"Nói và làm" trong kêu gọi và tiếp thu phản biện!
RFA
2023.02.16
Thường trực
Ban Bí thư Võ Văn Thưởng hôm 16 tháng 2 năm 2023 lại phát biểu cho rằng đội ngũ
trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ nước nhà đóng vai trò rất quan trọng, có ý
nghĩa then chốt đối với vận mệnh và tương lai dân tộc. Ông Thưởng đề nghị các
nhà khoa học, trí thức, văn nghệ sĩ trong và ngoài nước tiếp tục tận tâm, tận
hiến vì quốc gia, dân tộc trong vận hội mới.
Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng. AFP
Thường trực Ban Bí thư đồng thời đề nghị cấp ủy,
tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp thật sự tôn trọng
và có cơ chế phù hợp để nâng cao chất lượng hoạt động tư vấn, phản biện của
chuyên gia, đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ đối với những vấn đề của
đất nước.
Phát biểu của ông Thưởng lần này không gây ra
một làn sóng tranh luận trong giới blogger và cư dân mạng xã hội. Lý do được một
số người nêu ra là họ đã quá quen với những phát biểu như thế của các lãnh đạo
Đảng và Nhà nước và dẫn chứng câu nói của cố Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu
là “Đừng nghe những gì Cộng sản nói, hãy nhìn kỹ những gì Cộng sản làm”.
Bác sĩ Đinh
Đức Long bình luận với RFA về phát biểu mới nhất của
ông Võ Văn Thưởng:
“Cách đây mấy năm ông Võ Văn Thưởng có nói là sẵn
sàng đối thoại với trí thức và những người phản biện. Nhưng mấy năm qua có thấy
ổng thực hiện đâu. Ổng không thực hiện mà cũng không thanh minh là tại sao chưa
làm hoặc không làm. Đâu ai còn tin được nữa!”
Ông Long dẫn lại một phát biểu từ ông Võ Văn
Thưởng sáu năm trước, tại Hội nghị trực tuyến sơ kết một năm thực hiện Chỉ thị
số 5 của Bộ Chính trị về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ
Chí Minh”. Lúc bấy giờ, với tư cách là Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy
viên Bộ chính trị, ông Võ Văn Thưởng tuyên bố, Đảng Cộng sản Việt Nam không sợ
đối thoại và tranh luận, có thể mở ra những cuộc đối thoại với những người có ý
kiến khác biệt với đảng.
Nhạc sĩ Tuấn
Khanh, người luôn có những bài viết phản biện những
vấn đề của đất nước cho rằng, phát biểu của Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng
chỉ là một cách đặt vấn đề thường thấy, chứ không phải là cách giải quyết vấn đề.
Ông nói:
“Các nhà lãnh đạo Việt Nam thường quăng ra một câu
mà nó chỉ mang tính đặt vấn đề chứ không giải quyết được vấn đề. Chẳng hạn như
ông Nguyễn Phú Trọng nói rằng chúng ta chống tham nhũng nhưng chống tham nhũng
phải thật nhân văn. Không ai biết chống tham nhũng nhân văn là như thế nào cả.
Họ nói đồng bào là khúc ruột ngàn dặm và hòa hợp hòa giải sẽ là một trong những
tiến trình đi tới. Nhưng đi tới như thế nào thì không thấy.
Nó chỉ là cách đặt vấn đề để làm sáng bộ mặt của nhà
nước chỉ cách giải quyết thì rất là mơ hồ. Thực sự nó không có. Người ta luôn
luôn đặt ra những vấn đề để cho thấy rằng đất nước đang chuyển động nhưng những
chuyển động đó hoàn toàn bế tắc và không có chuyển động nào thực chất hết.”
Có thể thấy những năm qua, rất nhiều nhân sĩ,
trí thức lên tiếng phản biện những chính sách bất hợp lý của nhà nước, đóng góp
cho nhà nước những ý kiến nhằm đưa đất nước đi theo quỹ đạo văn minh, dân chủ tất
yếu của thế giới, đã bị bắt, bị tù với những tội danh bị cho là hết sức mơ hồ.
Một người trong số đó là Tiến sĩ luật Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển (PLD)
thuộc Liên hiệp các Hội khoa học, kỹ thuật Việt Nam (VUSTA). Ông Hoàng Ngọc Giao
là một nhà phản biện nổi tiếng, bị nhà chức trách Việt Nam bắt cuối năm 2022 và
bị khởi tố vì tội trốn thuế, theo Bộ Công an.
Một người nữa ông
Nguyễn Sơn Lộ, cựu viện trưởng Viện
nghiên cứu và phát triển SENA trực thuộc Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật
Việt Nam ở Hà Nội, bị công an bắt hôm 2 tháng 2 vừa qua với cáo buộc “Lợi dụng
quyền tự do, dân chủ”.
Với thực tế đó, giới trí
thức, văn nghệ sĩ không còn tin vào những gì mà Thường trực Ban Bí thư Võ Văn
Thưởng phát biểu nữa.
Nhạc sĩ Lê Thiệu nói với RFA suy nghĩ của ông:
“Từ trước đến giờ thì về mặt truyền thông, những nhà
lãnh đạo đều nói rằng cần những trí thức đóng góp cho đất nước. Nhưng đó chỉ là
hình thức thôi chứ nó không có thật. Những đóng góp của họ không áp dụng được
vào cái xã hội này. Những đóng góp rồi sẽ bị bỏ qua hết vì nó bị cho là đi sai
chủ trương của nhà nước nên họ đâu có chấp nhận. Cũng đưa lên mạng xã hội, cũng
đưa lên truyền thông nhưng rồi bị quên lãng chứ không áp dụng, không thực hiện
được.”
Giáo sư Mạc
Văn Trang cũng cùng quan điểm. Ông nói:
“Ông Thưởng phát biểu như thế thì cũng rất là mừng,
nhưng mà kinh nghiệm từ trước đến nay, rất nhiều ông lãnh đạo gặp trí thức thì
bao giờ cũng nói là phát huy đội ngũ trí thức; tìm kiếm nhân tài; trọng dụng
người tài; khuyến khích khả năng sáng tạo…
Ông ấy nói nhưng ông ấy chả có quyền gì vì bộ phận
an ninh thì nó lại khác. Thế cho nên ổng nói như thế nhưng nếu trí thức nào mà
phản biện thì bị coi là phê phán chính quyền và bị bắt luôn.
Muốn thực hiện được thì thứ nhất là phải có luật
pháp nghiêm minh, minh bạch. Thứ hai là phải có dân chủ, phải có một cái xã hội
dân sự để người ta tự do suy nghĩ, tự do biểu đạt. Cái này nó là một hệ thống,
một thể chế.”
Tháng 5 năm ngoái, Tổ chức
Phóng Viên Không Biên giới (RSF) công bố bảng xếp hạng Chỉ số Tự do Báo chí Thế
giới năm 2022. Trong bảng xếp hạng này, Việt Nam xếp ở vị trí 174/180 quốc gia
và vùng lãnh thổ được đánh giá, tăng một hạng so với một năm trước đó, và là quốc
gia có số nhà báo bị bỏ tù đứng thứ ba trên Thế giới. Tổ chức này thống kê Việt
Nam hiện có 41 nhà báo bị bỏ tù.
Còn về quyền Tự do ngôn
luận, Việt Nam bị Ủy ban Nhân quyền LHQ (CCPR) xếp vào nhóm chót bảng về tự do
ngôn luận trong phúc trình công bố vào tháng 11 năm ngoái. Theo đó, CCPR đánh
giá Việt Nam thuộc nhóm E, thấp nhất trong thang từ A xuống, về việc thực thi
khuyến nghị của cơ quan nhân quyền Liên Hiệp Quốc trong lĩnh vực tự do ngôn luận
và án tử hình.
No comments:
Post a Comment