Thursday, February 2, 2023

ĐỌC “CHÍNH TRỊ và TIẾNG ANH” của GEORGE ORWELL (Phan Phương Đạt)

 



Đọc “Chính Trị và Tiếng Anh” của George Orwell

Phan Phương Đạt

02/02/2023

https://baotiengdan.com/2023/02/02/doc-chinh-tri-va-tieng-anh-cua-george-orwell/

 

Trong bài luận ngắn viết năm 1946, Orwell nêu quan điểm rằng ngôn ngữ bị ảnh hưởng bởi những mưu đồ chính trị, vì các nhà chính trị, nhất là độc tài, sử dụng ngôn ngữ tù mù khó hiểu để che giấu những mục đích thật của mình, để đánh lừa người nghe. Và ngược lại, khi mọi người quen nghe loại ngôn ngữ này, thì sẽ máy móc sử dụng nó, và tiếp tay cho việc hủy hoại ngôn ngữ, gây khó cho việc biểu đạt sự thật.

 

Hình : https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2023/02/1-1024x587.jpg

 

 Đến khi viết tiểu thuyết 1984 (xuất bản 1949), Orwell đã đặt tên cho loại ngôn ngữ bị bóp méo này là newspeak (bản dịch tiếng Việt dịch là “ngôn mới”). Từ đó, tác giả kêu gọi mọi người có ý thức chống lại xu hướng này, bằng cách có ý thức trong khi viết, viết rõ ý, đơn giản, tránh dùng những từ mơ hồ, những phép ẩn dụ sáo mòn.

 

Hình : https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2023/02/1-1-768x1238.png

 

Tác giả cũng đề xuất 6 quy tắc cho việc viết báo, viết các tác phẩm phi hư cấu. Sáu quy tắc này được đón nhận nhiệt liệt, và được các tờ báo như The Economics đưa thành nguyên lý trong Style Guide của mình.

 

Tác giả nhận định là các chế độ độc tài hủy hoại ngôn ngữ theo cách như vậy, và nhắc đến các nước Đức, Nga và Ý những năm 1940. Từ đó suy ra, mỗi người có thể nhìn lại ngôn ngữ báo chí, chính luận trong xã hội hiện tại của mình, để nhìn thấy những hiện tượng đó và tìm cách cải thiện trong phạm vi có thể.

 

Một số trích dẫn:

 

“Kẻ thù lớn nhất của ngôn ngữ trong sáng là sự không trung thực. Khi có một hố ngăn cách giữa mục đích thực sự của ai đó với mục đích mà họ tuyên bố, thì người đó, một cách tự nhiên, sẽ quay sang sử dụng các từ dài và các thành ngữ đã kiệt quệ, giống như một con mực phun mực ra. Trong thời đại của chúng ta, không có cái gọi là “đứng ngoài chính trị”. Tất cả mọi vấn đề đều là vấn đề chính trị, và bản thân chính trị là một mớ các dối trá, né tránh, điên rồ, thù hận và tâm thần phân liệt. Khi bầu không khí chung là xấu, thì ngôn ngữ sẽ chịu đau khổ. Tôi cho rằng – đây là phỏng đoán của tôi vì tôi không có đủ tri thức để kiểm tra – ngôn ngữ Đức, Nga và Italia đã xuống cấp trong vòng 10-15 năm gần đây, như là hệ quả của chế độ độc tài”.

 

“Nhưng nếu tư duy hủy hoại ngôn ngữ, thì ngôn ngữ cũng có khả năng hủy hoại tư duy. Một cách dùng từ dở có thể phát tán bởi truyền thống và bắt chước, thậm chí trong cả số những người phải biết và biết rõ hơn người khác. Cái ngôn ngữ bị xuống cấp mà tôi đã đề cập đó thật ra lại rất tiện lợi theo khía cạnh nào đó. Những cụm từ như ‘không phải là một giả thiết không chính đáng’, ‘có lẽ không phục vụ một mục đích tốt đẹp nào’, ‘một sự cân nhắc mà chúng ta phải chú ý để tâm’, là một sự cám dỗ thường trực, một lọ aspirin ở ngay tầm với của mỗi người.”

 

“Điều trên hết là phải để cho ý chọn lời, chứ không phải ngược lại. Trong văn xuôi, điều tệ nhất mà bạn có thể làm với từ ngữ là đầu hàng theo chúng. Khi bạn nghĩ về một vật cụ thể, bạn nghĩ mà không cần đến từ ngữ, và sau đó, nếu bạn muốn mô tả thứ mà bạn vừa hình dung hình ảnh, chắc bạn sẽ săn tìm cho đến khi tìm thấy chính xác cái từ phù hợp. Nếu bạn nghĩ về gì đó trừu tượng, bạn sẽ dễ có xu hướng dùng từ ngay từ đầu, và trừ phi bạn có ý thức ngăn chặn việc đó, thì những cách diễn đạt hiện có sẽ xông ra và làm thay cho bạn, với hậu quả là làm mờ đi hay thậm chí là thay đổi ý bạn. Có lẽ, cách tốt nhất là trì hoãn việc sử dụng từ ngữ càng lâu càng tốt và làm ý mình càng rõ càng tốt thông qua các hình ảnh và cảm giác. Sau đó, ta có thể chọn – chứ không chỉ chấp nhận – cụm từ tốt nhất để thể hiện được ý, và sau đó dừng lại và quyết định xem những từ của mình sẽ tạo ra ấn tượng gì cho người khác. Nỗ lực trí óc sau cùng này sẽ cắt bỏ tất cả các hình ảnh cũ kỹ hay lộn xộn, tất cả các cụm từ được dập khuôn sẵn, những sự lặp lại không cần thiết, và nói chung là tất cả những gì bịp bợm và mơ hồ.

 

Ở đây tôi không đề cập đến ngôn ngữ của văn học sáng tác, mà chỉ nói về ngôn ngữ như một công cụ biểu đạt, chứ không phải để lừa gạt hay che dấu suy nghĩ. (…) Cần phải nhận thức rằng, tình trạng chính trị hỗn loạn hiện nay liên quan đến sự suy đồi của ngôn ngữ, và người ta có thể cải thiện ít nhiều tình trạng này chính từ khía cạnh ngôn ngữ. Nếu bạn đơn giản hóa tiếng Anh của mình, bạn sẽ tự do khỏi những sự điên rồ tệ hại nhất của giáo điều. (…) Ngôn ngữ chính trị – tuy khác nhau chút ít nhưng đúng cho tất cả các đảng chính trị, từ Bảo thủ đến Vô chính phủ – được thiết kế để làm cho lời dối trá nghe giống sự thật và sát nhân biến thành việc đáng trọng, và tạo cảm giác trọng lượng cho lời nói rỗng tuếch. Một người không thể lập tức thay đổi tất cả các thứ đó, nhưng ít ra có thể thay đổi thói quen của chính mình…”

 

-------------

Tham khảo:


Nguyên văn tiếng Anh: link.


Bản dịch tiếng Nga: link.


Mục trên Wikipedia về bài luận này: link.

 

 



No comments: