm Washington bực mình và bất cứ nhân vật nào muốn lên thay đều có thể được (gián tiếp hay trực tiếp) ủng hộ.

 

Nói cách khác, Musharraf có khả năng trực cảm số phận mình. Điều này một lần nữa xuất hiện khi Musharraf nhanh chóng quyết định đứng về liên minh chống khủng bố của Washington. Vài tuần sau vụ 11-9, Musharraf đã đánh trực diện những kẻ ủng hộ Taliban trong thành phần Chính phủ Pakistan, trong đó có 5 trong 13 viên tướng cấp cao.

 

“Yếu tố tiên quyết của chiến lược là thời điểm, không gian và sức mạnh” – ông nói. Một mánh nhỏ nữa của ông là tổ chức cuộc trưng cầu dân ý vào cuối Tháng Tư 2002. Ông tung ra gần $28 triệu để tổ chức trưng cầu dân ý. Tuổi cử tri qui định trước kia là 21 nay được giảm xuống 18 (tăng số cử tri). 87,000 điểm bỏ phiếu được dựng khắp Pakistan (phi trường, trạm điện thoại công cộng, trạm xe bus và thậm chí trại giam). Người ta bắt đầu so sánh Musharraf với tướng Mohammad Zia Ul-Haq mà hồi 1984 cũng tổ chức trưng cầu dân ý để hợp pháp hóa quyền lực. Chiến thuật tương tự lần này giúp Musharraf được Quốc hội hợp pháp hóa ghế tổng thống của ông (cần nhắc lại, Musharraf là tổng thống tự phong).

 

Hình : https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/02/GettyImages-832594858.jpg

Tổng thống Pervez Musharraf và Thủ tướng Anh Tony Blair trong một cuộc gặp tại Lahore, Pakistan (ảnh: Stefan Rousseau – PA Images/PA Images via Getty Images)

 

.

Từ người hùng trở thành tội phạm

 

Vài chi tiết về con người Musharraf cho thấy rằng nhân vật này có nhiều kỹ năng trong nghề chính trị: biết cân nhắc tính toán đúng thời điểm, tận dụng tối đa những gì đang có, khai thác ưu thế riêng, thành thục sử dụng nhu-cương. Musharraf từ chức tổng thống vào Tháng Tám 2008 sau khi các chính trị gia liên minh cầm quyền đe dọa luận tội ông vì áp đặt luật khẩn cấp và sa thải các thẩm phán.

 

“Tôi hy vọng đất nước và nhân dân sẽ tha thứ cho những sai lầm của tôi,” Musharraf nói trong một bài phát biểu trên truyền hình kéo dài một giờ. Sau đó, ông ra nước ngoài sống (Dubai và London), trở lại chính trường trong nước năm 2012 nhưng thất bại. Ông bị bắt và bị quản thúc tại gia, đối mặt những cáo buộc phản quốc. Hình ảnh Musharraf bị đối xử như một nghi phạm hình sự đã gây sốc cho Pakistan lẫn thế giới. Pakistan cho phép ông rời khỏi đất nước đến Dubai vào năm 2016. Tháng Mười Hai 2019, một phiên tòa đặc biệt tại Islamabad đã xử tử hình vắng mặt Pervez Musharraf tội vi hiến. Kể từ đó, Pervez Musharraf vĩnh viễn lưu vong nước ngoài

 





No comments: