Người
Nga đã học cách chấp nhận cuộc chiến ở Ukraine như thế nào?
Andrei Kolesnikov
- Foreign
Affairs
Nguyễn Thị Kim Phụng, biên dịch
Đa số người dân Nga vẫn đang ngoan ngoãn tuân theo sự
cai trị của Putin.
Trong giai đoạn sau của thời kỳ Xô viết, chỉ
có hai lần quân đội Liên Xô làm gián đoạn cuộc sống hàng ngày của dân thường. Lần
đầu tiên là cuộc xâm lược Tiệp Khắc năm 1968, vốn gần như không được người Nga
chú ý vì chẳng ai biết chuyện gì đang xảy ra. Lần thứ hai là cuộc xâm lược
Afghanistan năm 1979, với hậu quả lớn hơn nhiều. Đối với nhiều người, cảnh những
chiếc quan tài bằng kẽm được chở về từ một đất nước phương nam xa xôi, ngay cả
khi chủ nghĩa Mác-Lênin không còn phổ biến ở quê nhà, đã phá vỡ nền tảng đạo đức
của dự án Xô-viết.
Năm 2022, quân đội của Moscow một lần nữa làm
gián đoạn cuộc sống của những người dân bình thường bằng một cuộc xâm lược, và
kết quả thậm chí còn tồi tệ hơn hai sự kiện trước đó: Nước Nga vừa trải qua một
năm kinh hoàng nhất trong lịch sử hậu Xô viết. Tuy nhiên, bất chấp thiệt hại
nhân mạng ngày càng tăng và các tổn thất về mặt đạo đức, nền tảng quốc gia vẫn
chưa bị lung lay. Đúng là người Nga đang trở nên chia rẽ và quan điểm của họ dần
phân cực khi mọi người trở nên mệt mỏi với chiến tranh. Nhưng “chiến dịch quân
sự đặc biệt” đã không làm suy yếu quyền lực của Putin, mà ngược lại còn củng cố
nó.
Những người lo sợ Putin hoặc đã trốn khỏi đất
nước, hoặc đã bị bịt miệng. Chế độ của Tổng thống Nga có một kho công cụ đáng gờm
để chống lại bất kỳ ai dám lên tiếng hoặc bày tỏ sự phản đối. Họ sử dụng hệ thống
luật pháp để đè bẹp bất kỳ sự bất đồng chính kiến nào, tuyên những bản án tù kiểu
Stalin cho các nhà hoạt động phản chiến. Họ phát minh ra “những
ngôi sao vàng” của riêng mình để quấy rối và đe dọa những người được coi là
“đặc vụ nước ngoài”. (Tôi đã bị phân loại vào nhóm này hồi cuối tháng 12.) Họ
đóng cửa hoặc chặn quyền truy cập vào gần như toàn bộ các phương tiện truyền
thông độc lập. Và họ gán nhãn “kẻ phản bội quốc gia” cho bất kỳ ai không bày tỏ
sự vui mừng trước việc nhà nước gia tăng đàn áp, trước chiến tranh, và trước chế
độ quân sự-cảnh sát ngày càng được cá nhân hóa.
Vì vậy, thay vì phản đối, hầu hết người Nga đã
nói rõ rằng họ chọn cách thích nghi. Ngay cả việc chạy trốn khỏi đất nước cũng
không nhất thiết là một hình thức phản kháng: đối với nhiều người, đó chỉ đơn
giản là câu trả lời thực tế cho câu hỏi: Làm thế nào để tránh bị giết hoặc trở
thành kẻ giết người? Đúng là người dân Nga đang lo lắng hơn bao giờ hết. Theo
các cuộc khảo sát dư luận, sự lo lắng của người Nga tăng lên mức cao mới vào
năm 2022, dù nó đã ít nhiều quay trở lại mức có thể chấp nhận được khi nguy cơ
động viên nghĩa vụ quân sự tạm giảm xuống. Nhưng thích nghi đã trở thành đặc điểm
nổi bật nhất của người Nga. Khi nào thì chuyện này sẽ kết thúc? Hiện tại vẫn
chưa có câu trả lời.
.
CÁI CHẾT VÀ SỰ PHỤ THUỘC
Putin đang xây dựng một đế
chế mới, nhưng mọi chuyện diễn ra không suôn sẻ. Người dân đang lũ lượt chạy trốn. Một trong những trụ cột của đế chế Xô viết là các dự án xây dựng Cộng
sản hoành tráng. Nhưng vị hoàng đế thời nay đã bắt đầu công việc khôi phục đế
chế bằng cách phá hủy chính các dự án Cộng sản đó bằng tên lửa của Nga: một phần
quan trọng của cơ sở hạ tầng Ukraine mà Putin đã và đang tấn công được xây dựng
bởi chính những người tiền nhiệm của ông hồi thế kỷ 20. Ví dụ là nhà máy điện
TEC-5 ở Kharkiv. Được Liên Xô xây dựng vào thập niên 1970, nó đã cung cấp điện
cho hàng triệu người và trở thành nhà máy nhiệt điện lớn thứ hai của Ukraine.
Tháng 9/2022, nó bị Nga tấn công, gây ra một đám cháy dữ dội suốt nhiều tuần và
dẫn đến mất điện trên một vùng rộng lớn của đất nước. Sự khác biệt là không thể phủ nhận: đế chế Xô
viết đã phóng vệ tinh nhân tạo đầu tiên, Sputnik, và con người đầu tiên, Yuri
Gagarin, vào không gian, còn Putin phóng tên lửa chết người sang nước láng giềng.
Đây là sự khác biệt giữa quyền lực mềm, vốn đã từng là đặc trưng của Liên Xô ở
một giai đoạn nhất định, và quyền lực của Putin, vốn không mềm chút nào.
Tuy nhiên, 2022 – năm của chiến tranh, năm của
những cú sốc thường trực – đã không làm thay đổi sự ủng hộ dù miễn cưỡng của
dân chúng đối với chế độ. Đây không chỉ là phản xạ tự vệ của những người Nga
bình thường – “Đất nước của chúng tôi, dù đúng hay sai” hay “Các nhà lãnh đạo của
chúng tôi biết rõ nhất, vì họ có nhiều thông tin hơn chúng tôi.” Thay vào đó,
nó là một phản ứng hai mặt, cố gắng tìm cách lẩn tránh thực tế. Một mặt, nó thể
hiện mong muốn trả thù kẻ thù, những kẻ thậm chí không còn được coi là con người.
Mặt khác, nó dựa trên sự tưởng tượng rằng cuộc sống vẫn có thể trôi qua bình
thường ở một đất nước đang có hành động bạo lực chống lại nước khác, và việc
“hy sinh anh dũng” trên chiến trường đã trở thành chuẩn mực được xã hội chấp nhận.
Hình thức bảo vệ cảm xúc này giải thích lý do
tại sao hầu hết người Nga coi năm 2022 là một năm rất khó khăn – nhưng vẫn ít
khó khăn hơn so với năm đầu tiên của đại dịch COVID-19, hay giai đoạn đầu thập
niên 1990 đầy hỗn loạn. Theo các cuộc thăm dò của Trung tâm Levada độc lập, vào
cuối năm 2022, nỗi lo sợ về đàn áp hàng loạt, sự cai trị độc đoán, và sự đàn áp
của chính phủ đã thực sự giảm bớt so với vài tháng trước. Tất cả những công cụ
này đã được sử dụng với cường độ ngày càng tăng xuyên suốt năm 2022, nhưng mọi
người nói rằng họ đã không còn quan tâm đến chúng như trước. Mối quan tâm bị giảm
sút này không chỉ là hệ quả của áp lực phải duy trì sự đoàn kết trong thời chiến,
mà còn do sự không sẵn lòng thừa nhận rằng thời thế đã khác – nói cách khác, là
đang tự lừa dối bản thân. Ngoài ra, theo dữ liệu thăm dò ý kiến, nỗi sợ hãi lớn
duy nhất vẫn còn ở mức độ như trước đây là viễn cảnh xảy ra chiến tranh thế giới.
Đó dường như là điều duy nhất mà những người Nga bình thường không tìm cách tự
lừa dối mình.
Một bộ phận đáng kể dân chúng Nga đã bỏ qua việc
Putin vi phạm chính khế ước xã hội mà ông đã đặt ra nhiều năm trước khi “chiến
dịch đặc biệt” bắt đầu. Ngay từ đầu, các quan chức đã khẳng định rằng họ chỉ là
những chuyên gia quân sự đang làm công việc của mình, và hứa với người Nga rằng
miễn là họ chịu ủng hộ chế độ, thì các nhu cầu cơ bản vẫn sẽ được đáp ứng và cuộc
sống bình thường vẫn sẽ được duy trì. Giờ đây, tất nhiên, lời hứa đó không còn
giữ được nữa. Putin yêu cầu cả nước cùng gánh vác công việc mà ông đã bắt đầu,
và hóa ra, ông cần người Nga hy sinh tính mạng của mình. Sự chuyển hướng này đã
được thể hiện qua lời hứa rằng cái chết nơi chiến trường sẽ giúp người ta xóa bỏ
mọi tội lỗi của mình ở trần gian, như lời Thượng phụ Kirill, người đứng đầu Nhà
thờ Chính thống Nga. Đôi khi, lời nói dối càng khủng khiếp và lời biện minh cho
nó càng kỳ quặc, thì đa số càng dễ dàng tin vào điều đó.
Điều quan trọng là nhiều người Nga đang phụ
thuộc vào nhà nước. Theo số lượng thống kê chính thức, tỷ lệ các khoản thanh
toán trợ cấp xã hội trong thu nhập thực tế của người dân hiện nay lớn hơn so với
thời kỳ Xô viết. Bất chấp sự xuất hiện của nền kinh tế thị trường và một tầng lớp
những người đủ khả năng tự nuôi sống bản thân, Putin đã làm mọi thứ có thể để đảm
bảo rằng vai trò kinh tế của nhà nước vẫn lớn nhất có thể. Và ông đã sử dụng
nguồn tiền từ dầu mỏ để đạt được mục tiêu đó.
Những người phụ thuộc vào nhà nước đều rất
“ngoan ngoãn,” trên hết là về mặt chính trị, và hướng đi của nền kinh tế Nga
trong những năm gần đây đã củng cố thực tế này. Chỉ một tỷ lệ nhỏ dân số có thu
nhập từ hoạt động kinh doanh, trong khi tiền lương từ khu vực công và trợ cấp
xã hội chiếm một phần lớn thu nhập của người dân. Theo dữ liệu từ điều tra dân
số năm 2021, cứ ba người Nga thì có một người – tương đương 33% – phụ thuộc vào
các khoản trợ cấp xã hội như một nguồn thu nhập. Ngoài ra, một phần tư người
Nga đang phụ thuộc kinh tế vào người khác. Dù chất lượng của dữ liệu điều tra
dân số năm 2021 là tệ nhất trong lịch sử của đất nước thời hậu Xô viết, những
con số này vẫn gây sốc.
Hiện tại, Putin đang đưa ra yêu cầu tuyển quân
làm “bia đỡ đạn” trong bối cảnh kinh tế-xã hội tương đối bình lặng. Nhưng mọi
chuyện có thể thay đổi khi nền kinh tế lao dốc. Ngân sách liên bang sẽ không thể
tránh khỏi bị suy giảm do hạn chế xuất khẩu dầu và khí đốt, không có nhiều hoạt
động kinh tế, nhưng lại chi tiêu đáng kể cho quốc phòng và an ninh – nhà nước
Nga sẽ khó mà mua lòng trung thành của người dân trong những tháng tới. Tuy
nhiên, nhiều khả năng Putin vẫn sẽ vượt qua. Bởi vì các cơ quan an ninh và hành
pháp, từ quân đội, cảnh sát, đến các lực lượng đặc nhiệm, vẫn sẽ được tài trợ dồi
dào, và chính họ sẽ là những người ép buộc kẻ khác phải trung thành. Phương
pháp cây gậy và củ cà rốt chưa bị hủy bỏ, nhưng giá trị của cây gậy đang ngày
càng gia tăng.
.
ORWELL Ở MOSCOW
Dữ liệu về các vụ truy tố
ở Nga đã cho thấy mức độ phản đối công khai đối với Putin và phản ứng chính thức
đối với các hành động phản đối đó. Trong năm 2022, 20.467 người đã bị giam giữ
vì lý do chính trị, chủ yếu là vì đã công khai thể hiện tình cảm phản chiến; và
378 người đã bị truy tố hình sự vì tội “làm mất uy tín hoặc tung tin giả về
quân đội Nga” – nói cách khác, vì dám có lập trường phản chiến. Trong số 378 người đó, 51 người đã bị kết án. Được chú ý nhiều nhất là
các vụ việc chống lại Alexei Gorinov, ủy viên hội đồng của một quận ở Moscow, và Ilya Yashin,
chính trị gia theo chủ nghĩa tự do. Hồi tháng 7, Gorinov đã nhận bản án gần 7
năm tù vì phát tán “thông tin sai sự thật về quân đội một cách có chủ ý.” Sang
tháng 12, Yashin bị kết án 8 năm rưỡi tù giam với lý do tương tự, cụ thể là vì
ông đã đề cập đến vụ thảm sát Bucha. Cũng trong năm 2022, 176 cá nhân và tổ chức
bị tuyên bố là “đặc vụ nước ngoài” và Quốc hội Nga đã thông qua 22 đạo luật mới
nhằm tăng cường quyền lực đàn áp của nhà nước. Trong số này có một luật mới nhắm
vào “tuyên truyền” LGBT và một luật trao cho nhà nước quyền hạn được mở rộng
đáng kể đối với cái gọi là “đặc vụ nước ngoài.”
Đáng chú ý không kém là
việc kiểm duyệt được sử dụng ngày càng nhiều. Năm 2022, chính quyền đã chặn hơn
210.000 trang web và cỗ máy của Putin đã vô hiệu hóa tất cả các phương tiện
truyền thông độc lập còn sót lại ở Nga. Tuy nhiên, những cơ quan
truyền thông bị chặn hoặc đóng cửa này đang cố gắng thực hiện công việc của họ ở
bên ngoài nước Nga (và đôi khi ngay cả từ trong nước: chẳng hạn, Novaya Gazeta
đang cố gắng quảng bá các dự án mới, và chương trình phát thanh Echo of Moscow
trên YouTube cũng được thực hiện một phần từ Moscow). Những người Nga muốn xem,
nghe, hoặc đọc các thông tin và dòng quan điểm thay thế có thể sử dụng mạng
VPN. Nhiều phương tiện truyền thông độc lập lưu vong cũng phát sóng trên
YouTube, nền tảng chính phủ Nga vẫn chưa chặn vì lo sợ cơn thịnh nộ từ một lượng
lớn người dùng phi chính trị của nền tảng này.
Trên thực tế, dù số liệu đã rất cao, nhưng việc
kiểm đếm các vụ truy tố chính trị và các trang web bị chặn chỉ tiết lộ bề nổi của
tảng băng chìm. Sự tức giận đối với Putin và với cuộc chiến còn lớn hơn nhiều.
Nhiều trong số những người còn ở lại Nga sợ không dám lên tiếng, trong khi những
người khác trốn khỏi đất nước, “bỏ phiếu bằng chân” chống lại Putin. Và vẫn còn
những người khác nữa đã quay trở lại với “dân chủ nhà bếp” thời Xô viết, âm thầm
thảo luận và lên án cuộc chiến của Putin tại nhà hoặc trong các quán cà phê. Điều
đáng chú ý ở nước Nga hiện nay là sự nổi lên của các tác phẩm văn học kinh điển
chứa đựng những thông điệp phản chiến tinh tế. Cuốn sách được đọc nhiều nhất
vào đầu năm ngoái là 1984 của George Orwell. Những cuốn sách bán chạy
khác là những tác phẩm viết về cuộc sống hàng ngày ở Đức hồi thập niên 1930,
trong đó mọi người dần hiểu được bản thân và nỗi sợ hãi của họ. Các nhà xuất bản
cũng đang tái bản những cuốn sách phản chiến mà chính quyền khó có thể phản đối,
chẳng hạn như tuyển tập bài giảng năm 1945 của nhà triết học người Đức gốc Thụy
Sĩ Karl Jaspers về tội lỗi và trách nhiệm tập thể của người Đức, và các bài viết
phản đối chiến tranh của Leo Tolstoy. Những nhà văn này đang bày tỏ loại tình cảm
mà nhiều người Nga ngày nay có thể đồng cảm.
Xét đến quy mô của cuộc đàn áp, sẽ là không thực
tế nếu mong đợi một cuộc nổi dậy quần chúng chống lại Putin, đặc biệt là vì hầu
hết dân thường ở Nga thích phủ nhận sự thật và tin vào những lý lẽ kỳ lạ mà chế
độ tạo ra. Người dân không muốn đứng về phía cái ác, nên họ gán cho cái ác là
cái thiện, từ đó buộc mình phải tin rằng Putin đang mang lại hòa bình. Như một
phát ngôn viên Điện Kremlin nói, Tổng thống đang phóng đi “những tên lửa của
chính nghĩa”. Bởi nếu không, người Nga tự nhủ, NATO sẽ phá hủy và chia cắt đất
nước của họ – dù chẳng có lấy một chút bằng chứng nào chứng minh cho khẳng định
đó ở thời điểm trước tháng 2/2022. Putin là người biết rõ nhất.
.
BIẾN MẤT
Putin và các nhà tư tưởng Kremlin của ông
thích nói rằng phương Tây muốn xóa sổ Nga khỏi bản đồ. Về phần mình, họ muốn thấy
Nga chiếm được một vị trí lớn hơn nhiều trên bản đồ bằng cách xây dựng một đế
chế khổng lồ. Họ muốn quay trở về quá khứ xa xôi. Điều trớ trêu là, khi Nga –
chí ít là trong tưởng tượng địa lý của Điện Kremlin – mở rộng phạm vi lãnh thổ
trong cuộc chiến tàn khốc chống lại Ukraine, thì nước này thực ra đã biến mất
khỏi bản đồ chính trị.
Phương Tây từng coi Nga là một quốc gia đang
trên con đường tiến tới dân chủ. Nhưng giờ đây, trong mắt họ, Nga là một quốc
gia bị bài xích và một quốc gia thất bại. Các nước láng giềng thuộc Liên Xô trước
đây của Nga – các thành viên của Cộng đồng các Quốc gia Độc lập – đang khiếp sợ
và đã lịch sự giữ khoảng cách với Moscow; một số nước trong nhóm này còn đang
khai thác thành công lực lượng lao động đã chạy trốn khỏi Putin. (Chỉ riêng vào
năm 2022, 2,9 triệu người Nga đã đến Kazakhstan và gần 150.000 người đã được cấp
giấy tờ tùy thân cần thiết để làm việc tại đây.) Trung Quốc và Ấn Độ, trong khi
vẫn giữ quan hệ thân thiện với Nga về xã giao và kinh tế, đã bắt đầu quan sát với
sự hoài nghi khi Putin rơi vào vòng xoáy tự hủy diệt, mang theo cả nền kinh tế,
lực lượng lao động, phẩm giá, và quyền lực mềm của đất nước ông.
Tháng 3/2022, theo một cuộc thăm dò của Trung
tâm Levada, 80% người Nga “hoàn toàn ủng hộ” hoặc “tương đối ủng hộ” cuộc chiến
của Nga. Nói một cách chính xác, họ ủng hộ “các hành động của lực lượng vũ
trang Nga ở Ukraine.” Vào thời điểm đó, dư luận chưa sẵn sàng xem đó là một “cuộc
chiến”, và không chỉ bởi vì người ta có thể bị truy tố nếu dám gọi như vậy, mà
họ thực sự tin rằng đó chỉ là một chiến dịch quân sự ngắn hạn. Đến tháng
12/2022, mọi thứ đã thay đổi. Không còn nghi ngờ gì, người Nga đang tham chiến,
đến mức các quan chức hàng đầu của nước này, khi tìm cách biện minh cho những
thất bại liên tiếp của quân đội, đã gọi đó là “cuộc chiến với NATO”. (Tất
nhiên, họ sẽ không gọi đó là cuộc chiến với người anh em Ukraine, vốn đang bị
phương Tây “sử dụng để tiêu diệt Nga.”) Lúc này, dù các quyết định của Putin vẫn
nhận được sự ủng hộ chung của 71% số người được khảo sát, nhưng phần dân số
“hoàn toàn ủng hộ” đã giảm từ 52% trong tháng 3 xuống chỉ còn 41% trong tháng
12. Những người mất tinh thần nhiều nhất trước cuộc tắm máu của Putin là những
người Nga trẻ tuổi và những người thu thập thông tin từ Internet hơn là truyền
hình Nga. Hồi tháng 12, 50% số người được hỏi ủng hộ đàm phán hòa bình, trong
khi chỉ 40% cho rằng tốt hơn là nên tiếp tục chiến đấu. (Cũng không ngạc nhiên
khi sự ủng hộ của Nga đối với đàm phán hòa bình đạt đến đỉnh điểm trong thời
gian Putin tiến hành động viên một phần vào tháng 9 và tháng 10, khi tỷ lệ này
lên tới 57%). Xã hội đang bị chia rẽ.
Nhưng ai sẽ nhận trách nhiệm về “cỗ máy xay thịt
của Putin”? Khoảng tháng 5/2022, khi rõ ràng là chiến tranh sẽ không kết thúc
nhanh chóng như kế hoạch – và khi người dân Nga vẫn chưa trực tiếp mắc kẹt
trong cuộc chiến – số người bày tỏ ý thức trách nhiệm đạo đức đối với cái chết
của người dân Ukraine đã tăng lên trong một thời gian ngắn. Tuy nhiên, sau đó,
chủ đề đó đã quay về làm một hiện tượng bên lề: hiện tại, chỉ có khoảng một phần
tư người Nga muốn nhận trách nhiệm ở một mức độ nào đó đối với cuộc chiến, và
chỉ một phần mười người Nga cho rằng mình “chắc chắn” phải chịu trách nhiệm.
Ngược lại, khoảng 60% số người được khảo sát đã tự miễn trừ mọi trách nhiệm đối
với cái chết của những người anh em láng giềng, mà nhiều trong số đó là họ hàng
và người quen của họ.
Trong lúc dân thường đang bị giết hại, và các
thành phố cùng cơ sở hạ tầng dân sự thiết yếu đang bị san bằng, thì việc chối bỏ
trách nhiệm vừa trẻ con lại vừa vô đạo đức. Nhưng việc người Nga chấp nhận
trách nhiệm tập thể, chưa kể đến cảm giác tội lỗi, là chuyện ở hồi sau – nếu
có. Trong tương lai gần, chế độ độc tài tàn bạo đang cai trị ở Nga sẽ áp đặt một
số chuẩn mực hành vi nhất định, họ sẽ không có ý định tự biến mất, giảm bớt chiến
dịch đàn áp và tuyên truyền, hoặc chấm dứt chiến tranh. Tất nhiên, những người
dân ngoan ngoãn và kiệt sức sẽ chấp nhận với lòng biết ơn bất cứ điều gì mà chế
độ chuyên chế mang lại – kể cả hòa bình.
Có những lúc, nước Nga trông như thực sự đã biến
mất khỏi bản đồ hoặc đã bị sáp nhập bất hợp pháp bởi chính phủ của mình. Trong
vòng chưa đầy một năm, Putin và đội ngũ của mình đã hủy hoại mọi thứ thuộc về
Nga, thậm chí cả văn hóa Nga. Hình ảnh của nước Nga chưa bao giờ bị vùi dập như
vậy kể từ thời Stalin. Liên Xô trong những năm cuối cùng vẫn được thế giới tôn
trọng hơn nhiều so với nước Nga hiện nay.
Theo một nghĩa nào đó, mọi thứ xảy ra kể từ
khi Nga xâm lược Ukraine đều đã bị cuốn vào vòng luẩn quẩn của lịch sử chính trị
của nước này. Ông ngoại của tôi từng bị bắt vì lý do chính trị vào năm 1938,
trong thời kỳ Đại Thanh trừng, nghĩa là ở tuổi lên chín, mẹ tôi đã trở thành
con gái của một “kẻ thù của nhân dân”. Bà qua đời hơn 20 năm trước, tự tin rằng
đất nước của bà cuối cùng cũng đã bước vào con đường phát triển dân chủ bình
thường. Bà đã không sống để chứng kiến con trai mình bị gán cho cái mác “đặc vụ
nước ngoài,” món quà của nhà nước dành cho tôi vào ngày 24/12/2022. Trong ba thế
hệ của gia đình tôi, đã có hai thế hệ trở thành kẻ thù của các chế độ chuyên chế.
Ngăn cách giữa ông ngoại, “kẻ thù của nhân dân”, và cậu cháu trai, “đặc vụ nước
ngoài”, là hơn 80 năm lịch sử thăng trầm từ Liên Xô đến Nga, trong đó gồm 30
năm mà đất nước được tự do hóa: dưới thời Khrushchev, Gorbachev, và Yeltsin. Thật
vậy, đúng như câu tục ngữ chính trị được cho là của Pyotr Stolypin, Thủ tướng Đế
quốc Nga thời kỳ tiền cách mạng, “Trong một năm, mọi thứ trong nước đều thay đổi;
trong một thế kỷ, chẳng có gì thay đổi.”
--------------------------
Andrei Kolesnikov là nghiên cứu viên cao cấp tại Quỹ
Carnegie vì Hòa bình Quốc tế.
Nguồn: Andrei Kolesnikov, “How
Russians Learned to Stop Worrying and Love the War,” Foreign Affairs,
01/02/2023
No comments:
Post a Comment